dongcong.net
 

 

 
Suy Niệm Lời Chúa Năm C
 
 
CMC sưu tầm
 
<<<    

Lễ lá năm C

Hiểu Đời và Tín Thác nơi Chúa by Lm. JOemaire Hoàng, cmc

Hôm nay Giáo Hội cử hành hai biến cố: Chúa hân hoan vào Thành Giêrusalen như là Vua, được dân chúng reo hò đón tiếp. Và Chúa bị Giuda một trong 12 tông đồ bán rẻ cho người Do Thái để họ lên án, đóng đanh và giết Chúa.

a) Hai mặt của cuộc đời:

Những ngày cuối cùng trước khi bị bắt và chịu chết, Chúa đã nói xa nói gần cho các tông đồ hiểu về mặt trái và mặt phải của cuộc đời. Ngài giảng bằng lời nói, Ngài dẫn vào thực hành. Bài học đầu tiên trước khi bước vào cuộc thương khó, Chúa muốn cho các tông đồ nhìn thấy rõ cái cảnh trớ trêu ở đời mà Ngài đang gặp và rồi các tông đồ cũng sẽ gặp, đó là cái trò: hoan hô rồi đả đảo, nâng lên rồi hạ xuống….

Người ta vừa long trọng và hân hoan đón chào Chúa, rồi sau đó cũng những con người đó lại to miệng hô to đóng đanh Ngài. Ngay cả Phêrô vừa hăng hái tuyên xưng trung thành với Chúa, vậy mà chỉ một câu hỏi vu vơ của thiên hạ đã làm cho Phêrô nhát gan chối Chúa. Chúa đang tỏ cho các tông đồ thấy hai mặt của cuộc đời. Khen tặng rồi lên án, tình yêu và đau khổ, tình bạn và kẻ thù, vinh quang và thánh giá, sống và chết. Càng yêu càng đau. Vui vì bạn nhưng rồi cũng sẽ chết vì bạn. Muốn hạnh phúc thật đừng loại bỏ thánh giá khổ đau. Chớ dại mà tin vào những lời khen tâng bốc ở đời.

Ấy thế nhưng cho tới giờ phút cuối cùng trước khi nhắm mắt gĩa tữ cõi thế, từ trên Thánh Giá, Chúa chỉ thấy có Mẹ Ngài là người duy nhất hiểu những bộ mặt khác nhau ở đời và cũng là người duy nhất hoàn toàn tin tưởng nơi Chúa để nhận ra tình yêu sung mãn của Ngài trong mọi góc cạnh của cuộc sống. Công việc giáo dục và huấn luyện của Chúa không thể bỏ giở, nhưng trao cho ai đây. Phêrô làm đầu nhưng thực tế thì cũng là con người hèn nhát và phản bội khi lụy tới thân mình, dù Phêrô rất thành tâm..

b) Gía trị cuộc sống.

Chỉ có Mẹ Ngài là người hiểu những gì Chúa dậy về cuộc sống, về lòng người và về những mầu nhiệm Nước Trời ngay trong cuộc sống và giữa cuộc đời. Mẹ hiểu đời phức tạp lắt léo nhưng không hận đời. Mẹ hiểu người đời nhiều gian dối độc ác nhưng không bao giờ ghét ai, nhưng càng yêu thương và chở che bênh vực. Mẹ hiểu thấu lòng hời hợt đổi thay của con người, tin nay rồi mai lại phản, nhưng Mẹ vẫn hằng ở bên để tha thứ nâng đỡ. Mẹ yêu đời và không bao giờ chán đời vì Mẹ biết tìm giá trị trong mọi biến cố của cuộc đời. Ngay cả những giờ phút đen tối mà các tông đồ môn đệ bỏ Chúa chạy trốn vì Ngài bị bắt và hành hạ đến chết, Mẹ vẫn nhìn thấy và sống với những giá trị vĩnh hằng đang nằm trong những bất công gian dối nhất.

c/ Gương Học Tín Thác

Không ai nêu gương sống tín thác cho ta như Chúa như Mẹ. Chưa cầu nguyện, hy sinh và hết lòng tìm hiểu để thực thi ý Chúa Cha như Chúa Giêsu và Mẹ Ngài thì đừng nói đến tín thác. Còn muốn an phận sợ hy sinh, tránh phiền phức, không dám đương đầu với khó khăn tưc là còn thiếu bổn phận và trách nhiệm, không thể ngửa mặt lên trời và đơn giản cầu với Mẹ và thưa với Chúa rằng con phó thác việc này chuyện kia cho Mẹ cho Chúa. Chúa Mẹ không thể giúp chúng ta khi chúng ta dâng cho các Ngài lối tín thác thiếu trách nhiệm.

Nhìn vào đời Mẹ đời Chúa, các Ngài đã cố gắng làm sao. Làm tất cả những gì phải làm mà không sợ khó. Cầu nguyện ngày đêm liên lỉ, hy sinh hết mình, chịu đựng đến nỗi không còn sức mà vẫn tiếp tục cầu nguyện không ngừng, không lơ là, vẫn tiếp tục hy sinh chịu đựng mọi chuyện, hy sinh sống nghèo, hy sinh giúp đỡ, hy sinh chịu hiểu lầm, hy sinh chịu vu vạ cáo gian, hy sinh làm việc. Chỉ sau khi đã hết mình trong mọi chuyện không còn thiếu việc gì mà không cố gắng hy sinh hết sức như Chúa như Mẹ. Lúc đó các Ngài mới ngửa mặt lên Chúa Cha và cầu nguyện: Mọi sự đã hoàn tất, Con phó thác mọi sự trong tay Cha.

Khi chu toàn xong bổn phận như Chúa như Mẹ, ta tin tưởng phó thác, Chúa Mẹ sẽ làm những gì còn thiếu cho ta. Lúc đó ta mới thực sự hiểu và cảm nghiệm được đức tín thác của Chúa của Mẹ và của các thánh. Lúc đó ta mới cảm nghiệm được những mầu nhiệm của cuộc đời vác thánh giá và chịu đau khổ với Chúa với Mẹ nó như thế nào.

Lời Nguyện: Lạy Mẹ dấu yêu, dưới chân Thánh Giá Chúa, Người ta không thấy được cái đau khổ và lòng mừng vui trong con tim Mẹ và Chúa. Mẹ đang đau và đang ôm xác Con cùng chết với Ngài. Ánh sáng đức tin chói chan trong lòng Mẹ, không làm Mẹ ngừng lại ở những vết thương, ở thân xác đang chết trong tay Mẹ, nhưng dọi chiếu cho Mẹ nhìn vào mồ sâu nơi Con Mẹ được chôn táng, rồi cũng từ mồ chôn xác chết này, Mẹ sẽ hân hoan chiêm ngắm ánh sáng Phục Sinh tỏ chiếu trong tim Mẹ trong đời Me,ï trước hết mọi người. Xin Mẹ dậy chúng con đừng chỉ nhìn vào gai nhọn của thánh giá, chỉ nghe tiếng reo hò bất công của người đời, nhưng biết nhìn vào một mình Chúa nơi thánh giá, chỉ nghe những tiếng nói nhỏ nhẹ và êm ái của Ngài từ cây thánh giá, để chúng con cũng cảm nghiệm được sức sống nhiệm mầu ngay từ nơi thánh giá khổ đau trong đời sống của chúng con. Xin dậy chúng con biết thưa lời cầu nguyẹn tín thác sau khi đã làm hết sức như Chúa. Amen.

Tội Chúng Ta Đã Đóng Đanh Chúa by PT. Trần Luận (B)

Chúa Nhật Lễ Lá khởi đầu Tuần Thánh. Tuần này còn gọi là Tuần Thương Khó, vì trong suốt tuần chúng ta cùng nhau suy gẫm sự thương khó Chúa đã gánh chịu để đền bù tội lỗi cho mỗi người chúng ta.

Khi nghe bài thương khó trong Thánh Lễ hôm nay chúng ta có cảm nghĩ thế nào? Có khi nào chúng ta tự hỏi: Nếu Chúa Giêsu sống trong thời đại này, liệu tôi có hành động giống như người Do Thái xưa hô to rằng "Hãy đóng đinh nó vào thập giá" không? Tuy không la thành tiếng, nhưng có lẽ nhiều lần bằng cuộc sống chúng ta đã đóng đanh Chúa, vì mỗi lần phạm tội, những lần thờ ơ lãnh đạm với Chúa, không thi hành đức bác ái, sống theo phù phiếm của thế gian là ta lại đóng đanh Chúa. Chúng ta không trực tiếp đóng đanh Chúa bằng xương bằng thịt, nhưng đóng đanh vào tâm hồn, vào trái tim Chúa. Việc đóng đinh này còn đau đớn hơn cả việc đóng đinh thể xác, vì thể xác chỉ đau đớn có một lần, nhưng tâm hồn thì đau đớn triền miên cho tới khi loài người không còn xúc phạm đến Chúa nữa.

Có bao giờ bạn đặt câu hỏi "Tại sao người Do Thái thời đó dữ tợn như vậy" không? Ngày nay có những hành động của con người còn dữ tợn và ghê gớm hơn nữa đang xảy ra chung quanh chúng ta như nạn phá thai giết chết bao nhiêu thai nhi vô tội, hay chiến tranh khắp nơi trên thế giới giết chết bao thường dân vô tội.

Những sự việc này xảy ra, ít nhiều chúng ta cũng có phần trách nhiệm. Vì, nếu tất cả những người Công Giáo đã sống và thực thi Lời Chúa, đem Lời Chúa đến cho người khác để mọi người nhận biết tình yêu Chúa, thì tội ác trên thế giới này đã được giảm thiểu.

Là con người, ai trong chúng ta cũng có những lúc yêu đuối. Thánh Phêrô trong lúc yếu đuối sợ hãi đã chối Chúa 3 lần, nhưng Ngài đã thống hối ăn năn. Chúng ta có can đảm ăn năn chừa tội không? Sau khi sống lại, Chúa đã hỏi Thánh Phêrô ba lần "Phêrô con có yêu Thầy không?" Cả ba lần Phêrô đều thưa "Con yêu Thầy". Chúa đã giao trách nhiệm cho Phêrô chăn dắt đoàn chiên của Chúa.

Trong Tuần Thương Khó chúng ta không chỉ ăn năn sám hối chừa tội mà còn cố gắng chỗi dậy thoát khỏi vòng tội lỗi, giốc lòng chừa không phạm tội nữa. Chúng ta đã chối Chúa nhiều lần trong cuộc sống, giờ đây hãy mạnh dạn thưa với Chúa rằng: "Lạy Thầy, con yêu Thầy".

 

CHÚA NHẬT LỄ LÁ.

CÙNG THEO CHÚA -Lm Nguyễn Nguyên 2013

Với Chúa Nhật Lễ Lá hôm nay, Tuần Thánh đã bắt đầu bằng việc Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem để hoàn tất mầu nhiệm Vượt Qua đem lại ơn cứu độ cho loài người. Bề ngoài, cuộc tiến vào thủ đô Giêrusalem giữa tiếng tung hô của đám đông nô nức phất cao cành lá “Hoan hô con Vua Đavít” có vẻ giống một cuộc toàn thắng vang dội. Nhưng thực ra, đây là một cuộc mở màn thương khó mỉa mai nhất và cũng là giai đoạn bi thương nhất của cuộc đời Chúa Giêsu.

Thật vậy, khi cho chúng ta nghe lại cuộc thương khó của Chúa Giêsu, không phải để gợi lên trong ta niềm thương cảm đau xót, nhưng là muốn mời gọi chúng ta hãy can đảm bước theo Chúa Giêsu trên con đường thập giá. Rước lá đi theo Chúa một vòng quanh nhà thờ hay trong vài giờ là điều dễ. Theo Chúa giữa lúc Ngài được tung hô, cũng chẳng khó khăn gì. Nhưng theo Chúa khi Ngài bị mọi người bỏ rơi, điều đó khó hơn nhiều. Tin mừng cho thấy không một ai dám lên tiếng bênh vực cho Chúa Giêsu vào lúc đó, mà chỉ thấy lên tiếng đòi phóng thích cho tên đạo tặc Baraba. Bước vào tuần thánh, người tín hữu kytô chúng ta được mời gọi bước theo Chúa Kytô trên con đường thập giá. Những nẻo đường không phải lúc nào cũng thuận lợi, êm ái. Vì luôn có đó những thánh giá - đời cũng như đạo.  

Đúng như vậy, bước đi theo Chúa Giêsu trên con đường thập giá hôm nay, cho dù chúng ta không bị đòn vọt, tù tội, không có mão gai, không bị đóng đinh vào tay chân, không bị lưỡi đòng đâm thâu, nhưng cũng không kém phần khốc liệt. Đi con đường thập giá của Chúa Giêsu, chúng ta vẫn phải đối diện với nỗi đau đớn của sự phản bội, vu khống, bội bạc của những người đang cùng sống với chúng ta. Thậm chí, có khi sự vô ơn, bội bạc đó còn đến bởi những người thân yêu nhất của chúng ta, những người cùng chung chăn chung gối, anh chị em trong một nhà, con cái, bạn bè…

Đi con đường thập giá của Chúa Giêsu là giữa một thế giới người ta đặt vật chất, danh vọng và thú vui là trên hết, còn ta lại chọn Chúa và đặt Chúa làm giá trị cao nhất là ta đang vác thập giá theo Chúa Giêsu.

Đi con đường thập giá của Chúa Giêsu là giữa một thế giới người ta chỉ muốn hưởng lạc thú thể xác mà không muốn sinh con, người ta dễ dàng “khóc”, và lớn tiếng kêu gọi “chia sẻ” khi thấy những nạn nhân của sóng thần, thiên tai, nhưng lại cho phép và cổ võ việc giết những con người vô tội, vô phương chống cự, đó là những thai nhi còn nằm trong bụng mẹ, hay những người già yếu, bệnh tật.  Còn ta, ta biết cộng tác với Chúa một cách ý thức và trách nhiệm trong việc sinh và giáo dục những con người mới là ta đang vác thập giá theo Chúa Kitô.

Đi con đường thập giá của Chúa Giêsu là giữa một thế giới người ta xem lường gạt và dối trá như đút lót, tham nhũng, hay đơn giản hơn, việc “quay” bài của các em học sinh là điều bình thường, còn ta, ta sống chân thật chấp nhận chịu thiệt thòi, mất mát là ta đang vác thập giá theo Chúa Giêsu.

Như vậy, bước vào Tuần thương khó, giáo hội mời gọi mỗi chúng ta tham dự vào cuộc tử nạn của Chúa bằng cách sống đời sống công chính - đời sống đòi hỏi khước từ những quyến rũ của những thực tại phù vân, đòi hỏi đóng đinh tính xác thịt mình, đòi hỏi chấp nhận đau khổ, chấp nhận hiến thân, hy sinh vì phần rỗi của mình và của người khác. Tuy nhiên, để có thể bước theo Chúa Giêsu trên con đường thập giá, chúng ta phải chấp nhận đi ngược với suy nghĩ, với cách sống của con người hôm nay, và lúc ấy người kitô hữu chúng ta sẽ cảm thấy mình như cô đơn, như đang đứng bên lề của xã hội.

Thế nhưng, cho dù vậy, chúng ta cũng không được phép nản lòng, thối chí, bởi vì chúng ta tin rằng, chúng ta không vác thập giá một mình, chúng ta có Đức Giêsu, người Thầy, người bạn, và là Chúa của chúng ta cùng vác với chúng ta. Và nếu chúng ta dám đi trọn con đường thập giá với Ngài, thì chắc chắn, cuối cùng chúng ta cũng sẽ được cùng Ngài hưởng trọn niềm vui của cuộc Phục Sinh vinh hiển. Xin Chúa Giêsu, Đấng đã từng chịu đau khổ thêm sức cho mỗi người chúng ta, để chúng ta cùng chết với Chúa nhờ đó mai sau được cùng Người phục sinh vinh hiển. Amen.

 

ĐẤM NGỰC SAO CHƯA TRỞ VỀ? (Lễ Lá năm C)

Có thể nói, cuộc thương khó của Đức Giêsu là một bài suy niệm dài không có trang kết thúc. Mỗi sự kiện, mỗi chặng đường, mỗi nhân vật xuất hiện đều mang một sứ điệp riêng. Để mà suy niệm và viết, có lẽ không trang giấy nào lột tả cho đủ. Tuy nhiên, mỗi một mùa thương khó qua đi, lại là một sự kiện, một dấu ấn để nhân loại có thể hồi tâm trở về, trắc ẩn trước tình thương vô biên cao cả của Thiên Chúa.

Lòng can đảm và tình yêu thương không bờ bến. Đó chính là sợi chỉ đỏ xiên suốt hành trình khổ nạn. Tất cả chỉ vì yêu, yêu Chúa Cha, yêu nhân loại mà Đức Giêsu đã tự nguyện vâng phục ghé vai gánh vác thập tự - án tử hình dành cho những tội nhân trong khi Ngài hoàn toàn là Đấng vô tội: “Ta xét thấy người này không có tội gì” (Lc 23, 4). Lòng tự nguyện của Ngài mãnh liệt quá, chính tình yêu thương vâng phục vô điều kiện ấy là động lực giúp Ngài vượt qua mọi khó khăn, thử thách, sự sỉ nhục, nhạo báng, sự kết án bất công… để đi đến cùng yêu thương. Đây cũng chính là phương châm, là kim chỉ nam để tất cả những ai muốn theo Ngài. Chỉ cần có sự vâng phục tự nguyện và tin tưởng tuyệt đối vào tình thương của Thiên Chúa, chắc chắn họ sẽ được Ngài cứu độ và thương yêu.

Thái độ bình thản trước những lời vu oan giáng họa và sỉ nhục, xúc phạm đến nhân phẩm, danh dự… “Các thượng tế và kinh sư đứng đó, tố cáo Người dữ dội. Vua Hêrôdê cùng với bọn lính tỏ ra khinh dể Người, khoác cho Người một chiếc áo rực rỡ mà chế giễu...” (Lc 23, 10-11) không phải vì Ngài cào bằng tất cả, hay tỏ thái độ khinh miệt, bất cần đời, nhưng vì tình yêu thương của Ngài đã vượt lên trên tất cả. Ngài thấu hiểu và tha thứ, vì biết rằng nhân loại lầm lạc, mù quáng, không biết mình đang làm gì. Mỗi người chúng ta cũng vậy, chúng ta cần phải có một thái độ bình thản, kiên tâm trước những lời kết án, vu oan giáng họa. Vì bởi nếu tranh chấp hơn thua với kẻ ác, chắc chắn người thiện sẽ không bao giờ thành công. Nếu không muốn nói đến hậu quả ngày càng tồi tệ. Thay vì thế, hãy tha thứ và thương yêu. Tình thương yêu sẽ  hóa giải tất cả, và cũng sẽ là minh chứng hùng hồn cho sự vô tội.

Sự phản kích của công chúng khi hô hào tha tội cho tướng cướp Baraba: “Giết nó đi, thả Baraba cho chúng tôi!” (Lc 23, 18). Đó là tội phạm giết người nguy hiểm vậy mà dân chúng lại cương quyết phải tha. Còn Đức Giêsu, Ngài đã làm gì nên tội. Ngài đã làm tổn thương ai, thiệt hại gì? Vậy tại sao Ngài lại bị dân chúng oán ghét như vậy? Đám dân chúng này là ai? Có phải là những người vẫn ngày ngày theo Chúa, tận mắt chứng kiến những phép lạ, những điều tốt lành Ngài đã làm cho họ hay không? Đây cũng là sự thật bẽ bàng nhất trong cuộc sống, khi bị hiểu lầm, bị kết án, bị ganh ghét, con người như bị dồn vào chân tường cùng cực của sự tuyệt vọng. Thay vì hoang mang, oán hận, chi bằng hãy học nơi Đức Giêsu, sự thinh lặng, cam chịu và chấp nhận tất cả.

Trên đường lên núi Sọ, có những người phụ nữ than khóc bước theo Người, nhưng Ngài đã phán: “Hỡi chị em thành Giêrusalem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu của chị em.” (Lc 23, 28). Phải, Đức Giêsu không đáng thương, nhưng kẻ đáng thương chính là chúng ta. Nhân loại mới thực sự là những kẻ đáng thương vì đã giết chính Con Thiên Chúa. Con người mới là kẻ đáng thương vì đã loại bỏ Đấng làm chủ đời mình. Thế giới đáng thương vì đã bị của cải, danh vọng, quyền lực… làm lu mờ con mắt đức tin và ánh sáng chân lý. Riêng Đức Giêsu, Ngài là thân phận Thiên Chúa và mãi mãi vẫn là Thiên Chúa, không ai có thể lấy đi bất cứ điều gì từ Ngài. Ngài không thể hiện quyền lực không phải vì Ngài khiếm khuyết nhưng chính vì bởi Nước của Ngài không thuộc về thế gian này. Nó thuộc về một vương quốc chỉ có tình yêu thương và sự công chính thánh thiện mà thôi.

Khi đã chịu đóng đinh, chấp nhận mọi hình phạt và sự bêu riếu phỉ hổ, Đức Giêsu đã xin Thiên Chúa Cha tha tội cho nhân loại: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” (Lc 23, 34). Ngài còn hứa với người trộm lành: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.” (Lc 23, 43). Đẹp quá, những nghĩa cử thật là cao đẹp quá, không còn gì cần phải nghi ngờ nữa. Sự tha thứ vô điều kiện, chỉ có nơi Thiên Chúa mà thôi.

“…Khi thấy những sự việc xảy ra như thế, tất cả những đám người đã tụ tập đông đảo để xem cảnh tượng ấy đều đấm ngực trở về nhà.” (Lc 23, 48) Thế là cuộc khổ nạn của Đức Giêsu đã chấp dứt. Tiếng cười đùa, giễu cợt hay phỉ báng cũng đã qua đi. Đức Giêsu rồi đã tắt thở… và người ta chứng kiến cảnh tượng trời đất động địa, núi non vỡ ra tan tác… người ta đã tin và đấm ngực trở về. Người ta đã tin thật: “Người này quả thật là công chính!” (Lc 23, 47). Đây chính là lời chứng cuối cùng cho sự vô tội của Ngài. Khi đã nhận biết sự sai lầm của mình, họ đã đấm ngực trở về. Vậy mà hơn 2000 năm qua , năm nào cũng vậy, Giáo hội vẫn tưởng niệm lại cuộc thương khó của Chúa, thế mà nhân loại vẫn lầm lạc trong con đường tội lỗi, chẳng mấy ai tin, chả mấy ai biết đấm ngực trở về.

Lạy Chúa, con không chỉ chứng kiến một lần, nhưng có thể nói trên 30 lần. Con tận tai nghe được những lời nói và hành động của Ngài trên con đường khổ nạn, thế nhưng chẳng hiểu sao con đấm ngực mà vẫn không thể trở về. Còn điều gì vậy, còn điều gì đang chế ngự nơi con để rồi con mãi sống xa lìa tình yêu Chúa. Con vẫn ngày ngày đóng đinh Ngài mỗi khi gặp thử thách, gian nan, con thường kêu ca oán trách Ngài. Mỗi khi gặp trái ý, đau khổ, con vẫn nguyền rủa, thóa mạ tha nhân… Xin giúp con lạy Chúa, xin giúp con biết dừng lại, thinh lặng trước cuộc khổ nạn, không phải để khóc thương Ngài nhưng là khóc thương chính bản thân mình đã phản nghịch, lỗi phạm cùng Thiên Chúa để được tha thứ và thương yêu. Xin giúp con hãy buông tay xuống, hãy cởi bỏ những ghét ghen, ích kỉ trong con tim, và hãy nói lời thương yêu tha thứ: xin Cha tha thứ, vì con, cũng như họ… không biết việc mình đã làm.

M. Hoàng Thị Thùy Trang.

 

CUỘC KHỔ NẠN VÀ PHỤC SINH

Chúa nhật Lễ Lá đã mời gọi mỗi người Ki-tô hữu tham dự vào Mầu Nhiệm khổ nạn của Chúa Giê-sumà đỉnh cao là Tam Nhật Vượt Qua để hướng đến  Đại Lễ Phục Sinh-chóp đỉnh của năm phụng vụ. Tam Nhật Vượt Qua là cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa Giêsu-nguồn phát sinh ơn cứu độ cho chúng ta. Nhịp sống đạo mỗi ngày mời gọi mọi người đi vào mầu nhiệm cao cả ấy.

Nói đến cuộc đời của Đức Giê-su, những người tin hay không tin Ngài đều có thể chấp nhận cái chết của Chúa Giê-su là một điều hết sức thật. Nhưng sẽ là  thiếu xót nếu không nói đến sự Phục sinh khi nhắc đến cuộc khổ nạn. Sự sống lại của Đức Giê-su là trung tâm và là nền tảng của Ki-tô giáo. Như Thánh Phao-lô Tông đồ đã viết trong thư thứ nhất gởi Giáo đoàn Cô-rin-tô : “Nếu Đức Ki-tô đã không chỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng” và “ những người đã chết cũng tiêu vong”(1Cr15,14.17 ).

Khổ nạn và Phục sinh là hai đề tài gây nhiều tranh cãi cho các nhà Thần học và cho tất cả những ai muốn khám phá con người Giê-su Nazareth. Riêng với những tín hữu Công giáo, thì Thập Giá là nguồn ơn cứu độ và Phục sinh là hệ quả của ơn ban ấy.

Cuộc Khổ nạn của Chúa Giêsu

Có nhiều lý do đưa đến cái chết của Chúa Giê-su. Thế nhưng nổi lên trên hết và dễ dàng nhìn thấy được là Đức Giêsu đã chấp nhận đau khổ và chết một cách nhục nhã :

-Vì trung tín với Chúa Cha

-Vì liên đới với các tội nhân

-Vì liên đới với những người nghèo

Vì trung tín với Chúa Cha

Tất cả cuộc đời của Chúa Giêsu, sứ điệp và hoạt động đều quy hướng về Thiên Chúa. Ngài hằng vâng phục Cha trong mọi sự. Chính sự vâng phục này đã đưa Ngài đến cái chết, và sự trút bỏ tất cả vinh quang và quyền năng của mình một cách hiện sinh và cụ thể. Một bài thánh ca lâu đời mà Phao-lô còn giữ lại có đoạn viết :

“ Đức Giêsu Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa

Mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì

Địa vị ngang hàng với Thiên Chúa

Nhưng Người đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang...

Người lại còn hạ mình vâng lời,

Cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,

Chết trên cây Thập Tự”

(Pl 2, 6-8 )

Vì liên đới với các tội nhân

Đức Giêsu đã chết vì trung tín với Thiên Chúa: điều đó cũng có nghĩa là Người trung tín với khuôn mặt của Thiên Chúa mà Người rao giảng. Đó là kết luận mà chúng ta thấy được khi nhìn vào thái độ của Chúa Giêsu đối với các tội nhân và sự chống đối đa dạng mà Người gây ra chung quanh mình. Bằng cách sống cũng như bằng lời rao giảng, Đức Giêsu tuyên bố rằng Thiên Chúa, Đấng sắp đến cứu độ, sẽ không loại bỏ một ai; chính Thiên Chúa đang đi tìm kiếm những người tội lỗi với tấm lòng đầy nhân ái. Ấy thế, nhưng lại chính tội lỗi của con người đưa Đức Giêsu đến cái chết: “ Này Con người bị nộp vào tay phường tội lỗi” (Mc 14,41).

Thánh Phê-rô Tông đồ, trong thứ thứ nhất của mình cũng đã khẳng định:

“ Người không hề phạm tội;

Chẳng ai thấy miệng Người nói một lời gian dối,

Bị nguyền rủa, Người không nguyền rủa lại,

Đau khổ mà chẳng ngăm đe;

Nhưng một bề phó thác cho Đấng xét xử công bình,

Tội lỗi chúng ta,

Chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây Thập giá”

(1 Pr 2, 22-24 ).

Vì liên đới với người nghèo

Khi chấp nhận một cái chết của kẻ hèn mọn nhất, giữa những người trộm cướp, những người mình trần, thân trụi. Đức Giêsu đã đồng hóa mình với tầng lớp những người nghèo đói, cô thân cô thế, những người không có quyền lợi và không được ai bênh đỡ. Người hoàn toàn trút bỏ mọi vinh quang, và tự nguyện chết treo trên Thập Tự giá, một hình phạt dành riêng cho những người nô lệ. Trong cuộc đời công khai rao giảng Nước Trời, những người đau khổ, đói nghèo và bệnh tật là đối tượng của tình liên đới mà Đức Giêsu hằng ưu ái, khi dành tất cả tình yêu thương. Nơi con người và trong định mạng của Đức Giêsu, chúng ta thấy khuôn mặt của Thiên Chúa qua tình yêu đồng cảm với những nỗi xâu xé của những người anh em đang bị hành hạ do lòng độc ác và tàn bạo của những người anh em đồng loại.

Và sự Phục sinh của Ngài

“Sống lại” là một trong những ý niệm cơ bản của khoa Thần học. Như đã trình bày trong phần mở đầu, sự sống lại của Đức Giêsu là trung tâm và là nền tảng của Ki-tô giáo ( 1Cr 15, 14.17). Niềm tin vào Đức Giêsu sống lại và lòng mong đợi ngày kẻ chết sống lại ăn sâu vào trong những lời tuyên tín của Giáo hội.

Ngay những thế kỷ đầu, Giáo hội sơ khai chỉ cử hành Mầu nhiệm Phục sinh. Các bài Kerygma của các Tông đồ chỉ xoáy vào một đề tài cơ bản: Đức Ki-tô đã Phục sinh (Cv 2, 22-40; 3, 12-16; 4, 8-12; 5,29-32...). Lời rao giảng của các Tông đồ nhấn mạnh tới việc Kinh Thánh được ứng nghiệm: Đấng Mêsia đã chiến thắng sự chết. Phê-rô và các Tông đồ tuyên bố họ là những chứng nhân của Tin Mừng Phục sinh. Tin mừng nhất lãm và Tin mừng của Gioan đều thuật lại sự kiện Ngôi mộ trống và những lần hiện ra của Chúa Giêsu, sau khi từ trong cõi chết.

Sống Mầu nhiệm Vượt qua là sống chính sự chết của Đức Giêsu trên đỉnh cao Thập Giá. Còn sống Mầu nhiệm Phục sinh cùa Ngài là sống niềm hy vọng hạnh phúc đời đời trong Nước trời. Con người của mọi thời vẫn trải qua sự sống và cái chết. Nhưng thử hỏi có mấy ai dám tin và đón nhận cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu? Họa chăng một người cùng chịu đóng đinh với Chúa Giêsu, khi anh thưa lên rằng: “Thưa Ngài, khi vào nước Trời xin nhớ đến tôi”. Và người nói với anh ta: “Ta bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với Ta trên thiên đàng” (Lc 23, 42-43).

Lm Gia-cô-bê Tạ Chúc

 

Con Đường Cứu Độ Của Đức Giêsu Là “Vâng Theo Ý Chúa Cha”

Suy Niệm Chúa Nhật Lễ Lá, Năm C

Jos.Vinc. Ngọc Biển

Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật việc Đức Giêsu vào thành Giêrusalem để khởi đầu cuộc thương khó. Ngài tiến vào thành trong tiếng reo hò vang dội của dân chúng. Họ trải áo của mình xuống để lót đường cho Chúa đi. Tay cầm nhành lá thiên tuế vẫy chào. Miệng vang hò reo mừng: “Hoan hô con vua Đavít”, “Vạn tuế Đấng nhân danh Thiên Chúa mà đến”. Sự kiện Chúa vào thành làm cho dân chúng vui mừng và hy vọng. Họ mong ước từ lâu được nhìn thấy Chúa đến với họ trong cương vị của một vị vua, đến để giải thoát họ khỏi ách thống trị của đế quốc Lamã thời bấy giờ. Còn Đức Giêsu, Ngài đến với tư cách gì, và, sứ mạng của Ngài ra sao?

1. Đức Giêsu đến để thực thi thánh ý Thiên Chúa Cha

Theo Tin Mừng Gioan thì: “lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa” (Ga 1,1). Thánh Gioan muốn xác quyết thật rõ ràng rằng: Đức Giêsu là Thiên Chúa làm người, vì thế Ngài luôn hướng về với Đấng mà Ngài đã từ đó mà đến trong thế gian này. Điều này được chính Đức Giêsu minh định khi nói với Đức Mẹ và thánh Giuse lúc 12 tuổi, khi các ngài tìm thấy Chúa trong đền thờ, Ngài nói: cha mẹ không biết là con phải thi hành ý của Cha con sao? Điều này đã được chính Chúa Cha giới thiệu với mọi người khi Đức Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan: “Con là Con của Cha. Ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con” (Lc 3, 22). Khởi đầu sứ vụ cứu rỗi, Đức Giêsu đã chịu cám dỗ (x. Mt 4,1-11). Satan dù thất bại, nhưng vẫn luôn chờ đợi thời cơ (x. Lc 4,13). Sự kiện này cho chúng ta thấy:  Satan sẽ không ngừng cám dỗ Đức Giêsu sử dụng chức quyền để vụ lợi, để đề cao chính mình, để tranh thủ quyền lực thế gian, và mục đích cuối cùng của nó là loại bỏ sứ mạng Thiên Sai trong tư cách là Người Tôi Tớ của Giavê. Nhưng giờ đã đến, giờ phải bỏ thế gian để về cùng Thiên Chúa Cha, Đức Giêsu đã vào vườn Giệtsimani cầu nguyện. Ngài đã linh nghiệm trước những đau khổ mà mình sẽ phải chịu để cứu độ nhân loại, nên Ngài toát mồ hôi máu, và, cũng với tư cách là Người Tôi Tớ đau khổ của Giavê, bằng lời cầu nguyện tại vườn Cây Dầu, Đức Giêsu bày tỏ sự tùng phục tuyệt đối ý định của Thiên Chúa Cha (x. Mc 14,36), bởi vì lương thực của Ngài chính là làm theo ý Chúa Cha.

Như vậy, việc Đức Giêsu vào thành Giêrrusalem là để khởi đầu cuộc thương khó và thực hiện ý định cứu độ nhân loại qua sự vâng phục trọn vẹn thánh ý Thiên Chúa Cha trong sứ vụ Thiên Sai của Người Tôi Trung.

2. Đức Giêsu vào thành Giêrrusalem để chịu chết

Sứ mệnh cứu độ của Người Tôi Trung đã đến, Đức Giêsu nhất quyết lên Giêrusalem để chịu chết như lời Ngài đã tiên báo với các môn đệ: “Thày đi Giêrusalem, chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại” (x. Mt 16, 21). Đức Giêsu biết trước điều đó, nhưng vì Ngài đến để thực thi sứ mạng của Chúa Cha: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người” (Ga 4,34). Và, “Chén Cha ta trao, lẽ nào ta không uống”.  Ngài đã chấp nhận cái chết, để cho chúng ta được sống, như lời thánh Phaolô đã nói: “Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Nhờ Người mang những vết thương của anh em mà anh em đã được chữa lành” (1Pr 2,24).

Hôm nay, Đức Giêsu vào thành Giêrusalem để khởi đầu cuộc thương khó. Ngài đã thực sự sống mầu nhiệm tự hủy của hạt lúa: “Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trụi một mình; nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt. Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống của mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời” (Ga 12, 23-25). Ngài đã chấp nhận đi theo con đường khổ nạn để đến vinh quang.

3. Sứ điệp Lời Chúa cho con người hôm nay

Sứ điệp Lời Chúa ngày hôm nay nhắc nhớ mỗi người chúng ta luôn hướng Thiên nhằm tìm thánh ý Thiên Chúa để thi hành. Chỉ khi nào chúng ta làm mọi sự theo thánh ý Chúa, thì khi đó ta mới được cứu độ. Đồng thời cũng phải hướng tha để đem lại hạnh phúc cho tha nhân. Con đường đó là con đường vâng phục; khiêm nhu và phục vụ; con đường của hạt lúa; con đường của khổ giá. Nói chung, con đường đó là con đường hẹp, con đường từ bỏ ý riêng.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con sẵn sàng từ bỏ ý riêng của con để thay vào đó là ý Chúa. Xin cho con biết khiêm tốn và nhạy bén để nhận ra thánh ý Chúa mà thi hành. Xin cho biết dấn thân phục vụ và sẵn sàng chấp nhận tất cả vì phần rỗi của anh chị em con. Và, xin cho con được vác thập giá mình mà theo Chúa lên đồi Canvê, để được sống với Ngài trong vinh quang Phục sinh. Amen.

 

Suy Niệm Chúa Nhật LỄ LÁ NĂM C

Cuộc thương khó của Đức Giêsu Kitô do bốn tác giả Tin mừng tường thuật lại. Ngày thứ Sáu tuần thánh, Giáo Hội cho chúng ta đọc Tin mừng của Thánh Gioan. Chúa Nhật lễ lá, đọc Tin mừng Nhất Lãm theo chu kỳ A,B,C. Chúng ta vừa nghe bài thương khó của Thánh Luca. Mỗi lần nghe lại bài thương khó, chúng ta cảm nghiệm được tình yêu vô bờ bến của Đức Giêsu Kitô, đồng thời chúng ta thấy ẩn hiện thái độ của chúng ta nơi những nhân vật mà các thánh ký kể lại.

Thật vậy, mục đích xuống thế làm người của Đức Giêsu Kitô là để cứu độ thế gian. Trong Kinh Tin Kính chúng ta tuyên xưng: “Vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta, Người đã từ trời xuống thế”. Đọc Tin mừng chúng ta thấy, Chúa Giêsu luôn biết trước mọi biến cố xảy ra trong cuộc đời của Ngài. Chính Ngài đã nói với hai môn đệ chuẩn bị những gì sắp diễn ra như Tin mừng Thánh Luca vừa kể lại(x. Lc 19, 28-40). Ít nhất, ba lần Ngài báo trước về cuộc khổ nạn của mình: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều”. Nhưng Ngài tự nguyện bước vào cuộc khổ nạn ấy, chính là để làm trọn thánh ý Chúa Cha: "Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà làm theo ý Cha"(Lc 22, 42). Mặc dầu bị nộp, bị đánh đạp, bị tra tấn, nhưng suốt hành trình cuộc khổ nạn, chúng ta vẫn thấy Ngài xử lý những biến cố xảy ra xung quanh Ngài một cách hết sức bình thản. Biết Giuđa phản bội, Ngài nhắc khéo rằng:“Kẻ nộp Ta đang ở gần Ta, ngay trên bàn này”(Lc 22,21). Khi Giuđa dẫn một toán quân đến bắt Ngài, Ngài nói: "Giu-đa ơi, anh dùng cái hôn mà nộp Con Người sao?”(Lc 22,48). Ngài nhắc cho Phêrô : "Simon, Simon, này ma quỷ đã đòi sàng các con như sàng gạo, nhưng Ta đã cầu nguyện để con khỏi mất đức tin. Và phần con, khi đã trở lại, con hãy làm cho anh em con vững tin"(Lc 22,31-32). Ngài còn báo trước cho Phêrô biết, ông sẽ chối Thầy(x. Lc 22,34). Đúng như lời tiên báo, Phêrô đã chối Thầy ba lần trước một cô gái, nhưng Ngài vẫn nhìn Phêrô với ánh mắt yêu thương, thông cảm và tha thứ. Khi thấy các môn đệ ngủ mê, Ngài nhắc nhở họ:“Hãy dậy và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ”(Lc 22,40). Ngài vẫn bình tĩnh chữa cho tên đầy tớ bị Phêrô chém đứt tai (x. Lc 22,51). Trên đường đi lên núi Sọ, vai vác thập giá, thân thể nát tan, mình lấm đầy máu do bị đánh đập nhiều, nhưng Ngài vẫn dừng lại để yên ủi các phụ nữ Giêruzalem. Trên núi Sọ, trước khi trút hơi thở cuối cùng, Ngài đã tha thứ cho kẻ trộm lành, đồng thời xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ làm hại mình (x. Lc 23,34). Tất cả những lời nói, cử chỉ và hành động của Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn cho chúng ta thấy thái độ của một vị Thiên Chúa đầy tình yêu thương nhân loại.

Đức Giêsu yêu thương nhân loại hết mức. Nhưng qua mọi thời đại, nơi con người vẫn còn đó những thái độ từ chối lòng tốt của Người, giống như thái độ của đa số các nhân vật trong bài thương khó mà các thánh ký kể lại. Đó cũng là thái độ của mỗi chúng ta hôm nay.
Thật vậy, các môn đệ là những người được Chúa Giêsu yêu thương gọi, chọn, huấn luyện để tiếp tục sứ mạng của Ngài. Nhưng trước cuộc khổ nạn, không còn có vị nào giữ trọn sự trung thành với Thầy mình. Giuđa đã phản bội, bán thầy với giá ba mươi đồng bạc. Khi dẫn một toán quân đến bắt Thầy, để che đậy tội ác của mình, ông đã dã tâm ôm hôn Thầy. Còn Phêrô, vị tông đồ trưởng, nhanh nhẹn, hoạt bát, luôn đại diện cho nhóm Mười Hai để trả lời các câu hỏi mà Thầy đưa ra. Ông đã thề thốt:“Sẵn sàng theo Thầy, dù vào tù hay đi chịu chết”(Lc 22,33). Thế mà, khi Thầy bị quân lính bắt, ông chỉ đứng xa xa nhìn Thầy. Chỉ một cô gái hỏi về mối liên quan giữa ông với Thầy Giêsu, Phêrô đã chối phăng là “Tôi không biết người ấy là ai”, không những một lần mà là ba lần (x. Lc 22, 54-62). Khi Thầy bị bắt, hầu hết các môn đệ khác đều chạy trốn. Dưới chân thập giá, chỉ còn lại Thánh Gioan và Mẹ Người.
Ngày hôm nay, khi đọc lại bài thương khó, nhiều người vẫn trách các môn đệ, đám đông, Philatô, Hêrôđê…Nhưng nếu xét mình lại, chúng ta vẫn thấy mình nơi Giuđa, khi chúng ta đặt tiền bạc, quyền lợi bản thân lên trên Chúa. Chúng ta thấy mình nơi Phêrô, khi chúng ta chỉ theo Chúa, gắn bó với Chúa lúc vui, lúc bình yên. Nhưng, chúng ta lại đứng xa xa, thậm chí bỏ Chúa, chối Chúa khi gặp thử thách gian nan.
Chúng ta thấy mình nơi thái độ của đám đông, khi chúng ta sống theo chủ nghĩa cơ hội. Thấy Chúa làm phép lạ hoá bánh ra nhiều, thì tôn Chúa lên làm vua. Thấy Chúa cỡi trên lưng lừa tiến vào thành Giêrusalem uy nghi, thì cỡi áo, bẻ lá trải lót đường để Chúa đi. Và lớn tiếng rằng : “Hoan hô con vua Đavít”, “Vạn tuế Đấng nhân danh Chúa mà đến”(x. Lc 18,38). Nhưng khi Chúa bị điệu đến trước Philatô thì sẵn sàng đồng thanh hô lớn tiếng tha cho Baraba và giết Đức Giêsu: “Đóng đinh nó đi, đóng đinh nó vào thập giá”(Lc 23, 21).
Chúng ta thấy mình nơi thái độ của Philatô, khi chúng ta sợ mất chức quyền danh vọng, nên bỏ mặc cho người vô tội phải chết. Chúng ta thấy mình nơi Hêrôđê, khi chúng ta thất vọng vì không gặp được một Đức Kitô theo ý mình.

Xin cho chúng ta có được tấm lòng thống hối của Phêrô và của người trộm lành. Xin cho chúng ta biết chịu mọi sự khó bằng lòng như ông Simon vác thánh giá đỡ Đức Giêsu. Xin cho chúng ta có tấm lòng bình thản như Chúa Giêsu để vâng theo thánh ý Chúa Cha, chấp nhận mọi biến cố xảy ra trong cuộc đời một cách vui vẻ.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chấp nhận bước vào cuộc khổ nạn để cứu độ nhân loại chúng con. Xin cho mỗi chúng con luôn biết noi gương Chúa, đón nhận đau khổ trong cuộc đời để cứu độ chúng con và làm sáng danh Chúa. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành

<tiểu mục <trang nhà

 

 
     

Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)