suy niệm Phục Sinh
Chúa Phục sinh và vụ cháy nhà thờ Đức Bà
Chúa nhật phục sinh năm C-2019
Sau trận hỏa hoạn kinh hoàng thiêu cháy nhà thờ Đức Bà Paris (Pháp), nhiều người tự hỏi tại sao Thiên Chúa lại để mặc nó xảy ra mà không làm gì cả?
Đó là một thắc mắc tương tự hậu biến cố 11 tháng 9 năm 2001 tại Mỹ, khi đó, con gái của một vị giảng thuyết nổi tiếng được mời trả lời phỏng vấn trên truyền hình và MC đã hỏi cô ta như sau:
“Tại sao Thiên Chúa lại có thể để xảy ra một thảm họa khủng khiếp như vậy?”
Câu trả lời của thiếu nữ này thật là thâm thúy: “Tôi nghĩ là Thiên Chúa rất buồn vì điều đó, ít nhất là Ngài cũng buồn bằng chúng ta. Từ bao năm nay, chúng ta đã yêu cầu Ngài đi ra khỏi trường học, khỏi chính phủ và khỏi đờisống của chúng ta. Ngài là người 'quân tử' nên đã lẳng lặng rút lui.
Làm sao chúng ta có thể mong Chúa ban ơn lành và che chở chúng ta khi chúng ta đã luôn đòi Ngài để mặc chúng ta tự quyết định?
Về những biến cố mới xảy ra như tấn công khủng bố, bắn giết trong trường học, chiến tranhtrên thế giới..., và tại Việt nam thì cướp của giết người, hiếp dâm, xì ke ma tuý xâm chiếm trên mọi ngõ ngách cuộc sống. . ., chúng ta có nghĩ rằng là do xã hội đã vắng bóng Chúa không?
Khởi đầu với Madeleine Murray O’Hare, khi bà ấy than phiền là không nên đọc kinh trong trường học nữa. Và chúng ta đã đồng ý!
Rồi lại một người khác lại có ý kiến là chúng ta không nên đọc Kinh Thánh nơi trường học, cũng chính quyển Kinh Thánh trong đó dạy chúng ta: 'Chớ giết người, chớ trộm cắp, yêu thương tha nhân như chính bản thân mình, v.v...', và chúng ta cũng đã đồng ý!
Điều Kỳ Lạ... là con người có thể loại trừChúa một cách dễ dàng rồi sau đó lại tự hỏi tại sao thế giới biến thành địa ngục. Thiên Chúa đâu sao không can thiệp khi chính mình đã loại bỏ Ngài?
Điều Kỳ Lạ... là chúng ta lại có thể tin những gì báo chí nói mà lại nghi ngờ những gì Kinh Thánh nói.
Thiên Chúa là có thật. Ông Trời là có thật. Thần Thánh là có thật, tại sao chúng ta không tin mà là tin những giáo thuyết mơ hồ của người phàm để rồi con người chỉ lao vào đấu tranh giai cấp và loại trừ lẫn nhau?
Có một Thiên Chúa, một Ông Trời điều khiển con người và vạn vật hơn là để cho con người tự điều khiển mình dẫn đến một thế giới diệt vong trong đó con người đầy đoạ nhau.
Hôm nay chúng ta mừng Chúa sống lại là dịp để chúng ta tuyên xưng niềm tin của mình vào Thiên Chúa hằng sống. Chính Đức Ky-tô đã đi qua cái chết mà vào cõi sống đời đời để nhắc nhở chúng ta rằng Ngài vẫn đang sống và hiện diện bên cạnh chúng ta. Ngài vẫn đang đi vào từng cuộc đời chúng ta. Ngài đã gõ cửa từng tâm hồn chúng ta, nhưng liệu chúng ta có nhận ra Ngài hay không?
Kinh Thánh nói rằng: khicác người phụ nữ đến bên nấm mồ của Chúa. Họ đã kinh ngạc và hãi hùng. Vì tảng đá che cửa mộ đã bị bật tung ra ngoài. Họ vào trong nhưng không thấy gì. Họ tưởng rằng xác Chúa đã bị ai đó lấy đi. Họ tìm kiếm nhưng vô vọng. Họ thấy một người mặc áo trắng, tưởng là người làm công nên mới hỏi: "Ai đã lấy xác Chúa tôi rồi?". Nhưng các bà lại nghe một lời mà chưa bao giờ được nghe: "Tại sao các bà lại tìm người sống ở giữa kẻ chết? Người đã trỗi dạy và ra khỏi mồ". Nấm mồ này và khăn liệm này đã không còn dùng để phủ kín một đời người nữa! Nó không có ích cho người còn sống, có chăng là dấu chỉ cho sự thật hiển nhiên là Chúa đã sống lại từ trong cõi chết. Người không còn ở đây. Người đã ra khỏi mồ. Hãy đi báo tin cho các môn đệ và Người sẽ gặp các ông tại Ga-li-lê-a.
Vâng, Chúa đã phục sinh. Nấm mồ của sự chết đã bị bật tung. Sự lạnh vắng cô quạnh của đêm tối sự chết đã bị đẩy lùi bằng ánh sáng phục sinh huy hoàng. Con người sinh ra không phải để chờ chết như bao người lầm tưởng. Sinh ra - lớn lên - gia nua - rồi chết. Thế là hết một cuộc đời. Sứ điệp phục sinh cho chúng ta hiểu rằng: con người sinh ra là bước vào một cuộc hành trình tiến về nhà Cha. Nơi mà ngày xưa Adam - Eva đã từ đó ra đi, nay nhờ cuộc Tử Nạn và Phục sinh của Chúa khai mở cho chúng ta con đường trởvề Nhà Cha. Chúa Phục sinh. Cửa trời rộng mở. Con người có thể hành hương về trời. Về với hạnh phúc bất diệt, là nơi "không còn sự chết, không còn than khóc đau thương nữa". Nơi đó, không còn đêm tối, không còn những cuộc chia ly từ biệt, cũng không còn nước mắt nhớ thương.
Ước gì niềm vui Phục sinh sẽ biến đổi chúng ta thành con người mới. Con người của ân sủng. Con người của tự do không bị những đam mê thấp hèn thống trị, không bị những thói đời gian dối làm mất đi vẻ đẹp của phẩm giá cao quý của con người được tạo dựng giống hình ảnh Chúa. Ước gì niềm tin Chúa đã phục sinh giúp chúng ta biết chiến đấu mỗi ngày để chiến thắng cái ác, chiến thắng tật xấu bằng những hy sinh khổ chế, bằng cuộc sống bác ái yêu thương để mai này chúng ta cũng được phục sinh vinh hiển với Chúa. Vàước gì nhân loại hôm nay hãy để Chúa dẫn dắt ngõ hầu sẽ được hưởng một nền hoà bình và một xã hội thịnh vượng tràn đầy niềm vui. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
Con người hơn loài vật
Chúa nhật phục sinh năm C-2016
Người ta kể rằng: Có một nhà vua kia cảm thấy rất buồn. Nhà Vua mới nghe tin có một thiền sư rất thông thái và có tình hài hước có thể làm nhà vua nguôi cơn buồn. Nhà Vua mới mời thiên sư vào trong hoàng cung. Và nói: Trẫm nghe nói ngươi có thể làm cho ta vui. Vậy hôm nay ta đang buồn, ngươi có thể làm gì đó cho ta vui được không. Thiền sư mới nói: Xin bệ hạ nói một câu nào trước rồi hạ thần mới nói được. Nhà vua bèn nói: Ta nhìn ngươi giống y con heo. Vị Thiền sư liền đáp: Thần nhìn bệ hạ giống y như Phật. Nhà Vua thắc mắc tại sao ta nói ngươi là heo mà ngươi lại cho ta là Phật. Thiền sư đáp: Vì nếu trong tim của mình chứa Phật thì mình sẽ nhìn thấy tha nhân là Phật, còn nếu chứa heo thì sẽ nhìn thấy tha nhân là heo.
Khi con người chỉ mang tâm địa loài vật, ắt hẳn nó cũng cư xử theo bản năng như bao loài vật. Khi con người mang tâm địa loài vật chắc chắn nó cũng nhìn đồng loại với cái nhìn hẹp hòi, thiển cận. Loài người có lý trí để suy nghĩ điều hay lẽ phải, có ý chí để tự chủ bản năng trước cám dỗ, có tự do để chọn lựa, đây là nét đẹp cao quý của con người mà các loài khác không có. Đây là những khả năng làm nên sự cao quý nơi phẩm giá của con người hơn muôn loài muôn vật.
Ky-tô giáo cũng nhắc chúng ta: loài người là hình ảnh Thiên Chúa. Con người là họa ảnh của Thiên Chúa. Con người ngoài sự sống thể xác như loài vật còn có sự sống siêu nhiên là linh hồn trường sinh, bất tử. Con người sinh ra trong cuộc đời này chỉ là bến tạm để chuẩn bị một cuộc sống hoàn hảo và viên mãn hơn. Đó là thiên đàng, là cõi phúc, là nước trời hằng sống. Con người phải biết sống đúng với phẩm giá làm người của mình là sống yêu thương, là ăn ngay ở lành theo lề luật mà Thiên Chúa đã ghi khắc trong tâm khảm con người.
Thế nhưng, nhìn vào cuộc sống hôm nay, xem ra rất nhiều người đã không sống đúng với phẩm giá cao quý của mình. Họ phạm tội. Họ sống mất lương tri. Họ tranh giành và giết hại lẫn nhau thật dễ dàng và thảm khốc. Nếu theo dõi báo chí thì hàng ngày biết bao tin chẳng lành xảy ra, khiến con người ngày càng lo sợ, bất an. Nguyên những ngày đầu năm người ta đã cảm thấy sững sờ trước những tin giật gân như: Chồng dùng búa đập vợ chết, bố tẩm xăng thiêu chết hai con, chém chết chồng vì bị “ép” sống chung với vợ bé, nữ sinh bị hiếp giết, bị giết sau va chạm giao thông… là những thảm án đau lòng xảy ra trong dịp nghỉ Tết nguyên đán Quý Tỵ 2013.
Đây chính là một dấu chứng của một xã hội đang đánh mất niềm tin vào Thiên Chúa đã làm cho xã hội loạn lạc, bạo lực. Một xã hội không Thiên Chúa chính là hỏa ngục tại thế mà con người hiện nguyên hình là quỷ dữ cắn xé đồng loại của mình. Khi con người không nhìn thấy Thiên Chúa nơi tha nhân, thì họ chỉ nhìn đồng loại mình như những con vật để rồi dễ dàng ra tay sát hại lẫn nhau.
Thế nên, trước những tục hóa và bạo lực ngày một gia tăng do con người đánh mất niềm tin vào Thiên Chúa, và hiểu lệch lạc về phẩm giá của mình. Thiết nghĩ, người ky-tô hữu chúng ta cần đào sâu đức tin để sống đức tin và làm chứng cho tin mừng trong một thế giới đang vắng bóng Thiên Chúa hôm nay.
Hôm nay lễ Chúa Phục sinh là lời nhắc nhở chúng ta có sự sống đời sau. Có một sự sống thần linh vượt lên sự sống vật chất tạm bợ trần gian. Cuộc sống đó hoàn hảo hơn sự sống trần gian này. Chúa Giê-su đã đi qua kiếp người này bằng cái chết thập tự giá. Người ta tưởng rằng thế là hết. Công sức, sự nghiệp của Ngài cũng tiêu tan. Thế nhưng, Chúa đã sống lại. Chúa nói, Chúa về cùng Cha. Chúa nói, Chúa được chia sẻ vương quyền với Cha sau cuộc đời làm đẹp lòng Chúa Cha. Nhìn vào sự kiện Chúa Phục sinh cũng giúp chúng ta biết sống có trách nhiệm hơn với cuộc sống hôm nay. Đời sau là hệ quả của kiếp sống này. Đời sau con người được ân thưởng hay bị phạt trầm luân cũng tùy thuộc vào cuộc sống hôm nay.
Thiên Chúa ban cho con người có lý trí để biết làm điều lành tránh điều dữ. Ngài cũng cho con người có ý chí để vượt thắng cám dỗ và có tự do để chọn lựa. Hạnh phúc đời sau tùy thuộc vào những chọn lựa cách sống hôm nay. Vâng nghe lời Chúa hay bất tuân? Sống theo đạo lý hay vô đạo lý? Tất cả sẽ nhận lại ở đời sau khi mà Chúa sẽ trả lại sự công bằng cho con người. Hạnh phúc hay bất hạnh đời đời? Tất cả tùy thuộc vào cuộc sống hiện tại hôm nay.
Xin cho chúng ta dám sống điều mình tin thể hiện qua việc tuân theo Lời Chúa, biết sống theo giáo huấn của Chúa, biết thực thi công bình và bác ái. Xin Chúa giúp chúng ta luôn biết tin tưởng vào Chúa phục sinh để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống này trong niềm trung kiên theo Chúa. Amen.
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền 25-3-2013
Lễ Đêm Vọng Phục sinh-2010
Thiên Chúa vẫn hằng sống
Đã có một thời người ta tưởng rằng: “Thiên Chúa đã chết”. Đã có một lần người ta lên tới cung trăng rồi bảo rằng: “Chẳng có Thiên Chúa đâu cả!”. Và cũng có một thời người ta cho rằng: khoa học tiến bộ sẽ là nấm mồ chôn vùi Thiên Chúa. Nhưng rồi cho dù nhân loại có tốn bao nhiêu giấy mực, có tốn bao nhiêu công sức bỏ vào các công trình nghiên cứu đồ sộ để loại trừ Thiên Chúa. Thiên Chúa vẫn hiện diện. Thiên Chúa vẫn hằng hữu. Thiên Chúa vẫn hiện diện trong thế giới quanh ta và trong lòng mỗi người chúng ta. Thiên Chúa vẫn hiện diện như là một sự thật hiển nhiên mà chẳng có gì có thể che lấp được. Sự thật hiển nhiên đó được chứng tỏ qua các tôn giáo, qua các lễ nghi thờ tự phong phú nơi các dân tộc qua mọi thời đại. Có thể nói “nơi nào có con người là nơi đấy có những cách biểu lộ niềm tin vào Thiên Chúa khác nhau”. Thế nên, niềm tin vào Thiên Chúa đã gắn liền với bản tính con người. Con người là loài vật duy nhất có khả năng nhìn nhận Thiên Chúa và bày tỏ những hình thức tôn thờ Ngài. Đó là một chân lý mà không ai có quyền bác bỏ nơi anh em của mình. Đó là quyền tự do bất khả xâm phạm của con người mà những ai có lương tri đều phải nhìn nhận và tôn trọng.
Cách đây hơn hai ngàn năm, những quan chức Do Thái đạo lẫn đời đã từng tưởng rằng: cái chết của Chúa Giê- su sẽ kết thúc mọi lời rao giảng của Ngài, kết thúc mọi công trình mà Ngài đã xây dựng trong suốt ba năm rao giảng Tin mừng. Chính những người Do Thái tưởng rằng sau cái chết của Giê su thì mọi sự sẽ tan rã như thân xác của Ngài cũng sẽ tan rã theo quy luật của thiên nhiên. Thế nhưng điều đó đã không xảy ra. Cửa huyệt đã bị bật tung. Huyệt lạnh chỉ còn tấm khăn liệm. Thân xác của Ngài không tan rã nhưng đã phục sinh và hiện ra với nhiều người. Sự Phục sinh của Ngài đã quy tụ lại tất cả các môn đệ trở về với mái nhà xưa, mái nhà tiệc ly, mái nhà của tình thầy trò, của tình hiệp nhất bằng hữu. Các tông đồ hôm qua đang tan nát cõi lòng vì Thầy đã chết hôm nay họ lại bừng lên một sức sống mới khi nghe tin Chúa đã sống lại. Sức sống mới đó càng trào dâng khi chính các ngài đã nhìn xem thấy Thầy sống lại và hiện ra với họ. Sức sống mới đó càng mãnh liệt hơn khi chính họ được nghe Chúa nói: “Tại sao các ngươi lại đi tìm kẻ sống nơi kẻ chết. Chúa đã sống lại”.
Vâng, Chúa đã sống lại, chúng ta hãy vui lên. Ưu sầu hãy đổi thành niềm vui. Thất vọng hãy nhường lối cho hy vọng được trồi sinh. Các tông đồ sau khi nhìn thấy nấm mồ đã bị bật tung, các ngài đã quên đi sợ hãi, quên đi ưu phiền để đem niềm vui Phục sinh đến cho anh em của mình. Lời rao giảng:”Chúa đã chết và đã sống lại” đã trải rộng khắp muôn nơi và đến tận cùng trái đất. Bất chấp mọi hiểm nguy, mọi đe doạ của các thế lực bạo quyền, các tông đồ vẫn trung thành với lời rao giảng về Chúa đã sống lại. Thánh Phê-rô thì bảo rằng: “Phải vâng lời Thiên Chúa hay vâng lời vua quan trần thế”. Thánh Phaolo thì nói rằng: “Tôi sống không còn là tôi sống mà là Đức Kyto đang sống trong tôi”. Chính vì những xác tin đó mà các ngài đã vượt qua mọi sợ hãi, mọi gian nguy kể cả phải đi vào phong ba bão táp, tù đầy và bị giết, các ngài vẫn hiên ngang, vì tin rằng Chúa đã sống lại đó là niềm hy vọng và vui mừng của chúng ta, vì nếu chúng ta cùng chịu đóng đinh với Người, chúng ta cũng sẽ được sống lại với người.
Ước gì niềm tin Phục sinh sẽ thay đổi đời sống chúng ta như đã từng thay đổi lối nghĩ, cách sống của các môn đệ. Ước gì niềm vui Phục sinh sẽ giúp chúng ta dám vượt qua những cám dỗ thấp hèn để sống một cuộc đời cao đẹp hơn. Xin cho chúng ta dám làm chứng cho tin mừng Phục sinh của Chúa bằng đời sống lắng nghe và thực thi lời Chúa trong cuộc sống thường ngày. Amen.
by Lm Ta Duy Tuyen 2010
Sự nhầm lẫn
Chúa nhật phục sinh, năm C-2010
Người ta kể rằng: ở một cửa hàng bán hoa vừa xảy ra một sự nhầm lẫn thật ngộ nghĩnh. Ngày hôm đó, người bán hoa làm hai lẵng hoa cho hai khách hàng khác nhau. Một là để chúc mừng ngân hàng mới mở thêm một chi nhánh mới, và một là để chia buồn cho một đám tang. Thế nhưng, hai tấm thiệp đính kèm hai bó hoa bị đặt lộn, thành ra lẵng hoa gửi cho đám tang lại nhận được lời chúc: “chúc mừng khai trương cơ sở mới”. Ngược lại, thiệp trao cho ngân hàng lại ghi hàng chữ: “Thành thật chia buồn”.
Xem ra sự nhầm lẫn này tuy không hợp tình nhưng lại hợp lý. Vì đời là bể khổ. Ra khỏi cuộc đời là thoát khỏi khổ luỵ trần gian. Chết là lìa bỏ chỗ ở dưới đất mà lên trời. Chết là bỏ trần gian với bao bon chen vật lộn để về quê trời vĩnh cữu không còn khổ luỵ của tham sân si phàm trần. Chết là về nhà cha trong niềm vui của đứa con xa nhà nay được hồi hương trở về. Như vậy, chết là vui mừng chứ không còn là thương tiếc. Ai lại thương tiếc khi một đứa con xa nhà nay trở về? Ai lại buồn khi được đoàn tụ bên Cha trên trời?
Truyền thống văn hoá Việt Nam vẫn tin rằng: chết là sự trở về, là quy tiên, là trờ về nơi mình đã xuất phát ra đi. Ngày xưa tại các nghĩa trang miền quê, người ta thường chôn người chết dưới lòng đất và vun phần trên thành hình một người phụ nữ mang thai. Điều này ngụ ý về một cuộc trở về với lòng đất mẹ. Chính nơi lòng mẹ, ta đã sinh ra. Đó là nơi kín đáo nhất, ấm cúng nhất. Khi chết là trở về nơi lòng đất mẹ cũng là nơi kín đáo và ấm cúng. Như thế, nấm mồ không phải là dấu chỉ về một con người đã chết dưới lòng đất lạnh mà là dấu chỉ cho cuộc trở về nguồn cội đích thực của mình, về nơi mà mình đã xuất phát ra đi.
Hôm nay, các người phụ nữ đến bên nấm mồ của Chúa. Họ đã kinh ngạc và hãi hùng. Vì tảng đá che cửa mộ đã bị bật tung ra ngoài. Họ vào trong nhưng không thấy gì. Họ tưởng rằng xác Chúa đã bị ai đó lấy đi. Họ tìm kiếm nhưng vô vọng. Họ thấy một người mặc áo trắng, tưởng là người làm công nên mới hỏi: “ai đã lấy xác Chúa tôi rồi?”. Nhưng các bà lại nghe một lời mà chưa bao giờ được nghe: “Tại sao các bà lại tìm người sống ở giữa kẻ chết? Người đã trỗi dạy và ra khỏi mồ”. Nấm mồ này và khăn liệm này đã không còn dùng để phủ kín một đời người nữa! Nó không có ích cho người còn sống, có chăng là dấu chỉ cho sự thật hiển nhiên là Chúa đã sống lại từ trong cõi chết. Người không còn ở đây. Người đã ra khỏi mồ. Hãy đi báo tin cho các môn đệ và Người sẽ gặp các ông tại Ga-li-lê-a.
Vâng, Chúa đã phục sinh. Nấm mồ của sự chết đã bị bật tung. Sự lặng vắng cô quạnh của đêm tối sự chết đã bị đẩy lùi bằng ánh sáng phục sinh huy hoàng. Con người sinh ra không phải để chờ chết như bao người lầm tưởng. Sinh ra – lớn lên – gia nua – rồi chết. Thế là hết một cuộc đời. Sứ điệp phục sinh cho chúng ta hiểu rằng: con người sinh ra là bước vào một cuộc hành trình tiền về nhà cha. Nơi mà ngày xưa Adam – Eva đã từ đó ra đi, nay nhờ cuộc Tử Nạn và Phục sinh của Chúa khai mở cho chúng ta con đường trờ về Nhà Cha. Chúa Phục sinh. Cửa trời rộng mở. Con người có thể hành hương về trời. Về với hạnh phúc bất diệt, là nơi “không còn sự chết, không còn than khóc đau thương nữa”. Nơi đó, không còn đêm tối, không còn những cuộc chia ly từ biệt, cũng không còn nước mắt nhớ thương.
Hôm nay Chúa đã phục sinh. Lòng chúng ta hãy trào dâng niềm hân hoan vì Chúa đã về nhà Cha. Ngài đã hứa thiên đàng cho người trộm lành. Ngài cũng hứa thiên đàng cho những ai tin theo Ngài: “Ta đi để dọn chỗ cho các con, để Thầy ở đâu các con cũng ở đó với Thầy”. Đó chính là nền tảng niềm tin của chúng ta. Chúng ta tin vào Đấng hằng sống để chúng ta được sống muôn đời.
Ước gì niềm vui Phục sinh sẽ biến đổi chúng ta thành con người mới. Con người của ân sủng. Con người của tự do không bị những đam mê thấp hèn thống trị, không bị những thói đời gian dối làm mất đi vẻ đẹp của phẩm giá cao quý của con người được tạo dựng giống hình ảnh Chúa. Ước gì niềm tin Chúa đã phục sinh giúp chúng ta biết chiến đấu mỗi ngày để chiến thắng cái ác, chiến thắng tật xấu bằng những hy sinh khổ chế, bằng cuộc sống bác ái yêu thương để mai này chúng ta cũng được phục sinh vinh hiển với Chúa. Nguyện xin Chúa là Đấng đã phục sinh từ cõi chết nâng đỡ chúng ta trên đường thánh giá hôm nay, để ngày sau chúng ta cùng được chung hưởng hạnh phúc quê trời. Amen. (ps 2010) .
Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền - dongcong.net