dongcong.net
 
 


CN 33 TN-C
Kiên Trì

"Có kiên trì, anh em mới có thể giữ được mạng sống mình"

Xã hội ngày nay cho con người nhiều cơ hội để chọn lựa phù hợp với sở thích và khả năng của mỗi người, ngay cả về tín ngưỡng. Vì ngưỡng cửa cơ hội luôn rộng mở, nên con người cũng dễ dàng cho phép mình thay đổi đường hướng mình đi. Trong đời sống Kitô hữu, con người không có nhiều chọn lựa, duy một con đường con người phải đi: là theo Chúa và sống lời Ngài cho đến hơi thở cuối cùng nếu muốn chiếm trọn nước trời.

Vũ trụ luân chuyển, thế giới thay đổi, con người đổi thay, xã hội mang lại cho con người nhiều điều tốt đẹp nhưng cũng không ít những thách đố và áp lực trên con người khiến cho con người chao đảo trong vòng xoáy và mất đi đường hướng của mình. Đây là giây phút con người trở về với câu hỏi khắc khoải biết bao người đã qua đi trước "làm sao tôi có thể sống kiên định trong đức tin của tôi là một Kitô hữu?"

Thiên Chúa muôn đời là câu trả lời không bao giờ đổi thay cho tất cả những thao thức của con người. Con người chỉ có thể kiên định trong đức tin của mình khi biết nắm chặt bàn tay Thiên Chúa. Thiên Chúa không muốn con người đi trước hay đi sau những Thiên định nhưng đi với Người trên từng nẻo đường của đời mình, đặc biệt trong những ngõ tối của cuộc đời mình. Thiên Chúa chỉ đòi hỏi ở con người sự tin tưởng hoàn toàn vào quyền năng và tình yêu thương từ mẫu của Người. Bao lâu con người còn nhìn nhận Thiên Chúa là Cha và đặt mình đúng vào địa vị của một người con sống nhờ vào tình yêu thương không bờ biến của Thiên Chúa, thì Thiên Chúa luôn mãi giữ vững những lời giao ước thiên thu của mình "Chúa để mắt trông nom người kính sợ Chúa, kẻ trông cậy vào lòng Chúa yêu thương" (TV 34:18).

Năm phụng vụ của Giáo Hội sắp kết thúc, một năm lại lặng lẽ trôi qua, mọi tâm tư của chúng ta phải trực tiếp hướng về ngày cánh chung. Chúa Giêsu phác hoạ một bức tranh ám chỉ ngày tận cùng thế giới đó là sự phá huỷ Đền Thờ Giêrusalem, trong khi ấy, Ngài cũng cảnh tỉnh những người theo Ngài hãy sẵn sàng để đối phó với những xung khắc, căng thẳng sợ hãi, và những chiến đấu khó khăn đang xẩy tới. Nhân loại sống trong mọi thời đại đều tò mò thắc mắc khi nào thì những sự ấy sẽ xẩy ra. Ngày đó từ thời Cựu Ước đến Tân Ước đều không chỉ định thời gian, các tiên tri, các sách Tin Mừng chỉ nói: "Hãy xám hối vì Nước Trời đã gần đến."

Sứ điệp rõ ràng mỗi người có thể đọc được khi mình ra trình diện trước mặt Chúa đó chính là cách thức chúng ta sống, Chúa sẽ quyết định cuộc đời tuỳ theo sự cố gắng liên lỉ của mỗi người trong mọi giây phút hiện tại. Nhiều người hoảng sợ khiếp đảm, đừng sợ, đừng nản lòng khi thấy mình thất bại với đôi bàn tay trắng. Hãy kiên trì vì Thiên Chúa làm chủ trên mọi sự và Ngài không bao giờ ruồng bỏ dân Ngài. Đừng làm mất lòng tin vì những nỗi gian nan éo le nghịch cảnh, hay nỗi hiểm nghèo khổ tâm thử thách của giây phút hiện tại. Tất cả những thứ đó là con đường dẫn đến hạnh phúc vĩnh cửu nếu mình biết lợi dụng.

Thách thức lớn nhất mà mỗi người đang đối diện chính là phải đặt trật tự cho cuộc đời mình, hãy quay trở lại với Chúa bằng sự ăn ở ngay thẳng thật thà liêm chính. Tính ích kỷ làm chúng ta cắt đứt tình liên đới với Chúa và làm cho ta đóng kín tự chôn vào trong cái tôi vĩ đại của mình mà thôi. Khi chúa Kitô trở lại chúng ta trình diện với Ngài như thế nào? Hạnh phúc cho tôi nếu tôi là ánh sáng sứ giả Tin Mừng trong đêm tối, trong mọi cảnh huống khó khăn, tôi vẫn kiên vững với Ngài. Vì trong Thiên Chúa "Chúng ta toàn thắng tất cả nhờ Đấng đã yêu thương chúng ta" (Rom 8,37).

Lạy Chúa, xin gìn giữ chúng con để dù khó khăn nào xẩy tới chúng con vẫn kiên vững với Chúa vì Chúa là Đá Tảng là nơi chúng con nương tựa vững chắc nhất.

Sr. Ngọc Quyên, CMR

 

Có Kiên Trì Mới Tìm Được Sự Sống

Chúa nhật 33 thường niên C -2007

Năm 1983, có hơn 100 triệu người trên thế giới xem phim The Last Day (Ngày Sau Hết), cuốn phim đã mô tả sự tàn phá của chiến tranh nguyên tử. Sau đó vào ngày 18/4/1906, hằng triệu người chứng kiến trận động đất kinh hòang xảy ra tại San Francisco, California, và gần đây, vào ngày 26/12/2004, toàn thể nhân lọai lại chứng kiến cơn Sóng Thần tại đảo Sumatra, Nam Dương đã làm gần 300 ngàn người vừa chết vừa bị mất tích. Cả ba biến cố nói trên đều cho chúng ta thấy cảnh tàn phá ghê rợn ngoài sự tưởng tượng của con người và những hình ảnh này giúp chúng ta liên tưởng đến Lời Chúa hôm nay khi Ngài tiên báo về ngày tàn của Đền Thờ và Thành Thánh Giê-ru-sa-lem "không còn tảng đá nào trên tảng đá nào" (Lc 21:6) và đối với người Do-Thái thì sự tàn phá nầy được coi như là ngày tận thế.

Hôm nay, Chúa Giê-su muốn nói với các môn đệ và cũng nói với mỗi người chúng ta là hãy khôn ngoan và làm nhân chứng cho Chúa Kitô. Khi Chúa Giê-su và các môn đệ nhìn thấy sự huy hoàng tráng lệ của Đền Thờ Giê-ru-sa-lem. Ngài cho các môn đệ biết sẽ có ngày Đền Thờ này bị phá hủy không còn tảng đá nào trên tảng đá nào. Chiến tranh loạn lạc, thiên tai, ôn dịch, hạn hán sẽ xảy ra khắp nơi. Các môn đệ của Ngài cũng sẽ không thoát khỏi tai ách, họ sẽ bị bắt bớ, ngược đãi, bị tù đày, bị xét xử trước công đường và có khi mất cả tánh mạng.

Ngài còn cho biết đây là cơ hội tốt để những ai tin vào Ngài trở thành những nhân chứng về sự khôn ngoan và tình yêu của Thiên Chúa. Họ không cần phải học hỏi để tìm sự khôn ngoan, chính Thánh Thần Chúa đang sống trong họ sẽ soi sáng, hướng dẫn họ những gì cần phải làm và cần phải nói. Tiên vàn họ chỉ cần làm chứng nhân bằng cuộc sống đơn sơ, bác ái, thánh thiện; điều này có sức mạnh hơn bất cứ muôn vạn lời khôn ngoan của loài người và sau cùng là hãy kiên trì thì họ sẽ giữ được mạng sống.

Điều gì đã ứng nghiệm lời Chúa phán?

- Đền Thờ bị thiêu hủy: Năm 70, Tướng Titus đã kéo đại quân tiến chiếm thành Giê-ru-sa-lem và sau đó Đền Thờ bị thiêu rụi. Hơn nữa, vua Adrien còn ra lệnh cho đào hết nền móng Đền Thờ để xoá bỏ mọi tàn tích cũ và xây một đền thờ Thần Jupiter. Hiện nay trên nền Đền Thờ cũ là đền Omar, một giáo đường Hồi giáo.

- Ki-tô hữu bị bách hại: Từ thời Hoàng Đế Nero Giáo Hội tiên khởi đã trải qua một thời kỳ đau khổ trầm trọng. Hàng ngàn hàng vạn người đã bị thiêu sống, bị làm mồi cho dã thú. Hàng ngàn hàng vạn người đã bị đóng đinh trên thập giá.

Tại Việt Nam, nhiều cuộc tàn sát Kitô hữu đẫm máu, đầu rơi máu đổ đã xảy ra. Thời vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, biết bao dòng máu tử đạo đã đổ ra để làm nhân chứng cho Chúa Ki-tô. Dòng máu kiêu hùng của 117 vị Thánh Tử Đạo Việt Nam đã làm rạng rỡ lịch sử Giáo Hội Việt Nam và làm cho cánh đồng truyền giáo Việt Nam ngày càng được nảy nở tươi tốt. Các ngài đã kiên trì và các ngài đã sống mãi mãi trong Đức Ki-tô. Chớ gì mỗi người chúng ta biết sống yêu thương, biết quên mình để phục vụ Thiên Chúa và tha nhân. Chớ gì Lời Chúa, "Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu" (Mc 13:31), như là tiếng chuông cảnh tỉnh mỗi người chúng ta.


Pt. Nguyễn Văn Đức - NS-TTĐM

Không ai có thể đánh cắp

KHÔNG AI CÓ THỂ ĐÁNH CẮP 

Không biết từ bao giờ trong xã hội loài người đã xuất hiện những bất công, bạo lực và tàn ác. Chả biết cái thuở ban đầu hạnh phúc ấy mất đi từ lúc nào. Cái thuở mà con người trên trái đất này chưa biết đến tội lỗi, chỉ biết sống no thỏa trong ân tình với Thiên Chúa. Cái thuở ban đầu đầy lưu luyến ấy đã vội vàng mất đi chỉ vì tội lỗi tràn vào thế gian. Và thế là sự ác ngự trị, bóng tối tràn ngập địa cầu, tội lỗi, bất công và sự ác ngày càng bành trướng. Đứng trước những thay đổi tàn nhẫn của thế giới, nhân loại ngày càng rơi vào cơn hoảng loạn của niềm tin. Những thách đố giữa sự thật phũ phàng của cuộc sống và niềm tin vào một thế giới của sự thiện càng làm cho nhân loại điên đảo. 

Hiểu được thao thức của nhân loại, Đức Giêsu đã đến và mang lại cho con người niềm vui cứu độ, niềm hạnh phúc mà họ đã đánh mất từ thuở ban đầu ngày ấy, khi con người phạm tội lỗi nghịch cùng Thiên Chúa. Đức Giêsu đã xuất hiện để khai mở con đường cứu độ, nối đất với trời. Con đường ấy chính là con đường tử đạo, con đường thập giá, từ trong đau khổ bước tới vinh quang phục sinh. 

Nói về loạn lạc, chiến tranh, bất công, bạo lực… của thế giới, có lẽ chẳng sách vở nào ghi cho hết. Thế nhưng, cho dù thế giới có bất công thế nào, thì Thiên Chúa vẫn là Đấng chí công, chỉ có Ngài là Đấng duy nhất có quyền xét xử con người, để đưa nhân loại tiến vào một thế giới khác, một thế giới chỉ có công bình và sự thiện. 

Những thách đố của cuộc sống trần gian đầy biến động cùng với mọi bách hại đều đã được Đức Giêsu báo trước cùng với lời căn dặn rạch ròi: “Anh em hãy ghi lòng tạc dạ điều này, là anh em đừng lo nghĩ phải bào chữa cách nào. Vì chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan, khiến tất cả địch thủ của anh em không tài nào chống chọi hay cãi lại được… Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu. Có kiên trì anh em mới giữ được mạng sống của mình.” (Lc 19, 14-15,17-19) 

Lời lẽ thật là đáng tin cậy, đầy an ủi, chính là sức mạnh niềm tin cho những ai bước đi theo Người. Chỉ vì làm chứng cho niềm tin vào một Thiên Chúa toàn năng chí công mà con người phải hứng chịu những kết cục thảm khốc, nhưng cho dù có phải hy sinh tính mạng để làm chứng nhân cho sự thật công lý toàn vẹn ấy, chúng ta cũng phải can đảm và mạnh mẽ thể hiện. 

Có rất nhiều cách biểu lộ niềm tin vào Thiên Chúa, nhưng không cách nào sống động và thiết thực hơn bằng chính hành động sống của mình. Có một điều cần phải xác tín, thế giới này không thể nào có công lý, mọi cán cân, mọi chuẩn mực xã hội chỉ nằm ở mức độ tương đối, vì đó là những định kiến con người đặt ra với nhau để cùng thực hiện và bảo vệ. Mọi người, không ai hoàn hảo, chẳng ai lại không bất toàn, pháp luật là cán cân để định mức thưởng phạt mỗi người. Thế nhưng, trên những chuẩn mực ấy, có một Đấng  Chí Thánh, Chí Công, Đấng là Vua xét xử toàn cõi địa cầu, có quyền năng trên mọi loài mọi vật. 

Cái cần của nhân loại là tin vào Đấng làm chủ cuộc đời mình và sống chứng nhân cho niềm tin ấy. Cuộc sống này cho dù có xoay vần đến đâu cũng không qua khỏi bàn tay quyền năng quan phòng của Thiên Chúa. Phải kiên trì, phải bền chí, phải vững tin, tin vào Thiên Chúa của một thế giới công bình, toàn thiện và hạnh phúc. 

Lạy Chúa, có lẽ chẳng ai muốn mình trở thành kẻ tội lỗi, xấu xa và bất hạnh. Ai lại chẳng muốn làm người tốt, người lành, người thánh. Thế nhưng khổ nỗi cái bản thân, đã mang lấy kiếp con người bất toàn và yếu đuối, lại còn được đặt để vào một thế giới đầy bóng tối và sự ác. Phải tranh đấu, phải trà trộn, phải sống chung với sự ác đôi lúc khiến con chao đảo, mất phương hướng, mất niềm tin… đến khi sực tỉnh, cũng nhận ra mình trần truồng, tội lỗi, nhầy nhụa như ai. Xin giúp con, cho dẫu có phải đối mặt với ba thù cũng một lòng trông cậy tín thác vào tình thương và quyền năng của Thiên Chúa. Chớ gì lời căn dặn năm xưa luôn in đậm trong linh hồn con, để không một ai có thể đánh cắp: Dù một sợi tóc trên đầu các con cũng sẽ chẳng hư mất, cứ bền đỗ các con sẽ được linh hồn của mình. (x. Lc 21, 18-19). 

M. Hoàng Thị Thùy Trang.

 

CƠN SỐT QUANG LÂM
(CN XXXIII/TN-C) 

Khi chia sẻ bài Tin Mừng hôm nay (Lc 21, 5-19), đã có nhiều người cho rằng thành Giê-ru-sa-lem mà Đức Giê-su nói đến là thành phố hiện thực tại Do-thái, để rồi từ đó loay hoay tìm những chứng cớ lịch sử có thật (chẳng hạn như sự kiện thành Giê-ru-sa-lem bị cháy vào năm 70 sau công nguyên) để chứng minh lời tiên báo của Đức Giê-su là chính xác. Thực ra, đọc kỹ bài giàng về “sự sụp đổ của thành Giê-ru-sa-lem” sẽ thấy Đức Giê-su dùng hình ảnh có thật trước mắt mọi người để nói đến một hình ảnh ẩn dụ bên trong, đó là ngày tận thế, ngày cánh chung của vũ trụ. Mặc dù Đức Giê-su có nói: "Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào." (Lc 21, 6), nhưng đó chỉ là cách Người muốn cho mọi người hình dung được ngày chung cuộc, mà ngày đó sẽ có những điềm báo trước (Lc 21, 8-19). 

Trước hết, Lời dạy của Đức Ki-tô tiên báo gần đến ngày cánh chung sẽ xảy ra bắt bớ, ngược đãi, gông cùm, tù tội, mà nhiều khi chính những người thân cận nhất lại là những kẻ tố cáo, bắt nộp con em mình cho quan quyền hành tội. Cũng giống như đã có lần Đức Ki-tô dạy: "Quả vậy, Thầy đến để gây chia rẽ giữa con trai với cha, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng. Kẻ thù của mình chính là người nhà." (Mt 10, 35-36). Khi nghe bài Tin Mừng hôm nay, đã có ý kiến phản biện: Cha mẹ nào mà chẳng thương con, “Có người nào khi con mình xin cái bánh, mà lại cho nó hòn đá? Hoặc nó xin con cá, mà lại cho nó con rắn?” (Mt 7, 9-10), chẳng lẽ khi con mình bị trù dập, đã không che giấu thì chớ, mà lại còn nhẫn tâm đi tố cáo, bắt con em mình nộp cho thế lực thù địch hay sao? 

Vì thế, mới thoạt nghe Lời Chúa, thấy có vẻ nghịch lý, khó lòng chấp nhận được, và chính điều này tác động mãnh liệt vào bộ não khiến người ta phải dốc tâm suy niệm để tìm cho ra đáp án. Quả thực, khi phải dốc hết tâm trí ra suy nghĩ về một vấn đề nào đó thì việc đầu tiên là phải nhìn lại mình trước, nhiên hậu nhìn lại những người thân cận và môi trường mình đang sống, đang hoạt động. Nhìn lại để thấy được không hẳn là viết đơn hoặc đến thẳng quan quyền tố cáo con em mình mới là “tố cáo, bắt nộp” (Nhiều khi chỉ vì cha mẹ chưa tin vào những điều con mình đã tin, ra mặt không chấp nhận hành động của con em mình, tạo nên một hố sâu chia rẽ trong gia đình, thì như thế đã là “vạch áo cho người xem lưng”, khiến kẻ thủ ác có cớ để bắt bớ, tra tấn con em mình). Nhìn lại còn để cảnh giác và sẵn sàng đối phó, chớ không phải nhìn lại để trốn chạy, chối bỏ. Nhìn lại còn để thấy được sự yếu đuối, mỏng giòn của bản thân cũng như những người thân cận ruột thịt và rộng ra là của con người thụ tạo trên trái đất này, nên rất có thể "Kẻ thù của mình chính là người nhà" (Mt 10, 36). 

Như thế, nhìn lại mình chính là để vượt thắng được chính mình, mà muốn được vậy thì phải biết kiên trì cầu nguyện xin ơn soi sáng để nhìn cho rõ con đường chân lý mà mình sẵn sàng nhập cuộc, đồng thời cầu nguyện xin Thần Khí Chúa tăng thêm sức mạnh và dũng khí để sẵn sàng đối mặt với nghịch cảnh, chấp nhận hy sinh để bảo vệ đức tin, bởi chính “Đó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy. Vậy anh em hãy ghi lòng tạc dạ điều này, là anh em đừng lo nghĩ phải bào chữa cách nào. Vì chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan, khiến tất cả địch thủ của anh em không tài nào chống chọi hay cãi lại được” (Lc 21, 13-15). 

Điều cần suy gẫm tiếp theo, đó là vấn đề cho đến tận ngày nay, những Lời tiên báo của Đức Giê-su ("Dân này sẽ nổi dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ. Sẽ có hững trận động đất lớn, và nhiều nơi sẽ có ôn dịch và đói kém; sẽ có những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ lớn lao từ trời xuất hiện" – Lc 21, 10-11) đã thực sự xảy ra và xảy ra thật nhiều trên trái đất này. Và tất nhiên, Lời cảnh báo của Người về những người thân cận ruột thịt (cha mẹ, anh em, họ hàng, bè bạn) sẽ bắt nộp con em của mình vì đã dám làm chứng cho niềm tin về một Đấng Ki-tô Cứu Thế, cũng đã xảy ra không ít. Chính Đức Giê-su cũng đã từng bi quan về thời suy tàn ấy: “Khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” (Lc 18, 8). Vì người mang danh có đức tin thì vô số, nhưng người thật sự tin – nghĩa là thể hiện đức tin bằng cuộc sống – thì chẳng bao nhiêu. Chính Thánh Phao-lô cũng nói với tín hữu Ti-mô-thê: “Anh hãy biết điều này: vào những ngày sau hết sẽ có những lúc gay go. Hình thức của đạo thánh thì họ còn giữ, nhưng cái chính yếu thì đã chối bỏ” (2Tm 3,1.5). 

Bài đọc 2 CN. XXXIII/TN-C hôm nay, với tiêu đề “Đề phòng lối sống vô kỷ luật: cơn sốt quang lâm!” có đoạn viết: “Thật vậy, khi còn ở với anh em, chúng tôi đã chỉ thị cho anh em: ai không chịu làm thì cũng đừng ăn! Thế mà chúng tôi nghe nói: trong anh em có một số người sống vô kỷ luật, chẳng làm việc gì, mà việc gì cũng xen vào. Nhân danh Chúa Giê-su Ki-tô, chúng tôi truyền dạy và khuyên nhủ những người ấy hãy ở yên mà làm việc, để có của nuôi thân.” (2Tx 3, 10-12). Quả thật vào thời gian cận kề ngày chung thẩm, sẽ xảy ra đủ thứ chuyện “vô kỷ luật” khiến thế giới như lên cơn sốt và cao trào nhất sẽ là giờ phút “Con Người quang lâm”, chẳng hiểu lúc ấy “liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” (Lc 18, 8). 

Tóm lại, biết lắng nghe, biết suy niệm và luôn biết tỉnh thức, sẵn sàng thực hành theo Lời Chúa dạy, “ hãy làm việc thiện, đừng sờn lòng nản chí!” (2Tx 3, 13), thì mọi kẻ thù hung ác, mọi thử thách nghiệt ngã, mọi chông gai nguy hiểm, cũng đều có thể vượt qua, bởi “Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu.” (Lc 21, 17-18). Câu kết của bài giảng (“Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình” – Lc 21, 19) đã cho thấy ai kiên trì cầu nguỵên để có thể kiên trì đối diện với mọi thử thách nghiệt ngã, vượt thắng được nghịch cảnh, vượt thắng được chính mình, thậm chí hy sinh cả tính mạng mình cho chân lý mình đang theo đuổi, thì sẽ gặt hái được vinh quang trong ngày sau hết. “Giữ được mạng sống mình” phải được hiểu là cuộc sống mai hậu trên Nước Trời vinh hiển. Chúa đã từng dạy hãy kiên trì trong cầu nguyện (dụ ngôn “Người bạn quấy rầy”, “Người đàn bà quấy rầy”), nay Người lại dạy hãy kiên trì làm nhân chứng cho Tin Mừng cứu độ. Rõ ràng trong tư tưởng hay trong hành động, ở bất cứ hoàn cảnh nào, anh hãy biết KIÊN nhẫn bảo TRÌ đức tin mà anh đã chọn cho cuộc đời mình. 

Ôi! Lạy Chúa! Chúng con “đang sống những ngày đen tối” (Ep 5, 15) đúng như lời Thánh Phao-lô Tông đồ gửi tín hữu Ê-phê-sô. Cúi xin Chúa ban Thần Khí cho con để con biết “cẩn thận xem xét cách ăn nết ở của mình, đừng sống như kẻ khờ dại, nhưng hãy sống như người khôn ngoan”, đồng thời luôn luôn “biết tận dụng thời buổi hiện tại” (Ep 5, 16), sẵn sàng đối diện với mọi thử thách nghiệt ngã, nhất là những thử thách đến từ chính “cái tôi” ích kỷ, đớn hèn của con. Hy vọng với cách đó, con sẽ luôn luôn sẵn sàng trở về với Chúa bất cứ giây phút nào. Ôi! “Lạy Thiên Chúa là nguồn phát sinh mọi điều thiện hảo, được phụng sự Chúa quả là một hạnh phúc tuyệt vời: xin cho chúng con tìm được niềm vui khi hết dạ trung thành với Chúa. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con. Amen.” (Lời nguỵên nhập lễ Chúa nhật XXXIII mùa Thường niên).

JM. Lam Thy ĐVD.

 

Thế gian sụp đổ mấy hồi
(CN33TNC - Lc 21,5-19)


Mấy người nói đến đền thờ
Trang hoàng đẹp đẽ như mơi một thời
Những viên đá đẹp tuyệt vời
Những đồ dâng cúng trên đời nhiều thay
Chúa thì lên tiếng nói ngay
Những gì chiêm ngưỡng hôm nay tuyệt trần
Có ngày bị phá muôn phần
Đá kia cũng chẳng có chân vững vàng
Họ liền lên tiếng sẵn sàng
Thưa Thầy việc đó mọi đàng khi nao?
Còn điềm báo trước làm sao?
Xin Thầy nói rõ dân nào có hay
Chúa thì lên tiếng đáp ngay
Coi chừng kẻo sẽ có ngày bị oan
Nhiều người liều dám cả gan
Mạo danh thầy đến muôn vàn nói ra
Này đây thực chính là ta
Thời kỳ gần đến cứu đà trần gian
Chớ nên theo họ hân hoan
Anh em nghe có tiên vàn chiến tranh
Cuộc đời loạn lạc giật giành
Thì đừng sợ hãi thất thanh mất hồn
Hãy luôn bình tĩnh ôn tồn
Vì chưa có phải xác hồn chia ly
Những điều phải đến trước khi
Chưa là chung cục tức thì ngay đâu
Dân này nổi dậy đứng đầu
Chống dân khác nữa không lâu cướp quyền
Nước này chống nước kia liên
Những cơn động đất lớn liền xẩy ra
Nhiều nơi ôn dịch được đà
Kèm theo đói kém thật là gớm ghê
Trên trời điềm lạ nặng nề
Chúng thì xuất hiện liền kề với nhau
Trước khi sự ấy đến mau
Người ta sẽ bắt tay sau trói liền
Anh em bị ngược đãi liên
Dẫn anh em tới quan quyền cáo gian
Đó là cơ hội tiên vàn
Anh em làm chứng hân hoan vì thầy
Ghi lòng tạc dạ điều nầy
Đừng lo phải nghĩ chất đầy mưu toan
Thầy cho nói thật khôn ngoan
Kẻ thù không thể chống càn được đâu
Anh em sẽ bị nộp đầu
Chính là cha mẹ bắt hầu nộp đi
Anh em, chú bác, cô dì
Bà con, bạn hữu họ thì ghét thay
Họ tìm cách để ra tay
Giết đi một số người ngay thực tình
Anh em sẽ bị coi khinh
Vì danh Thầy đó mà mình vạ lây
Nhưng mà đã có Thầy đây
Chỉ là một sợi tóc mây trên đầu
Sẽ không có bị mất đâu
Kiên trì mới được sống lâu mọi thời
Anh em sẽ được Nước Trời
Đến ngày được sống đời đời vinh quang.


Jos. Hồng Ân

ĐỪNG SỢ NGÀY TẬN THẾ !

 

Phan Sinh Trần 

Ai trong chúng ta không hãi hùng , khiếp sợ khi nghĩ đến những khó khăn, gian nan chờ đón con người trong những ngày gần đến tân thế. Không sợ sao được khi mà chỉ một cơn động đất kèm theo sóng thần Tsunami ở lòng Ấn độ dương vào năm 2004 , nó đã có sức mạnh tương đương  23 ngàn quả bom nguyên tử nổ ở Hiroshima, các đợt sóng thần đổ vào bờ , có khi  cao tới 15 mét đánh vào 11 quốc gia trải dài từ Phi Châu tới Á Châu làm 150 ngàn người chết. 

Sách Lu ca cho biết khi gần đến Ngày Tận Thế thì sẽ có các điềm sau đây : 

Dân này sẽ nổi dậy chống lại dân kia, và nước này sẽ chống với nước nọ. Sẽ có những cuộc động đất lớn mọi nơi; sẽ có ôn dịch đói khát, những hiện tượng kinh khủng từ trên trời và những điềm lạ cả thể. Nhưng trước những điều đó, người ta sẽ tra tay bắt bớ, ức hiếp và nộp các con đến các hội đường và ngục tù, điệu các con đến trước mặt các vua chúa quan quyền vì danh Thầy; các con sẽ có dịp làm chứng (Luca 21, 10-13) 

Thú thực với các Bạn , tôi đã rất lo cho  con cháu của mình khi nghĩ đến Ngày Tận Thế mà chúng phải chịu đựng,  khi tôi nhìn thấy ngay từ thời kỳ này của mình, có biết bao nhiêu là những điên loạn , trong xã hội hôm nay , khi mà mọi thứ đều đang xuống cấp và tan rã ra từng mảnh kể cả những giá trị vĩnh viễn  như : tình yêu, gia đình , hiến dâng , và sự thánh thiện bên trong lòng tòa thánh Roma của Giáo Hội nữa. Đó là chưa kể đến những tội lỗi khủng khiếp như thiếu nữ phá thai giết hơn 1.5  triệu thai nhi một năm ở Việt Nam , nếu tính theo tỉ lệ giết trong 1000 dân thì vào loại cao nhất trên thế giới , giết nhiều gấp ba lần Trung Quốc , giết nhiều gấp gần bốn lần Mỹ .( Nguồn :Alan Guttmacher Institute report).Cả một thế giới rối loạn phải không ? 

Nhưng mà... khi tôi đến với Lời Chúa , Được Chúa dây dỗ qua Lời của Ngài , dần dần ,  ta sẽ có cái nhìn rất khác về ngày Tận Thế, nhưng trước hết xin hãy nói về các an ủi của Chúa dành cho ta trong thời mạt vận trước đã: 

  • Tội lỗi càng nhiều thì ơn tha thứ và thánh hóa càng tran ngập hơn nữa,  tuy chưa bao giờ con người phạm tội nhiều như bây giờ nhờ các phương tiện văn minh  thí dụ như thanh niên xem phim sex dễ như bật máy tính lên, nhưng chúng ta cũng được an ủi khi mà chưa bao giờ việc làm chứng cho Chúa , việc truyền giáo qua Internet lại dễ dàng như bây giờ.Trang mạn Facebook tên là “Mỗi ngày với Chúa Jesus”  là địa chỉ mạng có nhiều người đến tìm hiểu và đối thoại  nhất  trên Internet. Twitter của Đức Thánh Cha cũng rất được ái mộ với 10 triệu người đọc trong một thời gian ngắn và còn tiếp tục gia tang mãnh liệt.
  • Càng nhiều người bỏ Đạo chẳng hạn như tại Pháp chỉ còn dưới 5% đi nhà thờ  thì lại càng có nhiều Tín Hữu sốt sắng và yêu mến Chúa . Chưa bao giờ mà ơn Thánh hóa của Chúa Thánh Linh đầy dẫy và có thể thấy nhan nhản khắp nơi như thời này,. Nhìn ra chung quanh , đâu ta cúng thấy có những người yêu mến Chúa quá đỗi , họ chầu Thánh Thể và Nghe Lời Chúa qua Kinh Thánh ngày đêm không ngưng nghỉ, có một hứng khởi kỳ lạ trong đời sống của Anh Chị Em này. Niềm vui của Chúa qua nụ cười đơn sơ và rạng rỡ của họ là điều ai cũng thấy. Thứ niềm vui có thể lây lan cho bất kỳ ai gặp họ ! Lời cầu nguyện của họ rất tha thiết và thường được Chúa nhận lời. 

Kinh Thánh nói:  “Sẽ xảy ra trong những ngày sau hết, Thiên Chúa phán:Ta sẽ đổ Thần khí Ta trên mọi xác phàm.Và con trai, con gái các ngươi sẽ tuyên sấm,thanh niên của các ngươi sẽ thấy thị kiến,kẻ già lão trong các ngươi sẽ chiêm điềm mộng” ( CVTD 2:17). 

Không thể kể hết các điển hình , nào là bác trên 70 tuổi đi làm chứng về Chúa ở những vùng Cao Nguyên hẻo lánh nhất, làm cho nhiều người tin yêu Chúa , nào là bà già 90 tuổi lập điểm truyền giáo ở Cà Mau với hàng mấy trăm tín hữu mới, họ đã đến và đi theo Chúa lúc đầu vì được Chúa chữa lành và sau đó vì yêu mến Chúa,  nào là một em thiếu niên ngoại đạo,  tin Chúa rồi làm cho cả nhà tin yêu Chúa, nào là đại đức Thích Nhật Huệ bỏ các bạn sư tăng, bỏ Chùa mà đi theo Chúa, và trỏ thành một dũng sĩ yêu mến Chúa , nào là chiến dịch một triệu người nhịn ăn 40 ngày để ăn năn và cầu thay cho nước Mỹ và nhân loại… Đã có biết bao nhiêu người trở nên những giọt nước trong giòng thác cứu độ của Chúa. 

  • Chưa bao giờ mà lòng tham tiền và lệ thuộc vật chất  lại đến mức tệ hại như thời đại chúng ta, nó xảy ra ngay cả tại các quĩ đầu tư lớn nhất, uy tín nhất và làm cả thế giới rơi vào suy thoái năm 2008. Nhưng cũng chưa bao giờ có tiền lệ trong lich sử nhân loại , người khôn ngoan nhất về chứng khoán và giầu nhất nhì thế gian  lại dùng toàn bộ tài sản của mình để mua nước Trời qua cách bô thí cho người nghèo. Đó là ông Warren Buffet, ông còn nói thêm  “giá mua nước thiên đàng là rẻ”. Ông tỷ phú Bill Gate cũng thuộc loại dành gần hết tài sảncủa mình cho quĩ người nghèo này. 

 

  1. Thử thách càng nhiều thì ơn Chúa càng nhiều , Cha trời không để chúng ta đơn độc , vô vọng trong cuộc chiến thử thách với Ma quỉ . Sách Tông Đồ Công Vụ 2:20-21 , đã trích lời tiên tri Ê dê ki en là: “Mặt trời biến thành tối tăm,và mặt trăng sẽ thành máu,trước khi đến Ngày vĩ đại huy hoàng của Chúa. Và sẽ xảy ra là mọi kẻ kêu Danh Chúa sẽ được cứu”. Bạn biết đó , Chúa yêu chúng ta biết bao! Người chết cho chúng ta được sống , không có lý gì Ngài sẽ bỏ mặc chúng ta . Không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa. “Vì chưng các sự thống khổ của Ðức Kitô tràn đến trên chúng tôi thế nào, thì nhờ Ðức Kitô, sự an ủi chúng tôi cũng được dẫy tràn thể ấy” ( IICor1:5)
  2. Đừng sợ thử thách vì bản thân thử thách  tạo nên thực đức, tạo nên lòng cậy trông cao độ, thánh Phaolo , các Tín hữu tiên khởi đều trải qua thử thách sống còn và có kinh nghiệm này : 
  • Quả vậy, hỡi anh em, chúng tôi không muốn để anh em không hay biết về nỗi gian truân đã xảy đến cho chúng tôi ở Tiểu Á. Thật chúng tôi đã phải khốn khó ê chề đến cực độ, quá sức mình, bí đến đỗi không trông sống nổi. 9 Nhưng trong thâm tâm, chúng tôi đã đành phận với án tử rồi, để chúng đừng còn nương cậy vào mình, nhưng là vào Thiên Chúa, Ðấng làm cho kẻ chết sống lại.(IICorinto 1:3-7)
  1. Thời sau hết ,là dịp tốt để ta tuyên xưng đức tin và giặt áo mình trong máu tử đạo. Tình yêu cao hơn hết là tình yêu có thể vượt thắng sự sợ hãi vì cái chết. Chúa đã nói “Đừng sợ” , Chính Đức Chúa Thánh Linh sẽ giúp ta thực hiện trọn vẹn hy tế này.
  2. Trong thử thách ta hãy hướng về ánh sáng  Thiên Đàng, biết rằng ta đang trên đường về nhà Cha nơi an bình vĩnh hằng, nơi ta sẽ được chiêm ngắm đấng vô cùng đẹp đẽ mà mình trông mong bấy lâu trong niềm vui thiên thần của sự Ca Ngợi. 

Mời Bạn cùng chiêm ngắm niềm vui được tử đạo của một vị tiền nhân. 

Ngày 12-9-1845, Cha Giuse Maria Diaz Sanjurjo , người Tây Ban Nha, từ Macao đặt chân tới Yên Trì và đến địa sở của Cha Rivas rồi tới nơi trú ẩn của Ðức Cha Hermosilla. Sau cùng ngày 17-12 cha đến nhiệm sở Lục Thủy là chủng viện hiện có Cha Marti và Alcazar. Tại đây cha học tiếng Việt và được đặt tên là An, vì cha đến vào lúc đạo Công Giáo không bị bắt bớ. Nhiệm vụ của cha là đào tạo các chủng sinh lên chức linh mục… 

Tuy nhiên từ khi có tầu Pháp đến gây hấn năm 1856 thì thái độ của quan thượng đổi hẳn, ông triệt để thi hành lệnh cấm Đạo và giết tín hữu của triều đình. Tỉnh Nam Ðịnh lại là nơi có nhiều cơ sở đạo của các cha dòng Ðaminh cũng như hội thừa sai Paris. 

Ngày lễ Thăng Thiên, 21-5-1857 quân lính trên tỉnh về bao vây Bùi Chu bắt được Ðức Cha An và mấy vị quí chức, đóng gông giải về tỉnh. 

Ðức cha bị tra khảo ghê gớm lắm nhưng cương quyết chỉ tuyên xưng đức tin Công Giáo nên bị các quan giam vào trong ngục không ai được đến thăm.Trong hai tháng, một linh mục đã trá hình đến ban bí tích cho đức cha ba lần. Ban ngày đức cha phải đeo gông và xích, ban đêm phải cùm chân, nhưng trong thư gửi cho các bạn, đức cha viết: "Tâm thần tôi vui sướng và hy vọng được đổ máu mình hòa lẫn với máu châu báu của Chúa Cứu Thế đã đổ ra trên Calvario tẩy sạch các tội khiên. Tôi trông cậy vào lời cầu nguyện của anh em để được ơn can đảm và bền chí đến cùng.Tôi biết không còn sống được bao lâu, nhưng với những thương tích đẫm máu tôi thấy thời gian thật lâu dài.Tôi trông mong Thiên Chúa dùng những đau đớn này để tẩy sạch mọi tội lỗi của tôi". 

Trong khi có tin đồn đức cha sẽ phải giải về Huế và bị trục xuất về Âu Châu, ngài viết cho cha bề trên dòng: "Xin Thiên Chúa thương xót đến tôi và đến địa phận mà cho tôi được đổ máu ra vì lòng yêu mến Ðức Chúa Giêsu rất nhân ái mà người ngoại đạo khinh rẻ một cách mù quáng. Tôi rất vui mừng và bình an chờ đợi giây phút lưỡi gươm đưa ngang cổ tôi và linh hồn tôi sẽ thoát bỏ xích xiềng và thân xác hay hư nát mà bay thẳng vào lòng lân tuất của Ðấng tạo dựng nên tôi. Thế nhưng tôi rất thất vọng và sợ hãi phải đem về Huế và bị trả về Âu Châu. Tôi phó thác tuân theo ý định quan phòng của Chúa, tôi thương cho anh em còn phải gặp nhiều gian lao. Chớ gì Thiên Chúa dùng máu của tôi để làm bảo chứng hòa bình. Hãy can đảm và tín thác vì bàn tay Chúa không bị thu ngắn mãi". 

Các quan lớn tỉnh Nam Ðịnh đã hội nhau và định án"… Sau khi đã cẩn thận xem xét chúng tôi quyết định rằng tù nhân phải chém đầu ở nơi cao để mọi người xem thấy, sau đó xác phải ném xuống sông, như thế khắp nơi biết được lệnh Vua thẳng nhặt".Vua Tự Ðức đã phê vào bản án .

Lính đeo gông vào cổ rồi dẫn ngài ra nơi xử. Ðức cha giữ vẻ mặt tuơi cười, một tay đỡ gông một tay nâng xích, tới pháp trường, lính đứng thành hình vuông chung quanh đức cha, quan lãnh binh đứng ở ngoài, quan phó đứng bên cạnh. Người ta trải chiếu xuống đất và đặt một tấm vải to, ba bộ áo ngài vẫn mặc ở trong tù, một cái gối để đức cha ngồi lên trên rồi họ trói tay lại ở đàng sau lưng. Ðức cha chìm đắm trong cầu nguyện. Lính dựng cọc sau lưng, lấy giây thừng quàng chung quanh ngực rồi bụng và cột vào cọc. Quan chỉ huy hỏi xem mọi sự đã sẵn sàng chưa và khi biết mọi sự đã xong, quan lãnh binh cho lệnh chém sau tiếng trống. Nhưng mới sau tiếng trống thứ hai, tên lý hình đã chém một nhát đầu rơi khỏi cổ, rớt xuống tấm vải. Quan lãnh binh truyền tung đầu lên không, tức thì tên đao phủ nắm râu mà tung lên cao cho rơi xuống đất rồi lượm lên bỏ vào thúng, cắt giây thừng cho xác ngả xuống chiếu. Sau cùng lý hình lấy xác và cả đất nhuộm máu đỏ đem buông xuống sông.(nguồn: http://nguoitinhuu.com/martyrs/tudao43.html

Tình yêu Thiên Chúa đã giúp Đức Giám Mục An, Maria Diaz Sanjurjo,  vượt qua thử thách lớn nhất đời mình , đó là cuộc hành hình và cái chết chém đầu . Tình yêu của Ngài lớn hơn sự chết nhờ noi gương Đức Chúa Giê Su. 

Xin cho chúng con luôn có niềm vui và tình yêu nơi Chúa Giê Su kính yêu!

Phan Sinh Trần 

 

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXXIII TN ( C) ( Lc 21,5-19)

THÀNH THÁNH GIÊRUSALEM 

Đoạn Tin Mừng Chúa nhật XXIII hôm nay ( Lc 21,5-19) là đoạn Tin Mừng mang tính Khải Huyền, là đoạn Tin Mừng được Chúa Giêsu tiên báo về ngày tận thế. Tận thế của từng cá nhân, của từng người bước theo Chúa Giêsu, và ngày chung thẩm của nhân loại . Đặc biệt hơn, ngày hôm nay Giáo Hội Việt Nam hân hoan mừng kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Vậy, ý nghĩa Lời Chúa hôm nay có liên qua mật thiết như thế nào đối với ngày Lễ mừng kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam. 

Lời Chúa hôm nay có 2 phần rõ rệt: Phần 1, (từ câu 5- 7) , phần 2( từ câu 8 -19). 

  • Phần 1 : Tiên báo về sự sụp đổ của Đền thờ Giêrusalem.
  • Phần 2 : Những điềm báo trước của những thân phận Kitô hữu. 

Đền thờ Giêrusalem là một công trình vĩ đại, là điểm nổi bật kiến trúc có một không hai, một đền thờ bằng vật chất được xây dựng lên để thờ phượng Thiên Chúa. Vẻ nguy nga, tráng lệ và thời gian xây dựng là 46 năm đã làm nên một công trình rất hãnh diện đối với người Dothai. Chúng ta thấy, phàm nhân từ cổ chí kim vẫn khát khao, vẫn theo đuổi nhu cầu tâm linh rất lớn. Đền thờ vật chất Giêrusalem là một minh chứng rõ ràng nhất, chứng tỏ sự  khao khát mãnh liệt về tâm linh của con người không thể chối cãi được. Về mặt lịch sử, kiến trúc, giá trị vật chất của nó ai cũng lấy làm ngưỡng mộ, đến như Chúa Giêsu cũng lấy làm thương tiếc nó. 

Vậy tại sao Đền Thánh Giêrusalem sẽ bị tàn phá? Thưa, đền thờ nói chung được xây dựng lên hầu tôn vinh Thiên Chúa, đền thờ Giêrusalem được xây dựng lên ngoài việc tôn thờ Thiên Chúa nó còn mang một ý nghĩa chính trị, nhất là nó được các nhà lãnh đạo tôn giáo Dothai cai quản, và mặc nhiên dần dần xa cách việc Thờ phượng chính đáng, không còn đẹp lòng Thiên Chúa nữa. Qủa nhiên, nó cũng chỉ là một đền thờ mang ý nghĩa vật chất, dù giá trị kiến trúc của nó thì vô cùng đẹp đẽ và nguy nga. Nhưng không theo ý Thiên Chúa, mà theo ý những nhà lãnh đạo tôn giáo. Đó là ý nghĩa nó phải sụp đỗ như Lời Tiên Báo của Chúa Giêsu. Chúng ta nhớ laị Lời Chúa Giêsu khi Người vào Đền thờ đánh đuổi những người mua bán, đổi tiền ,làm ô uế đền thờ. Người Nói : “ Đừng biến nhà Cha Ta thành hang trộm cướp... Lòng nhiệt thành lo việc nhà Chúa sẽ làm hao tổn thân xác Tôi.” ( x Ga 2, 13-22). 

Chúng ta đọc lại Tin Mừng Nhất Lãm ở các trang( Mt 21,12-17 ; Mt 23, 37-39) ( Mc11, 15-18) ( MC 13) ,(Lc 13, 34-35 ; Lc 19,41-46). Tất cả những câu nầy nói lên sự kiện đền thờ Giêsrusalem liên quan đến chương trình cứu rỗi của thiên Chúa qua Đấng Cứu Thế. Qua đó, chúng ta thấy, việc xây cất đền thờ để thờ phượng Thiên Chúa thì quan trọng.Nhưng quan trọng hơn chính là đền thờ tâm hồn, vì một ngồi đền thờ nguy nga tráng lệ, như Giêrusalem mà còn bị hủy diệt, vì không chứa chan ơn cứu độ, không mang tính thờ phượng chân chính, mà là lợi dụng việc thờ phượng để bày đủ trò, thì Thiên Chúa sẽ hủy diệt. 

Đền thờ Giêrusalem liên quan đến Chương Trình Cứu Thế của Chúa Giêsu, vì vậy, khi nghe Chúa nói: “ Hãy phá hủy đền thờ nầy đi, trong ba ngày Ta sẽ xây dựng lại” ( Ga 2,19).Người Dothai nghĩ rằng Chúa Giêsu bị “ tâm thần “, nhưng khi Người nói câu nầy, mặc nhiên không theo nhân tính, mà theo thiên tính của Người, nên chi, câu nói nầy hoàn toàn ứng nghiệm. Qua câu Lời Chúa trên, chúng ta hiểu được đền thờ Giêrusalem Thiên Quốc chính là Chúa Giêsu, Ngôi Lời của Thiên Chúa. Người chính là Thành Thánh Thiên Quốc mà Thiên Chúa Ba Ngôi hài lòng. Và cũng chính điều nầy, mà Người đến trong thế gian. 

Vậy , hôm nay, những người bước theo Đức Kitô, qua mọi thời đại đã cảm nghiệm Lời Chúa , muốn minh chứng Lời Chúa là chân lý, là tình yêu, bất chấp thế lực trái ngược, các ngài đã dùng chính tình yêu đáp trả tình yêu, sẵn sàng chịu chết mà không oán hận. Đó là lý do mà Đền Thờ vật chất Giêrusalem bị tàn phá, vì không thể nào sánh được với những Thành Thánh Giêrusalem trên trời, đó chính là Đức Giêsu Kitô và những ai bước theo Người. 

Sống Đạo chính là Tử Đạo, Tử Đạo chính là cách sống Đạo tốt nhất, vì : “ Phàm ai tuyên xưng Ta trước mặt người đời, thì Ta sẽ tuyên xưng nó trước mặt Cha Ta , Đấng ngự trên trời ... “ ( Lc 12, 8-9) (Mt 10, 32). Các Thánh Tử Đạo mà Gíao Hội Việt Nam long trọng mừng kính hôm nay, không những các ngài chỉ dùng cái chết mà minh chứng sự thật về Đức Kitô, mà là trước khi nhận phúc Tử Đạo các ngài đã sống đạo một cách anh dũng, vì không ai có thể không sống vì Đạo mà lại được hưởng phúc Tử Đạo được. Câu kết cho đoạn chia sẻ hôm nay là: “ Khi sống Đạo tốt chính là lúc Tử Đạo” . Mong Thay! 

Lạy Thiên Chúa là Cha, Cha không muốn loài người suy tôn Cha bằng vẻ bề ngoài, dù là thành thánh, hay thánh đô, mà là Cha muốn loài người suy tôn Cha bằng chính tâm linh của họ. Vì dù là thánh thánh thì cũng chỉ là tòa nhà vật chất. Vì thế, Cha đã ban cho chúng con Thành Thánh Thiên Quốc là Đức Giêsu Kitô, Con Cha, Chúa chúng con, đế chúng con bước theo Người, xây dựng một Thành Thánh như Ý Cha ở trên trời. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kit.ô , Chúa chúng con/. Amen 

17/11/2013

P.Trần Đình Phan Tiến

LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
117 vị Thánh Tử Đạo và chân phước An-rê Phú Yên, cùng với hơn 130 ngàn các Ki-tô hữu khác đã lấy mạng sống mình để làm chứng cho đức tin. Con số không phải là trọng điểm mà chính tình yêu đối với Đức Giê-su, đã khơi nguồn và là nền tảng cho cái chết trung kiên và can trường của các Ngài. Mừng kính ngày lễ của các bậc tiền bối, là dịp để con cháu nhớ ơn và tự hào về những tấm gương cao cả mà các Ngài đã để lại cho hậu thế. Như lời Đức Giê-su đã tiên báo: “ Nếu thế gian ghét các con thì phải biết rằng họ đã ghét Thầy trước”(Ga 15,18).
Tử đạo theo nguyên nghĩa là: làm chứng cho Đức Ki-tô. Martus, Martyr có nghĩa là người chứng, người làm chứng.  Các Thánh làm chứng về cuộc khổ nạn và Phục sinh của Ngài. Sống giữa một xã hội và môi trường của mình, các chứng nhân của niềm tin vào Danh Giê-su đã hoàn thiện đời mình bằng con đường Thập Giá của Đức Giê-su. Các Ngài đã tô thắm cuộc đời mình bằng niềm tin, tình yêu và lòng chung thủy sắt son với Đấng mà các Ngài tôn thờ. Trong một bối cảnh hết sức đa phức của xã hội trong những thế kỷ 16,17, 18, 19 và 20. Dưới các triều đại của các Vua chúa, sự bách hại tàn khốc và đẫm màu hòa trong nước mắt cuộn cuộn chảy. Các anh hùng Tử đạo không hề nao núng trước những cuộc truy lùng, tàn sát với những hình phạt ghê rợn của các bạo chúa thời bấy giờ. Chúng ta hãy xem một số hình phạt man rợ và bất công đó :

- Bá đao : bị lý hình dùng dao cắt xẻo từng miếng thịt trên thân thể cho dù 100 miếng. Cách chết này có một vị.

- Lăng trì : chặt chân chặt tay trước khi bị chém đầu. Cách chết này có 4 vị.

- Thiêu sinh : bị thiêu sống. Chết cách này có 6 vị.

- Xử trảm : bị chém đầu. Chết cách này có 75 vị.

- Xử giảo : bị tròng dây vào cổ và bị lý hình kéo hai đầu dây cho đến chết. Cách chết này có 22 vị.

- Chết rũ tù : bị tra tấn, hành hạ đủ cách đủ kiểu, rồi bị bỏ đói cho tới khi kiệt sức và chết  gục trong tù. Chết cách này có 9 vị.(Lm  Giuse Đinh Lập Diễm).

Mặc dù bi ai là thế, nhưng các Ngài vẫn không sờn lòng và nản chí. Trái lại, trong những cơn cùng cực và có vẻ tối tăm, các Ngài đã làm rạng rỡ cho trang sử của Giáo hội và như lời của một sử gia: “ Máu các thánh tử đạo là hạt giống sinh ra các tín hữu” (Tertullianô).

Cuộc làm chứng cho Chúa Giê-su và Tin mừng mà Ngài, đã rao giảng vẫn luôn là lời mời gọi mang tính thời sự cho mọi Ki-tô hữu trong cuộc sống ngày hôm nay. Máu vẫn đổ, nước mắt vẫn tuôn rơi khi xoáy trong dòng đời nghiệt ngã, trước những cạm bẫy của cuộc sống tục hóa, hưởng thụ và đánh mất niềm tin, niềm cảm thức tôn giáo, đức tin đang bị lung lay và xói mòn trước những thay đổi của xã hội. Người Ki-tô hữu theo nguyên ngữ tử đạo là tiếp tục thực thi lời dạy của Chúa Giê-su,  mang yêu thương và bình an của Chúa đến với mọi người trong cuộc sống hằng ngày.

Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi thì nó sẽ trơ trọi một mình. Còn nếu nó thối đi, nó sẽ sinh nhiều bông hạt luôn là chân lý mà các Thánh Tử đạo đã trải nghiệm bằng cả cuộc sống, mạng sống mình, vì ai yêu sự sống mình thì sẽ mất còn ai đành mất mạng sống mình thì sẽ được.

Lm Giacobe Tạ Chúc

 

Vậy anh em đừng sợ -cn 33 TN-C
(Mt 10,26  )
                

         Lạy Chúa, 

         Cùng với tòan thể Giáo hội, chúng con hân hoan mừng lễ các Thánh Tử đạo tại Việt Nam, bổn mạng của Giáo hội Công Giáo Việt Nam. 

          Các Thánh tử đạo mà hôm nay Giáo hội mừng kính, có cả trăm ngàn những tín hữu, là những anh chị em đồng bào trong đất nước Việt Nam chúng con, cùng với một số các vị Giám Mục, Linh Mục thừa sai, đã không quên lời thề hứa “Từ bỏ “và “Tin thật “ khi đón nhận hồng phúc Bí tích Thanh Tẩy. Các Ngài đã “ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy, để làm chứng cho họ và các dân ngọai được biết “, các Ngài đã từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hàng ngày mà theo Chúa. Và không chỉ là từ bỏ, các Ngài còn “liều mất mạng sống “ để làm chứng về một tình yêu cao cả, làm chứng về một niềm tin vào đấng đã đến trần gian, để giải thoát con người khỏi mọi sự dữ và tội lỗi. 

         Trong số các vị Thánh anh hùng của Giáo hội tại Việt Nam, có những vị từ những phương trời xa lạ, dám từ bỏ quê hương, gia đình cùng với biết bao tiện nghi, cuộc sống sung túc. Các Ngài sẵn sàng đi đến một vùng đất chưa hề được biết đến trên bản đồ thế giới, chỉ với một ý nguyện loan báo Tin Mừng của Chúa đến “tận cùng trái đất “. Số đông tuyệt đối là những người Việt Nam chúng con, sau khi được đón nhận Lời Chúa, đón nhận được tình yêu Giêsu, đã kiên trung sống điều mình tin và giúp nhiều người khác sống niềm tin ấy. Có những người là quan chức trong bộ máy cầm quyền, khi tin nhận Chúa, đã sống chứng nhân trong vị trí của mình. Khi bị kết tội theo Chúa là chống lại nhà cầm quyền, các Ngài đã không tham sống, sợ chết, mà sẵn sàng từ bỏ địa vị, chức quyền, từ bỏ chính cả mạng sống của mình. Có những Linh mục, tu sĩ dâng hiến đời mình cho Chúa để tiếp tục sứ vụ rao giảng, đã sẵn sàng vì đoàn chiên. Vì tin vào Thiên Chúa, khi bị bắt, đã hiên ngang bước ra pháp trường, dùng chính máu của mình để trở nên những hạt giống trổ sinh các tín hữu sau này. Rồi còn biết bao ông Trùm họ đạo, ông Câu, Ông Biện, người buôn bán, thợ thuyền, người làm thầy giáo, thầy Giảng . Lão niên có, phụ nữ có, thanh thiếu niên có, binh sĩ, cai đội có, đã “hy sinh vì lòng tin, son sắt giữ câu đoan nguyền “. Các Ngài đã được Giáo hội tôn vinh và Thiên Chúa thưởng công trên nước trời. Các Ngài hôm nay là bổn mạng của Giáo hội Công Giáo Việt Nam : Các Thánh Tử Đạo tại Việt Nam . 

         Ngày hôm nay, không ít nơi trên thế giới vẫn còn xảy ra những vụ kỳ thị, bách hại những người tin vào Chúa, tin vào Hội Thánh. Không ít người bị chính anh em đồng loại thù ghét vì dám đi theo con đường của Đức Kitô là “yêu thương và yêu thương cho đến cùng “. Chính vì vậy cho đến nay vẫn có các vị tử đạo như Tổng Giám Mục OscaRômêrô bên Nam Mỹ, hay như các vị Tu sĩ  tại Châu Phi, những tín hữu ở Pakistan, ở Apganistan, ở Ấn Độ. . . 

          Phần con, con không bị đe dọa mất mạng sống vì tin Chúa, nhưng không ít thách đố cho niềm tin vào Chúa. Lời Chúa nhắc con :”Ai xấu hổ vì Tôi và những lời của Tôi , thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy”(Lc 9,26) là một cảnh báo cho con trong cuộc sống này. Đức Thánh Cha Bênêdictô trong Đại hội Giới Trẻ thế giới năm 2011, Ngài cũng nhắc chúng con :”Đừng xấu hổ vì mình là người Công Giáo “. Chân phước Yoan-PhaolôII thì căn dặn “Đừng sợ phải sống thánh thiện “                                                                              

          Xin cho con luôn biết từ bỏ mình, biết vác thập giá mình hằng ngày theo Chúa. Đó chính là con được phúc tử đạo mỗi ngày. AMEN . 

  Fx Đỗ Công Minh .

 

Chúa nhật 33 thường niên, năm C
Ml 3:19-20; 2Tx 3:7-12; Lc 21:5-19
Phán xét người lành kẻ dữ
Trong Chúa nhật áp chót của niên lịch phụng vụ, ngày cánh chung được nhắc đến.
Nhà tiên tri khi đứng bên bờ hiện tại nhìn về tương lai, có thể ví như một khán giả nhìn diễn tiến một vở kịch trên sân khấu.  Qua màn thứ nhất đang diễn ra họ nhìn thấy màn thứ hai ở đàng sau đang khởi đầu.  Đó là bối cảnh của bài phúc âm hôm nay, trong đó Chúa Giêsu tiên báo về ngày tàn của Giêru-salem và đàng sau lộ hiện những gì sẽ xảy ra trong ngày tận thế.
Trước hết về ngày tàn của Đền thờ Giêru salem.  Đứng trên sườn đồi núi cây dầu nhìn xuống, các môn đệ trầm khen ngợi vẻ đẹp lộng lẫy và hgùn tráng của Đền thờ óng ánh trong nắng vàng.  Các ông nói: “Thầy xem Đền thờ đẹp thật.”  Chúa Giêsu ngước mắt nhìn, vẻ mặt buồn buồn và nói: “Những gì chúng con nhìn thấy đây, sẽ đến ngày không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào?”  Các môn đệ kinh ngạc vô cùng.  Nhưng lời tiên tri ấy đã ứng nghiệm trong từng chi tiết .  Và đó là màn thứ nhất.
Năm 70, tướng Titus đem đại quân đến bao vây thành.  Một tên lính cầm một dùi lửa, ném vào trong khuôn viên Đền thờ, lửa bốc cháy kinh khủng không sao dập tắt được.  Sau đó, vua Adrien ra lệnh đào tận gốc vết tích đền thờ cũ và xây lên một ngôi chùa thờ thần Jupiter.  Năm 363, vua Giudianô, một người bỏ đạo, cháu Constantino đại đế, muốn cho lời Chúa hết linh nghiệm đã cho phép người Do thái xây lại đền thờ nhưng có lửa từ dưới nền móng bốc lên thiêu rụi thợ xây.  Công việc bỏ dở và ngày nay trên nền Đền thờ cũ là một giáo đường Hồi giáo, đền Omar.  “Trời đất sẽ qua đi, nhưng lời Ta sẽ không bao giờ qua” (Mc 13,31).
Qua màn thứ nhất, ẩn hiện bên sau, những gì sẽ diễn ra trong gnày tận thế.  Đó là màn thứ hai.  Trong ngày thế mạt ấy, sẽ có chiến tranh loạn lạc, nhất là “Ngời ta sẽ bắt bớ” các con.  Nếu người ta đã bắt bớ thầy thì họ cũng sẽ bắt bớ các con.  Người ta sẽ điệu các con đến trước vua quan và các con sẽ là chứng nhân của Thầy.  “Rồi sẽ có những điềm lạ trên trời, mặt trời ra tối tăm, mặt trăng mất sáng, tinh tú rơi xuống, mọi tần trời lay chuyển” (Mc 13,24).  Có giả thuyết khoa học cho rằng trái đất sẽ đụng phải một tinh tú và nổ tung.  Bấy giờ mọi người sẽ xem thấy Chúa ngự xuống oai nghi trên mây trời để phán xét người lành kẻ dữ.
Giáo hữu tiên khởi khi đọc đoạn này lo sợ đến nỗi có người không làm gì cả.  Thánh Phaolo trong bài đọc II, đã khuyên họ phải làm việc. Ai không làm thì đừng có ăn.  Cuộc sống của Giáo Hội là một cuộc trông đợi Chúa đến, giữa những cơn bắt bớ cấm cách.  Ai bền đỗ thì cứu được linh hồn mình.  Đó là bài học cho chúng ta.
Xin Chúa cho chúng ta hiểu bài học ấy.
(Lm. Hồng Phúc, CSsR)

 

 

 
     

Tỉnh Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)