suy niệm , năm C-2016
by Trầm Thiên Thu
April 10, 2019
TRAO TRỌN TÌNH THƯƠNG
(Thứ Năm Tuần Thánh)
Mẹ Thánh Teresa Calcutta đã đưa ra một chuỗi liên kết chí lý: “Không cầu nguyện thì không có đức tin, không có đức tin thì không có tình mến, không có tình mến thì không có phục vụ, không có phục vụ thì không có niềm vui, không có bình an”.
Thứ Năm Tuần Thánh là ngày đặc biệt, không chỉ về Bí Tích Thánh Thể – Bí Tích Tình Yêu, mà còn nhắc chúng ta phải luôn ghi nhớ luật yêu thương và phục vụ – tuy hai mà một, vì liên quan lẫn nhau. Luật Chúa là Thánh Luật, là mệnh lệnh của Chúa. Yêu thương là thế nào, CHO hay NHẬN? Chẳng ai có thể cân-đo-đong-đếm được tình yêu nên không thể biết ai yêu ít hay nhiều, nhưng vẫn có thể cảm nhận.
Xưa nay chưa ai có thể đưa ra một định nghĩa về tình yêu trọn vẹn nhất khiến người ta cảm thấy mãn nguyện. Chữ Yêu rất đơn giản mà cũng rất nhiêu khê. Thường là thế, như một tế bào nhỏ bé với những chuỗi AND đơn giản, vậy mà lại hóa vô cùng phức tạp. Chỉ có một tình yêu đích thực nhưng được nhìn với nhiều lăng kính, mỗi người yêu mỗi cách và mức độ cũng rất khác nhau. Nói chung, yêu là CHO nhiều hơn NHẬN, yêu đến quên mình, đó mới là tình yêu chân chính, thế nên người ta mới nói “yêu là chết trong lòng” – một ít thôi mà hóa nhiều, vì có những người không thể chịu nổi khi bị phụ tình. Rõ ràng yêu là khổ, không khổ không là yêu, khổ đến “chết” mới là yêu. Không chỉ “chết trong lòng” mà chết thật, vì có những người đã dám liều chết vì quá si tình hoặc lụy tình. Khổ thật đấy!
Quốc gia nào cũng có những chuyện tình đặc biệt. Tại Việt Nam có chuyện tình Đồi Thông Hai Mộ hoặc chuyện tình Lan và Điệp, còn Tây phương có chuyện tình Romeo và Juliet. Những chuyện tình thật lãng mạn và rất đẹp nhưng cũng vì vậy mà đầy chất bi thương. Đúng là khổ não trần ai đắng cay đủ thứ.
Người ta ví von: “Yêu là khổ, không yêu thì lỗ, thà chịu khổ hơn chịu lỗ”. Những người như thế thì “ngon” thật và can đảm thật. Thật vậy, người ta còn gọi đó là dạng “thú đau thương”. Đau thương mà lại “thú vị”, yêu như điên, đó mới là yêu thật lòng – vị tha chứ không vị kỷ. Chính Chúa Giêsu cũng đã xác định: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15:13). Sau những ngày tháng ăn chơi xả láng, chàng Augustinô đã hối tiếc: “Con yêu Chúa quá muộn màng”. Và rồi thánh nhân xác định: “Mức độ yêu Chúa là yêu vô hạn”. Một mức độ kỳ lạ: giới hạn của yêu thương là yêu-không-giới-hạn. Chí lý lắm!
1. TUÂN PHỤC VÌ YÊU THƯƠNG
Lễ Vượt Qua là lễ lớn nhất của người Do Thái, dạ tiệc Vượt Qua có nhiều món như thịt chiên, rau đắng, bánh, rượu, hoa trái, trứng, nước chanh, giấm,... Trình thuật Xh 12:1-8, 11-14 cho biết chi tiết: Đức Chúa phán với ông Môsê và ông Aharon trên đất Ai Cập: “Tháng này, các ngươi phải kể là tháng đứng đầu các tháng, tháng thứ nhất trong năm. Hãy nói với toàn thể cộng đồng Ít-ra-en: Mồng mười tháng này, ai nấy phải bắt một con chiên cho gia đình mình, mỗi nhà một con. Nếu nhà ít người, không ăn hết một con, thì chung với người hàng xóm gần nhà mình nhất, tuỳ theo số người. Các ngươi sẽ tuỳ theo sức mỗi người ăn được bao nhiêu mà chọn con chiên. Con chiên đó phải toàn vẹn, phải là con đực, không quá một tuổi. Các ngươi bắt chiên hay dê cũng được. Phải nhốt nó cho tới ngày mười bốn tháng này, rồi toàn thể đại hội cộng đồng Ít-ra-en đem sát tế vào lúc xế chiều, lấy máu bôi lên khung cửa những nhà có ăn thịt chiên. Còn thịt, sẽ ăn ngay đêm ấy, nướng lên, ăn với bánh không men và rau đắng”. Luật cũ chú trọng cách sống tự nhiên của con người, và cách hành lễ cũng “thực tế” hơn ngày nay, nhưng đó là thể hiện đức tuân phục – vâng lời Chúa nghĩa là yêu mến Chúa. Vả lại, Ngài muốn chúng ta vâng lời chứ Ngài không cần lễ vật (1 Sm 15:22; Tv 50:8-9; Tv 51:18).
Cuộc sống có vẻ đơn giản mà phức tạp, trong đó có nhiều thứ phải học: Học ăn, học nói, học gói, học mở. Đầu tiên là phải học ăn, không chỉ là bỏ vô miệng rồi nhai và nuốt. Cách ăn cũng có nghệ thuật riêng, đặc biệt là có luật ăn: lưng thắt gọn, chân đi dép, tay cầm gậy. Cách ăn “lạ” nhất là “phải ăn vội vã”, vì đó là lễ Vượt Qua mừng Đức Chúa. Kinh Thánh cho biết rằng đêm ấy Thiên Chúa rảo khắp đất Ai Cập, sát hại các con đầu lòng trong đất Ai Cập, từ loài người cho đến loài thú vật, và sẽ trị tội chư thần Ai Cập. Nghe vậy chúng ta cảm thấy Chúa có vẻ “dữ tợn” quá. Nhưng không phải vậy, luật cũ là luật tự nhiên, những gì là “đầu tiên” đều được dành quyền ưu tiên cho Thiên Chúa – gọi là “của lễ đầu mùa”, kể cả những đứa con đầu lòng. Ngày nay, một số dân tộc vẫn có cách mừng thu hoạch như lễ mừng lúa mới, lễ mừng thu hoạch,…
Các vết máu được người ta bôi trên nhà là dấu hiệu “giữ luật”, là “dấu hiệu tình yêu”, và người trong nhà đó sẽ không bị tai ương tiêu diệt khi Thiên Chúa giáng họa trên đất Ai Cập. Ngày đó được chọn làm ngày tưởng niệm, ngày đại lễ mừng Đức Chúa. Đó là luật quy định cho đến muôn đời, và là hồng ân Chúa ban. Ngài ban đủ thứ ân sủng để con người đủ sức “vượt qua” biển đời. Thiên Chúa YÊU nhiều nên CHO nhiều, còn chúng ta NHẬN quá nhiều mà yêu chẳng bao nhiêu. Thánh Vịnh gia đã đặt vấn đề:
Lấy chi đáp đền Chúa đây
Vì bao ân huệ chính Ngài đã ban? (Tv 116:12)
Mặc dù thành tâm và rất muốn đền đáp ơn Chúa nhưng chẳng có gì để dâng, nếu có thì cũng chẳng có gì xứng đáng. Tài sản mà ai cũng có nhiều, rất giàu, đó là phần tội lỗi. Thật diễm phúc vì Thiên Chúa vẫn làm ngơ. Thế nên thân tro kiếp bụi mọn hèn mới có thể thân thưa với Đấng Hằng Hữu Chí Thánh:
Con nâng chén hồng ân cứu độ
Mà xưng tụng danh Chúa mãi thôi (Tv 116:13)
Trong thời quân chủ, thần dân không được phép ngước nhìn Long Nhan, ai nhìn sẽ bị tội khi quân và phải chết. Thần dân muốn tâu trình điều gì phải quay hướng khác và không được tâu trực tiếp mà chỉ được tâu với cái “bệ rồng” vua ngồi: “Muôn tâu bệ hạ”. Thế nhưng, đối với Thiên Chúa là Vua các vua và Chúa các chúa, thân sâu bọ chúng ta lại được diện kiến Tôn Nhan thì quả là vô cùng diễm phúc: “Trước Thánh Nhan thật là quý giá, cái chết của những ai hiếu nghĩa với Ngài” (Tv 116:15). Chúng ta chỉ là tôi tớ Ngài, con của nữ tỳ Ngài, thế mà lại được diễm phúc như vậy thì phải ghi lòng tạc dạ thâm ân này: “Con sẽ dâng hiến lễ tạ ơn mà xưng tụng danh Chúa” (Tv 116:17). Ngoài ra, chúng ta còn phải chân thành nguyện thề, đoan hứa: “Lời khấn nguyền với Chúa, con xin giữ trọn, trước toàn thể Dân Ngài” (Tv 116:18). Mức độ càng tuân giữ trọn vẹn thì càng có phúc.
2. PHỤC VỤ VÌ YÊU THƯƠNG
Theo chuỗi liên kết của Mẹ Thánh Teresa Calcutta, yêu thương sinh ra phục vụ. Như vậy, phục vụ là hệ lụy tất yếu của lòng yêu thương. Thánh Phaolô cho biết: “Điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em” (1 Cr 11:23). Thánh nhân kể lại việc Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy”, và cuối bữa thì Chúa Giêsu nói: “Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy” (1 Cr 11:24-25). Thánh nhân giải thích: “Từ nay cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết” (1 Cr 11:26), do đó mà chúng ta hằng ngày vẫn tuyên tín trong mỗi Thánh Lễ: “Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa chịu chết, và tuyên xưng Chúa sống lại, cho tới khi Chúa đến”, hoặc “Lạy Chúa, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, chúng con loan truyền Chúa chịu chết cho tới khi Chúa đến”.
Ngay trước Lễ Vượt Qua, Đức Giêsu biết “giờ của Ngài” đã đến, đó là giờ Ngài phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Ngài yêu thương mọi người đến giọt Nước và giọt Máu cuối cùng. Tình thương ấy quá lớn lao và trọn vẹn khôn dò.
Chính Đức Giêsu đã biết rõ Giuđa nghĩ gì, tính toán ra sao, và sắp sửa làm gì. Thánh Ý Chúa Cha rất nhiệm mầu. Thế nhưng, có người lập luận rằng “quỷ sứ không được cứu độ”. Giuđa bị gọi là quỷ sứ, Phêrô bị gọi là satan, mà quỷ sứ và satan không hề khác nhau. Tại sao satan được cứu độ mà quỷ sứ lại không được? Có gì khác nhau? Đó là lòng sám hối chân thành. Tuy nhiên, chẳng ai dám phán xét, cũng chằng ai xứng đáng mà có quyền kết án ai. Đừng chỉ “săm soi” một vài khía cạnh nào đó rồi xét người và phỏng đoán theo ý mình. Cứ tự ném đá mình thì hơn. Tại sao Tội Nguyên Tổ được Giáo hội gọi là Tội Hồng Phúc? Lòng Chúa Thương Xót lớn hơn mọi tội lỗi của cả nhân loại kia mà? Chỉ có Thiên Chúa mới đủ tư cách và có quyền định đoạt.
Đức Giêsu Kitô ngự đến nhân danh Thiên Chúa, bởi Thiên Chúa mà đến, và Ngài sắp đến lúc trở về cùng Thiên Chúa, về nơi Ngài đã xuất phát. Do đó, trong Dạ Tiệc Vượt Qua, Ngài đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Ngài đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau. Chắc hẳn môn đệ nào cũng ngạc nhiên vô cùng khi thấy Sư Phụ hành động “kỳ lạ nhất thế gian”, chẳng ai lại “ngược đời” như vậy.
Vì thế, khi Ngài đến chỗ ông Simôn Phêrô, ông liền thưa: “Thưa Thầy! Thầy mà lại rửa chân cho con sao?” (Ga 13:6). Không hề có bề trên nào dám làm chuyện “trái khoáy” và “động trời” như vậy. Nghe Phêrô nói, Đức Giêsu ôn tồn nói: “Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu” (Ga 13:7). Ông Phêrô không thể hiểu thấu nên lại thưa: “Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu!” (Ga 13:8a). Đức Giêsu đáp: “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy” (Ga 13:8b). Nghe Thầy nói “không được chung phần” thì ông Phêrô hoảng hồn, vội vàng thưa ngay: “Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con nữa” (Ga 13:9). Nhưng Đức Giêsu bảo ông: “Ai đã tắm rồi thì không cần phải rửa nữa; toàn thân người ấy đã sạch. Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu!” (Ga 13:10). Ông Phêrô cụt hứng, lạ ghê đi! Rõ ràng Ý CHÚA HOÀN TOÀN KHÁC HẲN Ý LOÀI NGƯỜI, không thấy lạ mới là... chuyện lạ. Ngài rất thâm ý nên mới nói: “Không phải tất cả anh em đều sạch”. Chỉ một tính từ “sạch” nhưng mang hai ý nghĩa khác nhau.
Sau khi rửa chân cho các môn đệ xong, Ngài mặc áo vào, về chỗ và nói: “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không?” (Ga 13:11). Hỏi vậy thôi, chứ Ngài biết tỏng là chẳng ai hiểu, vì ông nào cũng “mắt chữ O và miệng chữ A”, ai cũng cứ như trời trồng vậy. Thấy thế, Chúa Giêsu nói luôn: “Anh em gọi Thầy là Thầy, là Chúa, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13:13-15). Một lời khuyên, một lời nhắc nhớ, cũng là một quy luật, một mệnh lệnh.
Vô cùng lạ lùng. Là Thầy mà Đức Giêsu không ngại rửa chân cho đệ tử, thế thì chắc chắn đệ tử không thể không rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho đệ tử để đệ tử cũng làm như Thầy đã làm cho đệ tử. Lời nói có thể chuyển lay, gương bày đủ sức mạnh lôi kéo. Hành động cụ thể đó là Luật Yêu của Chúa. Luật nhẹ nhàng mà khó thực hiện, lời giản dị mà thâm thúy. Đó cũng là điều chúng ta phải suy nghĩ và chấn chỉnh, nhất là vì Chúa đã làm gương, làm vì ý muốn và khiêm nhường chứ không thể miễn cưỡng.
Phàm ngôn mà vẫn kỳ diệu, cách riêng về chữ Y trong Việt ngữ. Chữ Yêu bắt đầu bằng mẫu tự Y có hình “ngã ba”, nghĩa là có 3 hướng: Hướng lên tới Chúa, hướng đến với tha nhân, và hướng về chính mình. Yêu Chúa hết linh hồn và hết trí khôn, yêu người như chính mình, và chỉ yêu mình ít thôi – không được yêu mình thái quá (tự ái là yêu mình thái quá, ích kỷ, vị kỷ). Yêu có những hệ lụy quan yếu. Yêu là điều luôn có mối liên kết quan trọng: Cần thiết → thiết tha → tha thứ. Đó là chu-trình-yêu. Và một hệ lụy khác lại phát sinh: YÊU thì phải KÍNH, KÍNH thì phải NỂ, NỂ thì phải TRỌNG, TRỌNG thì phải VỌNG (mong), MONG thì thấy NHỚ, NHỚ nghĩa là YÊU. Đó là vòng-tròn-yêu bắt đầu và kết thúc bằng động từ YÊU. Chúa nhớ chúng ta và chúng ta cũng phải nhớ Chúa, mà NHỚ NGÀI thì PHẢI THỰC THI THÁNH Ý NGÀI. Thật tuyệt vời biết bao!
Tương tự, khi nói về tình nghĩa gia đình, chúng ta áp dụng danh từ kép “hiếu đễ”. HIẾU thì phải ĐỄ (nhường), NHƯỜNG thì phải NHỊN. Nhờ đó mà “trong ấm, ngoài êm”, tạo nên “tổ ấm”, tạo nên hạnh phúc gia đình. Xã hội cũng vậy. Cộng đoàn cũng thế. Nói chung, tất cả tóm gọn trong một chữ YÊU. Biết thương yêu cũng chính là biết thương xót. Và đó là điều Chúa Giêsu mong muốn nơi những người mang danh Kitô hữu.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, Đấng giàu Lòng Thương Xót, xin đổi mới trái tim của chúng con càng ngày càng tăng lượng “máu yêu” để có thể nên giống Ngài hơn. Xin giúp chúng con biết yêu mến Ngài qua việc yêu thương đồng loại, bất kỳ ai, đồng thời cũng dám sống và hành động “ngược đời” như Ngài trong mọi hoàn cảnh. Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị cùng với Chúa Cha, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần, đến muôn đời. Amen.
TRẦM THIÊN THU
1. TÌNH CHÚA CHIỀU XƯA – https://www.youtube.com/watch?v=Ie7tQ4Zg0p4
2. BÀI CA RỬA CHÂN – https://www.youtube.com/watch?v=lyitpT3crsQ
Trường Ca LÒNG THƯƠNG XÓT
Tam Nhật Thánh là đỉnh cao của Lòng Chúa Thương Xót (LCTX). Đó là trung tâm điểm của đức tin: Sự Chết và Sự Phục Sinh của Đức Giêsu Kitô. Tuần Thánh có nhiều màu sắc biểu trưng cho các cảm xúc của con người: vui – buồn, sướng – khổ, cười – khóc, sinh – tử,…
Cuộc đời là thế, đầy đủ thất tình (hỉ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục). Với sức con người thì chỉ “bó tay” (khoanh tay) mặc dù không hề muốn thúc thủ. Thế mới biết con người hữu hạn, chẳng là gì cả. Do đó, LCTX càng cần thiết hơn bao giờ hết, để trở thành cứu cánh cho tội nhân chúng ta: “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Ngài – Jezu ufam Tobie – Jesus, I trust in You – Jésus, j'ai confiance en Toi”.
I. TRƯỜNG CA YÊU THƯƠNG
Có lẽ nhiều người còn nhớ truyện “Những Con Chim Ẩn Mình Chờ Chết” (còn tên bản dịch Việt ngữ khác là “Tiếng Chim Hót Trong Bụi Mận Gai”), nguyên tác Anh ngữ là “The Thorn Birds” (1977) của nhà văn Colleen Mc Cullough (Úc), và truyện của bà đã được chuyển thể thành phim.
Ở đây tôi không muốn nói đến cốt truyện hoặc những gì liên quan đến “The Thorn Birds” mà chỉ muốn nói đến một loài chim kỳ lạ. Truyền thuyết kể có loài chim chỉ hót một lần trong đời rồi chết, tiếng hót của nó hay hơn tất cả bất kỳ loài chim nào khác. Loài chim này bắt đầu biết bay là nó đi tìm những cây có gai nhọn để làm tổ. Một ngày nào đó, nó bay lao mạnh vào gai nhọn nhất cho gai xuyên qua ngực, và nó hót vang chỉ một lần trước khi chết. Vâng, loài chim đó hoàn toàn chết vì yêu, vui vì được chết cho tình yêu!
Đó là tiếng hót nồng nàn của ngôn ngữ yêu thương, là một dạng “thú đau thương” mang tính thần bí mà nếu không yêu thì không thể hiểu nổi. Chính Đức Kitô là con người thần bí như vậy, có thể mượn hình ảnh loài chim kia để nói về Ngài vậy. Cả cuộc đời ngắn ngủi của Ngài tại thế là một chuỗi dài tha thứ và là một “liên khúc yêu thương” bất tận. Đại văn hào Victor Hugo có cách so sánh và xác quyết: “Ai chết cho tình yêu là sống trong tình yêu”. Tình yêu thương luôn kỳ diệu và khó hiểu!
Trong trình thuật Ga 13:1-20 kể lại việc Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ trong đêm Thứ Năm Tuần Thánh, trước khi Ngài đi chịu chết. Ngài làm thật chứ không nói suông! Thấy Chúa Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau, thánh Phêrô ngạc nhiên và không dám tin vào mắt mình nên mới hỏi: “Thưa Thầy! Thầy mà lại rửa chân cho con sao?”. Đức Giêsu trả lời: “Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu”. Ông Phêrô lại thưa: “Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu!”. Đức Giêsu nói: “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy”. Nghe vậy, ông Phêrô nói ngay: “Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con nữa”. Chắc là lúc đó Chúa nhìn ông Phêrô mà thương lắm, chắc cũng vừa cười vừa gật gật cái đầu nữa.
Rửa chân cho các ông xong, Chúa Giêsu mặc áo, về chỗ, và kết luận: “Nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em. Thật, Thầy bảo thật anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi. Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em!” (Ga 13:14-17).
Một con người được tôn xưng là Chúa, là Thầy, vậy mà lại hạ mình xuống làm công việc của một tôi tớ. Chúa Giêsu đã thực hiện những điều Ngài nói: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20:28). Yêu thương và tha thứ luôn có hệ lụy với nhau. Cựu ước dạy: “Răng đền răng, mắt đền mắt, tay đền tay, chân đền chân, chỗ gãy đền chỗ gãy, mạng đền mạng” (x. Xh 21:4; Lv 24:20; Đnl 19:21). Nhưng Chúa Giêsu dạy: “Một ngày tha bảy lần” (x. Lc 17:4), và “Tha bảy mươi lần bảy” (x. Mt 18:22). Làm sao hiểu ngay và hiểu hết vì Chúa Giêsu luôn có những động thái “không giống ai” và quá đỗi ngược đời: “Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên” (Mt 23:11-12).
Cũng ngay đêm đó, sau khi rửa chân, Chúa Giêsu lại thiết lập Bí tích Thánh Thể để có thể ở lại với con người mãi mãi, như Ngài đã hứa: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:20). Chắc hẳn không còn cách nào tuyệt vời hơn, vì Ngài nuôi sống chúng ta bằng chính Máu Thịt mình. Và đó cũng chỉ vì quá yêu chúng ta, dù chúng ta là tội nhân. Bản chất tình yêu là CHO nhiều hơn NHẬN, không muốn xa người mình yêu một giây phút nào.
Thiên Chúa yêu thương con người quá nhiều nên tha thứ cho chúng ta tất cả nhưng chúng ta lại làm ngơ, cứ nghĩ đó là “điều tất yếu”, Chúa có trách nhiệm phải làm vậy với mình. Do đó mà chúng ta khó tha thứ, thậm chí là không tha thứ cho nhau, dù chỉ là điều nhỏ mọn. Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta quá nhiều, vậy sao chúng ta không thể tha thứ cho nhau? Nếu như thế, chúng ta là “người đầy tớ không biết tha thứ” (x. Mt 18:23-35).
Trong cuốn “Healing the Original Wound” (Chữa Lành Vết Thương Nguyên Thủy) có câu: “Thiên Chúa đầy lòng trắc ẩn, luôn tìm cách đến với những người lầm đường lạc lối và bị bỏ rơi”. Vì yêu thương mà Ngài tha thứ, và vì tha thứ mà Ngài càng yêu thương. Đức Kitô đã vâng lời cho đến chết, mà lại chết nhục nhã trên Thập giá – loại hình phạt nhục nhã nhất thời đó. Đó là “vòng luẩn quẩn bác ái” không dễ hiểu hết ngay được nếu không có thời gian và cảm nghiệm nhờ hồng ân Thiên Chúa. Thánh Phaolô xác định: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái” (Rm 13:8).
Mỗi giây phút qua đi là mỗi bước con người xa dần sự sống để tiến gần sự chết. Trong con người luôn có sự giằng co giữa cái Thiện và cái Ác, mà Ánh sáng và Bóng tối luôn đối nghịch nhau, có cái này thì không có cái kia. Trong cuốn “Weaving Faith and Experience” (Đan Kết Đức Tin và Cảm Nghiệm) có câu này: “Thành công và thất bại hằng ngày có thể là những lời mời gọi chúng ta kết hiệp mật thiết hơn với Thiên Chúa, nếu chúng ta biết cách nhìn”. Vấn đề là con người có nhận ra Ý Chúa hay không.
Thế thái nhân tình luôn nhiêu khê và xảy ra hàng ngày, Đức Kitô cũng đã trải nghiệm điều đó: “Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con” (Ga 13:18). Nhưng đôi khi con người cầu nguyện mà như ra lệnh cho Chúa, cứ nghĩ xin là phải được, không được thì “good-bye” ngay. Con người quá yếu đuối nên dễ nản chí sờn lòng. Trong cuốn “God, Help Me” (Lạy Chúa, Xin Phù Trợ Con) có câu: “Ngay khi chúng ta cố gắng cầu nguyện mà Thiên Chúa có vẻ vẫn không xuất hiện thì cũng đừng ngưng cầu nguyện”. Chúa biết mỗi người thế nào nên Chúa không cần thử thách, Chúa chỉ muốn con người ý thức mà tìm về với Ngài, và Ngài cũng muốn con người tự lập công thôi.
Trường Ca Yêu Thương là bản tình ca dài, với nhiều đoạn mang những màu sắc khác nhau, và ai cũng phải thực hành để trở thành một nốt trong bài trường ca đó, dù là nốt trầm hay bổng, dài hay ngắn, nhưng nốt đó vẫn có một vị trí nhất định không thể thiếu trong bản tổng phổ vậy. Cũng vậy, mỗi người chỉ là một giọt nước nhỏ, nhưng nhiều giọt nước nhỏ mới có thể tạo nên một đại dương mênh mông.
Lạy Chúa, xin dạy chúng con luôn sẵn sàng biết yêu thương trọn vẹn và vô điều kiện. Vâng, “xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe” (1 Sm 3:10). “Xin thêm đức tin cho chúng con” (Lc 17:5), vì “không có Ngài thì chúng con không làm được gì” (Ga 15:5). Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa của chúng con. Amen.
II. TRƯỜNG CA ĐAU KHỔ
Chắc hẳn không có đồng tiền nào trên thế giới lại “đặc biệt” như đồng đô-la Mỹ, “đặc biệt” không chỉ là tỷ giá đồng tiền đứng hàng thứ ba (sau đồng Bảng Anh và Euro) trên thế giới, mà đặc biệt vì trên đồng đô-la Mỹ có ghi câu: In God we trust (Chúng ta tin vào Thượng Đế, chúng tôi tín thác vào Thiên Chúa, chúng con tin Chúa), cũng tương tự câu: Jesus, I trust in You (Lạy Chúa Giêsu, con tin Ngài; lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Ngài) mà ngày nay rất phổ biến trong việc sùng kính Lòng Chúa Thương Xót.
Cả đời Chúa Giêsu thực hành yêu thương và dạy người ta yêu thương, vì Ngài mệnh danh là Tình Yêu (x. 1 Ga 4:8 & 16). Ngài gọi “luật yêu thương” là điều răn mới: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13:34).
Chia tay luôn là điều buồn, thậm chí là rất đau khổ. Ai trong chúng ta cũng đã từng hơn một lần phải chia tay: Xa cha mẹ, xa con cái, xa người thân, xa người yêu, xa bạn thân, và nhất là bị phụ tình. Nhưng xa như vậy vẫn có thể còn gặp lại, có bị phụ tình thì vẫn có dịp gặp tình mới. Xa mà không thể gặp lại được chính là cái chết, lúc đó chúng ta còn đau khổ hơn rất nhiều. Ai đã từng mất cha mẹ, anh chị em, đặc biệt là mất mẹ, thì sẽ cảm thấy khoảng trống vô hạn tưởng chừng không gì khỏa lấp nổi. Những lúc đó trái tim nhói đau lắm. Tuy nhiên, vẫn không “nhằm nhò” gì so với nỗi đau của Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu Kitô biết mình sắp phải xa những người thân thiết mà Ngài yêu thương hết lòng, đó là chúng ta. Có bản tính nhân loại, Ngài cũng xúc động 2 lần khi thấy người ta thương tiếc Ladarô (x. Ga 11:3 & 38), có lúc Ngài rất đau buồn, đau buồn đến nỗi Ngài đã phải thốt lên: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được” (Mt 26:38). Vâng, nỗi đau quá lớn! Và Ngài không muốn xa rời chúng ta một giây phút nào nên Ngài đã thiết lập Bí tích Thánh Thể (x. Mt 26:26-29; Mc 14:22-25; Lc 22:19-20; 1 Cr 11:23-25), chính là Bí tích Yêu Thương, để có thể ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế (x. Mt 28, 20). Chưa xa mà Chúa đã rất nhớ các môn đệ, Chúa đã trút bầu tâm sự lần cuối bằng giọng buồn bã: “Từ nay, Thầy không còn uống thứ sản phẩm này của cây nho, cho đến ngày Thầy cùng anh em uống thứ rượu mới trong Nước của Cha Thầy” (Mt 26:29).
Với người đời thì “xa mặt cách lòng”. Chúa biết rõ nên Ngài “không dám” xa chúng ta, Ngài vẫn ở bên chúng ta, vậy mà thoáng một cái thì chúng ta lại quên Ngài. Quá tệ! Chúng ta có thể dễ “chê” ông Phêrô, ở bên Chúa hằng ngày mà vẫn… nhát đảm, chưa đánh đã khai! Với bản tính chất phác, thật thà, có sao nói vậy, và lại nóng tính hơn cả Trương Phi, chẳng thế mà khi thấy Thầy bị bắt, ông liền vung tay tuốt gươm ra, chém phải tên đầy tớ của thượng tế làm nó đứt tai (x. Mt 26:51), nên ông hùng hồn quả quyết chắc như đinh đóng cột: “Dầu tất cả có vấp ngã vì Thầy đi nữa, thì con đây cũng chẳng bao giờ vấp ngã” (Mt 26:33). Ông còn tái khẳng định: “Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy” (Mt 26:35). Tất cả các môn đệ cũng đều nói như vậy. Ấy thế mà chỉ là mấy đầy tớ gái trong đêm tối chợt nhận ra ông trong số người đi theo Chúa Giêsu thì ông đã giật thót người và “vô tư” chối Chúa đến 3 lần (x. Mt 26:69-75). Nếu là chúng ta chắc là còn tệ hơn, “giả nai” và bỏ của chạy lấy người thôi!
Thánh Phêrô “đại diện” cho chúng ta trong việc… chối Chúa. Chúa bị phụ tình. Tất nhiên Ngài đau lắm, Ngài đau không chỉ một lần mà đau hàng tỷ lần vì nhân loại hằng ngày phụ tình Ngài. Khi bằng an thì Thầy Thầy, con con – hy vọng có thể được hưởng “ké” gì đó; khi Thầy bị bắt thì trò chạy mất dép, chối leo lẻo – vì quá thất vọng, bị vỡ mộng, không còn “xơ múi” gì, vậy là… hết!.
Trong vườn Ghết-sê-ma-ni, Chúa Giêsu đã toát mồ hôi hột vì quá run sợ và quá đau khổ nên Ngài đã phải hai lần thốt lên: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26:39), và “Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin vâng ý Cha” (Mt 26:42). Nhưng Ngài chấp nhận vì tuân phục, vui nhận chứ không miễn cưỡng, không phải là không nhận cũng không được.
Nỗi đau này tiếp nỗi đau khác. Không chỉ bị phụ tình mà Ngài còn bị lợi dụng khi Giuđa nhân danh điều tốt để làm điều xấu: “Tôi hôn ai thì chính là người đó. Các anh bắt lấy!” (Mt 26:48). Nụ hôn là biểu hiện yêu thương mà lại bị biến thành dụng cụ phản trắc. Chúa Giêsu đã biết trước: “Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con” (Ga 13:18). Ăn cháo đá bát, lật lọng. Buồn vô hạn! Và một lần nữa, Ngài lại bị đau khổ đến tột cùng! Chúng ta đừng vội trách ông Giuđa vì chúng ta cũng đã, đang và sẽ lợi dụng lòng nhân hậu của Chúa, dám nhân danh lòng đạo đức mà cứ tưởng mình vì Chúa, và dám nhân danh lòng tốt mà làm tổn hại người khác bằng nhiều cách.
Sau khi họ bắt trói Chúa đi, họ hành hạ và sỉ nhục Chúa Giêsu đủ cách, họ còn khạc nhổ vào mặt Ngài và đấm đánh Ngài. Có kẻ lại tát Ngài và nói: “Ông Kitô ơi, hãy nói tiên tri cho chúng tôi nghe đi: Ai đánh ông đó?” (Mt 26:67-68). Nếu có ở đó, chắc hẳn chúng ta cũng phải “nóng gáy” mà lầm bầm theo kiểu nói ngày nay: “Đồ đểu!”.
Tột đỉnh đau khổ, tột đỉnh nhục nhã, tột đỉnh cô đơn, vì Chúa Giêsu không còn ai dám nhận mình là người quen, có người chỉ dám đứng xa xa xem sao. Thế nên Chúa Giêsu lại thốt lên: “Ê-li, Ê-li, lê-ma xa-bác-tha-ni – Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27:45). Máu ra nhiều, Ngài kêu khát thì người ta lại nỡ lòng cho Ngài nếm giấm chua (x. Ga 19:28-29). Và thế là kết thúc bản hùng ca Liên Khúc Khổ Đau, thế là hoàn tất!
Lòng Thương Xót Chúa quá kỳ lạ, quá cao vời, quá mầu nhiệm. Ước gì mỗi người chúng ta khả dĩ cảm nhận Tình Yêu ấy như Chân phước Lm Ludovico Casoria: “Tình yêu Chúa Kitô đã chạm đến trái tim tôi” (Christ’s love has wounded my heart).
Người ta thường nói: “Yêu là khổ, không yêu thì lỗ, thà chịu khổ hơn chịu lỗ”. Nhưng đó chỉ là nói… cho vui. Thực tế có nhiều người “bị lỗ” liền tìm cách hại người không yêu mình, thậm chí là giết chết người đó. Còn với Chúa thì không đùa giỡn, rất thật: “Ai muốn theo Tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9:23). Thánh Phaolô kinh nghiệm đầy mình: “Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh” (Cl 1:24). Yêu là phải khổ, như một quy luật tất yếu muôn thuở, không thể nói suông, bởi vì “nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người: đó là niềm tin của chúng ta” (Rm 6:8).
Chắc hẳn nhiều người còn nhớ các vĩ nhân là chính trị gia Mohandas Karamchand Gandhi và mục sư Martin Luther King.
Mohandas Karamchand Gandhi (2.10.1869 – 30.1.1948) được dân Ấn Độ tôn vinh là thánh nhân, là người cha của dân tộc, vì ông đã hết lòng vì nhân dân đến nỗi thân xác ông ốm o gầy mòn. Lúc 15 tuổi, ông thiếu tiền nên ăn cắp chiếc đồng hồ vàng của người cha. Lương tâm ông không ngừng bị day dứt, nhưng ông không dám nói thẳng với cha mà viết vào giấy rồi đưa cho cha. Ông đứng run lẩy bẩy chờ hình phạt. Người cha xem giấy xong liền xé nát, rồi nói: “Thôi được, dù sao con cũng biết nhận lỗi”. Sau đó, người cha ôm hôn đứa con thắm thiết.
Ông là người giải hòa giữa người Hindu và Hồi giáo. Phương pháp hành động của ông là khuyến khích, phi bạo lực và chân thật – gọi là Satyagraha. Ông bị bắt nhiều lần ở Anh và Nam Phi vì hoạt động chính trị, giành độc lập cho Ấn Độ năm 1947. Nhưng ngày 30.1.1948, một người Hindu cuồng tín là Nathuram Godse đã đâm ông 3 nhát dao oan nghiệt khiến ông gục ngã. Trước khi chết, ông còn thốt lên: “Chúa ơi! Chúa ơi!” và xin tha thứ cho người sát hại mình. Ông thật xứng đáng được người dân Ấn Độ tôn xưng là “Mahatma” (Tâm hồn Vĩ đại).
Martin Luther King (sinh 15-1-1929, mất 4-4-1968), người Mỹ da đen, đoạt giải Nobel Hòa bình năm 1964, khi ông mới 35 tuổi. Năm 1957, ông thành lập tổ chức Southern Christian Leadership Conference (Hội nghị Lãnh đạo Kitô giáo Nam phương), lý tưởng của tổ chức này ông rút ra từ Kitô giáo, cách hoạt động được áp dụng theo kiểu của Gandhi.
Trong những năm hoạt động từ 1957–1968, ông đi nhiều nơi và viết nhiều sách báo để bảo vệ công lý. Ông hướng dẫn 250.000 người biểu tình ở Washington, D.C., và hô to khẩu hiệu: “Tôi có Mơ ước” (I Have a Dream). Ông hoạt động chống kỳ thị chủng tộc nên bị bắt 20 lần và bị tấn công 4 lần, được tạp chí Time bình chọn là Nhân vật của năm 1963. Ông không chỉ là biểu tượng lãnh đạo của người Mỹ da đen mà còn là nhân vật của thế giới. Ông bị ám sát ngày 4-4-1968 tại phòng khách sạn ở Memphis, Tennessee, còn nhà ông bị bỏ bom.
Thánh LM Maximilien Kolbe đã bằng lòng chết thay cho một người bạn tử tù, Thánh GH Gioan-Phaolô II đã đích thân đến tận nhà tù để tha thứ cho chính kẻ đã ám sát ngài. Và còn nhiều những tâm hồn cao thượng chứa đầy tình yêu thương như vậy. Đó là những chứng nhân của Lòng Thương Xót Chúa – hôm qua, hôm nay, và mãi mãi…
Những con người như vậy đều có lý tưởng sống cao, đồng thời cũng có lòng yêu thương kỳ lạ, dám sống “khác người”, nhưng Đức Kitô còn “khác người” hơn nhiều – như trong ba dụ ngôn điển hình về Lòng Thương Xót: con chiên bị lạc (Ga 15:4-7), đồng bạc bị mất (Ga 15:8-10), người cha nhân hậu (Ga 15:11-31). Họ dám xả thân cho người-mình-yêuvì họ khao khát yêu thương cháy bỏng. Họ không chỉ vĩ đại mà thực sự là thánh nhân vậy. Chính Chúa Giêsu đã xác định: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15:13).
Bản Trường ca Đau khổ không được Chúa Giêsu nói rõ nhưng Ngài có cách nói khác: “Ngày nào có cái khổ của ngày đó (Mt 6:34). Điều đó có nghĩa là chẳng bao giờ hết đau khổ, và như vậy còn hơn là bản trường ca nữa! Và mỗi chúng ta cũng phải là một nốt nhạc nhỏ trong bản trường ca đó để cùng hòa âm với “nốt khổ” chủ yếu chính là Đức Giêsu Kitô.
Lạy Thiên Chúa là Vua các vua nhưng dịu hiền, là Thẩm phán tối cao công minh nhưng nhân hậu, là người Cha yêu thương vô cùng, chúng con thật bất xứng. Vạn lạy Ngài, xin xót thương và tha thứ, “chúng con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa” (Lc 15:18-19). Nhưng chúng con vững tin vào Tình Chúa bao la và luôn tín thác vào Lòng Thương Xót của Ngài. Từ nay, “xin tạo cho chúng con tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho chúng con nên chung thuỷ và ban lại cho chúng con niềm vui được Ngài cứu độ” (Tv 51:12 & 14).
Vì Cuộc Khổ Nạn đau thương của Chúa Giêsu, vì Bửu Huyết của Chúa Giêsu, và vì Châu Lệ của Thánh Mẫu Maria, xin Chúa cứu độ các linh hồn và cả thế giới. Chúng con muốn trở thành lưỡi đòng đâm thấu Thánh Tâm Chúa để được ở trong đó mãi mãi. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa của chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Tam Nhật Thánh Năm Thánh Lòng Thương Xót – 2016
CHAI CỨNG và MỀM MẠI
Tuần Thánh là đỉnh cao của Phụng Vụ – đặc biệt là Tam Nhật Thánh, Tam Nhật Vượt Qua. Tuần Thánh có nhiều màu, đa sắc, cảm xúc thay đổi cũng đa dạng. Tuần Thánh khiến chúng ta cảm thấy miên man… miên man… với cảm giác khó tả.
Niềm vui tưng bừng mà bí ẩn khi Chúa Giêsu thiết lập Bí tích Thánh Thể và Chức Linh Mục, nỗi buồn trầm hùng chứ không trĩu nặng khi Chúa Giêsu chịu chết trên Đồi Can-vê để cứu độ nhân loại, nỗi mừng tột độ khi Chúa Giêsu phục sinh khải hoàn. Lòng người bị hút sâu vào Mầu Nhiệm Cứu Độ.
Một bản nhạc có thể nghe nhiều lần nhưng rồi cũng chán, một vở kịch có thể xem nhiều lắm là vài lần rồi cũng nhàm – dù là bi kịch hoặc hài kịch, với sách hoặc phim cũng vậy. Tuy nhiên, có một vở kịch xem hoài không chán: Thánh Lễ. Thật lạ lùng là không thấy chán khi tham dự Thánh Lễ, dù rất quen và thuộc lòng; ngược lại, càng tham dự Thánh Lễ thì càng bị thu hút. Một điều rất kỳ diệu!
Hai động thái “lấn cấn” khiến chúng ta cảm thấy “khó chịu” là sự phản bội của ông Giuđa và ông Phêrô. Sự “khó chịu” đó không phải để xét đoán người mà là PHẢI “tự rờ gáy” mình: Tiên trách kỷ, hậu trách nhân.
1. PHẢN BỘI và CHAI CỨNG
Chai cứng hoặc xơ cứng là tình trạng “tê liệt” của một cơ phận nào đó, dạng xơ cứng đó thường là ung thư – chẳng hạn, chứng xơ gan. Và như vậy là “bất trị” 99% rồi!
Trình thuật Mt 26:14-25 cho biết rằng ông Giuđa Ít-ca-ri-ốt đã đi gặp các thượng tế và đặt vấn đề với họ: “Tôi nộp ông ấy cho quý vị thì quý vị muốn cho tôi bao nhiêu?”. Họ quyết định cho hắn ba mươi đồng bạc. Và từ lúc đó, ông ta CỐ TÌM DỊP THUẬN TIỆN để nộp Đức Giêsu.
Ông Giuđa đã cố ý phản bội dù biết lâu nay người ta vẫn luôn tìm cách gài bẫy hãm hại Thầy Giêsu, và ông ta đã nỡ lòng bán đứng Thầy của mình cho bọn gian ác, những kẻ lòng lang dạ thú.
Ông Giuđa phạm tội phản bội nhưng lòng ông đã chai cứng, vẫn cứ trơ trơ và còn “giả nai” nữa. Thánh Mátthêu cho biết rằng vào ngày thứ nhất trong tuần bánh không men, các môn đệ hỏi Đức Giêsu về nơi ăn lễ Vượt Qua. Ngài bảo họ vào thành, đến nhà một người kia và nhắn lại lời Thầy là Thầy sẽ đến nhà ông ta để ăn mừng lễ Vượt Qua. Các môn đệ ra đi và làm y như Thầy Giêsu đã truyền.
Chiều đến, Đức Giêsu vào bàn tiệc với mười hai môn đệ. Đang bữa ăn, Ngài nói: “Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp Thầy”. Các môn đệ buồn rầu quá sức, lần lượt hỏi Thầy xem kẻ đó là ai. Ngài nói: “Kẻ giơ tay chấm chung một đĩa với Thầy, đó là kẻ nộp Thầy. Đã hẳn Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người: thà nó đừng sinh ra thì hơn!”. Dù đã có ý định bán Thầy mà chính Giu-đa cũng vẫn giả hình, vẫn tỏ vẻ thản nhiên và “vô tư” hỏi: “Ráp-bi, chẳng lẽ con sao?”. Chúa Giêsu nhìn ông và trả lời: “Chính anh nói đó!”.
Sự xơ cứng của cơ thể là bất trị, thật là nguy hiểm, nhưng sự xơ cứng của tâm hồn càng nguy hiểm hơn. Chai lì trong tội lỗi là chứng “ung thư tâm linh” nguy hiểm nhất! Và đó cũng chính là tội phạm tới Chúa Thánh Thần. Thánh Mátthêu cho biết: “Ai nói phạm đến Con Người thì được tha; nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần sẽ chẳng được tha, cả ĐỜI NÀY lẫn ĐỜI SAU” (Mt 12:32). Thánh Máccô nói rõ chi tiết hơn: “Mọi tội của con cái loài người, kể cả tội nói phạm thượng, và nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng còn được tha. Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn MẮC TỘI MUÔN ĐỜI” (Mc 3:28-29).
Người tin thì không cần giải thích, người không tin thì có giải thích cũng vô ích. Cũng vậy, người muốn được tha thứ thì cậy nhờ Lòng Chúa Thương Xót, người không muốn được tha thứ thì làm sao mà tha thứ đây? Đúng là Chúa cũng “bó tay” thôi mà!
Sự phản bội của ông Giuđa “đại diện” cho sự phản bội của chúng ta – phạm tội là phản bội Chúa. Để rồi chính Con Thiên Chúa phải đích thân nhập thế và nhập thể, hóa thành nhục thể, hầu cứu độ chúng ta. Vì sự phản bội liên tục của mỗi chúng ta mà Chúa Giêsu phải chịu vô vàn nỗi ô nhục, như Thánh Vịnh đã mô tả: “Con bị lún sâu xuống chỗ sình lầy, chẳng biết đứng vào đâu cho vững, thân chìm ngập trong dòng nước thẳm, sóng dạt dào đã cuốn trôi đi. Kêu hoài nên kiệt sức, họng con đã ráo khô; đôi mắt đã mỏi mòn bởi trông chờ Thiên Chúa. Kẻ vô cớ ghét con nhiều hơn tóc trên đầu, bọn thù con vô lý lại mạnh thế hơn con. Chẳng lấy chi của người, thế mà con phải trả!” (Tv 69:3-5).
Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí. Đau khổ dồn dập, ngay cả những người thân cận nhất cũng quay lưng: “Cả người bạn thân con hằng tin cậy, đã cùng con chia cơm sẻ bánh, mà nay cũng giơ gót đạp con!” (Tv 41:10). Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng, đau khổ cứ phải chịu cho đến tận cùng: “Thay vì đồ ăn, chúng trao mật đắng, con khát nước, lại cho uống giấm chua” (Tv 69:22). Đau khổ không thể nào diễn tả bằng phàm ngôn, đau khổ cùng cực đến nỗi mà Chúa Giêsu, theo nhân tính, cũng đã phải thốt lên: “Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27:46; Mc 15:34).
Tất cả chúng ta đều có “máu phản bội” như Giuđa (kể cả máu giả hình” của nhóm Pharisêu). Tất cả chúng ta cũng đã và đang, thậm chí là sắp hoặc sẽ phản bội Thầy Giêsu. Lạy Chúa tôi!
2. PHẢN BỘI và MỀM MẠI
Ông Phêrô cũng phạm tội phản bội, nhưng tâm hồn ông không chai lì mà lại hóa mềm mại, mềm nhũn luôn, sau khi “chạm” ánh mắt của Thầy Giêsu.
Sau khi Chúa Giêsu nói rằng Satan đã xin được sàng thế gian như sàng gạo, nhưng Ngài đã cầu nguyện để chúng ta đủ sức duy trì đức tin, ông Phêrô đã mạnh mẽ nói ngay: “Lạy Chúa, dầu có phải vào tù hay phải chết với Chúa đi nữa, con cũng sẵn sàng” (Lc 22:32). [Thánh Mát thêu và Thánh Máccô ghi: “Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy” (Mt 26:35; Mc 14:31)]. Tất cả các môn đệ cũng đều quyết tâm như vậy. Thế nhưng… hỡi ơi, nói hay mà làm không được. Đúng là “nói trước, bước không qua” mà!
Chối Chúa là phản bội. Tội to lắm. Mà không chỉ MỘT lần, ông Phêrô đã chối Chúa đến BA lần (Mt 26:34; Mc 14:30; Lc 22:34). Phạm tội ba lần trong một khoảng thời gian ngắn thôi. Kinh khủng thật! Mà đâu phải chối Chúa trước mặt vua quan quyền thế chi cho cam, những người nói ông Phêrô có “quen biết” với Chúa Giêsu chỉ là đám dân đen, mấy đầy tớ, lũ nữ tỳ. Thế mà ông Phêrô đã run như cầy sấy vì sợ “dính líu” với Thầy Giêsu, sợ liên can, sợ liên lụy, sợ khó đến thân nên bỏ của chạy lấy người. Tội to lắm!
Thế nhưng khi ông lén nhìn theo Thầy, ánh mắt ông đã gặp ánh mắt Thầy. Và ông biết mình sai, trái tim ông đã mềm mại. Ông nhớ lại lời Thầy đã nói trước, thế là ông bật khóc, khóc vì xấu hổ, khóc vì đã hèn nhát.
Vâng, Thiên Chúa chí minh, thấu suốt mọi sự, biết trước tất cả những điều chưa xảy ra. Thật vậy, Ngài cũng đã nói trước với ông Phêrô: “Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh” (Lc 22:32).
Tội phản bội của ông Giuđa và của ông Phêrô đều là “tội tày trời”, nhưng hai người có kết cuộc khác nhau. Một người để cho trái tim hóa chai cứng, còn một người để cho trái tim hóa mềm nhũn.
3. VĨ NGÔN
Tam Nhật Thánh khởi đầu. Khi tưởng niệm và thông hiệp với Đức Kitô – Người-Tôi-Trung-Đau-Khổ, chúng ta cùng nhau chân thành cầu xin: “Lạy Chúa Trời, Ngài biết con điên dại, lỗi lầm con, làm sao giấu được Ngài! Lạy Chúa là Chúa Tể càn khôn, xin cho những người trông đợi Chúa đừng vì con mà phải thẹn thùng (Tv 69:6-7), xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ (Tv 51:12), xin ban lại cho con niềm vui vì được Ngài cứu độ, và lấy tinh thần quảng đại đỡ nâng con” (Tv 51:14).
Và chúng ta cùng cầu nguyện với Thánh nữ Faustina: “Lạy Chúa, niềm hy vọng duy nhất của con, con xin đặt trọn niềm tín thác vào Ngài, và con biết con sẽ không thất vọng” (Nhật Ký, số 317).
Lòng Chúa Thương Xót bao la, vô biên, khôn tả, chúng ta không thể lý giải và không thể hiểu hết. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, Chúa Giêsu đã cầu xin Chúa Cha tha thứ cho chính những kẻ thủ ác: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23:34).
Ôi, Lòng Chúa Thương Xót quá đỗi kỳ diệu. Thật là mầu nhiệm. Chúng ta chỉ còn biết cúi đầu sám hối, để cho trái tim mềm nhũn, chân thành tín thác để được hưởng nhờ Ơn Cứu Độ từ Máu và Nước tuôn trào từ Thánh Tâm của Thầy Giêsu chí thánh: “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Ngài”.
TRẦM THIÊN THU
Tam Nhật Vượt Qua – 2016
RỬA CHÂN
Khi tham dự phụng vụ ngày Thứ Năm Tuần Thánh, chúng ta hãy suy niệm những bài học Chúa Giêsu đã làm.
Rửa là hành động làm cho sạch. Cái gì cũng phải rửa mới sạch, thân xác cần được rửa đã đành, chính tâm hồn cũng cần được rửa để làm sạch những “vết nhơ.”
Rửa chân là bổn phận phục vụ và là công việc của tôi tớ (hoặc nô lệ). Ngày xưa, tôi tớ phải rửa chân cho chủ. Rửa chân là một cách phục vụ của tôi tớ. Chúa Giêsu là Thầy và là Chúa nhưng Ngài đã hạ mình để làm việc của tôi tớ mà rửa chân cho người khác, dù Ngài đã xác định: “Tôi tớ không trọng hơn chủ” và “kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi.” Trước khi các Giáo hoàng ký các văn bản, truyền thống Giáo hội có “cách nói” khiêm nhường thật tuyệt vời: “Tôi tớ của các tôi tớ.”
Có lẽ chân đi nhiều nên phải rửa. Tay muốn phạm tội mà chân không đi thì cũng… “bó tay.” Rửa chân còn có nghĩa là yêu thương, khiêm nhường, phục vụ và tha thứ.
Rửa Chân Là Yêu Thương
Trong Phúc âm, thánh Gioan ghi chép lại nghi lễ rửa chân do chính Chúa Giêsu thực hiện vào đêm cuối đời Ngài trên thế gian. Đây là điểm khác so với các Phúc âm nhất lãm. Rửa chân người khác là hành động yêu thương. Nghi thức rửa chân chỉ có trong Phúc âm của thánh Gioan – là “chàng trai trẻ” tự xưng “người môn đệ Chúa yêu” và vì thế mà thánh Gioan cũng rất thích nói về tình yêu. Người rửa chân là “người thực hành yêu thương,” còn người được rửa chân là “người được yêu thương” – và cũng có trách nhiệm yêu thương người khác.
Tình yêu là bản chất của Thiên Chúa, như thánh Gioan định nghĩa: “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4:8). Tình yêu ấy là Lòng Thương Xót vô biên của Ngài, là khối tình cuồng si không ai hiểu thấu: “Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Ngài đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Ngài đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1 Ga 4:10). Tình yêu có lý lẽ riêng của con tim mà lý trí không thể hiểu hết, nó có những nghịch lý vừa “kỳ diệu” vừa “dễ thương” và khả dĩ chấp nhận. Thánh Gioan phân tích: “Nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, và tình yêu của Ngài nơi chúng ta mới nên hoàn hảo” (1 Ga 4:12). Đại văn hào Victor Hugo cũng có ý tưởng độc đáo: “Ai khổ vì yêu, hãy yêu hơn nữa. Chết vì yêu là sống trong tình yêu.” Chết vì yêu lại là sống trong tình yêu. Quá ngược đời, và lạ thật! Người đời còn nhận ra như vậy, huống chi Thiên Chúa.
Rửa Chân Là Khiêm Nhường
Người có lòng yêu thương thì luôn sống khiêm nhường. Mà khiêm nhường chính là nền tảng mọi nhân đức. Rửa chân người khác là động thái chứng tỏ sự khiêm nhường, khi chúng ta làm vậy là chúng ta vâng lời mà thực hành mệnh lệnh Chúa Giêsu đã truyền dạy. Chúa Giêsu quan tâm công việc mà người ta cho là hèn hạ đó, thế nên chúng ta cũng phải noi gương mà làm với sự vui vẻ và lòng khiêm nhường, khi đó chúng ta sẽ cảm nghiệm được ý nghĩa sâu xa để hiểu đúng và làm đúng. Ý nghĩa sâu sắc này sẽ giúp chúng ta nhận ra tầm quan trọng của gương Chúa Giêsu đối với chúng ta ngày nay.
Có vẻ lạ khi 3 tác giả phúc âm kia (Mátthêu, Máccô và Luca) tập trung vào Bánh và Rượu mà Chúa Giêsu biến thành Mình Máu Ngài lúc Ngài thiết lập Bí tích Thánh Thể vào chiều tối ngày Thứ Năm Tuần Thánh, buổi tối cuối cùng của đời Ngài. Tông đồ Gioan lại có cái nhìn hoàn toàn khác. Chúng ta biết rằng “người môn đệ Chúa yêu” ghi lại đầy đủ các hành động và lời nói của Chúa Giêsu, còn các tác giả kia không ghi lại. Câu trả lời có thể đơn giản là Gioan cảm thấy nghi thức rửa chân cần được thuật lại trong Tân ước. Mặt khác, Gioan có thể nhận thấy có sự nối kết trực tiếp giữa việc rửa chân và “việc làm khác thường” của Đức Kitô trong cuộc đời Ngài, trong cái chết của Ngài và sự sống đời sau.
Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã noi gương Chúa Giêsu một cách trọn vẹn, không chỉ rửa chân cho người khác mà còn cúi xuống hôn chân người được rửa chân. Một động thái “kỳ lạ” gây ấn tượng rất sâu sắc, nhưng thật là dễ thương!
ĐGH Phanxicô, lúc còn là Hồng y Bergoglio TGM của TGP Buenos Aires, ngài cũng đã rửa chân và hôn chân người được rửa. Một biểu hiện của đức khiêm nhường và tôn trọng nhân vị của người khác. Ngài chỉ thở bằng một lá phổi từ hồi thiếu niên, nhưng ngài vẫn khỏe mạnh vì lá phổi đó hít thở không-khí-yêu-thương của Đức Kitô. Ngài sống giản dị, thương người nghèo, tự nấu ăn và không có xe đưa rước, sống cầu nguyện, điều đó cho thấy ngài là một người thánh thiện.
Ngày nay khó tìm được những linh mục, giám mục và hồng y sống khó nghèo như vậy. Không can đảm thì không thể sống nghèo và sống phục vụ trong yêu thương! ĐGH Phanxicô đã và đang làm gương cho mọi người là HÀNH ĐỘNG chứ không NÓI SUÔNG, nhất là đối với những người Công giáo, và đặc biệt là đối với các giáo sĩ.
Rửa Chân Là Phục Vụ
Người có lòng khiêm nhường thì luôn sẵn sàng phục vụ người khác. Chúa Giêsu xác định: “Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em” (Mt 20:26). Ngài không nói cho có lệ, không nói suông, mà chính Ngài đã nêu gương và xác định: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20:28; Mc 10:45).
Nghi thức rửa chân được ghi lại trong Ga 13:1-17 cho chúng ta một cái nhìn mới về tính cách của Đấng Cứu Độ. Khi nào chúng ta áp dụng bài học “độc nhất vô nhị” này trong đời sống, chúng ta sẽ có thể hiểu hơn về lý do có người vẫn cố gắng đi tìm hạnh phúc mà chưa đạt được trọn vẹn, còn có người lại may mắn đầy ắp niềm vui sướng – như người Việt Nam nói: “Sướng từ trong trứng sướng ra” hoặc “đẻ bọc điều.” Đây cũng là một bí ẩn mầu nhiệm của cuộc đời, một dạng “vô cực.”
Chúa Giêsu đã làm công việc mà người ta cho là hèn hạ, đó là rửa chân, nhưng không phải là rửa chân cho người trên mà là rửa chân cho người dưới quyền mình. Rõ ràng là Ngài không muốn được phục vụ mà chỉ muốn phục vụ. Tuy nhiên, đó cũng chính là mệnh lệnh của Ngài: “Anh em gọi Thầy là Thầy, là Chúa, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy mà còn rửa chân cho anh em thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13:13-16).
Thánh Luca cũng nói đến việc đó trong buổi tối lễ Vượt Qua: “Các ông còn cãi nhau sôi nổi xem ai trong Nhóm được coi là người lớn nhất. Đức Giêsu bảo các ông: Vua các dân thì dùng uy mà thống trị dân, và những ai cầm quyền thì tự xưng là ân nhân. Nhưng anh em thì không phải như thế, trái lại, ai lớn nhất trong anh em, thì phải nên như người nhỏ tuổi nhất, và kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ. Bởi lẽ, giữa người ngồi ăn với kẻ phục vụ, ai lớn hơn ai? Hẳn là người ngồi ăn chứ? Thế mà Thầy đây, Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ” (Lc 22:24-27).
Qua hành động, Chúa Giêsu cho thấy rõ rằng Ngài không đòi hỏi chúng ta làm gì cho Ngài, dù Ngài là Thủ lĩnh và Đại huynh của chúng ta, đáng lẽ Ngài phải được người khác phục vụ, thế mà Ngài lại phục vụ họ – tức là chúng ta, và Ngài không chỉ muốn mà còn bắt buộc chúng ta phải vui vẻ phục vụ nhau. Như vậy, chắc chắn sự phục vụ là thực chất của việc lãnh đạo.
Chúa Giêsu thích phục vụ, cả đời Ngài rong ruổi khắp nơi để phục vụ người khác – đặc biệt là những người nghèo khổ. Điều này được xác định qua mẩu đối thoại giữa Chúa Giêsu và tông đồ Phêrô trong trình thuật Ga 13:6-10: “Chúa Giêsu đến chỗ ông Phêrô, ông liền thưa với Ngài: “Thưa Chúa, Thầy mà lại rửa chân cho con sao?” Chúa Giêsu trả lời: “Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu.” Ông Phêrô lại thưa: “Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu!” Nhưng Chúa Giêsu nói ngay: “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy.” Sợ không được chung phần, ông Phêrô phấn khởi: “Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân mà cả tay và đầu con nữa.” Chúa Giêsu cười rất hiền: “Ai đã tắm rồi thì không cần phải rửa nữa, toàn thân người ấy đã sạch.” Và Ngài “láy” một câu quan trọng: “Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu!”
Rửa Chân Là Tha Thứ
Người mau mắn phục vụ thì dễ dàng tha thứ. Vì cảm nghiệm được ơn tha thứ nên muốn tha thứ, muốn rửa mình và rửa người khác. Ở đây, động từ “rửa” không chỉ là làm cho sạch mà còn là tha thứ. Phàm cái gì bẩn thì phải rửa, dù bẩn theo nghĩa đen hay nghĩa bóng. Thánh vương Đa-vít cũng đã cầu nguyện: “Xin rửa con sạch hết lỗi lầm; tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy” (Tv 51:4).
Rửa sạch là việc cần làm ngay, tha thứ cũng là việc cần làm càng sớm càng tốt và càng nhiều càng tốt. Có lần ông Phêrô hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” (Mt 18:21). Đức Giêsu đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy” (Mt 18:22). Không chỉ vậy, chúng ta còn phải yêu thương, tha thứ, cầu nguyện và làm ơn cho cả kẻ thù nữa (Mt 5:44; Lc 6:27). Khó quá, nhưng không được phép không làm!
Tha thứ mỗi ngày 1 lần cũng khó rồi, nhất là khi “sự xung đột” trầm trọng, huống chi mỗi ngày tha thứ 7 lần. Giáo hoàng Phêrô nghĩ mình có thể tha thứ 7 lần là “khá” lắm rồi, ai dè…!
Chúng ta thực sự may mắn nên có thể tạ ơn vì luôn tận hưởng hồng ân tha thứ mỗi khi chúng ta cần đến Lòng Thương Xót của Chúa. Nếu chúng ta không biết tha thứ thì chúng ta là người đầy tớ không biết thương xót đồng loại (x. Mt 18:23-35), nghĩa là chúng ta vừa ích kỷ vừa độc ác nên không thể được Thiên Chúa tha thứ!
Lòng Chúa Thương Xót quá lớn nên ơn tha thứ của Ngài cũng vô cùng, vẫn cầu xin Chúa Cha thương chính những kẻ đã dã tâm giết chết Ngài: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23:34).
Lạy Chúa, xin rửa chúng con được sạch. Xin giúp chúng con biết chân thành yêu thương, luôn sống khiêm nhường, vui vẻ phục vụ và mau mắn tha thứ cho nhau như Con Một Ngài. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ của chúng con. Amen.
Trầm Thiên Thu
DẠ TIỆC ÂN TÌNH
(Thứ Năm Tuần Thánh)
Lễ Vượt Qua hay lễ Quá Hải (Anh ngữ là Passover) là lễ quan trọng nhất của người Do Thái, kéo dài một tuần. Chiều ngày 14 tháng Ni-xan (khoảng tháng Ba, tháng Tư dương lịch), người ta sát tế chiên (cừu) tại đền thờ, rồi tư tế lấy máu chiên mà đổ dưới chân bàn thờ. Khi đêm xuống, người ta sẽ ăn tiệc Chiên Vượt Qua theo gia đình hay theo nhóm, rồi lấy chút máu chiên bôi lên cửa nhà.
Lễ Vượt Qua được cử hành như một cuộc tưởng niệm nhằm giúp mỗi người sống lại kinh nghiệm của cha ông họ được giải phóng khỏi ách nô lệ Ai Cập xưa kia. Trong bữa tiệc, người ta ăn thịt chiên với bánh không men và rau đắng (Xh 12:14), ngoài ra, họ cũng uống với nhau bốn chén rượu đã được vị chủ tọa bữa tiệc chúc lành để kỉ niệm bốn lời hứa của Thiên Chúa với dân Do Thái: [1] Ta sẽ đem các ngươi ra từ ách của Ai Cập; [2] Ta sẽ giải thoát các ngươi khỏi cảnh làm tôi mọi chúng; [3] Ta sẽ giương cánh tay mà chuộc lấy các ngươi; [4] Ta sẽ lấy các ngươi làm dân Ta, và Ta sẽ là Thiên Chúa các ngươi. Cuối bữa tiệc này, mọi người cùng hát Thánh Vịnh.
Bữa Tiệc Ly là Dạ Tiệc Vượt Qua, Chúa Giêsu dùng bữa với các môn đệ. Trong bữa tiệc này, Ngài làm hai điều quan trọng và kỳ lạ: thiết lập Bí Tích Thánh Thể và Ngài đích thân rửa chân cho các môn đệ. Cả hai hành động đó là dấu chỉ của yêu thương, của lòng thương xót.
Vậy yêu thương là thế nào? Yêu thương là CHO hay NHẬN? Có ai cân-đo-đong-đếm được tình yêu đâu mà sao biết kẻ yêu ít, người yêu nhiều?
Xưa nay, từ cổ chí kim, chưa có một định nghĩa nào về tình yêu trọn vẹn nhất khiến người ta thỏa mãn. Chữ Yêu rất đơn giản mà cũng rất nhiêu khê. Chỉ có một tình yêu đích thực nhưng được nhìn với nhiều lăng kính, mỗi người yêu mỗi cách và mức độ cũng rất khác nhau. Nói chung, yêu là CHO nhiều hơn NHẬN, yêu đến quên mình, đó mới là Tình Yêu chân chính, thế nên người ta mới nói “yêu là chết trong lòng”. Yêu là khổ, không khổ không là yêu, khổ đến “chết” mới là yêu! Không chỉ “chết trong lòng” mà chết thật, vì có những người đã dám liều chết vì quá yêu!
Việt Nam có chuyện tình Đồi Thông Hai Mộ và chuyện tình Lan và Điệp, còn Tây phương có chuyện tình Romeo và Juliet. Những chuyện tình thật lãng mạn và đẹp nhưng cũng đầy chất bi thương!
Yêu là khổ, không yêu thì lỗ, nên người ta cương quyết “thà chịu khổ hơn chịu lỗ”. Những người đó “ngon” thật và can đảm thật! Người ta còn gọi đó là “thú đau thương”. Đau thương mà lại “thú vị”, yêu như điên, đó mới là yêu thật lòng, vị tha chứ không vị kỷ. Chúa Giêsu đã xác định: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15:13). Sau những ngày tháng hoang đàng, Thánh Giám mục Tiến sĩ Augustinô đã hối tiếc: “Con yêu Chúa quá muộn màng”, và rồi thánh nhân nói thêm: “Mức độ yêu Chúa là yêu vô hạn”. Một mức độ kỳ lạ: giới hạn của yêu thương là yêu-không-giới-hạn!
Yêu thương liên quan hai động thái cần thiết: Vâng Phục và Phục Vụ.
VÂNG PHỤC VÌ YÊU THƯƠNG
Trình thuật Xh 12:1-8, 11-14 cho biết các chi tiết: Đức Chúa phán với ông Môsê và ông Aharon trên đất Ai Cập: “Tháng này, các ngươi phải kể là tháng đứng đầu các tháng, tháng thứ nhất trong năm. Hãy nói với toàn thể cộng đồng Ít-ra-en: Mồng mười tháng này, ai nấy phải bắt một con chiên cho gia đình mình, mỗi nhà một con. Nếu nhà ít người, không ăn hết một con, thì chung với người hàng xóm gần nhà mình nhất, tuỳ theo số người. Các ngươi sẽ tuỳ theo sức mỗi người ăn được bao nhiêu mà chọn con chiên. Con chiên đó phải toàn vẹn, phải là con đực, không quá một tuổi. Các ngươi bắt chiên hay dê cũng được. Phải nhốt nó cho tới ngày mười bốn tháng này, rồi toàn thể đại hội cộng đồng Ít-ra-en đem sát tế vào lúc xế chiều, lấy máu bôi lên khung cửa những nhà có ăn thịt chiên. Còn thịt, sẽ ăn ngay đêm ấy, nướng lên, ăn với bánh không men và rau đắng”. Luật cũ chú trọng cách sống tự nhiên của con người, và cách hành lễ cũng “thực tế” hơn ngày nay, nhưng đó là thể hiện sự vâng lời – vâng lời Chúa nghĩa là yêu mến Chúa.
Học ăn, học nói, học gói, học mở. Đầu tiên là phải học ăn. Cách ăn cũng có luật: lưng thắt gọn, chân đi dép, tay cầm gậy. Cách ăn “lạ” nhất là “phải ăn vội vã”, vì đó là lễ Vượt Qua mừng Đức Chúa. Đêm ấy Thiên Chúa rảo khắp đất Ai Cập, sát hại các con đầu lòng trong đất Ai Cập, từ loài người cho đến loài thú vật, và sẽ trị tội chư thần Ai Cập. Nghe vậy chúng ta cảm thấy Chúa “dữ tợn” quá. Nhưng không, luật cũ là luật tự nhiên, những gì là “đầu tiên” được dành ưu tiên cho Thiên Chúa, gọi là “của lễ đầu mùa”, kể cả con đầu lòng. Ngày nay, một số dân tộc vẫn có cách mừng thu hoạch như lễ mừng lúa mới, lễ mừng thu hoạch,…
Vết máu bôi trên nhà là dấu hiệu vâng phục, tức là “giữ luật”, và là “dấu hiệu tình yêu”. Những người trong nhà đó sẽ không bị tai ương tiêu diệt khi Thiên Chúa giáng hoạ trên đất Ai Cập. Ngày đó được chọn làm ngày tưởng niệm, ngày đại lễ mừng Đức Chúa. Đó là luật quy định cho đến muôn đời. Luật đó là hồng ân Chúa ban. Ngài ban đủ thứ ân sủng để con người đủ sức “vượt qua” biển đời. Thiên Chúa YÊU nhiều nên CHO nhiều, còn chúng ta NHẬN quá nhiều mà yêu chẳng bao nhiêu, thế nên:
Lấy chi đáp đền Chúa đây
Vì bao ân huệ chính Ngài đã ban? (Tv 116:12)
Dù thật lòng muốn đền đáp ơn Chúa nhưng chẳng có gì để dâng, nếu có thì cũng chẳng có gì xứng đáng. Thân phận bụi tro mọn hèn cả dám thân thưa:
Con nâng chén hồng ân cứu độ
Mà xưng tụng danh Chúa mãi thôi (Tv 116:13)
Thời quân chủ, thần dân không được ngước nhìn Long Nhan, ai nhìn sẽ bị tội khi quân và phải chết. Thần dân muốn tâu trình điều gì phải quay hướng khác và không được tâu trực tiếp mà chỉ được tâu với cái “bệ rồng” Vua ngồi: “Muôn tâu bệ hạ”. Thế nhưng, đối với Thiên Chúa là Vua các vua và Chúa các chúa, thân sâu bọ chúng ta lại được diện kiến Tôn Nhan thì quả là vô cùng diễm phúc: “Trước Thánh Nhan thật là quý giá, cái chết của những ai hiếu nghĩa với Ngài” (Tv 116:15). Chúng ta chỉ là tôi tớ Ngài, con của nữ tỳ Ngài, thế mà lại được diễm phúc thì phải ghi lòng tạc dạ thâm ân này: “Con sẽ dâng hiến lễ tạ ơn mà xưng tụng danh Chúa” (Tv 116:17), đồng thời phải chân thành tự thề hứa: “Lời khấn nguyền với Chúa, con xin giữ trọn, trước toàn thể Dân Ngài” (Tv 116:18).
PHỤC VỤ VÌ YÊU THƯƠNG
Biết thì phải chia sẻ cho người khác, trừ khi người ta không muốn được chia sẻ. Chia sẻ là một dạng yêu thương: cho, tặng, biếu. Chính Thánh Phaolô đã xác nhận: “Điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em” (1 Cr 11:23). Rồi ngài kể lại việc Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy”, và cuối bữa thì Chúa Giêsu nói: “Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy” (1 Cr 11:24-25). Thánh Phaolô giải thích: “Từ nay cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết” (1 Cr 11:26), do đó mà chúng ta hằng ngày tuyên tín trong mỗi Thánh lễ: “Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa chịu chết, và tuyên xưng Chúa sống lại, cho tới khi Chúa đến”, hoặc “Lạy Chúa, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, chúng con loan truyền Chúa chịu chết cho tới khi Chúa đến”.
Ngay trước Lễ Vượt Qua, Đức Giêsu biết “giờ của Ngài” đã đến, đó là giờ Ngài phải bỏ thế gian mà về với Thiên Chúa Cha. Ngài yêu thương mọi người đến giọt Nước và giọt Máu cuối cùng, Ngài không muốn xa chúng ta, nhưng Ngài phải tuân phục Thánh Ý của Chúa Cha.
Đức Giêsu biết rõ Giuđa nghĩ gì, tính toán ra sao, và sắp làm gì. Nhưng Thánh Ý Chúa Cha nhiệm mầu. Thế nhưng, có người lập luận rằng “quỷ sứ không được cứu độ”. Giuđa bị gọi là quỷ sứ, Phêrô bị gọi là satan, mà quỷ sứ và satan có khác nhau? Sao satan được cứu độ mà quỷ sứ lại không được? Có gì lấn cấn? Thật ra chẳng ai dám phán xét, cũng chằng ai xứng đáng mà có quyền kết án ông Giuđa. Đừng chỉ “săm soi” một vài khía cạnh nào đó rồi quyết đoán. Tại sao Tội Nguyên Tổ lại được Giáo hội gọi là Tội Hồng Phúc? Thật là mầu nhiệm, vì Lòng Chúa Thương Xót lớn hơn mọi tội lỗi của cả nhân loại kia mà!
Chúa Giêsu bởi Thiên Chúa mà đến, và Ngài sắp phải trở về cùng Thiên Chúa. Do đó, trong một bữa ăn, Ngài đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Ngài đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau. Chắc hẳn môn đệ nào cũng ngạc nhiên vô cùng khi thấy Sư phụ hành động “kỳ cục nhất thế gian”.
Thế nên, khi Ngài đến chỗ ông Simôn Phêrô, ông liền thưa: “Thưa Thầy! Thầy mà lại rửa chân cho con sao?” (Ga 13:6). Không hề có bề trên nào dám làm chuyện “ngược đời” và “động trời” như vậy. Nghe Phêrô nói, Đức Giêsu trả lời: “Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu” (Ga 13:7). Ông Phêrô chưa thể hiểu nên lại thưa: “Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu!” (Ga 13:8a). Đức Giêsu đáp: “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy” (Ga 13:8b). Nghe Thầy nói “không được chung phần” thì ông Phêrô liền thưa: “Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con nữa” (Ga 13:9). Nhưng Đức Giêsu bảo ông: “Ai đã tắm rồi, thì không cần phải rửa nữa; toàn thân người ấy đã sạch. Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu!” (Ga 13:10). Ông Phêrô cụt hứng, chẳng khác như bị tạt nước lạnh. Rõ ràng Ý CHÚA HOÀN TOÀN KHÁC HẲN Ý LOÀI NGƯỜI. Ngài rất thâm ý nên mới nói: “Không phải tất cả anh em đều sạch”.
Rửa chân cho các môn đệ xong, Ngài mặc áo vào, về chỗ và nói: “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không?” (Ga 13:11). Hỏi vậy thôi, chứ Ngài biết tỏng là chẳng ai hiểu, vì ông nào cũng “mắt chữ O và miệng chữ A”, cứ như trời trồng hết thảy. Thấy thế, Chúa Giêsu nói luôn: “Anh em gọi Thầy là Thầy, là Chúa, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13:13-15).
Chữ Yêu bắt đầu bằng mẫu tự Y có hình “ngã ba”, nghĩa là có 3 hướng: Hướng lên Chúa, hướng tới tha nhân, và hướng về chính mình. Yêu Chúa hết linh hồn và hết trí khôn, yêu người như chính mình, yêu mình ít thôi – không được yêu mình thái quá (tự ái là yêu mình thái quá, là ích kỷ). Yêu có những hệ lụy quan yếu. Yêu là điều luôn có mối liên kết quan trọng: Cần thiết --> thiết tha --> tha thứ. Đó là quy-trình-yêu-thương, là vòng-tròn-thương-xót. Và một hệ lụy khác lại phát sinh: YÊU thì phải KÍNH, KÍNH thì phải NỂ, NỂ thì phải TRỌNG, TRỌNG thì phải VỌNG (mong), MONG thì thấy NHỚ, NHỚ nghĩa là YÊU. Đó là vòng-tròn-yêu bắt đầu và kết thúc bằng động từ YÊU. Chúa nhớ chúng ta và chúng ta cũng phải nhớ Chúa, mà NHỚ NGÀI thì PHẢI THI HÀNH THÁNH Ý NGÀI. Hoàn toàn hợp lý!
Cũng như khi nói về gia đình, chúng ta áp dụng danh từ kép “hiếu đễ”. Và thật kỳ lạ với chuỗi hợp lý này: HIẾU thì phải ĐỄ (nhường), NHƯỜNG thì phải NHỊN. Nhờ đó mà “trong ấm, ngoài êm”, tạo nên “tổ ấm”, tạo nên hạnh phúc gia đình. Xã hội cũng vậy. Cộng đoàn cũng thế. Nói chung, tất cả chỉ cần tóm gọn trong một chữ YÊU. Biết yêu thì biết thương, biết thương thì biết xót, đó chính là biết sống lòng thương xót của Thiên Chúa.
Lạy Thầy Giêsu chí thánh, nhân từ và giàu lòng thương xót, xin đổi mới trái tim chúng con nên giống Chúa để càng ngày càng thêm nhiều “máu yêu” hơn, nhờ đó mà chúng con có thể vừa yêu mến Ngài vừa yêu thương tha nhân, đồng thời dám sống và hành động như Ngài trong mọi hoàn cảnh. Ngài là Đấng hằng sinh và hiển trị muôn đời. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Các cuộc tấn công của Tin lành nhắm vào Giáo hội Công giáo thường tập trung vào Bí tích Thánh Thể. Điều này chứng tỏ rằng các đối thủ của Giáo hội Công giáo – chủ yếu là phái Evangelical (Tân Giáo) và phái Fundamentalist (Tin Lành Chính Thống) – nhận thấy một trong các giáo lý chủ yếu của Công giáo. Vả lại, các cuộc tấn công cho thấy rằng phái Fundamentalist không luôn luôn là những người giải thích Kinh thánh theo nghĩa đen. Điều này có trong bản dịch của đoạn Kinh thánh chính, chương 6, Tin Mừng theo Thánh Gioan, trong đó Chúa Giêsu nói về bí tích sẽ được thiết lập trong Bữa Tiệc Ly (The Last Supper), khảo sát nửa cuối của chương này.
Ga 6:30 bắt đầu một cuộc đàm đạo xảy ra tại hội đường Capernaum. Người Do Thái hỏi Chúa Giêsu về dấu hiệu có thể thấy để tin Ngài. Như một thách thức, họ nói: “Tổ tiên chúng tôi đã ăn manna trong sa mạc và đã chết”. Chúa Giêsu nói với họ rằng bánh thật từ trời đến từ Chúa Cha. Họ nói: “Xin cho chúng tôi bánh đó”. Chúa Giêsu trả lời: “Tôi là bánh hằng sống, ai đến với Tôi sẽ không bao giờ đói, và ai tin Tôi sẽ không bao giờ khát”. Về điểm này, người Do Thái hiểu Ngài nói ẩn dụ.
LẶP ĐI LẶP LẠI
Trước tiên Chúa Giêsu lặp lại điều Ngài đã nói, rồi tóm lại: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”. Người Do-thái liền tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?” (Ga 6:51–52).
Những người lắng nghe Ngài sửng sốt vì họ hiểu Chúa Giêsu theo nghĩa đen – và đúng. Ngài lặp lại các chữ đó, nhưng với mức nhấn mạnh hơn, và giới thiệu về việc uống Máu Ngài. Chính Đức Giêsu nói với họ: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn Thịt và uống Máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn Thịt và uống Máu Tôi, thì được sống muôn đời, và Tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì Thịt Tôi thật là của ăn, và Máu Tôi thật là của uống. Ai ăn Thịt và uống Máu Tôi, thì ở lại trong Tôi, và Tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6:53–56).
KHÔNG CHẤN CHỈNH
Lưu ý rằng Chúa Giêsu không cố gắng làm nhẹ những điều Ngài đã nói, cũng không sửa sai “những sự hiểu lầm”, vì chẳng có gì cả. Những người lắng nghe Chúa đều hiểu đúng về Ngài. Họ không nghĩ Ngài nói ẩn dụ. Nếu có, và nếu bị hiểu sai, sao lại không có chấn chỉnh?
Khi có sự hiểu lầm, Chúa Giêsu chỉ giải thích ý Ngài nói (x. Mt 16:52–12). Ở đây, khi có hiểu lầm nghiêm trọng, Chúa Giêsu không hề cố gắng sửa sai, mà Ngài chỉ lặp lại để nhấn mạnh.
Thậm chí ngay cả các môn đệ cũng chau mày: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?” (Ga 6:60). Các môn đệ là những người đã từng thấy Sư Phụ làm nhiều điều kỳ diệu mà còn vậy đó. Ngài cảnh báo họ đừng nghĩ theo bản tính xác thịt, mà phải nghĩ theo tâm linh: “Thần Khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống” (Ga 6:63; x. 1 Cr 2:12–14).
Ngài biết rõ một số người không tin. Khi khước từ Thánh Thể, Giuđa đã sa ngã (x. Ga 6:64). Thánh Gioan cho biết: “Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa” (Ga 6:66).
Đây là hồ sơ duy nhất chúng ta có về những người theo Chúa Giêsu đã bỏ Ngài vì những lý do giáo lý. Nếu điều đó gây hiểu lầm, và nếu sai lầm trong việc dùng ẩn dụ theo nghĩa đen, tại sao Ngài không gọi họ lại và nói thẳng vấn đề? Cả những người Do Thái nghi ngờ Ngài và các môn đệ chấp nhận mọi thứ theo điểm này vẫn ở với Ngài, nhưng Ngài nói Ngài chỉ dùng dụ ngôn.
Ngài không sửa sai những người chống đối. 12 lần Ngài nói Ngài là bánh từ trời xuống, 4 lần Ngài nói người ta “ăn Thịt Ngài và uống Máu Ngài”. Tin Mừng theo Thánh Gioan, chương 6, là lời hứa về những gì được thiết lập trong Bữa Tiệc Ly – và đó là lời hứa không thể minh nhiên hơn nữa. Đối với người Công giáo cũng vậy. Nhưng giáo phái Fundamentalist nói gì?
CHỈ LÀ ẨN DỤ HOẶC VĂN HÓA?
Họ nói rằng trong Ga 6, Chúa Giêsu không nói về ẩm thực vật chất mà nói về ẩm thực tâm linh. Họ viện chứng câu Ga 6:35: “Đức Giêsu bảo họ: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với Tôi, không hề phải đói; ai tin vào Tôi, chẳng khát bao giờ!”. Họ cho rằng Chúa Giêsu là bánh, là thức uống. Như vậy, ăn thịt và uống máu chỉ là tin vào Đức Kitô.
Nhưng có vấn đề trong cách hiểu đó. LM John A. O’Brien giải thích: “Câu nói ‘ăn thịt và uống máu’ được dùng theo nghĩa bóng trong những người Do Thái, cũng như trong người Ả Rập ngày nay, nghĩa là bắt một người phải chịu tổn thương nghiêm trọng, nhất là bằng cách vu khống hoặc kết án oan sai. Hiểu câu này theo nghĩa bóng sẽ khiến Chúa hứa sự sống vĩnh hằng đối với thủ phạm đã vu cáo Ngài và ghét Ngài, làm giảm cả đoạn văn tới mức vô nghĩa” (O’Brien, The Faith of Millions, 215).
Những người theo giáo phái Fundamentalist phê bình đoạn Ga 6 rằng người ta có thể chứng tỏ Đức Kitô nchỉ nói ẩn dụ bằng cách so sánh các câu như “Tôi là Cửa” (Ga 10:9), và “Tôi là Cây Nho thật” (Ga 15:1). Vấn đề là không có liên quan gì tới “Tôi là Bánh Hằng Sống” (Ga 6:35). “Tôi là Cửa” và “Tôi là cây nho thật” mang ý nghĩa ẩn dụ vì Đức Kitô như Cửa – chúng ta lên trời qua Ngài, và Ngài cũng như Cây Nho – chúng ta tiếp nhận “nhựa tâm linh” nhờ Ngài. Nhưng Chúa Giêsu trong Ga 6:35 còn vượt xa ngoài biểu tượng bằng cách nói: “Thịt Tôi thật là của ăn, Máu Tôi thật là của uống” (Ga 6:55).
Ngài nói tiếp: “Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy” (Ga 6:57). Trong tiếng Hy Lạp, động từ “ăn” (trogon) rất thẳng thừng và có nghĩa là “nhai” hoặc “gặm nhấm”. Đây không là ngôn ngữ ẩn dụ.
TRANH LUẬN
Đối với giáo phái Fundamentalist, việc tranh luận Kinh thánh bị chụp mũ bằng cách phản đối Ga 6:63: “Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống”. Họ nói điều này có nghĩa là việc ăn thịt thật thì vô lý. Nhưng điều này có ý nghĩa không?
Chúng ta có hiểu Đức Kitô đã yêu cầu các môn đệ ăn Thịt Ngài, rồi nói họ làm vậy là vu vơ? “Thịt không có lợi” nghĩa là gì? “Ăn thịt tôi, nhưng bạn sẽ thấy đó là lãng phí thời gian” – Ngài nói gì? Hầu như không.
Sự thật là Thịt Chúa Giêsu có sẵn! Nếu không có sẵn, Con Thiên Chúa nhập thể là vô lý, sự chết và sự phục sinh của Ngài cũng vô ích. Thịt Chúa Giêsu đem lại lợi ích cho chúng ta hơn bất cứ thứ gì khác trên thế gian này. Nếu Thịt Ngài không đem lại lợi ích cho chúng ta, việc giáng sinh, tử nạn và phục sinh của Đức Kitô là vô ích, như Thánh Phaolô nói: “Lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em. Hơn nữa, cả những người đã an nghỉ trong Đức Kitô cũng bị tiêu vong” (1 Cr 15:17b-18).
Trong Ga 6:63, “thịt không đem lại lợi ích” nói đến khuynh hướng của nhân loại nghĩ là chỉ dùng những gì theo lý lẽ của loài người sẽ cho họ hiểu hơn những gì Thiên Chúa nói với họ. Như vậy trong Ga 8:15–16, Chúa Giêsu nói về các đối thủ của Ngài: “Các ông xét đoán theo kiểu người phàm; phần tôi, tôi không xét đoán ai cả. Mà nếu tôi có xét đoán, thì sự xét đoán của tôi vẫn đúng sự thật, vì không phải chỉ có mình tôi, nhưng có tôi và Đấng đã sai tôi”. Phán đoán tự nhiên của con người, không được ơn Chúa giúp đỡ, là không đáng tin; nhưng phán đoán của Thiên Chúa luôn xác thực.
Các tông đồ có hiểu “những lời Thầy đã nói với anh em là Thần Khí và Sự Sống” hay là một “uẩn khúc” (circumlocution) về tính biểu tượng? Không ai có thể hiểu nếu không đứng ở vị trí của giáo phái Fundamentalist và nghĩ điều đó cần thiết để tìm ra một cơ sở hợp lý (rationale), dù bị ép buộc thế nào, để ngăn chặn cách hiểu của Công giáo. Trong Ga 6:63, “nhục thể” không có ý nói đến xác thịt của Đức Kitô – bản văn làm rõ điều này – nhưng loài người lại có khuynh hướng nghĩ theo bản chất phàm tục tự nhiên. “Những lời Thầy đã nói với anh em là Thần Khí và Sự Sống” không có nghĩa là “Điều Thầy nói mang tính biểu tượng”. Chữ “thần khí” KHÔNG BAO GIỜ được dùng theo cách đó trong Kinh thánh. Câu này nghĩa là điều Đức Kitô nói sẽ chỉ hiểu được nhờ đức tin, bằng sức mạnh của Chúa Thánh Thần và sự thu hút của Chúa Cha (x. Ga 6:37, 44-45, 65).
THÁNH PHAOLÔ XÁC NHẬN
Thánh Phaolô viết trong thư gởi giáo đoàn Corintô: “Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Kitô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao?” (1 Cr 10:16). Vậy khi chúng ta rước lễ, chúng ta thực sự tham dự vào Mình và Máu Đức Kitô, không chỉ ăn và uống biểu tượng của Mình và Máu Chúa. Thánh Phaolô đã xác định: “Vì thế, bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa. Thật vậy, ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình” (1 Cr 11:27 & 29). Trả lời về “mình và máu” của ai đó nghĩa là phạm trọng tội như tội giết thân nhân. Sao chỉ ăn bánh và uống rượu “bất xứng” là trọng tội? Phê bình của Thánh Phaolô tạo ý nghĩa nếu bánh và rượu thực sự trở thành Mình và Máu Đức Kitô.
CÁC KITÔ HỮU ĐẦU TIÊN NÓI GÌ?
Những người chống Công giáo cũng cho rằng Giáo hội sơ khai đã coi chương này chỉ mang tính biểu tượng. Thật vậy sao? Chúng ta hãy xem một số Kitô hữu đầu tiên nghĩ gì, nhớ rằng chúng ta có thể biết nhiều về cách Kinh thánh được hiểu bằng cách xem xét các bản văn của các Kitô hữu thời sơ khai.
Thánh Inhaxiô thành Antiôkia là môn đệ của tông đồ Gioan và đã viết thư cho người Smyrnaean vào khoảng năm 110 (trước Công nguyên), nói đến “những người có ý kiến không chính thống”, rằng “họ không lãnh nhận Thánh Thể và không cầu nguyện, vì họ không tin Thánh Thể là Mình Máu của Đấng cứu độ Giêsu Kitô, Thánh Thể Ngài đã chịu khổ nạn vì tội lỗi chúng ta, và Ngài đã phục sinh”.
Bốn mươi năm sau, Thánh Justin Tử đạo viết: “Không như ẩm thực bình thường chúng ta tiếp nhận, mà vì Đức Giêsu Kitô đã nhập thể bở Lời Thiên Chúa và có cả máu và thịt để cứu độ chúng ta, như chúng ta được dạy, thực phẩm này đã trở thành Thánh Thể nhờ Lời Nguyện Thánh Thể, và sự thay đổi của máu thịt để nuôi dưỡng,… Đó là Mình và Máu của Chúa Giêsu nhập thể” (Lời Xin Lỗi Đầu Tiên, 66:1–20).
Origen, trong một bài giảng khoảng năm 244 (sau công nguyên), đã chứng thực niềm tin trong bài “Hiện Hữu Thật” (Real Presence): “Tôi muốn khuyên bạn bằng các ví dụ của tôn giáo. Người ta quen tham dự các mầu nhiệm thánh, vậy bạn hiểu thế nào rồi, khi bạn lãnh nhận Mình Máu Chúa, bạn phải cẩn trọng đừng để rơi một phần nhỏ nào của Thánh Thể. Bạn tự thấy mình có tội, và tin đúng như vậy, nếu khinh suất làm mất một chút Thánh Thể nào” (Bài Giảng về Xh 13:3).
Thánh Cyril thành Giêrusalem, trong một bài giảng giữa thập niên 300, nói: “Đừng coi bánh và rượu chỉ đơn giản như thế, vì đó là Mình Máu Đức Kitô, theo cách giải thích của Thầy Chí Thánh. Cho dù thế nào thì cũng hãy để đức tin xác nhận. Đừng phán đoán theo bản tính phàm tục, hãy tin tưởng bằng đức tin, đừng nghi ngờ Mình Máu Đức Kitô” (Diễn Văn Giáo Lý: Truyền Phép 4:22:9). Thật vậy, Giáo hội dạy: “Đây là mầu nhiệm đức tin”.
Trong bài giảng hồi thế kỷ XV, Thánh Theodore thành Mopsuestia như muốn nói với giáo phái Evangelical và Fundamentalist ngày nay: “Khi [Đức Kitô] trao bánh, Ngài không nói ‘Đây là biểu tượng của Mình Thầy’ mà Ngài nói ‘Đây là Mình Thầy’. Cũng vậy, khi Ngài trao chén, Ngài không nói ‘Đây là biểu tượng của Máu Thầy’ mà Ngài nói ‘Đây là Mình Thầy’ vì Ngài muốn chúng ta tiếp nhận Thánh Thể, sau khi nhận hồng ân và Thánh Thần, không theo bản tính tự nhiên, nhưng tiếp nhận chính Mình Máu Chúa” (Bài Giảng Giáo Lý 5:1).
CHỨNG CỚ ĐỒNG NHẤT
Người ta có thể cho rằng Giáo hội sơ khai đã hiểu Ga 6 theo nghĩa đen. Thật vậy, không có tài liệu nào từ những thế kỷ đầu nói đến các Kitô hữu nghi ngờ cách hiểu của Công giáo. Không có tài liệu nào được hiểu theo nghĩa đen bị phản đối và chỉ được chấp nhận theo ẩn dụ.
Tại sao giáo phái Fundamentalist và Evangelical phản đối cách hiểu thẳng thừng theo nghĩa đen về Ga 6? Đối với họ, các bí tích Công giáo là sai lầm vì họ hàm ý một thực tế tâm linh (ân sủng) được chuyển tải bằng vật chất. Đối với họ, điều này có vẻ là vi phạm kế hoạch của Thiên Chúa. Đối với nhiều người Tin Lành, vật chất không phải không được sử dụng, mà nên tránh.
Bánh và rượu đã được thánh hóa để trở thành Mình và Máu của Đức Giêsu Kitô Nhập Thể.
TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ Catholic.com)
Đăng báo Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, số 347, tháng 7-2015, Dòng Chúa Cứu Thế xuất bản tại Hoa Kỳ.
THÁNH THỂ NGUỒN SỐNG
Bí tích Thánh Thể là tình yêu tột đỉnh Chúa Giêsu dành cho chúng ta, như lời Ngài hứa: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:20). Đức Giêsu nói với người Do Thái: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6:53-56). Đó cũng là lời nói riêng với mỗi chúng ta.
Thánh Thể là bằng chứng hùng hồn về Lòng Thương Xót vô biên của Thiên Chúa. Ngài cho chúng ta được SỐNG và SỐNG DỒI DÀO (Ga 10:10). Nếu dành cả đời để suy niệm về Bí tích Thánh Thể, chúng ta cũng không thể hiểu hết Tình-Yêu-Điên-Rồ của một Thiên-Chúa-quá-đỗi-Nhân-Từ như vậy. Chắc hẳn không có Vua Chúa nào hoặc bất kỳ ai tuyệt vời như Chúa Giêsu của chúng ta!
CHUỖI MÁU THÁNH
Chuỗi Máu Thánh (Chuỗi Bửu Huyết – The Chaplet of the Most Precious Blood) được trao cho thị nhân Barnabas Nwoye ngày 5-7-1996. Sau khi chứng kiến toàn bộ Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu từ trong Vườn Dầu cho tới khi Ngài sống lại, thị nhân Nwoye đã được Chúa Giêsu hiện ra và trao Chuỗi Máu Thánh. Chuỗi này giống như Chuỗi Mân Côi, nhưng mỗi chục là 12 hạt dài màu đỏ, còn các hạt tách mỗi chục thì màu trắng. Chuỗi Máu Thánh được đọc liền sau Chuỗi Mân Côi, gồm 5 mầu nhiệm liên quan Năm Vết Thương của Chúa Giêsu.
NIỀM AN ỦI
Phần thứ nhì của lòng sùng kính này được trao cho thị nhân Barnabas Nwoye vào ngày 23-6-1997. Kinh nguyện này đặc biệt dâng kính Chúa Cha và Chúa Con, Đấng luôn bị lãng quên. Phần kinh này cầu xin Chúa Cha và Chúa Con tha thứ cho sự vô ơn, sự xúc phạm và sự khinh suất của nhân gian đối với Bí tích Thánh Thể.
LÒNG SÙNG KÍNH
Phần thứ ba của lòng sùng kính này là phần kinh nguyện gồm 7 kinh, tôn vinh và cầu xin Máu Thánh Chúa. Chúa Giêsu trao kinh nguyện này cho thị nhân Barnabas Nwoye vào ngày 23-6-1997 với lời kinh an ủi. Các kinh nguyện này dành cho Giáo hội Công giáo – cả giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân. Lời cầu xin thay cho những tội nhân cứng lòng, các linh hồn thánh thiện ở Luyện Ngục và các thai nhi. Chính các linh hồn này có thể hưởng nhờ mọi Hồng ân của Máu Thánh Chúa.
VIỆC ĐỀN TỘI
Phần thứ tư của lòng sùng kính này là được trao cho thị nhân Barnabas Nwoye vào ngày 10-12-1998, về việc Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Chúa Giêsu diễn tả các tội lỗi khiến Ngài chịu đóng đính suốt 2.000 năm qua. Đó là sự than phiền trong Thánh lễ, coi thường Bí tích Thánh Thể, cách ăn mặc khiếm nhã, tham lam, vụ lợi, dâm dục, v.v... Các điều đó đã khiến hàng triệu người sa Hỏa ngục. Phần này xin Chúa Ba Ngôi tha thứ về mọi tội lỗi mà họ đã phạm.
NGƯỜI TRUNG GIAN
Phần thứ năm của lòng sùng kính này là lời nguyện đặc biệt gọi là “Kinh Nguyện Thần Bí”. Lời nguyện này rất hiệu quả do chính Chúa Giêsu dạy hồi tháng 7-1998, được Đức Mẹ mặc khải cho Barnabas Nwoye là chính các lời nguyện đã được nói trong Cuộc khổ Nạn của Ngài. Đau khổ và trút hơi thở cuối cùng vì nhân loại chúng ta. Đây là lời nguyện có sức can thiệp để đánh bại các phản-Kitô (Antichrist), thêm sức chịu đựng khi bị bách hại, can đảm xa tránh tội lỗi về xác thịt và nuôi dưỡng đức tin.
ẤN TÍN
Từ lòng sùng kính này, Nước Trời gắn liền tặng phẩm quý giá và mạnh mẽ này với những người sùng kính Mình Máu Chúa. Ấn tín này là dấu ấn tâm linh mà những người sùng kính mang theo để chống lại những điều xấu. Ấn tín này trao cho những người sùng kính sức mạnh tâm linh để chống lại mọi cơn cám dỗ của ma quỷ và chịu đựng mọi đau khổ. Dấu ấn này do những người sùng kính đạt được vẫn ở trong trạng thái ân sủng thánh hóa, nhất là trong những lúc được Chúa Giêsu chỉ định.
GIỜ VƯỜN DẦU
Cuối cùng, Chúa Giêsu kêu gọi những người mà Ngài đã tuyển chọn ở bên Ngài vào đêm Thứ Năm Tuần Thánh, từ 11 giờ đêm tới 3 giờ sáng hôm sau (hoặc ít ra là trong vòng 60 phút giữa khoảng thời gian này). Đây là lúc 5 thành phần của lòng sùng kính này được cử hành cùng với Thánh Lễ và Phép Lành (nếu có thể). Chính những người sùng kính chia sẻ nỗi thống khổ với Đức Kitô trong Vườn Dầu. Ý muốn đạt được ân sủng bảo đảm việc đền tội và sự kiên trì trong đức tin.
Lòng sùng kính này được coi là “lòng sùng kính vĩ đại nhất của thời đại chúng ta” (greatest devotion of our time). Sách có lời mô tả lòng sùng kính này là “lời mời gọi hằng ngày tới sự thánh thiện” (daily call to holiness): “Mọi lời nguyện, mọi bài thánh ca và mọi lời đồng ca của lòng súng kính này đều đến từ trời”.
Người dịch xin “mở ngoặc” một chút: Hằng ngày, vừa rước lễ xong, nhiều người không ngồi hoặc quỳ tĩnh lặng để kết hợp và tâm sự với Chúa Giêsu Thánh Thể đang sống động trong mình mà họ lại đi thẳng tới các “tượng đài” để cầu nguyện. Điều này thường thấy ở các nhà thờ lớn như Nhà thờ Đức Bà, Nhà thờ Tân Định, Nhà thờ Huyện Sỹ (Chợ Đũi),… Phải chăng họ không cần biết Chúa Giêsu đang hiện diện trong mình hay vì yếu tín lý? Thiết nghĩ đây là một hoạt động đức tin cần được chấn chỉnh ngay lập tức. Vì Chúa Giêsu là người cô đơn, bị chúng ta bỏ rơi ngay khi vừa tiếp rước Ngài. Giáo dân không biết là do đâu?
Hiện nay, một số nhà thờ thuộc TGP Saigon có Nhà Chầu Thánh Thể, mọi người có thể “ghé thăm” Chúa Giêsu bất cứ lúc nào để được chuyện vãn với Ngài, nhất là những lúc gặp bước đường cùng, vì chính Ngài đã nhắn nhủ: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11:28). Ước gì các giáo xứ đều có Nhà Chầu Thánh Thể, vì đó là việc tốt lành rất đẹp lòng Chúa.
Ước gì các linh mục NÊN DÀNH VÀI PHÚT IM LẶNG SAU KHI RƯỚC LỄ, đừng vội vàng đọc phần lời nguyện kết lễ, để chính mình và người khác có thêm thời gian tâm sự và trò chuyện với Chúa Giêsu Thánh Thể, vì Ngài là Nguồn Sống dồi dào của mỗi chúng ta. Mong lắm lắm!
TRẦM THIÊN THU
Đăng báo Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, số 347, tháng 7-2015, Dòng Chúa Cứu Thế xuất bản tại Hoa Kỳ.
MẨU BÁNH và GIỌT NƯỚC
Mẩu bánh và Giọt nước là hai thứ nhỏ nhoi, chẳng đáng kể, nhưng lại liên quan việc ăn uống, đặc biệt liên quan sự sống. Rất lạ là những thứ thừa thãi của người này lại có thể là những thứ vô cùng cần thiết đối với người khác.
Thằng Bờm không cần những thứ “cao siêu” mà chỉ cần nắm xôi mà thôi. Không phải Thằng Bờm có “tâm hồn ăn uống” mà vì lương thực là thứ thiết yếu không thể thiếu để duy trì sự sống.
Thế giới lúc nào cũng có những người rất nghèo, nghèo đến nỗi thiếu cả những thứ cơ bản và thiết yếu nhất. Nghèo không vì họ lười biếng, mà là một ẩn số và vô cực, không ai có thể giải thích thỏa đáng, đừng vội trách họ! Nghèo không là tội, nhưng như một cái “vạ”, thậm chí còn là cái nhục, vì bị người khác nhìn bằng nửa con mắt! Tục ngữ Việt Nam cảnh báo: “Cười người hôm trước, hôm sau người cười”. Lối chơi chữ bằng cách đảo ngữ trong Việt ngữ rất độc đáo: Cười người và người cười. Ca dao Việt Nam nhắc nhở: “Ai ơi bưng bát cơm đầy, dẻo thơm từng hạt đắng cay muôn phần”.
Chúa Giêsu đến thế gian và chịu chết thay chúng ta vì Ngài thương xót chúng ta, nhất là những người nghèo khổ – tinh thần và vật chất. Rõ ràng nhất là cái nghèo vật chất. NGHÈO thì luôn kèm theo KHÓ và KHỔ, thế nên họ hóa KHỜ. Giàu hay nghèo cũng mang hai ý nghĩa: Về tinh thần và về vật chất. Nhưng khi nói đến chữ “nghèo”, người ta nghĩ ngay tới nghèo vật chất. Tuy nhiên, nghèo vật chất không đáng sợ bằng nghèo tinh thần. Ca dao Việt Nam nói: “Nghèo tiền nghèo bạc chẳng lo, nghèo nhân nghèo nghĩa mới lo mình nghèo”.
Giàu mà không biết chia sẻ thì mắc tội với Thiên Chúa và tha nhân. Càng mắc tội hơn nếu người giàu khinh người nghèo, dùng tiền bạc mà khuynh đảo người khác, mua chuộc cấp trên để mình “có tiếng” – dù trình độ thấp kém. Người có chức quyền vì “khoái” tiền bạc mà nghe theo người giàu thì tội càng to hơn. Đó là tính liên đới trong đức ái của Thiên Chúa. Người đời như vậy đã đành, buồn thay là một số người Công giáo cũng chẳng hơn gì thế gian.
Thật tuyệt vời khi ĐGH Biển Đức XVI đã nhấn mạnh: “Khi bàn tay của tân linh mục được xức dầu thánh, Đức giám mục chỉ định rõ những bàn tay đó không được dùng để hành xử quyền lực hay thu thập của cải vật chất nhưng hãy biến nó thành những dụng cụ để thực thi những việc có tính cách hy sinh, xả kỷ, sáng tạo và tình thương. Bên cạnh đó, việc trao chén thánh cũng hàm ý nói lên rằng: Đời sống linh mục luôn gắn liền với hy tế thập giá của Đức Giêsu, do vậy, họ phải tái diễn hy tế ấy mỗi ngày trong suốt cuộc đời qua việc dâng lễ trên bàn thờ”. Giáo hoàng Biển Đức ơi, ngài nói thế thì chạm tự ái chết đi được! Thế nhưng phải thế thì mới thuận Ý Chúa, vì Chúa Giêsu sinh nghèo, sống nghèo và chết nghèo, khổ từ Belem tới Can-vê! Chúa ơi! Thế mà các môn đệ của Ngài ngày nay khác hẳn. Làm sao đây Chúa?
Chuyện giàu – nghèo là bộ phim không có hồi kết, là cuốn truyện không có đoạn kết… và mãi là ẩn số!
Trình thuật Lc 16:19-31 kể một dụ ngôn “độc đáo” về chuyện giàu – nghèo: Phú hộ và Ladarô. Phú hộ là danh từ xưa, ngày nay gọi là “đại gia”. Dụ ngôn này cho thấy rõ tính liên đới về đức ái – cũng chính là lòng thương xót. Dụ ngôn mà thực tế, rất thực tế ở đời thường, không phải truyện cổ tích.
Nhà giàu nên nuôi chó dữ để giữ nhà, giữ của. Nhà càng giàu thì chó càng dữ. Tính dữ dằn của chó một phần tùy loại chó, một phần là vì chúng ít thấy người, có thấy thì chúng chỉ thấy “người đẹp”: Áo quần bảnh bao, nước hoa thơm phức, xe hơi bóng lộn, vàng trĩu cổ và đỏ tay,… Thế nhưng thật lạ, lũ chó dữ nhà phú hộ lại không sủa cũng chẳng cắn Ladarô nghèo khổ, mà chúng lại tỏ lòng thương xót bằng cách liếm các vết thương cho anh. Về điểm này, những người giàu bất nhân không bằng lũ chó dữ.
Sinh ký, tử quy. Ai cũng phải một lần chết – dù giàu có hay nghèo nàn, cao sang hay hèn hạ, vua chúa hay dân đen. Thánh sử Luca kể rạch ròi: Ladarô nghèo khổ chết và được thiên thần đem vào lòng Tổ phụ Ápraham.
Phú hộ cũng chết, tiền bạc không cứu nổi ông. Phú hộ chết trên đống vàng, chết cũng còn sướng, quan tài là loại mắc tiền nhất, đám tang thật lớn, vòng hoa không đủ chỗ đặt, cờ giăng rợp trời, cáo phó khắp nơi, người vào kẻ ra nườm nượp, khách toàn những “ông kia, bà nọ”, khói nghi ngút tỏa ra từ những nén nhang thơm loại mắc tiền, khoản phúng điếu cả trăm triệu, kèn trống rộn ràng, thậm chí còn có cả chương trình ca múa nhạc cho thiên hạ thưởng thức; nếu người giàu là người có đạo thì gia đình tổ chức lễ đồng tế, tiệc tùng linh đình, không ai khóc, ai cũng hớn hở bắt tay nhau,... Người giàu chết “công khai”.
Ngược lại, người nghèo chết âm thầm, chết trong đau khổ, chết vì không có tiền chạy chữa, chết hèn hạ, chết tủi nhục, chết đau đớn, chẳng ai thèm chú ý, không ai phúng điếu, vắng hơn Chùa Bà Đanh, bát nhang lạnh tanh, quan tài rẻ nhìn như chiếc thùng gỗ, đúng là… đám ma!
Thánh sữ Luca kể tiếp: Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông phú hộ ngước mắt lên, thấy Tổ phụ Ápraham ở tận đàng xa, và thấy anh Ladarô trong lòng tổ phụ. Bấy giờ ông ta kêu lên: “Lạy tổ phụ Ápraham, xin thương xót con, và sai anh Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm!” (Lc 16:24). Ngày xưa chắc hẳn phú hộ gọi Ladarô là “thằng” và xua đuổi như tà khí, thế mà nay lại “ngoan ngoãn” gọi la Ladarô là “anh”. Lạ thật! Có điều bất thường chắc là có mưu đồ. Nhưng Tổ phụ Ápraham nhà ta vừa cười vừa lắc đầu và thản nhiên phân tích: “Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn Ladarô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, Ladarô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ. Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được” (Lc 16:25-26). Đó là công lý, là công bình bác ái, nói theo kiểu phàm ngôn thì là “luật nhân quả”. Chuyện tất nhiên và dễ hiểu thôi!
Có lẽ quen “xin xỏ” khi còn sinh thời nên ông ta thấy xin cho mình không được thì “chuyển hướng” xin cho người khác. Còn biết nghĩ tới người khác như vậy cũng còn tốt đấy. Ông ta năn nỉ: “Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh Ladarô đến nhà cha con, vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này!” (Lc 16:27-28). Ông Ápraham nói ngay: “Chúng đã có Môsê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó” (Lc 16:29). Vẫn quen thói nịnh bợ, ông nhà giàu tiếp tục ráng năn nỉ: “Thưa tổ phụ Ápraham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối” (Lc 16:30). Mắc cười thật! Và rồi ông Ápraham nói thẳng: “Môsê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin” (Lc 16:31). Chí lý hết sức! Phú hộ cùng đường, đành “bó tay” thôi! Thế thì tiêu thật!
Khi sinh thời trên trần gian, người giàu có hưởng thụ mọi của ngon vật lạ, khi ở hỏa ngục lại mơ được một giọt nước. Khi sinh thời trên trần gian, người nghèo khổ thèm một mẩu bánh mà cũng không có, không ai thèm bố thí. Hai hình ảnh hoàn toàn tương phản nhau!
Lạy Thiên Chúa, xin biến đổi chúng con thành những GIỌT NƯỚC và những MẨU BÁNH để chia sẻ với những người cần. Xin giúp chúng con biết chân thành cầm chính Tấm-Bánh-Đời-Mình, tạ ơn Chúa, bẻ ra và trao cho tha nhân. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU
MƯU CẦU HẠNH PHÚC
Chúa Giêsu chịu khổ nạn để chúng ta được vui sướng, Ngài còn chịu chết để chúng ta được sống và sống dồi dào (Ga 10:10).
Mưu cầu hạnh phúc là quyền cơ bản của con người – tức là nhân quyền, và đó cũng là mục đích của bất kỳ ai. Hạnh phúc là trạng thái vô ưu, không tham-sân-si, không đau khổ, thế nhưng cuộc đời lại là “bể khổ”. Vậy phải làm sao?
Với Phật giáo, muốn hạnh phúc thì người ta phải diệt khổ, diệt khổ bằng cách diệt dục. Như vậy nghĩa là tránh né đau khổ, chạy trốn đau khổ, nhưng chạy đâu cho khỏi nắng?
Với Công giáo, muốn hạnh phúc thì người ta phải chấp nhận đau khổ, đi xuyên qua đau khổ, vì Chúa Giêsu động viên người ta từ bỏ mình và “vác thâp giá hằng ngày” (Mt 10:38; Mt 16:24; Mc 8:34; Lc 14:27).
Càng tránh khổ thì càng khổ, cái khổ cơ bản nhất là “khổ vì không thoát được khổ”. Không thoát nổi nó thì chạy trốn nó mà chi? Thế thì dại gì mà không “vô tư” để vui sống? Thiên Chúa muốn chúng ta sống hạnh phúc thực sự, không chỉ ở ngày mai mà ngay ở đời này!
HẠNH PHÚC ĐỜI NÀY
Sinh ra đã khóc, báo hiệu cuộc sống sẽ là một chuỗi dài đau khổ. Vì đau khổ mà người ta miệt mài đi tìm hạnh phúc. Tuy nhiên, hạnh phúc khó tìm nhưng mau qua, nó tùy sự biến đổi của mọi thứ – từ thời tiết đến tiền bạc. Chúng ta không nói đến việc chúng ta khả dĩ đạt đến trạng thái vĩnh cửu gọi là “hạnh phúc tột đỉnh” và vẫn duy trì được nó hay không, chỉ cần chúng ta cảm thấy vui và thoải mái. Có nhiều cách loại bỏ lo lắng, tức giận, thất vọng và u sầu, thoát khỏi “bóng tối tâm hồn” một hoặc vài lần trong ngày cũng là hạnh phúc.
Đây là 20 ý tưởng khả dĩ giúp “khởi động”. Hãy chọn những cách tác dụng đối với bạn, cách này không được thì dùng cách khác. Điều cần là phải kiên trì: “Có công mài sắt có ngày nên kim” hoặc “có chí thì nên”.
1. HIỆN TẠI
Hãy sống với hiện tại. Thay vì lo lắng về chuyện ngày mai khi ăn tối với gia đình, hãy tập trung vào thực tế lúc đó – đồ ăn, cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh chị em, chuyện trò,…
2. VUI CƯỜI
Tham gia một sự kiện vui có thể làm tăng mức endorphin và các hormone tạo hưng phấn, đồng thời làm giảm các hormone gây stress. Các nhà nghiên cứu tại ĐH California, ở Irvine, đã thí nghiệm 16 người coi video hài, có 8 người được coi trước 3 ngày. Họ thấy mức thay đổi ngay về sinh học. Khi họ xem phim, mức hormone gây stress giảm đáng kể, còn mức endorphin tăng 27% và mức hormone phát triển (lợi ích đối với hệ miễn dịch) tăng 87%.
3. NGỦ NGHỈ
Hãy ngủ trưa hàng ngày và đi ngủ từ 8 giờ tối với một cuốn sách hay, sau 60 phút thì tắt đèn. Điều này có thể giúp bạn hưng phấn hơn so với liệu pháp tắm hoặc mát-xa.
4. ÂM NHẠC
Nghiên cứu cho thấy âm nhạc kích hoạt các phần não sản sinh hạnh phúc, các phần não đó cũng được kích hoạt bởi thực phẩm và tình dục. Một nghiên cứu khác ở người lớn tuổi được nghe loại nhạc họ thích sau khi phẫu thuật mắt, họ có mức giảm đáng kể về nhịp Tim và huyết áp. Âm nhạc rất kỳ diệu!
5. NGĂN NẮP
ầu như bạn không thể suy tư hoặc thư giãn khi nhà cửa bừa bộn và ồn ào. Cố gắng tránh ồn ào và giữ vệ sinh nhà cửa để tinh thần khả dĩ thư thái. “Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm” là vậy.
6. KHƯỚC TỪ
Khước từ là một nghệ thuật. Hãy loại bỏ các hoạt động không cần thiết và không thích hợp. Nếu có thể thì từ chối các hoạt động gây phiền phức để bạn không cảm thấy áy náy.
7. DANH SÁCH
Hãy viết Ra giấy những gì cần làm. Điều này làm cho đầu óc thanh thản, không bị rối trí, và không mất thời giờ để sắp xếp.
8. BUÔNG THẢ
Đừng ôm đồm. Giờ nào việc nấy. TS Edward Suarez, GS tâm lý y khoa tại ĐH Duke, thấy rằng những người ôm đồm công việc dễ bị cao huyết áp. Thay vì vừa làm việc vừa nghe điện thoại thì hãy ngưng làm việc để tập trung nghe điện thoại cho thoải mái.
9. LÀM VƯỜN
Không chỉ không khí trong lành và tập thể dục giúp giảm stress và cảm thấy khỏe mà làm vườn, ngắm hoa, chăm sóc cây kiểng, trồng cây, làm cỏ,… cũng làm bạn sảng khoái khi nhìn kết quả của mình.
10. TÁCH RỜI
Hãy tách rời với ngoại cảnh. Một tuần không đọc báo, nghe đài, xem thời sự, kiểm tra email hoặc lướt web để đầu óc thư thái, không bị ám ảnh. Biệt lập với thế giới bên ngoài để tĩnh tâm, bạn sẽ thấy nhẹ lòng và hạnh phúc hơn.
11. VẬT CƯNG
Nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy lợi ích của vật cưng đối với việc làm giảm stress. Các nhà nghiên cứu phân tích đánh giá Tim mạch của 240 cặp vợ chồng, 1/2 số họ có nuôi vật cưng. Các vợ chồng nuôi vật cưng giảm nhịp Tim và huyết áp đáng kể so với các vợ chồng không nuôi vật cưng.
12. HƯƠNG LIỆU
Các nhà nghiên cứu cho thấy lợi ích của liệu pháp hương liệu khả dĩ làm giảm stress. Những người tiếp xúc hương thảo (rosemary) thì giảm mức lo lắng, tăng mức tỉnh táo và tính toán nhanh hơn. Những người tiếp xúc oải hương (lavender) thì có dạng sóng não biểu hiện tăng mức thư giãn. Có nhiều phương pháp dùng hương liệu như xịt thơm phòng, tắm hoặc mát-xa với dầu thơm, và thắp nến thơm.
13. THƯ GIÃN
Các nhà nghiên cứu Trung quốc thấy có mối liên hệ giữa chứng khóan với sức khỏe tâm thần của những người chơi chứng khóan. Hãy dành thời gian “xả hơi”, đừng “ráng” đầu tư chứng khoán.
14. TĨNH LẶNG
Thư viện, bảo tàng viện, vườn cây, và những nơi tôn nghiêm (nhà thờ, chùa chiền, đền đài,…) là những nơi tĩnh lặng giúp tâm hồn lắng đọng để cân bằng cuộc sống hiệu quả.
15. TỰ NGUYỆN
Chia sẻ tâm sự để người khác giúp bạn tăng mức hạnh phúc. Nghiên cứu cho thấy những người tự nguyện có thể tăng hạnh phúc, thỏa mãn cuộc sống, tự tin, kiềm chế, sống khỏe và giảm trầm cảm.
16. TRẦM TƯ
Các mối quan hệ giúp bạn giảm stress, nhưng đôi khi bạn vẫn cần thời gian một mình trầm mặc để nạp thêm năng lượng. Có thể đi ăn một mình, xem phim một mình, đọc sách, nghiên cứu, sáng tác, vào nhà sách, xem triển lãm,…
17. ĐI BỘ
Tập thể dục tốt hơn dùng thuốc trấn thống và an thần. Đi bộ có lợi cho sức khỏe và tinh thần. Nghiên cứu cho thấy đi bộ và suy nghĩ tích cực thì có lợi hơn là đi bộ bình thường. Những bước nhanh tốt hơn những bước chậm.
18. THÂN THIỆN
Nghiên cứu hơn 1.300 người (nam và nữ ở nhiều độ tuổi) cho thấy những người có nhiều bạn thân thì tốt hơn về huyết áp, cholesterol, chuyển hóa đường máu, và ít hormone gây stress so với những người chỉ có 1 hoặc 2 bạn thân. Những người cảm thấy đơn độc và trầm cảm dễ mắc bệnh và chết yểu gấp 3-5 lần so với những người cảm thấy yêu thương, liên kết và hòa nhập.
19. TIN TƯỞNG
Nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy những người sống tích cực với niềm tin tôn giáo sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn và xử lý các đợt khủng hỏang tốt hơn. Chính cộng đồng giúp bạn cảm thấy cuộc sống ý nghĩa, có thể chấp nhận và tha thứ. Nếu bạn không có niềm tin tôn giáo, tinh thần mạnh mẽ vẫn có thể tạo lợi ích tương tự.
20. TÍCH CỰC
Những người dành thời gian mỗi ngày để suy tư về các lĩnh vực tích cực của cuộc sống (sức khỏe, gia đình, bạn bè, tôn giáo, nhân bản, giáo dục,…) sẽ cảm thấy khỏe mạnh và hạnh phúc hơn.
HẠNH PHÚC ĐỜI SAU
Với hạnh phúc đời này mà còn vất vả tìm kiếm đến vậy thì hạnh phúc đời sau chắc hẳn còn “gay go” hơn nhiều!
Chúa Giêsu luôn có những “độc chiêu” khác người, so với phàm nhân thì quá sức “ngược đời”. Trình thuật Mt 5:3-10 cho biết Bát Phúc (Tám Mối Phúc, Hiến Chương Nước Trời), những điều cơ bản để người ta tìm được hạnh phúc:
1. Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.
2. Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.
3. Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.
4. Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.
5. Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.
6. Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.
7. Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
8. Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.
Như để nhấn mạnh và làm nổi bật hơn, Chúa Giêsu nói thêm: “Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa” (Mt 5:3-10). Cái “phúc” này rất “căng” khi thực hiện, thậm chí còn không được giận hờn hoặc chê người khác là ngu ngốc (Mt 5:22). Rồi Ngài nói thẳng luôn: “Đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. Nếu có người bắt anh đi một dặm thì hãy đi với người ấy hai dặm. Ai xin thì hãy cho; ai muốn vay mượn thì đừng ngoảnh mặt đi” (Mt 5:39-42). Ui da! “Căng” thật đấy! Nhưng không thực hiện thì không ổn đâu!
Thánh Phaolô đề cập hai mối phúc: “Phúc thay kẻ lỗi lầm mà được tha thứ, người có tội mà được khoan dung! Phúc thay người Chúa không kể là có tội!” (Rm 4:7-8). Thánh Phaolô còn đề cập thêm một mối phúc nữa: “Phúc thay ai không cho mình là có lỗi khi quyết định làm điều gì!” (Rm 14:22).
Đặc biệt hơn, Chúa Giêsu có hai mối phúc khác: (1) “Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11:28), (2) “Phúc thay những người không thấy mà tin!” (Ga 20:29).
Nói chung, tìm hạnh phúc nào cũng khó, gian nan và vất vả vô cùng. Phải vậy thôi, vì không có hạnh phúc nào mà không có ít nhiều đau khổ, kể cả mồ hôi và nước mắt, thậm chí là cả máu nữa.
Tác giả Thánh Vịnh đặt vấn đề thay cho chúng ta: “Ai sẽ cho ta thấy hạnh phúc?” (Tv 4:7). Chắc chắn chỉ có Thiên Chúa. Chúng ta sẽ có hạnh phúc nếu biết tín thác và tựa nương nơi Thiên Chúa, vì Kinh Thánh (Tv 2:12) đã xác định:
Những ai ẩn náu bên Người
Thật là hạnh phúc tuyệt vời dường bao!
TRẦM THIÊN THU