Hai Suy Tư tuần 3 mùa chay, 2016
Suy Tư Tin Mừng Chúa Nhật thứ ba mùa Chay năm C 28/02/2016
Tin Mừng (Lc 13: 1-9)
Lúc ấy, có mấy người đến kể lại cho Đức Giêsu nghe chuyện những người Galilê bị tổng trấn Philatô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng. Đức Giêsu đáp lại rằng:
"Các ông tưởng mấy người Galilê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Galilê khác sao? Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy. Cũng như mười tám người kia bị tháp Silôác đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giêrusalem sao? Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy."
Rồi Đức Giêsu kể dụ ngôn này: "Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, nên bảo người làm vườn: "Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất?” Nhưng người làm vườn đáp: "Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi."
“Một thời mây biếc đã trôi qua,”
“Nay tưởng cây vàng lại nở hoa.”
(Dẫn từ thơ Đinh Hùng)
Cây vàng hôm trước có nở hoa, đâu vì mây biếc đã trôi qua! Cây vả hôm nay đã khô đẹt, cũng chẳng do Chúa quở trách mới vừa qua, như trình-thuật hôm nay còn kể lại.
Trình thuật ”cây vả” hôm nay, hiển nhiên không nói gì về hạnh phúc ở nhân gian trần thế. Trình thuật cũng không bàn nhiều về những trừng phạt Đức Chúa gửi đến với cây trái còi đẹt, chốn thế trần. Nhưng, Tin Mừng đặc biệt hàm ẩn một hạnh phúc. Thứ hạnh phúc đong đầy những quà tặng cứu độ, của Đức Chúa.
Và Tin Mừng hạnh phúc hôm nay, sẽ không trọn vẹn nếu không có sự hoà đồng hợp tác của những người con yêu dấu, nơi gian trần. Nơi, có những hạnh phúc nhỏ nhoi cần nâng niu như trái chín đầu mùa. Trái chín đã kết tụ, vào mùa tới. Mùa của sám hối. Mùa xót thương thân phận còi đẹt, rất bất hạnh.
Về những còi đẹt/bất hạnh chốn nhân trần, dân thường ở huyện lại cho rằng: chính đó, là hình phạt Cha gửi đến. Một loại hình trừng phạt: nhẹ, thì như cây vả không đâm hoa kết trái. Nặng, thì như Tsunami cơn sóng rất thần, xứ Inđô. Nối tiếp các bất hạnh/còi đẹt, là ngờ vực.
Ngờ vực ở Thiên đình lẫn “chốn nhân gian”, chưa dám chắc nơi đâu là hạnh phúc nhỏ, ta có được. Và, người đời vẫn cứ nghi ngờ. Nghi và ngờ, rằng: Thiên Chúa quản cai vũ trụ như người điều khiển con rối, rất tơi bời.
Trình thuật “cây vả” hôm nay còn cảnh tỉnh, rằng: nếu các ngươi không sám hối tất cả sẽ nên còi đẹt/bất hạnh, tựa cây khô. Tuy nhiên, cây khô bất hạnh không giảm bớt đi tình thương yêu cứu độ, Chúa ban phát. Và, Tin Mừng cũng không đề cập gì đến duyên do của bất hạnh/còi đẹt. Bởi, bất hạnh nơi con người và còi đẹt ở cỏ cây, đều là những cảm nghiệm, tự hỏi rằng: phải chăng Chúa đã bớt yêu tôi? hoặc: tôi có xứng với tình yêu thương của Đức Chúa, nữa không?
Trình thuật “cây vả” vẫn xác minh một điều, rằng: tình huống “nhân gian” nơi ta sống, các kinh nghiệm ta trải qua, đều là những “dấu chỉ” về tình Chúa thương ta. Dù ở Thiên đình hay chốn nhân gian người phàm, loài người và cỏ cây vẫn tràn đầy ơn mưa móc, những ân huệ.
Ân huệ Ngài tặng, luôn nhắc ta một bổn phận: phải biết sẻ san đùm bọc với hết mọi người, chứ không chỉ cho riêng mình. Đùm bọc, để muôn người như một trở nên “trái chín đầu mùa”, có Chúa “nâng niu chăm sóc”. Và từ đó, trở thành quỹ đạo tình thương chuyển tải ân huệ Ngài ban, cho mọi người.
Dù là quà tặng, nhưng “dấu chỉ” của ân huệ không trở thành định chế; mà, là dịp tốt để ta cảnh tỉnh. Cảnh giác về những nghịch lý/nghịch thường, đang có trong đời. Và, tỉnh thức, để gặp Đấng cứu độ luôn tặng ta nhiều ân huệ.
Ở “nhân gian” cỏ cây - đời người, vẫn có lúc ta tưởng chừng như đã ngã gục, đắm chìm trong khổ đau. Đau, vì tật bệnh. Khổ, vì tai ương, nghèo khó. Có lúc, ta đau đớn sầu khổ vì những thất bại, nơi trường đời. Đau đấy, nhưng vẫn không nên chủ bại. Khổ đấy, nhưng chớ có tuyệt vọng. Bởi thất bại, thật ra, vẫn là mẹ thành công, mà ta không thấy đó thôi.
Nói chung, còi đẹt/bất hạnh không là hình phạt, đến từ Chúa. Thất bại, cũng là điều tốt. Vì, có thất bại mới khiến bạn bè/người thân rời bỏ tháp ngà hạnh phúc của riêng mình, để vực dậy những người đã ngã gục và đưa họ về với vòng tay ôm, chăm sóc.
Ngược lại, cuộc sống ấm no, dư đầy vật chất, vẫn chưa hẳn là “hạnh phúc nhỏ nhoi cần nâng niu”. Bởi, niềm vui sướng giả tạo, cấp thời chỉ đưa con người về với ích kỷ, cá nhân chủ nghĩa. Chẳng quan tâm đoái hoài gì đến tha nhân. Đồng loại.
Thành thử, lâu nay đã trở thành nguyên tắc cho thực tại cuộc sống: ở đâu có đoái hoài đùm bọc người khác, những người đau khổ đói nghèo, ở đó Đức Chúa sẽ lân la, đến gần. Ở đâu vật chất dư dật thừa mứa, nhưng thiếu quan tâm đùm bọc những người lâu rày không có, chắc chắn nơi đó Chúa không hiện diện. Và, hạnh phúc có từ vật chất dư dật mà thiếu sẻ san, chỉ là hạnh phúc tạm bợ vị kỷ. Tuyệt nhiên, đó không là hạnh phúc, đích thật.
Hạnh phúc đích thật, chính là sự đùm bọc, sẻ san với người đồng cảnh, mà thánh Phaolô đề cập trong bài đọc 2, hôm nay. Thánh nhân quả quyết: không phải vì bản thân ngài cũng kinh qua các giai đọan bất hạnh/còi đẹt, nên chắc chắn có được đảm bảo, là: người khác sẽ yêu thương đùm bọc ngài.
Ngược lại, những ai kinh qua bất hạnh – khổ đau, vẫn được bảo đảm, là: Chúa sẽ dành cho họ một cơ hội khác nữa để trỗi dậy, nhờ có sự cầu bàu của người anh/người chị, cùng cảnh ngộ. Cũng tương tự như cây vả còi đẹt nói ở Tin Mừng. Nói khác đi, đấy là tình huống “mặn này cho bõ nhạt ngày xưa”. Thứ mặn mà/tình nồng của những sẻ san đùm bọc từ người anh/người chị đồng cảnh ngộ.
Với hiểu biết tương tự, chẳng phải vì mình từng đi lễ. Vẫn xưng tội đều đặn; hoặc đã rửa tội theo nghi thức Công Giáo, mà nghiễm nhiên mình được bảo đảm chiếc vé “lên Thiên đình”, nơi có những hạnh phúc đáng nâng niu. Hoặc, nắm chắc được rằng Đức Chúa yêu thương tặng ban, ơn cứu độ. Cho mình. Bởi nếu thế, chiếc máy vi âm, cái loa phóng thanh hoặc cột đèn đường, chúng đã có bảo đảm được “nâng niu như trái chín đầu mùa”, trước chúng ta.
Cuối cùng, vấn đề là: nếu sau những tháng ngày tham dự thánh lễ, hãm mình phạt xác, mà không sám hối. Đổi mới. Thì, cũng chẳng có gì đảm bảo, là: ta tăng trưởng trong tình yêu thương đùm bọc của Chúa.
Quả vậy, qua trình thuật “cây vả” hôm nay, Chúa đã hai lần nhắc nhở: “nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ như vậy”. Sẽ như vậy, tức là sẽ cùng chung số phận còi đẹt/bất hạnh, như cây vả. Không khác gì “mấy người Ga-li-lê kia thôi”. Xem như thế, trình thuật “cây vả” đã hơn một lần cảnh tỉnh con dân nhà Đạo: hãy biết sám hối và đổi mới.
Sám hối - đổi mới, có quyết tâm sẻ san tình thương yêu cứu độ, Chúa tặng ban. Sám hối - đổi mới, để người người, dù chưa nghe biết Tin Vui An Bình, cũng được sẻ san đùm bọc, với thương yêu. Sám hối - đổi mới, là trở về nguồn, theo chân Thầy rao truyền tình thương yêu cứu độ, cho mọi người. Rao truyền cho bạn bè - người thân, lẫn người xa lạ, chưa từng biết. Cả người trong Đạo, lẫn người ở ngoài. Cả trong gia đình, trường ốc lẫn công sở, phố chợ. Tất cả, đều là cánh đồng lúa chính cần được rao truyền. Cần, thợ gặt.
Sám hối - đổi mới nhân Mùa Chay, là tạo dịp thuận cho chính mình, để vun xới cây vả còi đẹt/bất hạnh cho tươi tốt. Cho đâm hoa kết trái. Sám hối - đổi mới, để nhớ rằng: chính ta đã được gọi mời không chỉ làm người tín hữu ngoan hiền/giữ luật Đạo, thôi. Nhưng còn biết, đem thông điệp Mùa Chay đến với thế giới nhân trần.
Thông điệp giản đơn, là: hãy biết “nâng niu hạnh phúc nhỏ ta vẫn có”. Chuyển tải thông điệp “Sám hối”, để rồi toàn bộ thế giới sẽ đổi mới. Sẽ nên trong sáng. Tươi vui. Vui, với mọi người. Yêu, mọi người. Giúp hết mọi loài. Sinh vật. Động vật.
Trong cảm-nghiệm điều Tin Mừng kể, nay ta ngâm lại lời thi-ca đầy nhạc, rằng:
“Một thời mây biếc đã trôi qua,
Nay tưởng cây vàng đã nở hoa.
Em chẳng mơ gì, tôi chẳng nói,
Đôi hồn không biết có nhìn xa?”
( Đinh Hùng – Bướm Xuân)
Cứ tưởng cây vàng/cây vả đã nở hoa, cả khi đau khổ tình chết lặng đến như thế. Phải chăng, đó cũng là cảnh-tình của nhiều ngườ, ở mọi nơi.
Lm Richard Leonard, sj biên soạn - Mai Tá lược dịch.
Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ ba mùa Chay năm C 28/02/2016
“Xin tình yêu giáng sinh”,
Cho một lần cửa mở
Xin tình yêu giáng sinh
Tình yêu của chúng mình.”
(Phạm Duy – Bình ca 4 - Xin Tình Yêu Giáng Sinh)
(1 Thessalônikê 2: 8-9)
Xin gì không xin, sao ông nhạc sĩ lại xin cái có sẵn trong tâm can/cỗ lòng của bạn và của tôi, cơ chứ? Có lẽ, sẽ có người nói với ông điều này, rằng: nhà Đạo chúng tôi vẫn tin như “đinh đóng cột” rằng: Thiên-Chúa-là-Tình-Yêu. Ngài là Đấng “Có” từ thuở đời đời, vô tận. Thế nên, cần gì phải hát xin (Thiên-Chúa-là-)Tình-Yêu hãy Giáng sinh, cho nó “bận lòng tướng quân”!
Nhưng, xin bạn bè/người thân ta nghe itếp câu khác, cũng trong bài này như sau:
“Mười ngàn đêm đau thương,
Ôi trường-thiên ác-mộng.
Mười ngàn đêm, của hờn
Mười ngàn đêm của giận.
Trên vũng lầy vô tận,
Chỉ thấy máu và xương.
Chỉ thấy khóc và than.
Mười ngàn đêm đau thương
Mười ngàn đêm đoạn trường.
Mười ngàn đêm oan khiên,
Mười ngàn đêm đau thương…”
(Phạm Duy – bđd)
Vâng. Hát thế cũng có lý. Sau mười ngàn đêm hờn giận, đau thương, oan khiên với đoạn trường rồi thì bạn và tôi có “Xin Tình Yêu Giáng Sinh” thì cũng được. Và, cái “được” nhất ở đây, là: câu cuối cùng khi ta hát: Xin Tình yêu Giáng Sinh, Tình yêu của chúng mình”.
Thành thử, cái quan-trọng và đáng kể nhất, vẫn là xin gì thì xin hãy cứ làm sao để “Tình yêu của chúng mình” được “tái” sinh chứ không “giáng” sinh đâu, giời ạ! Thật ra là như thế.
Vâng. Vấn-đề chính trong đời người mà người đời cứ nói và hát mãi không ngừng, là: hát và nói hoài về “Tình Yêu của chúng mình”, mà thôi. Và sau đây, đề-nghị bạn và tôi, ta cứ hát thêm những giòng thi-ca/âm-nhạc rất “Giáng Sinh”, như:
“Xin tình yêu giáng sinh
Cho một lần hoa nở
Xin tình yêu giáng sinh
Cho một lần cửa mở.
Xin Tình yêu Giáng sinh.
Tình yêu của chúng mình…”
(Phạm Duy – bđd)
Và cứ thế, mà xin. Nhưng, có xin gì nhiều cho lắm, thì bầy tôi đây cũng đề-nghị bà con ta “hãy cho một lần cửa mở”, để “Tình yêu của chúng mình” ở lại mãi, với mọi người.
Vâng. Ý-chính và cũng là ý-chủ của chuyện phiếm hôm nay, cũng không đi đâu xa ngoài những câu hát/hò, ra như thế.
Vâng. Ý-chủ chứ không phải ý-chính của bầy tôi hôm nay trình-bày với quan-viên hai/ba họ chỉ muốn nói về giòng chảy tư-tưởng rất thật như thế, thôi. Dạm và nói thế rồi, nay ta đi vào chủ đề chính, rất hôm nay. Chủ-đề là đề-tài chủ-quan, chủ-yếu và chủ-lực, chỉ lạm bàn sơ qua về đề-tài thời-thượng/thượng thời, như sau:
Đề-tài chủ hôm nay mà bầy tôi đây bắt chộp được là từ bài “nói chuyện” rất “không phiếm” của Đức Phanxicô hôm ấy ở Rôma, được dịch-giả Vũ Đức Phương Anh, sj đã ‘dịch thiệt’ như sau:
“Chúng ta hãy tha thiết nài xin Thiên Chúa để dẫu chúng ta có yếu đuối phạm tội nhưng đừng bao giờ trở thành những kẻ hư hỏng (corrotti), không cần đến sự tha thứ của Thiên Chúa nữa.”
Đây là nội dung bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ sáng thứ sáu, ngày 29.01, tại nguyện đường thánh Marta.
Khởi đi từ bài đọc một trích sách Sa-mu-en, thuật lại chuyện vua Đavít và bà Bát-Se-va, Đức Thánh Cha đã phân biệt giữa tội nhân và kẻ hư hỏng. Khác với những người hay phạm tội nhưng biết ăn năn, kẻ hư hỏng không còn cảm thấy cần sự tha thứ của Thiên Chúa nữa.
“Con người có thể hay phạm tội nhưng luôn biết chạy đến với Thiên Chúa để chân thành nài xin sự tha thứ. Chân thành nài xin chứ không bao giờ nghĩ rằng tự sức mình có thể đạt được sự tha thứ ấy. Nhưng khi con người bắt đầu trở nên hư hỏng, không còn cảm thấy cần sự tha thứ; thì vấn nạn mới thực sự phát sinh.”
Đây là thái độ mà vua Đavít vướng phải khi vua say mê bà Bát Se-va, vợ ông U-ri-gia, một sỹ quan quân đội đang chiến đấu trên tiền tuyến. Sau khi vua Đa-vít ăn nằm với bà Bát Se-va và biết rằng bà đã có thai, vua đã nghĩ ra những mưu kế để che dấu hành vi ngoại tình của mình. Vua truyền cho ông U-ri-gia từ chiến trận quay về nhà để nghỉ ngơi và có thời gian gần gũi với vợ. Nhưng ông U-ri-gia lại nghĩ rằng không nên về với vợ mà nằm ở cửa đền vua với tất cả các bề tôi của chúa thượng ông. Kế hoạch không thành, Vua Đa-vít chuốc rượu cho ông U-ri-gia đến say khướt, nhưng âm mưu vẫn thất bại.
Như thế, vua Đa-vít đã rơi vào một tình huống khó khăn. Nhưng chắc chắn rằng, vua vẫn có thể tự nói với mình: “Ta sẽ giải quyết được việc này.” Vua đã viết thư cho ông Giô-áp và gửi ông U-ri-gia mang đi. Trong thư, vua viết rằng:“Hãy đặt U-ri-gia ở hàng đầu, chỗ mặt trận nặng nhất, rồi rút lui bỏ nó lại, để nó bị trúng thương mà chết.” Vua Đa-vít nhất định khiến ông U-ri-gia phải chết. Người lính can trường và trung thành này – trung thành với lề luật, với dân tộc, tổ quốc – đã phải mang lấy án tử bởi chính vị vua mà ông hết mực trung thành.
Vua Đa-vít là thánh nhân nhưng cũng là tội đồ. Vua đã sa ngã vì sự thèm muốn và khao khát nhục dục, nhưng Thiên Chúa vẫn rất yếu mến vua. Vua Đa-vít cảm thấy an tâm, vì quốc gia đang hưng thịnh. Sau khi ngoại tình, với quyền lực của mình, vua đã làm mọi cách để đẩy người tôi trung đến cái chết, khi bỏ nó lại chiến trường nơi mặt trận nặng nhất. Và cái chết vì gươm đao là chuyện vô cùng bình thường của nhà binh.
Sự kiện này xảy ra trong cuộc đời của vua Đa-vít khiến chúng ta cũng phải xem xét lại đời sống của mình: Liệu tôi có đang chuyển từ tội nhân đến một kẻ hư hỏng không? Vua Đa-vít đã bước một chân lên nấc thang đầu tiên dẫn đến sự hư hỏng rồi. Vua có quyền lực. Vua có sức mạnh. Và chính vì lý do đó, sự hư hỏng rất dễ xảy ra với chúng ta là những người có quyền lực, cho dù đó là uy quyền trong Giáo hội, tôn giáo hay trong kinh tế, chính trị… Bởi vì, ma quỷ sẽ khiến chúng ta an tâm và tự nhủ: “Tôi có thể làm được. Tôi sẽ giải quyết được mọi sự.”
Sự hư hỏng – nhờ ân sủng Chúa, vua Đa-vít đã được giải thoát khỏi tình trạng này – đã làm thương tổn tâm hồn chàng thiếu niên anh dũng, người đã đối diện với tên Gô-li át khổng lồ và hạ hắn bằng một dây phóng đá cùng năm hòn đá cuội nhặt dưới suối. Bởi vậy, hôm nay, tôi muốn nhấn mạnh với anh chị em một điều thôi: Đôi khi chúng ta phạm tội hay đời sống của chúng ta quá an toàn, chắc chắn, chúng ta cảm thấy ổn vì có nhiều quyền lực; chính lúc đó sự hư hỏng sẽ bắt đầu. Một trong những điều tồi tệ nhất mà sự hư hỏng gây ra là khiến người ta không còn cảm thấy cần sự tha thứ của Thiên Chúa nữa.
Bởi vậy, chúng ta hãy tha thiết cầu nguyện cho Giáo hội, cho Đức Giáo Hoàng, các Giám mục, linh mục, các nam nữ tu sĩ và tất cả mọi tín hữu: “Lạy Chúa, xin cứu chúng con. Xin cứu vớt chúng con khỏi sự hư hỏng. Chúng con là tội nhân, nhưng lạy Chúa, xin đừng để chúng con trở thành những kẻ hư hỏng, không cần đến sự tha thứ của Chúa nữa.” Chúng ta hãy nài xin Thiên Chúa ân sủng này.” (Bài phát-biểu của Đức Phanxicô vào cuối năm 2015, Chuyển ngữ: Vũ Đức Anh Phương, SJ)
Vâng. Đứng trên cương-vị của đấng bậc chóp bu Giáo-Hội, Đức Phanxicô vẫn có thể nói như thế. Nhưng, ở tư-thế “người thường ở huyện” như tác-giả lá thư viết thẳng cho ông Đavít nhiều thế-hệ về sau, là Gs Michael McGirr thuộc trường St Kevin College ở Melbourne nước Úc, thì ông lại viết như sau:
“Thư gửi vị đại thi-hào trong Đạo đồng thời là vua chúa, rất nổi danh.
Trọng kính Vua Đavít rất thương mến,
Tôi đây, thường không hay viết thư cho các vua/quan lãnh chúa bao giờ hết. Nhưng, thú thật với ngài, là: sở dĩ có chuyện ấy, là vì các vị nói trên, chả bao giờ viết thư cho tôi cả, sao tôi lại phải viết cho các người ấy được. Nhưng hôm nay, tôi thấy có một điều gì đó liên-quan đến câu truyện về ngài rơi thẳng tuột xuống mặt đất, nên tôi bạo mồm/bạo miệng, viết như sau:
Thưa Ngài,
Tôi nghĩ về ngài, là người con thứ 8 trong gia đình đông con; và ngài thường bị bỏ sót không ai để tâm đến, hết. Cha ngài, ông Jessê, lại thích các người anh em của ngài hơn ngài. Bởi thế nên, ngài mới bị tống cổ ra ngoài đồng trông lũ chiên/cừu gần làng BêLem nhỏ bé là nơi gia đình ngài trú ngụ.
Dù sao, ngôn-sứ Samuen lại thấy ngài có được những gì mà ngày nay người ta gọi là tiềm-năng lãnh-đạo, nên mới lướt qua đám anh/em của ngài dù có “sạch nuớc cản” đến mấy, cũng vậy. Samuel bảo: ‘đừng để tâm/chú-trọng đến bề ngoài hoặc chiều cao của y ta… Thiên-Chúa không nhìn người như con người nhìn: họ chỉ thấy mỗi bề ngoài trong khi Thiên-Chúa lại chỉ nhìn bên trong tâm can họ thôi.”
Sách vở có kể câu truyện trứ-danh về việc ngài đối-đầu với đám quân binh Philistin, Goliát là chiến-binh cao-ráo, lực-lưỡng. Còn, ngài khi ấy đã chối-từ không mặc áo giáp vì không thấy thoải-mái với những thứ đó làm cho ngài giống như đứa học trò ở đây không chịu đeo cà-vạt đến trường vậy. Gôliát thua trận là bởi chiến bào của ông ta quá nặng nề.
Câu truyện kể ở đây làm bọn tôi nhớ lại, cũng tựa như chuyện đời của ngài vẫn kể rằng: tin, không phải là chuyện sống thủ thế. Gôliát đã trở nên quá nặng-nề, lê-thê đến độ ngài đã đánh bại ông ta chỉ bằng vài viên đá cuội mà ngài nhặt được bên sông bỏ vào bao bị khi chăn cừu, phòng khi hữu sự. Hình-ảnh của người chăn cừu luôn gần gũi với ý-tưởng về tính lĩnh-đạo của Thiên-Chúa hơn chiến-sĩ.
Ngài từng có quan-hệ rất đặc-biệt với âm-nhạc. Tên của ngài luôn gắn liền với sách hát cao cả nhất trong lịch-sử, đại để như: Thánh-vịnh. Các thánh vịnh đều diễn-bày nhiều cảm-xúc đặc-biệt của người trần mắt thịt. Chúng giúp con người khám phá ra niềm tin trong bất cứ cảnh-huống nào gặp phải và tìm ra được lời lẽ thích-hợp cho tình-cảnh ra như thế.
Đến hôm nay, chúng vẫn duy-trì niềm tin của hàng triệu người theo cách mật-thiết rất ư âm-nhạc. Nhiều thày dòng suốt ngày chỉ xây-dựng cuộc sống thân-thương loanh quanh 150 bài vịnh, mỗi tuần trong đời mình. Đôi khi, bọn tôi cũng tìm đến được với cộng đoàn kẻ tin vào Chúa nếu không nhờ vào các bài vịnh đó.
Một trong các chủ-đề lớn lao cả thể nhất của Thánh vịnh là lòng Từ bi/nhân-hậu, một đặc-trưng quí hiếm thường nối-kết với sự tin-tưởng. Điều này có lý đấy chứ. Từ bi là dính-chặt vào với ai đó qua tình-huống tăm-tối họ trải-nghiệm. Đó cũng là nhìn thấy được mối liên-hệ có trong đó.
Điều này, ngài từng phát-hiện con đường gian-khổ để thấy được là Thiên-Chúa đối xử với con người chúng ta. Từ-bi, là cánh cửa, chứ không là điểm tới. Nó dẫn chân con người đến một nơi nào đó. Và ở thánh vịnh 25, bọn tôi nghe được câu hát, vẫn bảo rằng:
“Lạy Chúa, xin nhớ lại nghĩa nặng với ân sâu
Ngài đã từng biểu lộ từ muôn thuở muôn đời.
Tuổi xuân trót dại bao lầm lỗi, xin Ngài đừng nhớ đến,
nhưng xin lấy tình thương mà nhớ đến con cùng.”
Và ở thánh vịnh 40, lại cũng thấy câu nguyện ca, vẫn quyết rằng:
“Phần Ngài, muôn lạy Chúa,
xin chớ ngừng âu yếm cảm thương con.
Lòng thành tín và yêu thương của Ngài sẽ giữ gìn con mãi.”
Thưa ngài Đavít,
Người ta bảo là ngài là người đặt ra rất nhiều câu thơ tuyệt-vời từng nói về lòng từ-bi/nhân-hậu. Truyền-thống trong Đạo lại vẫn bảo rằng: thánh vịnh 51 được viết ra sau khi ngài giáp mặt với ngôn sứ Nathan, là truyện kể tuyệt-vời từng nối kết với một sự thật thâm sâu đầy khổ đau kéo dài nhiều thế-kỷ. Bài ca ấy, đã nhắc nhớ bọn tôi biết là: ngài từng muốn ở lại làm tay chăn cừu.
Nhưng, ngài đã trở-thành một người trưởng-thành và lúc đó lại học được nhiều phương-cách lươn-lẹo, gạt gẫm. Ngài đã say mê Bátsêba là vợ của Uriah, một tướng-quân dưới trướng của ngài để rồi dụ bà ta ăn nằm với ngài. Rồi ngài làm như thể đứa con sinh ra là của chồng bà ta. Nhưng, trớ trêu thay, sự việc không trót lọt, ngài lại tìm cách cho người giết chết ông chồng này trong chiến-trận.
Bọn tôi biết rõ đám đàn ông chúng tôi ai cũng có khả-năng làm chuyện đồi-bại này, rất vô-cảm, cả vào lúc tình-huống thật bi-đát. Ngôn-sứ Nathan đã bắt ngài phải đương-đầu/chường mặt với loại người đã cho phép ngài trở nên như thế. Đổi lại, ngài lại đã thưa:
“Lạy Chúa, xin nhớ lại nghĩa nặng với ân sâu
Ngài đã từng biểu lộ từ muôn thuở muôn đời.
Tuổi xuân trót dại bao lầm lỗi, xin Ngài đừng nhớ đến,
nhưng xin lấy tình thương mà nhớ đến con cùng.
Chúa là Đấng nhân từ chính trực, chỉ lối cho tội nhân,
dẫn kẻ nghèo hèn đi theo đường công chính,
dạy cho biết đường lối của Người.”
Thánh vịnh này, nói rằng: lòng từ-bi/nhân-hậu dạy-dỗ ta điều khôn lẽ phải. Nó làm cho bọn tôi nên trẻ trung, ít là về tinh-thần:
“Lạy Chúa, xin đoái nhìn và xót thương con,
vì thân này bơ vơ khổ cực.
Lòng đau như thắt, xin làm cho thanh thoả,
và giải thoát con khỏi bước ngặt nghèo.
Xin Chúa thấy cho cảnh lầm than khổ cực
và tha thứ hết mọi tội con.”
Bọn tôi càng vui mừng, sung sướng khi nghe được âm-giọng ấy, và cũng nghe được cả tiếng xương bể vụn do ngài đạp xuống, khi nhảy nhót nữa.
Ký tên,
Michael McGirr
Khoa trưởng
Môn Niềm Tin và Mục vụ
Trường St Kevin, Melbourne.
Không cần biết, ngài là vua quan/lãnh chúa hay bậc thày dạy. Chỉ mỗi biết rằng: khi xưa ngài cũng bê-bết như thánh Augustin, rặt một thời. Cũng may, là ngài đã ăn-năn hối cải hồi hướng qua về với đường ngay lối thẳng trong đó có lòng từ-bi/nhân-hậu của Đức Chúa, nên mới được gọi là thánh.
Nhưng vấn-đề là: thánh là sao? Người nào được gọi là thánh như thế?
Trích và kể, toàn chuyện về đấng bậc khi xưa các cụ cứ nhất mực đọc kinh cầu lên vua “thánh” Đavít, là ông tằng ông tổ của Đức Giêsu, mà xin đủ thứ điều này/điều nọ chẳng bao giờ được. Rồi, còn kính trọng ông ta như “thánh”, mà chẳng hiểu thánh-nhân, thánh-hoá hoặc thánh “cả” là thứ gì.
Nay, mượn ý câu chuyện về vua Đavít rất bê-bối ấy để hỏi: sống thế nào mới gọi sống “thánh”? Các cụ ông/cụ bà xưa nay bê-bết, lại được phong làm thánh, từ hồi nào? Và, hệ-quả của việc phong thánh, đã và sẽ ra sao, vv? Nghĩa là, nhân cơ-hội này để có ý-tưởng mà phiếm “loạn” cho nó qua ngày đoạn tháng vào những tuần-không-phải-là thánh, rất mùa chay.
Vậy thì, xin mời các cụ tra tay, vào việc luận-bàn cũng rất phiếm.
Vâng. Theo sử sách trong Đạo, thì: “thánh”, là những vị tử-đạo hoặc nhân-sĩ đáng kể, nổi tiếng trong Giáo-hội đã chết và sau đó được các Đức Giáo-Tông tuyên-bố phong là: thánh. Nhưng trong đầu nhiều người, từ-vựng “thánh” chỉ mỗi qui về một người từng đạt mức độ tốt-lành/hạnh-đạo, tức chỉ một số ít gặp được nơi những vị theo chân Đức Kitô mà thôi.
Nhưng, theo Kinh Sách thì: MỌI người mọi tín-hữu đều là “thánh” hết. Bằng chứng là, trong các thư do ông Phaolô viết cho giáo-đoàn ở nhiều nơi như: Êphêsô, Phillíphê, Côrintô, hoặc Rôma, ông đều gửi thư đến các vị được gọi là “các thánh” (Êpêsô 1: 1), vv.. Xem thế thì, “thánh-nhân” hay đấng-bậc lành-thánh phải là những vị còn sống, chứ không chết.
Nếu ta muốn ai cầu bàu/biện-hộ cho ta, thì vị ấy phải còn sống mới giúp-đỡ nhậm lời ta cầu xin, chứ khi đã chết rồi thì còn làm được gì nữa, mà xin với xỏ! Tóm lại, “thánh” là người còn sống giúp ta nhiều việc ta cần đến.
Đó là, hiểu theo nghĩa Đạo. Còn, ngoài đời thì người đời hiểu sự việc theo truyện kể rất như sau:
“Truyện rằng:
Ngày nọ, có chàng thanh niên đến hỏi đức Phật:
- Kính bạch Tôn giả, cha con vừa chết. Xin Ngài đến cầu nguyện cho ông được lên thiên đàng. Ngài là bậc tài năng, đức-độ chắc chắn sẽ làm được việc này.
Đức Phật trả lời:
- Con xuống chợ mua cho ta hai nối đất nung và một ít bơ.
Nghĩ rằng Phật có bùa phép giúp được cho cha mình, chàng trai lật đật xuống chợ mua bơ và nồi đất. Khi mang về, đức Phật bảo:
- Bỏ đá vào một nồi, và bơ vào một nồi khác, xong thẩy cả hai xuống nước.
Cả hai cái nồi đều chìm xuống nước. Xong đâu đấy, đức Phật lại khiến/bảo chàng trai đập vỡ hai cái nồi đất ấy đi. Lập tức, chàng trai liền thấy bơ nổi lên trên mặt nước, còn đá/sỏi ở trong nồi đất kia vẫn nằm yên dưới đáy ao/hồ. Bấy giờ, đức Phật mới lại nói:
- Nhanh lên đi con, hãy ra mời các thầy tu đến và xin các thày tụng niệm làm sao cho cả cả bơ đều chìm xuống đáy hồ và mọi đá/sỏi làm sao đó đều nổi lên.
Cha của người thanh niên kia đã chết thật rồi, nếu ông sống cuộc đời tốt lành/hạnh đạo, thì linh hồn ông ắt sẽ nhẹ như bơ, rồi từ đó, sẽ lên thiên đàng dễ như chơi. Trái lại, linh hồn của ông nặng như đá, chắc đã chìm nghỉm xuống tận địa ngục. Không một thứ quyền năng nào của các bậc tu sĩ trên thế giới này, có thể đảo ngược điều đó.
Kể thế rồi, người kể bèn chua thêm một giải-thích áp-dụng cho đời người, là: sống ở đời, nếu có tinh-thần yêu-thương đùm bọc thì cơ thể của người ấy sẽ nhẹ như tơ. Ngược lại, nếu nếp sống của người này cứ nặng chình-chịch như chì, lòng đầy oán-giận/hận-thù đằng đằng không chịu tha-thứ, thì tự khắc sẽ chìm dần xuống đáy nước ao/hồ, rất bốn mùa.
Để chấm-dứt câu chuyện phiến rất “thánh-hoá” như trên, cũng nên trở về lại với lời ca, mà hát rằng:
“Xin tình yêu giáng sinh
Cho một lần hoa nở
Xin tình yêu giáng sinh
Cho một lần cửa mở.
Xin Tình yêu Giáng sinh.
Tình yêu của chúng mình…”
(Phạm Duy – bđd)
Hát thế rồi, bọn tôi lại cứ nhớ về Lời Vàng khi trước bậc thánh hiền vẫn khẳng-định về tình thương-yêu đối với mọi người. Khẳng-định rằng: lành thánh là những vị biết sống sao cho đúng với tình người, bằng những câu như:
“Chúng tôi đã quý mến anh em,
đến nỗi sẵn sàng hiến cho anh em,
không những Tin Mừng của Thiên Chúa,
mà cả mạng sống của chúng tôi nữa,
vì anh em đã trở nên những người thân yêu của chúng tôi.”
(1 Thessalônikê 2: 8-9)
Vâng. Sống sao cho có tình người, hoặc trọn tình yêu thương với mọi người, chứ không chỉ giữa hai người mà thôi. Bởi, xin xỏ làm gì, vì Tình-Yêu đã có đó, đã ở với chúng mình, là bậc lành/thánh, rất hy-sinh. Hy sinh, nhiều thứ và nhiều sự, trong đời.
Trần Ngọc Mười Hai
Vẫn nhớ nhiều điều
như ở trên
vẫn lền khên,
rất thánh-hoá.
March 6, 2019