Suy Niệm của Báo Trái Tim Đức mẹ

 

Chúa nhật 17 thường niên, năm C-2016
St. 18:20-32; Cl 2:12-14; Lc 11:5-13
Kiên trì trong lời cầu

Trên đường lên Giêru sa lem, Chúa Giêsu đã không ngừng cầu nguyện. Các tông đồ và những theo Chúa đã chứng kiến tâm tình và cách thức cầu nguyện liên lỉ của Chúa. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy cho chúng ta phải biết cầu nguyện kiên trì, vì cầu nguyện là cách chúng ta duy trì mối tương quan Cha – con giữa Thiên Chúa với ta.

Chúa Giêsu không muốn đưa ra một công thức cầu nguyện nhất thời nhưng là cả một đời sống cầu nguyện. Dường như thánh sử Luca đã nhận ra điều ấy, nên ngài không kể ra một cách công thức như thế mà chú ý nhiều hơn đến tâm tình cầu nguyện. Chúa Giêsu cầu nguyện trong tâm tình của một người Con thưa với Cha yêu dấu.  Ngài đã giữ mãi tâm tình này trong suốt hành trình rao giảng Tin Mừng cho đến khi chịu treo trên thánh giá: “Cha ơi! Sao Cha bỏ Con! Nhưng đừng xin theo ý Con như xin cho ý Cha thành sự.”

Ngoài tâm tình của một Người Con khi cầu nguyện, Chúa Giêsu còn nhắn nhủ thêm những tâm tình cần phải có bằng hai hai dụ ngôn trong trong bài Tin Mừng hôm nay.
Với dụ ngôn người bạn xin bánh nửa đêm, Chúa muốn nhắc chúng ta lưu tâm đến lòng kiên trì cầu nguyện. Đừng chú trọng đến công thức cầu nguyện cho một thời điểm mà lưu tâm hơn đến tâm tình cầu nguyện liên lỉ trong đời.  Hãy ở trong tâm tình cầu nguyện nghĩa là luôn gắn bó với Chúa, luôn thưa lên với Chúa mọi nơi mọi lúc.
Chẳng phải đến lúc chúng ta thưa lên những nhu cầu của mình thì Chúa mới biết nhưng Người đã biết trước khi chúng ta cầu xin.  Tuy nhiên, Người muốn chúng ta tin tưởng và phó thác.  Nếu không kiên trì thì thái dộ nhẹ dạ sẽ đưa chúng ta đến việc van xin hết ông bụt này đến bà thần kia.  Chúng ta sẽ đi lang thang khắp cùng trời cuối đất để mong được thỏa mãn những nhu cầu của mình.

Thiên Chúa không làm ngơ trước những nhu cầu của chúng ta, Ngài nhạy cảm trước những gì chúng ta đang thiếu thốn.  Vấn đề là chúng ta hãy kiên trì trong cầu nguyện.  Hãy biết kiên trì gõ cửa giữa đêm khuya như người bạn xin bánh để học được tính lệ thuộc vào Thiên Chúa.  Bàn tay yêu thương của Ngài sẽ ban phát cho chúng ta những ơn lành mà chúng ta cần đến.

Đôi lúc trong cuộc đời, chúng ta cũng đã kêu trách vì những lời cầu xin của mình không được như ý.  Nhưng bài Tin Mừng hôm nay còn là lời động viên cho chúng ta đừng tuyệt vọng.  Hãy kiên trì trong cầu nguyện.  Hãy xin Chúa cho chúng ta nhận ra thánh ý Chúa trong từng biến cố của cuộc sống.  Có kiên trì trong cầu nguyện chúng ta mới nhận ra lòng nhân lành của Chúa.  Như Chúa đã nói trong dụ ngôn thứ II của bài Tin Mừng hôm nay: Không có người cha nào có con xin bánh mà lại cho hòn đá, xin cá lại cho con rắn.  Cũng vậy, Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta những ơn tốt lành nhát từ kho tàng tình thương của ngài.  Ước gì chúng ta cũng hãy kiên trì cầu nguyện để nhận ra sự tốt lành đến từ nơi Thiên Chúa. 

Lạy Chúa, Chúa thật kiên nhẫn với chúng con.  Chúa không trách phạt chúng con như chúng con đáng tội.  Chúa muốn chờ đợi sự trở về của chúng con và Chúa hằng thi ân ngay khi chúng con còn mang ách tội nhân.  Xin cho chúng con luôn tin tưởng vào tình thương của Chúa.  Xin cho chúng con đừng bao giờ nản lòng trước những rủi ro nhưng biết kiên trì chờ đợi cho đến khi lãnh nhận hồng ân từ Chúa.
Xin cho chúng con cũng biết kiên nhẫn lắng nghe tiếng Chúa, biết lắng nghe nhu cầu của tha nhân và sẵn lòng giúp đỡ trong khả năng của mình.  Xin cho chúng con biết sống với nhau trong tình bác ái chân thành.

Sưu tầm từ Ns/ĐMHCG 7-2016

 

Tin tưởng nơi lòng thương xót Chúa-by Lê Vy Hát
Chúa nhật 17 thường niên, năm C-2016

Hôm nay Tin mừng bày tỏ cho chúng ta một mẫu kinh cầu nguyện.  Cầu nguyện là ca tụng Cha trên trời để đánh động tình thương Chúa.  Cầu nguyện là đối thoại thân tình với Chúa trong mọi nhu cầu linh hồn lẫn cá nhân. Cầu nguyện kiên trì như người bạn gõ cửa xin bánh trong đêm khuya.  Từ ba điểm nêu trên đây, thế giới này kinh lạy cha hay mẫu kinh cầu nguyện còn hợp với chúng ta không?

Ca tụng Chúa là Cha.
Chúa là Cha chúng ta từ lúc dựng lên chúng ta, là Cha đời đời của chúng ta.  Cha phần xác thì tình thương có giới hạn nhưng tình thương Cha trên trời thì lúc nào cũng tuôn đổ ơn phúc cho chúng ta suốt đời.  Chúng ta nhận từ hồng ân này đến hồng ân khác, nên suốt đời có ca tụng tình thương Chúa cha cũng không xứng đâu.  Nhưng bổn phận con cái thì chúng ta dù thân phận yếu đuối, tội lỗi vẫn phải xưng tụng vinh danh Chúa Cha.  Khi ca tụng là chúng ta cũng có ý xin ơn tha thứ để giống như phần thứ hai của kinh lạy Cha “tha thứ cho người ta như cha đã tha thứ cho ta”.  Ca Tụng Chúa Cha để Ngài vui lòng mà tiếp tục ban thêm nhưng ơn mới.  Ca Tụng Chúa Cha là lúc cầu nguyện thân tình nhất vì chúng ta được kết hợp với Chúa trong tâm tình Cha-con.  Ca tụng Chúa Cha để phút giây cầu nguyện trở thành linh thiêng hơn; vì đánh động đến lòng nhân từ của Cha mà Cha đổ ơn cho chúng ta mà không nhìn đến những lỗi lầm tội lỗi.  Ca tụng Chúa Cha để cả đời chúng ta biến thành những hơi thở cầu nguyện, cho dù những lúc chúng ta không chủ tâm quên sót ngài. 

Đối thoại thân tình.
Lời cầu nguyện là cuộc nói chuyện người với Thiên Chúa.  Lời cầu nguyện không thể thiếu đối tượng để mà chiêm ngắm.  Lời cầu nguyện là lắng nghe để có lúc nói lúc im lặng cho tiếng nói thần linh chạm vào trái tim của nhau.  Lời cầu nguyện đánh động Thiên Chúa phải chú ý đến người bạn tội lỗi, người con thiếu thốn chạy lại với Người.  Lời cầu nguyện không có thời gian và không gian; cho nên mọi khoảng khắc trong đời là những lúc đối thoại giữa cha và con rất gần.  Thời gian không thể ngăn cản được tâm hồn cầu nguyện.  Không gian, việc làm không thể tách người cầu nguyện với tương giao cha con được. Vì thế, trong niềm vui, nỗi buồn, ngay cả sự chết cũng làm lợi cho tâm hồn cầu nguyện. Sống trong tình nghĩa cha con để cầu nguyện mặc dù không thấy Chúa hiện diện trong thực thể nhưng rất thiêng liêng.  Cảm nghiệm cầu nguyện luôn đi song hành với cha con từ cuộc sống trần gian này đến thế giới thần thiêng ngay tại thế.

Kiên trì cầu nguyện.
Từ ca tụng Chúa Cha đến tương giao với Cha trong lúc đối thoại sẽ dẫn đến trung kiên không bao giờ bỏ.  Người cầu nguyện rút ngắn thời gian chờ đợi lại.  Người cầu nguyện chu toàn nhiệm vụ của mình đó là kiên trì cầu nguyện.  Người cầu nguyện không quản ngại đường đời gian khổ hay hân hoan nhưng nó biến nên lời cầu nguyện nối dài.  Người cầu nguyện đầy tràn niềm tin trong lòng trông cậy bền vững đến cùng.  Trừ sự chết mới ngăn cản người cầu nguyện để về kết hợp với Đấng mà họ vẫn “kiên trì cầu nguyện”. Cả trong sự dữ họ cũng kêu lên “xin cứu chúng con cho khỏi mọi sự dữ”.

Lời cầu thế kỷ
Nếu chúng ta theo dõi những lời huấn dụ của Đức Thánh Cha Phanxicô hằng tuần. Nếu chúng ta dừng lại một chút những biến cố xảy ra cho cá nhân, cho các quốc gia trên thế giớ, từ nước nghèo tới những nước văn minh ! Tại sao con người ngày nay miệng rêu rao chúc nhau bình an; thực tế bình an vẫn bay xa khó mà với tới; một lý do mỗi tâm hồn không áp dụng hay sống kinh lạy Cha mà Chúa dậy ? Nếu thế giới này áp dụng đúng kinh lạy Cha hay thế giới này biết nhún nhường để cùng cầm tay nhau mà đọc từng lời kinh lạy Cha thì thế giới biến đổi lắm.  Thế giới sẽ có bình an ngự trị trong các quốc gia và từng cá nhân một. Thế giới muốn có sự yêu thương xót thương của Chúa phải là thế giới cầu nguyện. Từng gia đình hay từng cá nhân muốn sống an vui là chính họ phải chấp nhận thi hành mẫu kinh lạy Cha một cách nghiêm chỉnh.  “Xin Cha cho chúng nên một, như con với cha là một”.
Lạy Mẹ Maria là mẫu gương cầu nguyện, chính mẹ “đã suy đi ngẫm lại trong lòng” để Lời Chúa được tăng triển trong tâm hồn, “Mẹ đầy ơn phúc” gíup chúng con siêng năng kiên trì cầu nguyện để ca tụng Cha, kết hợp với Cha đến giây phút cuối cùng trong đời.  Nhất là xin Mẹ cứu chúng con “khi nay và trong giờ lâm tử”. Amen.

 

 

BIẾT LO CHO TƯƠNG LAI 2013

Vào năm 1982, một ngày nọ thành phố New York bỗng xẩy ra mất điện, khiến ai nấy đều sửng sốt và lo ngại. Nhiều năm qua chưa bao giờ xẩy ra như vậy, nên chẳng nhà nào chuẩn bị đèn dầu cả. Chưa bao giờ xẩy ra cảnh mất điện, khiến không ai quan tâm đến sự khẩn thiết và giá trị của điện, nhưng bây giờ họ mới thấy ánh sáng là quý giá.

Người đi mượn bánh ban đêm trong Phúc Âm hôm nay hẳn đã từng sống trong no nê, chán chường với bánh ăn hàng ngày. Đêm nay có khách đến trễ, ông mới thấy quý báu cái mà ông chẳng bao giờ quan tâm đến.

Chỉ khi nào cảm cúm thì những viên thuốc Aspirin mới có giá trị. Chỉ khi nào đau bụng mới thấy gừng là quí. Có làm quản lý gia đình mới cảm thấy gánh nặng của các bills nợ hàng tháng gửi về.

Quan tâm tới gía trị công việc hàng ngày là một tập quán tốt. Tập quán này không phải tự nhiên có được, phải tập luyện dần mới thành thói quen. Hai người chơi tennis, một người chơi có ý định cho khoẻ, một người có ý trau dồi nghệ thuật để ngày nào đó có dịp thi tài. Người thứ hai không những được khỏe mạnh mà có tiến bộ hơn nhiều về tài năng nghệ thuật.

Nhưng quan tâm thế nào cho vừa? Người ta hay có thái độ coi thường, coi nhẹ những vấn đề quen thuộc xẩy đến hàng ngày: Tàn thuốc ném lung tung mãi đâu thấy sao. Rượu uống hàng ngày đâu thấy hại... Thái độ canh phòng, quan tâm hóa thành "thức lâu chầu mỏi", lãng quên, coi thường vấn đề. Trái lại với thờ ơ, coi thường là "quá quan tâm". Trong đời sống có bao nhiêu cái phải quan tâm: gia đình, học hành, công việc, con cái... Trong Anh ngữ cái gì quá thì gọi là "Over", Oversize, Overheat, Overtime... Nghị lực con người có hạn, lo có cỡ, cái gì cũng cho là quan trọng thì chúng ta sẽ bị "Overload", đến nỗi cái chính yếu phải quan tâm sẽ bị mai một, giảm giá và bỏ quên. Rượu "dổm" uống lắm cũng say, lời nói nghe lắm cũng nhàm. Thái độ thái quá hay bất cập đều không tốt cả.

Chúa Giêsu đã nhẹ nhàng gợi ý cho Martha rằng: "Chỉ có một sự cần..., Maria đã chọn phần tốt nhất..." (Lc.10:42). Cái khó là làm sao đổi mới tư tưởng để nhận ra rằng thực hành việc lành mỗi ngày là điều cần thiết thật. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II là người bận rộn nhất thế giới, đã chẳng có giờ thể thao giải trí, đua thuyền như ông Tổng Thống Bush, nhưng ngài đã quan tâm đến việc thánh hóa bản thân bằng giờ cầu nguyện và đọc kinh Mân Côi. Vua thánh Louis khi thành hôn đã làm một cái nhẫn vàng có khắc 3 chữ "Dieu - Patrie -Margarita": Thiên Chúa - quê hương - và Margarita (vợ vua). Đó là thứ tự những cái ngài quan tâm.
Cuộc đời vẫn là cuộc đời, dù chúng ta có quan tâm tới nó hay không. Một ngày qua đi là một ngày sống để gần cái chết, và trong sổ của những người làm việc vô ích lại ghi thêm một điều xấu nữa. Khi nằm trên giường bệnh, hay khi hấp hối có lẽ chúng ta mới cảm thấy chuỗi ngày sống qua thật uổng phí vì chưa hết sức lợi dụng để làm việc lành.

Thật đáng khen ngợi thái độ lì lợm của ông bạn đang đêm đi mượn bánh, ông không ngại ngùng, không sợ sệt, nhưng cố nài nỉ cho bằng được cái ông cần. Hãy bắt chước ông "quấy rầy" Chúa cách bền bỉ. Xin Ngài giúp chúng ta nhớ đến chỉ một điều cần là "làm lành lánh dữ" để đẹp lòng Chúa.

Lm. Vũ Khiêm Cung, CMC

 

VÌ ANH EM

  (Cl 1, 24 -28)


“Tôi vui sướng trong những đau khổ tôi phải chịu vì anh em”

Lời Chúa đến làm con phải nghĩ lại.

Đã bao giờ con nhận thấy mình sung sướng,

khi những khổ đau, vì anh em mà con phải vác mang ?

Kinh Thánh luôn làm con phải xét lại,

khi dòng đời cứ cuốn đẩy con trôi,

Chúa có cách nhìn vấn đề của Chúa,

Chúa gọi con, theo Chúa sống cuộc đời.

Lm. Vinh Sơn Phạm Trung Thành, dcct.

Chúa nhật 16 TN. C.

28/07/2013

 

LỜI KINH TUYỆT VỜI
Chúa nhật 17 thường niên, năm C
(BĐ1: Genesis 18:20-32 -  BĐ2: Col 2:12-14 – PÂ: Luca 11:1-13)

Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay thuật lại việc Ðức Giêsu dạy ta cầu nguyện bằng lời Kinh Lạy Cha. Người muốn ta gọi Thiên Chúa là Cha, sống tâm tình của người con thảo và tin tưởng phó thác hoàn toàn vào Thiên Chúa.  Người muốn ta cầu nguyện cho vinh danh Thiên Chúa và cho những nhu cầu cơ bản trong đời sống của ta.

 Mời bạn cùng với tôi, chúng ta hãy cùng nhau dành ra đôi ba phút mỗi ngày để cầu nguyện theo lời kinh mà Đức Giêsu đã khuyên dạy:
Nguyện cho danh Cha cả sáng, lời nguyện đầu tiên xin cho Thiên Chúa được mọi người nhận biết, tôn thờ Thiên Chúa là Cha, và mọi người là anh chị em với nhau.

Nguyện cho Nước Cha trị đến, lời nguyện thứ hai xin cho Nước Cha, "nước công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần" (Rm 14,17). Nơi nào có công chính, có bình an, có hoan lạc trong Thánh Thần, nơi đó là Nước Thiên Chúa.  Công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần càng lan rộng thì con người lại càng được hạnh phúc.
Nguyện cho ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời, lời nguyện thứ ba xin cho ý Thiên Chúa được thực hiện. Thiên Chúa muốn mọi người được bình an, hạnh phúc và nhất là được cứu độ, được hưởng cuộc sống hạnh phúc đời đời.  Ý muốn của chúng ta thường hay hẹp hòi, ích kỷ, vì chúng ta nghĩ đến mình quá nhiều.  Nhưng Thiên Chúa thì khác. Hơn nữa, Thiên Chúa biết chúng ta cần thiết những gì.

Xin cho chúng con hôm nay có cơm ăn áo mặc mỗi ngày là lời nguyện thứ tư. Giàu có  tiền bạc nhiều quá hoặc nghèo khó quá là hai thái cực. Cha ông chúng ta đã chẳng từng nói "no nê sinh dâm dật, túng bấn sinh đạo tặc" đó sao? Ðức Giêsu muốn tránh cho ta những nguy hiểm tiềm ẩn. Người muốn ta thanh thoát, đừng quá lo toan vật chất mà hãy lo tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước nhất.

Xin tha nợ chúng con là lời nguyện thứ năm. Con người ở đời không ai hoàn hảo cả, không lỗi này thì lỗi khác, không tội lớn thì tội nhỏ. Như thế, con người mang gánh nặng, mang nợ, mang lỗi lầm … Con người cần Thiên Chúa tha thứ. Nhưng điều kiện để được Thiên Chúa tha thứ là con người cũng phải biết tha thứ cho anh chị em mình "như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con".

Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ là lời nguyện thứ sáu. Cám dỗ là một thực tế trong đời người. Bao lâu con người còn sống, bấy lâu còn bị cám dỗ. Cám dỗ đến từ bên ngoài, do người khác, do hoàn cảnh… cám dỗ đến từ bên trong, do chính nội tâm, thâm sâu trong mỗi người.

Xin cứu chúng con cho khỏi sự dữ là lời nguyện thứ bảy. Sự dữ là những gì không tốt đẹp xảy đến trong đời sống của con người, thí dụ như bị tai nạn, bị thiệt hại, bị hãm hại... Cũng có sự dữ xảy đến trong đời sống thiêng liêng, đó là sự dữ ghê gớm nhất vì nó làm ta xa Chúa, làm ta mất sự sống đời đời… Xin Chúa gìn giữ ta luôn bình an hồn xác .
Kinh Lạy Cha là lời kinh duy nhất mà Chúa Giêsu dạy ta mỗi khi cầu nguyện. Ước gì ta siêng năng đọc lời kinh này, và mỗi khi đọc, ta luôn đọc trong tâm tình của người con thảo, đọc một cách chậm rãi để lời kinh đi vào tim óc của ta, nhờ đó ta được đến gần với Chúa mỗi ngày mỗi hơn.


***
Lạy Cha! Con tạ ơn Cha vì những ơn Cha đã ban cho con, những ơn con nhìn thấy được, và những ơn con không nhận ra.

Con biết rằng con đã nhận được nhiều ơn hơn con tưởng, biết bao ơn mà con nghĩ là chuyện tự nhiên.

Con thường đau khổ vì những gì Cha không ban cho con. Con thường nghi ngờ tình yêu thương nâng đỡ của Cha và quên rằng đời con được bao bọc bằng ân sủng.

Tạ ơn Cha vì những gì Cha cương quyết không ban cho con bởi lẽ điều đó có hại cho con, hoặc vì Cha muốn ban cho con một ơn lớn hơn.

Xin cho con vững tin vào tình yêu thương của Cha, dù con không hiểu hết những gì Cha làm cho đời con. Amen.

An Phong, OP

 

Hiệu quả của lời cầu xin
Chúa nhật 17 thường niên, năm C

Đời sống của Đức Giê-su luôn chìm đắm trong ân sủng của cầu nguyện, từ sáng sớm cho đến lúc chiều về, Ngài luôn cầu nguyện và dạy các Tông đồ của mình cũng hãy làm như vậy. Bản kinh Lạy Cha được ra đời trong hoàn cảnh: “ Lần kia, Ngài cầu nguyện ở một nơi nọ; Ngài xong rồi thì một môn đồ thưa Ngài: “ Lạy Thầy, xin dạy chúng tôi cầu nguyện, như Gioan đã dạy các môn đồ của ông” (Lc 11, 1). Chẳng phải người môn đồ của Đức Ki-tô, vì chiêm ngưỡng Thầy mình cầu nguyện trước, rồi khao khát cầu nguyện đó sao?

Cầu nguyện là gì?

Có nhiều cách để định nghĩa về điều này, nhưng như Thánh Gioan Đamascênô: “ Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên cùng Thiên Chúa hay là cầu xin Thiên Chúa ban cho những điều xứng hợp”, còn Thánh Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su thì: “ cầu nguyện là sự hướng lòng lên, là cái nhìn đơn sơ hướng về Trời, là tiếng kêu tri ân và yêu mến cả trong cơn thử thách lẫn trong lúc vui mừng”. Và trong cả những lúc: “ Chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải” (Rm 8,26), thì Thiên Chúa vẫn luôn đáp lời và sẵn sàng đón nhận những lời cầu xin “ Từ vực thẳm” (Tv 130. 1), của mỗi chúng ta.

Tổ phụ Abraham cầu nguyện Thiên Chúa muốn phạt và tiêu diệt dân thành Sô-đôm và Gomora, vì tội lỗi của họ. Abraham muốn cứu dân khỏi tội chết. Ông cầu xin cùng Thiên Chúa, với lời cầu nguyện thống thiết, nài nỉ và kiên trì. Con số năm mươi người công chính có mặt trong thành, rồi từ từ hạ xuống với con số là mười người. nhờ lời cầu bàu của Abraham, Thiên Chúa đã không hủy diệt các dân trong thành.

“Hãy xin thì sẽ được; hãy tìm thì sẽ gặp; hãy gõ thì sẽ mở cho”(Lc 11, 9). Sống cầu nguyện là sống tin, cậy và mến Chúa một cách trọn vẹn. Sự tín thác vào Chúa quan phòng sẽ giúp con người thoát khỏi mọi ràng buộc trên bước đường trần thế, và chỉ để cuộc đời mình được dẫn dắt bởi bàn tay của Thiên Chúa đầy lòng từ bi.

Lm Gia-cô-bê Tạ Chúc

Cứ xin thì sẽ được
(chúa nhật 17 thường niên, năm C)

Bác sĩ Alexis Carrel là một nhà nhân bản. Trong một tác phẩm được cả thế giới biết đến: L’homme inconnu (Con người tuyệt diệu), đã không tiếc lời ca ngợi giá trị và sự cần thiết của việc cầu nguyện. Theo ông thì cầu nguyện đúng nghĩa là thực thi chức năng “con người thụ tạo” của ta với Đấng Tối Cao, tức Thiên Chúa. Theo đó, con người nhờ trí tuệ phong phú, nhờ cuộc sống, nhờ những điều mắt thấy tai nghe, mà càng ngày càng nhận thức được sự cao cả tuyệt vời của Đấng Tạo Hóa. Đồng thời cũng nhận ra sự nhỏ bé, hữu hạn và bất toàn của mình, nhưng lại được tham dự vào cuộc sống tuyệt vời của Đấng Tối Cao. Do đó không thể không thốt lên những lời tôn vinh chúc tụng cảm tạ và cầu xin cùng Ngài. Nhưng cầu nguyện như thế nào cho đúng cách, chúng ta cùng nhau lắng nghe Lời Chúa qua phụng vụ của Chúa nhật XVII mùa thường niên năm C:

Trong bài đọc 1 được trích từ sách Sáng Thế (St 18, 20-32) thuật lại rằng: Abraham không chỉ hiếu khách mà còn quảng đại khi mạnh dạn đứng lên cầu xin cho dân thành Sôđôma. Ông được Thiên Chúa mạc khải cho biết thành Sôđôma tội lỗi thấu trời sẽ bị tiêu diệt. Tất cả sẽ bị chìm trong lửa bởi trời, sẽ bị giáng phạt, nhưng Thiên Chúa chỉ giáng phạt khi Ngài đã biết rõ thực hư. Và Abraham đã kêu xin cho dân thành này. Ông mặc cả với Chúa xin Ngài đừng nỡ lên án những người lành chung với người dữ và hãy vì những người lành mà tha thứ cho cả thành. Thiên Chúa chấp nhận theo ý nguyện của Abraham. Ở đây cho thấy có sự liên đới trong ơn cứu độ. Abraham cầu xin thay cho dân: vì những người tốt lành Thiên Chúa sẽ không trừng phạt những người tội lỗi. Mọi người cùng sống với nhau, cùng chia sẻ một niềm tin thì luôn liên đới và cần cho nhau. Do đó cầu nguyện không chỉ cho mình mà quan trọng phải biết cầu nguyện cho người khác. Vì lời cầu nguyện cho nhau thì dễ được Thiên Chúa chấp nhận hơn lời cầu nguyện cho chính mình.

Đáp lại yêu cầu của các môn đệ xin Người dạy cho biết cách cầu nguyện, Chúa Giêsu đã dạy các ông kinh Lạy Cha. Qua nội dung của lời kinh này, Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ không chỉ biết cách cầu nguyện như thế nào cho đúng, mà còn đưa các ông đi vào trong mối quan hệ mật thiết với Thiên Chúa và tha nhân. Cầu nguyện là sống tương quan con thảo với Thiên Chúa là Cha và sống tương quan huynh đệ với mọi người.

Khi dạy mọi người cầu nguyện gọi Thiên Chúa là Cha, Chúa Giêsu đã đưa con người vào một mối tương quan mới. Người thông ban cho môn đệ và chúng ta quyền gọi Thiên Chúa là Cha, thì cũng đồng thời, được nối kết với mọi người để trở nên anh em với nhau trong đức tin. Lời kinh “Lạy Cha chúng con ở trên trời” nói lên thân phận của người Kitô hữu là con Chúa và là anh em của nhau, nói lên tình yêu hiệp nhất của mọi thành phần dân Chúa. Nên trong lời thư của thánh Phaolô khi nhắc nhở dân Côlôsê cũng chính là lời khuyên ta suy nghĩ về ơn gọi của mình. Nhờ Bí tích Thanh Tẩy, chúng ta được trở nên công chính và trở thành nghĩa tử của Thiên Chúa. Vì vậy, điều cần duy nhất là chúng ta phải giữ vững tư cách con cái Chúa, để luôn nhận được lòng thương xót của Người. Ước gì mỗi khi đọc lời kinh ấy, chúng ta thực sự sống hiếu thảo với Thiên Chúa là Cha, thực sự ý thức và sống tương quan huynh đệ với mọi người chung quanh.

Kết thúc dụ ngôn người bạn bị quấy rầy, Chúa Giêsu khẳng định: hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ thấy, hãy gõ thì sẽ mở cho. Những lời này vừa gợi mở cho chúng ta niềm hy vọng, vừa dạy chúng ta thái độ tin tưởng và sự bền tâm thiện chí trong cầu nguyện. Từ kinh nghiệm nài van của Abraham khi cầu xin cho dân thành Sôđôma đến dụ ngôn trong bài Tin mừng, tất cả gợi lên cho chúng ta bài học quý giá: hãy cầu nguyện, cầu nguyện luôn, cầu nguyện không ngừng. Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta hơn cả những gì chúng ta mong ước.

Phanxicô Xaviê

 

CN 17C : Thân Cha, phận con
Anphong Nguyễn Công Minh, ofm7/27/2013

CN 17C : Thân Cha, phận con

Hôm nay Chúa dạy về cầu nguyện. Nhưng ta không khai triển đề tài cầu nguyện, mà triển khai một góc nhỏ, nhưng là đỉnh lớn của nội dung lời nguyện. Chúa dạy cầu nguyện. Và cầu nguyên bằng kinh Lạy Cha. Ta chỉ dừng lại tiếng xưng hô “Lạy Cha” đó mà thôi.

I. Phận con

1. Chúng ta không phải là anh em mồ côi.

Câu chúng ta thường nghe “tứ hải giai huynh đệ” : khắp bốn bể đều là anh em, câu này thoạt tưởng là hay, nhưng suy nghĩ lại, lại thiếu một yếu tố quan trọng. Tất cả là anh em, nhưng lại là anh em … mồ côi, vì không có cha. Quan là “dân chi phụ mẫu,” thì quan đó cũng chỉ là cha mẹ của một góc nhỏ dân: dân Tàu, dân Việt… chứ bốn bể làm gì có ông quan nào làm chủ được để gọi là mẹ là cha. Còn suy ra từ kinh Lạy Cha, thì chúng ta là anh em, và không mồ côi vì có chung một Cha trên trời. Anh cũng đọc Lạy Cha, tôi cũng đọc lạy Cha, chị cũng xướng Lạy Cha… và là một Cha thôi, nên tất cả trở thành anh em. Tứ hải giai huynh đệ nhi đồng nhất phụ. Để có thể bao phủ cả bốn bể, chỉ có bầu trời. Để có thể làm cha anh em trong bốn bể chỉ có Ông Trời. Và chính Ông Trời này là Cha của chúng ta. Lạy Cha, Đấng ngự trên Trời.

2. Ai cho ta quyền này : gọi Ông Trời, Chúa Trời là Cha chúng ta. Hẳn ai cũng trả lời được. Chính Chúa Giêsu. Không có Ngài chẳng ai dám gọi Chúa Trời là Cha.

Trong Thánh lễ, trước kinh Lạy Cha, chúng ta nghe lời dẫn thế nào ? Vâng lệnh Chúa Cứu Thế và theo Lời Người dạy, chúng ta dám (cả dám, cả gan, gan cùng mình) nguyện rằng. Một chỗ khác Chúa nói rõ, “Thầy đi về cùng Cha của Thầy và cũng là Cha của anh em.” Không phải Cha của Thầy khác Cha chúng ta, mà Chúa Giêsu và chúng ta có chung một Cha, nên ta là anh em với nhau, và là em (dẫu bảy tám mươi tuổi, dẫu sinh ra trước khi Đức Giêsu xuống thế làm người, thời ông Bành Tổ cổ lai) tất cả đều là em của Đức Giêsu. Ngài là Trưởng Tử, của một đàn em đông đúc (Rm 8,29 : “Vì những ai Người đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc”).

Và Chúa Giêsu chỉ cho ta quyền này thông qua Chúa Thánh Thần. Chính nhờ nước và Thánh Thần, tức Phép Thánh Tẩy, mà Thánh Thần, tức vị thần thánh hoá, biến ta thành thánh, để ta dám, cả dám cùng với Thánh Thần trong ta, kêu lên abba, Cha ơi Cha. (Gl 4,6 : Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên : "Áp-ba, Cha ơi !")

Vậy mà chúng ta có thấy chói tai và mâu thuẫn không, khi vào xưng tội, có linh mục nói cách rất tự nhiên : để “đền tội”, con hãy đọc 3 kinh Lạy Cha. Làm như đọc Kinh Lạy Cha là một hình phạt, như để đền tội phá trong lớp, hãy quì gối trên vỏ sầu riêng một giờ !

Đọc Kinh Lạy Cha, được kêu Cha ơi Cha là một ân phúc, đâu phải ai muốn cũng được. Phải những kẻ đã được tái sinh trong Phép Rửa bằng nước và Thánh Thần.

Thời nguyên thuỷ Kitô giáo, và nay khi Công Đồng muốn trở về nguồn để chia thành nhiều giai đoạn khi cử hành bí tích thánh tẩy, thì, dự tòng chỉ được trao kinh Lạy Cha cuối cùng (Kinh Tin Kính được trao trong giai đoạn trước), ngay trước khi lãnh nhận Phép Rửa, để khi được thánh tẩy xong là trở thành em Chúa Giêsu, thành con Chúa Cha, để vinh hạnh đọc kinh Lạy Cha, gọi Chúa Trời là Cha ơi Cha.

Trong một lớp học về phụng vụ khi còn ở Chicago, tôi có nêu lên lưu ý này : tại sao lại nói : để đền tội, hãy đọc kinh Lạy Cha. Cả lớp thấy có lý và cuối giờ ông thầy vẫn còn tâm đắc cho nên nói với cả lớp lúc đứng dậy đọc kinh kết thúc : for penalty say Glory to the Father (one time).

Chị thánh Têrêxa chẳng bao giờ đọc hết câu đầu của kinh Lạy Cha chứ đừng nói là hết cả kinh. Bởi vì mới đọc được hai chữ Lạy Cha, mà tiếng ngoại quốc thì có thể hiểu thân mật hơn: cha ơi, Bố ơi, Ba ơi… là chị không đọc thêm được nữa, vì nghĩ mình là ai. Nhỏ bé, thấp hèn, tội lỗi, mà được phép gọi Chúa Tể đất trời là Ba ơi, không thể hiểu nổi. Chị ngất ngây với tiếng kêu Cha ơi, mà không thể đọc thêm được danh Cha cả sáng nước Cha trị đến gì nữa…

Các chị nữ và các bà mẹ đừng buồn, khi thấy Chúa chỉ được gọi là Cha. Vậy ngài không là Mẹ hay sao ?

Trong khoá họp THĐGM về gia đình ở Roma, tháng 10-1980, ĐGM Nguyễn văn Hoà có phát biểu: khi chúng ta gọi Chúa là Cha, chúng ta mới gọi được 50% phẩm tính, danh xưng của Chúa. Sau buổi họp, một chuyên viên Kinh Thánh, và một chuyên gia về luật đến nói với Đức Cha : ngài nói đúng. Nhưng tiếc thay cho đến nay ta chưa tìm được cách nào để vượt ra khỏi, bởi bản văn Kinh Thánh ghi rõ ràng Abba, Cha ơi Cha (chứ không phải Imma : má à má).

ĐGH Gioan Phaolô II hình như còn đi xa hơn khi vào đầu triều đại của ngài, ngài đã nói: Chúa là Cha, hơn thế nữa, Chúa là Mẹ. Vậy là “hơn thế nữa” có thể Chúa là Mẹ 60, Chúa là Cha 40 (tứ lục) ! Ta không lạm bàn thêm vì là vấn đề khá nóng bỏng, nhất là tại các nước phương Tây. Gọi Chúa là She or He.

Vậy là ta cứ phải theo truyền thống gọi Chúa là Cha nhưng vẫn ngầm hiểu “hơn thế nữa Ngài là Mẹ,” bởi lẽ để diễn tả tình yêu (chứ không phải uy quyền) thì lòng Mẹ vẫn là biểu tượng vượt trội hơn ý chí của Cha.

II. Thân Cha

Nếu Thiên
Chúa tạo dựng nên con người giống hình ảnh Ngài, thì ta cũng có thể nhìn vào ta mà suy ra Chúa.

Một người bạn có đứa con đầu lòng tâm sư : “lần đầu tiên khi nghe đứa con gọi : Bố ơi, tôi bủn rủn cả chân tay, một luồng điện cực mạnh chạy khắp cơ thể, tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng.” Quả thật. Gọi ai là cha tức là nhận người ấy là ân nhân lớn nhất đời mình. Vì nhờ cha, ta nhận được món quà tặng quý giá nhất đó là sự sống.

Tôi có một anh bạn, cùng lớp thời chủng viện, nay anh làm bố đời, tôi làm cha đạo. Anh ở vùng quê Cái Sắn, nhiều nắng lắm sương vất vả nuôi nấng gia đình. Anh nói, “mỗi ngày đi làm ruộng về, mệt muốn chết, nhưng khi về đến nhà nghe đứa nhỏ kêu lên : ba về, bố về… thấy mệt mỏi chạy mất tiêu.”

Vậy khi ta gọi Chúa là “Cha ơi Cha,” ta đã suy xét trong phần I rằng đó là một ân phúc lớn lao, không sao cảm tạ, thì trong phần II này, ta thử “chơi cha” một chút, khi ta gọi Chúa là Cha, Chúa có sung sướng quên đi mệt mỏi, xúc phạm của ta như hai bố đời, bố trần gian trên đây tâm sự không ? Có được phép áp dụng tâm trạng của bố dưới trần cho Cha trên trời không ? Hẳn là được. Vì ta được tạo dựng giông giống như Chúa mà.

Bởi đó khi cầu nguyện, xin ơn gì, chỉ cần kêu ba ơi ba là Cha trời sẽ “bủn rủn tay chân, sẽ quên hết lỗi lầm của ta, mà ban cho ta hết ơn này đến ơn kia.” Chính bài Tin Mừng đoạn cuối cho ta biết điều này “Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, lại lấy rắn thay vì cá mà cho nó ? Hoặc nó xin trứng, mà lại cho nó con bọ cạp ? Vậy nếu anh em là những kẻ xấu, mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha trên trời, Người sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người ?"

Không cần nói gì nhiều, Cha trên trời cũng ban ơn dư dật.

Để minh hoạ cho điều này có rất nhiều mẫu gương. Chuyện kể cũng nhiều mà tiểu sử thánh nhân cũng không thiếu. Nên chỉ nhắc đến một, mà là một chuyện :

Số là chàng tu sinh kia đi sớm, quên mang sách kinh để cầu nguyện. Thế là chàng nảy ra lời nguyện này : “Cha ơi, con quên sách rồi, bây giờ con đọc cho Cha 24 mẫu tự, ba lần. Cha muốn ghép (giống chương trình “chiếc nón kì diệu”) chữ nào vào ô nào cho đúng cho đẹp ý Cha thì Cha cứ ghép."

Chúa Cha trên trời phán với triều thần : từ trước tới nay Ta chưa hề nghe được lời cầu nguyện nào hay như thế.

Hay ở chỗ phó thác hết cho Cha, cho bố. Bố muốn làm gì bố làm.

Ta đang sống trong Năm Đức Tin. Sống đức tin là phải truyền bá đức tin, tức làm cho nhiều người nhận biết và tin Chúa là Cha (Chúng con nguyện danh Cha cả sáng). Chúa thì nhiều người cũng nhận biết rồi, nhưng đây là : Chúa là Cha, ba ơi ba. Rồi từ nhận biết và tin, họ sẽ gia nhập vào gia đình Cha (Nước Cha trị đến).

Nhưng trước tiên, bản thân ta hãy sống cho đẹp tình Cha con. Kêu Chúa thật thân tình “Ba ơi Ba,” chắc Chúa sẽ bủn rủn tay chân và sung sướng vì tiếng gọi phó thác của ta. Amen.

Anphong Nguyễn Công Minh, ofm

dongcong.net July 20, 2016