“CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ ĐÂY?”
[CHÚA NHẬT THỨ III MÙA VỌNG NĂM C (16/12/2012)]
[Xp 3,14-18; Pl 4,4-7; Lc 3,10-18]
I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
“Chúng tôi phải làm gì đây?” Câu hỏi thật dễ thương và đáng trân trọng của những người Do-thái đặt ra với ông Gio-an Tiền Hô. Ông đã trả lời họ một cách rất cụ thể và nêu lên lý do ẩn chứa đàng sau: "Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa. Tay Người cầm nia rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi."
Chớ gì mỗi người chúng ta cũng biết đặt câu hỏi “chúng tôi phải làm gì đây?” và tìm ra câu trả lời trong lời đáp của Gio-an. Đó là dọn đường để đón rước Đức Giê-su là Đấng quyền thế hơn Gio-an và là Đấng đang đến với mỗi người chúng ta, để làm phép rửa cho chúng ta trong Thánh Thần và Lửa!
II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
2.1 Bài đọc 1 (Xp 3,14-18): Vì ngươi Chúa sẽ nhẩy múa tưng bừng.
14 Reo vui lên, hỡi thiếu nữ Xi-on, hò vang dậy đi nào, nhà Ít-ra-en hỡi! Hỡi thiếu nữ Giê-ru-sa-lem, hãy nức lòng phấn khởi. 15 Án lệnh phạt ngươi, Đức Chúa đã rút lại, thù địch của ngươi, Người đã đẩy lùi xa. Đức Vua của Ít-ra-en đang ngự giữa ngươi, chính là Đức Chúa. Sẽ chẳng còn tai ương nào khiến ngươi phải sợ. 16 Ngày ấy, người ta sẽ bảo Giê-ru-sa-lem: "Này Xi-on, đừng sợ, chớ kinh hãi rụng rời." 17 Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi đang ngự giữa ngươi, Người là Vị cứu tinh, là Đấng anh hùng. Vì ngươi, Chúa sẽ vui mừng hoan hỷ, sẽ lấy tình thương của Người mà đổi mới ngươi. Vì ngươi, Chúa sẽ nhảy múa tưng bừng 18 như trong ngày lễ hội. Những kẻ tản lạc được hồi hương Ta đã cất khỏi ngươi tai họa khiến ngươi không còn phải ô nhục nữa.
2.2 Bài đọc 2 (Pl 4,4-7): Chúa đã gần đến.
4 Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em! 5 Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hoà rộng rãi, Chúa đã gần đến. 6 Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện. 7 Và bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Ki-tô Giê-su.
2.3 Bài Tin Mừng (Lc 3,10-18): Chúng tôi phải làm gì?
10 Đám đông hỏi ông rằng: "Chúng tôi phải làm gì đây?" 11 Ông trả lời: "Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy." 12 Cũng có những người thu thuế đến chịu phép rửa. Họ hỏi ông: "Thưa thầy, chúng tôi phải làm gì?" 13 Ông bảo họ: "Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho các anh." 14 Binh lính cũng hỏi ông: "Còn anh em chúng tôi thì phải làm gì?" Ông bảo họ: "Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình."
15 Hồi đó, dân đang trông ngóng, và trong thâm tâm, ai nấy đều tự hỏi: biết đâu ông Gio-an lại chẳng là Đấng Mê-si-a! 16 Ông Gio-an trả lời mọi người rằng: "Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa. 17 Tay Người cầm nia rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi." 18 Ngoài ra, ông còn khuyên dân nhiều điều khác nữa, mà loan báo Tin Mừng cho họ.
III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
3.1 Chân dung Thiên Chúa (Thiên Chúa là Đấng nào?)
3.1.1 Bài đọc 1 (Xp 3,14-18) là những lời ngôn sứ kêu mời dân chúng Ít-ra-en hãy reo hò mừng vui vì Thiên Chúa đang ngự giữa họ là Đấng cứu tinh quyền năng và yêu thương; Người sẽ thay đổi hiện tại và tương lai khiến cuộc sống của họ tràn đầy niềm vui.
Trong đoạn Sách Xô-phô-ni-a 3,14-18 trên, chúng ta khám phá ra gương mặt và tấm lòng đầy yêu thương và quyền năng của Thiên Chúa đối với nhà Ít-ra-en và thành thánh Giê-ru-sa-lem. Người sẽ biến đổi mọi hoàn cảnh để niềm vui thay thế cho nỗi sầu khổ, bình an thế chỗ cho lo âu, sợ sệt trong tâm hồn và cuộc sống của người tin theo Chúa.
3.1.2 Bài đọc 2 (Pl 4,4-7) là những lời khuyên nhủ thân thương của Thánh Phao-lô Tông đồ dành cho các tín hữu Phi-líp-phê. Thánh Phao-lô thúc giục họ hãy sống an vui, hiền hòa, quảng đại, tin tưởng và phó thác vì Thiên Chúa đã gần, khi Chúa Giê-su Ki-tô, Con Một Thiên Chúa, xuống thế làm người và chịu khổ hình vì mọi người.
Qua đoạn thư Phi-líp-phê 4, 4-7 trên, chúng ta nhận ra Thiên Chúa là Đấng thánh thiện, tinh tuyền, yêu thương, chăm lo cho con cái và nghe lời cầu xin của chúng ta; Người muốn chúng ta sống an bình, hoan lạc và tin tưởng phó thác. Chúng ta cũng nhận ra Chúa Giê-su là Đấng đang chờ đợi để gặp chúng ta.
3.1.3 Bài Tin Mừng (Lc 3,10-18) là tường thuật về những lời trao đổi và chỉ dẫn của Gio-an Tiền Hô với dân chúng. Ông thúc giục họ thay đổi cách sống để đón nhận Chúa Cứu Thế. Nhiều người xin ông chỉ bảo phải làm gì cụ thể để được Chúa thương. Ông Gio-an Bao-ti-xi-ta ân cần chỉ bảo từng người, từng giới và giới thiệu cho mọi người biết về Chúa Giê-su: Người cao trọng hơn Gio-an bội phận, Người sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần và lửa; Người sẽ thanh lọc kẻ xấu người tốt.
Qua đoạn Phúc Âm Lu-ca 3, 10-18 trên, chúng ta nhận ra Thiên Chúa là Đấng muốn cứu độ tất cả mọi người; Chúa Giê-su là Đấng cao trọng vô cùng và là Đấng sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần và lửa; Người cũng là Đấng sẽ thanh lọc tức phân xử kẻ xấu người tốt khi Người đến trong thế gian này.
3.2 Sứ điệp Lời Chúa (Thiên Chúa muốn chúng ta làm gì?)
Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay là: Chúa Cứu Thế là Đấng cao trọng vô cùng; Người sẽ thanh lọc (phân xử) kể xấu người tốt; Người sẽ canh tân đổi mới bằng phép rửa trong Thánh Thần và lửa cho mọi người nên tinh tuyền.
IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI
4.1 Sống với Thiên Chúa là Đấng trung tín trong mọi lời hứa với tổ tiên loài người là sẽ ban Đấng Công Chính cho dân Người. Sống với Thiên Chúa là Ngôi Lời Nhập Thể và đồng hành với chúng ta chỉ đường dẫn lối cho chúng ta qua gương lành và lời giảng dậy của Người.
4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa
Để thực thi sứ điệp Lời Chúa hôm nay, chúng ta cần làm 3 việc sau:
* Một là chúng ta hãy tự hỏi mình như những người Do Thái xưa đã hỏi ông Gio-an Tiền Hô: “Chúng tôi phải làm gì đây?”
* Hai là chúng ta xin Chúa Thánh Thần soi sáng, mở lòng, mở trí, mở mắt tâm linh cho chúng ta nhìn thấu suốt con người của mình mà thấy được những “ngóc ngách” nào trong tâm hồn và đời sống của chúng ta cần được Chúa Giê-su Ki-tô rửa trong Thánh Thần và trong lửa. Trong tâm hồn của chúng ta, có thể có những “ngóc ngách” cần được thanh tẩy, như lòng kiêu căng, cứng tin, ganh tỵ, hận thù, thờ thần nào khác không phải là Thiên Chúa. Trong đời sống của chúng ta, có thể có những “ngóc ngách” cần được thanh tẩy, như đam mê sắc dục, rượu chè, cờ bạc, tiền tài, danh vọng, chức quyền hay lối sống giả hình, nhỏ nhen, ích kỷ, thờ ơ trước nỗi khổ của người chung quanh hoặc hẹp hòi trong chia sẻ (tài năng, tấm lòng, thời gian, tiền của) với người hay cộng đồng cần đến sự giúp đỡ và đóng góp của chúng ta.
* Ba là chúng ta tha thiết nài xin Chúa Giê-su Ki-tô dùng Máu Châu Báu, Thánh Thần và lửa để rửa sạch những “ngóc ngách” tối tăm, bụi bậm ấy trong tâm hồn và đời sống của chúng ta.
V. CẦU NGUYỆN CHO HỘI THÁNH VÀ LOÀI NGƯỜI
5.1 «Chúng tôi phải làm gì đây?» Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho các dân các nước trên thế giới hôm nay để mọi người biết tự hỏi mình “Chúng tôi phài làm gì đây?” trước khi bắt tay vào công việc của mình.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
5.2 «Chúng tôi phải làm gì đây?» Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cách riêng cho Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đi-tô XVI và các Giám Mục Việt Nam, để các ngài lãnh đạo Dân Chúa một cách khôn ngoan và dũng cảm trong hoàn cảnh hiện nay của thế giới và của dân tộc Việt Nam.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
5.3 «Chúng tôi phải làm gì đây?» Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho mọi thành phần Dân Chúa ở Việt Nam, nhất là cho những người có trọng trách giáo dục, đào tạo nhân bản và đức tin cho giới trẻ, để họ biết phải làm những gì trong Năm Đức Tin này.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
5.4 «Chúng tôi phải làm gì đây?» Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho những người được giao trọng trách lãnh đạo và hoạch định chính sách cho quốc gia dân tộc, để họ làm theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần mà đem lại lợi ích thiết thực cho quê hương đồng bào.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội 2012.
Dọn đường để Chúa Kitô
ĐẾN VỚI TA & MỌI NGƯỜI
I.
Dẫn vào Phụng vụ
Vào cuối tuần trước, nhiều vị nguyên thủ quốc gia trên thế giới, trong đó có
Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush, Chủ tịch Trung Quốc
Hồ Cẩm Đào và Tổng thống Nga Vladimir Putin, đã đến Hà
Nội để dự Hội Nghị Thượng Đỉnh của Tổ Chức APEC. Chúng ta có
thể mường tượng ra cảnh nước chủ nhà đã phải vất vả như thế
nào để chuẩn bị và đón tiếp các vị khách quan trọng ấy.
Từ
kinh nghiệm chính trị kinh tế xã hội ấy, chúng ta dễ hiểu hơn
những điều Sách Thánh nói về việc chuẩn bị đón mừng Chúa
Giê-su Ki-tô, Chúa Cứu Thế của muôn
dân, muôn người. Thật vậy muốn đón rước Chúa vào nhà là tâm hồn và cuộc sống
của chúng ta, thì tỉnh thức và cầu nguyện là cần thiết nhưng chưa đủ! Chúng
ta còn phải tích cực chuẩn bị là dọn đường cho Chúa đến với mình và với mọi
người nữa.
II.
Lắng nghe & Tìm hiểu Lời Chúa trong ba bài Thánh kinh
2.1
Lắng nghe Lời Chúa trong ba bài Thánh Kinh:
Bài
đọc 1: Br 5,1-9: Hy vọng của Giêrusalem
1Hỡi Giê-ru-sa-lem, hãy cởi bỏ áo tang khổ nhục, và mặc lấy ánh vinh quang
vĩnh cửu Thiên Chúa ban cho ngươi; 2 hãy khoác vào mình áo
choàng công chính của Thiên Chúa; và đội lên đầu triều thiên
vinh quang Đấng Vĩnh Hằng ban tặng. 3 Vì Thiên Chúa sẽ cho
khắp cả hoàn cầu thấy hào quang rực rỡ của ngươi. 4 Mãi mãi
Người sẽ gọi ngươi là "Bình an xây dựng trên công chính", và "Vinh quang phát xuất từ lòng kính sợ Thiên Chúa". 5 Vùng lên, Giê-ru-sa-lem hỡi, hãy đứng ở nơi cao, và hướng nhìn về phía đông:
Kìa xem con cái ngươi từ đông sang tây tụ họp về theo lời Đấng
Thánh đã truyền dạy. Được Thiên Chúa nhớ đến, chúng hớn hở
mừng vui. 6 Xưa chúng bị quân thù áp giải, phải rời ngươi,
không xe không ngựa. Nay Thiên Chúa lại đưa chúng trở về với
ngươi, chúng được kiệu đi vinh quang rực rỡ, khác chi một ngai
vàng. 7 Vì Thiên Chúa đã ra lệnh phải bạt thấp núi cao và gò
nổng có tự lâu đời, phải lấp đầy thung lũng cho mặt đất phẳng
phiu, để Ít-ra-en tiến bước an toàn dưới ánh vinh quang của
Thiên Chúa. 8 Theo lệnh của Thiên Chúa, rừng xanh và đủ loại
quế trầm sẽ toả bóng che rợp Ít-ra-en, 9 vì Thiên Chúa sẽ dẫn
Ít-ra-en đi trong hoan lạc, dưới ánh sáng vinh quang của Chúa,
cùng với lòng từ bi và sự công chính của Người.
Bài
đọc 2: Pl 1,4-6.8-11: Tạ ơn và cầu nguyện
4 Tôi luôn vui sướng mỗi khi cầu nguyện cho anh em hết thảy, 5 vì
từ buổi đầu cho đến nay, anh em đã góp phần vào việc rao giảng
Tin Mừng 6 Tôi tin chắc rằng: Đấng đã bắt đầu thực hiện nơi
anh em một công việc tốt lành như thế, cũng sẽ đưa công việc
đó tới chỗ hoàn thành cho đến ngày Đức Ki-tô Giê-su quang lâm.
8 Có Thiên Chúa làm chứng cho tôi: tôi hết lòng yêu quý anh
em tất cả, với tình thương của Đức Ki-tô Giê-su. 9 Điều tôi
khẩn khoản nài xin, là cho lòng mến của anh em ngày thêm dồi
dào, khiến anh em được ơn hiểu biết và tài trực giác siêu nhiên,
10 để nhận ra cái gì là tốt hơn. Tôi cũng xin cho anh em được
nên tinh tuyền và không làm gì đáng trách, trong khi chờ đợi
ngày Đức Ki-tô quang lâm. 11 Như thế, anh em sẽ đem lại hoa
trái dồi dào là sống một đời công chính nhờ Đức Giê-su Ki-tô,
để tôn vinh và ngợi khen Thiên Chúa.
Bài
Tin Mừng: Lc 3,1-6: Ông Gioan Tẩy Giả rao giảng
1 Năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Ti-bê-ri-ô, thời Phong-xi-ô Phi-la-tô
làm tổng trấn miền Giu-đê, Hê-rô-đê làm tiểu vương miền Ga-li-lê,
người em là Phi-líp-phê làm tiểu vương miền I-tu-rê và Tra-khô-nít,
Ly-xa-ni-a làm tiểu vương miền A-bi-lên, 2 Kha-nan và Cai-pha
làm thượng tế, có lời Thiên Chúa phán cùng con ông Da-ca-ri-a
là ông Gio-an trong hoang địa. 3 Ông liền đi khắp vùng ven
sông Gio-đan, rao giảng, kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ
lòng sám hối để được ơn tha tội, 4 như có lời chép trong sách
ngôn sứ I-sai-a rằng: Có tiếng người hô trong hoang địa: hãy
dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người
đi. 5 Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt
cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm,
phải san cho phẳng. 6 Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu
độ của Thiên Chúa.
2.2
Trong ba bài Thánh Kinh trên, chúng ta khám phá ra Thiên
Chúa là Đấng nào?
Bài
đọc 1 (Br 5,1-9) là sấm ngôn kêu gọi thành thánh Giê-ru-sa-lem nhận thức sứ mạng và
vai trò lịch sử của mình vì Thiên Chúa đang và sẽ thay đổi
số phận của thành. Thiên Chúa ra chỉ thị cho thành là: “bạt
thấp núi cao và gò nổng, lấp đầy thung lũng cho mặt đất phẳng
phiu” để chuẩn bị cho ngày Chúa đến. Sau này Gio-an Tiền Hô
cũng hô hào dân Do Thái thực hiện những chuẩn bị cơ bản ấy.
Qua
đoạn văn Sách Ba rúc 5,1-9 trên, xuất hiện gương mặt của
một Đấng Thiên Chúa trung thành với lời hứa và thích làm điều
tốt
đẹp cho dân, khiến dân riêng và
thành thánh được vẻ vang trước mặt thiên hạ.
Bài
đọc 2 (Pl 1,4-6.8-11) là những lời tâm tình của Thánh Phao-lô Tông đồ viết cho các
tín hữu Phi-líp-phê. Thánh Phao-lô khen ngợi những việc tốt
lành mà họ đã thực hiện để thúc đẩy họ tăng cường hơn nữa đời
sống yêu thương, tinh tuyền trong khi chờ đón Ngày Chúa Ki-tô
Quang Lâm. Đối với Thánh Phao-lô và các tín hữu thời Giáo Hội
sơ khai thì việc trông đợi Ngày/Biến Cố Chúa Ki-tô Quang Lâm
là yếu tố chi phối tư tưởng và cách sống, có nghĩa là người
Kitô hữu sống, hành động, hy sinh, hãm mình, phấn đấu vì Ngày/Biến
Cố ấy. Nói cách khác điều người Ki-tô hữu mong đợi, ngóng chờ
nhất là Ngày/Biến Cố Quang Lâm của Chúa Giê-su Ki-tô.
Qua
đoạn thư Philípphê 1,4-6.8-11 trên, chúng ta nhận ra Thiên
Chúa
là Đấng thánh thiện, tinh tuyền; Chúa Giêsu là Đấng sẽ đến
để hoàn tất kế hoạch của Thiên Chúa.
Bài
Tin Mừng (Lc 3,1-6) là tường thuật về khung cảnh (tôn giáo và chính trị, xã hội) và những
lời kêu gọi và việc làm của Gio-an Tiền Hô là người được giao
sứ mạng chuẩn bị các tâm hồn, chấn chỉnh nếp sống con người
và cải cách cơ chế tôn giáo và xã hội, để Chúa Cứu Thế có thể
đến được với hết mọi người, mọi nhà.
Qua
đoạn Phúc Âm Luca 3, 1-6 trên, chúng ta nhận ra Thiên Chúa
là Đấng muốn cứu hết
mọi người nên mới giao cho ông Gioan sứ vụ rao giảng trong
hoang địa, kêu
gọi tội nhân ăn năn sám hối, để dọn đường đón nhận Đấng Cứu Thế là Chúa Giêsu,
Con Thiên Chúa.
2.3
Qua ba bài Thánh Kinh trên, Thiên Chúa muốn gửi sứ điệp
gì cho chúng ta?
Sứ
điệp của Lời Chúa hôm nay là: Dọn đường cho Chúa Giê-su Ki-tô có thể đến, không chỉ với ta mà còn đến với
mọi người, mọi nhà, đến với xã hội và thế giới hôm nay!
III.
Sống Lời Chúa hôm nay
Muốn thực thi sứ điệp Lời Chúa hôm nay là chuẩn bị hay dọn đường cho Chúa Cứu
Thế đến, chúng ta được mời gọi thực hiện hai việc mà trong
Thư Mục Vụ 2006, các Giám Mục Việt Nam (1) cũng đã nêu. Đó
là:
1. Canh
tân đời sống cá nhân, có nghĩa là:
- thay
đổi từ tình trạng tội lỗi sang tình trạng sạch tội;
- thay đổi
từ tình trạng khô khan, nguội lạnh sang tình trạng
đạo đức, sốt sáng;
- thay đổi từ tình trạng khép kín,
bảo thủ, vị kỷ sang tình trạng cởi mở, cầu tiến và vị tha;
- thay
đổi từ tình trạng trùm chăn, không dấn thân sang tình trạng
dấn thân, phục vụ tha nhân.
- thay đổi từ tình trạng u mê
và thờ ơ với Lời Chúa sang tình trạng siêng năng đọc, học
Lời Chúa mỗi
ngày, mỗi tuần và say
mê Lời Chúa. (Cụ thể là……………………………………………………)
Khi
chúng ta canh tân thân đời sống thì chúng ta trở thành một
con người thánh thiện, dễ thương, hữu ích, được Thiên Chúa
và mọi người yêu mến!
Canh
tân thân đời sống là cách tốt nhất để chúng ta dọn đường cho
Thiên Chúa đến với chúng ta
và cư ngụ trong tâm
hồn và
cuộc sống của chúng ta.
2.
Dấn thân phục vụ một xã hội công bằng vì hai lý do khách quan
và chủ quan. Khách quan là giá trị nội tại (in se) của công bằng;
chủ quan là giá trị của công bằng trong mối liên
hệ với con người và xã hội:
- Khách
quan mà nói thì công bằng là tiền đề của bác ái, yêu
thương, là điều kiện của
hòa bình và hòa hợp giữa người với người và giữa các
nhóm người với
nhau.
- Còn chủ quan mà nói thì công bằng là một đòi hỏi bức bách của hàng
chục triệu con người đang bị phân biệt đối xử, đang là
nạn nhân của bất công
trong xã
hội Việt Nam ngày nay.
(Cụ thể là……………………………………………………).
Khi
dấn thân phục vụ một xã hội công bằng thì chúng ta được Thiên
Chúa chúc phúc, được người lương thiện hoan nghênh nhưng
có thể chúng ta sẽ phải thiệt
thòi,
thậm chí có khi mất mạng (2); nhưng là cách “mất được” chứ không phải là
“mất mất” (3).
Dấn
thân phục vụ một xã hội công là cách tốt nhất để chúng ta dọn
đường cho Thiên Chúa đến với con người
và xã hội và cư ngụ trong tâm hồn và cuộc sống
của nhiều
người
.
IV.
Cầu nguyện (có thể dùng làm Lời nguyện Giáo dân)
(1o) Lạy Thiên Chúa Cha là Thiên Chúa hằng sống và là Thiên Chúa Tình Yêu, Chúa
đã ban Chúa Giêsu, Con Yêu Dấu, cho loài người. Chúng con xin
dâng lời chúc tụng ngợi khen Chúa. Xin Chúa nhậm lời chúng con.
Xin Chúa nhậm lời chúng con.
(2o)
Lạy Chúa Giêsu Kitô là Đấng đã đến trần gian cách nay hơn hai ngàn
năm khi Chúa nhập thể làm người,
sinh sống ở Pa-lét-tin,
rao giảng Tin Mừng và chịu nạn chịu chết vì loài người. Chúng
con xin dâng lời chúc tụng ngợi khen Chúa. Xin Chúa nhậm lời
chúng con. Xin Chúa nhậm lời chúng con.
(3o)
Lạy Chúa Giêsu Kitô là Đấng sẽ đến một lần nữa trong vinh quang vào
Ngày Quang Lâm, để
hoàn tất công trình Cứu Độ của Chúa. Chúng con
xin Chúa thương giúp chúng con biết chuẩn bị tâm hồn và cuộc
sống để đón rước Chúa và đưa Chúa đến với người khác. Xin Chúa
nhậm lời chúng con. Xin Chúa nhậm lời chúng con.
(4o)
Lạy Chúa Giêsu Kitô, vì Chúa là Thiên Chúa hằng sống và là Đấng Phục
Sinh từ
cõi chết nên Chúa vẫn
đến với các tâm hồn mỗi ngày mỗi giờ. Chúng con cầu xin Chúa
hãy thường xuyên đến với chúng con và với mọi người. Xin Chúa
nhậm lời chúng con. Xin Chúa nhậm lời chúng con.
(5o)
Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa là Đấng thi ân giáng phúc cho trần gian.
Chúng con
xin dâng lời chúc tụng
ngợi khen Chúa. Xin Chúa hãy đến và ban ơn phúc cho mọi tâm
hồn, mọi gia đình và mọi cộng đồng quốc gia và quốc tế. Xin Chúa nhậm
lời chúng con. Xin Chúa nhậm lời chúng con.
Giêrônimô
Nguyễn Văn Nội
Seattle
Tacoma (WA/USA) ngày 25.11.2006
Ghi
chú:
1.
Xem Thư Mục Vụ 2006 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, số 5
và 6.
2.
Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng,
và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ.
Và
anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy
để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết… Vì danh
Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí
đến
cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát. (Mt 10,17-19.22).
3.
Rồi Đức Giê-su nói với các môn đệ: "Ai
muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình
mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ
mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được
mạng sống ấy. Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải
thiệt
mất
mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì
mà đổi mạng sống mình?" (Mt 15, 24-26).
|