|
GIÚP ĐỠ THA NHÂN
Một
hôm, được tin có một gia đình đang lâm cảnh cùng quẫn, đến nỗi
không còn một chút lương thực cho đàn con đang đói lả; Mẹ Terexa
Calcutta và một số chị em Dòng Bác Ái tới thăm viếng và đem cho
gia đình này một bao gạo. Khi vừa nhận được bao gạo các Nữ Tu
tặng, bà mẹ của gia đình này đã vội chia ra làm hai và đem đi
một phần, chỉ để lại cho gia đình một phần.
Mẹ
Terexa rất lấy làm bỡ ngỡ hỏi: "Bà đem đi đâu vậy?"
Bà mẹ này trả lời: "Con đem đến cho một gia đình nghèo cũng
như gia đình con ở gần đây đang bị đói lả. Con nghĩ cần phải chia
sẻ với họ trong hoàn cảnh túng cực này".
Mẹ
Terexa và các Nữ Tu của Mẹ cảm động đến rơi lệ, trước nghĩa cử
bác ái và tấm lòng quảng đại của bà mẹ nghèo trong gia đình túng
quẫn này.
I.
TẠI SAO NGƯỜI GIẦU BỊ CHÚA CHÚC DỮ
Của
cải là những ơn huệ Chúa ban để giúp con người sinh sống mà phụng
sự Chúa và làm vinh danh Ngài, vậy tại sao Chúa lại thường nặng
lời chúc dữ những người giầu? Chúng ta sẽ đọc thấy những lý do
ngay trong những lời Chúa chúc dữ: "Khốn cho các ngươi là
những kẻ giầu có, vì các ngươi đã được an ủi rồi! Khốn cho các
ngươi là những kẻ hiện nay đã được no nê, vì sau này các ngươi
sẽ bị đói khổ! Khốn cho các ngươi bây giờ tươi cười sung sướng,
vì mai sau các ngươi sẽ phải âu sầu than khóc!" (Lc 6:24-25)
Trong
Cựu Ước, chúng ta thấy Chúa thường ban của cải giầu sang chức
quyền cho những tôi trung con thảo của Chúa, chẳng hạn như các
tổ phụ: Abraham, Maisen, Đavit, Job. Các ngài thường được Chúa
chúc phúc và ban cho đông con nhiều cháu như sao trên trời như
cát bãi biển, lại được của cải dư tràn: Vàng bạc, trâu châu, đá
ngọc, hạt trai, hoa mầu ruộng đất phì nhiêu, những đoàn gia súc
chiên bò, dê cừu vô số... Nhưng các ngài đã luôn ý thức và chân
nhận rằng: Tất cả những của cải đó đều là những ơn phúc do lòng
nhân từ Chúa ban, còn các ngài chỉ là những viên quản lý những
kho tàng Chúa ủy thác, nên phải xử dụng theo đúng thánh ý Chúa.
Hơn nữa, các ngài còn ý thức được nhiệm vụ phải làm cho số vốn
Chúa trao sinh sôi nảy nở, bằng cách dùng chúng để làm vinh danh
Chúa và mưu ích cho tha nhân. Rồi khi Chúa cất lấy, các ngài thưa
với Chúa như tổ thụ Job: "Chúa đã ban cho, rồi Chúa cất lấy,
con xin chúc tụng danh Chúa!" Các ngài không phàn nàn kêu
trách, mà còn hân hoan xin cho thánh ý Chúa nên trọn.
Nhưng
với những người giầu tiền của mà tự kiêu tự đại, cậy chức quyền,
cậy tiền của, tự cho mình là chủ mọi sự, không cần đến ai, khinh
dể mọi người, ăn chơi xa xỉ, tiêu xài phung phí, chè chén say
sưa, yến tiệc tối ngày, hưởng lạc thâu đêm, như trong bài đọc
nhất chúng ta vừa nghe. Họ không hề quan tâm đến nỗi thống khổ
của những người túng thiếu; họ không hề biết thông cảm với những
người xấu số, bị bỏ rơi và cô độc đang rên xiết trong cảnh túng
cực.
Chính
vì lạm dụng những ơn huệ Chúa ban, mà những người nhiều tiền lắm
của này đã chuốc lấy cái khổ vào thân; họ trở nên nô lệ cho tiền
của, bị tiền của làm cho họ tối mắt, không nhận ra Đấng làm chủ
mọi sự và những ơn huệ Ngài ban, để cảm tạ Ngài.
Để
ngăn ngừa chúng ta khỏi mắc phải những lỗi lầm đó, Chúa đã ân
cần nhắn nhủ: "Hỡi các ngươi là những kẻ cậy dựa vào tiền
của, thật khó vào Nước Thiên Đàng biết bao! Con lạc đà chui qua
lỗ kim còn dễ hơn người giầu vào Nước Thiên Đàng" (Mc 10:24-25)
và (Lc 18:24-25).
Dụ
ngôn người giầu sang và ông Lazarô nghèo hèn trong bài Tin Mừng
hôm nay, Chúa đã nêu lên cái số phận bi đát của người giầu trong
cuộc sống mai hậu, vì ông đã được tận hưởng sự giầu sang phúc
quí, mà không hề động lòng trắc ẩn trước nỗi thống khổ nghèo nàn
túng thiếu, bệnh tật ghẻ lở của con người xấu số là Lazarô đang
ngồi gần cổng nhà ông. Đồng thời, Chúa cũng đề cao cái hạnh phúc
may mắn mà Lazarô đã được ân thưởng trên nơi vĩnh phúc. Hai hình
ảnh thật tương phản và xa cách nhau muôn phần. Qua lời tổ phụ
Abraham nói với người giầu, đang rên xiết cầu cứu sự trợ giúp
của Lazarô, cho chúng ta hiểu được bài học Chúa dạy trong dụ ngôn
này: "Hỡi con, suốt đời con được toàn sự lành; còn Lazarô
toàn gặp sự khốn khó. Vậy bây giờ Lazarô được an ủi ở chốn này;
còn con thì phải chịu khốn khổ. Điều đó quả là đích đáng".
II.
ĐỂ ĐÁNG ĐƯỢC CHÚA ÂN THƯỞNG
Để
đáng được Chúa chúc phúc và ân thưởng hạnh phúc vĩnh cửu cho chúng
ta trên Quê Trời trong đời sống mai hậu, chúng ta hãy quyết địch
thực thi mấy điểm sau đây:
Nếu
chúng ta là những người được Chúa ban dư giả những của cải vật
chất, chúng ta hãy biết thương cảm những nỗi sầu khổ của tha nhân,
bằng cách chia cơm sẻ áo với những người túng thiếu nghèo nàn.
Nếu chúng ta là những người gặp may mắn, có địa vị chức quyền,
được mạnh khoẻ, nhiều khả năng, được hưởng an bình, tự do và hạnh
phúc, chúng ta hãy dùng những ân huệ Chúa ban để trợ giúp tha
nhân, nâng đỡ những người yếu kém cô thân cô thế, an ủi những
người sầu khổ, khích lệ những người ngã lòng nản chí, nâng dậy
những người sa ngã.
Hơn
nữa, là con cái Chúa, chúng ta được hưởng muôn vàn ân huệ siêu
nhiên Chúa ban, chúng ta hãy cầu nguyện và trợ giúp những anh
chị em chưa được diễm phúc làm con cái Chúa, những người chưa
nhận biết chân lý, chưa được ánh sáng Đức Tin chiếu soi, nhất
là những người lầm đường lạc lối, những người cố tình chống đối
Thiên Chúa, để họ được ơn trở về làm hòa với Chúa, phụng sự và
yêu mến Người.
Chúng
ta còn có nghĩa vụ khẩn thiết là rao giảng Tin Mừng Cứu Rỗi cho
tha nhân, chinh phục họ trở về với Chúa; chúng ta hãy luôn tâm
niệm và tự răn mình theo gương Thánh Phaolô: "Vô phúc cho
tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng Chúa Kitô cho anh chị em
tôi". Chớ gì lời đó trở nên lẽ sống thúc đẩy chúng ta luôn
biết tha thiết đến phần rỗi anh chị em chúng ta, tức là chu toàn
nghĩa vụ đem Chúa đến cho tha nhân, bằng chính cuộc sống thánh
thiện như mẫu gương chiếu giãi, trước tiên cho những phần tử trong
gia đình, cùng sống chung một nhà, rồi đến họ hàng thân quyến,
bạn hữu và tất cả những người chúng ta giao tiếp hằng ngày, tùy
theo hoàn cảnh hợp với địa vị và môi trường của mỗi người chúng
ta.
Kết
Luận
Tấm
lòng quảng đại của bà mẹ nghèo trong câu truyện chúng ta vừa nghe,
đã biết quan tâm chia sẻ những nhu cầu sinh sống cấp bách, với
những người cùng cảnh ngộ đói khổ như mình, là một tấm gương đáng
chúng ta suy nghĩ, cảm phục và noi theo bắt chước. Chúng ta lại
không có thể hy sinh làm được đôi việc bác ái tương tự như thế
cho anh chị em chúng ta vì lòng yêu mến Chúa sao?
Lạy
Mẹ, Mẹ là Hiền Mẫu hằng nhân từ thương yêu ban mọi ơn lành cho
con cái và tất cả chạy đến cầu khẩn với Mẹ, không bao giờ để họ
phải trở về tay không, xin Mẹ dạy chúng con biết noi theo lòng
nhân từ bác ái cao cả của Mẹ, để chúng con biết mở rộng tấm lòng
trước nỗi thống khổ của tha nhân, như giáo huấn Chúa đã dạy chúng
con.
Lm.
Minh Vận, CMC
|
|