dongcong.net
 
 

Suy Niệm của LM Lợi, năm C

ĐIỀU RĂN MỚI

Chúa Nhật V PHỤC SINH, năm C-2019.
Ga 13,31 – 33a.34-35

Con người chúng ta ở trần gian này thường đối xử với nhau theo nhiều mức độ khác nhau. Có những người sống với nhau thật tử tế, thật lịch sự, nhưng có những người lại đối xử với nhau không tốt đẹp lắm. Bởi vì thế giới hôm nay đang sống trong nền văn minh sự chết. Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II khi nói lên điều đó,Ngài muốn gióng lên tiếng nói mạnh mẽ : “ Dù con người sống văn minh, kỹ thuật cao nhưng nếu thiếu tình thương, thiếu lòng quảng đại, thiếu sự trung thực mà chỉ chạy theo hưởng thụ, xác thịt tội lỗi thì thực sự con người đã lâm vào cảnh hư đốn, chết chóc vv…”. Chúa Giêsu đã trăn trối cho các môn đệ và cho tất cả mọi người chúng ta một điều răn mới :” Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em “.

Đức Giêsu trăn trối những lời tâm huyết cho các môn đệ và cho mỗi người chúng ta làm cho tất cả mọi người đều phải suy nghĩ.Chúa Giêsu nhắn nhủ các môn đệ hãy yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương họ. Chúa không nói các môn đệ hãy yêu thương người ngoài, nhưng là yêu thương nhau. Yêu thuong nhau mới là điều quan trọng. Đức Giêsu trước khi công bố giới răn mới này, Người đã cúi xuống rửa chân cho các môn đệ trong đó có cả Giuđa. Đây là cử chỉ vô cùng khiêm tốn của một vị Thầy bởi vì việc rửa chân chỉ dành cho đầy tớ. Rồi trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu còn chấm miếng bánh đầu tiên trao cho Giuđa như là một cử chỉ thân thương Chúa dành cho Giuđa tỏ lòng sám hối, nhưng thực tế, Giuđa đã bỏ ra đi trong đêm tối, đồng lõa với ma quỷ…Chúa Giêsu biết rõ số phận đang chờ đợi mình. Người sẽ hiến mạng sống mình trên Thập giá theo ý Chúa Cha để cứu độ nhân loại, cứu rỗi mỗi người.Đức Giêsu đã yêu ta trước khi truyền lệnh cho ta yêu thương nhau.Khi cảm nghiệm được điều đó ta sẽ nhận ra tình yêu Chúa dành cho ta,nên ta phải yêu thương nhau như Chúa đã yêu thuong ta.

Vâng, dấu hiệu của Đạo Công Giáo là cây Thánh Giá, làm dấu Thánh Giá trước các bữa ăn vv…Nhưng đó mới là dấu hiệu, biểu hiệu nổi của một người theo Chúa. Điều quan trọng nhất mà người ta nhận được nơi các môn đệ là họ yêu nhau. Thực tế, nơi các môn đệ còn rất nhiều rào cản như ích kỷ, ghen tuông, chia rẽ, hận thù. Những rào cản này, nếu các môn đệ không vượt thắng, họ sẽ chưa trở thành môn đệ trung kiên của Chúa Giêsu. Việc truyền giáo đòi hỏi người môn đệ Chúa phải hiệp nhất, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Nếu không việc loan báo Tin Mừng sẽ không có kết quả.Trên thế giới ngày nay, lời truyền của Đức Giêsu :” Xin cho mọi người hiệp nhất nên một “ vẫn là một vấn nạn nhức nhối đối với mọi người.

Việc yêu thương nhau như Chúa yêu thương ta vẫn chưa được mọi người thực hiện một cách rốt ráo vì con người thích chạy theo những thú vui xác thịt, những sự dễ dãi của vật chất, hưởng thụ, mà quên đi cái cốt lõi của Tin mừng là Tình Yêu. Thánh Gioan đã định nghĩa :” Thiên Chúa là Tình Yêu “. Bởi vậy, yêu là tận hiến, là cho đi. Thiên Chúa vì yêu thương con người, nên đã sai Con Một của Người là Đức Giêsu đến nhân loại để mang ơn cứu độ cho nhân loại, cho mỗi người. Qua cái chết tự nguyện trên Thập Giá, Chúa Giêsu đã cho nhân loại biết : “ Ngài yêu thương con người tới cùng là tự hiến thân mình trên Thập Giá vì yêu thương con người “. Đúng như Người đã nói :” Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng sống mình vì người mình yêu” ( Ga 15, 13 ).

Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm lòng tin cho chúng con để chúng con biết thực hiện Lời Chúa trong đời sống chúng con. Amen.

2019

Yêu thương nhau
CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH, năm C-2013
Ga 13,31-33a.34-35

Cả cuộc đời của Chúa Giêsu nói lên Tình Yêu. Ngài đã diễn tả Tình Yêu hoàn hảo, trọn vẹn nhất là cái chết trên thập giá :” Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của Người hiến mạng sống vì người mình yêu “ ( Ga 15, 13 ).Chúa nhật V Phục Sinh cho chúng ta thấy bối cảnh của Nhà Tiệc Ly, chiều Thứ Năm Thánh khi Chúa Giêsu dùng bữa tiệc Vượt Qua cuối cùng với các môn đệ, những người thân tin nhất với Chúa Giêsu. Ngài cho các môn đệ hiểu rõ về tình thương của Ngài đối với họ. Tình thương đòi phải trung thành không phản bội, giờ này Giuđa kẻ phản bội Chúa vẫn đang có mặt, Ngài đã tế nhị vạch mặt kẻ phản lại Ngài và Giuđa đã bỏ ra đi trong bóng đêm. Lúc đó, Chúa Giêsu nói :” Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người “.

Chúa Giêsu luôn hướng về giờ này. Giờ đau thương nhưng lại là giờ tử nạn. Giờ chết nhưng là Giờ Phục Sinh. Mầu nhiệm tử nạn đan quyện Mầu nhiệm sống lại. Thập giá là do sự độc ác của con người bầy ra để đóng đinh, xử tội người khác. Nhưng đối với Chúa Giêsu, Thập giá mang ơn cứu độ cho con người. Thánh giá trở nên vinh quang, khải hoàn. Giờ chết trở thành giờ cứu rỗi. Bóng tối trở nên ánh sáng. Giờ định mệnh xem ra là tang thương, nhưng giờ này lại là giờ vinh hiển bới qua cái chết, Chúa đã đánh bại tử thần. Qua cái chết, và Phục sinh, Chúa đã cứu độ nhân thế. Giờ ăn lễ Vượt qua cuối cùng, Chúa đã bộc bạch tâm tình cho các môn đệ. Ngài gặp gỡ các môn đệ để chia ly với các môn đệ :”Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi “. Chúa tỏ hết tâm hồn yêu thương các môn đệ và rồi Ngài dạy dỗ các môn đệ “ Hãy yêu thương nhau “. Ra đi để chịu chết, Chúa Giêsu không để lại cho các môn đệ của cải, vàng bạc, ruộng vườn vv…Ngài để lại cho các môn đệ một di chúc, một lời trăn trối yêu thương. Đây là giới luật yêu thương. Chúa không chỉ nói với các môn đệ riêng tư là hãy yêu thương nhau nhưng Ngài còn đi xa hơn nữa là dạy cả Giáo Hội phải sống chia sẻ Tình Thương. Chiều thứ năm thánh, Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ một bài học yêu thương :” Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương “. Ở đây không phải chỉ là tình bằng hữu nhưng là tình thương thật sự. Tình thương hiến mạng sống cho nhau.

Tình yêu mà Chúa truyền cho các môn đệ thực hành là tình yêu phát xuất từ Thiên Chúa. Tình yêu không nằm trên môi miệng, trong lời nói mà tình yêu diễn tả bằng chính mạng sống của con người. Do đó, người Kitô hữu càng gắn bó với Chúa, càng mật thiết với Chúa, họ càng yêu thương như Chúa, đặc biệt quan tâm, yêu thương các người nghèo, người neo đơn, cơ nhỡ, tàn tật vv…Các Thánh đã làm gương cho chúng ta về giới luật yêu thương chẳng hạn như Chân Phước Têrêsa Calcutta, Cha thánh Maximialô Kolbê, Thánh Phanxicô Assisi, Thánh Anphongsô vv…Nhiều bác sĩ đã tận tình làm công việc từ thiện bác ái giúp đỡ người nghèo, và những người neo đơn, cơ cực. Nhiều thiện nguyện viên trên thế giới đã lăn xả làm việc không mệt mỏi giúp đỡ những người nghèo khổ, những nơi có bão lụt, thiên tai vv…Đức Bác Ái Kitô giáo không phải là một lời khuyên nhưng là một điều răn mới. Yêu nhau quả thực từ xưa đến nay vẫn đã được con người thực hành, nhưng mới ở chỗ, Chúa Giêsu nói và đã thực hiện là không loại trừ bất cứ ai cả, đặc biệt mới là yêu thương ngay cả kẻ thù :” Ai vả má phải, đưa cả má trái “. Yêu như Chúa yêu. Đó là cái mới của giới luật yêu thương mà Chúa đã dạy cho nhân loại.

Yêu thương là cốt lõi của Tin Mừng Chúa Giêsu. Yêu thương cũng là cốt lõi của Đạo Công Giáo. Bởi vì, Chúa Giêsu đã dạy :” Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã thương các con “. Nơi khác chúng ta đọc thấy :” Cứ dấu này người ta sẽ nhận ra các con là môn đệ của Ta.Đó là các con hãy yêu mến nhau “. Cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi, Sách Công Vụ Tông Đồ thuật lại :” Họ bỏ tất cả làm của chung, cùng nhau cầu nguyện, bẻ bánh…đến nỗi những người chung quanh đều kêu lên :” Kìa xem họ yêu thương nhau “.

Yêu thương là cái tinh túy nhất của Đạo do Chúa Giêsu thiết lập. Liệu chúng ta có sống thực hành đức ái như Chúa đã dạy không và nhiều người khi nhìn vào chúng ta họ có kêu lên:” Kìa xem các Kitô hữu yêu thương nhau “ không ?

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn biết thực hành giới răn của Chúa là yêu thương như Chúa đã yêu thương chúng con. Amen.


GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Chúa ban giới luật yêu thương lúc nào ?
2.Cái mới của giới luật yêu thương do Chúa thiết lập là gì ?
3.Yêu như Thầy yêu là sao ?
4.Yêu thương là gì đối với Đạo Công Giáo ?

May 17, 2019

Yêu thương đích thực
CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH, năm C-2010
Ga 13,31-33a.34-35

Thực tế, giới răn yêu thương không phải là một cái gì mới mẻ và lạ lùng. Cái mới và lạ lùng, chính là Tin Mừng đưa tình yêu lên tầm cao mới, chiều sâu mới. Tình yêu đạt tới đích điểm của nó là hy sinh mạng sống: “Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu “ ( Ga 15, 13 ). Đây xem ra không phải là một việc dễ dàng và đơn sơ, nhưng không phải vì khó khăn, phức tạp, đòi hỏi nhiều hy sinh cố gắng mà chúng ta được miễn trừ yêu thương. Vậy, chúng ta phải sống thế nào để Lời Chúa và giới răn yêu thương của Chúa đi vào cụ thể trong đời sống thường ngày của chúng ta ?

Đức Giêsu Kitô đã từ cõi chết sống lại, Ngài lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha. Ngài phục sinh vinh hiển khi Ngài được tôn phong làm vua vũ trụ vạn vật. Đức Giêsu Kitô cũng được vinh hiển khi Tin Mừng cứu độ của Ngài được rao giảng khắp nơi, qui tụ muôn người tin Ngài làm gia nghiệp, làm cứu Chúa của mình. Một trong khía cạnh phụng vụ và Tin Mừng của thánh Gioan cho chúng ta biết: ” Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con yêu thương nhau “. “ Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em “ ( Ga 13, 34 ). Tình yêu là một mầu nhiệm. Nên, yêu nhau giúp chúng ta trở nên môn đệ Chúa. Yêu nhau là dấu chỉ chúng ta là con của Cha trên trời và yêu nhau là dấu chỉ chúng ta là anh em của nhau. Yêu nhau như Chúa đã yêu là cúi xuống rửa chân cho nhau để noi gương bắt chước Chúa đã khiêm nhượng, đã cúi mình thẩm sâu để làm một công việc của một tên đầy tớ, một tên nô lệ dẫu người đó là một kẻ phản bội như Giuđa Iscariốt. Yêu như Thầy đã yêu là yêu cho đến chết, yêu cho đến cùng…yêu trên thập giá.Yêu như Thầy đã yêu là một tình yêu cao sâu, mầu nhiệm và hoàn toàn linh thánh. Đây không phải là tình yêu vị kỷ nhưng là một tình yêu vị tha, tình yêu hiến dâng, hy sinh cho người khác. Yêu như Thầy yêu là ban chính Mình Máu Thánh để nuôi dưỡng nhân loại, nuôi sống con người. Chúa đã yêu thương nhân loại, yêu thương con người để nêu gương cho chúng con hãy bắt chước Chúa yêu thương anh chị em đồng loại của chúng con.Yêu thương là cốt lõi của Đạo Đức Kitô. Do đó, cái chính yếu của Đạo là tình yêu, cốt lõi của Tin Mừng là tình yêu. Càng gắn bó, càng sống mật thiết với Chúa, càng biết thương mến anh chị em, càng yêu mến người nghèo, người bơ vơ, vất vưởng. Chúa Giêsu trong nhà Tiệc Ly ngày Thứ Năm Thánh đã dạy các môn đệ và nhân loại một bài học sâu xa, bài học để đời:” Yêu thương và yêu thương cho đến cùng, yêu thương đến hy sinh mạng sống, yêu thương đến chết trên thập giá “. Các thánh là những người đã đạt đến trình độ yêu thương như Chúa Giêsu. Các Ngài đã dám tin, đã dám liều mình coi thường mạng sống để yêu thương nhân loại, yêu thương người nghèo. Mẹ Têrêsa thành Calcutta đã nói: ” Chúng con đã được rước Chúa trong Thánh Thể, bây giờ hãy đi sờ đụng Chúa trong người nghèo…”. Đó là tình yêu thật, tình yêu đã trở thành lạ lùng, linh thiêng và mầu nhiệm.

Lạy Chúa, xin ban thêm lòng tin cho chúng con để chúng con luôn biết yêu thương đồng loại, yêu thương người khác như Chúa đã yêu. Amen.
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH C
CHIA SẺ TÌNH THƯƠNG
Ga 13, 31-33a.34-35


Đạo của Chúa Giêsu là đạo tình thương. Người Do Thái nhất là những thượng tế, Pharisiêu và những vị lãnh đạo tôn giáo lúc đó nói nhiều nhưng lại chẳng thực hiện điều họ nói. Họ nói yêu thương nhưng trên môi miệng. Họ tạo ra nhiều điều luật tỏ vẻ để tôn kính Chúa và yêu đồng loại. Kỳ thực, họ chỉ chất lên vai người khác những gánh nặng nhưng thực chất họ chẳng thực hiện điều gì cả. Chúa Giêsu khác hẳn các vị có chức có quyền trong đạo Do Thái. Người đến ban cho nhân loại một giới răn mới :” Hãy yêu như Thầy yêu “. Đạo tình thương là như thế. Yêu như Chúa yêu. Đó là giới răn Chúa trao cho các môn đệ và nhân loại.

BỐI CẢNH CỦA ĐẠO TÌNH THƯƠNG:

Thánh Gioan trong trích đoạn Tin Mừng này mô tả bữa tiệc cuối cùng Chúa Giêsu và các môn đệ cử hành trong căn nhà Tiệc ly. Giuđa Iscarốt còn hiện diện ở đó. Bầu khí căn phòng ngột ngạt, buồn thảm khi kẻ phản bội đang có mặt ở đó. Chúa đã vô cùng tế nhị vạch mặt kẻ phản bội, lừa Thầy, phản bạn, bán Thầy. Giuđa nhận ra điều đó, y đứng dậy đi ra:” Trời đã tối”. Giuđa đi ra trong bóng tối, đồng loã với tội lỗi, với ma quỉ. Chúa Giêsu như trút được gánh nặng, tình thương Người trao ban cho các môn đệ, giờ đây không còn bị dầy vò bởi kẻ phản bội, Người kêu lên:” Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người”( Ga 13, 31 ). Cả cuộc đời của Chúa Giêsu hướng về giờ này. Đây là giờ cứu rỗi. Giờ của thập giá. Giờ của vinh hiển. Giờ của ánh sáng và giờ của bóng tối. Giờ của vinh quang vì Chúa chiến thắng tử thần. Do đó, Chúa bộc bạch tất cả nỗi niềm của mình và trao ban cho các môn đệ luật tình yêu. Ngài nói với các môn đệ:”Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi”( Ga 13, 33 ). Giới luật yêu thương mà Chúa trối lại cho các môn đệ và nhân loại là một lời di chúc thiêng liêng. Yêu người sẽ gặp Chúa và yêu Chúa sẽ gặp người. Hội Thánh của Chúa ở trần gian phải là Hội Thánh:” Yêu như Thầy yêu”.

HÃY YÊU THƯƠNG NHAU NHƯ THẦY ĐÃ YÊU:

Lời trăn trối của Chúa Giêsu trong nhà Tiệc Ly năm xưa phải là kim chỉ nam cho mọi người Kitô hữu muôn thời. Chúa muốn lời di chúc của Chúa trong ngày thứ năm thánh phải giúp các môn đệ khăng khít sống hòa hợp, hiệp nhất với nhau và tình bác ái yêu thương phải là mối giây ràng buộc mọi người. Cử chỉ rửa chân cho các môn đệ mà Chúa thực hiện trong bữa ăn cuối cùng là bài học khiêm nhượng, yêu thương sâu thẳm Chúa làm gương cho các môn đệ. Bí Tích Thánh Thể, Ngài thiết lập trong nhà Tiệc Ly năm xưa nói lên tình yêu vô bờ của Chúa đối với nhân loại. Đức bác ái yêu thương dẫn các môn đệ và nhân loại liên kết trong tiệc Thánh Thể gợi lên hình ảnh tình thương vô biên của Chúa:” Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”( Ga 13, 34 ). Các môn đệ và Kitô hữu càng sống mật thiết với Chúa, càng thấy mình gần gũi anh em, đặc biệt những người nghèo, những người ốm đau tật nguyền vv…Chúa đã chẳng nói:” Hãy cho kẻ đói ăn, kẻ khát uống, kẻ rách rưới mặc, kẻ tù đầy thăm viếng”. Khi làm những hành động ấy, những cử chỉ ấy là làm cho chính Chúa sao! Gương Đức Cha Gioan Cassaigne giữa những người cùi ở Di Linh, những linh mục truyền giáo ở giữa những người Dân Tộc thiểu số nghèo hèn, gương Mẹ Têrêsa Calcutta giữa những người hấp hối vv…Tất cả những cử chỉ, những nghĩa cử cao quí ấy là thực hiện đạo tình thương của Chúa giữa thế giới đầy hận thù và tranh chấp. Cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi đã thực hiện đức bác ái yêu thương, đến nỗi ai nhìn vào họ cũng phải ngạc nhiên thốt lên đầy cảm phục:” Kìa xem họ yêu thương nhau biết bao”.” Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến” (Cv 2, 4 ). Thiết tưởng, người Kitô hữu trong Giáo Hội hôm nay cũng phải sống sao để bộ mặt yêu thương của Chúa luôn được rõ nét, nổi bật và như cộng đoàn tín hữu tiên khởi :” Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ”( Cv 2, 47 ).

Lạy Chúa Giêsu, xin củng cố đức tin cho chúng con để chúng con luôn biết yêu thương nhau như Thầy đã yêu (Ga 13, 34 ). Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi, DCCT

Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

 

 

 

 
     

Tỉnh Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)