dongcong.net
 
   
 
 
 
 

 

 
Suy Niệm Lời Chúa Năm C
 
 
L.m. Joemarie Hoàng, CMC
 
<<<    

Tha Thứ Là Bản Chất của Lòng Thương Xót
Lm. Anthony Trung Thành 3/30/2016

Suy Niệm Chúa Nhật II PHỤC SINH

Tha Thứ Là Bản Chất của Lòng Thương Xót

Trong Tông Thư “Khuôn Mặt Xót Thương”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Trong dụ ngôn về lòng thương xót, Chúa Giêsu tiết lộ bản tính của Thiên Chúa như một người Cha không bao giờ bỏ cuộc cho đến khi Ngài đã tha thứ kẻ sai phạm và vượt qua sự từ khước với lòng trắc ẩn và thương xót”.

Thật vậy, tha thứ là bản chất của Thiên Chúa. Trong thời Cựu Ước, biết bao lần dân Chúa phản bội, chạy theo các thần của dân ngoại, nhưng mỗi khi dân biết sám hối quay trở về thì Ngài sẵn sàng tha thứ. Sang thời Tân Ước, Chúa Giêsu luôn dạy về sự tha thứ. Khi Phêrô hỏi Chúa phải tha thứ bao nhiêu lần, có phải bảy lần không? Chúa trả lời “Không phải là bảy lần nhưng bảy mươi lần bảy”(Mt 18,22).

Không những Chúa Giêsu dạy sự tha thứ mà chính Ngài đã thực hành sự tha thứ. Ngài tha thứ cho Phêrô qua cái nhìn đầy trìu mến yêu thương sau khi Phêrô chối Ngài ba lần. Ngài tha thứ cho kẻ trộm lành. Ngài tha thứ cho những người đóng đinh Ngài “Lạy Cha xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”(Lc 23,34).

Sau khi Phục Sinh, Chúa Giêsu không hề nhắc tới tội của Phêrô, tội bỏ trốn của các Tông đồ. Sự nghi ngờ của ông Tôma. Ngài tha thứ cho họ tất cả. Ngài tha thứ cho Phaolô khi ông trên đường đi lùng bắt các kitô hữu. Nếu Giuđa có lòng thống hối, chắc chắn Chúa cũng sẽ tha luôn. Ngài đã lập Bí tích Giao Hoà để tha thứ tội lỗi cho con người mỗi khi con người phạm tội và biết thống hối ăn năn. Chính trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã ban cho các Tông đồ quyền tha tội : “Các con tha tội cho ai thì tội người ấy được tha”(Ga 20,23).

Giáo Hội qua mọi thời đại không những thi hành sự tha thứ cho các tội nhân qua bí tích Giao Hoà mà còn thực hành sự tha thứ trong cuộc sống. Sách Công Vụ Tông đồ cho biết, chính Thánh Phêrô đã sống tinh thần tha thứ của Chúa Giêsu trên Thánh giá khi coi hành động của những người Do Thái và cả của các thủ lãnh của họ như “do không hiểu biết” (Cv 27,25). Thánh Stêphanô đã cầu nguyện xin Chúa tha thứ cho Phaolô (x. Cv 7,60). Muôn vàn gương tha thứ khác của Giáo Hội và các thành viên trong Giáo Hội mà chúng ta không thể kể hết ra đây. Trong thời đại chúng ta có gương tha thứ của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: Ngày 13 tháng 05 năm 1981, tên khủng bố Mehmet Ali Agca, người Thổ Nhỉ Kỳ, đã cố ý giết Đức Thánh Cha Gioan Phalô II bằng ba phát súng lục trong một cuộc tiếp kiến chung tại quảng trường thánh Phêrô ở Rôma. Hai năm sau vụ ám sát, vào ngày 23.12.1983, Ngài đã đích thân vào phòng giam thăm tên khủng bố Ali Agca, nói chuyện với y và nhất là tha thứ cho y.

Trong cuộc sống chung, không thể tránh khỏi những va chạm, có những va chạm gây ra đổ máu, chết chóc: Giữa các thành viên trong gia đình; giữa những người làng xóm làng giềng với nhau; giữa bạn bè; giữa những người trong cộng đoàn; giữa những người không quen biết; có những va chạm đến từ những người không cùng quan điểm, tôn giáo với chúng ta, họ ghen ghét vì chúng ta là người kitô hữu...Nhưng trong mọi trường hợp, Chúa và Giáo Hội luôn mong muốn chúng ta phải thể hiện tinh thần tha thứ.

Trong buổi tiếp kiến chung ngày 04 tháng 11 năm 2015, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắn nhủ các gia đình sống tinh thần tha thứ cho nhau, Ngài nói: “Gia đình là một thao trường lớn để tập luyện sự trao ban và tha thứ cho nhau, chẳng vậy không có tình yêu nào có thể trường tồn. Trong kinh nguyện mà chính Ngài đã dạy chúng ta, kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu dạy chúng ta thưa với Chúa Cha: ‘Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con’. Vào cuối kinh, Chúa bình luận: ‘Thực vậy, nếu các con tha thứ những lỗi lầm của người khác, thì Cha các con trên trời cũng tha thứ cho các con; nhưng nếu các con không tha thứ cho tha nhân, thì Cha các con cũng chẳng tha thứ những lỗi lầm của các con’(Mt 6,12.14-15). Ta không thể sống mà không tha thứ, hoặc ít là không thể sống tốt đẹp, nhất là trong gia đình. Mỗi ngày chúng ta làm những điều lầm lỗi đối với nhau. Chúng ta phải để ý đến những sai lầm ấy, do sự yếu đuối và ích kỷ của chúng ta. Nhưng điều mà chúng ta được yêu cầu là chữa lành ngay những vết thương chúng ta gây ra cho nhau, nối lại tức khắc những mối dây đã bị đứt đoạn. Nếu chúng ta chờ đợi quá lâu, thì tất cả trở nên khó khăn hơn. Và có một bí quyết đơn giản để chữa lành những vết thương và giải tỏa những lời cáo buộc, đó là đừng bao giờ kết thúc một ngày mà không xin lỗi, không làm hòa giữa vợ chồng với nhau, giữa cha mẹ và con cái, giữa anh chị em, giữa mẹ chồng và nàng dâu! Nếu chúng ta học cách xin lỗi và tha thứ ngay cho nhau, thì chúng ta chữa lành những vết thương và hôn nhân được củng cố, gia đình trở thành căn nhà vững chắc hơn, chống lại được những chấn động do những thói xấu lớn nhỏ của chúng ta gây ra”.

Đối với những người khác, Đức Thánh Cha Phanxicô nói : “Nếu chúng ta học cách sống như thế trong gia đình, thì chúng ta cũng làm như vậy ở bên ngoài, bất kỳ nơi nào chúng ta sống. Nghi ngờ về điều này là điều dễ dàng. Nhiều người, kể cả các tín hữu Kitô nghĩ rằng đó là một điều thái quá. Họ nói: nói thì dễ, thì đẹp, nhưng không thể thực hành được. Nhưng cám ơn Chúa, không phải như vậy. Thực thế, chính khi lãnh nhận ơn tha thứ từ Chúa, mà chúng ta có khả năng tha thứ cho người khác. Vì thế, Chúa Giêsu đã yêu cầu lập lại những lời này mỗi khi chúng ta đọc kinh Lạy Cha, nghĩa là mỗi ngày. Và điều không thể thiếu được, đó là một xã hội nhiều khi tàn ác, có những nơi, như gia đình, trong đó chúng ta phải học tha thứ cho nhau”.

Chúa Nhật kính lòng thương xót Chúa hôm nay, mỗi người chúng ta hãy cảm nghiệm lòng thương xót tha thứ của Chúa. Qua Bí tích Giao hoà, biết bao lần Chúa đã tha thứ tội lỗi cho chúng ta. Từ đó, chúng ta đừng hẹp hòi khi cần phải tha thứ cho anh chị em mình. Bởi vì: Nếu chúng ta không tha thứ lỗi lầm cho người khác, thì Cha chúng ta trên trời cũng sẽ không tha thứ tội lỗi cho chúng ta” (x. Mt 6,15). Amen.

Lm. Anthony Trung Thành

 

 

 

 

Chúa nhật 2 Phục sinh 3-4-16

Lễ Chúa Tình Thương
Có một bà đạo đức ước ao biết loại linh hồn nào được Chúa chấp nhận nhất.  Chúa chiều cho bà một thị kiến.  Một buổi sáng đang dự lễ, sau khi truyền phép, bà thấy Chúa Giêsu Hài Nhi bước trên bàn thờ.  Rồi Chúa xuống khỏi bàn thờ đến chỗ ba nữ tu đang sốt sáng quì bên bàn thờ.  Chúa âu yếm nữ tu thứ nhất.  Bước tới nữ tu bên cạnh, nâng khăn lên, Chúa tát cho nữ tu một cái và tức giận bỏ đi; nhưng rồi trở lại thấy nữ tu đó đang khóc lóc . Chúa an ủi nữ tu bằng muôn ngàn quà tặng. Sau cùng Chúa đến với nữ tu thứ ba với vẻ mặt tức giận.  Chúa nắm tay lôi nữ tu này dậy rồi đẩy ra khỏi nhà thờ kèm theo nhiều cái tát thẳng tay.  Nhưng nữ tu này cứ bình thản tạ ơn Chúa. Chúa giải thích: “Con nên biết người đầu tiên còn yếu kém chập chững trong đàng nhân đức nên Ta phải củng cố và chiều chuộng để lôi kéo về Ta.  Người thứ hai tốt hơn tuy thế đôi khi cũng cần dịu ngọt thiêng liêng.  Người thứ ba vững vàng trong việc phụng sự Ta dù ngãng trở mấy, người này vẫn kiên trì.  Chị là người yêu dấu nhất của Ta.”
 
Chúa là Chúa thương xót.  Chúa xử với mỗi người một khác theo lòng nhân hậu Chúa.  Sau khi Chúa sống lại, Chúa Giêsu tỏ mình cho thánh nữ Madalena khác với cách Chúa tỏ cho người môn đệ Chúa yêu và còn khác xa cách tỏ cho Toma.  Các cách hiện ra, các “bằng chứng”, được thích ứng với từng người.  Chúa Giêsu chiều mỗi người.  Rồi người đưa mỗi người đến với đức tin ở trên các bằng chứng ấy.  Luôn luôn cần những bằng chứng, nhưng cũng phải luôn luôn vượt trên các bằng chứng.
 
Cách đi đến đức tin của Toma có thể là vòng vo nhưng Chúa cũng đưa  Toma đến đích là Chúa.  Tôi liên tưởng đến ngày nay nhiều người lái xe có cái máy chỉ đường GPS.  Tôi già rồi nên từ từ nghe cho tỉnh chỉ ít khi lạc.  Anh bạn tôi trẻ trung chạy nhanh nên nhiều khi đi ngoài lối máy chỉ và máy nhiều khi phải nói “recalculated” (đang xét lại lối đi).  Nhưng rồi ai cũng đến nơi dù có lạc lối chút ít.  Lòng Chúa thương quá bao la, vẫn kiên trì theo dõi ta dù nhiều lần ta lạc bước xa tình Chúa.  Ngài phải kêu gọi chỉ cách cho ta trở về qua phép giải tội.  Vâng phép giải tội là bí tích lòng thương xót Chúa!
 
Hôm nay, ngày lễ “Lòng Thương Xót Chúa” mà thánh giáo hoàng Gioan-Phaolo II đã thiết lập ngày 30-4-2000. Chúa tình thương với tay phải ban phép lành, tay trái chỉ ngực từ đó thoát ra các tia sáng trắng và đỏ, tượng trưng Bí tích Thánh Thể và Bí tích Rửa tội.  Chúa Giêsu là hiện thân Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Trong năm thương xót chúng ta hãy thưa: “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa!”  Chúng ta hãy trở thành hiện thân của Lòng Chúa thương xót qua lối sống hợp nhất, chia sẻ nâng đỡ nhau để “Thương Xót như Chúa Cha.”
Lm. Đỗ Bình Định, CMC

 

KẺ CÓ PHÚC  

Án mạng kinh hoàng của Đức Giêsu dường như còn bao trùm cả địa cầu. Đặc biệt là những tông đồ, những người thân cận với Ngài luôn phải lẩn trốn vì khiếp đảm sự lùng sục của người Do Thái. Giữa cơn hoảng loạn ấy, Đức Giêsu đã xuất hiện, Ngài hiện ra với thân xác phục sinh, trỗi dậy từ cõi chết. Ngài đã đến để trao bình an cho các tông đồ, sự bình an tâm hồn chứ không phải thân xác:“Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em. Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.” (Ga 20, 21) 

         Khi Thiên Chúa tạo dựng con người, Ngài đã thổi hơi trao ban cho họ sự sống. Giờ đây, khi dẫn họ bước vào sự sống mới, sự sống được cứu độ bằng giá máu của Đức Kytô, Ngài lại hà hơi thổi Thần Khí Ngài là sức mạnh Thánh Thần xuống trên nhân loại. Từ đây, triều đại Ngôi Ba Thiên Chúa được mở ra, khi Đức Kytô đã hoàn tất sứ mạng cứu chuộc, Thánh Thần Chúa tiếp tục thánh hóa và điều khiển Giáo hội cho tới thời viên mãn. 

         Mọi đau khổ đã qua đi, cái ách của tội cũng đã được Đức Giêsu tháo cởi, gánh trên vai mình mà chết thay cho nhân loại. Con người từ nay sẽ không còn lo sợ món nợ phản nghĩa với Thiên Chúa Cha, qua giao ước của vị tổ tông. Nhưng từ nay, Đức Giêsu đã đưa nhân loại vào một cuộc sống mới, sự sống của Chúa Thánh Thần, kiện toàn và làm cho Hội thánh ngày càng lan rộng và phát triển. 

         Sự kiện phục sinh là bằng chứng hùng hồn về quyền năng Thiên Chúa, Ngài đã toàn thắng tội lỗi và sự chết. Bóng tối của sự dữ đã bị đẩy lùi, ánh sáng phục sinh đã bùng lên, khơi dậy ngọn lửa đức tin trong lòng các tông đồ cũng như mọi tín hữu. Người ta đã tin vào một Thiên Chúa thật đã chết và đã sống lại. Người ta sẽ tin vào một con đường có sự sống vĩnh cửu, đó là con đường thờ phượng Thiên Chúa và yêu mến tha nhân. 

         Thế nhưng, niềm tin lại là một ân ban, không phải là thứ con người muốn là có thể thủ đắc. Hơn nữa, đây là niềm tin tín ngưỡng, niềm tin tôn giáo. Để có thể tin vào Đấng siêu việt mà nhân loại tôn thờ, đòi hỏi phải có được ân ban từ Ngài cùng với lòng đáp trả tự do, quảng đại của họ. Tin Thiên Chúa đã chết thì dễ, bởi chưng lịch sử đã đóng dấu. Tuy nhiên, tin Ngài đã sống lại và đang sống không đơn giản chút nào. Nhất là trong thời đại văn minh, tự do này, khi cuộc sống nhân loại đã được nâng cấp với vòng xoáy tiến bộ hiện đại vượt bậc. Con người thời đại là những cá thể tự tin vào bản thân và ưa chuộng tự do hưởng thụ cuộc sống. Người ta không còn muốn bước vào con đường khổ nạn, con đường thập giá hằng ngày, theo chân Chúa để cùng chịu khổ hình để được sống lại vinh quang. Người ta chỉ đi tìm vinh quang phục sinh, chứ không muốn đón nhận đau khổ thập giá. Thế nên, Thiên Chúa thời đại dường như đã chết. 

         Không chỉ riêng nhân loại, mà  ngay cả Tôma, vị tông đồ đượd diễm phúc kề cận hằng ngày bên Chúa, cùng ăn, cùng sống, cùng làm việc với Ngài… vẫn không thể tin và chấp nhận việc Ngài đã sống lại. Ông đòi hỏi được tận mắt chứng kiến, được sờ tận tay vào thân thể thực của Đức Giêsu, ông mới tin. Và Thiên Chúa đã cho ông được toại nguyện. Ông đã đặt tay vào tay Thầy, đã thọc tay vào cạnh sườn Thầy, và ông đã tin: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” (Ga 20, 28) 

         Niềm tin của Tôma, chính là kiểu mẫu, để rồi từ đây, tất cả những ai, khi hoài nghi ngờ vực vào sự hiện diện và quyền năng của Thiên Chúa mà tìm được ánh sáng đức tin của mình, thì đều trở thành kẻ có phúc “Phúc cho những ai không thấy mà tin.” (Ga 20, 29) 

         Thế giới không muốn trở thành kẻ có phúc. Nhân loại chối từ làm người diễm phúc. Thế nên, chẳng còn mấy ai tin vào Thiên Chúa. Họ đã bỏ quên cuộc tử nạn đau đớn cũng như sự sống lại vinh quang của Ngài. Phải chăng vì thực tế cuộc sống chỉ toàn là bất công, đắng cay và đau khổ. Con người phải đối diện với quá nhiều bóng tối và sự dữ, nỗi kinh hoàng thập giá đã che khuất ánh sáng phục sinh. Nhân loại chỉ nhớ đến những nỗi đắng cay khó nhọc như là thập giá nặng trịch lúc nào cũng đè trĩu đôi vai của họ, mà đánh mất niềm tin và hy vọng vào sự toàn thắng của Đức Kytô phục sinh. Tất cả cũng chỉ bởi vì niềm tin vào Thánh Thần Chúa, vào Giáo hội của Ngài bị tắt ngấm. Thế giới quên đi sự hiện diện của Chúa Thánh Thần cũng như triều đại của Ngài. Đức Kytô đã chết và đã sống lại, như thể khép lại vĩnh viễn về một thế giới thiên đàng mà Ngài đã rao truyền. Họ quên mất rằng, thế giới đó luôn có có thế gian này khi con người biết đón nhận thập giá bước vào vinh quang. 

         Lạy Chúa, Đức Giêsu đã sống lại, Ngài đã phục sinh vinh hiển và trao ban sứ mạng rao truyền sứ mạng loan báo Tin mừng cho nhân loại. Vậy mà bao nhiêu ngàn năm qua rồi kể từ cái chết đau thương ấy, thế giới vẫn không mấy người tin vào Thiên Chúa. Người thì bàng quan, kẻ thì khinh miệt, kẻ khác thì ngại phải bỏ mình, hy sinh… Tin vào Chúa phục sinh thì dễ nhưng bước theo Ngài khó quá. Đối diện với những thách đố cuộc sống, mới thấy bóng mờ thập giá con đã khiếp đảm, không chỉ cơm áo gạo tiền nhưng còn là bệnh tật, chết chóc, mất mát… Không có thập giá, làm sao có được vinh quang phục sinh? Nhưng có lẽ bóng thánh giá cuộc đời lớn quá, khiến con mờ mắt vì đau khổ, khiếp đảm. Xin giúp con trở thành kẻ có phúc, không phải vì may mắn, giàu có, sung túc, nhưng vì đã tin vào Thiên Chúa phục sinh và sống niềm tin phục sinh.

M. Hoàng Thị Thùy Trang.

 

BÌNH AN- chúa nhật 2 phục sinh, năm C

Ai cũng muốn bình an, nhưng dường như chẳng mấy ai muốn làm những gì để có bình an thật. Chúa đã sống lại và Ngài đem bình an thật cho các tông đồ và những môn đệ tin yêu Chúa. Bình an Ngài ban thì khác xa bình an thế gian ban phát cho nhau. Trong cuộc hành trình về Nhà Cha là quê Trời, có quá nhiều thách đố mà con người tự nhiên thì lại thật yếu đuối. Do đó chẳng mấy ai có bình an thật sự. Trong biến cố thê thảm nhất từ xưa đến nay vẫn là biến cố cuộc thương khó của Chúa. Tất cả mọi người đều hốt hoảng và bất an. Riêng có Mẹ Maria thì vẫn hoàn toàn an bình, dù lòng Mẹ đau như cắt. Gioan và Maria Mađaêna luôn kề cận bên Mẹ nên đỡ bất an hơn. Mẹ hoàn toàn bình an trong đau khổ vì lúc nào lòng Mẹ cũng có Chúa. Chúa đã phục sinh trong lòng Mẹ, trong trí Mẹ trước khi Ngài Phục Sinh hiện ra với Maria Mađalêna và các tông đồ. Thảo nào Mẹ được gọi là Nữ Vương Ban Sự Bình An.

Chúa thấu suốt lòng Mẹ và biết Mẹ luôn bình an, còn các tông đồ từ khi Ngài bị bắt và chết trên thánh giá, luôn bất an, hốt hoảng, hoang mang về cái chết nhục nhã của Ngài. Nên khi hiện ra sau khi sống lại như bài Phúc Âm hôm nay thuật lại, Chúa chúc bình an cho các ông là ơn các ông cần trong lúc này.

Trong việc đồng công với Chúa, Me luôn bình an, ngay cả trong cuộc thương khó, vì lòng Mẹ khiêm nhường sâu thẳm, trái tim Mẹ nhân từ thương xót, tâm hồn Mẹ luôn kiên nhẫn, Mẹ luôn lắng nghe Lời Chúa, và thi hành Lời Ngài. Đó là những căn bản để bình an Chúa luôn ở với Mẹ và lớn lên trong Mẹ, không chỉ trong đêm Phục Sinh nhưng trong cả đời Mẹ.

1/ Lòng Khiêm Nhường với Bình An

Đức Tổng Giám Mục Fulton Sheen, một nhà tu đức, tâm lý và thần học của Mỹ đã nói rằng, tất cả chiến tranh xảy ra trên trần gian này đều bắt nguồn từ những bất an trong lòng người. Vìï kiêu ngao thiên thần trở thành ma quỉ, bất mãn làm loạn và luôn gây chiến trong lòng con người, trong gia đình và nơi mọi tổ chức ngoài xã hội. Con người khiêm nhường như Mẹ thì luôn hướng mọi chú ý của mình vào việc làm vinh danh Chúa, và chẳng muốn gì ngoài Ngài là tất cả hy vọng của Mẹ. Vì khiêm nhường sâu thẳm trong lòng, Mẹ không hề lên án bất cứ một ai, không giận ghét ai, nhưng luôn yêu thương kể cả những người ghét Con Mẹ và giết Ngài cách dã man, Mẹ vẫn cùng với Chúa cầu nguyện và tha thứ cho họ. Hoa bình an luôn tươi nở và lớn lên trong Me.

2/ Tình Thương với Bình An.

Ơn bình an của Chúa ở trong những tâm hồn đầy tình thương xót. Tâm hồn thương xót là điều kiện để được Chúa ban cho hạnh phúc bình an như trong Tám Mối Phúc Thật Chúa nói đến trong Phúc Âm. Thánh Faustina vị tông đồ của tình thương Chúa, được Chúa luyện tâm hồn chị trở thành tâm hồn ngập tràn tình thương đối với tha nhân, nhất là những người có tội, nên tâm hồn chị lúc nào cũng chan chứa bình an. Chị nói: “Chúng ta hãy nên giống Chúa, tha thứ cho những người chung quanh chúng ta.” Chúa cũng nói với chị: “Con đừng đơn thân chiến đấu với cám dỗ và đối phó với các thử thách. Đừng đánh mất bình an, hãy sống trong sự hiện diện của Cha và hãy nài xin Mẹ Cha trợ giúp.” Đức Thánh Cha gọi Mẹ là Mẹ của Tình Thương nên Mẹ cũng là Mẹ của Bình An, là Nữ Vương Bình An. Những lúc tâm hồn chúng ta bất an bối rối đừng quên lời Chúa dậy chị Faustina: “Con hãy xin Mẹ Cha trợ giúp.”

3) Lòng Kiên Nhẫn và Bình An

Sống trong một thời đại luôn muốn mọi chuyện được giải quyết ngay tức khắc “instant solution” nên lòng người dễ trở thành thiếu kiên nhẫn đợi chờ. Thiếu kiên nhẫn đợi chờ thì cũng dễ phản ứng, bất mãn và mất bình an. Cầu nguyện là phải thấy có kết quả ngay. Nếu không là chán là nản và bỏ đạo. Mẹ là người luôn hiểu đường lối huấn luyện của Chúa. Gương Con Mẹ kiên nhẫn sống âm thần bên Mẹ 30 năm trời với bao nhiêu thách đố. Mẹ không thắc mắc chán nản, luôn hợp với Con Mẹ kiên nhẫn chờ đợi thời giờ của Chúa Cha. Mẹ cũng như Chúa Giêsu luôn chống chọi với thử thách khó khăn trong kiên nhẫn tín thác.

Trong biến cố Thương Khó Mẹ cũng chết trong tim trong lòng Mẹ vì người ta đối xử vô nhân đạo với Giêsu Con Mẹ. Dù Con Mẹ đã chết và đã mai táng trong mồ nhưng Mẹ vẫn âm thầm hy vọng trong kiên nhẫn chờ Ngài phục Sinh, nên Mẹ vẫn hy vọng trong bình an. Muốn hưởng bình an phục sinh với Mẹ chúng ta hãy sát cánh kiên nhẫn đồng hành với Mẹ vác thánh giá hằng ngày theo Chúa. Kiên nhẫn vác thánh giá với Me,ï Mẹ sẽ chia sẻ bình an của Chúa Phục Sinh cho ta. Đừng bao giờ bất mãn kéo lê thánh giá, tâm hồn sẽ mất bình an và quỉ ma sẽ nhẩy vào lừa lọc ta và dẫn ta vào những con đường đen tối bất an.

4) Lời Chúa là ánh sáng an bình.

Trong mọi hoàn cảnh và đặc biệt trong gian nan thử thách, Mẹ đọc và suy ngắm Lời Chúa. Lời Chúa luôn là ánh sáng soi dẫn Mẹ, nên Me thấy đường Mẹ đi và đi trong an bình. Truớc lời mời gọi của Chúa qua Sứ Thần để làm Mẹ Chúa Con, Mẹ thật bối rối, nhưng sau khi cầu nguyện Mẹ được ánh sáng của Lời Chúa hướng dẫn, Mẹ tin tưởng và bình an chấp nhận Thánh Ý Chúa. Tiếp tục cuộc hành trình với Con Mẹ tại nhà Nazareth và 3 năm truyền đạo Mẹ luôn lấy Lời Chúa làm ánh sáng soi đàng chỉ dẫn con đường Mẹ đi, nên Mẹ bình an và hạnh phúc. Trong cuộc thương khó và cái chết của Chúa Giêsu, tâm trí Mẹ luôn suy ngẫm những gì Chúa đã nói và những Lời đó đã soi sáng trong tâm trí Mẹ, nên Mẹ không thất vọng và hoang mang như các tông đồ và những người phụ nữ theo Chúa. Mẹ tin những gì Con Mẹ đã nói là đúng. Mẹ xác tin con Mẹ sẽ sống lại vinh quang nên Mẹ vẫn âm thầm chờ đợi giờ Con Mẹ phục sinh trong an bình mà không chút nghi nan.

5) Thực Hành Lời Chúa và Bình An

Cũng như Chúa Giêsu đã từng nói rằng, của Ngài ăn là làm theo ý Cha Ngài. Mẹ cũng thế, Lời Chúa là lẽ sống của Mẹ, là của ăn, là hy vọng và phấn khởi. Mẹ thi hành từng chấm từng nét Lời của Chúa. Mẹ ôm ấp cưu mang chính Ngôi Lời trong lòng Mẹ, nên bình an chan chứa trong tâm trí và trong đời Mẹ. Mẹ nhớ từng lời Con Mẹ đã dậy và áp dụng cặn kẽ mọi chi tiết. Mẹ hiểu và thi hành điều Chúa dậy về nguyện cầu, về bỏ mình hy sinh. Mẹ thấu triệt giới răn mới Chúa truyền. Mẹ áp dụng việc vác mọi thánh giá theo Chúa trên đường khổ nạn. Dù mệt mỏi nhưng Mẹ vẫn trung thành không bỏ cuộc. Do dó những lúc thách đố cam go nhất, các tông đồ lo sợ bỏ trốn, Mẹ vẫn trung kiên trong an bình theo sát gót Con Mẹ cho tới cùng. Mẹ thật là Nữõ Vương Bình An trong mọi biến cố, trong mọi nẻo đường, nhất là trong đêm Phục Sinh tâm hồn Mẹ ngập tràn hạnh phúc bình an khi thấy Con Mẹ Phục Sinh khoải hòan như Mẹ hằng tin tưởng và hy vọng.

Lời nguyện: Lạy Mẹ dấu yêu, chúng con đã cùng Giáo Hội hân hoan cử hành cuộc Thương Khó, sựï chết và Phục Sinh của Chúa Giêsu Con Mẹ. Chúng con đã được hưởng ơn bình an của Chúa Phục Sinh. Xin Mẹ giúp chúng con biết noi gương Mẹ luôn biết giữ ơn bình an trong tâm hồn và trong gia đình chúng con. Xin Mẹ giúp chúng con luôn khiêm tồn, kiên nhẫn, xót thương, biết lắng nghe và thi hành Lời Chúa để bình an luôn ở với chúng con, không phải chỉ trong những ngày mừng Phục Sinh của Chúa, nhưng mọi ngày trong đời chúng con, đặc biệt trong những lúc gặp khổ đau và thánh gía. Amen.

L.m. Joemarie Hoàng, CMC

LẠY CHÚA LÀ THIÊN CHÚA CỦA CON

CHÚA NHẬT 2 PHỤC SINH, NĂM C

Trong tạp chí Guidepots, bác sĩ Scott Harrison, một chuyên viên phẫu thuật bàn tay có viết rằng: lần nào giải phẫu ông cũng đều kêu lên vào một lúc nào đó: “Lạy Chúa là Thiên Chúa của con!”.  Ông có thói quen lạ lùng nầy từ hồi ông còn ở Việt Nam.  Một đêm nọ, vừa mới rời trường Y, ông được kêu đi gắp một viên đạn bị kẹt trong tay một người lính.  Đã vậy, ông còn phải giải phẫu dưới ánh sáng của ngọn đèn pin.  Cuộc giải phẫu ấy khiến ông cảm xúc sâu xa đến nỗi sau khi cuộc chiến kết thúc, ông đã quyết định đi chuyên ngành giải phẫu bàn tay.  Nhờ đi sâu vào lãnh vực chuyên môn nầy, ông đã thẩm định được cách sâu sắc cơn đau khủng khiếp do một vật gây ra, chẳng hạn như một viên đạn, khi vật ấy xuyên thủng lớp xương, lớp gân và những sợi dây thần kinh nơi bàn tay con người.  Nhà phẫu thuật ấy kể rằng ông thường giật thót người mỗi lần nghĩ đến cơn đau kinh khiếp Chúa Giêsu phải chịu khi đôi tay Ngài bị đóng đinh vào thập giá.

Khi chia sẻ bài Tin Mừng hôm nay, ông nói rằng theo ông, tiếng kêu “lạy Chúa là Thiên Chúa của con” của Thánh Tôma không chỉ là một lời tuyên xưng đức tin, mà còn là tiếng kêu đầy rung động khi vị tông đồ nhìn thấy dấu vết của đôi bàn tay bị xé toạc ra của Chúa Giêsu.  Chỉ đến lúc đó, Tôma mới hoàn toàn nhận thức được cơn đau đớn Chúa Giêsu đã phải chịu trên thập giá.  Theo nhận định của nhà phẫu thuật, khám phá nầy hầu như vượt quá mức chịu đựng của Tôma.  Và ông đã kết thúc bản văn đầy cảm động đó với lời chứng sau đây: “Mỗi lần giải phẫu mà nhìn phía dưới làn da của bàn tay con người, tôi luôn nhớ tới Chúa Kitô đã hy sinh đôi tay toàn hảo của Ngài cho tôi, và cũng như Tôma, tôi thốt lên: “Lạy Chúa là Thiên Chúa của con”.

********************************************

Câu chuyện trên làm nổi bật một điểm thuộc về đức tin mà chúng ta rất thường hay quên.  Đó là mỗi người chúng ta phải tiếp xúc trực tiếp với Chúa Giêsu qua đức tin.  Không phải vì cha mẹ, họ hàng, bạn hữu chúng ta tin nên chúng ta tin theo.  Đức tin của họ giúp ích cho chúng ta rất nhiều, nhưng chỉ như thế mà thôi thì chưa đủ.  Chúng ta phải tiếp xúc trực tiếp bằng đức tin với Chúa Giêsu giống như nhà phẫu thuật trong câu chuyện, hoặc giống như Thánh Tôma trong Tin Mừng hôm nay.  Ông nghĩ mình có quyền được xem thấy Chúa sống lại như các anh em khác.  Các tông đồ kia lúc đầu cũng chẳng ai tin Chúa đã sống lại.  Các ông chỉ tin sau khi được tiếp cận với Chúa Giêsu, được sờ đến thân xác Ngài, được ăn uống với Ngài.  Vì thế, Tôma thấy mình thiệt thòi và thua kém.  Cho nên ông cương quyết không chịu tin lời anh em kể lại và ông đòi phải được sờ vào những dấu đinh ở tay Ngài.

Ông Robert Cleath, một tác giả viết sách đã trở lại với đức tin khi ông suy niệm về sự biến đổi kỳ diệu đã đến với các môn đệ Chúa Giêsu vào dịp lễ Phục Sinh.  Trước biến cố nầy, họ là đám người thất vọng thảm bại, thế mà sau biến cố nầy, họ đã được biến đổi kỳ diệu và còn có năng lực làm phép lạ nữa.  Ông nói: “Không có cách giải thích nào hữu lý về sự biến đổi của họ hơn là sự giải thích của chính họ: đó là vì họ đã nhìn thấy Chúa Giêsu hiện đang sống”.

Blaise Pascal, nhà thiên tài toán học, được hấp dẫn đến với đức tin khi ông suy niệm về sự kiện, không có sự đe dọa giết chóc nào có thể ngăn cản các môn đệ Chúa Giêsu nói thật to cho thế giới biết rằng, Chúa đã sống lại.  Pascal nói ông tin chắc chắn vào kẻ nào dám sẵn sàng chịu “chém đầu” vì lời rao giảng của mình.

Trong cuốn sách mang tựa đề “Ngang qua thung lũng sông Kwai”, Ernest Gordon đã kể lại câu chuyện hai ngàn tù binh đã bị chết vì bệnh tật và vì bị đối xử tàn tệ.  Thế nhưng, họ được lôi cuốn đến với đức tin qua cảm nghiệm riêng tư về quyền năng Chúa Giêsu đang hoạt động trong cuộc sống của họ.  Chúng ta hãy nhớ lại những tù binh nầy từng lao động đầu trần chân đất dưới cơn nóng cháy da miền nhiệt đới.  Trong chỉ vài tuần lễ, từ những người đàn ông lực lưỡng, họ đã biến thành những bộ xương biết đi.  Tinh thần họ bị xuống đến mức tệ nhất.  Người ta lo sợ sắp có điều gì xảy ra.  Thế nhưng vào ngay thời điểm ấy, hai tù nhân đã đứng lên tổ chức nhóm tù còn lại thành những nhóm tìm hiểu Kinh Thánh.  Nhờ suy tư tìm hiểu Kinh Thánh, các tù nhân đã học biết rằng Chúa Giêsu Phục Sinh đang ở giữa họ.  Họ chỉ việc tiếp xúc với Ngài.  Và sau khi tiếp xúc với Ngài, các tù nhân đã được biến đổi kỳ diệu trong cuộc sống từng người.  Chính cảm nghiệm thiêng liêng nầy khiến họ quỳ gối xuống thưa Chúa Giêsu “Lạy Chúa là Thiên Chúa của con”.

Chúng ta cũng phải biểu lộ niềm tin trực tiếp vào Chúa Giêsu như thế.  Chúng ta cũng phải tìm được lý do riêng tư thôi thúc chúng ta quỳ gối xuống thưa với Chúa Giêsu: “Lạy Chúa là Thiên Chúa của con!”.  Dĩ nhiên chúng ta không thể leo lên cỗ máy thời gian, bay ngược dòng lịch sử cách đây hơn 2000 năm để dự lễ Phục Sinh đầu tiên.  Chúng ta cũng không thể đặt ngón tay vào lỗ đinh nơi tay Chúa Giêsu giống như Thánh Tôma.  Vậy thì chúng ta có thể làm gì?

Chúng ta có thể làm như những tù nhân ở bờ sông Kwai.  Chúng ta có thể tin vào Tin Mừng, có thể tiếp xúc với Chúa Giêsu bằng đức tin, có thể cảm nghiệm được Chúa Giêsu Phục sinh đang ngự giữa chúng ta: Ngài sẵn sàng giúp đỡ chúng ta như Ngài từng giúp đỡ đám tù binh nọ.  Đây là lời mời gọi mà Tin Mừng hôm nay dành cho chúng ta.  Đây là lời mời gọi Chúa Giêsu ngỏ với chúng ta như Ngài nói với Thánh Tôma: “Tôma, vì con đã thấy nên con mới tin, nhưng phúc cho kẻ nào không thấy mà tin”.

Khi Chúa Giêsu nói với Thánh Tôma: “Phúc cho ai không thấy mà tin” là Ngài đang ngỏ lời với chính chúng ta, cũng như với triệu triệu Kitô hữu trong suốt dòng lịch sử.  Phúc cho chúng ta nếu chúng ta tin vào Tin Mừng.  Phúc cho chúng ta nếu chúng ta tiếp xúc với Chúa Giêsu bằng đức tin.  Thật vậy, phúc cho chúng ta, vì cũng như các tù binh nọ, chúng ta sẽ khám phá được Chúa Giêsu đã sống lại, và hiện đang sống ngay lúc nầy đây giữa chúng ta, và luôn sẵn sàng giúp đỡ chúng ta.

Cuối cùng, đức tin còn phải được nuôi dưỡng bằng những dấu hiệu, dấu chỉ.  Không có các bí tích, không có Thánh Thể, chúng ta sẽ tìm đâu ra cơ hội để gặp thấy sự hiện diện của Đức Kitô Phục Sinh? Một khi đức tin của chúng ta đã được các dấu hiệu, các bí tích nầy thức tỉnh rồi, thì mọi sự sẽ có thể trở thành dấu hiệu về sự hiện diện của Chúa Kitô: các biến cố, các hoàn cảnh, tha nhân…  Mỗi giây phút đưa chúng ta đến với một cuộc gặp gỡ và chúng ta lại có thể tuyên xưng như Thánh Tôma tông đồ: “Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con”.

Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’

 

<tiểu mục <trang nhà

 

 
     

Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)