Can đảm chấp nhận lỗi lầm
Chúa Nhật 4 thường niên năm C
Suy niệm Tin Mừng Luca (Lc 4, 21-30)
Hôm ấy, Chúa Giê-su trở về quê hương Na-da-rét. Vì ưu ái người đồng hương, Người tỏ cho họ biết vai trò và sứ mạng của Người là Đấng được Thiên Chúa xức dầu, được sai đi loan Tin Mừng cho người nghèo khó…với hy vọng là những người đồng hương cốt nhục của mình sẽ sẵn lòng đón nhận Tin Mừng cứu độ.
Thế nhưng, vì in trí rằng Chúa Giê-su chỉ là một anh thợ mộc bình thường con của bác thợ Giu-se, bà con thân thích của Người đâu có ai sáng giá... nên họ đã không tin vào Người. Họ đã để tuột khỏi tầm tay một cơ hội ngàn vàng, đã đánh mất hồng ân vô giá.
Để cảnh tỉnh họ, Chúa Giê-su chỉ cho họ thấy chỉ vì tổ tiên họ ngày trước đã không đón nhận các ngôn sứ Thiên Chúa gửi đến, nên đã đánh mất những ân huệ lớn lao. Cụ thể là vào thời ngôn sứ Isaia, khi trời hạn hạn suốt ba năm sáu tháng, dân Ít-ra-en phải lâm vào cơn đói khát trầm trọng, vậy mà ngôn sứ Isaia được sai đến, không phải để cứu giúp các bà goá trong dân Ít-ra-en thời đó, mà là để cứu đói cho hai mẹ con bà goá ngoại giáo nghèo khổ thành Xa-rép-ta, miền Xi-đôn.
Một sự kiện khác tương tự là vào thời ngôn sứ Ê-li-sa, đang khi có nhiều người phong cùi trong dân Israen cần được cứu chữa, thế mà không ai trong bọn họ được vị ngôn sứ chữa lành, ngoại trừ tướng Na-a-man ngoại giáo, người nước Sy-ri.
Thế nhưng, những lời cảnh tỉnh của Chúa Giê-su không làm cho họ tỉnh ngộ, trái lại càng khiến họ oán ghét Người khủng khiếp!
Họ nổi cơn phẫn nộ chỉ vì Người đã chỉ cho họ thấy những sự thật phũ phàng liên quan đến họ. Họ nhất tề đứng dậy, xông vào túm lấy Chúa Giê-su, lôi Người ra khỏi hội đường rồi kéo ra khỏi thành.
Thế mà vẫn chưa hả giận, họ còn kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực, cho Người nát thịt tan xương, để vĩnh viễn loại trừ Người khỏi cuộc sống, vì Người đã dám nói lên sự thật, một sự thật phũ phàng liên quan đến họ...
Ôi, khủng khiếp thay cơn giận của đám dân thành Na-da-rét!
* * *
Cái tôi kiêu căng tự phụ trong mỗi người là nguyên nhân chính khiến người ta nổi giận với những ai chỉ lỗi cho mình. Cái tôi tự phụ nầy đã khiến con người trở nên mù tối trước những lầm lỗi của mình và tìm cách biện minh cho những sai trái của mình đủ mọi cách, kể cả việc dập tắt tiếng nói của người chỉ lỗi cho mình.
Nếu ngôi nhà chúng ta đang bị bén lửa từ phía sau, bỗng có người phát hiện và báo cho ta biết để kịp thời chữa cháy, hẳn chúng ta sẽ rất biết ơn người ấy và cấp tốc chữa cháy cho ngôi nhà.
Còn nếu trong hoàn cảnh đó, thay vì cám ơn và lo chữa cháy, chúng ta lại quay ra căm giận, hành hung người báo cháy cho mình thì thật là điên rồ không thể chấp nhận được.
Thói hư tật xấu và những đam mê tội lỗi cũng là những ngọn lửa âm ỉ đốt cháy đời mình mà chúng ta không hay biết. Vậy nếu có ai đó báo cho chúng ta biết lỗi của mình, tức là báo cho biết có 'lửa' đang bén vào 'căn-nhà-cuộc-đời' của ta, thì đừng phẫn nộ với người đó như người dân thành Nadarét năm xưa. Cần biết ơn họ sâu sắc vì nhờ họ cảnh báo mà chúng ta biết được những 'ngọn-lửa-lầm-lỗi’ âm ỉ đốt cháy cuộc đời mình, để rồi cấp tốc cứu đời mình khỏi cháy.
* * *
Lạy Chúa Giê-su, xin cho Lời Chúa soi dọi vào những ngóc ngách đen tối trong tâm hồn chúng con để vạch cho chúng con thấy những sự thật đen tối trong đời mình, để nhận ra cái TÔI của mình thật tăm TỐI, nhiều khi rất TỒI và cũng lắm TỘI.
Xin cho chúng con can đảm lắng nghe những lời phê bình chân thực của người khác mà không tìm cách biện minh hay chống chế.
Xin cho chúng con dám nhìn thẳng vào những thói xấu của mình, gọi đúng tên chúng, quan sát cách vận hành hay biểu lộ của chúng qua hành vi, lời nói, và cách cư xử hằng ngày của chúng con...
May ra lúc đó, chúng con mới có thể cải thiện và đổi đời.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà- dongcong.net
CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 4 THƯỜNG NIÊN NĂM C2016
Lời Chúa:Gr 1, 4-5, 17-19;1 Cr 12, 31 - 13, 13;Lc 4, 21-30
Lc 4, 21-30:
"...Khi ấy, Chúa Giêsu bắt đầu nói trong hội đường rằng:
"Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe".
Mọi người đều làm chứng cho Người và thán phục Người về những lời từ miệng
Người thốt ra, và họ nói: "Người này không phải là con ông Giuse sao?" .
Và Người nói với họ: "Hẳn các ngươi sắp nói cho Ta nghe câu ngạn ngữ này:
'Hỡi thầy thuốc, hãy chữa lấy chính mình!' Điều chúng tôi nghe xảy ra ở Capharnaum,
ông hãy làm như vậy tại quê hương ông'".
Người nói tiếp: "Quả thật, Ta bảo các ngươi, không một tiên tri nào được đón tiếp
tại quê hương mình. Ta bảo thật với các ngươi, đã có nhiều bà goá trong Israel
thời Elia, khi trời bị đóng lại trong ba năm sáu tháng, khi nạn đói lớn
xảy ra khắp trong xứ; dầu vậy, Elia không được sai đến cùng một nguời nào
trong các bà đó, nhưng được sai đến bà goá tại Sarepta thuộc xứ Siđon.
Cũng có nhiều người phong cùi trong Israel thời tiên tri Elisêô,
thế mà không người nào trong họ được lành sạch cả, ngoại trừ Naaman,
người Syria".Khi nghe đến đó, mọi người trong hội đường đều đầy căm phẫn,
họ chỗi dậy và trục xuất Người ra khỏi thành. Họ dẫn Người lên triền núi,
nơi xây cất thành trì của họ, để xô Người xuống vực thẳm.
Nhưng Người rẽ qua giữa họ mà đi..."
Đó là lời Chúa.
+/Trở lại quê hương, Sau nhiều năm xa cách ngôi làng(Transkei)
nơi ông đã sinh ra và lớn lên,
Nelson Mandela của nước NAM PHI có dịp trở lại đó.
Lúc bấy giờ ông đã là một luật sư có nhà cửa ở thủ đô Johannesburg.
Ông đã ghi lại cảm tưởng như sau:
"Trở lại một nơi chẳng có gì thay đổi để khám phá ra rằng mình đã đổi thay.
Quê hương thì vẫn như xưa, chẳng có gì khác hơn hồi mình sinh ra và lớn lên ở đó.
Nhưng tôi nhận ra rằng suy nghĩ và cách nhìn của mình đã khác xưa rất nhiều".
Vì thế Nelson Mendela rất hạnh phúc khi trở về thăm lại quê cũ, nhưng ông không ở lại đó,
vì nó đã trở thành quá chật hẹp đối với ông.
-Có lẽ cảm nghĩ của Chúa Giêsu cũng giống như thế khi Ngài trở về Nadarét.
Những người đồng hương của Ngài chẳng có gì thay đổi :
họ vẫn mãi coi Ngài là con bác thợ mộc chứ không phải là Đấng Messia;
họ vẫn quen lối suy nghĩ hẹp hòi cho rằng ơn cứu độ là đặc ân của người do thái,
chứ không thể chấp nhận rằng mọi người đều được hưởng ơn cứu độ.
Chúa Giêsu trở về quê hương để mang cho đồng hương của Ngài một sự đổi mới.
Tuy nhiên họ không chịu thay đổi. Vì thế nên Ngài không thể ở lại quê hương,
Ngài đành ra đi, tiếp tục đến những nơi khác.
+/Thành kiến,có một bà tên là Anna,Với thành kiến sẵn có đối với những người da đen,
bà cho họ là những kẻ lười biếng, trộm cắp, nghiện ngập,
độc ác và giết người không gớm tay.
Bà luôn lưu ý những nơi mình đi qua và mỗi lần thấy bóng dáng một người da đen
là bà lánh sang nơi khác.Một hôm bà vừa bước vào thang máy
thì một bóng người da đen to lớn cùng bước vào đóng ngay cửa lại
làm bà không thể trở lui, bà chết điếng người và té xỉu.
Khi Tỉnh dậy nơi nhà thương, bà rất lấy làm hổ thẹn khi biết được rằng
chính người da đen cùng đi trong thang máy với bà là một ca sĩ nổi tiếng(tên là Vicky).
Anh được mọi người mộ mến và chính anh đã đỡ bà khi té xỉu và đưa đến nhà thương.
-Thành kiến làm chúng ta ra mù quáng không thể nhận diện được thực tại
về những người chúng ta gặp thường ngày một cách đúng sự thật.
Những người làng Nagiarét thời Chúa Giêsu cũng mắc phải khuyết điểm như bà Anna.
+/Lời Chúa:
-Tin Mừng (Lc 4,21-30),hôm nay nói về hoạt động của Chúa Giêsu ở Nadarét quê hương của Ngài:
1. Ngày Sabát, Ngài vào hội đường, dựa trên đoạn sách Isaia để công bố chương trình hành động của Ngài.
Đó là mang Tin Mừng và ơn cứu độ cho những người nghèo khổ.
2. Bài giảng đã gây hứng khởi trong lòng thính giả. Họ thầm mong rằng,
vì tình đồng hương, Ngài sẽ ưu tiên làm phép lạ cho họ. Nhưng Ngài đã từ chối,
bởi vì Ngài là Đấng cứu độ của mọi người chứ không của riêng ai.
3. Thất vọng, dân Nadarét đã trục xuất Ngài khỏi thành và còn muốn giết Ngài.
-Bài đọc I (Gr 1,4-5,17-19),
Ngôn sứ Giêrêmia tự thuật về việc Thiên Chúa gọi ông làm ngôn sứ.
Giêrêmia không muốn làm ngôn sứ chút nào,
vì ông biết mình không có khả năng,
và ông cũng ý thức rằng ông sẽ gặp rất nhiều chống đối và đau khổ vì nhiệm vụ ấy.
Nhưng vì tin tưởng vào sự trợ giúp của Chúa nên ông đã can đảm đáp lại lời Chúa gọi.
-Bài đọc II (1 Cr 12,31-13,13),
Sau khi giải thích cho tín hữu Côrintô về các đặc sủng nhằm phục vụ cộng đoàn
(Chúa nhật trước), Thánh Phaolô nói đến ân sủng cao quý nhất trong mọi ân sủng,
đó là Đức Mến.Đức Mến làm cho các ơn khác có giá trị thực
("Giả như tôi có nói được các thứ tiếng… mà không có đức mến
thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chủm choẹ xoang xoảng").
Đức Mến cao trọng hơn mọi nhân đức khác
("Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là Đức Mến").
+/Gợi ý suy nghĩ:
1. Vì thấy Đức Giêsu là đồng hương, dân Nadarét nghĩ Người có bổn phận chiếu cố đến họ trước.
Đức Giêsu đã thẳng thắn đánh tan ngộ nhận này.
Sự sai lầm của người Nadarét, và người tín hữu vẫn có thể mắc phải,
khi nại ra tư cách đã được rửa tội, đã sống đạo lâu năm
(là người “đạo dòng, đạo gốc”), đã đóng góp nhiều cho Giáo Hội bằng công sức và của cải…
Thiên Chúa hoàn toàn tự do ban phát các ân huệ cho bất cứ ai, như và khi Ngài muốn.
Trước mặt Thiên Chúa, chúng ta mãi mãi là những con người nghèo hèn, bất xứng,
luôn luôn cần được Ngài chiếu cố đến.
2. Bằng cách nêu bật sứ mạng của hai ngôn sứ Êlia và Êlisa,
Đức Giêsu cho hiểu rằng hoạt động của Người cũng nhằm chiếu cố đặc biệt đến Dân ngoại.
Đó là điều Đức Giêsu còn chứng tỏ khi đến sống tại Caphanaum, một thành đầy người ngoại giáo.
-Ở đây sứ mạng của người Kitô hữu được phác họa ra,ta cũng được sai đi
để chuyển trao ân phúc của Thiên Chúa cho Dân ngoại,
như Đức Giêsu ngày trước, và như thế,
chương trình sống của Đức Giêsu được công bố tại Nadarét,
cũng phải là chương trình sống của mỗi Kitô hữu.
3. Với việc dân Nadarét từ khước Đức Giêsu,
bắt đầu tiến trình kết án sẽ đưa Người đến thập giá.
Nhưng chính lập trường của Đức Giêsu củng cố niềm tin của chúng ta.
Người chính là Đấng Mêsia đích thực của Thiên Chúa,
một Đấng Mêsia không vận dụng quyền lực mình để thực hiện một hoàn cảnh cứu độ trần thế,
nhưng đặt tại trung tâm sứ điệp về Thiên Chúa.
Như thế, khi sống trong một hoàn cảnh khó khăn,
cùng quẫn, ta có thể đặt trọn niềm tin nơi Ngài,
bởi vì chính Ngài sẽ ban cho chúng ta ơn cứu độ trọn vẹn.
4. Trong tư cách là Con Thiên Chúa, với uy quyền lớn lao nhất,
Đức Giêsu loan báo Tin Mừng cho người nghèo.
Là Đấng sống một cuộc sống nghèo,
Đức Giêsu chính là lời chuẩn nhận rằng Thiên Chúa dủ thương
chiếu cố đến những người nghèo.
Đức Giêsu quy hướng niềm hy vọng của loài người không vào của cải trần thế,
nhưng vào lòng nhân lành của Thiên Chúa.
5. Đức Giêsu nói năng tự do bởi vì Người không lo lắng tìm kiếm thành công riêng tư hay lợi lộc,
hoặc tránh né tiếng xấu có thể lan tỏa đi các làng phụ cận,
hoặc mất sự tín nhiệm nơi các thính giả.
Người chứng tỏ là một nhà rao giảng có tinh thần hoàn toàn tự do.
Người cho thấy có một tầm nhìn bao trùm thế giới,
nhìn tới các chân trời của chính Thiên Chúa.
6-Nhiều lần ta giống như người đồng hương của Chúa Giêsu,
tự hào mình là người đạo dòng, đạo gốc,
hay đòi hỏi Chúa phải làm theo ý của ta thay vì ta theo ý Chúa.
Hay khi ta dễ chán nản, bất mãn,khi xin ơn mà chưa được hay không được,
ước mà không thấy,hay là ta bắt Chúa phục vụ ý riêng của ta...Amen
L.M G.B Nguyễn Ngọc Nga
Nhà Thờ Giáo Xứ Tân Sơn,
Xóm Con Phượng-Khối 3,
Thị Trấn Nghèn-Huyện Can Lộc-Tỉnh Hà Tĩnh-Việt Nam
Di động :0912487646
jbngocnga@gmail.com
LỜI CHÚA PHÁN:
-"AI VUI VẺ DÂNG HIẾN THÌ ĐƯỢC CHÚA YÊU THƯƠNG"(2Cr 9,7b)
-“Cho thì có phúc hơn là nhận"(Cv 20,35)
-“Chẳng ai có thể nhận được gì mà không do Trời ban”(Ga 3,27)