dongcong.net
 
 

suy niệm mùa chay

CÒN LẠI GÌ SAU CÁI CHẾT?
CHÚA NHẬT LỄ LÁ, NĂM C-2022
By Lm. JosTạ Duy Tuyền

Có một nhật ký sau khi chết viết rằng:  “Vào một ngày, khi người không còn nữa, đứng cạnh thân xác đang nguội lạnh, cứng đờ... Người ghét ta, nhảy múa vui mừng, người thương ta, nước mắt rưng rưng.

- Ngày Động Quan...thân thể ta nằm sâu dưới lòng đất. Người ghét ta, nhìn nấm mộ niềm vui hiện rõ. Người thương ta, chẳng nỡ quay đầu nhìn lần cuối. 

- Vài Chục Năm Sau...nấm mộ của ta hoang tàn không người nhang khói, quan tài nơi ta nằm đã mục nát, chỉ còn một mảng hoang vu. Người ghét ta, đã già lú cũng quên ta rồi. Người yêu thương ta, cũng tiếp bước ta đi vào nấm mộ. 

- Ta nhận ra sống trên đời này, bất luận là giàu sang phú quý hay bần tiện nghèo nàn. Khi nhắm mắt, xuôi tay phải bỏ lại tất cả, trả hết cho đời. Cái ta mang theo được, chính là cái ta đã cho đi là đạo đức là sự lương thiện. Bất giác ta có chút ân hận, lòng lâng lâng một nỗi buồn khó tả, cứ da diết, da diết mãi không thôi. Bao nhiêu phồn hoa, thoáng qua phút chốc. Trăm năm sau, chỉ còn lại một nắm nấm mộ vô danh. Cuộc đời như nước chảy hoa trôi, lợi danh như bóng mây chìm nổi, chỉ có tình thương ở lại đời. 

"Đã biết chốn này là quán trọ...
Hơn thua hờn oán để mà chi... 
Thử ra ngồi xuống bên phần mộ. 
Hỏi họ mang theo được những gì".

Chúa Giê-su trong thân phận con người cũng trải qua những sóng gió thị phi do những người tham lam, ghen ghét, đố kỵ tìm muôn ngàn cách hãm hại.  Cuộc sống tranh giành hơn thua, thoáng chốc đã chỉ là cát bụi. Con người đối với nhau lại thường xuyên ganh đua, đấu đá, trong “tình, danh, lợi” mà ngày đêm hao tâm tổn chí, cuối cùng mang theo được những gì?

Bài Thương Khó hôm nay gợi lại cho chúng ta những khuôn mặt góp phần vào cái chết của Chúa Giê-su. Họ là những biệt phái, những Phariseu vì lòng ghen ghét, đố kỵ mà tìm cách kết án người công chính. Họ là những quan lại quyền bính nhưng thỏa hiệp với cái ác để mặc cho công lý bị chà đạp và sự bất công lên ngôi. Họ là đám đông dân chúng thấy lợi thì tung hô, khi thấy không được như ý lại quay đầu kết án người vô tội. Họ là những Thầy cả Lê-vi chú tâm vào đền thờ nhưng lại vô cảm trước bất công .. . .

Những con người ấy hôm nay cũng trở về cát bụi nhưng linh hồn về cõi hằng hữu. Liệu họ có vui không khi về cõi đời sau mang theo trong mình một tội danh trực tiếp hay gián tiếp về cái chết của người công chính?

Dầu đứng trước một rừng người vô cớ kết án tử cho mình, Chúa Giê-su vẫn luôn bình tĩnh trước mọi biến cố. Dường như Ngài đã không tìm cách lẩn trốn trước những gì đang diễn ra. Ngài bình thản đi vào tuần thương khó mà Thánh Kinh bảo rằng: “để mọi sự được nên trọn”.

Vâng, Chúa Giê-su Ngài đã bình thản trước mọi biến cố vì Ngài muốn để thánh ý Chúa Cha nên trọn. Ngài biết những cam go trước mắt, thế nhưng, Ngài vẫn mạnh dạn tiến lên Giê-ru-sa-lem. Ngài biết ở đó bản án đang chờ Ngài, nhưng “Giờ” để biểu lộ tình yêu đã tới. Giờ đã điểm. Ngài phải lên Giê-ru-sa-lem để thi hành thánh ý Chúa Cha là hiến tế cứu độ gian trần. Đây là động lức khiến Ngài can đảm đối diện khó khăn. Đây cũng là cách nói lên lòng trung thành của Ngài với thiên ý nhiệm màu.

Xin Chúa giúp chúng ta bước vào tuần thương khó với tâm tình sám hối ăn năn, vì có những lần chúng ta cũng thay lòng đổi dạ để kết án Ngài, cũng có những lần chúng ta bỏ rơi Ngài. Nhưng tình yêu của Chúa vẫn mãi dành cho chúng ta. Xin cho chúng ta đừng bao giờ phụ bạc ân tình mà Chúa vẫn dành cho chúng ta. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền 2022

https://www.youtube.com/watch?v=rRbWXC0qjww

 

Con người tham sống sợ chết

Chúa Nhậr Lễ Lá 2016

Chuyện kể rằng: Đôi trai gái đang đi dạo trong thảo cầm viên. Chàng nắm tay nàng nhẹ nhàng nói: “Anh sẽ không bao giờ buông tay em ra đâu. Cho dù có chết anh vẫn bảo vệ em”.

Thình lình một con cọp sổng chuồng nhảy bổ ra. Chàng trai hốt hoảng nhảy thót lên  cây. Còn cô gái sợ hãi nằm bất động. Rất may con cọp chỉ đến ngửi trên mình cô gái rồi bỏ đi. Sau khi con cọp đi rồi, chàng trai mới chạy đến đỡ cô gái dậy và hỏi: “Con cọp nó nói gì với em đó”.

Cô gái trả lời: Nó nói anh là thằng đểu!

Tham sống sợ chết là lẽ thường tình của con người. Cho dù có những người thề sống chết bên nhau nhưng khi đối diện với gian nan, họ cũng tìm trăm ngàn lý do để hủy lời đoan hứa. Đó là lý do chúng ta thấy con người thường dễ quên lời hứa, dễ thất hứa, thất tín và thất trung.

Có biết bao người yêu nhau thật nồng nàn, thề hứa đủ điều nhưng khi lấy nhau họ lại bỏ quên nhau và sớm quên đi những lời đã hứa cho nhau.

Có biết bao người có chức có quyền chỉ hứa xuông khi tranh cử, nhưng khi ngồi trên ghế họ chỉ lao vào kiếm tiền và củng cố địa vị của mình mà bỏ quên lời hứa với nhân dân.

Có biết bao người đã từng hứa có ăn có hưởng, hoạn nạn có nhau nhưng họ chỉ gần nhau khi thành công và bỏ rơi nhau khi gặp gian nguy.

Chúa Giê-su trong thân phận con người, Ngài cũng cảm thấy đau khổ vì bị đồ đệ bỏ rơi, người thân quay lưng chống đối. Biết bao lời hứa đã từng cam kết sẽ uống cạn chén đắng cùng Thầy, sẽ theo Thầy cho đến cùng, nhưng những lời hứa ấy chỉ như gió thoảng mây bay. Ngài hiểu thật sâu xa tính mỏng dòn của tình người. Tình người dễ phôi phai. Lòng người dễ thay đồi. Nhưng, dầu vậy, Ngài vẫn trung thành với tình yêu của mình. Ngài vượt qua mọi trở ngại để dấn thân cho người mình yêu. Ngài mãi mãi trung tín trong tình yêu vì đã yêu thì “yêu cho đến cùng”.

Thánh lễ hôm nay cũng họa lại hai hình ảnh trái ngược trong một tuần thương khó. Khung cảnh ban đầu là đoàn rước thật long trọng, hồ hởi với đàn hát, với trải lá lót đường . . . ; Khung cảnh sau là phiên tòa kết án, với lời thóa mạ, với đòn roi, với án tử. Xuyên suốt hai khung cảnh ấy là hình ảnh Chúa Giê-su luôn bình tĩnh trước mọi biến cố. Dường như Ngài đã không tìm cách lẩn trốn trước những gì đang diễn ra. Ngài bình thản đi vào tuần thương khó mà Thánh Kinh bảo rằng: “để mọi sự được nên trọn”.

Vâng, Chúa Giê-su Ngài đã bình thản trước mọi biến cố vì Ngài muốn để thánh ý Chúa Cha nên trọn. Ngài biết những cam go trước mắt, thế nhưng, Ngài vẫn mạnh dạn tiến lên Giê-ru-sa-lem. Ngài biết ở đó bản án đang chờ Ngài, nhưng “Giờ” để biểu lộ tình yêu đã tới. Giờ đã điểm. Ngài phải lên Giê-ru-sa-lem để thi hành thánh ý Chúa Cha là cứu độ gian trần. Đây là động lức khiến Ngài can đảm đối diện khó khăn. Đây cũng là cách nói lên lòng trung thành của Ngài với thiên ý nhiệm màu.

Xin Chúa giúp chúng ta bước vào tuần thương khó với tâm tình sám hối ăn năn, vì có những lần chúng ta cũng thay lòng đổi dạ để kết án Ngài, cũng có những lần chúng ta bỏ rơi Ngài. Nhưng tình yêu của Chúa vẫn mãi dành cho chúng ta. Xin cho chúng ta đừng bao giờ phụ bạc ân tình mà Chúa vẫn dành cho chúng ta. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền


Giờ Cứu Độ

Chúa nhật lễ lá, năm C

Cuộc đời Chúa Giê-su dường như luôn chuẩn bị cho Giờ của Thiên Chúa. Giờ cứu độ. Giờ mà chính Chúa sẽ hiến mình làm của lễ dâng mình cho Chúa Cha và để cứu độ trần gian. Chúa đã từng nói “chính vì Giờ này mà Ta đến trong thế gian”. Và cuộc đời của Chúa Giê-su dường như lúc nào cũng có bóng thập giá. Thập giá đã thấp thoáng ngay từ ngày Chúa sinh ra. Hê-rô-đê đã kết án tử cho Chúa. Trong suốt ba năm rao giảng tin mừng, bóng thập giá luôn lấp ló trên mọi hành trình Chúa đi qua.

Nét đẹp nơi Chúa Giê-su khi phải đối diện với Giờ cứu độ chính là thái độ cương quyết dấn thân của Chúa Giê-su. Ngài không chùn bước. Ngài không sờn lòng. Ngài vẫn mạnh dạn tiến về phía trước. Ngài đã từng nhiều lần mời gọi các môn đệ: “nào chúng ta cùng lên Giê-ru-sa-lem”. Ngài biết rằng ở đó có thập giá, có khó khăn, có đau khổ đến với Ngài. Nhưng Ngài vẫn tiến bước, vì đó là sứ vụ của Ngài. Đó cũng là điều đẹp lòng Chúa Cha. Dầu trên hành trình này, Ngài đã tiến bước trong cô đơn. Dầu chẳng ai đủ can đảm theo Ngài, nhưng Chúa Giê-su vẫn phải uống chén đắng để vui lòng Chúa Cha.

Trong tin mừng hôm nay, thánh Luca đã miêu tả Chúa Giê-su thật sự cô đơn trong 12 giờ cuối cùng của cuộc đời. Các môn đệ ngủ vùi trong vườn cây Dầu và bỏ chạy khi đối diện với gian nguy. Các thành viên của thượng hội đồng Do Thái chống đối, âm mưu làm hại, môn đệ Giuđa phản bội, và cố gắng của Phêrô đã cố đi cho tới bên trong dinh thượng tế, nhưng đáng tiếc, ông không bênh vực Thầy mà đã chối bỏ Thầy mình, không chỉ một lần mà là 3 lần, dù rằng ông đã được nhắc trước về những gì sẽ đến với ông. “Ngay trong đêm nay khi gà chưa kịp gáy con đã chối Thầy 3 lần”.

Nhưng vượt lên trên sự bỏ rơi của các môn đệ, sự cô lập của các thế lực thù địch đó là thái độ bình thản của Chúa Giêsu trước các biến cố. Ngài hoàn toàn tự do để có thể lẩn tránh hay đón nhận. Ngài có thể khước từ chén đắng, nhưng Ngài đã đón nhận trong tinh thần vâng phục thánh ý Chúa Cha. Tuy nhiên khi giờ đã đến, Ngài vẫn cảm thấy hãi hùng, xao xuyến. Ngài sợ hãi, vì viễn tượng chết vẫn vượt qúa những dự phóng của con người nên Ngài đã phải cầu nguyện. Cầu nguyện trong cô đơn, sợ hãi đến nỗi mồ hôi máu bịn rịn nơi thân thể Ngài. Qua đây ta thấy rõ hơn nhân tính của Ngài. Vì con người là yếu tố bất định trong lịch sử. Do đó Chúa Giêsu cũng không thể biết được ngày mai ra sao. Dòng đời sẽ xô đẩy Ngài đi đến đâu. Thực vậy, nếu Ngài biết thì không còn là con người nữa. Tất cả những gì đang diễn ra, Ngài đều phải cầu nguyện để tìm hiểu thánh ý Chúa Cha. Đây quả là giờ của đau khổ, giờ của hãi hùng, giờ bị mọi người khước từ. Đây quả là chén đắng của cuộc đời. Chén chua chát bị ruồng bỏ, của nhạo báng, của cái chết, đến nỗi Ngài đã nại đến quyền năng vô biên của Cha: “Cha có thể làm mọi sự, xin cho con khỏi uống chén này”, nhưng khi hiểu được đâu là thiên ý Ngài lại tiếp tục bình thản “xin đừng theo ý con, một xin vâng ý Cha”.

Cuộc đời hôm nay vẫn còn đó những bóng tối của lòng người, khi chúng ta nuôi dưỡng hận thù, tìm cách hãm hại anh em. Dòng đời hôm nay vẫn còn đó những con người công chính, lương thiện bị trù dập và cô lập giữa xã hội mà công bình bác ái đã không còn công minh. Đồng tiền và quyền lực đã làm cán cân công lý bị bẻ gẫy. Người công chính, kẻ lương thiện vẫn là nạn nhân của bất công, gian dối và tham lam. Biết bao người đã để cho bóng tối của lòng tham nổi loạn đến nỗi chà đạp lương tri và nhân phẩm của bản thân và đồng loại. Con người ngày nay vẫn nhân danh hạnh phúc của riêng mình để kết án tử hình người khác, nhất là các thai nhi vô tội. Biết bao cha mẹ đã viện ra nhiều lý do để loại trừ những đứa con trong lòng mình một cách dửng dưng đáng sợ. Con người chỉ vì lòng tham, chỉ vì tính ghen tỵ, chỉ vì thói kiêu căng giả hình vẫn đang tìm cách làm hại cuộc đời của nhau. Bao lâu chúng ta còn nuôi dưỡng những ý đồ bất chính, những thủ đoạn gian tham, những ích kỷ nho nhen là bấy lâu vẫn còn đó những con người lương thiện bị đe doạ, bị hành hạ và loại trừ.  Và như thế, Đức Kytô vẫn lại phải chịu những bản án bất công mà con người dành cho Chúa. Đức Kytô vẫn tiếp tục bị cô đơn và khước từ giữa dòng đời này.

Hôm nay ngày khởi đầu tuần thương khó, mỗi người chúng ta hãy rà xét lại lối sống của mình để ăn năn thống hối về lời nói việc làm của mình, dù là vô tình hay hữu ý đã và đang gây đau khổ cho người khác. Nguyện xin Đức Giêsu, Đấng đã chết vì tội lỗi chúng ta ban ơn tha thứ và giúp chúng ta chỉnh sửa lại lối sống của mình cho xứng với lòng ăn năn sám hối. Amen.

Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền - dongcong.net

April 7, 2022

 

 
     

Tỉnh Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)