Suy Niệm mùa Giáng Sinh, năm C-2021
by Trầm Thiên Thu
ĐÊM THÁNH
“Một chút hương thơm luôn còn phảng phất ở bàn tay người tặng hoa hồng” (Ngạn ngữ Trung quốc).
Đôi khi điều kỳ diệu và phép lạ Giáng Sinh đến với chúng ta rất bất ngờ. Nhiều năm trước, khi chồng tôi là Larry và tôi mới kết hôn, chúng tôi dành hai năm đi Á châu. Chúng tôi rời xa gia đình, bạn bè và công việc để làm từ thiện ở Hong Kong.
Hai tháng sau khi chúng tôi chuyển đến căn nhà mới vào mùa Giáng Sinh. Nhưng ở Hong Kong không có màn che cửa sổ hoặc tuần lộc kéo xe trên tuyết. Tôi chưa bao giờ đón mừng lễ Giáng Sinh xa nhà thế này, tôi thấy rất nhớ nhà và cách mừng lễ truyền thống với bạn bè vào đêm vọng Giáng Sinh, hát nhạc Giáng Sinh bên đàn dương cầm, nhiều người đi lại, và cây Giáng Sinh lớn treo đầy quà.
Chúng tôi sống tại một căn hộ nhỏ trên tầng ba. Chúng tôi cố gắng trang trí phòng. Cây Giáng Sinh của chúng tôi nhìn rất tệ mà chúng tôi được thừa kế: bằng plastic màu xanh lá, cao chưa đầy 1m với các món quà nhỏ màu trắng được gắn keo dính trên cành. Chúng tôi không có 2 xu mà cọ xát vào nhau để có điều gì đó tốt hơn, cho nên chúng tôi treo những dây bắp nổ và xoắn chúng lại với nhau. Dưới cây có vài món quà nhỏ.
Khi lễ Giáng Sinh đến gần, tôi cảm thấy sẵn sàng với tư tưởng này về việc làm từ thiện. Chúng tôi đã dành hai năm để làm thay đổi thế giới nhưng không gì hiệu quả.
Rồi một gia đình người Anh mời chúng tôi đến nhà họ, tôi nghĩ chúng tôi đã có phần chung góp. Nhưng niềm phấn khởi của chúng tôi mau biến mất khi Larry đề nghị chúng tôi từ chối lời mời. Anh nói: “Chúng ta gặp rất nhiều người ở đây không có nơi mừng lễ Giáng Sinh. Tôi nghĩ chúng ta cần nấu gà tây và mở rộng cửa tiếp đón những ai muốn đến”. Chúng tôi đồng ý và mời tất cả những người bạn mới: "Chúng tôi đang nấu gà tây. Nếu bạn cần một nơi để mừng lễ Giáng Sinh, hãy đến với chúng tôi".
Dĩ nhiên, bây giờ chúng tôi biết rõ các quy luật giải trí lễ Giáng Sinh. Nếu bạn có khách đến nhà, cây Giáng Sinh nên được trang trí đẹp, bàn nên cắm nến và dùng đồ sứ, nên có ánh lửa bập bùng trong lò sưởi và có vòng hoa lớn trước cửa. Nhưng lúc đó, chúng tôi chẳng biết gì hơn. Chúng tôi không biết rằng các đĩa bằng giấy là chưa đủ, một cây Giáng Sinh bằng plastic không đủ tạo sự chú ý, và phòng khách nhỏ không đủ chỗ cho nhiều khách đến nhà chơi.
Trong những ngày trước lễ Giáng Sinh, số khách tăng dần. Ngay buổi sáng lễ Giáng Sinh, chuông điện thoại reo vài lần – những người mới, những người chúng tôi đã gặp ngang đường – "Tôi nghe nói hôm nay bạn đang ăn bữa tối lễ Giáng Sinh. Còn chỗ cho vài người nữa không?".
Khi họ đến, họ tự giới thiệu với chúng tôi và với nhau, sắp đồ ăn đầy ra đĩa của mình và tìm chỗ ngồi trên nền nhà. Căn phòng ồn ào khi 20 người chia sẻ các câu chuyện của họ – một vài người đi khắp châu Á, một vài người là tình nguyện viên ở Trung Quốc hoặc Hong Kong, một vài người sống một mình và không có người để tâm sự.
Khi bữa ăn kết thúc, chúng tôi ngồi ở phòng khách cùng trò chuyện. Trong một khoảng im lặng, ai đó bắt đầu hát: "Đêm thánh vô cùng, giây phút tưng bừng, đất với trời, xe chữ đồng...". Và mọi người cùng hòa chung tiếng hát. Bài hát kết thúc, tất cả đều im lặng. Và rồi có ai đó lại bắt đầu cất tiếng hát: "Đêm thanh nghe tiếng hát của thiên thần chung nhau đàn ca thánh thót hỉ hoan...".
Và kìa như có Đức Mẹ Maria, Đức Thánh Giuse và Hài Nhi Giêsu, tất cả chúng tôi cùng đứng dậy. Cũng như họ, chúng tôi là những người tứ cố vô thân từ xa trở về nhà mình. Mọi người được yêu cầu làm điều gì đó quan trọng để thay đổi thế giới. Chúng tôi cùng cố gắng góp phần nhỏ của mình để làm thay đổi thế giới. Trong phòng khách bé nhỏ trên lầu ba ở một thành phố tại Hong Kong, chúng tôi có một lễ Giáng Sinh mà không ai có thể dự đoán trước. Đơn giản đó là món quá đối với chúng tôi. Mọi người quây quần xung quanh một cây Giáng Sinh nhỏ, đó là một Đêm Thánh.
TRẦM THIÊN THU
(Chuyển ngữ từ Chicken Soup for the Soul: Christmas Magic)
Giáng Sinh và Thập Giá
Bạn có biết Mùa Vọng là thời gian người Công giáo được mời gọi suy tư về Ngày Tận Thế và ngày Chúa Giêsu đến thế gian lần thứ hai?
Có thể bạn đã nghe điều đó trong bài thánh ca truyền thống Công giáo “O Come, O Come, Emmanuel” (Lạy Đấng Emmanuel, Xin Ngự Đến). Chúng ta như dân Israel mong chờ Đấng Mê-si-a, được hứa qua ông Mô-sê rằng Đấng ấy sẽ giải phóng dân Israel. Nhiều thế hệ đã trông đợi Chúa Giêsu, Con Vua Đa-vít, “Người gánh vác quyền bính trên vai, danh hiệu của Người là Cố Vấn kỳ diệu, Thần Linh dũng mãnh, người Cha muôn thuở, Thủ Lãnh hoà bình” (Is 9:5).
Tại sao chúng ta mong đợi? Vì khi Chúa Giêsu đến lần thứ hai, “Ngài sẽ lau sạch nước mắt chúng ta, sẽ không còn sự chết, cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất” (Kh 21:4).
Cho tới ngày đó đến, chúng ta là những khách lữ hành của Thiên Chúa, lang thang trong sa mạc của “thung lũng nước mắt” này, được sống nhờ manna siêu nhiên là Thánh Thể và ân sủng qua các bí tích. Chúng ta làm cuộc xuất hành từ tội lỗi, qua sự chết, để vào Đất Hứa của sự sống vĩnh hằng – nếu chúng ta tin vào giao ước của Thiên Chúa và tín thác vào Lòng Chúa Thương Xót.
Niềm hy vọng của chúng ta là hoa trái của lễ Giáng Sinh. Đức Maria “trao” máu thịt cho Lòng Chúa Thương Xót, hình thành “hình ảnh” đầu tiên của Lòng Chúa Thương Xót, chia sẻ DNA với Thiên Chúa, với gia đình và nhân loại. Đức Mẹ đã nhận lấy Chúa Giêsu, Đấng là “Bánh từ Trời” (x. Ga 6:32, 35, 51), và đặt Ngài vào máng cỏ, cũng có thể hiểu đó là “Nhà của Bánh”.
Lễ Giáng Sinh được đánh dấu bằng Bữa Tiệc Ly và Thập Giá, vì chính Thiên Chúa bị nhân loại khước từ và bị treo trên Thập Giá cũng chính là Đấng không có nơi trú ngụ khi sinh ra, cùng với Đức Mẹ Maria và Đức Thánh Giuse, hai vị thánh vĩ đại nhất của Giáo hội.
Các đạo sĩ (quen gọi là ba vua) đem các báu vật đến kính dâng Con Thiên Chúa, đó cũng là những thứ được dùng khi người ta mai táng Chúa Giêsu. Tới một ngày nào đó, Chúa Giêsu sẽ hoàn tất công cuộc cứu độ nhân loại, nhưng Hê-rô-đê đã phẫn nộ mà giận cá chém thớt, đã sát hại bao trẻ vô tội tại Belem sau lễ Giáng Sinh đầu tiên.
Đối với các Kitô hữu, lễ Giáng Sinh là là niềm hy vọng và niềm vui khôn tả, dù chúng ta vẫn chịu đau khổ và vác thập giá hằng ngày: “Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi” (Mt 4:16). Chúng ta được mời gọi hoán cải và mong chờ Ngày Tận Thế qua các bài đọc trong các Thánh Lễ của Mùa Vọng và lễ Giáng Sinh, đồng thời chúng ta vẫn nghe linh mục đọc lời truyền phép: “Trong đêm bị nộp, Người cầm lấy bánh..., Người cầm lấy chén...”.
Các thiên thần xướng ca, các mục đồng canh thức, Chúa đến, sự sống nảy mầm từ cung lòng Trinh Nữ, sự chiến thắng siêu nhiên đối với tử thần liên kết với sự sinh sản, triệt tiêu sự chết, và Hê-rô-đê sát hại các trẻ nhỏ.
Chúng ta hãy vui mừng lên, vì Đức Kitô xuất hiện, và Ngài sẽ lại đến, nhưng trong dịp Giáng Sinh này, chúng ta đừng quên những người đau khổ trong bóng tối và giá lạnh. Chúng ta hãy đem ánh sáng của Đức Kitô đến cho những người còn ngồi trong bóng tối, những người chưa bao giờ được thấy ánh sáng kỳ diệu. Chúng ta hãy trở nên tình yêu của Đức Kitô, hãy cầu nguyện cho những người bị bách hại, hãy thể hiện lòng thương xót đối với thế giới, đặc biệt là những người đau khổ, và hãy chia sẻ cho nhau niềm hy vọng vào Thiên Chúa.
TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ Marian.com)
VI HÀNH
Ông Vua nào thương dân và thương nước
Mới giả dạng thường dân để vi hành
Đi mới biết mọi nỗi khổ dân mình
Nghe báo cáo làm sao mà đúng thật
Có mấy Quan không hối lộ, mua chuộc
Với bề trên thì khúm núm, lạy quỳ
Với bề dưới thì hống hách, lăm le
Muốn yên thân, dân đành lòng đút lót
Ngày xưa vậy, ngày nay đâu có khác
Các Vua Quan nay “khôn khéo” hơn nhiều
Các thủ đoạn và mánh khóe “cao siêu”
Họ được che bằng siêu dù, siêu lọng
Dân có biết cũng cắn răng, câm họng
Dám ho he là bị “sờ gáy” ngay
Trời thì cao, đất thì dày, “bó tay”!
Ý dân đúng cũng sai tuốt tuồn tuột
Dân đã khổ lại càng thêm cơ cực
Cổ thì ngắn, miệng thì nhỏ, kêu ai?
Kêu chẳng thấu, đời dân đen khổ hoài
Cho đến chết mà vẫn chưa hết khổ!
Đời đã vậy, đạo cũng chẳng hơn thế
Người có chức, kẻ có tiền vẫn hơn
Đi đến đâu cũng đều được suy tôn
Dân nghèo chết chẳng ai thèm để ý
Đức Giêsu dị biệt mà chí lý
Ngài chăm lo cho đám dân tội tình
Không ngại khó mà đích thân vi hành
Rảo bước đi vào hang cùng ngõ hẻm
Nói và làm, cả hai đều trọn vẹn
Tha tội nhân, cứu vớt kẻ khốn cùng
Kẻ xấu nhất vẫn được Ngài ngồi chung
Không một ai bị Ngài từ chối giúp
Giêsu ơi! Xin Ngài mau đến gấp
Đòi công lý cho bao kẻ mọn hèn
Vì nghèo khổ mà họ bị lãng quên
Bị áp bức, bị chà đạp nhân phẩm
Đời phe cánh, sao đạo cũng phe cánh?
Lạy Ngôi Hai, xin mau đến minh oan
Đừng để cho “kẻ cả” mãi lộng hành
Xin lắng nghe, lạy Chúa Trời thương xót!
TRẦM THIÊN THU
Dấu Ấn Giáng Sinh
Tôi không thể không nghĩ tới cha tôi khi tôi trang hoàng cây giáng sinh. Cha tôi luôn có phương pháp để làm mọi việc.
Có những điều cha tôi làm tốt – chẳng hạn là ca hát, và có những điều ba tôi không làm được – chẳng hạn là vẽ. Những gì về nghệ thuật hình như làm cho cha tôi rối trí nên ba tôi lặng im.
Cha tôi và bốn anh tôi đều là người thực tế và ít nói. Mẹ tôi và mấy chị tôi có thể huyên thuyên hằng giờ về “những điều chưa biết”, nhưng cha tôi và mấy anh tôi ít khi nói chuyện với nhau và người khác.
Không phải nam tính làm họ ít nói đâu. Bà nội tôi chẳng gì bao giờ. Có lần vào bữa tiệc sinh nhật của chị tôi, nến đổ làm cháy khăn bàn, bà nội lặng lẽ đứng phắt dậy và lấy cuốn sách dập lửa. Bánh sinh nhật nát bét, rồi mẹ và mấy chị tôi bật khóc vì hoảng sợ. Bà nội thản nhiên nói: “Lửa thôi mà”. Rồi bà lại im lặng. Rất thực tế!
Cha tôi là người lịch thiệp nhất, luôn cương quyết và nghiêm nghị, nhưng vẫn vui vẻ và chan hòa tình cảm. Cha tôi luôn coi trọng phương pháp làm việc. Cha tôi dạy tôi làm nhiều thứ, chỉ cách giữ gìn sách vở, cách trộn rau, cách thái thịt, cách làm bánh, cách sắp xếp nhà cửa, cách đối nhân xử thế, cách cầu nguyện, cách sống đức tin,… Bất cứ ai nhờ làm điều gì, cha tôi đều tận tình giúp đỡ, không hề so hơn tính thiệt.
Với tôi, câu chuyện thú vị nhất về cha tôi là câu chuyện kể về Giáng sinh năm 1940. Cha tôi phải làm việc tới đêm vọng Giáng sinh, trở về nhà với số tiền công và một cây giáng sinh. Ngay lúc đó, có một bà tới hỏi mua, nhưng lại chỉ mua nửa cây. Cha tôi đồng ý dù bà đòi lấy nửa đẹp hơn. Cha tôi lấy nửa ngọn, nghĩa là cây giáng sinh lúc này nhỏ xíu và thấp tè, nhưng cha tôi vẫn vui vẻ nói “chúc mừng giáng sinh” với người phụ nữ bất đắc dĩ kia.
Điều tôi nhớ mãi về đêm hôm đó là những món quà mà “ông già No-en” đã cho, là sự im lặng và niềm vui cùng làm việc với cha tôi trong bóng đêm.
Trang trí cây giáng sinh là việc quan trọng, và dĩ nhiên cha tôi có phương pháp riêng. Trước hết là treo bóng đèn sao cho khúc xạ và huyền ảo. Sau đó là trang trí, và cuối cùng là treo những dây kim tuyến.
Về sau tôi mới biết tuổi thơ của cha tôi chưa bao giờ có được cây giáng sinh. Ông bà nội là dân di cư. Ông nội mất trong một tai nạn giao thông khi cha tôi mới được vài tuần tuổi. Bà nội trở nên trầm tính hẳn, phải gởi con vào trại mồ côi. Nhưng ngay tối hôm đó, bà nội lại đón ba tôi về.
Sau một cơn bạo bệnh, cha tôi cũng ít nói hẳn. Cha tôi được một nữ tu nuôi dạy cho tới khi tốt nghiệp đại học. Nhưng cả đời cha tôi phải chịu đựng chứng điếc tai. Có lẽ vì vậy mà cha tôi luôn trầm mặc, nhân hậu, giản dị, và vị tha, nhưng lại luôn khắt khe với chính mình.
Mùa hè năm 1998, cha tôi vĩnh viễn xa anh chị em tôi!
Mỗi dịp Giáng sinh về, tôi lại trang trí cây giáng sinh như một thói quen theo phản xạ, tạo nên dấu ấn Giáng sinh đặc biệt đối với tôi. Phương pháp của cha tôi là nghệ thuật đích thực, bắt đầu bằng cung cách và sự tận tụy, đã tạo những mối quan hệ kỳ diệu gắn kết với nhau: Mối quan hệ giữa cha mẹ với con cái, mối quan hệ huynh đệ với nhau. Mối quan hệ phu thê, mối quan hệ bạn bè, nối tiếp từ thế hệ trước sang thế hệ sau.
Cõi lòng tôi nhẹ lâng, bay bổng theo lời Thánh ca vút cao từng cung bậc: “Đêm thánh vô cùng, giây phút tưng bừng…”. Yêu thương lan tỏa. Ánh sáng chiếu tỏa sự thánh thiện để giao hòa đất trời, giao hòa lòng người…
TRẦM THIÊN THU
(Phỏng dịch từ nguyên tác My Father’s Perfect Christmas của Thomas Cahill)
VÔ GIA CƯ
Giêsu là Chúa muôn loài
Mà không nhà cửa giữa trời Be-lem
Ngài sinh trong cảnh nghèo hèn
Để cho con được ấm êm giữa đời
Ngài bơ vơ phận làm người
Để con có được niềm vui gia đình
Ngài chia sẻ kiếp nhân sinh
Đồng lao cộng khổ, lênh đênh đời nghèo
Dựng nên đất thấp, trời cao
Mà Ngài chịu cảnh lao đao không nhà
Lạnh lùng băng giá nửa khuya
Giêsu như một trẻ thơ bình thường
Giáng Sinh – sự kiện khôn lường
Nhớ lời Kinh Thánh tỏ tường từ xưa:
Ví như Chúa chẳng xây nhà
Thợ nề vất vả cũng là uổng công (*)
Cầu xin Thiên Chúa xót thương
Những người lay lắt đoạn trường sớm khuya
Lo sinh kế, chẳng có nhà
Cái nghèo chồng chất, lệ nhòa từng đêm
Vô gia cư thật vô duyên
Kẻ khinh, người ghét, ai thèm tâm giao?
Be-lem hang đá năm nào
Còn nguyên ký ức đêm sao sáng ngời!
Giêsu giáng thế làm người
Để thương cứu những cảnh đời lầm than
Vòng tay công lý mở toang
Vinh danh Thiên Chúa, bình an nhân trần
TRẦM THIÊN THU
(*) Tv 127:1.
Thông Tin về Ba Đạo Sĩ
Một số phát hiện mới đã làm nổi bật về ba đạo sĩ (thường gọi là ba vua) mà đến nay vẫn còn trong bí ẩn và giả định.
Ba đạo sĩ theo ánh sao lạ đi qua sa mạc và đem theo các lễ vật cho Hài nhi Giêsu, đó là một hình ảnh nổi bật trong mùa Giáng sinh.
Một tài liệu cổ được tìm thấy ở Vatican đã tiết lộ nhiều khác biệt về hành trình của ba đạo sĩ. Tài liệu “phát hiện về ba đạo sĩ” đã được lưu trữ tại Vatican 250 năm qua và nay mới được dịch từ cổ ngữ Syriac.
Brent Landau – chuyên gia nghiên cứu tôn giáo thuộc ĐH Oklahoma – đã dành 2 năm để “nghiền ngẫm” các trang bản thảo mỏng manh từ thế kỷ 18. Tài liệu này là bản sao của bản chính được viết từ gần 500 năm trước.
Các chi tiết và các điểm khác biệt từ câu chuyện ba đạo sĩ dựa trên Phúc âm theo thánh Matthêu là:
– Đúng ra là những người Ba Tư, họ đến từ vùng đất bán thần thoại Shir – liên quan Trung quốc cổ – đã có một hành trình dài hơn.
– Tài liệu này nói rằng có hàng chục đạo sĩ chứ không chỉ có ba người, có vài người đã viếng thăm Hài nhi Giêsu. Phúc âm theo thánh Matthêu không xác định số người – có ba người trong số đó được coi là đã dâng lễ vật cho Hài nhi Giêsu.
– Ba đạo sĩ được mô tả là hậu duệ của Seth, con trai thứ ba của nguyên tổ Adam.
– Họ thuộc một giáo phái tin vào việc cầu nguyện thầm lặng.
– Ba đạo sĩ đã chờ đợi hàng ngàn năm để thấy ngôi sao lạ xuất hiện, điều mà họ tin là dấu hiệu báo Thiên Chúa đến làm người.
Giáo sư Landau nói với tạp chí The Times: “Ai đó thực sự đã bị các đạo sĩ thôi miên để tạo nên câu chuyện dài ly kỳ này và kể theo viễn cảnh của họ. Nhiều tư tưởng và cách tưởng tượng đã thấm vào câu chuyện. Có nhiều chi tiết về các nghi thức lạ, sự cầu nguyện và thinh lặng. Có cách mô tả về núi thánh và sự tẩy trần tại suối thánh”.
Ông nói thêm: “Các chi tiết này rất quan trọng đến nỗi tôi không biết đó có là cách thực hiện thật của cộng đồng hay không, như đã được mô tả. Không ai biết thánh Matthêu lấy câu chuyện này ở đâu để cùng với Phúc âm theo thánh Matthêu, đây là điều gần gũi như bạn có thể đến với ba đạo sĩ vậy”.
TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ UCANews)
NỖI KHỔ TÂM CỦA GIUSE
Giuse cũng rất khổ tâm
Nghe như sét đánh vừa tầm ngang tai
Maria đã mang thai
Giuse hết vía: “Thế này là sao?
Mình đâu làm chuyện tào lao
Cớ sự thế nào Nàng lại mang thai?
Lẽ nào lại tố cáo ai
Thôi thì bỏ trốn khỏi rầy rà chi!”
Sứ thần bất chợt hiện ra:
“Này Giuse, hỡi Giuse!
Maria thụ thai do linh quyền
Đó là phép Chúa Thánh Thần
Đừng có ngại ngần đón vợ về ngay
Rồi Nàng sinh hạ con trai
Tên gọi mai này sẽ đặt Giêsu
Người là Cứu Chúa lạ kỳ
Cứu dân khỏi tội, được là con yêu”
Thật là Ý Chúa cao siêu
Giuse tỉnh giấc hết điều khổ tâm
Vui mừng vâng lệnh Chúa truyền
Công khai đón vợ về liền. Khỏi lo!
Nguyện xin Thánh Cả Giuse
Giúp con biết sống Ý Cha vuông tròn
Dù xuôi, dù ngược ý con
Vẫn luôn vui nhận, vẫn luôn bằng lòng
TRẦM THIÊN THU
LỜI CHÚC MÙA ĐÔNG
Trăm năm nhân thế tiêu điều
Lữ hành khốn khổ, sớm chiều phân vân
Đi tìm ngọc bích quanh năm
Bồi hồi như tuyết trắng ngần thi ca
Mùa Đông – khúc hát phổ thơ
Khao khát mong chờ, tha thiết tình nhân
Ước xa cũng hóa thành gần
Cầu xin duyên nợ nồng nàn men yêu
Chúc người hạnh phúc ngọt ngào
Như lòng thương xót dạt dào khôn nguôi
Giêsu Đức Chúa Ngôi Lời
Nhập thể làm người nối kết yêu thương
Chân thành lời chúc mùa Đông
Mong lòng ai lạnh cũng nồng ấm lên
TRẦM THIÊN THU
Giáng Sinh 2015
Chúa Giêsu Đến Thế Gian Làm Gì?
Có lẽ bạn cho đó là một câu hỏi “ngớ ngẩn”, vì ai là Kitô hữu cũng biết Ngài đến cứu độ nhân loại. Đúng vậy, nhưng vẫn có điều khác... Chúng ta đã đón lễ Giáng Sinh nhiều lần, nhưng có thể chúng ta chưa thắc mắc. Mời bạn khám phá điều mới lạ nhân dịp kính mừng lễ Giáng Sinh!
Thánh sử Gioan kể: Ông Philatô hỏi: “Vậy ông là vua sao?”. Đức Giêsu đáp: “Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi”. Ông Philatô nói với Người: “Sự thật là gì?” (Ga 18:37-38).
Chúa Giêsu đến thế gian làm gì?
Hằng năm, lễ Giáng Sinh đều đặt ra một câu hỏi: Chúa Giêsu đến thế gian làm gì? Hoặc: Ý nghĩa của Đức Giêsu Kitô là gì? Hoặc mang tính cá nhân hơn: Người đàn ông này nên tạo sự khác biệt nào trong đời sống của tôi? Trong hôn nhân của tôi, trong đời tu của tôi, trong công việc của tôi, trong sự nhàn rỗi của tôi, trong suy nghĩ của tôi, trong cảm xúc của tôi, trong mọi sinh hoạt của tôi,…?
Khi Chúa Giêsu bị xét xử, Ngài đã trả lời rõ ràng cho chúng ta về câu hỏi đó: “Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật” (Ga 18:37). Sự Thật chính là Chân Lý.
Lời đó được Chúa Giêsu nói ra vào cuối đời Ngài, nhưng vẫn nói về lễ Giáng Sinh: “Tôi sinh sa vì lý do đó”. Vì vậy mà có lễ Giáng Sinh. Có lễ Giáng Sinh vì Chúa Giêsu đến làm chứng cho Sự Thật. Chúng ta hãy tập trung vào hai điều liên quan trong câu này, hai điều liên quan lễ Giáng Sinh, và kết thúc bằng lời động viên.
ĐIỀU LIÊN QUAN 1: Lễ Giáng Sinh nghĩa là có Sự Thật – Sự Thật mà mọi người nên tin.
Có Sự Thật đến từ bên ngoài thế giới này và cho thế giới biết ý nghĩa. Thế gian không làm nên Sự Thật này, cũng không định dạng hoặc thay đổi Sự Thật này. Đó là SỰ THẬT, không phải là một sự thật cho tôi và một sự thật khác cho bạ, nhưng là SỰ THẬT cho tất cả chúng ta. SỰ THẬT đó tuyệt đối và bất biến.
Có thể có một thế hệ hoặc một thế kỷ mà điều gợi ý của câu nói này không cần nhấn mạnh: Có Sự Thật, Sự Thật ngoài trí óc của chúng ta, Sự Thật mà chúng ta không tạo ra nhưng chúng ta phát hiện, Sự Thật mà chúng ta không thể kiểm soát nhưng quy phục. Cũng có thể có một thời gian chúng ta không coi điều này là một phần trong sứ điệp của Kitô giáo. Nhưng chưa phải là lúc này.
Người đương thời khước từ Sự Thật tuyệt đối
Ngày nay, lời xác định đơn giản này lại chính là lời mặc khải tuyệt vời và gây nhiều tranh luận. Nhiều người không tin như thế. Nếu ngày nay bạn muốn nói rằng có Sự Thật – Sự Thật mà mọi người nên tin và theo, rất có thể bạn bị coi là sai lầm và trái luân lý.
Người ta nói bạn sai lầm vì Thiên Chúa không trao sự tuyệt đối cho Sự Thật, hoặc nếu có Thiên Chúa thì không có cách để nhận biết Ngài làm gì và Ngài nghĩ gì. Người ta nghĩ việc Ngài làm cũng tốt như công việc của ai đó.
Bạn không chỉ bị coi là sai lầm, bạn còn bị coi là trái luân lý nếu bạn cứ khăng khăng cho rằng có Sự Thật tuyệt đối. Tại sao? Vì để nói có Sự Thật tuyệt đối sẽ gây khó chịu và định kiến với điều người khác nghĩ.
Ngày nay, luân lý được xác định theo tính tương đối. Nếu bạn không tin Sự Thật mà bạn thấy thì sẽ buộc tội chính mình, rồi bạn khiêm nhường, sống tốt và có luân lý. Nhưng nếu bạn tin Sự Thật mà bạn thấy thì sẽ kết tội mình, rồi bạn kiêu ngạo, cố chấp và trái luân lý. Ngày nay, nhân đức và luân lý đòi hỏi tính tương đối.
Với thế giới của thế kỷ 21 này, Chúa Giêsu cũng vẫn nói: “Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật” (Ga 18:37). Đó là thế giới mà sứ điệp của Ngài bị vô hiệu hóa ngay trước khi được nói ra, vì SỰ THẬT bị coi là nguồn gốc của niềm tin mù quáng (bigotry), sự cố chấp và định kiến. Nhưng về mặt khc1, tính tương đối được coi là mẹ đẻ của lòng tôn trọng văn hóa, sự khoan dung và hòa bình.
Tràn lan quan điểm tương đối về Sự Thật
Nói cách khác, sứ điệp của Kinh thánh về lễ Giáng Sinh ngày nay tại Hoa Kỳ không chỉ gặp trở ngại là Đức Kitô bị bỏ ra ngoài lễ Giáng Sinh, mà còn có vấn đề nghiêm trọng hơn là Sự Thật cũng bị bỏ ra ngoài thực tế. Rất nhiều người cho rằng không còn Sự Thật tuyệt đối nữa. Họ không tìm kiếm SỰ THẬT có ý nghĩa đối với cuộc sống và lịch sử.
Thay vì người ta cố gắng trải nghiệm cuộc sống ở mức trọn vẹn và gọi sự trải nghiệm này là SỰ THẬT đối với họ, chứ không là Sự Thật tuyệt đối, chỉ là sự thật đối với họ thôi. Hướng dẫn chung trong văn hóa này đơn giản lắm: “Hãy bỏ con khỉ xuống khỏi lưng!”. Nếu điều đó tác dụng đối với bạn thì rất tốt. Nhưng đừng đặt nó lên người bạn nữa.
Chúng ta cần biết quan điểm về Sự Thật này như thế nào trong đời sống phụ nữ Mỹ ngày nay. Nó ảnh hưởng nhiều hoặc ít. Bạn có thể thấy nó trong nhà thờ, nơi người ta cũng không muốn nghĩ về sự tuyệt đối của Kinh thánh. Hãy nghe Alan Bloom nói trong cuốn sách bán chạy như tôm tươi của ông là cuốn The Closing of the American Mind.
Có một điều mà giáo sư có thể chắc chắn: Hầu như mỗi sinh viên đại học đều cho rằng Sự Thật chỉ tương đối thôi. Nếu sự thật này được trắc nghiệm, người ta có thể tính theo phản ứng của sinh viên: Họ sẽ không hiểu. Bất kỳ ai cũng nên coi [tính tương đối] không là điều hiển nhiên làm họ ngạc nhiên, như thể họ đang tính toán 2 + 2 = 4. Đây là những điều bạn không hề nghĩ tới. Nền tảng của sinh viên cũng đa dạng như những điều Hoa Kỳ có thể cung cấp. Một số người có tín ngưỡng, một số người vô thần; một số người theo cánh Tả, một số người theo cánh Hữu; một số người muốn làm khoa học gia, một số người muốn làm người hoạt động vì nhân quyền, làm chuyên gia hoặc thương gia; một số người nghèo, một số người giàu. Họ chỉ kết hợp theo tính tương đối của họ và trung tín với sự bình đẳng. Hai cái đều liên quan trong khái niệm luân lý. Tính tương đối của sự thật không là sự thấu hiểu lý thuyết mà là nguyên lý luân lý, tình trạng của một xã hội tự do, hoặc họ hiểu điều đó.
Bản chất tự mâu thuẫn của tính tương đối
Xã hội của chúng ta là thế. Vấn đề về thuyết tương đối này là nó tự mâu thuẫn và không thuộc về Kinh thánh.
Thuyết tương đối tự mâu thuẫn. Nếu bạn nói: “Không có Sự Thật tuyệt đối để người ta nên tin”, bạn tự mâu thuẫn với chính mình, vì bạn nói rằng bạn muốn người khác tin, nhưng câu đó lại không có điều mà người ta nên tin. Sự ẩn giấu của thuyết tương đồi là nó muốn tương đối hóa yêu cầu của mọi người đối với sự thật, nhưng không là chính nó.
Điều này có trong thực tế “thật”. Hai tuần trước, tại Atlanta có khoảng 500 giáo sĩ và tu sĩ đã họp nhau để thảo luận về cách cứu vãn trong phong trào ủng hộ sự sống mà người ta muốn đóng cửa các điểm phá thai bằng cách. Những người ủng hộ sự sống ở Atlanta kêu gọi chống phản đối và phân phát tờ rơi.
Người ta lưu ý thông điệp: “Hãy bảo vệ Quyền Sinh Sản” (Defend Reproductive Rights). Nói cách khác, nếu những người ủng hộ sự sống muốn coi phôi thai là con người có quyền sống, họ có thể có, nhưng đừng đặt con khỉ lên lưng phụ nữ của đất nước này. Đó là quan điểm cá nhân và tôn giáo. Đó là tương đối.
Ở phía dưới tờ rơi có hàng chữ lớn: “CHÚNG TÔI SẼ KHÔNG THA THỨ CHO TÍNH CỐ CHẤP!”. Bạn có hiểu điều đó là gì? “Sự khoan dung” là cái tương đương về luân lý của tính tương đối. Nếu sự thật là tương đối và không tuyệt đối, nên có sự khoan dung hoàn toàn. Nhưng để làm co sự thật luân lý này stick, bạn phải đặt sức mạnh tuyệt đối phía sau nó. Câu “chúng tôi sẽ không tha thứ cho tính cố chấp” là điều tương đương của câu “Chúng tôi loại bỏ những điều tuyệt đối!”. Đó là tự mâu thuẫn. Đó là minh chứng rằng chúng ta không thể sống thiếu Sự Thật tuyệt đối.
Cũng chẳng ngạc nhiên khi tuyết tương đối không thuộc về Kinh thánh. Chúa Giêsu nói: “Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18:37).
Điều liên quan thứ nhất về lễ Giáng Sinh là có Sự Thật – Sự Thật này đến từ Thiên Chúa, Đấng ở ngoài trái đất và cho thế giới biết ý nghĩa của Sự Thật; Sự Thật này tuyệt đối và bất biến; Sự Thật mà mọi người nên tìm kiếm để tin tưởng và quy phục.
ĐIỀU LIÊN QUAN 2: Lễ Giáng Sinh nghĩa là Chúa Giêsu đến làm chứng cho Sự Thật – Ngài là nhân chứng chính.
Làm sao nghe lời chứng của Chúa Giêsu ?
Chúa Giêsu đã đi. Cái gì trở thành lời chứng đó? Câu hỏi này dành cho chúng ta. Chưa đủ để nói rằng Ngài đã gởi Thần Khí đến thay vào vị trí của Ngài. Đó là chủ yếu. Chúng ta tin Ngài có. Nhưng Chúa Giêsu nói rằng Ngài sinh ra trong thế gian để làm chứng cho Sự Thật. Nếu chúng ta muốn nghe lời chứng rằng Chúa Giêsu đã đến trao ban Sự Thật, chúng ta phải trở lại thời gian Ngài hiện diện và mặc xác phàm, khi Ngài bước đi, nói, lao động, yêu thương và chịu chết. Đó là những gì chúng ta phải thấy và phải nghe.
Chúng ta làm điều đó bằng cách nào? Giả sử bạn nói: “Tôi biết tôi cần khám phá và sống theo SỰ THẬT. Tôi biết thuyết tương đối không thực sự tác dụng. Nhưng làm sao tôi có thể có chứng cớ về Chúa Giêsu? Làm sao tôi có thể chắc chắn Kinh thánh có chứng cớ thật về Chúa Giêsu? Làm sao tôi chắc chắn chứng cớ về Chúa Giêsu là thật?”.
Bạn hãy đọc 1 trong 4 Phúc Âm và bắt đầu lắng nghe các lời chứng về Chúa Giêsu trong đó. Bạn hãy cầu xin Chúa giúp bạn hiểu Sự Thật. Bạn hãy nhìn những việc Ngài làm, lắng nghe điều Ngài nói, và nghĩ về thái độ của Ngài. Bạn hãy nhận định về các tác giả Phúc Âm và về chính Chúa Giêsu đã có tính chính trực hoặc úy tín dù thiên hạ là những người gian trá, nghèo khổ hoặc sùng kính.
Thông điệp tự minh chứng của Kinh thánh
Tôi tin rằng Thiên Chúa đã làm cho chúng ta phụ thuộc vào Kinh thánh đối với lời chứng về Chúa Giêsu ngày nay vì Kinh thánh có sức mạnh thuyết phục người ta rằng lời chứng về Chúa Giêsu là thật.
J. B. Phillips dịch Tân ước từ bản tiếng Hy Lạp sang tiếng Anh hiện đại từ 40 năm trước và sau đó nói: “Tôi cảm thấy như việc đi lại đường dây điện cho một ngôi nhà cổ mà không thể tắt nguồn chính” (Letters to Young Churches, London, 1947, trang xii).
Khi hoàn tất bản dịch, dịch giả Phillips nói: “Có sự chân thật và sự giản dị như trẻ con, hiệu quả tổng thể rất nhiều. Không ai có thể bỏ qua những điều như vậy với sự kiện thật ở phía sau” (The Ring of Truth, London, 1967, trang 58).
Điều tôi đang nói đây là cách bạn tin lời chứng bằng cách nghe và hiểu nếu bạn cảm thấy Ngài đang nối kết với bạn hoặc nếu Ngài có “Chiếc Nhẫn Sự Thật”. Đó là điều bạn phải làm với Phúc Âm. Tiến sĩ E.V. Rieu là một học giả đã chuyển ngữ thơ cổ của thi sĩ Homer 4 cuốn Phúc Âm từ tiếng Hy Lạp sang tiếng Anh hiện đại.
Ông nói: “Tôi cảm thấy sâu xa rằng tôi có thể hy vọng. Điều đó đã... thay đổi tôi; công việc của tôi đã thay đổi tôi. Tôi kết luận rằng những lời đó mang dấu ấn của Con Người Giêsu và Thiên Chúa. Đó là Magna Carta (hiến pháp cơ bản) của tâm linh con người” (The Ring of Truth, London, trang 56).
Nói cách khác, nếu bạn đọc Phúc Âm khi những điều đó có trong Kinh thánh, đồng thời cởi mở và chăm chú lắng nghe, sẵn sàng thực hiện Sự Thật nếu bạn thấy, lời chứng cảu các tác giả và lời chức về Chúa Giêsu sẽ cho bạn điều đáng tin.
Giáng Sinh nghĩa là Chúa Giêsu sinh ra và đến trong thế gian để làm chứng cho Sự Thật. Lời chứng về việc Ngài làm và lời Ngài nói được lưu lại trong Phúc Âm. Hãy đọc đi đọc lại với tâm hồn mở rộng, bạn sẽ biết được SỰ THẬT mà Chúa Giêsu đã đem đến.
LỜI ĐỘNG VIÊN: Đừng xử sự như Philatô khi bạn nghe nói về Sự Thật!
Khi bạn nghe Sự Thật, bạn đừng như Philatô hỏi Chúa Giêsu: “Sự thật là gì?” (Ga 18:38).
Nếu Philatô đã nghe trước đó khi chúng ta phê bình tính tương đối của sự tự mâu thuẫn, tôi nghĩ ông ta có thể nói: “Tôi không bao gồm trong lời phê bình của bạn vì tôi không nói sự thật là tương đối, và tôi cũng không nói sự thật là tuyệt đối, mà tôi chỉ nói tôi không biết sự thật là gì. Sự thật có thể là tương đối, cũng có thể là tuyệt đối, nhưng tôi không biết. Và như vậy, tôi không thể bị kết tội tự mâu thuẫn vì tôi không biết. Thế nên tôi trì hoãn việc xét xử”.
Có thể bạn không kết án Chúa Giêsu không phải vì bạn nghĩ Ngài không thật mà chỉ vì bạn kông biết. Bạn sống với sự lưỡng lự về vấn đề đó.
Bạn có nghi ngờ sự phán đoán và viện cớ không biết về các vấn đề quan trọng? Hay bạn chỉ lưỡng lự những vấn đề có vẻ không quan trọng hoặc khó xử đối với bạn?
Tôi chưa gặp hoặc nghe nói về một người gặp rắc rối trong việc tin những điều tuyệt đối về luân lý khi người đó bị đấm vào mặt. Người đó chắc chắn rằng kẻ tấn công mình hoàn toàn có tội. Nếu quan tòa xử người đó vô tội vì sự thật chỉ tương đối và việc bị đấm vào mặt là tốt cho bạn, bạn không thể để những điều tuyệt đối của con khỉ lên lưng bạn, và bạn sẽ nói rằng quan tòa đó tồi tệ.
Có thể Philatô nói: “Tôi không biết sự thật tuyệt đối là gì, và tôi nghĩ mình không thể tìm được sự thật đó”. Chính chúng ta cũng có thể nói như vậy! Nhưng khi mối quan tâm của bạn gặp nguy hiểm, bạn thực sự sẽ không hành động như thể bạn không biết sự thật. Chúng ta có những cách kết án rất mạnh khi tài sản của chúng ta có nguy cơ, phải không? Lạ thay là thuyết bất khả tri và thuyết tương đối (agnosticism and relativism) lại bị “thổi bay” khi quyền lợi và cuộc sống của chúng ta còn mơ hồ!
Mùa Giáng Sinh này, bạn hãy nhận biết đòi hỏi của Chúa Giêsu đối với Sự Thật. Đó là vấn đề Sự Sống Đời Đời và Sự Chết. Một lần khác, Chúa Giêsu đã nói: “Đạo lý tôi dạy không phải là của tôi, nhưng là của Đấng đã sai tôi. Ai muốn làm theo ý của Người, thì sẽ biết rằng đạo lý ấy là bởi Thiên Chúa hay do tôi tự mình giảng dạy. Ai tự mình giảng dạy, thì tìm vinh quang cho chính mình. Còn ai tìm vinh quang cho Đấng đã sai mình, thì là người chân thật, và nơi người ấy không có gì là bất chính” (Ga 7:16-18).
Chúa Giêsu không sinh ra để giữ bí mật về Sự Thật của Thiên Chúa. Ngài sinh ra và đến thế gian để làm chứng cho Sự Thật, Sự Thất hoàn toàn bất biến của Thiên Chúa. Hãy nhận biết mức độ nguy cơ. Hãy đọc Phúc Âm. Rồi bạn sẽ nhận biết Sự Thật, và chính Sự Thật sẽ giải thoát bạn (Ga 8:32).
TRẦM THIÊN THU
(Chuyển ngữ từ DesiringGod.org)
November 23, 2021