|
BÁNH HẰNG SỐNG
Năm
1230, tại thành Toulouse xảy ra một cuộc tranh luận kịch liệt
giữa Thánh Antôn Padua và ông Boniville thuộc bè rối Albigensê.
Đề tài cuộc tranh luận là sự hiện diện đích thực của Chúa Kitô
trong Nhiệm Tích Thánh Thể. Thánh Antôn xác quyết theo Đức Tin
Công Giáo: Chúa Kitô thực sự hiện diện cách thực tại nơi hình
bánh rượu sau khi Linh Mục đọc lời truyền phép; còn ông Boniville
nhất định chối từ chân lý này. Cả hai đều đưa ra nhiều chứng lý
để bênh vực cho lập trường của mình. Cuộc tranh luận diễn ra trước
đám đông dân chúng của hai phe. Sau cùng, một người đề nghị dùng
con lừa của ông Boniville để làm một cuộc trắc nghiệm. Cả hai
đều chấp nhận. Cuộc trắc nghiệm diễn tiến như sau: Con lừa phải
nhốt trong chuồng, nhịn đói ba ngày không hề cho ăn uống gì. Rồi
trước một đám đông dân chúng, gồm cả những người tin cũng như
những người không tin đang chờ đợi sự việc sẽ xảy ra. Con lừa
được dẫn tới trước mặt Thánh Antôn Padua, trong khi ngài nâng
cao hào quang mang Thánh Thể Chúa Kitô trước mặt con vật; đồng
lúc đó, ông Boniville cũng đem thúng lúa mạch và cỏ khô để dưới
chân nó. Một sự thật ngạc nhiên vô cùng trước sự chứng kiến của
đoàn lũ dân chúng đông đảo: Con lừa đã không thèm để ý gì tới
đồ ăn đặt dưới chân nó; mà trái lại, nó đã quì gối xuống trước
Thánh Thể Chúa, như để cung kính thờ lạy Người.
I.
THÁNH THỂ, PHÉP LẠ VÔ CÙNG SIÊU VIỆT
Bài
sách Các Vua hôm nay thuật lại việc Chúa làm phép lạ cho 20 chiếc
bánh mạch nha và lúa mì vị tiên tri phân phát cho một trăm người
ăn no mà còn dư. Còn trong bài Tin Mừng, Chúa dùng 5 chiếc bánh
và 2 con cá, chúc phúc và truyền cho các Tông Đồ phân phát cho
5 ngàn người ăn no, phần còn dư thu lại được 12 thúng bánh vụn.
Ấy là chưa kể đàn bà con nít, có lẽ vì đàn bà con nít ăn ít nên
không nói đến.
Hai
phép lạ Chúa làm cho bánh hóa nhiều chỉ là hình bóng, là biểu
tượng một phép lạ vĩ đại vô cùng siêu việt Chúa sẽ thực hiện,
để tỏ uy quyền và tình thương vô cùng của Chúa đối với chúng ta.
Đó là Bí Tích Thánh Thể. Chúa yêu thương chúng ta đến nỗi đã trở
nên như điên, như khùng, như mát, như mất trí khi tự trở nên bánh
làm của ăn nuôi sống chúng ta. Hay nói đúng hơn, là Chúa đã biến
bánh trở nên Chúa, để ở lại với chúng ta, nên lương thực nuôi
linh hồn chúng ta, nên nguồn ơn thánh trào đổ xuống chúng ta,
kết hợp nên một, hòa tan trong chúng ta, biến chúng ta nên thánh
thiện như Người; lấy làm sung sướng hạnh phúc ở lại với chúng
ta, như chính lời Chúa đã phán: "Hạnh phúc của Cha là ngự
giữa con cái loài người mọi ngày cho đến tận thế" (xem Mt
28:20). Chúa được thỏa mãn hạnh phúc ngự vào tâm hồn chúng ta
mỗi khi chúng ta đón tiếp Người.
II.
THÁNH THỂ BỊ KHINH CHÊ QUÊN LÃNG
Ngày
nay, biết bao anh em trong các giáo phái ly khai không nhìn nhận,
không tin Chúa ngự thật trong Nhiệm Tích Thánh Thể. Họ cho đó
chỉ là một kỷ niệm suông, không phải là sự hiện diện thực tại
sống động của Chúa Kitô như chính Tin Mừng đã dạy.
Người
ta tin Thánh Kinh, nhưng đồng thời người ta lại kết án là Chúa
đã đánh lừa nhân loại khi phán: "Đây là Mình Ta! Đây là Máu
Ta!" (Mt 26:26-28) Trước Thánh Thể, Đức Mẹ, toàn thể các
Thần Thánh trên Thiên Quốc đều tôn thờ sùng mộ, ngợi khen, chúc
tụng, tôn kính, mến yêu... Ngay cả các quỉ thần trong hỏa ngục
cũng phải thất kinh bát đảo sụp lạy kính thờ.
Phép
lạ bánh hóa nhiều đã làm cho dân Do Thái xưa phải thán phục trước
uy quyền của Chúa Cứu Thế, đến nỗi họ đã muốn tìm cách tôn Ngài
lên làm Vua... Nhưng phép lạ đó mới chỉ một là hình bóng tiên
báo Nhiệm Tích Thánh Thể Chúa sẽ thiết lập. Nó cũng chỉ là phép
lạ trong bậc tự nhiên thuộc phạm vi chất thể, để nuôi sống thân
xác con người mà thôi; còn phép lạ Thánh Thể là một phép lạ trong
bậc siêu nhiên, vượt trên mọi phép lạ Chúa đã thực hiện, để Ngài
có thể ở lại với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế, nên thần lương
dưỡng nuôi linh hồn chúng ta, nên nguồn hạnh phúc thánh hóa chúng
ta và giúp chúng ta đạt tới hạnh phúc vĩnh cửu Thiên Quốc.
III.
NGHĨA VỤ CỦA CHÚNG TA VỚI THÁNH THỂ
Là
con cái Chúa, chúng ta có nghĩa vụ nào đối với Chúa Giêsu Thánh
thể? Chúng ta có nghĩa vụ phải hết sức tin tưởng, kính tôn, phụng
thờ và yêu mến Chúa. Năng đến kính viếng hoặc tham dự Thánh Lễ
cách sốt sắng, đón rước Chúa ngự vào linh hồn và nồng nàn kết
hợp với Chúa trong tình yêu mến thiết tha. Chúng ta còn có nghĩa
vụ phải làm tông đồ truyền bá lòng tôn sùng Chúa Giêsu Thánh Thể,
đề tạ những tội lỗi, những lời lộng ngôn phạm thượng, những xúc
phạm bất kính phạm đến Nhiệm Tích Thánh Thể. Đặc biệt hơn nữa,
chúng ta còn có nghĩa vụ phải đền bồi phạt tạ những tội lỗi của
các linh hồn sống Đời Thánh Hiến, đã không cử hành Thánh Lễ và
rước Chúa cách xứng đáng làm đau lòng Chúa.
Để
đón rước Chúa ngự vào linh hồn cách xứng đáng, chúng ta hãy tuân
theo giáo huấn của Thánh Phaolô Tông Đồ: "Trước khi anh chị
em ăn Bánh và uống chén Rượu này, anh chị em hãy hồi tâm kiểm
điểm xem, anh chị em có xứng đáng ăn và xứng đáng uống không,
nếu không xứng đáng mà dám ăn dám uống là ăn và uống án phạt cho
mình" (xem I Cor 11:28-29).
Đừng
kể anh em trong các giáo phái không tin Chúa ngự thật trong Nhiệm
Tích Thánh Thể, mà ngay trong hàng ngũ Công Giáo, nhiều người
cũng dường như không tin tưởng gì. Họ vào Thánh Đường nhâng nhâng
nháo nháo, trò truyện dức lác, coi Thánh Đường như một hội trường,
như cái chợ, như nơi hẹn hò tìm bạn bốn phương, tình tình tứ tứ...
Có những người miệng nhai kẹo cao xu trong suốt buổi lễ, chỉ bỏ
ra khi lên rước Chúa, rồi lại nhai tiếp tục... Tệ hơn nữa, họ
còn dám để tội trọng mà lên rước Chúa, vì coi việc rước Chúa chỉ
là ăn miếng bánh tiến thường theo nghi lễ như thói quen cho vui.
Biết bao người đã phạm sự thánh khi mắc tội trọng mà dám lên rước
Chúa. Có những người chưng diện mặc diêm dúa khiêu dâm, hở hang
bao nhiêu có thể, bán da bán thịt, phơi bày cái thân xác mình
một cách trơ trẽn mà không biết hổ thẹn... Tất cả những thái độ
bất kính, những lời lộng ngôn, những tội phạm thượng đó đã và
đang vọng lên trời cao trêu cơn nghĩa nộ Thiên Chúa, kêu nài sự
giáng phạt cân xứng.
Là
con cái Chúa, chúng ta cần ý thức trách nhiệm phải tôn thờ, phạt
tạ và yêu mến Chúa, bù lại những tội lỗi nhân loại hằng xúc phạm
đến Chúa trong mọi thời đại. Thứ đến, là những bậc phụ huynh,
những thầy dạy, những huynh trưởng, chúng ta nên đề phòng cho
con em chúng ta khỏi nhiễm lây những thói hư tật xấu của dân ngoại,
làm ô danh cho giòng họ, cho dân tộc, cho con cái Chúa.
Với
tấm lòng chân thành, tôi xin đề nghị với tất quí ông bà anh chị
em mấy điểm sau:
*
Khi tới Thánh Đường tham dự Thánh Lễ hay tham dự bất cứ việc phượng
tự nào, chúng ta nên khuyên nhủ con em chúng ta biết phục sức
đứng đắn, kín đáo cách đoan trang nết na, xứng đáng với nơi tôn
nghiêm, nơi thờ phượng Chúa.
*
Giữ các em nhỏ khỏi làm xáo trộn, chạy lăng xăng, la hét, bất
kính với Chúa và làm chia trí người khác.
*
Điều quan trọng hơn hết, là chúng ta hãy tham dự Thánh Lễ một
cách chủ động, với tất cả tâm tình sùng mộ tôn kính mến yêu, xứng
danh một người con ngoan thảo đến tâm sự với Cha Trên Trời, một
thụ tạo đến tôn thờ Đấng Tạo Hóa, một tôi trung đến phụng sự Đấng
Thượng Đế của mình.
Chúng
ta nên nhớ rằng: Không phải chúng ta đi xem lễ hay đi nghe hát
thánh ca cách thụ động máy móc, hay cực chẳng đã, phải đi để khỏi
mắc tội hoặc khỏi bị cha mẹ rầy la cách miễn cưỡng, nặng nhọc,
bất đắc dĩ... nhưng là đi tham dự Thánh Lễ, cùng dâng Thánh Lễ
với tất cả tâm hồn sốt mến, sung sướng hạnh phúc, cách tự tình
tự nguyện. Với ất cả tâm hồn sùng mộ yêu mến, tự hiến dâng chính
bản thân hợp với Lễ Hy Tế của Chúa Kitô trên bàn thờ thượng tiến
Thiên Chúa Ba Ngôi Cực Thánh, và cùng với Chúa Kitô biến cả đời
mình thành một Thánh Lễ liên tiếp làm hài lòng Thiên Chúa cao
cả và đền tạ Người, xin ơn tha thứ tội lỗi muôn dân.
Kết
Luận
Lạy Mẹ, xin Mẹ chia sẻ cho chúng con tâm tình khiêm nhu sâu thẳm
và lòng sốt mến phi thường của Mẹ, để chúng con được xứng đáng
tế lễ Chúa, tham dự Thánh Lễ, đón rước Chúa ngự vào linh hồn chúng
con, như xưa Mẹ đã được Chúa sung sướng ngự xuống cung lòng trinh
khiết của Mẹ. Chớ gì chúng con được biến đổi nên Mẹ, được đồng
hóa nên một với Mẹ, để Chúa cũng được sung sướng ngự vào lòng
chúng con như vậy.
Lm.
Minh Vận, CMC
|
|