Lm Nguyễn Thái
Báo Hiệp nhất-2-2016
Mục suy niệm Phúc Âm
Chúa nhật 2 mùa chay năm C
Luca 9:28b-36
“Đang khi cầu nguyện, diện mạo Người biến đổi khác thường.”
Sau một trận cháy rừng ở Yellowstone Park, tiểu bang Wyoming, Hoa Kỳ, những nhân viên kiểm lâm đã khám phá thấy một con chim bị cháy thành than rồi khô cứng lại dưới một gốc cây. Thật đau buồn khi phải dùng cây gậy đâm nhẹ vào mình chim mẹ để nhận thấy ba chim con thu mình dưới đôi cánh của chim mẹ. Người ta đã đặt giả thuyết rằng chim mẹ đã đem được con của nó tới gốc cây, tập hợp chúng lại dưới đôi cánh . Theo bản năng chim mẹ biết rằng hơi độc của đám khói cháy rừng đang bừng lên. Chim mẹ đã có thể bay đi thoát nạn, nhưng nó khong nỡ bỏ rơi con của mình để thoát thân. Ngay cả khi bị đốt cháy, nó vẫn không nhúc nhích để bảo vệ bầy con, và sẵn sàng chịu chết để bầy con đước sống dưới đôi cánh của mình.
Hình ảnh hy sinh của chim mẹ đã dùng chính mạng sống mình để bảo vệ bầy chim con, cũng đã được Chúa Giêsu dùng để diễn tả tình yêu của Thiên Chúa đối với dân Người khi nhìn thành thánh Giêru salem và than trách rằng: “Đã bao lần Ta muốn tập hợp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập hợp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu” (Lc 13:34).
Mùa chay là thời gian để ý thức về tình yêu của Thiên Chúa đối với con người. Trong Tông Huấn Tertio Milennio Adveniete, ĐGH Gioan Phaolô II đã viết: “Đối với các tôn giáo khác thì đầu tiên là con người đi kiếm tìm Thiên Chúa. Còn theo Kitô giáo thì điểm khởi đầu là cuộc Nhập Thể của Ngơi Lời. Ở đây ta thấy không còn chỉ là con người kiếm tìm Thiên Chúa, mà chính Thiên Chúa đích thân đến nói với con người và vạch chỉ cho họ con đường đạt tới Người” (đoạn 6). “Trong Đức Kitô Thiên Chúa không chỉ nói với con người moà còn là tìm kiếm con người” (đoạn 7).
Không phải căn cứ vào những việc đạo đức chúng ta làm trong Mùa Chay để nói rằng đó l à những nỗ lực đi tìm kiếm Thiên Chúa! Một tuần kiêng thịt một lần. Một chút sám hối trong tòa giải tội. Vài việc bác ái chưa đếm hết các ngón tay. Đọc thêm mấy câu kinh, đi mất chặng dàng thánh giá, sụt sùi với mất vần kinh cầu chịu nạn… Tình cảm dâng cao khóc thương cho những đau khổ Chúa Giêsu phải chịu vì tội lỗi nhân loại. Với bấy nhiêu việc làm đó mà ta dám nghĩ rằng mình đã yêu thương Thiên Chúa và đi tìm kiếm Ngài thực sự hay sao?
Chúng ta phải khiêm tốn nhận rằng con người xác thịt của mình rất yêu đuối, cứ muốn đắm chìm trong sự phù vân của trần thế tội lỗi. Con người vẫn lẩn tránh Thiên chúa. Sách Giảng Viên có lời khuyên dạy: “Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân” (GV 1:2).
Họa sĩ C. Allan Gilbert đã vẽ một bức tranh mà tôi đặt tên là “Phù Vân”. Họa sĩ có một cái nhìn vừa đạo đức – theo sự gợi ý của lời khuyên trong sách Giảng Viên - vừa trào phúng khi vẽ bức hình diễn tả người phụ nữ đẹp đẽ sang trọng đang trang điểm, soi ngắm mình trong gương. Trên mặt bàn trang điểm, bày đủ loại phấn son, những chai dầu thơm hảo hạng, hoa tươi và ngọn nến. Mặc chiếc áo thời trang bằng tơ lụa mỏng của Tây phương, người phụ nữ hơi khom mình về phía trước để ngắm khuôn mặt cho rõ hơn. Rõ ràng người phụ nữ này đang có tất cả mọi sự thế gian cung ứng cho nàng – sắc đẹp, của cải và tuổi xuân.
“Với một phối cảnh rộng hơn, gương mặt xinh đẹp biến thành hình ảnh chiếc sọ người”.
Nhưng nếu bước lùi ra xa một chút, người nhìn sẽ phải ngạc nhiên ngay. Với một phối cảnh rộng hơn, người phụ nữ đang say đắm ngắm mình trong gương bị biến thành hình ảnh một chiệc sọ người! Thật là mỉa mai, tất cả những sự sang trọng của thế gian chỉ là phù vân như sách Giảng viên khuyên dạy. Của cải, tài sản, khoái lạc, và ngay cả sự khôn ngoan của loài người cũng chỉ là một đám mây mờ bay qua bầu trời hay “hơi nước xuất hiện trong giây lát, rồi lại tan biến đi” (Gc 4:14).
Ngày 7 tháng 12 năm 1998 ở tây Bắc Armenia xảy ra trận động đất lớn với độ rung là 6.9, đã làm xụp đổ bình địa thành phố với khoảng 25 ngàn người bị thiệt mạng với câu chuyện rất cảm động như sau:
Sau trận động đất, giữa nhừ đám người hoảng hốt và lo sợ, có một người cha đang tuyệt vọng rảo bước qua những con đường đầy gió bụi đổ nát và điều tàn. Ông vội vã tiến về phía trường học đi tìm người con trai yêu quí đi học từ sáng sớm. Vừa bước đi ông vừa nghĩ tới những lời hứa hẹn đã thề thốt với con ông: “Armand con ơi, bất cứ chuyện gì xảy ra, ba cũng luôn luôn ở với con!”
Vừa tới vị trí trường học, ông nhận ra chỉ còn là một đống gạch vụn. Đứng lau chùi nước mắt… rồi phỏng đoán phương hướng lớp học của con ông, ông cúi xuống lượm từng miếng gạch vỡ quăng ra ngaoài. Bằng tay không, ông bắt đầu đào bới. Nào là gạch, ván tường, tôn kẽm… Những người qua lại tuyệt vọng nói với ông: “Thôi đi ông ơi! Chúng chết hết rồi!” Nhưng ông ngẩng lên trả lời: “Các bạn chỉ trích tôi hay giúp tôi nâng những viên gạch này ra?” Một số người cũng tiếp tay với ông thu dọn gạch vụn, nhưng chẳng được bao lâu họ cũng bỏ cuộc vì mệt mỏi và tay chân đau nhức. Riêng ông vẫn làm việc không ngưng nghỉ vì ông luôn luôn nghĩ tới sinh mạng của con ông. Ông kiên trì làm việc từ giờ này qua giờ khác, 2 giờ qua đi… 18 giờ… 24 giờ… 36 giờ… và sau cùng, vào giờ thứ 38 ông nghe được một tiếng rên rỉ yếu ớt phát ra từ phía dưới một mảng tường đổ nát. Ông nắm lấy mảng gạch, lay mạnh và gọi lớn: “Armand! Aramand! Armand!” Từ bóng tối phía dưới bức tường đổ vang lên một giọng trẻ thơ trả lời: “Ba! Ba! Ba!” Tiếp ngay sau đó là những tiếng gọi yếu ớt khác của những em học sinh sống sót vang dội lên. Công việc đào bới để cứu các em ra khỏi tai nạn được các bậc phụ huynh thực hiện ngay sau đó.
Người đã cứu được 14 em học sinh trong tổng số 33 em. Khi em Armand được cứu thoát em vẫn mạnh mẽ khẳng định: “Đã bảo mà, cha tôi không bao giờ quên tôi”.
Bác sĩ Scott đã kể lại câu chuyện trên trong cuốn sách nổi tiếng của ông có nhan đề “A Father Who Keeps His Promises” - “Người Cha giữ lời hứa”. Và ông đã kết luận như sau: “Đó là loại đức tin mà chúng ta đang cần, bởi vì đó là Người Cha mà chúng ta có”.
Chúa chúng ta là Người Cha yêu thương luôn giữ lời hứa, và tìm kiếm ta về với Ngài. Qua những thiên tai động đất nhức nhở chúng ta ý thức rằng trái đất mà chúng ta coi là vững bền “Terra Firma” quả không bền vững tí nào! Đừng ngủ quên trên sự phù vân của vật chất trần gian. Cuộc sống trần thế này chỉ là phù vân. Tất cả những của cải trần gian đều tùy thuộc vào sự mong manh của trái đất nử lời giáo hội kêu gọi khi nhận tro: “Hãy nhớ mình là tro bụi và sẽ trở về bụi tro”.
Bài phúc âm hôm nay, Lc 9:28b-36, kể lại chuyện Chúa Giêsu biến hình trên núi khi Ngài đang cầu nguyện. Chúa Giêsu đã mặc khải cho chúng ta nhìn thấy Thiên Chúa chính là nền tảng vững chắc giúp chúng ta xây dựng cuộc đời của mình. Ngài đã biểu tỏ vinh quang và thập giá của ngài cho Pherô, Giacobe và Gioan. Ngài đã biểu lộ cho nhân loại thấy chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa khởi sự từ thời Cựu Ước với các vị tổ phụ và các tiên tri của dâng Israel, Môse và Êlia. Mạc khải này làm cho những ai đặt ngưỡng vọng nơi trần thế phù vân này phải bối rối và thất vọng.
Trong bài đọc thứ hai, Thánh Phaolô cảnh tỉnh con người rằng: “Có nhiều người sống thù nghịch với thập giá Đức Kitô. Chung cuộc, đời họ là hư vong, chúa tể của họ là cái bụng, và họ đặt vinh danh của họ trong những điều ô nhục; họ chỉ ưa chuộng những cái trên cõi đời này. Phần chúng ta, quê hương của chúng ta ở trên trời…” (Phil 3:20).
Thi nhập quốc tịch hoa kỳ, để chính thức trở nên một người công dân với bổn phận và quyền lợi là một điều quan trọng đối với nhừ người di dân. Nhưng đối với các cụ già đó là điều vô cùng gay go. Các cụ phải học Anh Ngữ, phải biết lịch sử nước Hoa Kỳ, rồi trải qua một cuộc thi khảo vừa nghe, vừa đọc và nói. Có cụ thi mãi không đậu, lo lắng mất ăn mất ngủ, vì có quyền công dân mới bảo lãnh con cái sang Mỹ được. Có cụ ốm đau gần chết mà vẫn cứ lo quốc tịch! Có cụ khôn ngoan hơn, âm thầm làm các việc đạo đức, chuẩn bị cho mình quyền công dân của Nước Trời mới là quan trọng! Ai thi cũng được. Ngôn ngữ của Nước Trời là tình yêu, có sẵn trong tim, không cần phải học vất vả, chỉ đem ra áp dụng Nước Trời, một quê hương mới, “Một Cõi Đi Về” an nghỉ. Còn nước Hoa Kỳ này vẫn chỉ là phù vân, như “hơi nước xuất hiện trong giây lát, rồi lại tan biến đi” (Gc 4:14).
Thành phố Chicago có nhiều sắc dân. Nét độc đáo của một xứ đạo là tính cách đa chủng tộc. Tôi thường nghe dân chúng than van, họ luôn luôn nhớ về quê hương của họ. Nhớ đồ ăn thức uống. Nhớ dòng sông con kênh. Nhớ thân bằng quyến thuộc, bạn bè. Mặt trời lặn ở quê nhà với khói lam chiều vẫn đẹp hơn mặt trời Hiệp Chủng Quốc! Ai cũng ngóng trông về quê nhà. Trong mỗi người đều mang một nỗi nhớ, một nỗi buồn vương vấn thật sâu trong lòng mình. Đó là khúc ruột ngàn dặm vì chúng ta luôn thuộc về quê hương của mình. Không bỏ được. Các nhà thương mại bán vé máy bay thuyết phục rằng chỉ cần cầm lấy vé máy bay là bạn trở về quê hương ngay. Điều đó đúng với quê hương phù vân trần thế!
Nhưng còn quê hương vĩnh cứu trên trời thì sao? ĐGH Gioan Phaolô II trả lồi rằng: “Con người trên dường lữ hành về với Đấng Tuyệt Đối: Đời sống con người trên trái đất là một cuộc lữ hành… Đức tin lữ hành của con người hướng con người về Thiên Chúa, giúp con người chọn lựa những gì sẽ làm cho mình đạt tới sự sống vĩnh hằng. Do vậy, mỗi giây phút trong cuộc lữ hành trên trái đất đều quan trọng – quan trọng với những thách đố và những chọn lựa của nó.” (TVNNTB, Đức Tin).
Trong Mùa Chay giáo hội cảnh tỉnh chúng ta đừng ngủ quên trong sự phù vân của trần thế, phải ý thức chúng ta là những người lữ hành đang đi về quê hương vĩnh cửu trên trời (Pl 3:20; 2Cr 5:1). Con đường về Nước Trời đó chính là con đường Chúa Giêsu Kitô đã đi qua với thập giá trên vai. Đi theo Ngài, “Đức Kitô, Đấng dẫn ta về với Thiên Chúa Cha” (ĐGH Gioan Phaolô II, TVNNTB, Đức Tin).
Lm Nguyễn Thái. (Hiệp Nhất 2-2016)
NHỮNG CON ĐƯỜNG THẾ GIỚI SẼ ĐẦY HOA
(Cn II MC năm C 2016)
Lm Giuse Trương Đình Hiền 20-2-16
Một trong những gợi ý đặc biệt của Mùa Chay dành cho cộng đoàn Kitô hữu đó chính là lên đường, ra đi, lột xác.
Một cuộc lên đường để tiến bước trên một lộ trình mới : lộ trình của một Đức Tin luôn hướng về Chúa là tiêu đích, một Đức Cậy luôn đặt niềm hy vọng nơi Chúa là điểm tựa và một Đức Ái sẵn sàng đồng hành với Chúa để gieo vãi những hạt mầm yêu thương. Ý nghĩa nầy đã âm vang đâu đó trong một định nghĩa đầy thi vị về cuộc đời của nhà văn nổi tiếng của Pháp vào thế kỷ thứ 16, Michel Montaigne (1533-1592) : “Si la vie n’est q’un passage, sur ce passage au moins semons des fleurs”. Tạm dịch : “Nếu cuộc đời chỉ là một chuyến đi, thì ít nữa, trên chuyến đi đó, chúng ta hãy gieo những bông hoa”
Và ai đó đã chuyển tác thành những câu thơ :
Đời con như một chuyến đi dài,
Dọc hành trình con âu yếm trên tay,
Những hạt mầm cho tương lai rực rỡ,
Con gieo xuống trên vệ đường đất đỏ,
Thật trìu mến như muốn ngỏ tình yêu…
Lời Chúa quả thật đã khéo léo dẫn dụ chúng ta lên đường sống các ý nghĩa thâm thúy nầy qua các hình tượng : Cụ Tổ Abraham lên đường đi khỏi thành Ur để đón nhận giao ước của Giavê (BĐ 1) ; Đức Kitô lên núi Tabor rồi biến đổi hình dạng nên rực rỡ sáng ngời (Trình thuật biến hình của Tin Mừng Luca). Ý nghĩa nầy lại được củng cố thêm với lời khuyên của thánh Phaolô kêu gọi những người Kitô hữu là những kẻ đang ngóng đợi ngày quang lâm của Đức Kitô và luôn đưa mắt hướng về quê hương Nước trời ngược lại với những kẻ “chỉ nghĩ đến những sự thế gian”và luôn “tôn thờ cái bụng” (BĐ 2).
Một cách cụ thể : trong Mùa Chay nầy làm sao thiết lập cho được những cuộc hành trình tâm linh, những cuộc lên đường đức tin : hành trình yêu thương, hành trình khoan dung tha thứ, hành trình phục vụ quảng đại, hành trình sám hối đổi đời…. Đó là những cuộc hành trình của quan hệ yêu thương gia đình từ chồng đến với vợ, từ con cái đến với cha mẹ ; đó là những cuộc hành trình bác ái yêu thương trong quan hệ giữa người với người, từ căn hộ nầy đến mái nhà kia ; đó là những cuộc hành trình đạo đức sốt sắng từ gia đình đến nhà thờ, từ lương tâm sám hối đến với tòa giải tội, từ biếng nhác nguội lạnh bên quán nhậu hay phim ảnh truyền hình đến với những tràng hạt Mân Côi hay giờ kinh tối gia đình… ; đó là những cuộc hành trình thực thi liêm chính công bình khi can đảm “nói không” với những toan tính vụ lợi của bon chen mung mánh, giả dối lọc lừa, để sẵn sàng “nói có” với việc thực thi công bình chính trực ; đó là những cuộc hành trình sẻ chia và bác ái phục vụ, cuộc hành trình sẵn sàng giã từ những hưởng thụ, nhậu nhẹt đình đám say sưa để bước đến ủi an, giúp đỡ phục vụ những người yếu đau bệnh hoạn, đói nghèo ….
Xem ra những cuộc hành trình như thế thật là quá khó đối với nhiều người. Bởi chưng, bản chất của con người sau biến cố “trái cấm” gần như muốn đi theo vết xe đỗ của A-đam, E-Va, thay vì nghiêm túc trung thành giữ luật lệ của Thiên Chúa trong khổ chế hy sinh, trong trung thành chung thủy, trong quảng đại sẻ chia…thì sẵn sàng đưa tay “hái trái cấm ngọt ngào” để “thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt, còn hơn là le lói suốt năm canh”, thà lầm lũi bước đi như Giuđa trong đêm tối với “ba mươi đồng bạc phản bội” hơn là ngồi lại với anh em trong bàn tiệc ly thân thương huynh đệ…
Trong cuộc sống đức tin giữa đời thường hôm nay, có bao nhiêu cuộc “hành trình” như thế mà chúng ta chưa làm được hoặc chúng ta cố tình lảng tránh để ở lại trong một thứ “tháp ngà” dễ chịu và quen thuộc của tính hư tật xấu, của ích kỷ nhỏ nhen, của tự hào biệt phái…
Chính vì thế, cuộc “Biến Hình” trên núi Ta-bor không bao giờ “chỉ là kỷ niệm quá khứ” để gật gù chiêm ngưỡng thán phục, mà luôn mãi là “phấn đấu nỗ lực hôm nay” để biến đổi chính mình và làm tốt xã hội chung quanh ; cũng thế, những bước chân tin tưởng vững vàng của cụ tổ Abraham không chỉ là “tìm lại ảnh hình trong cuốn nhật ký cứu độ” để giải khuây trong chốc lát, mà mãi mãi sẽ là ngọn đuốc dẫn đường cho những người tin nối gót theo sau trên cuộc hành trình về Đất Hứa. Đức tin không bao giờ là một “đức tin thụt lùi, ở lại”, hay ũ rũ nằm im trong tiêu cực, biếng lười. Bởi vì, tôi chỉ thực sự là Kitô hữu khi tôi can đảm lột xác để trở thành “muối, men, ánh sáng cho đời”, hay khi tôi thực sự “biến hình” để trở nên “đồng hình đồng dạng với Đức Kitô”.
Tóm lại, trong khi cộng đoàn đang nỗ lực tiến bước trên con đường Mùa Chay với khổ chế và hy sinh, thì sự Biến hình của Đức Kitô hôm nay là một lời nhắn gởi, động viên để tất cả chúng ta cùng vươn cao đi tới “Bàn tiệc Nước Trời” trong tin yêu và hy vọng. Tin rằng, cho dù có những lúc phải đối diện với gian nan thử thách, với cay đắng hy sinh hay đêm tối ngục tù thì Chúa vẫn hiện diện ngay bên khi ta ngước mắt kêu cầu, để “phục sinh” tất cả trong rạng ngời ân sủng hôm nay và trong hạnh phúc viên mãn của Nước Trời mai hậu.
Và như thế, cuộc "lên đường, ra đi và lột xác" của Mùa Chay, lại làm mọc lên muôn đóa hoa rực rỡ, để tô thắm cho cuộc đời rong rêu của chính ta hay của bao con đường nhân sinh trong cõi ta bà đầy hoang vu sỏi đá nầy ! Vâng, ai là người kitô hữu và thật sự sống trọn vẹn ý nghĩa của Mùa Chay đều có quyền hy vọng : những con đường thế giới sẽ đầy hoa.
SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT II MÙA CHAY (C ) ( Lc 9, 28b -36)
CỦNG CỐ ĐỨC TIN
Thưa quý vị, các bạn, Đức Tin là một ân sủng nhưng không bởi Thiên Chúa, nói cách khác, Đức Tin là sự mạc khải từ Thiên Chúa và sự đáp trả từ phía con người. Vì thế, Đức Tin cần hai điều kiện duy nhất nói trên, nếu thiếu một trong hai, thì không thể được gọi là Đức Tin. Vì, “Tin “ là đón nhận, nhưng , nếu không được “Thông tin”, “ Truyền tin”, “ Ban Tin”, thì làm sao đón nhận được.
Vâng, thưa quý vị, Đức Tin là một phạm trù siêu nhiên, mặc nhiên đến từ sự siêu nhiên, vô hình, đó là Thiên Chúa, mà Thiên Chúa là Đấng Cực Thánh vô biên. Từ đó, sự siêu nhiên, vô biên gặp gỡ, biểu lộ cho sự tự nhiên hữu hình nhận biết những điều bí nhiệm, đó không phải là ân sủng nhưng không ( vô điều kiện ) sao?
Nhưng, từ con người hữu thể, hữu hạn, tức có sự giới hạn từ sự hữu hạn, như vậy, mới hữu lý. Sự giới hạn mới sinh đủ thứ, sự bất toàn, bất lực, bất định, dễ thay đổi, tội lỗi , rồi dẫn đến sự chết.
Khởi đi từ bài dọc I ( St 15, 5- 12. 17- 18) hôm nay, chúng ta thấy Ápraham, được gọi là tổ phụ của lòng tin, được gọi là người công chính. Rõ ràng Ápraham là người được đón nhận ơn mặc khải từ Thiên Chúa và ông đã đáp trả một cách trung tín. Như vậy, ngày xưa Thiên Chúa đã mặc khải cách trực tiếp cho Ápraham , dù là vô biên, nhưng có tiếng phán. Rồi sau đó, nhiều lần, nhiều cách, phán dạy cha ông chúng ta qua các tổ phụ và ngôn sứ. Nhưng, đến thời sau hết nầy, chúng ta được đón nhận đức tin qua Đức Kitô, Đấng đã mặc lấy nhân tính để biểu lộ sự mặc khải hữu hình bởi từ Thiên Chúa. Và rồi, chúng ta được đón nhận mặc khải qua Giáo Hội và các thánh giáo phụ.
Theo đó, Tin Mừng hôm nay ( Lc 9, 28b -36), thánh Luca cho chúng ta một trình thuật về việc Chúa Giêsu hiển dung. Hiển Dung có nghĩa là biểu lộ dung nhan của Đấng Cứu Thế về phần Thần Tính của Người. Là Thiên Chúa Ngôi Hai, nhưng Người đã tự nguyện mặc lấy Nhân Tính phàm nhân, để cứu chuộc phàm nhân. Tin Mừng ( Lc 9, 28b – 36) nêu bật bốn ý chính :
- Hai là : nối kết từ Cựu Ước đến Tân Ứơc , củng cố công trình cứu độ, mà Chúa Giêsu ( sắp thi hành ( c 30)
Qua trình thuật của Tin Mừng ( Lc 9, 28b – 36), chúng ta thấy, sự hiển dung của Chúa Giêsu, cũng như Lễ Hiển Linh đều là bày tỏ thần tính của Đấng cứu thế. Khi muốn biểu lộ ơn mặc khải cho dân ngoại, Người đã biểu lộ thần tính cho các đạo sĩ, dù còn là Hài Nhi, nhưng quyền phép tối cao thật tuyệt diệu. Đến độ lướt thắng uy quyền trần thế của Herode.Nhưng, phần biến đổi Dung Nhan là một sự củng cố niềm tin cho các môn đệ, đồng thời, tiên báo mầu nhiệm phục sinh. Vì , biểu lộ Thần Tính của Chúa Giêsu là biểu lộ sự sống vĩnh hằng, nguồn sống nơi Thiên Chúa là Đấng không hề chết. Tin vào quyền uy của Đức Kitô, là tin vào sự phục sinh của Người. Nơi mà thần chết không khống chế được
Đức Giêsu – Kitô đã làm tất cả vì chúng ta, sau khi Người chiến thắng satan, Người bước vào vinh quang thiên quốc với Thần Tính của Người. Người mở ra một hành trình cứu chuộc thật kỳ thú. Trước lúc, bước vào cuộc tử nạn đau thương, Người đã mở ra một kỷ nguyên vô biên viên mãn, mà những ai được kêu gọi thông phần đều được đón nhận trọn vẹn.
Lễ Hiển Dung còn cho chúng ta một sự trùng hợp như Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa tại sông Gio-dan, cũng có tiếng Chúa Cha chuẩn nhận: “Đây là Con Ta yêu dấu, Người được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người”.( c 35)
Lễ Hiển Dung còn cho chúng ta một bài học của sự cầu nguyện, nếu chúng ta muốn kết hợp mật thiết với Thiên Chúa qua Chúa Giêsu, thì không còn cách nào khác hơn là cầu nguyện thâm sâu với Chúa, thì chúng ta sẽ được biến đổi. Vì Người đã biến đổi qua lễ hiển dung và nhất là sự Phục Sinh vinh hiển.
Và như thánh Phao lô trong bài đọc II ( Pl 3, 17- 4,1) hôm nay đã nói: “… những ai sống đối nghịch với Thập giá Đức Kitô thì họ sẽ hư vong…” ( c 19). Vì, Người có quyền năng biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta trở nên giống thân xác sáng láng như Người.
Thánh Vịnh 26 hôm nay cho chúng biết việc Chúa Giêsu hiển dung là để củng cố đức tin cho chúng ta, nếu chúng ta can đảm vác thập giá mình theo Đức Kitô, thì chúng ta sẽ được biến đổi như Người. Vì thân xác yếu hèn của chúng ta sẽ trở nên thân xác sáng láng như Người.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã biểu lộ Thần Tính Chúa cho chúng con là để củng cố niềm tin cho chúng con. Xin thương ban cho chúng con có đủ can đảm vác thập giá mình mỗi ngày theo Chúa đến cùng để chúng con cũng được biến đổi giống như Chúa vào ngày sau vinh hiển./. Amen
21/02/2016
P.Trần Đình Phan Tiến