KHOẢNG CÁCH
Dụ ngôn người phú hộ
và Lazarô mô tả một bức tranh tương phản, một khoảng cách rất
gần mà lại rất xa, hai con người với hai cuộc đời, hai hoàn cảnh
trái ngược nhau.
1.
Khoảng cách đời này
Người
phú hộ dư ăn dư mặc, Lazarô nghèo nàn đói lả. Người phú hộ mặc
toàn lụa là gấm vóc, Lazarô rách nát tả tơi. Người phú hộ nhà
cao cửa rộng, Lazarô lê lết bên cổng ăn xin. Người phú hộ ngày
ngày yến tiệc linh đình, Lazarô không có một chút bánh để ăn.
Người sống chốn thiên đàng dương thế, kẻ chịu cảnh hoả ngục trần
gian.
Hai
con người ấy thật gần nhau trong khoảng cách, chỉ cách nhau có
cái cổng, một cái cổng luôn khép kín như lòng người giàu có. Nhưng
họ lại thật xa nhau trong tình người.
Thánh
Luca với ngòi bút sắc bén, linh hoạt, đầy thương cảm đã nói lên
một nghịch lý cuộc đời. Đọc dụ ngôn ai cũng cảm thấy xót xa chua
chát, xót xa cho người giàu và chua chát cùng kẻ nghèo. Khoảng
cách giữa hai người thật xa vời vợi trong một lối so sánh đầy
ấn tượng : người phú hộ sống trong nhung lụa, hưởng thụ mê say
đang khi kẻ bất hạnh nằm chờ chút bánh rơi xuống từ bàn ăn mà
chẳng có, chỉ có mấy con chó đến liếm ghẻ chóc. Phú hộ giàu có
của cải nhưng lại nghèo nàn tình người. Lazarô nghèo khổ mà chẳng
được xót thương. Cả hai đều nghèo tình thương, kẻ không ai thương,
người không thương ai.
2.
Khoảng cách đời sau
Cái
chết đến làm đổi thay tất cả. Cái chết đồng đều cho mọi người
nhưng số phận sau cái chết lại khác nhau. Một cuộc hoán đổi thật
thú vị. Lazarô từng lê lết dưới chân bàn ăn được đưa lên mây trời,
còn người ngồi nơi cao sang với mâm cao cỗ đầy bị đày xuống vực
thẳm. Lazarô được hưởng phúc thiên đàng, phú hộ phải trầm luân
hoả ngục. Một lần nữa, dụ ngôn mô tả khoảng cách nghìn trùng giữa
hai người mà bên này muốn qua bên kia không được và bên kia muốn
qua bên này cũng không thể. Lazarô hạnh phúc trong cung lòng tổ
phụ Abraham. Phú hộ chịu cực hình nài xin với Abraham “sai
Lazarô nhúng đầu ngón tay vào nước nhỏ trên lưỡi con cho mát vì
ở đây bị lửa thiêu đốt.”
3.
Khoảng cách đời này và đời sau
Khoảng
cách nơi cuộc sống trần gian sẽ được hoán đổi vị trí sau cái chết.
Vậy phải chăng dụ ngôn muốn trình bày vấn nạn : hễ sung túc giàu
có ở đời này thì bất hạnh cực hình ở đời sau? Hôm nay khốn khổ
đói nghèo thì mai sau được hạnh phúc sung sướng? Có phải đó là
lối an ủi ru ngũ, là thuốc phiện xoa dịu những người nghèo hãy
chấp nhận, hãy an phận? Đời này cùng khốn, rách rưới thì đời sau
sẽ hưởng phúc thiên đàng?
Chắc
chắn Thánh Kinh không bao giờ trình bày như thế. Giàu có không
phải là tội lỗi và nghèo khổ không là giấy thông hành vào Nước
Trời. Trình thuật dụ ngôn rất ăn khớp với toàn bộ tác phẩm, trong
đó Luca thường đề cập đến người giàu kẻ nghèo để khuyến cáo hay
khích lệ tuỳ trường hợp. Dụ ngôn nằm trong chủ đề của chương 16
giáo huấn về việc sử dụng tiền bạc của cải làm sao để đạt tới
ơn cứu độ.
Người
phú hộ bị luận phạt hoả ngục không phải vì ông ta giàu có mà vì
ông đã khép cửa khép lòng, sống dửng dưng, làm ngơ trước nổi khổ
đau của người khác. Cái tội phú hộ mắc phạm là phớt lờ người nghèo,
là “mackeno” (mặc kệ nó) trước sự cùng khốn của tha nhân. Phú
hộ không la mắng chửi bới, không đuổi Lazarô ra khỏi nhà, nhưng
điều đáng trách là ông ta không thèm ngó nhìn người ăn xin van
lơn. Tội của người phú hộ chính là tội hững hờ. Ở cạnh bên nhau
mà không thấy nhau, không biết nhau, không giúp đỡ nhau thì thật
là quá vô tình, quá hờ hững. Hoàn cảnh của Ladarô quá khốn khổ
thế mà người phú hộ vẫn hững hờ đến nỗi Ladarô phải chết vì đói
đang khi ông ta lại quá dư thừa, thành ra tội hững hờ của người
phú hộ trở thành tội nặng làm cho ông ta đáng phạt trong hỏa ngục.
Trong
bài đọc 1, Tiên tri Amos với lối nói cay độc chua chát đã tiên
báo những sự trừng phạt khủng khiếp dành cho những kẻ giáu có
đang hưởng thụ xa hoa mà không biết xót thương người khốn khổ.
Của cải vật chất đã trở thành bức tường khép kín, người giàu có
sống an toàn mãn nguyện trong không gian riêng mình. Chính họ
đã tạo ra khoảng cách vực thẳm. Họ không cần Thiên Chúa cũng chẳng
cần biết đến tha nhân, khoảng cách đó lớn dần và kéo dài đến đời
sau. Vực thẳm ngăn cách con người ở đời sau là do con người đã
tạo ra ở đời này.
Lazarô
không phải vì nghèo khổ mà được trọng thưởng, được hạnh phúc ngồi
trong lòng tổ phụ Abraham, nhưng vì biết chấp nhận số phận hẩm
hiu và đặt niềm cậy trông phó thác nơi Thiên Chúa. Danh xưng Lazarô
theo Luca có nghĩa là “Thiên Chúa là
Đấng phù trợ tôi”. Người nghèo biết tin tưởng và phó
thác, điều đó mới mang lại cho họ ơn phúc làm con tổ phụ Abraham,
cha những kẻ tin.
Con
người đi đến vong thân khi sống thiếu tình thương và thiếu tình
người. Khi khép kín lòng mình với Thiên Chúa, chỉ bằng lòng với
của cải trần gian mà quên đi cuộc sống vĩnh cữu; và khi khép kín
lòng mình với tha nhân, mắt không xót thương, lòng không xúc động
trước các nghịch cảnh thì chính họ ngày càng nghèo nàn tình thương.
Dụ ngôn phú hộ và Lazarô là lời cảnh báo những kẻ chỉ biết tôn
thờ vật chất, hưởng thụ trần gian mà quên đi tình Chúa tình người.
Dụ ngôn còn là lời kêu gọi ý thức trách nhiệm xây dựng tình liên
đới với tha nhân, nhất là người nghèo.
Chúa
Giêsu đã dùng tình thương để xoá bỏ khoảng cách giữa trời và đất,
giữa Thiên Chúa và con người khi Ngài làm người, một người nghèo
giữa những người nghèo. Ngăn cách giữa người giàu kẻ nghèo, giữa
nô lệ và tự do giờ đây không còn nữa, tất cả là anh em của nhau,
là con cùng một Cha trên trời. Mọi người được mời gọi sống Tin
Mừng, sống liên đới với nhau và với người nghèo.
Lý
tướng Kitô giáo không phải là yêu mến sự khó nghèo mà là yêu thương
người nghèo khó. Chúa Giêsu là Đấng giàu có đã trở nên nghèo khó,
Ngài luôn yêu thương và sống liên đới với người nghèo. Vì vậy
người môn đi theo Chúa Giêsu chính là để trở nên giống Ngài. Tông
huấn Giáo Hội Á Châu dạy rằng: Người đời dễ tin hơn tình liên
đới với kẻ nghèo, nếu chính Kitô hữu biết sống giản dị theo gương
Chúa Giêsu. Sự đơn sơ trong cách sống đức tin sâu xa và tình yêu
không giả vờ đối với mọi người, nhất là người nghèo và bị bỏ rơi,
đó là những dấu chỉ Tin mừng trong hành động (GHAC số 34).
Vẫn
còn quá nhiều người nghèo vật chất, nghèo tình thương, nghèo văn
hoá. Người Kitô hữu được mời gọi sống quãng đại, liên đới giùp
nhau thăng tiến. Hãy mở rộng lòng cho yêu thương, cho chia sẽ
trong cuộc sống hàng ngày. Đừng sống hững hờ, cần rèn luyện một
trái tim nhạy bén biết cảm thương những cảnh đời bất hạnh, biết
quãng đại chia sẽ với những người thiếu thốn.
Lạy
Chúa, xin mở mắt mở, mở tai vả mở trái tm con để con thấy, con
nghe, con biết sẽ chia niềm vui nổi buồn, hạnh phúc đau khổ với
hết mọi người. Amen.
Lm.
Giuse NGUYỄN HỮU AN
|