minh hoạ lời chúa by Hiếu Nguyễn

from thanhlinh.net

MINH HỌA LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT I THƯỜNG NIÊN

Chúa Giêsu chịu phép rửa

(Chung cho các năm A.B.C)

(Is.42,1-4,6-7; Cv.10,34-38; Mt.3,13-17)

Năm B: Mc.1,6-11; Năm C: Lc.3,15-16,21-22

Chúa Giêsu lãnh sứ mạng loan báo Tin mừng

 

1.    Mỗi tạo vật đều có một sứ mạng

Năm 1989, tại Armênia xảy ra một trận động đất kinh khủng, gây thiệt hại vật chất to tát cho cả thành phố và nhiều người thiệt mạng!...

Nhiều người có lòng tốt đã đến cứu giúp các nạn nhân. Trong số hàng ngàn nạn nhân bị chôn vùi dưới những đống gạch vụn đổ nát, có một người mẹ với đứa con của bà. Khi người ta đào đưa mẹ con bà ra được, bà đã kiệt sức thoi thóp kể:

-Trong mười tám ngày bị chôn vùi dưới gạch vụn, mỗi ngày tôi hy sinh một phần thân thể để lấy thịt máu nuôi con tôi sống.

-----------

Tin mừng hôm nay thuật lại Chúa Giêsu đến nhờ Thánh Gioan Tẩy giả làm phép rửa, để lãnh nhận sứ mạng loan báo Tin Mừng.

Mỗi tạo vật đều được Thiên Chúa trao cho một sứ mạng, từ con người đến sinh vật. Bà mẹ này đã làm tròn sứ mạng với con mình bằng chính mạng sống của bà.

Mặt trời có sứ mạng soi sáng và sưởi ấm các sinh vật trên mặt đất và nó luôn chu toàn sứ mạng của nó.

Cây lúa có sứ mạng nuôi sống con người, và lúc nào nó cũng đơm bông kết hạt.

Chúa Giêsu được Chúa Cha giao sứ mạng cứu rỗi con người, rao giảng kêu gọi mọi người tin thờ Chúa để được sống, và Người đã hoàn thành cách tuyệt hảo, bằng cuộc sống hy sinh phục vụ 33 năm của Người và kết thúc bằng cái chết đau khổ của Người trên thập giá.

Chúa cũng trao cho mỗi người chúng ta một sứ mạng. Mỗi người hãy tự hỏi: “Sứ mạng của tôi là gì? Đối với gia đình? Đối với xã hội? Đối với Giáo hội?

Nếu tôi không làm tròn sứ mạng Chúa phú giao, tôi có đáng sống ở đời chăng? Trong khi Chúa Giêsu đã hoàn thành sứ mạng của Người. Mọi người mọi vật cũng chu toàn như thế. Còn tôi, tại sao không? Như thế là tôi ăn bám ăn hại!...

Chúa Giê su nói: “Nếu muối đã lạt đi thì chỉ còn ném ra ngoài cho người ta chà đạp dưới chân”. (Theo “Tất cả là hồng ân”).

 

2.    Đồ phế thải hay vật quý?

Cô Ann Thomas cùng bạn là cô Betty bước vào gian hàng bán đồ phế thải.

Cô Betty hỏi Ann:

-Có gì quý không?

Ann nhìn lướt qua rồi nói:

-Toàn là đồ cũ xấu xí.

Bỗng Betty nhặt lên một cây thánh giá cũ kỹ và vui mừng nói:

-Tôi đã tìm được vật quý!...

Và Ann liền đem về lau chùi đánh bóng lại thì thấy quả là một vật quý giá. Cậu con trai của Betty là Bobby nhìn thấy cây thánh giá, cũng thích ngắm nhìn một lúc rồi óa lên khóc. Cô Betty thấy vậy hỏi:

-Sao con khóc?

-Con thấy Chúa Giêsu chết treo trên khổ giá. Con cảm động!...

----------

Cùng nhìn cây thánh giá, người thì cho là đồ phế thải, kẻ nhận là vật quý, người lại thấy Chúa Giêsu trên đó.

Tin mừng hôm nay thuật lại Chúa Giêsu cũng chịu phép rửa như mọi người thời đó, cũng được Gioan Tẩy giả nhận xuống nước rồi bước lên bờ. Nhưng bao nhiêu việc lạ đã xảy đến: các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu đậu trên Người. Và chợt có tiếng từ trời phán xuống: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người”.

Và lạ lùng hơn nữa, với sự kiện Chúa Giêsu chịu phép rửa, Người khai mạc một giai đoạn mới trong cuộc đời cứu thế của Người, Người kết thúc cuộc sống ẩn dật bước vào cuộc đời công khai loan báo Tin mừng. Đồng thời Người mở ra một kỷ nguyên mới, “Kỷ nguyên tân tạo” những gì Adong cũ đã làm hư hoại như lời thánh Phaolô xác quyết: “Con người đầu tiên được dựng nên thành một sinh vật, còn Adong cuối cùng là Thần Khí ban sự sống. Loài xuất hiện trước không phải là loài có Thần Khí nhưng là loài có sinh khí, loài có Thần khí chỉ xuất hiện sau đó… Như chúng ta mang hình ảnh Người bởi đất mà ra, thì chúng ta cũng sẽ được mang hình ảnh Đấng từ trời mà đến” (1Cr.15,45-49)

Nhưng điều quan trọng là áp dụng sự kiện lạ lùng đó vào đời sống chúng ta. Thánh Phaolô khuyên chúng ta: “Anh em đã cùng chịu mai táng với Đức Kitô khi chịu phép Rửa, lại cũng được chỗi dậy với Người, vì tin vào quyền năng của Thiên Chúa, Đấng làm cho Người chỗi dậy từ cõi chết. Trước kia anh em là những người đã chết vì anh em đã sa ngã… nay Thiên Chúa đã cho anh em cùng sống với Đức Kitô” (Cl.2,12-13).

Cùng sống với Đức Kitô là trở nên giống Người, nhiệt thành loan báo Tin mừng với Người, hy sinh cứu rỗi mọi người.

Tin mừng hôm nay thuật lại Chúa Giêsu lãnh phép Rửa của Gioan Tiền Hô để nhận sứ mạng loan báo Tin mừng nơi Chúa Cha. Chúng ta đã lãnh nhận Bí tích Thanh Tẩy, chúng ta có loan báo Tin mừng của Chúa chưa? (Theo Sunday Homilies).

 

3.    Đổi mới

Một ông vua giàu sang nhưng hà khắc keo kiệt, nên thần dân than oán kêu trách.

Một hôm vua ra lệnh cho các quan phải thu thuế trong năm cho đầy đủ để sửa chữa cung điện. Các quan trình vua năm nay mùa màng thất bát, dân chúng đói khổ, không thể thu thuế đầy đủ được. Nhưng nhà vua vẫn cương quyết ra lệnh thu thuế đầy đủ.

Thay vì tiến hành thu thuế như lệnh vua, các quan cho người đi khắp nước loan báo: “Năm nay vua miễn thuế cho mọi người”. Thế là khắp nơi dân chúng tuy nghèo đói nhưng đều mở tiệc ăn mừng. Và các quan báo cáo lên vua cung điện đã được tu sửa, mời vua đi xem. Vừa ra khỏi cung điện, nhà vua đã được dân chúng tung hô vạn tuế inh ỏi. Vua ngạc nhiên hỏi lý do, các quan giải thích:

-Hạ thần thấy rạn nứt trầm trọng nhất không phải là tường thành của cung điện, nhưng là của lòng dân. Trong khi họ chết đói mà vua đòi sưu cao thuế nặng nên họ oán trách vua. Do đó hạ thần mạn phép vua tuyên bố miễn thuế năm nay cho họ, nên họ trở lại mến phục vua.

Nghe thế, nhà vua thức tỉnh nhận ra thái độ keo kiệt hà khắc từ trước đến giờ của mình. Ông vui cười, vẫy tay chào toàn dân.

----------

Ông vua đã đổi mới “từ keo kiệt hà khắc thành người rộng lượng thương dân, kéo theo lòng dân “đổi mới” từ bất mãn oán trách thành mến phục trung thành.

Trong Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu nhờ thánh Gioan Tẩy Giả làm phép rửa để được Chúa Thánh Thần đổi mới, để Ngài bắt đầu cuộc đời mới, cuộc đời công khai loan báo Tin mừng Nước Trời.

Kitô hữu chúng ta đã được Đức Kitô “đổi mới” từ ngày lãnh Bí tích Rửa tội: “Trước kia anh emđã chết vì anh em đã sa ngã… nay Thiên Chúa đã cho anh em cùng sống với Đức Kitô” (Cl.2,13).

Nhìn vào hai cột trụ của Giáo Hội. Một Phêrô chối chúa ba lần đã “đổi mới: và trở thành người thuyền trưởng của con tàu Hội Thánh. Một Phaolô bắt bớ các tín hữu đã “đổi mới” thành vị tông đồ dân ngoại tuyệt hảo.

Còn tôi, tôi đã “đổi mới” chưa? Tôi cần “đổi mới” điều gì? (Theo “Sám hối và Canh tân”).

 

4.    Tái tạo thế gian

Người xưa có quan niệm về vũ trụ như sau. Họ chia nó thành ba tầng thế giới chồng chất lên nhau. Tầng trên hết là Trời, nơi Chúa ngự. Tầng giữa là đất, nơi ở của loài người và sinh vật. Tầng dưới hết là âm phủ, nơi con người đến sau khi chết.

Từ lúc nguyên tổ Adong Eva phạm tội, tầng giữa càng ngày trở nên tồi tệ, nên các thánh cầu xin Thiên Chúa ngự xuống cứu giúp.

Tin mừng hôm nay thuật lại sự kiện Chúa Giêsu chịu phép rửa qua ba biến cố: bầu trời mở ra, Thánh Thần như chim bồ câu ngự xuống, Chúa Cha công nhận Chúa Giêsu là Con yêu dấu. Ba biến cố đó mạc khải cho chúng ta.

-Bầu trời mở ra nói lên Chúa từ trời ngự xuống ở với chúng ta.

-Hình chim câu bay lượn trên nước và Chúa Giêsu diễn tả Chúa bắt đầu cuộc tạo dựng mới.

-Tiếng từ trời phán xuống xác nhận Chúa Giêsu là Adong mới, trong cuộc tái tạo thế giới.

---------

Chính Tin mừng hôm nay dạy chúng ta công cuộc tái tạo thế giới đó qua việc Chúa Giêsu chịu phép Rửa ở sông Giođăng, và nhắc ta là những kẻ đã lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy phài tái tạo con người chúng ta.

Qua ý nghĩa các biến cố đó, mỗi người nhớ mình mang hình ảnh của Adong cũ và Adong mới, luôn chia sẻ sự sống của hai vị đó: vừa bị lôi cuốn theo xác thịt của Adong cũ vừa được thôi thúc tinh thần theo Adong mới. Nhưng thường chúng ta làm như thánh Phaolô nói: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm nhưng sự ác tôi không muốn thì tôi lại cứ làm” (Rm.7,19). Do đó chúng ta cần nhờ chúa Giêsu tiếp tục tái tạo chúng ta bằng lời cầu nguyện và lãnh nhận các Bí tích; nhờ Chúa Thánh Thần thánh hóa chúng ta hằng ngày, để sống xứng đáng làm con yêu dấu của Thiên Chúa. (Theo Cha M.Link).

 

5.    Mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi

“Khi Chúa Giêsu chịu phép rửa xong, vừa dưới nước lên thì kìa các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và kìa có tiếng từ trời phán xuống: Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Ngươi: (Mt.3,16-17).

Qua phép rửa sám hối Chúa Giêsu lãnh nhận bởi tay Gioan Tẩy Giả ở sông Giođăng, mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi được mạc khải cho chúng ta.

Chúng ta cũng được lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy, nhân danh Chúa Cha Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Chúng ta làm dấu Thánh giá tuyên xưng Chúa Ba Ngôi suốt đời: Khi chúng ta bắt đầu và kết thúc buổi đọc kinh cầu nguyện, lúc khởi sự và kết thúc một ngày chúng ta sống, khi chúng ta dùng bữa và dùng xong. Tắt một lời, chúng ta tuyên xưng Một Chúa Ba Ngôi từ lúc vào đới đến lúc lìa đời. Cả cuộc sống chúng ta gắn liền với mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Nhưng điều quan trọng là chúng ta có sống mầu nhiệm này chưa? Hay đây chỉ là một tín điều để tin thôi.

-----------

Mầu nhiệm “Một Chúa Ba Ngôi” được diễn tả trong Tin mừng hôm nay là để chúng ta sống hằng ngày trong đời sống chúng ta. Trong ánh sáng của mầu nhiệm này, chúng ta biết con người được hiện hữu là do Thiên Chúa và con người chỉ có thể sống cho ra người khi nào biết sống như Thiên Chúa. Thật thế, con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, mà Thiên Chúa là Tình yêu, nên ơn gọi đích thực của con người là ơn gọi sống Yêu thương. Con người chỉ có thể sống sung mãn, sống xứng đáng làm người trong sự thông hiệp và trao ban. Trái lại, nếu sống ích kỷ sẽ chuộc lấy buồn khổ cho mình. Đó là chân lý nền tảng nhất về con người mà Tin mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta.

Lãnh nhận phép rửa nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần có nghĩa là chúng ta nhập vào tình yêu của Chúa Cha, để rồi noi gương Chúa Giêsu và nhờ sứ mạnh của Chúa Thánh Thần, chúng ta sống cuộc đời chứng tá cho Chúa bằng cách cố gắng chia sẻ tình yêu với tất cả mọi người. (Theo “Phút cầu nguyện cuối ngày, tập III”).

6.    Chúa Giêsu cầu nguyện

Đang khi Chúa Giêsu cầu nguyện thì trời mở ra và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán xuống: “Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra con” (Lc.3,21-22).

Henry Ford mướn một chuyên gia giỏi để đánh giá công ty của ông. “Bản báo cáo cuối cùng của chuyên gia với kết quả khả quan, ngoại trừ vấn đề là: Mỗi lần đi ngang qua văn phòng của nhân viên cuối hành lang, tôi đều thấy anh ta gác chân lên bàn và nhìn đăm đăm ra cửa sổ. Anh ta đang lãng phí thời giờ và tiền bạc của ông đấy”.

Nhưng Henry nói: “Phải, chính vì biết lãng phí như vậy mà một lần anh đã có sáng kiến tiết kiệm cho chúng tôi hàng triệu mỹ kim đấy”.

Hình ảnh của người đàn ông trầm tư mặc tưởng và hình ảnh Chúa Giêsu đắm mình trong nguyện cầu đặt cho tôi câu hỏi: “Liệu tôi có khá hơn nếu tôi tạo được thói quen ngưng công việc hằng ngày để cầu nguyện chăng?”

“Đời sống mỏng giòn, hãy nâng đỡ nó bằng lời cầu nguyện” (E.C McKenzie) (Trích “Viễn tượng 2000”).

 

7.    Ngài lên trời phải không?

Vì thấy vị kinh sư tuần nào cũng vắng mặt hôm trước ngày Sabát, nên cả cộng đoàn thắc mắc cho người theo dõi.

Và người theo dõi đã chứng kiến vị kinh sư hóa trang thành dân quê, đến phục vụ một bà lương dân trong căn lều tồi tàn của bà. Ông quét dọn lều và nấu ăn cho bà trong ngày sabát.

Khi thám tử về, cộng đoàn hỏi:

-Ông kinh sư đi đâu? Ông lên trời phải không?

-Không. Ông còn lên cao hơn nữa.

-----------

Ông còn lên cao hơn nữa, vì ông nhiệt thành chu toàn sứ mạng Chúa giao phó cho ông, như trong Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu đã lãnh nhận nơi Thiên Chúa sứ mạng loan báo Tin mừng cho muôn dân, và Người đã tự hạ mình xuống phục vụ con người, đem Tin mừng cứu rỗi đến cho mọi người, và hy sinh chết trên khổ giá để hoàn tất sứ mệnh Người đã lãnh nhận.

Ai ngờ được ông kinh sư hạ mình làm người dân quê đi gặp người đàn bà nghèo hèn? Ai tin được Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa tối cao đã đến xin Gioan làm phép rửa?

Thế nên ông Gioan can Người và nói: “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép Rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi”. Và ông tuyên bố cho dân chúng biết: “Ngài là Đấng quyền thế hơn tôi, đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi dép cho Ngài”.

Khi nhìn ngắm Đức Giêsu xếp hàng với tội nhân, chúng ta mới hiểu thế nào là Thiên Chúa Tình yêu. Chỉ có Tình yêu mới khiến Con Thiên Chúa che khuất sự cao cả thánh thiện của mình để dìm mình trong phép rửa thống hối. Chỉ có tình yêu mới làm cho Đấng cứu độ sống như người cần được cứu độ.

Và đây mới chỉ là bước đầu tình yêu của Con Thiên Chúa. Nó sẽ kết thúc bằng cái chết thê thảm của Người trên khổ giá, khi Người trầm mình trong khổ nhục để đem lại ơn cứu rỗi cho mọi người: “Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc đó hoàn tất” (Lc.12,50).

Qua Bí tích Rửa tội, chúng ta cũng được làm con Chúa. Chúng ta cũng được Chúa Thánh Thần tấn phong, chúng ta được gọi đem Tình yêu cứu rỗi đến mọi người, nhất là những người khốn khổ hồn xác xung quanh chúng ta.

(Theo “Như Thầy đã yêu”).

 

8.    Bây giờ cứ thế đã

Nhạc sĩ nổi tiếng Sépastien bị mù. Có người bạn thân cho ông biết gần đó có một thầy thuốc chuyên chữa trị mắt rất kết quả. Nhiều người bệnh mắt đã nhờ ông chữa khỏi. Ông thầy này rất ngưỡng mộ tài nghệ của nhạc sĩ nên rất sẵn sàng giải phẫu giúp nhạc sĩ. Nghe nói thế, nhạc sĩ vui mừng thốt lên:

-Nhân danh chúa, xin hãy cố gắng giúp tôi.

Bốn ngày sau cuộc giải phẫu, khi băng vải được cắt hết, các con của nhạc sĩ hồi hộp trông chờ, bao quanh nhạc sĩ hỏi tới tấp:

-Có thấy gì không? Cha thấy được không?

Ông điềm nhiên trả lời:

-Xin vâng ý Chúa. Cha không thấy gì cả.

Thất vọng, các con ông khóc sướt mướt than trời trách đất inh ỏi làm cho niềm đau của ông tăng thêm. Nhưng ông tỏ ra bĩnh tĩnh khác thường. Ông còn khuyên các con ông: -Các con hãy hát lên bài mà cha ưa thích nhất: “Nguyện cho thánh ý Chúa được thể hiện…”

-----------

Trong Tin mừng hôm nay, khi Chúa Giêsu đến xin thánh Gioan Tẩy Giả làm phép Rửa cho Người, thánh nhân từ chối và nói: “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa thế mà Ngài lại đến với tôi. Nhưng Đức Giêsu trả lời: Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính” (Mt.3,15).

Chính nhờ “giữ trọn đức công chính”, đức vâng lời thánh ý Thiên Chúa, mà Chúa Giêsu được Chúa Cha công nhận là “Con yêu dấu”, “được Thần Khí” ngự trên Người, để Người bước sang cuộc đời mới loan báo Tin mừng.

Ngày chịu phép Rửa tội, chúng ta cũng được lãnh nhận sức sống mới. Sức sống mới đó chính là Chúa Thánh Linh, Đấng hiện diện và tác động trong cuộc đời chúng ta. Thánh Phaolô sau khi lãnh nhận phép Rửa và trở nên người mới là tông đồ dân ngoại, Ngài luôn ý thức về sức sống thần linh trào lưu trong tâm hồn Ngài đến nỗi Ngài đã thốt lên: “Tôi sống, nhưng không phải là tôi sống, mà chính Chúa Kitô sống trong tôi”. Và Thánh nhân nhắn nhủ chúng ta: “Anh em chớ dập tắt Thánh linh. Người hiện diện và tác động trong chúng ta. Người uốn nắn cho chúng ta giống Chúa Kitô, để trong mọi sự chúng ta luôn thưa xin vâng với Thánh ý Thiên Chúa” (Theo “Phút cầu nguyện cuối ngày”, tập III).

 

9.    Ba lễ Thanh Tẩy

Trong câu chuyện “Dòng sông”, tác giả Flannery O’Connor thuật lại một cậu bé tên Bevel. Cha mẹ quá bận lo việc xã hội nên giao cậu cho bà vú nuôi. Một hôm bà dẫn cậu ra bờ sông đang lúc có nhà thuyết giáo làm phép Rửa cho dân chúng. Bà cho cậu chịu phép Rửa. Và lúc kéo cậu lên khỏi nước, nhà thuyết giáo nhìn cậu và nói: “Giờ đây cậu có giá rồi. Trước khi lãnh nhận phép rửa, cậu chẳng có giá gì cả…”

Trong Tin mừng hôm nay có ba dạng phép rửa khác nhau:

Phép rửa của Gioan Tẩy Giả là phép Rửa sám hối, giúp người ta ăn năn sám hối tội lỗi. Đó là bước đầu của cuộc hành trình đức tin, như trong lời ông minh chứng: “Tôi, tôi làm phép rửa cho các anh trong nước để giục lòng các anh sám hối. Còn Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho các anh trong Thánh Thần và lửa” (Mt.3,11).

Phép rửa của Chúa Giêsu là phép rửa tái sinh. Nó ban cho người lãnh nhận một đời sống mới hoàn toàn, như thánh Phaolô xác quyết: “Anh em đã cùng được mai táng với Đức Kitô khi chịu phép rửa… nay Thiên Chúa đã cho anh em được cùng sống với Đức Kitô” (Cl.2,12-13).

Như thế phép rửa của Đức Giêsu giúp chúng ta chia sẻ sự sống thần linh của Người. Điều đó dẫn chúng ta đến phép rửa thứ ba là phép rửa Gioan Tẩy Giả làm cho Đức Giêsu mà Tin mừng hôm nay thuật lại, khiến trời mở ra với Thánh Thần và tiếng Chúa Cha. Đó là phép rửa mạc khải, vì nó bày tỏ cho biết Thiên Chúa đã từ trời xuống thế gian, Chúa Thánh Thần bắt đầu cuộc tạo dựng mới, Chúa Cha xác nhận Chúa Giêsu là Adong mới trong cuộc tái tạo thế giới.

------------

Phép rửa đó nhắc chúng ta là những kẻ đã lãnh nhận phép rửa tái sinh của Đức Giêsu: “Anh em đã được chỗi dậy cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới. Thật vậy, anh em đã chết, và sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Kitô nơi Thiên Chúa, khi Đức Kitô nguồn sống của chúng ta xuất hiện, anh em sẽ được xuất hiện với Người và cùng Người hưởng phúc vinh quang” (Cl.3,1-4)

“Tìm kiếm những gì thuộc thượng giới” là gì? Phải chăng là tìm hạnh phúc Quê Trời bằng đời sống nhiệt thành phụng sự Chúa và thương yêu giúp đỡ mọi người phần hồn phần xác?

(Theo “Sunday Homilies”).

 

10.  Đang khi Người cầu nguyện

Một tập sinhh đến hỏi vị Viện phụ cao niên:

-Thưa cha, xin giúp con thực sự được trở thành Người của Chúa và Mẹ.

-Con hãy vào phòng đóng cửa lại và cầu nguyện. Lời cầu nguyện sẽ dạy con mọi sự, sẽ được Chúa biến đổi cuộc đời con đẹp lòng Chúa.

Tập sinh hỏi tiếp:

-Thưa Cha, đâu là điều kiện giúp con cầu nguyện đích thực?

-Đó là cầu nguyện trong yêu thương. Ai cầu nguyện với lòng tội lỗi oán hận chẳng khác nào thức ăn thịnh soạn đặt trên đĩa nhơ bẩn.

Thầy tập sinh còn thắc mắc, nên hỏi thêm:

-Thưa cha, lời cầu nguyện có quan trọng không? Nó quan trọng hơn hành động không?

-Rất quan trọng. Bằng chứng là ma quỷ hằng tìm đủ mọi các quấy phá, khiến chúng ta chia trí luôn, và cho việc cầu nguyện là nặng nề hoặc chán nản.

-----------

Tin mừng hôm nay thuật lại: “Khi toàn dân đã chịu phép rửa, Đức Giêsu cũng chịu phép rửa; sau đó, đang khi người cầu nguyện thì trời mở ra và Thánh Thần ngự xuống trên Người… Lại có tiếng từ trời phán xuống; “Con là Con của cha” (Lc.3,21-22).

Được Thiên Chúa phái đến thế gian trong sứ vụ cứu thế để tái tạo con người và đổi mới bộ mặt thế giới, Chúa Giêsu luôn luôn cầu nguyện để chu toàn sứ mệnh của mình. Đặc biệt hôm nay sau khi đã lãnh phép rửa của Gioan Tiền hô, Người cầu nguyện để nhận lãnh Chúa Thánh Thần và sự xác nhận của Chúa Cha.

Gương cầu nguyện của Chúa Giêsu khẳng định với chúng ta: Cầu nguyện là điều quan trọng bậc nhất cho sứ mệnh làm người và đặc biệt là làm Kitô hữu. Muốn cải thiện bản thân, muốn hoán cải cuộc đời, muốn biến đổi thế gian, cần phải cầu nguyện và trở thành những con người cầu nguyện: Cầu nguyện liên lỉ, cầu nguyện tin tưởng, cầu nguyện bền đỗ, cầu nguyện khiêm tốn như Chúa Giêsu dạy. (Theo “Góp nhặt”).

 

11. Tôi thương nó

Ở Hoa Kỳ, ông Bim là chủ một nông trại nuôi bò rất lớn. Ông được mọi người gọi là “Ông Bim quảng đại” vì ông rất thương người, sẵn sàng giúp đỡ mọi người, nhất là những người nghèo khó bệnh tật.

Ông chỉ có đứa con trai duy nhất. Rủi thay trong một chuyến đi nghỉ cuối tuần bị tai nạn xe hơi làm cho vợ và đứa con trai một của ông thiệt mạng!...

Trong mững ngày đau buồn, ông đi lang thang trong nông trại, bỗng ông gặp một đứa trẻ ăn mặc rách rưới bơ vơ. Ông gọi nó đến hỏi thăm gia cảnh của nó, mới biết nó là đứa trẻ mồ côi, tên là Jimi, sống rày đây mai đó nhờ lòng hảo tâm của mọi người. Ông thương đem nó về nuôi và làm chúc thư cho nó:

“Nếu ngày nào tôi chết, tất cả tài sản của tôi sẽ để lại cho Jimi, đứa con nuôi của tôi”. Bạn hữu ông nghe biết thế thì ngạc nhiên hỏi:

-Sao bạn làm thế?

-Vì tôi thương nó. Nó giống con tôi. Tôi nhìn thấy con tôi trong nó.

---------

Trong Tin mừng hôm nay, khi Chúa Giêsu vừa chịu phép rửa ở sông Giođăng bước lên bờ; Chúa Cha đã công nhận Người là Con yêu dấu. Và chúng ta sau khi lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy, chúng ta cũng làm con Thiên Chúa.

Câu nói của ông Bim trên đây nhắc chúng ta nhớ: Thiên Chúa yêu thương chúng ta, nhận chúng ta làm nghĩa tử của Người, đồng hưởng gia nghiệp với Con Một người là Đức Kitô ngày chúng ta lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy. Người nói với chúng ta “Con là con yêu dấu của Ta” như đã nói với Đức Giêsu lúc chịu Gioan Tẩy Giả làm phép rửa ở sông Giođăng.

Nhưng với Đức Giêsu, Thiên Chúa còn bảo “Cha hài lòng về Con”. Nếu nói với chúng ta, Thiên Chúa có thể nói được câu đó, hay Người phải nói ngược lại: “Cha buồn lòng vì con?”

Mỗi người chúng ta hãy tự hỏi: tôi làm hài lòng Chúa hay làm Chúa buồn lòng? Tại sao? (Theo “Phút cầu nguyện cuối ngày”, tập III).

 

12. Lỗi lời thề hứa

Ở núi Phong Khê đất Thục có giống đười ươi, mặt như mặt người, biết cười biết nói. Máu nó dùng để nhuộm màu không bao giờ phai nên người ta đánh lừa bắt nó.

Tính đười ươi thích uống rượu, thích đi guốc. Người ta biết thế nên đem rượu và guốc ra bày la liệt ở quãng đồng không, rồi đi núp một chỗ. Đười uơi ngửi hơi rượu, kéo nhau ra thấy rượu thấy guốc, biết người dụ mình bèn chửi rủa thậm tệ đoạn rủ nhau đi, miệng lẩm bẩm:

-Chớ có mắc mưu loài khốn ấy!

Song đã đi mà còn ngoảnh lại:

-Ta chỉ nếm xem, chắc không hại gì.

Thế là tay bấm miệng mút, bén mùi làm mãi thành say rượu mờ mịt, quên cả lời khôn lẽ thiệt gìn giữ bấy lâu, chếch choáng nghiêng ngã, nói nói cười cười, chân đưa vào guốc thất thểu bước đi.

Người núp bấy giờ đổ ra thì đười ươi lảo đảo chạy, con ngã nghiêng con ngã ngửa, người ta bắt sạch không sót con nào.

----------

Tin mừng hôm nay thuật lại Chúa Giêsu chịu Thánh Gioan Tẩy Giả làm phép rửa ở sông Giođăng, để được Chúa Cha xác nhận là Con yêu dấu Người, được Chúa Thánh Thần sai đi loan báo tin mừng. Từ đó, Chúa Giêsu luôn chu toàn sứ mạng, không bao giờ chểnh mảng trách nhiệm.

Ngày chịu phép Rửa tội, chúng ta đã thề hứa từ bỏ ma quỷ, xa tránh tội lỗi. Nhưng thật ra chúng ta đã vấp phạm biết bao nhiêu lần. Biết tội là xấu nhưng không dễ gì xa lánh. Kinh nghiệm này thánh Phaolô đã từng trải: “Việc thiện tôi muốn làm nhưng lại không làm. Điều dữ tôi muốn lánh nhưng lại làm”. Đó là thân phận con người hèn yếu bất toàn của chúng ta

Mỗi người cần ý thức điều đó để luôn tin tưởng, trông cậy cầu khẩn Chúa nâng đỡ, nhất là không bao giờ ngã lòng thất vọng khi lỡ lầm sa ngã, mà phải nhớ Chúa là Cha nhân từ quãng đại thương giúp ăn năn sám hối.

(Trích “Tất cả là hồng ân”).