|
Thẳng đứng ngước cao - Đón chờ cứu độ
Phụng Vụ là việc Giáo Hội cử hành Mầu Nhiệm Chúa Kitô, một Mầu
Nhiệm được thực sự tái diễn và tiếp diễn một cách trọn vẹn
qua Phụng Niên của Giáo Hội, một Năm Phụng Vụ được mở màn từ
Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Vọng như hôm nay đây. Thế nhưng, theo
Dự Án Cứu Độ của Thiên Chúa cũng như theo lịch sử, Chúa Kitô
thực sự đã được sinh ra rồi, hơn 2000 năm trước đây, thì Mùa
Vọng chúng ta đang cùng Giáo Hội bước vào đây là gì, nếu không
phải là việc Giáo Hội hướng về và mong đợi Chúa Kitô đến lần
thứ hai. Đó là lý do bài Phúc Âm Thánh Luca Năm C hôm nay ở
đoạn 21 và câu 27 đề cập tới việc Chúa Kitô đến lần sau hết:
“Loài người sẽ thấy Con Người đầy uy quyền và vinh quang đến
trên mây trời”.
Nhưng vấn đề ở đây là, nếu Chúa Kitô đã thực
sự đến rồi, thì Kitô hữu chúng ta đã cảm nghiệm được Người chưa,
hay Người vẫn ở trong tình trạng, như Thánh Gioan Tiền Hô đã
nói thẳng với dân Do Thái là thành phần cũng trông đợi Vị Cứu
Tinh của họ đến, trong Phúc Âm Thánh Gioan đoạn 1 câu 26 là:
“có một Đấng ở giữa các người mà các người không biết”. Đó là
lý do tại sao, để nhận ra Đấng Thiên Sai đã đến với Dân Do Thái,
như lời Chúa hứa với họ qua tiên tri Giêrêmia trong bài đọc thứ
nhất hôm nay, cũng là Đấng đã ở giữa loài người chúng ta, Chúa
Giêsu đã nói với chúng ta trong bài Phúc Âm hôm nay, là chúng
ta phải “đứng vững trước Con Người”. Thế nhưng, tại sao Kitô
hữu chúng ta cần phải “đứng vững trước Con Người” và nhất là
làm thế nào để có thể “đứng vững trước Con Người”? Nếu Kitô hữu
chúng ta không ý thức được vấn đề “đứng vững trước Con Người” bằng
đời sống của mình, thì chúng ta chưa thực sự Sống Mầu Nhiệm Nhập
Thể và Giáng Sinh trong Mùa Vọng của Giáo Hội, nghĩa là Chúa
Kitô vẫn còn là một Đấng ở giữa chúng ta mà chúng ta không biết!
Đúng thế, Mùa Vọng tới, chẳng những Kitô hữu
mà cả trần gian, bao gồm tất cả mọi tín đồ thuộc tất cả mọi tôn
giáo khác, không nhiều thì ít, đang sửa soạn đón mừng Giáng Sinh,
ít là bề ngoài với những cánh thiệp chúc mừng nhau hay mua bán
quà tặng trao cho nhau. Tuy nhiên, nếu không ý tứ, chúng ta đang
sửa soạn dọn mừng Lễ Giáng Sinh hơn là dọn lòng để gặp được chính
Vị Chúa Giáng Sinh. Những mầu sắc tưng bừng vui nhộn bề ngoài
bắt đầu xuất hiện ở các khu thương mại, hay ở trước nhà của một
số gia đình, liên quan đến việc mua sắm, trưng bày và tặng quà
cho nhau, có thể làm cho chúng ta bị chi phối và quên đi chính
cái ý nghĩa linh thiêng cao cả của Mầu Nhiệm Nhập Thể và Giáng
Sinh. Từ đó, đối với không ít người, Lễ Giáng Sinh đã bị tục
hóa, trở thành một dịp nghỉ ngơi vui chơi như tất cả mọi cuộc
lễ khác.
Đó là lý do vấn đề tại sao Kitô hữu chúng
ta cần phải “đứng vững trước Con Người” là vấn đề có liên quan
hết sức mật thiết đến đức tin của Kitô hữu chúng ta. Thật vậy,
tất cả Kitô hữu chúng ta đều đã được lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội,
tức đã được trở nên con cái Thiên Chúa. Thế nhưng, biến cố chúng
ta được trở nên con cái Thiên Chúa không phải chỉ là đặc ân Thiên
Chúa ban cho chúng ta thôi, mà còn là việc chúng ta đáp ứng ân
huệ Ngài ban nữa. Đúng thế, việc Con Thiên Chúa Làm Người là
để loài người chúng ta được làm con Thiên Chúa, như Thánh Phaolô
đã minh định trong Bức Thư gửi cho giáo đoàn Galata ở đoạn 3,
câu 4 và 5 như sau: “Đến thời gian ấn định, Thiên Chúa đã sai
Con Mình đến, sinh hạ bởi một người nữ, sinh ra theo lề luật
để giải cứu những ai bị lụy thuộc lề luật, để chúng ta được
hưởng địa vị làm thành phần dưỡng tử”. Tuy nhiên, một khi được Thiên
Chúa kêu gọi làm dưỡng từ của Ngài trong Chúa Kitô, loài người
chúng ta cũng cần phải xòe tay mở lòng đón nhận nữa, ở chỗ tỏ
ra tin tưởng nhận biết Con Thiên Chúa được hạ sinh bỡi người nữ. Đó là lý do Phúc Âm Thánh Gioan, đoạn 1, từ câu
10 đến câu 12, đã xác nhận như sau: “Người đã ở trong thế gian,
nhờ Người thế gian đã được tạo thành, song thế gian lại không
nhận biết Người. Người đã đến với dân riêng của Người, song
họ không chấp nhận Người. Bất cứ ai chấp nhận Người thì Người
ban
cho họ quyền trở nên con cái Thiên Chúa”.
Như thế, việc “đứng vững trước Con Người” đây chính là việc chúng ta tỏ ra hết sức trung thành với đức
tin của mình, ở chỗ, không bao giờ chối bỏ hay dám chối bỏ Vị
Thiên Chúa Làm Người, trái lại, hoàn toàn và liên lỉ tin tưởng
chấp nhận Người, Đấng được Bức Thư gửi Giáo Đoàn Do Thái ở đoạn
9 câu 28 xác định là “sẽ đến lần thứ hai không phải để xóa bỏ
tội lỗi mà là để mang ơn cứu độ đến cho những ai thiết tha
trông đợi Người”, tức cho thành phần “bền đỗ đến cùng sẽ được cứu độ”,
như Chúa đã khẳng định trong Phúc Âm Thánh Mathêu đoạn 24, câu
13. Chi tiết vùa đề cập đến trên đây có thể se õ làm cho một
số người trong chúng ta tự nhiên nhớ lại lời Chúa Kitô tiên báo
trong Phúc Âm Thánh Luca ở đoạn 9 câu 27 tuần trước, đó là câu
“trong những kẻ đang đứng đây có một số sẽ không nếm cái chết
cho đến khi họ thấy triều đại Thiên Chúa”. Chúa Giêsu ám chỉ
về ai khi Người nói “có một số sẽ không nếm cái chết cho đến
khi họ thấy triều đại Thiên Chúa”?
Về lời Chúa Giêsu nói “có một số sẽ không
nếm cái chết cho đến khi họ thấy triều đại Thiên Chúa”, theo
suy diễn của người chia sẻ đây thì đó là môn đệ Stêphanô và tông
đồ Gioan. Trước hết, đó là Stêphanô, vị tử đạo tiên khởi của
Kitô Giáo, bởi vì, ngay trước khi chết, Sách Tông Vụ ở đoạn 7
câu 56 đã thuật lại rằng “Người kêu lên ‘Kìa, tôi thấy trời mở
ra, và Con Người đang đứng bên hữu Thiên Chúa’”, một thị kiến
rất ăn khớp với lời Chúa Giêsu nói trong Phúc Âm Thánh Mathêu,
đoạn 16, câu 28: “có một số sẽ không nếm cái chết trước khi họ
thấy Con Người đến trong vương quyền”. Sau nữa, trong số này
còn có tông đồ Gioan, bởi vì, theo Phúc Âm Thánh Marcô đoạn 9
câu 1 ghi là “có một số sẽ không nếm cái chết cho đến khi họ
thấy triều đại Thiên Chúa được thiết lập trong quyền năng”, thì
trong Tông Đồ đoàn chỉ có một mình Thánh Gioan cùng với Mẹ Maria
đứng dưới chân thập giá Chúa Kitô (xem Jn 19:25), để chứng kiến
giây phút Nước Cha bắt đầu trị đến, giây phút vương quốc Satan
bị tiêu diệt, cũng là giây phút thiên đàng mở ra cho tội nhân vào, mà người đầu tiên bước vào lại là người tử tội bị đóng
đanh bên hữu Chúa Giêsu (xem Lk 23:43). Ngoài ra, cũng chỉ có
một mình vị tông đồ Gioan này, trước khi chết, như ngài đã cho
biết trong Sách Khải Huyền của ngài, ở đoạn 21, câu 2, thế này:
“Tôi cũng thấy một tân Giêrusalem từ trời nơi Thiên Chúa mà xuống,
diễm lệ như cô dâu sửa soạn nghênh đón lang quân của mình”, nghĩa
là thánh nhân được thị kiến “thấy triều đại Thiên Chúa được thiết
lập trong quyền năng”.
Vì vấn đề “đứng vững trước Con Người”, như
đã diễn giải trên đây, mật thiết liên quan đến đức tin, do đó,
để có thể “đứng vững trước Con Người”, Kitô hữu chúng ta cần
phải giữ vững đức tin của mình, thế thôi, nói cách khác, giữ
vững đức tin của mình là “đứng vững trước Con Người”, nhất là
vào những lúc đêm tối đức tin, bị thử thách, chịu khổ đau, bị
bách hại chống đối, đặc biệt vào những ngày cuối thời, những
ngày khủng khiếp chưa từng thấy từ tạo thiên lập địa, như Chúa
Giêsu báo trước trong Phúc Âm Thánh Mathêu đoạn 24, câu 21, thời
điểm mà, trong bài Phúc Âm Thánh Luca hôm nay, Chúa Kitô cũng
căn dặn các môn đệ rằng: “Khi những điều này bắt đầu xẩy ra thì
các con hãy thẳng đứng và ngước đầu lên, vì việc cứu chuộc
các con gần đến rồi”.
Đúng vậy, cách duy nhất để chúng ta có thể “đứng
vững trước Con Người”, tức để chúng ta tỏ lòng mình kiên trung với Chúa Kitô
cho đến cùng, nhất là trong thời đại văn hóa sự chết của chúng
ta ngày nay đây, đó là thái độ chúng ta “thẳng đứng và ngước
đầu lên”. Thẳng đứng và ngước đầu lên như thế nào, Chúa Giêsu
cũng đã cắt nghĩa rõ ràng trong bài Phúc Âm hôm nay ngay sau
đó thế này, “các con hãy coi chừng kẻo tâm thần các con bị
trì trệ bởi lạc thú, chè chén và lo toan thế gian”. Thẳng
đứng và
ngước đầu lên, về phương diện tiêu cực, chẳng những liên quan
đến việc sống tu đức, mà còn, về phương diện tích cực, cho
thấy cả cử chỉ cử hành Mầu Nhiệm Đức Tin nữa. Đó là cử chỉ
Đức Tin
của Mẹ Maria “thẳng đứng và ngước đầu lên” nhìn Con Mình treo
trên thập giá trên đồi Canvê, một cử chỉ phụng vụ long trọng
tế lễ Thiên Chúa. Đúng thế, nếu Chúa Kitô vẫn tiếp tục hiện
diện và sống động với Giáo Hội cho đến tận thế, thì việc Giáo
Hội
cử hành Phụng Vụ “mà nhớ đến Thày” (Lk 22:19) chính là việc
Giáo Hội cử hành Mầu Nhiệm
Chúa Kitô, cử hành Mầu Nhiệm Đức Tin của mình. Để rồi, nhờ
tham dự Phụng Vụ một cách ý thức, chủ động và tích cực, Kitô
hữu chúng
ta được sống Mầu Nhiệm Chúa Kitô, hay Chúa Kitô tỏ hiện nơi
Đức Tin của chúng ta và tỏ mình cùng ban mình cho lòng khao
khát
và trông mong của chúng ta. Tóm lại, Mùa Vọng là thời điểm
Kitô hữu chúng ta phải làm sao cảm nghiệm được Thiên Chúa Làm
Người
đang thực sự ở cùng mỗi người chúng ta.
Mùa Vọng chẳng những là thời điểm Giáo Hội
hướng về Chúa Kitô đến lần thứ hai, mà còn là thời điểm rất thích
hợp để Kitô hữu chúng ta trở về nguồn nữa, tức trở về với Lịch
Sử Cứu Độ của Thiên Chúa, để có thể cảm nhận được Thiên Chúa
là Thần Linh đã thực sự tỏ mình ra cho loài người chúng ta, cho
đến khi “Lời hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta” (Jn 1:14),
để chúng ta “được sự sống và là một sự sống viên mãn hơn” (Jn
10:10).
Về thời điểm Lịch Sử Cứu Độ được bắt đầu từ
lúc nào, chúng ta có thể căn cứ vào những yếu tố sau đây để có
thể đi đến kết luận thế này. Trước hết, nếu “vì một người mà
tội lỗi cùng với sự chết đã đột nhập thế gian”, như Thánh Phaolô
xác nhận trong Thư gửi Giáo Đoàn Rôma, đoạn 5 câu 12, thì Lịch
Sử Cứu Độ được bắt đầu từ Adong, từ lời Thiên Chúa hứa với ông
ngay trong bản án nguyên tội, như được Sách Khởi Nguyên ghi lại
ở đoạn 3 câu 15 như sau: “Ta sẽ gây mối thù giữa ngươi và người
nữ, giữa giòng dõi ngươi và giòng dõi người nữ, người miêu
duệ này sẽ đạp nát đầu ngươi”. Sau nữa, nếu việc Thiên Chúa cứu độ
con người cần con người phải đáp ứng bằng đức tin, nghĩa là phải
có đức tin con người mới được cứu độ, thì Lịch Sử Cứu Độ được
bắt đầu từ Abraham là cha những kẻ tin (xem Rm 4:16-22; Gal 3:29),
người đã bỏ quê cha đất tổ đi theo tiếng Chúa gọi đến nơi không
biết mình sẽ đi về đâu (Gen 12:1-4; Heb 11:8), và nhất là đã
không tiếc đứa con trai duy nhất của mình (Gen 22:16), một mầm
mống theo lời Chúa hứa sẽ phát sinh một dân tộc đông như sao trời cát biển (Gen 15:1-6). Sau hết, nếu Dự Án
Cứu Độ của Thiên Chúa được thực sự tỏ hiện trong lịch sử loài
người, chứ không phải là một chuyện hoang đường và mộng tưởng,
thì Lịch Sử Cứu Độ được bắt đầu từ Moisen, người được Thiên Chúa
thực sự sai đến cứu dân Ngài cho khỏi cảnh làm tôi người Ai Cập
mà đưa họ vào mảnh đất Ngài đã hứa với cha ông tổ phụ của họ
(xem Ex 3:10).
Trong 4 tuần lễ Mùa Vọng tuần cuối bao giờ
cũng đọc bài Phúc Âm trực tiếp liên quan đến biến cố Giáng
Sinh của Chúa Kitô, hai tuần giữa liên quan đến vai trò Tiền
Hô Gioan
Tẩy Giả trong việc dọn đường cho Người đến. Và tuần đầu tiên
với bài Phúc Âm được Giáo Hội chọn để nhắc nhở con cái mình
hãy tỉnh thức đón chờ Chúa Kitô tới. Riêng chu kỳ năm C, Phúc
Âm
Thánh Ký Luca ghi lại lời Chúa Giêsu cảnh giác chúng ta và
căn dặn chúng ta phải làm sao khi ơn cứu độ đến: Người bảo
là phải
tỉnh thức đừng chè chén say sưa với đam mê nhục dục và những
vui thú trần thế, trái lại, phải đứng dậy và ngước đầu lên.
Lạy
Chúa Giêsu Kitô là Lời đã hóa thành nhục thể và ở giữa loài
người chúng con bằng xương bằng thịt hơn hai ngàn năm
trước đây.
Nhưng Chúa vẫn hiện diện với Giáo Hội cho đến tận thế qua
Thánh Thể và Quyền Linh Giáo Hội. Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ
Maria,
xin cho chúng con được cảm nghiệm thần linh về sự hiện diện
của Chúa là Đấng Emmanuel. Amen.
Đaminh
Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
|
|