dongcong.net
 
   
 
 
 
 

 

 
Suy Niệm Lời Chúa Năm C
 
 
L.m. Joemarie Hoàng, CMC
 
<<<    

Chúa Đó

Những gì xảy ra trong cuộc thương khó và nhất là cái chết của Chúa, vẫn làm các tông đồ hoang mang chán nản. Khi Chúa đã phục sinh và hiện ra với các ngài, các ngài cũng chưa hẳn là tin, nên cuộc sống của các ngài vẫn nặng nề và trống vắng. Trên thánh giá, trước khi chết, chắc chắn Chúa đã thấy rõ cái tình trạng chán nản, lo sợ và hoang mang của các tông đồ. Ngài chính thức và công khai đặt để Mẹ là người mang nhiệm vụ huấn luyện chăm sóc các tông đồ và Giáo Hội Ngài thành lập. Ngài cần Mẹ cùng đồng công chịu khổ với Ngài trong cuộc thương khó thì giờ đây, trong khi Ngài đã sống lại, Ngài cũng rất cần Mẹ dùng đức tin sáng chói của Mẹ để cùng với Ngài củng cố đức tin non nớt của các tông đồ, và luyện các ông thành những chứng nhân cho Chúa Phục Sinh.

1/ Chúa hiện diện trong công việc nhỏ mọn hằng ngày.

30 năm đồng hành với Con Mẹ là Giêsu trong chương trình cứu rỗi nhân lọai, khi Ngài sinh ra trong khó nghèo và quên lãng, khi bị lùng giết vì ghen ghét, khi Ngài được dâng hiến trong Đền Thờ, khi Ngài âm thầm vâng lời Mẹ và Thánh Giuse chu toàn mọi công việc thường nhật, Mẹ đã có nhiều kinh nghiệm sống với ngài trong nếp sống bình thường nơi xưởng thợ Nazareth. Mẹ học biết tinh thần kết hợp của Ngài với Chúa Cha và Thánh Thần trong mọi nơi và mọi lúc.

Mẹ nhận ra tình Chúa trong mọi công việc hằng ngày. Mẹ không để ý tới công việc cho bằng quan tâm tới chính Con Người Giêsu. Mẹ quan sát, lắng nghe, học hỏi từng cử chỉ và hành động thường nhật của Chúa. Mẹ tin tưởng và yêu mến Ngài. Nhờ đó Mẹ rất nhậy cảm về cuộc sống tuy rất trầm lặng nhưng đầy linh thiêng nhiệm mầu từ nơi Chúa. Gioan, người tông đồ được Chúa yêu và trối lại đặc biệt cho Mẹ dậy dỗ săn sóc nên Gioan cũng học từ Mẹ cái nhậy cảm về Chúa và tình Ngài.

Bài Phúc Âm Chúa Nhật thứ 3 Phục Sinh hôm nay tảû lại việc các tông đồ trở về với công việc thường nhật là nghề đánh cá. Trong lúc thất bại uổng công đi về tay không, Chúa hiện đến với các ngài để an ủi và giúp đỡ. Nhưng Phêrô cũng như các vị khác không nhận ra Chúa. Riêng Gioan, vị tồng đồ luôn đồng hành với Mẹ từ khi được Chúa trao phó cho Mẹ săn sóc, nên được Mẹ chia sẻ những tâm tình về Chúa hơn các tông đồ khác. Nhờ đó sáng nay khi Chúa hiện ra với các tông đồ, Gioan đã nhận ra Chúa và nói cho Phêrô biết rằng người mà đang nói với Phêrô là chính “Chúa đó”.

2/ Cách Nhận Ra Sự Hiện Diện Của Chúa

Chúa dựng nên ta để ta biết Chúa, yêu và phục vụ Ngài trong đời ta và ta vui hưởng sự hiện diện của Ngài ngay trong những nẻo đường ta đi và mọi công việc ta làm. Cũng như Phêrô và các tông đồ mỏi mệt vì công việc sinh sống hằng ngày, Chúa vẫn đồng hành với họ để yêu thương và chúc lành. Nhưng điều quan trọng là làm sao ta nhận ra sự hiện diện của Ngài như Gioan đã nhận ra Ngài và đã vui hưởng sự hiện diện của Ngài.

Ngay sau khi chu toàn việc mai táng Chúa, Gioan theo sát bên Mẹ. Do đó ngay trong cái giây phút tăm tối nhất, Chúa đã chết và nằm yên trong mồ, ai cũng hoang mang hốt hoảng và chán nản ê chề, thì Gioan đã âm thầm khám phá ra niềm vui lớn đang chan hòa trong lòng Mẹï lúc này. Chắc chắn Gioan được Mẹ dẫn giắt đồng hành với Mẹ, quên đi những u buồn đen tối của cuộc Tử Nạn, mà hướng lòng vào niềm vui lớn đang đến mà lòng Mẹ đang rộn ràng phấn khởi mong chờ. Đó là Con Mẹ sẽ sống lại như Lời Ngài đã phán. Tâm hồn Mẹ rộn ràng rạo rực niềm hy vọng mừng vui.

Qua sóng gío, vất vả và đau thương cùng khốn trong suốt cuộc thương khó, Mẹ đồng hành sát bên Con Mẹ, lòng Mẹ như chết với Ngài. Nhưng giờ này, giờ đang sửa soạn mừng Con sống lại, những thương đau đó biến thành niềm vui khôn tả. Không ai trên đời có được niềm vui đó cho bằng Mẹ. Không ngôn ngữ nào trên đời diễn tả được nỗi vui lớn lao đang dạt dào trong lòng Mẹ khi Con sống lại.

Mẹ đang chia sẻ cho Gioan và dẫn Gioan vào những phút giây ngây ngất của nhiệm mầu phục sinh. Mẹ dậy Gioan đừng nghĩ gì khác ngòai việc hợp với Mẹ nắm lấy những Lời Chúa đã nói, để cầu nguyện, để suy ngắm, để hy vọng. Đừng để ma quỉ và những dư luận bàn tán xôn xao làm phân tán tâm trí Goan. Đừng dán mắt vào tảng đá lớn chắn mồ, đừng nhìn vài anh lính quèn canh mồ mà sợ hãi. Hãy đặt trong tâm vào Lời Ngài mà sống đời suy ngắm cầu nguyện rồi phó thác đợi chờ giờ Phục Sinh.

Đó là lý do, khi chạy ra mồ vào sáng sớm ngày Thứ Nhất trong tuần, Gioan đã thấy và đã tin Ngài Sống Lại, vì Gioan đã được Mẹ sửa soạn cái tinh thần tìm Chúa và nhận ra Ngài khi Ngài đến với ta khi Ngài Sống Lại. Các tông đồ và môn đệ khác xa Mẹ nên không có cái cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa trong cuộc sống và niềm vui hưởng mầu nhiệm Phục Sinh sớm như Gioan.

Lạy Mẹ, con có tên trong danh sách Chúa đã ghi để làm con Mẹ. Xin Mẹ tha lỗi những tháng ngày con quên Mẹ. Xin Mẹ dậy con biết cách nhận ra Chúa trong đời con, đặc biệt trong những lúc gian nan sầu khổ. Con xin Mẹ dậy con biết tin vào Lời Chúa, sốt sắng suy ngắm và tin tưởng Lời Ngài như Me, để Lời Chúa là ánh sáng luôn soi dẫn đời con đến hy vọng và hạnh phúc thật. Con thathiết xin Mẹ dậy con biết cách vui hưởng cuộc sống bằng luôn ở bên Mẹ để Mẹ giúp con biết lăn những hòn đá chắn mồ Chúa là những khó khăn và cám dỗ trong đời, để con luôn thấy Chúa là tất cả niềm vui và hạnh phúc đời con. Amen.

Can Đảm hay Thất Đảm?
by Br. Tri Kỷ, CMC

Sự bình an và niềm hoan lạc của Chúa Phục sinh, không chỉ là lời phấn khích sự sợ hãi và ngờ vực của các tông đồ mỗi lần Chúa hiện đến, nhưng là một tặng ân Chúa trao ban, để các tông đồ có năng lực mang nguồn an bình cho mọi dân, mọi nước. Dầu vậy, các tông đồ có lẽ hiểu sai món quà vô giá này, nên tạm “an tâm” rời khỏi ngôi nhà mà trước đây luôn “đóng kín vì sợ”, đồng thời tìm lại sự “an bình trên sóng nước” với nghề nghiệp trước đây. Thái độ trên có lẽ phù hợp với quan niệm thông thường bình an là: an vui trong cơ ngơi sẵn có, không gây hấn với ai, cũng như không ai “sinh sự” đến tôi… Vậy thì lúc thất bại trên đường đời, bị một ai sỉ nhục ta vô căn cớ hay làm tổn thương danh dự ta, lúc đó chỉ còn bất an hay sao? Hơn nữa, ta đang sống trong một thế giới đầy những hận thù, bất công, khủng bố…chúng ta có dễ dàng tìm được sự bình an nội tâm không?

Báo Trái Tim Đức Mẹ tháng này có đăng một mẩu tin thật thương tâm nhưng thật đáng ca ngợi. Một chị trong nhóm nữ tu người Tây Ban Nha và Brazil, chị Doraci Edinger 53 tuổi, đã bị sát hại tại gia đình, sau khi can đảm tố giác hệ thống buôn bán cơ phận trẻ em tại Mozambique. Họ cho rằng số 80 trẻ em vùng này mất tích là do bọn bất lương sát hại để lấy các cơ phận. Chị đã trả một giá thật đắt vì chân lý! Động lực nào khiến nhóm nữ tu này bất chấp những nguy hiểm đến tính mạng để bảo vệ quyền lợi kẻ khác? Các chị đã dâng hiến đời mình cho Đấng mệnh danh là “Vua An Bình”, nên cũng muốn chia sẻ cho người khác nguồn an bình đích thực để rồi được yên nghỉ an lành trong tay Người.

Lời Chúa trong bài đọc một tả lại một sự việc lạ kỳ: “Các tông đồ đầy hân hoan (full of joy) vì thấy mình đáng chịu sỉ nhục vì danh Chúa.” Sự yếu bóng vía khi trước biến đổi bằng sự hiên ngang trước mặt các “vị vọng”, những vị đã một lần tuyên án tử cho Thầy mình, xác quyết rõ ràng rằng: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người ta.” Một trong bảy ơn ta có thể nhận ra, mà các tông đồ xác tín là do Thánh Thần Thiên Chúa ban cho những kẻ vâng phục Người, là ơn can đảm. Nhờ ơn này, các ngài đã bất kể đến tính mạng, một lòng dấn thân làm chứng, loan truyền, ngợi khen Đấng đã chết và đã sống lại vì mọi người. Thật vậy, danh Chúa thật đáng mọi loài, mọi vật vang lời chúc tụng đến muôn đời qua sách khải huyền trong bài đọc hai hôm nay.

Nhưng để trao ban nhiệt huyết và hăm hở mở nước Chúa, các tông đồ cần trải qua kinh nghiệm đường đời. Lời Chúa qua Thánh sử Gioan, người được Chúa yêu, đã minh chứng lời mình là xác thật, mà sự thật đó là các Tông đồ có vẻ buông xuôi và thất vọng, hay nói đúng hơn là chưa cảm nghiệm việc Chúa Phục Sinh mang lại sức sống mới cho mình. Vì thế, các ngài cậy dựa vào khả năng sẵn có, qua việc tìm lại “an bình trên sóng nước”, vất vả suốt đêm mà tay trắng vẫn trắng tay. Ước vọng “an bình” các ngài mong đợi thật bấp bênh không khác gì con thuyền tròng trành (unbalanced) trên biển cả mênh mông. Nhưng khi Chúa hiện đến thì mọi sự biến đổi, không những các Tông đồ được một mẻ cá đến nỗi lưới gần rách, mà còn có sẵn than lửa, bánh, cá để sưởi ấm và nâng đỡ nhọc nhằn suốt đêm của các Ngài. Chúa Giêsu lúc này hé mở cho các Tông đồ một ước vọng là chỉ cần lắng nghe và đáp lại lời Ngài mời gọi, còn mọi sự khác đã có “giờ” của chúng.

Trong mùa Chúa Phục Sinh này, một trong những ơn Chúa Thánh Thần chúng ta cần xin cho mình, mà Chúa Giêsu đã hứa ban trước khi Ngài hiến tế mình, là ơn can đảm. Với ơn này, ta dám gạt bỏ những sợ hãi, lo âu…nhất là sợ nghe tiếng Chúa sẽ phải thay đổi cuộc đời mình, sợ bị chê là dại khi không biết “mánh” làm ăn gian lận, hay tránh những việc lành mà đức ái đòi buộc, chỉ vì sợ phiền hà cho công ăn việc làm, tương lai, thời giờ… Thay vào đó, dám đối diện và vạch mặt sự dữ, can đảm làm chứng cho Đấng đã chết và đã sống lại qua các hành vi đức tin trong đời sống thường ngày, dù phải trả giá nào đi nữa lòng vẫn luôn “đầy hân hoan” như các tông đồ xưa, bởi vì Chúa sống lại làm cho “sự chết” hằng ngày nơi thân xác ta hưởng trọn nguồn hoan lạc trường cửu trên nước Chúa. Ta có tin không? Nếu có, thì sự an bình nội tâm của ta không khác gì sự phẳng lặng của lòng biển, dù trên mặt đang sóng gió bão bùng.

"KHÔNG THÀY ĐỐ MÀY LÀM NÊN"
by Br. Qu
ốc Toản, CMC

"Không thày đố mày làm nên". Câu tục ngữ này thường được các thầy cô dạy các em trong những lớp Việt văn để nói lên sự cần thiết của người hướng dẫn trong cuộc sống của từng người. Trong khóa học trước một lần sau khi đánh bài xong và chuẩn bị in ra để nộp thì tự nhiên bài biến mất khỏi màn ảnh vi tính. Không biết tôi đã bấm nút gì nhưng loay hoay một hồi không thể lấy bài lại được đành phải nhờ đến một Thầy "chuyên trị" vi tính. Thầy ấy chỉ cho tôi vài chiêu là lấy lại được bài. Thật, "không thày đố mày làm nên"

Nhìn vào cuộc sống ta sẽ nhận rằng những kiến thức và những tài nằng ta có đều do người khác truyền lại hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp. Trong đàng thiêng liêng cũng thế, nếu không có Chúa làm Thầy hướng dẫn và chỉ lối chúng ta cũng không thể làm được gì!

Lược qua Kinh Thánh ta sẽ thấy Thiên Chúa là Thầy chỉ dẫn nhân loại. Trong thời Cựu Ước mọi biến cố trong lịch sử dân Do-thái đều có bàn tay Thiên Chúa chỉ dẫn. Qua Tân Ước Chúa Giêsu nhập thể để chỉ cho nhân loại con đường trở về với Thiên Chúa. Ngài đã chỉ dạy con người nhiều điều trong lãnh vực tự nhiên cũng như siêu nhiên.

Trong Tin mừng hôm nay thánh ký Gioan nêu lại việc Chúa Giêsu chỉ dạy các tông đồ cũng như chúng ta trong hai lãnh vực. Trước hết về phần tự nhiên Chúa Giêsu đã chỉ dẫn các tông đồ về cách thức đánh cá. Các tông đồ làm theo lời chỉ dẫn của Chúa và đã bắt được rất nhiều cá. Về phần thiêng liêng Chúa Giêsu đã chỉ cho Thánh Phêrô cách chăn dắt đoàn chiên của Ngài như thế nào. Đó là trước hết phải có lòng yêu mến Chúa Giêsu cách tha thiết và sau đó mới có nghị lực để chăn dắt đoàn chiên (x. Gio 21:15-17). Các tông đồ đã nhận ra sự chỉ dẫn của Thầy Giêsu rất cần trong cuộc sống qua lời của Phêrô, "Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có lời đem lại sự sống đời đời" (Gio 6:68). Hơn nữa chính Chúa Giêsu đã phán, "Không có Thầy, các con không thể làm được gì" (Gio 15:15b).

Trong cuộc sống, để có công ăn việc làm tốt, để có một cuộc sống sung túc ta cần phải thụ huấn nơi nhiều người. Để được thành công trong việc làm ăn ta cũng cần phải có người lót đường chỉ lối. Trong đàng thiêng liêng cũng thế, nếu có Chúa cùng đồng hành và chỉ dạy ta có thể giải quyết được những khó khăn trong gia đình, trong Giáo Xứ, trong xã hôi, hay trong xưởng làm v.v.

Nhưng nhìn vào thực tế thì ta thấy chính mình cũng như nhiều người khác vẫn còn làm ăn lật đật, cuộc sống túng thiếu, gia đình lộn xộn, và xã hội vẫn còn những hành động xấu xa đồi bại... Tại sao? Phải chăng chúng ta còn quá tự kiêu tự đại, không chịu hạ mình để nhận lấy sự giúp đỡ của kẻ khác? Phải chăng ta còn cậy dựa vào sức lực và tài năng của mình thay vì mời Chúa vào trong cuộc sống và nhận Ngài làm Thầy hướng dẫn và giúp giải quyết những vấn đề khó khăn? Mỗi người hãy tự xét mình.

Để có bài nộp cho giáo sư tôi phải đích thân xin Thầy chuyên môn về vi tính chỉ cách lấy lại bài đã mất. Để bắt được mẻ cá lớn Thánh Phêrô và các tông đồ đã vâng lời Chúa và thả lưới bên phải (x. Gio 21:4-8). Vậy, nếu muốn được thành công trong sự đời cần phải hạ mình học hỏi nơi người khác; nếu muốn được một cuộc sống hạnh phúc cũng như có khả năng giải quyết hoặc chịu đựng những khó khăn trong cuộc sống hằng ngày cần phải nhận Chúa làm Thầy chỉ dẫn. Hãy nhớ rằng, "Không thày đố mày làm nên" và nhất là lời Chúa Giêsu, "Không có Thầy, các con không thể làm được gì" (Gio 15:5b).

 

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA III PHỤC SINH ( C ) 2016 ( Ga 21 , 1-19)

 DẤU CHỈ BẺ BÁNH ! 

Dù đã tỏ mình ra cho các môn đệ hai lần , sau khi Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại, nhưng, khi hiện đến với các môn đệ lần thứ III, Chúa Giêsu cũng không được các ông nhận ra ngay, mà là sau khi nhận ra phép lạ và dấu chỉ bẻ bánh, các môn đệ mới nhận ra Thầy mình. 

Vâng, thưa quý vị, trên đây là ý nghĩa lần “tỏ mình” ra lần III cho các môn đệ của Người. Qủa thật, dù đã thấy Chúa hai lần sau khi Người Phục Sinh, nhưng, dường như các môn đệ chưa  có đủ can đảm, hay chưa phát huy hết tác dụng của Thánh Thần. Dù Thầy mình đã hiện đến hai lần, ban ơn bình an, ban Thánh Thần, xác định sự phục sinh của Người, nhưng dường như các môn đệ chưa đón nhận trọn vẹn, chưa phát huy hết công suất, niềm tin chưa sáng tỏ. 

Vâng, những yếu tố trên đây, cho thấy sự yếu hèn của phàm nhân và việc đón nhận ân sủng đức tin. Xác tín tính người yếu nhược của chúng ta, dù là kẻ theo Chúa Giêsu, nhưng, nếu thiếu ơn của Người, thì chúng ta không thể làm được việc gì. 

Khởi đi từ đoạn Tin Mừng hôm nay ( Ga 21, 1-19), đây là chương cuối của Tin Mừng Gioan, phần IV là đoạn cuối của Tin Mừng Gioan. 

Bối cảnh hiện ra tại Biển Hồ Tiberia, nằm gần quê hương của Chúa Giêsu là Nazaret, biển hồ Tiberia nằm ngay trục lộ chính dẫn xuống Biển Chết, chạy dọc theo chiều dài lên Giêrusalem, nằm vỏn vẹn ở giữa vùng đất của dân cư. Gọi là biển hồ, bởi vì, rộng lớn hơn một cái hồ,đứng bờ bên nầy không nhìn thấy bờ bên kia, rộng lớn như một cái biển nhỏ, nhưng không phải là biển, vì nó được bao bọc bởi đất liền xung quanh. Điều nầy nói lên vị trí địa lý nơi phát xuất sự kiện Cứu Thế của Chúa Giêsu là những địa danh hoàn toàn được xác thực, không phải hư cấu. Những địa danh, địa lý, nơi chốn có trước Công Nguyên và vẫn tồn tại cho đến nay và mãi mãi.

 Như chúng ta biết, sau Phục Sinh, những bài đọc thứ I , II được đọc từ sách Công Vụ Tông Đồ… đến sách Khải Huyền.

 Sau biến cố Phục Sinh là một hành trình bắt đầu mở ra cho các Tông Đồ tiên khởi, một hành trình đầy cam go để làm chứng cho Tin Mừng Phục Sinh. Vâng, “Tông Đồ”  có nghĩa là “làm chứng” cho Tin Mừng Phục Sinh. Các môn đệ phải đi rao giảng Mầu Nhiệm Phục Sinh , sống cho Tin Mừng Phục Sinh, dù phải trả giá. Mầu Nhiệm Phục Sinh hoàn toàn đã xảy ra, một sự kiện đáng kinh ngạc và đáng tôn thờ, nhưng không phải mọi người, mọi thời đều “TIN”, dù ngay thời các tông đồ, và cho đến tận thế. Mầu Nhiệm Phục Sinh không đơn thuần là Lễ Phục Sinh được cử hành nhắc lại hằng năm, mà là một “Biến Cố” hằng hữu, mà mọi Kitô hữu phải có trách nhiệm rao tuyền “ơn Phục Sinh” của Chúa Giêsu trong suốt cuộc đời mình. Vì , Biến Cố Phục Sinh không đơn thuần là cho “người chết” sống lại, mà là phải sống lại thật về phần “linh hồn“. Sở dĩ, Biến Cố Phục Sinh bày tỏ sự sống lại phần nhân tính hữu hình của Chúa Giêsu là để cho phàm nhân nhận thấy rõ sự siêu nhiên vô hình nơi bản tính Thiên Chúa của Người.

 Ý nghĩa Đọan sách Khải Huyền hôm nay ( Kh 5, 11 – 14), cho chúng ta biết  Mầu Nhiệm Phục Sinh nơi Chúa Giêsu chính là dấu chỉ mà muôn tạo vật trên trời đưới đất phải tung hô và quy chiếu về Đấng Phục Sinh, bởi vì cuộc Tử Nạn của Người là một “MINH CHỨNG”  hiển trị.

 Đoạn Tin Mừng hôm nay ( Ga 21, 1 -19) tuy dài, nhưng là phần phụ lục, hay phụ trương , nói về việc Chúa Giêsu hiện ra lần III cho các Tông đồ, hầu củng cố đức tin cho các ông, qua phép lạ “mẻ lưới dầy cá” mà các ông không thể nào dánh bắt được, trong Tin Mừng có ghi rõ số lượng cá “Một trăm năm mươi ba” con, không phải là số lượng theo nghĩa đen mà là tất cả các loài cá có trong Biển Hồ, tức ơn cứu độ cho hết thảy muôn dân. Biển Hồ Tiberia còn cho thấy và làm chứng một cách cụ thể ( minh chứng) sự hiện diện của Chúa Giêsu cho dân tộc Dothai và cho nhân loại. Biển Hồ Tiberia còn cho biết là nơi sinh sống, nơi những cư dân trong vùng đánh bắt cá để sinh sống, trong đó có cá môn đệ của Chúa Giêsu.

 Tin Mừng hôm nay ( Ga 21, 1-19) có hai phần chính:

  Một là :  Chúa Giêsu hiện đến trong lúc các môn đệ chịu sự bất lực của phàm nhân. Nhắc nhở các ông nhớ đến Người qua dấu chỉ bẻ bánh. Phép lạ mẻ lưới đầy cá đã mở mắt các môn đệ nhận ra Thầy mình.

  • Hai là: Trao quyền sứ mạng cai quản hội thánh cho Phê-rô một môn đệ hèn yếu, chối Thầy ba lần, sự thương xót thứ tha của Chúa Giêsu đối với Phêrô là ba lần Người hỏi ông : “Con có yêu mến Thầy không?  “. Điều nầy dường như không có gì quan trọng trong việc hỏi đến ba lần, nhưng là để nhắc nhớ Phêrô đừng nói suông bằng miệng mà là bằng “Tâm hồn” của mình . Và cuối cùng, Chúa Giêsu tiên báo cuộc hiến tế của Phêrô, như dấu chỉ “bước theo” Thầy  mình., đồng thời, Người bảo : ” Hãy theo thầy”, vâng, đây là vinh dự của thánh Phêrô. 

Bài đọc thứ I hôm nay ( Cv 5, 27b -32 : 40b -41) cho thấy những sự bách hại đầu tiên sau Phục Sinh và các môn đệ phải làm chứng cho Thầy mình. Câu nói hay nhất của thánh Phêrô và các bạn là : “ Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời phàm nhân “. 

Lạy Thiên Chúa là Cha Hằng Hữu, Cha đã ban cho nhân loại Đức Giêsu Phục Sinh, là một trong muôn vàn kỳ công chói lọi của Thiên Chúa, trong đó có thụ tạo cao quý nhất đó là: Thiên thần và loài người cũng phải sấp mình tôn thờ Mầu Nhiệm Phục Sinh, vì đó là kỳ công chói lọi nhất mà Thiên Chúa đã tỏ bày cho nhân loại. Xin cho con người mọi thời, mọi nơi, mọi lúc biết nhận ra kỳ công Phục Sinh của Người mà tôn thờ cách đích thực trên mọi thứ quyền lợi trần tục./. Amen 

10/04/2016
P.Trần Đình Phan Tiến

 

CN 3 PHỤC SINH C
CÓ CHÚA THÀNH CÔNG (Ga 21, 1-19) 

Bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Gioan đã thuật lại cho chúng ta biết một lần nữa Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ ở biển Hồ Ti-bê-ri-a. Các môn đệ đã bỏ công việc Chúa trao để đi tìm của  cải thế gian (đánh cá) nên đã vấp phải thất bại vô cùng lớn lao, các ông vất vả suốt đêm mà không bắt được con cá nào. Khi Chúa hiện đến chỉ cho các ông cách phải làm, vâng lời Chúa các ông đã thành công rực rỡ, bắt được rất nhiều những cá lớn. 

Thánh Gioan nói rõ: “Đó là lần thứ ba Đức Giê-su tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi trỗi dậy từ cõi chết” (Ga 21, 14), đó là còn chưa kể những lần Chúa hiện ra với bà Maria Mac-đa-la; với hai môn đệ trên đường Em-mau… Chúa đã hiện ra với các môn đệ nhiều lần, nhưng các ông chưa vững tin vào Chúa, vẫn còn nghi ngờ quyền năng của Chúa, đức tin của các ông chưa đủ để dấn thân, chưa đủ can đảm chấp nhận một cuộc sống bấp bênh, một cuộc sống thử thách gian nan vì Chúa. Bởi các ông quá thất vọng sau về cái chết thảm hại của Thầy Chí Thánh. Vì các ông đã bỏ tất cả nghề nghiệp để đi theo Chúa, sống với Chúa và ấp ủ một tương lai huy hoàng, giấc mơ đó giờ đây tan theo mây khói. Quá thất vọng nên các ông rủ nhau đi đánh cá, Phêrô đề nghị trước rồi các môn đệ khác cũng hưởng ứng. Các ông trở lại với nghề xưa, chốn cũ để cuộc sống được đảm bảo, vì đa số các ông làm nghề đánh cá, là những ngư phủ rất hiểu về sông nước, là những người chài lưới chuyên nghiệp, với kinh nghiệm lâu năm trong nghề, như vậy phần thành công nắm chắc trong tay. Nên các ông đã quyết định ra đi. Nhưng ngay đêm đầu tiên ra quân các ông đã nếm phải thất bại ê chề, một sự thất bại mà trong đời các ông chưa bao giờ gặp phải “đêm ấy họ không bắt được gì cả” (Ga 21, 3). Họ đã vất vả thức suốt đêm mà phải chịu trắng tay, thấy mệt mỏi chán trường vì đã ba năm theo Chúa, nay Chúa bị bắt, bị giết chết, mọi hy vọng đều tiêu tan, mệt mỏi vì bị rình rập bắt bớ, mệt mỏi vì nay trở về nghề chính, với sở trường của mình mà không bắt nổi lấy một con cá, mệt mỏi đến hoa cả mắt, Chúa đã hiện đến bên các ông mà các ông cũng chẳng nhận ra, mệt mỏi đến nỗi Chúa hỏi các ông cũng chẳng muốn trả lời “Này các chú, không có gì ăn ư?” (Ga 21, 5a), các ông đã trả lời bằng một câu đầy thất vọng, cộc lốc: “Thưa không” (Ga 21, 5b). 

Chúng ta cùng tìm hiểu tại sao các ông là những người đánh cá lành nghề mà phải chịu thất bại, chịu trắng tay như vậy? Thưa vì Chúa gọi các ông theo Chúa và các ông đã đổi nghề từ lưới cá sang lưới người "Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá." (Mt 4, 19). Đáng lẽ các ông phải tiếp tục cái nghề mà Chúa đã dạy các ông để đưa các linh hồn về với Chúa, làm cho nước Chúa mau trị đến. Các ông thất bại là vì các ông bỏ Chúa để đi tìm lợi lộc thế gian, các ông không hiểu rằng không có ơn Chúa con người chẳng làm được việc gì, như lời Chúa phán: “Vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15, 5). 

Trong lúc các môn đệ tuyệt vọng, mệt mỏi chán trường, thì có Chúa hiện diện giữa các ông, Chúa can thiệp đúng lúc. Chúa bảo: "Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá" (Ga 21, 6). Các ông đã nghe thả lưới xuống và bắt được rất nhiều cá, thấy sự lạ như vậy Gioan mới nhận ra Chúa và nói với Phêrô: “Chúa đó” (Ga 21, 7). Phêrô liền nhảy xuống nước bơi vào bờ để được gặp Chúa, các môn đệ khác mau mắn kéo lưới vào bờ để gặp Chúa. Có lễ tâm trạng các ông lúc đó còn lo sợ Chúa khiển trách, vì đã bỏ Chúa để đi đánh cá. Nhưng vì tình thương Chúa không khiển trách mà còn chuẩn bị cho các ông một bữa sáng thịnh soạn có đủ bánh và cá nướng. 

Trong đoạn Tin Mừng mà Thánh Gioan ghi lại hôm nay, còn có một chi tiết nữa mà chúng ta cần lưu ý: “Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con” (Ga 21, 10). Số 153 con cá bắt được trong mẻ lưới mà Chúa chỉ cho các môn đệ thả xuống bên phải mạn thuyền, các nhà sinh vật học thời đó xác định có 153 loài cá khác nhau. Theo Thánh Giê-rô-ni-mô con số 153 đó bao gồm các loại cá và là hình ảnh mọi quốc gia trên mặt đất, mọi dân tộc thuộc mọi thời đại mà Chúa muốn quy tụ vào Giáo hội của Người qua các tông đồ và các đấng kế vị. 

Mỗi người Kitô hữu chúng ta cũng là môn đệ của Chúa, nhiều khi chúng ta cảm thấy thất vọng, chán nản vì không nhìn thấy Chúa. Chúng ta cũng bỏ Chúa và ra đi tìm lợi lộc thế gian. Người đời thường nói: “đồng tiền liền khúc ruột” hoăc “có tiền mua tiên cũng được”, vì thế mà nhiều người sẵn sàng bỏ Chúa, phản bội Giáo hội để được bổng lộc, để được thăng quan tiến chức. 

Chúng ta hãy nhìn lại gương các thánh tông đồ, các ông đã bỏ Chúa để đi tìm của cải vật chất, tìm lợi lộc thế gian, mặc dù các ông đã sành sỏi trong nghề, nhưng các ông đã gặp phải thất bại ê chề. Có Chúa hiện diện và chỉ dạy các ông nên các ông đã thành công bắt được rất nhiều cá. Phần chúng ta, hãy sống trong ơn nghĩa Chúa, hãy trông cậy vào Chúa, hãy vâng theo tất cả những gì Chúa chỉ dạy, có Chúa chúng ta sẽ làm được tất cả, không có Chúa chúng ta chẳng là được việc gì, vì “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”.

Lạy Chúa, nhiều lần Chúa đã hiện diện giữa chúng con mà chúng con vẫn nghi ngờ, vẫn chậm tin vào Chúa. Chúng con đã bỏ Chúa để chạy theo đồng tiền, tìm kiếm lợi lộc trần gian, nên chúng con đã gặp phải nhiều thất bại, gặp nhiều gian khó và thiếu Chúa chúng con sẽ gặp nhiều đau khổ. Xin Chúa đến và cứu giúp chúng con như Chúa đã cứu giúp các môn đệ của Chúa xưa, vì có Chúa chúng con sẽ có tất cả, làm được tất cả, có Chúa chúng con sẽ được vui mừng bình an và thành công trong cuộc sống hằng ngày. Amen. 

Jos. Hồng Ân

<tiểu mục <trang nhà

 

 
     

Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)