dongcong.net
 
 


CN 30 TN-C
Khiêm Nhượng, Biết Mình

Ngày xưa, có một vị niên trưởng nổi tiếng là thánh thiện, đến nỗi mỗi khi các thiên thần gặp ông đều cảm thấy vui mừng và phấn khởi. Mặc dầu rất thánh thiện, ông không bao giờ nghĩ rằng mình thánh thiện. Hàng ngày, ông vui vẻ chu toàn bổn phận, và trao ban sự tốt lành cho tha nhân, giống như những bông hoa trong vườn luôn toả hương thơm một cách vô vị lợi cho những vật chung quanh.

Sự thánh thiện của ông được tỏ hiện bằng cách ông quên quá khứ của mọi người và chỉ nhìn thấy hiện tại của họ. Ông không nhìn bề ngoài, nhưng nhìn thấu tận nội tâm của mỗi người, để thấy rằng trong thẳm sâu cung lòng, ai cũng thật đơn sơ và ngây ngô, nên đã không ý thức được những điều họ làm. Vì vậy, ông có thể tha thứ cho tất cả những ai ông gặp gỡ. Đối với ông, điều này chẳng có gì lạ, vì đó là hậu quả của cách thức ông nhận xét về con người.

Một ngày kia, Chúa sai thiên thần đến và cho ông biết là ông có thể xin bất cứ điều gì Ngài cũng sẽ ban cho. Thiên thần hỏi:

- Ông có muốn được ơn chữa lành không?

- Không, tôi muốn chính Thiên Chúa chữa lành cho tôi và cho mọi người.

- Thế ông có muốn đem tất cả những người tội lỗi trở về đường công chính không?

- Việc chạm đến tâm hồn của con người là việc của thiên thần chứ không phải của tôi.

- Vậy ông có muốn trở thành một nhà gương mẫu để người ta kéo đến chiêm ngưỡng và bắt chước không?

- Không. Làm như vậy thì tôi sẽ trở thành trung tâm điểm để lôi kéo sự chú ý của mọi người.

- Vậy thì ông muốn điều gì?

- Tôi chỉ muốn ân sủng của Chúa. Được như thế là tôi được tất cả những điều tôi mong ước.

- Không đuợc, thiên thần nài nỉ, ông phải xin cho ông một phép lạ, nếu không thì tự Chúa sẽ phải chọn cho ông một phép lạ thôi.

- Nếu vậy thì tôi xin Chúa hãy để cho sự lành được thể hiện qua con người của tôi mà tôi không hề biết đến.

Thế là Chúa quyết định, mỗi khi ông đi đến đâu, mỗi lần bóng của ông ngả về đâu thì những ai chạm đến bóng đó sẽ được ơn chữa lành, đất đai sẽ trở nên phì nhiêu, suối sẽ tràn đầy sự sống và niềm vui sẽ trở về với những ai đã bị trĩu nặng vì khổ đau. Trong khi những phép lạ này xẩy ra, thì người ta chẳng để ý gì đến người đàn ông thánh thiện nữa, vì họ tập trung tất cả năng lực vào cái bóng của ông, và như vậy, ý nguyện của ông đã được thể hiện (Anthony de Mello).

Người Pharisiêu trong dụ ngôn đã quá chú trọng về con người của ông, về cuộc sống của ông, về công việc của ông, nhưng đồng thời ông cũng chú trọng đến những lỗi lầm và cuộc sống tội lỗi của người khác. Câu chuyện của người đàn ông tốt lành kể trên hoàn toàn đi ngược lại với những gì người Pharisiêu đã làm. Ông không hề muốn nghĩ đến điều tốt mình làm và không bao giờ nhớ điều xấu của kẻ khác. Sự khiêm nhường thẳm sâu đã giúp ông ý thức rằng ông chỉ là dụng cụ Chúa dùng, và không có gì để ông phải khoe khoang tự đắc.

Mỗi khi tự hào về con người của mình và nghĩ đến những điều xấu của kẻ khác, là chúng ta mang trong tâm hồn sự kiêu ngạo của người Pharisiêu. Biết mình là một hồng ân, đó là điều các Thánh thường tâm niệm, vì vậy mà Robert Burdette đã có một nhận xét sau đây: "Nếu bạn muốn biết mình quan trọng như thế nào, hãy đặt một ngón tay vào chậu nước, sau đó rút ngón tay ra để xem bạn đã để lại một lỗ hổng như thế nào."

Lậy Chúa, xin dậy chúng con sống hiền lành và khiêm nhường trong lòng.

Sr. Thanh Thủy, LHC

TỘI LỖI CHỐNG LẠI SỰ CÓ TỘI

Người Pharisêu hoàn toàn không biết đến sự có tội của mình.  Ông ta không nghĩ mình có tội gì cả.  Ông ta không phải là một người tội lỗi như phần còn lại của nhân loại.  Không.  Ông ta khác hẳn.  Tuy nhiên, thay vì xem xét lương tâm của mình và xưng thú tội lỗi của mình, ông xem xét lương tâm của những người khác và xưng thú tội lỗi của họ – tham lam, bất công, ngoại tình v.v…

Tuy nhiên, ông ta có tội.  Thật vậy, tội rất nghiêm trọng.  Tội chính của ông là lòng kiêu ngạo.  Nhưng ông ta cũng phù phiếm và tự cho mình đúng lại còn khinh khi những người khác.  Những tội lỗi của ông ta không phải vì những việc làm xấu mà là những thái độ xấu.  Ông ta tỏ một thái độ có vấn đề như người ta thường nói như thế ở Mỹ.

Người thu thuế nếu muốn cũng có thể cáo tội người Pharisêu.  Nhưng ông không làm thế.  Ông tập trung vào chính mình, và để tội lỗi của những người khác ở giữa họ và Thiên Chúa.  Với sự lương thiện triệt để, ông bóc trần tâm hồn trước mặt Thiên Chúa.  Ông không cố tình giấu giếm điều gì.  Ông đứng trước mặt Thiên Chúa và với tất cả sự khiêm tốn, ông nói: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.”  Kết quả là khi ông trở về nhà, ông đã được nên công chính.  “Lời cầu xin của người khiêm tốn sẽ vọng tới các tầng mây” (Bài đọc 1).

Chúng ta có thể học hỏi cả hai người ấy.  Trước hết người Pharisêu.  Thật vậy, có một người Pharisêu ẩn núp trong mỗi người chúng ta.  Giống như họ, chúng ta có thể nhận thức rõ những tội lỗi của các người khác nhưng lại không nhìn thấy tội lỗi của mình.  Người ta dễ có thói quen cáo tội người khác.  Nhưng điều nguy hiểm bởi vì nó ngăn cản chúng ta nhìn vào chính tội của mình.  Ngoài ra, không thể định tội những người khác mà không để cho sự chủ quan của mình, làm cho thiên lệch.

Và chúng ta có thể học hỏi với người thu thuế.  Ông này chỉ cho chúng ta biết phải xưng thú tội lỗi của chúng ta như thế nào.  Dù chúng ta chưa nhận thức hết mọi tội mình làm, mỗi người trong chúng ta vẫn có thể nói với tất cả sự thật: “Con là kẻ tội lỗi.”

Nhiều người đến với Bí tích hoà giải với một danh sách các tội đã được chuẩn bị trước.  Phần lớn những điều ghi trong danh sách ấy thì tầm thường, không đáng kể và không thay đổi bao nhiêu từ lần xưng tội này đến lần xưng tội sau.  Người ta không nỗ lực đi sâu vào căn nguyên của mối tương giao của họ với Thiên Chúa và với người khác.  Người ta quá nhấn mạnh đến các tội mà không nhấn mạnh đúng mức trên sự kiện là một người tội lỗi.

Người thu thuế hẳn sẽ dễ dàng lập ra danh sách các tội.  Nhưng ông đã không làm thế; ông làm một điều tốt hơn, và cũng khó khăn hơn.  Ông nói: “Con là kẻ tội lỗi.”

Chúng ta cũng phải chuẩn bị đứng trước Thiên Chúa như những kẻ tội lỗi cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa như đất hạn cần mưa.  Chúng ta cần phải đối diện không phải với sự thật chúng ta phạm tội, mà với sự thật chúng ta là những kẻ tội lỗi.  Chúng ta là một dân có tội, sa đọa – đây là một thực tế.  Tội lỗi không phải là một hành động hay một hoạt động các hành động, nhưng là một điều kiện trong đó chúng ta sống.  Đó là một chân lý cao cả mà người thu thuế đã lĩnh hội.

Một vấn đề lớn của thời đại chúng ta là con người không biết được chính mình, nhận ra điều xấu và giải quyết nó nơi bản thân mình.  Những người trong các nhóm hỗ trợ nói rằng khúc quanh lớn làm họ chuyển biến là khi họ có thể nói lên sự yếu đuối của mình.

Người Pharisêu đầy sự tự mãn, là tâm điểm của thế giới ông ta.  Ông đã tự tán dương mình.  Từ vị trí tự tâng bốc ấy, ông nhìn xuống những người khác, trong đó có những người mà ông khinh bỉ.  Người thu thuế, trái lại, hạ mình trước mặt Thiên Chúa.  Ông này đặt hy vọng của ông vào lòng thương xót của Thiên Chúa.  Chúng ta làm tốt khi theo gương ông.  Thiên Chúa yêu thích tâm hồn tan vỡ và sầu khổ biết rõ những thất bại của mình hơn tâm hồn tự mãn và kiêu căng không bao giờ nhận rằng mình đã phạm tội.

“Một kẻ tội lỗi biết rằng mình là kẻ tội lỗi, tốt hơn một ông thánh biết mình là thánh nhân” (Châm ngôn Yiđít).

McCarthy

http://suyniemhangngay.net/

 


Cầu nguyện là thông hiệp với Thiên Chúa

Chúa nhật 30 thường niên C -2007

Chúng ta thường nghe câu định nghĩa quen thuộc: "Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên với Chúa". Định nghĩa này tuy ngắn gọn nhưng nói lên bản chất và cách thức cầu nguyện.

Dĩ nhiên ở đây, việc "nâng tâm hồn lên" cần được hiểu sâu xa. "Nâng lên" có nghĩa là ý thức mình chỉ là một thụ tạo kém cỏi, thấp hèn, luôn sống trong trần thế, dễ bị ràng buộc vào những truyện "dưới đất". Và như vậy, khi cầu nguyện, chúng ta cố gắng vươn cao tâm hồn lên, vượt ra khỏi những gì thuộc hạ giới, tạm thời tách rời những liên quan nhân loại, để thiết lâp một liên quan có tính cách hướng thượng, cao hơn, xa hơn, thanh thoát hơn. Cũng chính vì thế, Chúa Giêsu thường tìm nơi vắng vẻ thanh tịnh để có những giờ phút hiệp thông với Cha Ngài. Thánh lễ, cùng với việc rước lễ, là một hiệp thông hoàn hảo nhất, nên trước khi bước vào phần phụng vụ Thánh Thể, chủ tế nói với ngững người dự lễ: "Anh chị em hãy nâng tâm hồn lên".

Ở đây, yếu tố được nhấn mạnh không phải là những cử chỉ của thân thể, những âm thanh trong lời đọc hay tiếng hát, nhưng chính là trạng thái của tâm hồn. Hiểu như thế, nhiều khi chúng ta đọc kinh lớn tiếng, dang tay cao, mà vẫn không phải là cầu nguyện, vì lòng trí chúng ta chưa thực sự thoát khỏi những ràng buộc của lo toan trần thế. Do đó, lời cầu của chúng ta vẫn chưa tới Chúa, tâm hồn chúng ta vẫn chưa gặp được Ngài.

Trong cuốn "150 More Stories", Jack Mac Ardle kể một câu truyện:

Một người chìm vào giấc mơ, thấy mình được nâng lên trời và gặp Chúa Giêsu. Chúa đưa anh đi nhiều chỗ khác nhau và sau cùng hai người dừng chân tại một thánh đường giữa lúc đang cử hành thánh lễ. Chàng thanh niên nhìn thấy các ca viên đang mở sách hát, nhưng không nghe thấy tiếng hát; thấy một người đang lướt các ngón tay trêm phím đàn nhưng không nghe thấy tiếng nhạc; thấy mọi ngượi đang mở miệng đọc kinh, nhưng cũng không nghe thấy âm thanh phát ra từ miệng họ. Ngạc nhiên, anh ta hỏi Chúa Giêsu: tại sao chỉ thấy im lặng. Chúa trả lời: "Chúng ta chỉ có thể nghe được tiếng của họ, nếu họ thực sự cầu nguyện với tất cả tâm hồn mà thôi"

"Với tất cả tâm hồn" không chỉ được hiểu là hết sức lực, hết tâm trí, nhưng còn hiểu là cầu nguyện với niềm tin tưởng phó thác vào Chúa, với lòng khiêm nhượng và tình bác ái.

Qua dụ ngôn hôm nay, chính Chúa Giêsu đã cho chúng ta thấy: dù có đến nhà thờ, dù có giơ cao đôi tay hay lớn tiếng đọc kinh, nhưng không ý thức thân phận yếu đuối và tội lỗi của mình, trái lại, tự cao tự đại, coi thường anh chị em mình, thì hành động và lời nói của chúng ta chỉ trở thành vô ích, không bao giờ được Chúa lắng nghe và chấp nhận. Người thu thuế, vì ý thức mình tội lỗi, yếu hèn, cần đến ơn tha thứ, nên trong khi cầu nguyện, anh đã được Chúa nhận lời và thứ tha. Anh đã cầu nguyện với tất cả tâm hồn.

Lạy Chúa, mỗi lần trước khi đến với Chúa, trước khi mở miệng cầu nguyện, chúng con xin Chúa hãy thanh tẩy tâm hồn chúng con khỏi các ý nghĩ kiêu căng, ghen ghét, giận hờn và giúp chúng con thoát khỏi những ràng buộc bận tâm trần thế.


Lm. Bùi Mạnh Tín - NS-TTĐM

 

 

 
     

Tỉnh Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)