suy niệm, năm C-2016

by Trầm Thiên Thu

November 21, 2019

 

VUA CÔNG LÝ
CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN, C 2019
LỄ CHÚA KITÔ VUA VŨ TRỤ

Không có công lý thì không có tự do, không có tự do thì không có bình an – hòa bình, nghĩa là bất ổn, xã hội bất ổn thì hỗn loạn, sinh ra tội lỗi. Thế nên Chúa Giêsu đã đến thế gian để bảo vệ công lý và giải thoát những con người bị áp bức, bị bóc lột. Thánh Vịnh gia xác định: “Triều đại Người, đua nở hoa công lý và thái bình thịnh trị tới ngày nao tuế nguyệt chẳng còn.” (Tv 72:7)

Chúa Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa, là Đấng Thiên Sai, là Đấng Cứu Độ duy nhất. Kinh Thánh xác định: “Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ.” (Cv 4:12). Mặc dù “Người là Đấng Toàn Năng, ta chẳng sao vươn tới, Người cao cả, vì Người hùng mạnh và công minh. Người quyền năng, vì Người chính trực, nhưng CHẲNG ÁP BỨC AI.” (G 37:23)
Xã hội luôn cần có công lý để loại bỏ bất công, cần có luật để duy trì an sinh xã hội. Nhưng “luật bất công không phải là luật” (Thánh Augustinô, 354-430). Theo xã hội loài người, công lý là một khái niệm đúng đắn về luân lý, dựa trên nền tảng đạo đức, tính hợp lý, luật pháp, quy luật tự nhiên (hệ thống luật được xác định bởi tự nhiên, mang tính phổ quát), tôn giáo, công bằng, cũng như việc quản lý của pháp luật, có tính đến quyền sống bất khả nhượng của mọi người và mọi công dân, quyền chung của mọi người và cá nhân để bảo vệ quyền bình đẳng trước pháp luật của các quyền dân sự của họ, không phân biệt đối xử dựa trên sắc tộc, giới tính, dân tộc, màu da, tôn giáo, tuổi tác, hoặc các đặc tính khác, và được coi là bao gồm các luật về công bằng xã hội.

Chúa Giêsu là Vua các vua, Chúa các chúa, bởi vì “không có quyền bính nào mà không bởi Thiên Chúa, và những quyền bính hiện hữu là do Thiên Chúa thiết lập.” (Rm 13:1) Thế nhưng người ta không tin nhận Ngài, đến nỗi đã lập mưu ác sát hại Ngài. Trên đầu Thập Giá, nơi Chúa Giêsu bị đóng đinh, có ghi bảng bằng tiếng Híp-ri, La-tinh và Hy-lạp: INRI – Jesus Nazarenus Rex Judaeorum – Giêsu Nadarét là Vua dân Do Thái. Thế nhưng các thượng tế của người Do Thái nói với ông Philatô: “Xin ngài đừng viết: Vua dân Do Thái, nhưng viết: Tên này đã nói: Ta là Vua dân Do Thái.” Tuy nhiên, ông Philatô trả lời: “Ta viết sao, cứ để vậy!” (Ga 19:22) Vô tình mà chính họ lại tôn vinh tử tội Giêsu là Vua. Thế mới độc đáo, kỳ lạ và mầu nhiệm. Bảng chữ đa ngữ đó đã nói lên tất cả.

Ngày xưa theo quan niệm phong kiến, người ta có một câu như mệnh lệnh bất di bất dịch: “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung.” Thời quân chủ, vua mệnh danh là Thiên Tử, mọi quyền hành nắm gọn trong tay, cho sống thì được sống, bắt chết cũng phải chết. Vua đi đâu cũng có tiền hô, hậu ủng. Mọi sự sang trọng, quyền thế, ưu tiên,… đều phải dành cho vua. Ai muốn tâu với vua điều gì cũng không được nhìn “long nhan”, cũng không được tâu trực tiếp, mà chỉ được tâu cái bệ rồng vua ngồi: “Muôn tâu bệ hạ.” Nhà vua độc quyền màu vàng, và cái gì của vua cũng đệm chữ “long” – rồng: Long nhan, long thể, long bào, long sàn, long xa, long đình,… Dù sướng từ trong trứng nước, nhưng rồi chính nhà vua cũng không tránh khỏi “long đanh” và “long đong” như bao thần dân khác. Thế mà vẫn chảnh lắm!

Thế mà Chúa Giêsu, Vua muôn vua và Chúa các chúa, Hoàng đế của các hoàng đế, Thủ lãnh của các thủ lãnh, lại “được” người ta đội cho triều thiên là vòng gai nhọn và khoác cho chiếc áo choàng đỏ, và họ mỉa mai: “Kính chào Vua dân Do Thái!” (Ga 19:3), thậm chí họ còn vả vào mặt Ngài. Kẻ ác càng hèn càng nhát, càng nhát càng ác. Thật đáng ghê tởm!
Ngày xưa, toàn thể các chi tộc Ít-ra-en đến trình báo vua Đa-vít tại Khép-rôn: “Chúng tôi đây là cốt nhục của ngài. Ngay cả trước kia, khi ông Sa-un làm vua cai trị chúng tôi, chính ngài đã chỉ huy các cuộc hành quân của Ít-ra-en. Đức Chúa đã phán với ngài: Chính ngươi sẽ chăn dắt Ít-ra-en, dân Ta, chính ngươi sẽ là người lãnh đạo Ít-ra-en.” (2 Sm 5:1-2) Sau đó, toàn thể kỳ mục Ít-ra-en cũng đến gặp vua tại đó. Rồi Vua Đa-vít lập giao ước với họ tại Khép-rôn, trước nhan Đức Chúa. Họ đã xức dầu tấn phong Đa-vít làm vua Ít-ra-en. (2 Sm 5:3) Xức dầu là dấu chỉ “công nhận” một người nào đó với chức vụ và trách nhiệm nào đó, cụ thể là phong vương. Ngày nay, Công giáo cũng vẫn theo truyền thống đó khi cử hành các bí tích theo nghi thức phụng vụ, đặc biệt là nghi lễ truyền chức.

Chắc hẳn xưa nay ít người được vào nội cung triều đình của vua chúa trần gian hoặc dinh tổng thống, người ta chỉ đứng xa mà ngắm nhìn cũng là “có phước” lắm rồi, thậm chí có mơ cũng chẳng thấy, huống chi đối với Thánh Cung của Thiên Chúa. Vì thế, Thánh Vịnh gia sung sướng thốt lên: “Vui dường nào khi thiên hạ bảo tôi: ‘Ta cùng trẩy lên đền thánh Chúa!’. Và giờ đây, Giêrusalem hỡi, cửa nội thành, ta đã dừng chân.” (Tv 122:1-2) Hạnh phúc biết bao, ngỡ chỉ là giấc mơ mà lại là sự thật, thật ngay trong đời thường. Hạnh phúc gấp bội, gia tăng theo cấp số nhân. Ôi, thế thì còn gì bằng!

Như một kỹ sư xây dựng, Thánh Vịnh gia mô tả chi tiết: “Giêrusalem khác nào đô thị được xây nên một khối vẹn toàn. Từng chi tộc, chi tộc của Chúa, trẩy hội lên đền ở nơi đây, để danh Chúa, họ cùng xưng tụng, như lệnh đã truyền cho Ít-ra-en. Cũng nơi đó, đặt ngai xét xử, ngai vàng của vương triều Đa-vít.” (Tv 122:3-5) Đền Thờ đó là Nhà Chúa trên trần gian, nhưng vẫn thật hạnh phúc cho ai được đặt chân vào: “Một ngày tại khuôn viên thánh điện quý hơn cả ngàn ngày. Thà con ở cổng đền Thiên Chúa vẫn còn hơn sống trong trại ác nhân!” (Tv 84:11) Ngày nay, cuộc sống khá hơn, nhiều người muốn đã đến hoặc muốn được đến Ít-ra-en để đặt chân lên vùng đất mà Chúa Giêsu đã một thời sinh sống và thi hành sứ vụ: Thánh địa Giêrusalem. Tuy nhiên, đối với người nghèo thì chẳng khác chuyện lên cung trăng. Không thể đến được, mặc dù rất muốn!

Những ai được vào Nhà Chúa thì cùng được làm con cái Ngài. Thánh Phaolô động viên: “Anh em hãy vui mừng cảm tạ Chúa Cha, đã làm cho anh em trở nên xứng đáng chung hưởng phần gia nghiệp của dân thánh trong cõi đầy ánh sáng. Người đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực tối tăm, và đưa vào vương quốc Thánh Tử chí ái; trong Thánh Tử, ta được ơn cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi.” (Cl 1:12-14) Một loạt những cái “được” quý giá lắm. Thật vậy, các tội nhân chúng ta đang từ hố bùn lầy tội lỗi mà được Thiên Chúa kéo lên, được tẩy rửa và đặc biệt là được nhận làm con. Niềm hạnh phúc quá lớn lao!

Đấng cứu vớt chúng ta không là VIP bình thường theo khái niệm thế tục, mà Đấng đó là Chúa của các chúa, Vua của các vua, vô thủy vô chung. Đấng đó chính là Chúa Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa: “Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo, vì trong Người, muôn vật được tạo thành trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình. Dẫu là hàng dũng lực thần thiêng hay là bậc quyền năng thượng giới, tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Người và cho Người. Người có trước muôn loài muôn vật, tất cả đều tồn tại trong Người. Người cũng là đầu của thân thể, nghĩa là đầu của Hội Thánh; Người là khởi nguyên, là trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại, để trong mọi sự Người đứng hàng đầu.” (Cl 1:15-18) Vua Giêsu là Đấng Cứu Độ duy nhất, không có Ơn Cứu Độ ngoài Ngài, và Ngài là Độc Đạo dẫn về Trời.

Với cách nói ngắn gọn mà súc tích, Thánh Phaolô giải thích: “Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người, cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hoà giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời.” (Cl 1:19-20) Đức Kitô là Vua, nhưng không thị uy hoặc độc đoán như vua chúa trần gian. Vua Giêsu đã không quản ngại thí mạng sống vì thần dân, Giá Máu của Ngài đã minh chứng tất cả. Chắc chắn rằng, cả quá khứ và tương lai, không có một vị vua nào dám chết vì dân tộc của mình, có tốt lành thì cố gắng làm lợi cho đất nước và nhân dân, không thì chèn ép và “hút máu” dân để mình sống ung dung, được vinh thân phì da.

Chúa Giêsu là Đệ Nhất Hàn Vương, Vua Nghèo vì không ngai vàng, không sở hữu bất cứ thứ gì, xả thân quên mình vì dân, chẳng có ai có thể nghèo như Ngài, đến cả “chỗ tựa đầu” cũng không có. (Mt 8:20; Lc 9:58) Vua chúa hoặc tổng thống nào cũng có lễ đăng quang, kể cả Giáo hoàng, nhưng Vua Giêsu không hề có lễ đăng quang, cứ cho là có “lễ đăng quang” thì lại chẳng giống ai: Bị treo trên Thập Giá. Tiều tụy, te tua, tơi tả, thiệt thòi, thảm thương,… Rất nhiều các mẫu tự T “ghép” thành Thập Tự.

Người ta đứng nhìn ngơ ngác, kẻ sợ người lo, kẻ ho người cười, không biết có được mấy người mủi lòng! Còn các thủ lãnh thì buông lời cười nhạo: “Hắn đã cứu người khác thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Kitô của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn!” (Lc 23:35) Ngay cả bọn lính tráng cũng chế giễu Ngài, chúng lại gần đưa giấm cho Ngài uống, và chúng thách thức: “Nếu ông là vua dân Do Thái thì cứu lấy mình đi!” (Lc 23:37) Nhưng Ngài vẫn im lặng và bất động. Trước mặt phàm nhân, Vua Giêsu thua trắng, chiến bại hoàn toàn. Thế nhưng không phải như vậy, họ hoàn toàn ngộ nhận vì thiển cận. Thánh Phaolô nói: “Lời rao giảng về thập giá là một sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất, nhưng đối với chúng ta là những người được cứu độ, thì đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa.” (1 Cr 1:18)

Điều lạ lùng vô cùng là có một tử tội chung số phận với Chúa Giêsu lại có động thái khác thường. Đó là “người gian phi sám hối”, chúng ta quen gọi là “người trộm lành” nhưng thật ra anh ta là tướng cướp khét tiếng, đại ca thứ thiệt, dân “anh chị” chính hiệu chứ không phải loại cướp cạn “tép riu”, vì thế mới đáng tử hình, chứ nếu chỉ là tên trộm thì đâu đến nỗi chịu án tử như vậy.

Thế nhưng một tên tử tù đồng bọn với anh ta cũng bị treo trên thập giá chiều hôm đó, chính hắn cũng nhục mạ Chúa Giêsu: “Ông không phải là Đấng Kitô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!” (Lc 23:39) Chết tới nơi mà còn ngông cuồng, ngang ngược, thách thức và cố chấp, không chịu “mở mắt” mà nhận biết cái sai của mình. Tội này mới đúng là “tội tày trời” – tính cố chấp, chắc chắn không ai có thể cứu hắn. Cà cuống chết đến đít vẫn còn cay!

Có thể là một số người trong chúng ta cũng có “tầm nhìn” như tên-cướp-ác-ôn này. Đó là những người thiển cận, không chịu rán sức “mở to” mắt ra để nhìn vấn đề cho thấu đáo, mà vẫn lì lợm, thủ cựu, không chịu nhìn rộng hơn “cái bóng” của mình, hoặc không đủ “tầm” để nhìn xa trông rộng, thế nên nhận xét của họ cũng phiếm diện. Thiển cận sinh độc đoán, độc đoán sinh ích kỷ, ích kỷ sinh tự tôn – lúc nào cũng cho mình là “number one” (số dzách, số một). Họ “mù” mà cứ tưởng mình “sáng mắt”. Tên-trộm-ác là thế, không chịu nhận mình có trọng tội mà còn “gân cổ” thách thức và nguyền rủa Đức Kitô. Có lẽ Ngài thấy tên này “dở hơi”, “trẻ ranh” vắt mũi chưa sạch nên Ngài không thèm nói gì. Nói với hạng người cố chấp thì cứ nói với đầu gối còn hơn!

Thế nhưng Ngài lại nói với tên-cướp-tốt-bụng. Tại sao? Hắn có tên “cúng cơm” là Dismas (hoặc Dimas), hắn lên tiếng phản đối: “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!” (Lc 23:40-41) Như thế mới là “mắt sáng”, là anh hùng, can đảm, nói thẳng nói thật chứ không hèn nhát mà che đậy hoặc giấu giếm sự thật. Rồi anh ta thưa với Đức Giêsu: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” (Lc 23:42) Tên cướp này thực sự có “trình độ”, xứng danh là một “tay anh chị” lắm. Anh ta đã “nhìn” rõ Tử Tội Giêsu thực sự là VIP rất đặc biệt nên mới xin như vậy. Giỏi lắm. Nhanh trí lắm. Anh ta phải giỏi mới đủ trình độ nhận biết Chúa Giêsu là “siêu nhân” thực sự. Tên tử tội ác ôn kia ngu muội nên không có tầm hiểu như Dismas.

Nghe anh ta cầu xin chân thành, Vua Giêsu nhẹ nhàng nói với thần dân Dismas ngay: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.” (Lc 23:43) Có lẽ không ai may mắn và sung sướng hơn tướng cướp “hiền lành” Dismas, vì dù tội lỗi tày trời, nhưng anh biết thú nhận và ăn năn nên Chúa Giêsu tha thứ, và còn cho anh hơn những gì anh muốn. Lòng Chúa Thương Xót chỉ cần thế thôi, còn tội to hay nhỏ không là vấn đề. Tên-cướp-tốt-bụng Dismas có điều rất “độc đáo” này: Cả đời anh ta chuyên đi ăn cướp, giờ lại “cướp” được cả Thiên Đàng. Khôn và khéo quá chừng luôn. Thật tuyệt!

Chúa Giêsu luôn khuyến khích các tín nhân chịu đau khổ – vác thập giá. (Mt 10:38; Mt 16:24) Khó thì Khổ, thế nhưng lại là Khéo và Khôn. No Cross, No Crown – Không có Thập Giá thì không có Triều Thiên, không có Đau Khổ thì không có Vinh Quang. Hạnh phúc tỷ lệ thuận với gian nan, vất vả, hy sinh – tức là đau khổ. Thập Giá hình chữ T, Chúa Giêsu dang tay hình chữ Y. Theo Việt ngữ, TY là Tình Yêu.

Lạy Vua Giêsu Kitô – Vua Công Lý, Vua Cứu Thế, Vua Thương Xót, xin chữa lành con-mắt-tâm-linh để chúng con thật lòng tin nhận Ngài là Con Thiên Chúa, là Thiên Vương đích thực muôn đời, là Vua Cứu Độ duy nhất, và xin giúp chúng con sống kiên cường với đức tin mà chúng con đã lãnh nhận. Kính lạy Thánh Tử Giêsu cai trị linh hồn chúng con và cho chúng con về sum vầy tại Vương Quốc Trường Sinh, Ngài là là Đấng Hằng Sống, đồng hiển trị với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, đời đời kiếp kiếp. Amen.

TRẦM THIÊN THU

 

VINH QUANG và ĐAU KHỔ
(Chúa Nhật XXXIV TN, năm C – Lễ Đức Kitô Vua)

Hạnh phúc nào cũng có nước mắt – dù ít hay nhiều. Nước mắt thì mặn chát. Tình yêu càng nhiều đau khổ thì niềm hạnh phúc càng chan chứa. Cuộc sống cũng tương tự. Hầu như đó là “nguyên lý” của cuộc đời. Người ta ví von rằng “hạnh phúc giống như chiếc đồng hồ, loại nào ít phức tạp thì ít hư hỏng, loại nào càng đơn giản thì càng bền.

Vinh quang và đau khổ là hai lĩnh vực trái ngược nhau nhưng lại liên quan lẫn nhau. Cũng vậy sự sống và sự chết liên quan lẫn nhau. Sống mà cứ coi như mình sắp chết để có thể tránh nhiều thứ phiền toái, và thật kỳ lạ, chính cái chết lại là ngưỡng bước vào sự sống. Quá đỗi kỳ diệu!

Đức Kitô là Sự Sống (Ga 14:6), tức là Nguồn Sống, bất cứ ai muốn đến với Chúa Cha đều phải đi qua “con đường của sự sống” ấy, không thể không “đi qua” chính Đức Kitô Giêsu. Ngài là sự sống mà lại bị người ta giết chết, nhưng rồi Ngài đã chiến thắng Tử Thần và phục sinh vinh hiển, và mãi mãi Tử Thần phải thần phục Ngài. Ngài là Vua của muôn loài, và Ngài được Chúa Cha trao quyền xét xử muôn loài, ngay cả Satan cũng phải xuất đầu lộ diện mà trình diện Ngài: Một ngày kia, con cái Thiên Chúa đến TRÌNH DIỆN Đức Chúa; Satan cũng đến trong đám họ để TRÌNH DIỆN Đức Chúa” (G 2:1).

Trình thuật ngắn gọn 2 Sm 5:1-3 cho biết: Toàn thể các chi tộc Israel đến gặp vua Đa-vít tại Khép-rôn và thưa: “Chúng tôi đây là cốt nhục của ngài. Ngay cả trước kia, khi ông Sa-un làm vua cai trị chúng tôi, chính ngài đã chỉ huy các cuộc hành quân của Israel”. Đức Chúa đã phán với ngài: “Chính ngươi sẽ chăn dắt Israel, dân Ta, chính ngươi sẽ là người lãnh đạo Israel”. Toàn thể kỳ mục Israel đến gặp vua tại Khép-rôn. Vua Đa-vít lập giao ước với họ tại Khép-rôn, trước nhan Đức Chúa. Rồi họ xức dầu tấn phong Đa-vít làm vua Israel.

Quốc Vương thời Cựu Ước là hình bóng tiên báo về Vị Thiên Vương Tối Cao thời Tân Ước là Đức Giêsu Kitô. Điều tiên báo từ ngàn xưa đã ứng nghiệm từ hai ngàn năm qua, đó là Đức Kitô đã đến thế gian, và chính Ngài đã xxác định: “Ai NGHE lời tôi và TIN vào Đấng đã sai tôi thì có sự sống đời đờikhỏi bị xét xử, nhưng đã từ cõi chết bước vào cõi sống” (Ga 5:24).

Vua chúa trần gian có thể hét ra lửa, xử sao nên vậy, nhưng chỉ là cho sống hoặc bắt chết về phần xác mà thôi, còn Thiên Chúa là Chúa của các chúa, Vua của các vua, đặc biệt là Ngài “có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục” (Mt 10:28). Tử Thần còn khuất phục thì ai có thể làm gì trái lệnh Ngài chứ?

Thật là hạnh phúc khi chúng ta được là thần dân của Thiên Vương Giêsu, Thánh Vương Kitô. Không thể có niềm hạnh phúc nào khác khả dĩ so sánh được với niềm hạnh phúc mà chúng ta đang được tận hưởng.

Khi vui mừng, chắc chắn người ta không thể trì hoãn cái sự sung sướng ấy được. Tác giả Thánh Vịnh cũng vậy, cũng người trần mắt thịt, thế nên không thể không bày tỏ niềm hạnh phúc: “Vui dường nào khi thiên hạ bảo tôi: ‘Ta cùng trẩy lên đền thánh Chúa!’. Và giờ đây, Giêrusalem hỡi, cửa nội thành, ta đã dừng chân” (Tv 122:1-2).

Nhà Chúa là Nhà Cầu Nguyện, luôn có điều gì đó linh thiêng, khó diễn tả bằng phàm ngôn. Giêrusalem là hình bóng của Thánh Đô Thiên Quốc. Dù là Đền Thờ nơi trần gian nhưng vẫn được xây dựng một cách đặc biệt. Tác giả Thánh Vịnh mô tả: “Giêrusalem khác nào đô thị được xây nên một khối vẹn toàn. Từng chi tộc, chi tộc của Chúa, trẩy hội lên đền ở nơi đây, để danh Chúa, họ cùng xưng tụng, như lệnh đã truyền cho Israel. Cũng nơi đó, đặt ngai xét xử, ngai vàng của vương triều Đa-vít” (Tv 122:3-5).

Đức Giêsu Kitô là Vua cả vũ trụ, cả càn khôn, cách riêng Ngài là Vua của cuộc đời mỗi chúng ta. Hôm nay và mãi mãi, hãy không ngừng tôn vinh Ngài: “Chúc tụng triều đại đang tới, triều đại vua Đa-vít, tổ phụ chúng ta. Hoan hô trên các tầng trời!” (Mc 11:10). Với diễm phúc này, chúng ta có dành cả đời để dâng lời cảm tạ cũng không đủ. Mong ước chúng ta được tiếp tục là thần dân của Ngài nơi Thiên Quốc Hằng Sinh để đời đời chúc tụng Ngài!

Niềm vui nối tiếp nỗi mừng, hạnh phúc tăng theo cấp số nhân. Niềm vui quá lớn, hạnh phúc dạt dào. Thật khó tả! Với kinh nghiệm từng trải và bằng cảm nghiệm tâm linh sâu sắc, Thánh Phaolô chân thành nhắn nhủ: “Anh em hãy vui mừng cảm tạ Chúa Cha, đã làm cho anh em trở nên xứng đáng chung hưởng phần gia nghiệp của dân thánh trong cõi đầy ánh sáng. Người đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực tối tăm, và đưa vào vương quốc Thánh Tử chí ái; trong Thánh Tử, ta ĐƯỢC ơn cứu chuộc, ĐƯỢC thứ tha tội lỗi” (Cl 1:12-14).

Quả thật, những tội nhân như chúng ta có mơ cũng chẳng thấy, thế nhưng không phải mơ mà là sự thật. Thánh Phaolô giải thích cặn kẽ: “Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo, vì trong Người, muôn vật được tạo thành trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình. Dẫu là hàng dũng lực thần thiêng hay là bậc quyền năng thượng giới, tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng NHỜ Người và CHO Người” (Cl 1:15-16). Được làm thụ tạo là hạnh phúc lắm rồi, nhưng chúng ta không chỉ là thụ tạo mà còn được làm người, hơn hẳn các loài thực vật, sinh vật và động vật, đặc biệt còn được làm con cái của Thiên Chúa. Điều đó được chứng mình qua hằng ngày, chúng ta hãnh diện được gọi Thiên Chúa là Thân Phụ: “Lạy Cha (của) chúng con, Đấng ngự ở trên trời,…”. Thật là trên cả sự tuyệt vời!

Còn nữa, chứ chưa dừng lại ở mức đó. Thánh Phaolô nói: “Người có trước muôn loài muôn vật, tất cả đều tồn tại trong Người. Người cũng là đầu của thân thể, nghĩa là đầu của Hội Thánh; Người là khởi nguyên, là trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại, để trong mọi sự Người đứng hàng đầu. Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người, cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hoà giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời” (Cl 1:17-20). Chúa Giêsu là Huynh Trưởng, còn tất cả chúng ta là những tiểu đệ và tiểu muội của Ngài. Chúa Giêsu là Vua, vậy thì chúng ta là em của Vua, cũng có nghĩa là chúng ta thuộc dòng dõi Hoàng Tộc. Đặc biệt hơn là chúng ta còn được hòa tan vào Thiên Chúa, nên một với Ngài mỗi khi tiếp rước Thánh Thể. Ôi, thật là kỳ diệu quá chừng!

Huynh Trưởng Giêsu là Vua, nhưng Ngài không đăng quang, không ngai vàng, không vương trượng, không lòng bào,… như các vua chúa trần gian. Ngài là Vua-đa-không, không được tiền hô hậu ủng.

Trình thuật Lc 23:35-43 cho biết giây phút “đăng quang” đặc biệt của Vua Giêsu: Dân chúng đứng nhìn, còn các thủ lãnh thì buông lời cười nhạo: “Hắn đã cứu người khác thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Kitô của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn!”. Lính tráng cũng chế giễu Người. Chúng lại gần, đưa giấm cho Người uống và nói: “Nếu ông là vua dân Do Thái thì cứu lấy mình đi!”. Phía trên đầu Người, có bản án viết: “Đây là vua người Do Thái”. Vua Giêsu bị sỉ nhục đến tột cùng, nhưng Ngài vẫn im lặng. Sự im lặng của Ngài khiến những kẻ thủ ác hả hê và ngạo nghễ, tưởng mình đã chiến thắng. Sự kiêu ngạo thật tồi tệ!

Không chỉ có thế, chính một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người: “Ông không phải là Đấng Kitô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!”. Đúng là kẻ hợm hĩnh già mồm. Chết đến nơi mà còn hống hách với người khác. Có lẽ nghe “ngứa tai” nên tên kia lên tiếng mắng nó: “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!”. Xấu thì xấu, dữ thì dữ, ác thì ác, nhưng tâm hồn của anh ta không như dáng bặm trợn bề ngoài.

Và rồi anh ta thưa với Đức Giêsu: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!”. Và Chúa Giêsu nói với anh ta: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng”. Có thể nói rằng diễm phúc nhất là tướng cướp này, có tên cúng cơm là Dismas.

Vua Giêsu quá nhân hiền và đại lượng. Tội tày trời, cả đời không hề tỏ ra chút xót thương bất cứ ai, coi trời bằng vung, mấy ai dám “chơi ngông” như Dismas. Thế mà chỉ một lời sám hối chân thành, mọi tội lỗi của anh ta được Vua Giêsu xí xóa hết, hoàn toàn trắng án, không phải vô Luyện Hình, mà được cùng Chúa Giêsu vào Thiên Đàng ngay đêm hôm đó.

Điều này nhắc nhở chúng ta đừng tuyệt vọng, dẫu có đôi khi cảm thấy thất vọng theo bản tính phàm nhân, hãy vững tin vào Lòng Thương Xót vô bờ bến của Thiên Chúa. Thất vọng về tình trạng tội lỗi của mình là một dạng kiêu ngạo, vì như vậy là không tin vào lòng đại lượng ta thứ của Thiên Chúa. Hạy vững tin, vì chính Chúa Giêsu đã xác định với Thánh Faustina: “Lòng Thương Xót của Ta lớn hơn tội lỗi của con và toàn thế giới” (Nhật Ký, số 1485). Và Ngài cũng đã hứa: “Không một linh hồn nào kêu gọi Lòng Thương Xót của Ta mà phải thất vọng bao giờ” (Nhật Ký, số 1541). Lời hứa đó đã, đang và sẽ được áp dụng với bất cứ tội nhân nào chân thành sám hối.

Với những người có chức, có quyền, lễ Chúa Kitô Vua nhắc nhở họ điều rất quan trọng qua lời Chúa Giêsu xác định với tổng trấn Philatô: “Ngài không có quyền gì đối với tôi, nếu Trời chẳng ban cho ngài” (Ga 19:11). Đừng tưởng có “quyền” rồi thì mặc sức “hành” người khác. Tất cả mọi người đều là tôi tớ, và Chúa Giêsu nói rõ hơn: “Đầy tớ nào đã biết ý chủ mà không chuẩn bị sẵn sàng, hoặc không làm theo ý chủ thì sẽ bị đòn nhiều. Còn kẻ không biết ý chủ mà làm những chuyện đáng phạt thì sẽ bị đòn ít. Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn” (Lc 12:47-48).

Thiên Chúa là ai? Kinh Thánh cho biết: “Thiên Chúa của anh em là Thần các thần, là Chúa các chúa, là Thiên Chúa vĩ đại, dũng mãnh, khả uý, không thiên vị ai và không nhận quà hối lộ, xử công minh cho cô nhi quả phụ, yêu thương ngoại kiều, và cho họ bánh ăn, áo mặc” (Đnl 10:17-18). Thiên Chúa là Vua Hòa Bình, Vua Công Lý, Vua Lòng Thương Xót, và mọi quyền hành đều phát xuất từ Ngài. Đặc biệt là Ngài chí công, nghiêm minh khi thưởng công và trừng phạt.
Vua Giêsu là Thiên Chúa, thế mà Ngài đã đi trọn con đường đau khổ mới có thể đạt tới Vương Quốc vinh quang, vĩnh hằng, chắc chắn chúng ta không thể đi bất cứ một con đường khác!

Lạy Thiên Chúa, xin giúp con biết Ngài và biết con, xin thêm sức mạnh cho con để can đảm thú nhận tội lỗi và xin tha thứ mọi tội lỗi của con đã xúc phạm đến Ngài và đến tha nhân. Cúi xin Vua Giêsu cai trị và hướng dẫn cuộc đời con đi đúng định hướng của Chúa Cha. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

 

TRÁI TIM ĐÁ
[Niệm ý Lc 21:12-19]

Trần gian bể khổ mênh mông
Thuyền đời cứ phải ngược dòng ngày đêm
Khổ thân xác, khổ tinh thần
Không nhiều thì ít, triền miên khổ hoài
Bám theo bước ngắn, bước dài
Quanh năm, suốt tháng, chẳng ngày nào không
Ở trong bầu phải cuộn tròn
Ở trong ống phải biết trườn dài ra [*]
Là người theo Chúa Ki-tô
Phải can đảm trước những gì khó khăn
Nếu không khổ luyện ngày đêm
Không qua thử thách, khó khôn thành người
Lại còn phải chịu thiệt thòi
Kẻ khinh, người ghét, kẻ cười, người chê
Chắc rằng theo Chúa Giê-su
Gian lao, nguy hiểm tư bề bủa vây
Những ai kiên vững đêm ngày
Mới mong mạng sống ngày mai an toàn

TRẦM THIÊN THU
Đêm 19-11-2019
[*] Tục ngữ Việt Nam – “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài.”

BA CHỮ B

BIẾT là nhận thức rõ ràng
Điều gì đặc biệt, bình thường điều chi
Rạch ròi đầu, cuối – vân vi
Nếu không biết rõ, biết gì mà buông?

BUÔNG là bỏ hết đời thường
Không hề dính líu vấn vương gian trần
Buông ra để được bình an
Lòng không còn nặng, hồn luôn nhẹ nhàng

BỎ là phải thật biết buông
Buông rồi khỏi vướng đời thường trần gian
Vướng nhiều thì nặng, thêm phiền
Biết buông bỏ để tâm hồn lên cao

Sống mà chẳng biết thương yêu
Chết rồi hoa, nến – cho nhau làm gì?
Chuyện đơn giản hóa nhiêu khê
Cái Tôi dẹp bỏ, khỏi lo chuyện đời

TRẦM THIÊN THU
Đêm 21-11-2019

TÂM SỰ LÁ VÀNG

Lá vàng rụng giữa đất trời
Nhớ người hấp hối trút hơi cuối cùng
Cuộc đời – một chuyến vô thường
Âm thầm khép lại giữa dòng thời gian
Nhánh lưu ly thảo tím buồn
Nhưng đầy hy vọng nhờ ơn Chúa Trời
Mọn hèn yếu đuối phận người
Biết bao lầm lỗi, rã rời tâm can
Muốn điều tốt lại chẳng làm
Giằng co hai nửa xác – hồn ngày đêm
Lá vàng héo úa muộn phiền
Cầu xin Thiên Chúa nhân hiền thứ tha
Cầu xin Đức Mẹ dẫn đưa
Cho hồn gặp Chúa Giêsu muôn đời

TRẦM THIÊN THU

NHẸ DẠ CẢ TIN
[Niệm ý Lc 21:5-11 ≈ Mt 24:1-13; Mc 13:1-13]

Đừng nhẹ dạ cả tin
Kẻo hối hận không kịp
Kẻ xấu luôn tìm dịp
Để bịp người kém tin

Kém tin vì yếu tim
Dễ tin nên nhảm nhí
Miệng thì bảo tin Chúa
Mà lòng động lòng lo

Chúa đã nói từ xưa
Kinh Thánh ghi chép rõ
Cứ chạy theo “sự lạ”
Rỉ tai nhau đủ điều

Như thế thật là liều
Tin người hơn tin Chúa
Miệng lâm râm kinh kệ
Mà nhẹ dạ cả tin

Cũng chỉ vì lòng tham
Tin người ta quảng cáo
Toàn những chuyện nói láo
Tin họ nên mắc lừa

Thế mà vẫn chẳng chừa
Bị rồi lại bị nữa
Cái Tôi và nhẹ dạ
Còn than khổ làm chi?

Phải tỉnh thức đợi chờ
Chúa Giêsu sẽ đến
Các tai họa ập đến
Vững tin thì chẳng lo

Tin vịt là để lừa
Nhan nhản các trang mạng
Thấy nhiều người hốt hoảng
Tin còn hơn Thánh Kinh

Chỉ những ai vững tin
Mới được Chúa cứu độ
Lo lắng và hoảng sợ
Làm rụng mất đức tin

TRẦM THIÊN THU

VUA CỨU THẾ
[Niệm ý Lc 23:35-43]

Chúa Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa
Đấng là Vua cả trời đất bao la
Vua thương xót muốn cứu vớt người ta
Chẳng trừ ai, nhất là người tội lỗi

Người tội lỗi nếu thành tâm sám hối
Ngài thứ tha và quên hết tội xưa
Dù tội nhiều, Ngài cũng vẫn bỏ qua
Tội cố chấp mới là tội lớn nhất

Dù người ta mỉa mai và thách thức
Chúa Giêsu vẫn lặng lẽ, không lời
Mặc cho ai chế giễu hoặc nhạo cười
Chịu đau đớn, chấp nhận cả cái chết

Có một người suốt đời chỉ làm ác
Cả một đời chỉ cầu nguyện một lần
Vua Giêsu thương xót, thứ tha liền
Và cho vào Thiên Đàng ngay hôm đó

Đồi Can-vê hoang lạnh và lộng gió
Chúa Giêsu thất thế hoàn toàn
Có bao kẻ phải đấm ngực ăn năn
Và công nhận Ngài là Con Thiên Chúa [*]

Vua Giêsu chính là Đấng Cứu Độ
Ai tin nhận sẽ được sống đời đời
Mai sẽ khóc nếu nay hả hê cười
Mai sẽ cười nếu nay ngậm ngùi khóc

TRẦM THIÊN THU

[*] Mt 27:54 – “Quả thật ông này là Con Thiên Chúa.” (lời viên đại đội trưởng – Mc 15:39; Lc 23:47)

 

VUA CHÂN LÝ


Đức Giêsu Kitô

Là Ngôi Hai Thiên Chúa

Là Đức Vua Chân Lý

Cai trị hết mọi loài


Ngài là Đấng Thiên Sai

Đến nhân danh Thiên Chúa

Để bảo vệ công lý

Đập tan mọi bất công


Ngài là Vua Xót Thương

Tìm những gì thất lạc

Cứu những gì bị mất

Thoát khỏi ách quỷ ma


Đức Kitô là Vua

Dịu hiền và nhân hậu

Là Thiên Chúa hằng hữu

Nguồn sống của mọi loài


Xin chúc tụng Danh Ngài

Và suốt đời cảm tạ

Kính lạy Chúa các chúa

Vạn tuế Vua các vua


TRẦM THIÊN THU

[*] Lc 19:10 – “Con Người đến để TÌM và CỨU những gì đã mất.”

 

 

VUA GIÊSU là THIÊN CHÚA

Khi vừa nghe Danh Thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: “Đức Giêsu Kitô là Chúa” (Pl 2:5–11).
Ở tuổi 86, ĐGM Polycarp của GP Smyrna, thế kỷ II, là môn đệ của Thánh Gioan Tông đồ, đã bị đưa ra trước chính quyền La Mã và buộc phải gọi hoàng đế Xê-da (Caesar) là chúa. Làm vậy sẽ được sống, nhưng ĐGM Polycarp đã từ chối và bị giết chết, điều này gợi hứng cho những người khác kiên trì giữ vững đức tin.
Ngoài chuyện của ĐGM Polycarp, không là điều khác thường để gọi hoàng đế Xê-da là Kurios, tiếng Hy Lạp có nghĩa là “chúa”. Theo nguyên ngữ, Kurios có thể có nghĩa là “ngài” theo cách nói lịch sự khi nói đến người khác. Cũng có thể có nghĩa là “chủ” của các nô lệ hoặc các tôi tớ.
Tuy nhiên, không có nghĩa này khi La Mã dùng danh xưng Kurios đối với hoàng đế. Thay vì thế, Kurios biểu hiện tính thần thánh khi dùng để nói về hoàng đế Xê-da. Là Kitô hữu, ĐGM Polycarp không thể gọi hoàng đế Xê-da là chúa mà không vi phạm giáo lý cơ bản nhất của đức tin: “Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ. Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta” (Xh 20:2-3).
Thi thoảng, Tân ước có thể mang ý nghĩa ít ca tụng trong danh từ Kurios khi tôn xưng Đức Giêsu là Chúa, nhưng danh xưng này chắc chắn nói về Ngài với ý nghĩa cao nhất. Như chúng ta biết, bản Cựu ước bằng cổ ngữ Hy Lạp được gọi là Bản Bảy Mươi (Septuagint) dịch danh từ tiếng Do Thái là Yahweh (Gia-vê) và Adonai đều là Kurios. Gia-vê được mặc khải là Thánh Danh Chúa trong tiếng Do Thái và Adonai là một trong các danh xưng của Ngài; như vậy, “Kurios” hoặc “Chúa” là danh xưng cao trọng nhất dành cho Thiên Chúa trong Bản Bảy Mươi, được trích dẫn trong suốt Tân ước.
Khi Kurios được dùng theo nghĩa này, nó có nghĩa là “Đấng Tối Cao”. Đó là danh xưng uy nghi, chuyển tải sự cao cả và quyền năng của Thiên Chúa, là bằng chứng kiệt xuất về tính thánh của Chúa Giêsu khi được dùng để nói về Ngài. Trong chương 2, thư gởi giáo đoàn Philípphê, Thánh Phaolô bàn về sự khiêm nhường và sự tán dương Con Thiên Chúa, gọi Đức Giêsu là “Chúa” với ý nghĩa tối cao. “Chúa” là Tôn Danh vượt trên mọi danh hiệu đã được dùng cho Đấng Cứu Độ khi Chúa Cha tôn vinh Ngài (x. Pl 2:9-11).
Dĩ nhiên, Thánh Phaolô không nói Con Thiên Chúa không xứng với danh hiệu này trước khi Ngài hóa thành nhục thể vì chúng ta. Không, Thánh Phaolô đang đề cao đức tuân phục hoàn toàn của Chúa Con, theo sau là cái chết của Ngài vì tội lỗi chúng ta và sự phục sinh của Ngài, cho thấy rõ rằng Đức Giêsu thực sự xứng đáng là Chúa muôn loài.
Các Kitô hữu như ĐGM Polycarp chịu tử đạo vì họ không chịu gọi hoàng đế Xê-da là chúa. Họ biết rằng chỉ có Đức Giêsu là Chúa và không ai hơn Ngài. Các Kitô hữu này biết rằng Tân ước không chỉ lịch sự khi gọi Đức Giêsu là “Chúa”, mà còn dạy rằng Đức Giêsu là Thiên Chúa toàn năng. Các thần tượng về tình dục, tiền bạc, quyền lực, uy thế,… có thể là các vua chúa nếu chúng ta không cẩn trọng. Vì thế, chúng ta hãy luôn tuyên xưng: “Chỉ có Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa”.
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ igonier.org)

 

VINH DỰ

Quốc vương có lễ đăng quang
Kể cả Giáo hoàng cũng được vinh danh
Những người công toại, danh thành
Đời và đạo cũng tôn vinh nhau kìa
Gọi là bái tổ vinh quy
Câu khen, lời chúc, đầy nhà tiệc vui
Một Vua duy nhất mà thôi
Không ai ủng hộ, ngậm ngùi mình ên
Thật thà, thẳng thắn, thành tâm
Te tua, tơi tả, tan thân, tiêu điều
Đó là Con Chúa dấu yêu
Là Vua vũ trụ, tối cao, uy hùng
Ngài không vinh dự đời thường
Nhưng vinh quang cõi Thiên Đường mà thôi
Một bài học quá tuyệt vời
Dạy con phục vụ, yêu người, quên thân
Vua Giêsu, Đấng chí nhân
Xin cho con được làm dân của Ngài
Cả hôm nay lẫn ngày mai
Cho con được ở nơi Ngài làm Vua
Kurios – Đức Kitô (*)
Là Con Thiên Chúa, là Vua muôn loài

TRẦM THIÊN THU
Lễ Chúa Kitô Vua, 20-11-2016

(*) “Kurios” hoặc “Chúa” là danh xưng cao trọng nhất dành cho Thiên Chúa trong Bản Bảy Mươi, được trích dẫn trong suốt Tân ước.

 

CHỮ T ĐỊNH MỆNH
Về cuộc sống đời thường, những điều bí ẩn không thể giải thích được phàm nhân gọi là định mệnh, nhưng đối với Thiên Chúa thì đó là sự tiền định và quan phòng của Thiên Chúa.
Mỗi người có một “định mệnh” khác nhau. Chúa Giêsu là Thiên-Chúa-Con-Người, với hai bản tính: thần tính và nhân tính. Về nhân tính, Ngài cũng có định mệnh như chúng ta.
Ngôi Hai Thiên Chúa là Đức Giêsu Kitô, Ngài quá quen thuộc với người Công giáo (nói riêng) và các Kitô hữu (nói chung), thậm chí cả người ngoại cũng chẳng xa lạ gì. Theo Việt ngữ, cuộc đời Ngài được gắn liền với mẫu tự T như một định mệnh an bài vậy. Đó là nói theo duy tâm, còn nói theo Công giáo thì là Thánh Ý Chúa.
Ngài là Con Thiên Chúa, nếu viết theo ngôn ngữ Hán Việt thì toàn là những chữ bắt đầu bằng mẫu tự T: THÁNH TỬ hoặc THIÊN TỬ.
Mới sinh ra mà “số kiếp” Ngài đã phải lận đận. Cha mẹ Ngài nghèo rớt mồng tơi, phải đi bằng lừa, nhưng lừa chỉ chở được Bác Maria, còn Bác Giuse đành phải lội bộ rã cẳng mà dắt lừa. Cực hết sức. Cắn răng chịu đựng chứ biết sao! Số kiếp đã đen thì đi tới đâu cũng đen, đen hơn mõm chó.
Ái chà! Hai Bác nhà ta cứ thui thủi đi trong đêm đen giá lạnh như cắt da để về quê lo tròn bổn phận công dân theo quốc lệnh của chính phủ: Điều tra dân số. Dọc đường, phần thì mệt, phần thì khuya, hai Bác xin trọ đêm mà chẳng ma nào thèm cho, ngay lúc dở khóc dở cười thì “nhóc tì” Giêsu đòi ra đời. Bó tay!
Ai lại để Bà xã sinh giữa đồng không mông quạnh thế! Bác Giuse bảo Bà xã ráng chịu đựng và thúc lừa rảo bước đến cái hang của mấy cháu mục đồng cho súc vật trú đêm. Rồi cũng xong. Mọi chuyện êm xuôi. Bé Giêsu kháu khỉnh và đẹp trai ghê đi. Nhìn Con ngoan mà hai Bác cũng thấy an tâm. Quấn khăn ấm cho Con đâu vào đấy xong, hai Bác quỳ xuống tạ ơn Chúa. Ở đấy có hôi mùi phân thú một chút nhưng cũng tốt hơn ở ngoài trời, sương tuyết bay tá lả thế kia thì tội nghiệp Con Trẻ lắm!
Như vậy, rõ ràng Chúa Giêsu ra đời trong hoàn cảnh TÚNG THIẾU. Trình trạng khó khăn và chật vật như thế còn gọi là THIẾU THỐN, mà thiếu trước hụt sau thì thật là TE TUATƠI TẢ. Trong cuộc sống đời thường, người ta cho cuộc đời đó coi như là TIÊU TÙNG – nói theo kiểu “thời tiết” thì là TOI (như “gà toi” vậy).
Tuy là Con nhà nghèo nhưng Cậu Giêsu luôn sống THẬT THÀ, chuyện gì cũng THẲNG THẮN. Sự thường thì những người sống cương trực như vậy thì hẳn là THUA THIỆT, thậm chí người ta còn ghét hết cỡ thợ mộc, bị người ta xa tránh như chạy trốn bệnh dịch vậy.
Bằng chứng minh nhiên là khi Chàng thanh niên Giêsu bắt đầu sứ vụ công khai, người ta tìm đủ cách bắt bí hoặc gài bẫy. Thế nhưng Ngài vẫn TIẾP TỤC giữ vững lập trường. Đâu phải cứ đại đa số là đúng, còn thiểu số là sai? Ngài cứ là chính mình, chẳng ngán ai. Ai làm sai hoặc nói sai là Ngài phang liền. Nói theo ngôn ngữ bình dân pha chút khôi hài thì là “trẻ không tha, già không thương, ai ương ương, Ngài trị tuốt”, còn theo ngôn ngữ miền Bắc là “tất tần tật” hoặc “tuốt tuồn tuột” (cũng toàn là chữ T không đấy nhá!).
Và rồi đến Giờ của Chúa Giêsu, nhưng trước khi bị bắt, Ngài đã thiết lập Bí tích THÁNH THỂ làm Thần Lương nuôi dưỡng nhân loại suốt cuộc lữ hành trần gian. Đêm hôm đó, bản tính nhân loại cũng khiến Ngài cảm thấy TÊ TÁI lòng trong Vườn Cây Dầu (ngoại ngữ gọi là Ghết-si-ma-ni): “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26:39). Thế nhưng Ngài cương quyết TUÂN THỦ (vâng lời) mệnh lệnh của Chúa Cha, trước sau như một.
Chắc hẳn ai nhìn thấy Ngài gục đầu THAN THỞ với Cha với giọng THÊ THẢM như thế thì cũng phải nẫu cả ruột gan, cầm lòng không nổi và có thể bật khóc. Chúng ta “vô phúc” nên không được sống cùng thời với Ngài để được nghe Ngài nói, nhìn Ngài hành động, thấy Ngài ứng xử, và chứng kiến giây phút Ngài “good bye” (gút-bai) chúng ta.
Người Việt có câu: “Con gà tức nhau tiếng gáy”. Chữ “tức” ở đây là “ghen ăn, tức ở”, chứ không chỉ là “bực tức”. Đời là thế: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi” (Mc 6:4). Ngài nói quá THẬT THÀ nên chúng ta cảm thấy THẤM THÍA. Chỉ vì bị ghen ghét mà cuộc đời Ngài thật là TANG THƯƠNG. Ngài bị bắt và bị hành hạ quá nhiều nên THÂN THỂ Ngài quá đỗi TIỀU TỤY, trông không còn ra dáng người, nghĩa là rất TÀN TẠ.
Thế mà Ngài vẫn phải tự vác “giường” của mình, rồi té lên té xuống như đứa trẻ chập chững bước đi theo kiểu “TUNG TĂNG”. Thở còn ra hơi kia mà! Thế mà người ta còn tàn nhẫn đè Ngài ra mà đóng đinh chân tay Ngài vào THẬP TỰ. Đau cả thể xác lẫn tinh thần, thậm chí mấy thằng đệ tử ruột cũng biến biệt tăm tích. Như vậy, ĐAU chưa nhằm nhò gì đâu, mà phải nói là NHỤC. Còn gì nhục hơn khi chính người tín cẩn nhất của mình lại đành lòng bỏ rơi mình?
Nhưng dù cho có thế nào thì Ngài vẫn luôn TỪ TÂM, trọn TRÁI TIM Ngài (THÁNH TÂM) tuyệt đối THÁNH THIỆN, Ngài một niềm THÀNH TÂMTRUNG TÍN, trước sau như một, không hề lay chuyển hoặc thay đổi. Có một số người yêu quý Ngài nhưng họ lại nhát đảm, sợ liên lụy, điển hình nhất là các tông đồ. Ca dao Việt Nam có câu: “Khi vui chẳng nhớ tới ai, khi nóng thì cứ trái tai mà sờ”. Cách nói của tền nhân đơn giản mà rất chí lý! Nói thì ngon mà làm chẳng ra gì. Một trong số người đó là ông Phêrô – người được Sư Phụ Giêsu yêu quý nhất và là vị Giáo hoàng tiên khởi. Nhưng khi thấy Phêrô chân thành sám hối, Chúa Giêsu sẵn sàng THA THỨ ngay, không so đo, không tính toán.
Không được ai ưa, không được ai ủng hộ, thậm chí còn bị ghét hơn tên tội phạm khét tiếng Baraba, thế nên với bản tính nhân loại, Chúa Giêsu cũng cảm thấy cô độc đến tột cùng, và Ngài đã phải thốt lên: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27:46; Mc 15:34). Một ông vua không ngai và hầu như bất lực, thế mà vẫn có thần dân kêu xin: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” (Lc 23:42). Kẻ phải lên tiếng đó là Dismas. Gã đã phải chân nhận Đức Giêsu Kitô là Vua và phải cầu cứu Ngài, dù gã là kẻ đầu trộm, đuôi cướp, chưa bao giờ biết nể mặt bất cứ ai. Như vậy, rõ ràng là Vua Giêsu không phải như người ta lầm tưởng. Và vì thế, chắc chắn chúng ta phải mau mắn chân thành nài xin Ngài làm Vua cai trị lòng của chúng ta và cả cuộc đời của chúng ta.
Tận cùng bảng số của cuộc đời Đức Kitô là TẮT THỞTỪ TRẦN. Quả thật là “tê tái” quá!
Vậy đó. Đức Giêsu là Vua nhưng không hề có ngai. Các vua chúa trần gian có đủ thứ “long” – long thể, long bào, long sàng,… Còn Vua Giêsu chỉ có một loại “long”: Long Đong. Vì thế Vua Nghèo Giêsu không được ai tiền hô hậu ủng, không được ai mời ngồi chỗ trên và để ăn chỗ trước, thậm chí còn bị nguyền rủa là “ngược đời”, “lố bịch” hoặc “chảnh” (theo ngôn ngữ “hiện đại” ngày nay).
Ngày nay, người ta gọi dạng “ngược đời” của Chúa Giêsu là “ngu như bò”. Hay đấy! Bò có ngu cũng còn tiếng rống. Chúa Giêsu không còn sức để nói chứ đừng nói rống. Một trong các “đệ tử ruột” (hậu sinh) của Chúa Giêsu là Thánh tiến sĩ Thomas Aquinas cũng đã bị các giáo sư danh tiếng chửi là “con bò câm”, nhưng rồi chính “con bò câm” Thomas đó đã rống tiếng vang cả thế giới. Ngay cả Giáo hội cũng đã từng cấm bộ sách Tổng luận Thần học của ngài, nhưng rồi lại tuyên bố: “Ai không theo Thánh Thomas là rối đạo”. Cả đời và đạo đều cần học bộ Tổng luận Thần học này, nhất là những ai muốn làm linh mục đều phải học giáo thuyết và lý luận của “con bò câm” Thomas. Lạ nhỉ?
Dù người đời chê trách, nhưng Chúa Giêsu vẫn là Vua Đời Đời (chứ không chỉ muôn đời), là Vua TÌNH THƯƠNG. Cách nghĩ, cách nói, cách hiểu, cách làm, cách học, cách thử, cách chơi, cách đùa, cách xạo, … Rất nhiều cách, nhưng đừng bao giờ “cách ly”, “cách xa” (xa cách), “cách ngăn” (ngăn cách), “cách phân” (phân cách), hoặc “cách biệt”!
Thập Giá có hình chữ T. Đó là định mệnh đối với Chúa Giêsu, và cũng là định mệnh của các Kitô hữu: “Ai không vác thập giá mình mà theo Tôi thì không xứng với Tôi, không thể làm môn đệ Tôi được” (Mt 10:38; Lc 14:47).
Lạy Thiên Vương Giêsu Kitô, Hoàng Đế Vũ Trụ, Vua Lòng Thương Xót, xin cho chúng con mãi mãi được là thần dân của Ngài, luôn vui nhận định mệnh mà Chúa Cha đã an bài. Amen.
TRẦM THIÊN THU

 

ĐÊM ĐỢI CHỜ
(Niệm khúc Mt 25:1-13)

Người khôn biết mở mắt nhìn
Kẻ khờ dại bước trong miền tối tăm (1)
Phiền nhiều bởi lắm khôn ngoan
Biết nhiều, hiểu rộng, càng thêm khổ sầu (2)
Đường đời một chuyến bể dâu
Khổ nhiều, sướng ít, sớm chiều tân toan
Nên luôn cần đức khôn ngoan
Phải luôn tỉnh thức kẻo oan trái đời!
Dụ ngôn trinh nữ mười người
Năm cô chuẩn bị rạch ròi phòng thân
Liệu lo dự trữ dầu cần
Sao cho đốt đủ một đêm đợi chờ
Năm cô khác chỉ mộng mơ
Sống trong ảo tưởng, chẳng lo sợ gì
Vui chơi cho thỏa đam mê
Hưởng cho hết những thứ mà ta mong
Cuối cùng, xôi hỏng, bỏng không
Giờ G chợt điểm, chạy vòng đường mô?
Cửa Trời vừa khép lại kìa
Chẳng kịp chạy về, đành ở ngoài thôi!
Trăm năm một khoảng cuộc đời
Ai khôn ngoan sẽ cười tươi vui mừng
Ai khờ dại ắt khổ thôi
Khốn nạn đời đời, bất biến còn đâu!
Lạy Thiên Chúa, Đấng thương yêu
Giúp con tỉnh thức sớm chiều tới khuya
Để khi Chúa đến bất ngờ
Con vẫn sẵn chờ vâng Ý Chúa ngay!

TRẦM THIÊN THU
(1) Gv 2:14. (2) Gv 1:18.

 

TẬN THẾ
(Niệm khúc Mc 13:24-32)

Có khởi nguyên, rồi sẽ có tận thế
Đó là điều tất yếu, chẳng lạ chi
Đời có lúc mừng vui, lúc sầu bi
Nhưng con người khó thoát khỏi nỗi sợ
Những ngày đó, chính thời điểm tận thế
Mặt trời kia sẽ trở nên tối tăm
Và ánh sáng mặt trăng không tỏa lan
Các ngôi sao từ trên trời sa xuống
Cả đất trời đều lay chuyển, rung động
Và Con Người ngự đến đầy quyền năng
Ngài đến trên đám mây đầy vinh quang
Ngài xét xử nhân loại lần sau hết
Nhìn cây vả xanh tươi đầy lộc biếc
Là dấu hiệu mùa hè đang đến gần
Những khốn khó, tai ương khắp thế gian
Cho biết rằng Chúa đang đứng ngoài cửa
Nhưng đừng lo, và cũng đừng hoảng sợ!
Mặc dù rằng đất trời có qua mau
Nhưng Lời Chúa sẽ chẳng hề qua đâu
Đừng nhẹ dạ, chớ tin lời đồn nhảm!
Chắc chắn rằng Ngày Tận Thế sẽ đến
Nhưng chẳng ai biết rõ thời khắc nào
Cứ vững tâm, đừng dại dột xuyến xao
Ngày giờ đó chỉ có Chúa Cha biết

Trầm Thiên Thu

 

VÒNG SINH TỬ

Mới sinh ra đã khóc òa
Đời vui sao chẳng cười khì, người ơi?
Đến khi chết, lệ tuôn rơi
Thoát khổ cuộc đời, sao khóc làm chi?
Vòng sinh tử, chuyện vân vi
Con người bé nhỏ bước đi, bước về
Noi gương sáng Đức Kitô
Dẫu thua mà thắng, chết mà phục sinh

TRẦM THIÊN THU

 

VÒNG YÊU

Bàn tay nắm lấy bàn tay
Một vòng thế giới từng ngày giúp nhau
Cùng đưa nhân loại lên cao
Lên Đỉnh-Hạnh-Phúc, khổ đau không còn

Con tim nối kết con tim
Chung lòng nhân ái giữa miền yêu thương
An bình cuộc sống bình thường
Đẹp những con đường no ấm, tự do

Vòng yêu dang rộng gần xa
Kết đoàn nhân loại hoan ca tình người
Tình yêu Thiên Chúa lên ngôi
Con người vui sống kiếp người an nhiên

TRẦM THIÊN THU
Chiều 14-11-2016

 

LỜI CẦU
[thi hóa Thánh Vịnh 129 (130)]

Từ vực thẳm, con kêu cầu lên Chúa
Muôn lạy Ngài, thương nghe tiếng con xin
Dám xin Ngài lắng tai suốt ngày đêm
Nghe lời con thiết tha sám hối

Ôi lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội
Nào có ai đcó thể ứng vững chăng?
Nhưng Tình Chúa vẫn tha thứ rộng lòng
Để chúng con biết kính sợ Ngài mãi

Mong đợi Chúa, con hết lòng mong đợi
Luôn cậy trông ở lời Ngài hứa ban
Linh hồn con trông chờ Chúa từ nhân
Hơn lính canh mong đợi hừng đông đến

Trông cậy Chúa, bởi con quá hèn mọn
Tin tưởng Ngài luôn từ ái một niềm
Ơn cứu chuộc nơi Ngài mãi chứa chan
Ngài cứu chuộc thoát khỏi mọi tội lỗi

TRẦM THIÊN THU
Đêm Cầu Hồn – 2016

 

November 21, 2019