dongcong.net
 
 


Chúa nhật 1 mùa vọng, năm C-2012
tỉnh thức và cầu nguyện

Nước mỹ này có nhiều tờ báo nối tiếng nhưng bên cạnh cũng chẳng thiếu những tờ lá cải đăng tin giật gân để thỏa tính tò mò của độc giả. thí dụ một tờ báo Mỹ đã đăng cái tin sau đây: "Ngày 20 tháng 6 năm 1997 quân đội Mỹ khám phá ra 1 đĩa bay bị đâm nhào xuống vùng sa mạc New Mexico. Họ lôi ra 1 người hành tinh từ trong đĩa bay và bí mật đưa về Washington DC để thẩm vấn. Người hành tinh này rất thông minh, gấp 500 lần trí thông minh của con người. Hắn ta học tiếng Mỹ trong vòng 24 giờ là có thể nói lưu loát. Hắn ta sống trong một hành tinh rất xa trái đất. Dân tộc của hắn cũng là những thụ tạo Chúa dựng nên nhưng họ cũng ham thích giầu có, quyền lực và phạm tội xác thịt nên dù bị Chúa cảnh cáo nhưng dân tộc hắn vẫn cứ xúc phạm tới Chúa. Ngươgi hành tnh này nói Thiên Chúa nổi giân với các thụ tạo khắp mọi nơi chứ không tiêng gì trái đất. Và Chúa đã hủy diệt 4,000 hành tinh rồi, trái đất này sẽ là kế tiếp. Tin cuối cùng người hành tnh này cho biết là ngày 11 tháng 1 năm 2000 trái đất này sẽ bùng cháy và bị phá hủy hoàn toàn".

Tin tạo ra quá giật gân nhưng 12 năm qua rồi chẳng thấy xẩy ra. Ai nói mình biết được ngày tận thế là nói dối vì chính Chúa Giêsu đã nói ngày giờ đó không ai biết được, cho dù các thiên thần. Tuy nhiên Phúc Âm hôm nay Chúa Giêsu nói ngày giờ đó không ai biết được, cho dù các thiên thần. Tuy nhiên Phúc Âm hôm nay Chúa Giêsu nói rõ trước khi tận thế thì sẽ có những biến cố vật lý thật khủng khiép. Còn về tâm lý thì các dân tộc buồn sầu, lo lắng. Thế nhưng chung cuộc không phải là những cái ghê rợn đó, mà là Chúa Giêsu , nguyên thủy và cùng đích, của lịch sử , sẽ xuất hiện trong danh dự và quyền năng. Rồi Chúa mời gọi chúng ta hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên vì giờ cứu rỗi đã tới gần. Thiên Chúa không muốn nhân loại kết thúc ở trong tình trạng tiêu cực, sợ hãi, chán chường, nhưng ở trong một tâm tình trạng tiêu cực, sợ hãi, chán chường, nhưng ở trong một tâm tình hy vọng, can đảm, bình an vì Ơn Cứu Rỗi tới gần.

Cuối cùng Chúa kêu gọi chúng ta phải Tỉnh Thức và Cầu Nguyện nếu muốn hưởng ơn Cứu Độ.

-Tỉnh thức là một động từ Phúc âm nói lên sự sẵn sàng của một đầy tớ trung tín và khôn ngoan chờ đợi chủ về. Tỉnh thức: có nghĩa là đừng quá ham mê lạc thú đời này mà quên đi hạnh phúc đời sau; có nghĩa là đừng ngủ mê trong biệt thự êm ấm của cá nhân mình mà vô cảm trước căn lều rách nát của tha nhân; có nghĩa là đừng chỉ quan tâm tới chương trình bất toàn của con người mà hững hờ với chương trình khôn ngoan của Thiên Chúa; có nghĩa là đừng quảng đại phạm tội lỗi nhưng hà tiện làm việc lành ; có nghĩa là đừng nuôn chiều thân xác mà bỏ bê linh hồn.

-Cầu nguyện giúp chúng ta thăng bằng cuộc đời. Có nghĩa là biết đặt mọi sự vào đúng vị trí của nó. Thí dụ Thiên Chúa thì hơn con người, con người thì hơn con vật, linh hồn thì hơn thân xác, đời sau thì hơn đời này, vĩnh cửu thì hơn thời gian, thiên đàng thì hơn trần thế... Nói tóm lại nhờ cầu nguyện mà chúng ta khôn ngoan hơn , bình an hơn , hạnh phúc hơn.

Trong mọi sự thì Ơn Cứu Độ quan trọng nhất, chính vì lý do n ày mà Chúa Giêsu xuống thế. (Vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ trời xuống thế. Kinh Tin Kính). Chúng ta được hơn ma quỷ chỗ này. Chúng là các thiên thần phản loạn, nhưng một lần sa ngã là muôn đời trầm luân, chúng ta sa đi ngã lại mà Chúa vẫn cứu. Thật hạnh phúc cho nhân loại biết bao.

"Vậy các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn để có thể đứng vững trước mặt Con Người" đứng vững ở đây có nghĩa là chúng ta được hưởng Ơn Cứu Độ.

Lm Louis Phạm Hữu Độ, CMC

Ns.ttdm 2012

Chúa Nhật I Mùa Vọng - Năm C
TỈNH THỨC
Lm Leo M. Nguyễn Kim Lân,CMC

Một cô gái đang đi trên vỉa hè đường Trần Hưng Đạo – Q 5 Sài Gòn bất ngờ bị tên cướp từ sau lao tới giật giỏ ngã đập mặt xuống đường. (Hình ảnh do camera ghi lại ngày 23.11.2012). (Với cô gái là hoàn toàn bất ngờ).

Một cô bé chạy xe đạp trên đường đi học về, một chiếc xe tải chạy sau bất ngờ lao tới cán chết cô bé. Em chẳng bao giờ nghĩ: "Hôm nay là ngày cuối cùng của đời mình". Cha mẹ em cũng chẳng nghĩ: "Con mình hôm nay đi học là mãi mãi không trở về", vì quá bất ngờ. Cuộc đời đầy dẫy chuyện bất ngờ xẩy đến với mỗi người.

Lời Chúa trong Tin Mừng Luca hôm nay nói đến, "Ngày ấy bất thần chụp xuống anh em" (Lc 21,35). Ngày không được báo trước. Đó là ngày mà diễn từ của Chúa về ngày cánh chung: "Những điều xẩy ra trên trời - dưới đất", biển gào sóng thét, các tầng trời rung chuyển, những dấu lạ, quyền lực bị lay chuyển, tất cả ám chỉ những sự kiện báo hiệu một  điều quan trọng sẽ xẩy ra. Nhờ đó người ta sẽ biết được sự xét xử đang đến. Những điều ấy không phải là để "đe dọa" con người. Nhưng chính là loan báo cho mọi người biết Đấng Cứu Độ đang đến. "Bấy giờ Con Người hiện đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả" (Lc 21, 27). "Hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên vì anh em sắp được cứu chuộc". Và để chuẩn bị cho ngày "Con Người đến". Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người hãy " tỉnh thức".

Chắc hẳn đã ít nhiều lần chúng ta gặp hình ảnh người lính "Người bảo vệ" cầm súng đứng gác ở đồn bốt, hay ở cơ quan chính quyền. Người lính không thể ngủ nhưng tỉnh táo với mọi động tĩnh. Một sự trung thành tỉnh thức, dù đêm hay ngày, để gìn giữ an ninh. đó là hình ảnh của người lính chân chính. Là hình ảnh gợi lên suy tư về Lời Chúa mời gọi " Anh em hãy tỉnh thức & cầu nguyện" (Lc 21,36). Sự tỉnh thức được Chúa nói đến là phải đề phòng.

- Lối sống thứ nhất là chớ để lòng mình ra nặng nề bởi một cuộc sống hưởng thụ, vùi mình trong những đam mê "chè chén" chẳng màng đến tương lai, lẽ phải, chừng mực & coi việc "sống hưởng thụ" là tất cả.

- Lối sống thứ hai lại thái quá chạy theo những gì mau qua, kém giá trị "lo lắng sự đời" mà quên đi giá trị vĩnh cửu – đề cao vật chất mà bỏ qua giá trị tinh thần.

- Tỉnh thức với cuộc sống thiếu niềm tin, đề phòng chính bản thân mình vì "ham mê sự đời" mà đánh mất tương quan với Thiên Chúa, không thực hành lối sống của người Kitô hữu thì "ngày ấy" bất thần chụp xuống làm cho "thất điên bát đảo".

Sự "Tỉnh Thức" được biểu lộ như Lời Chúa Là:

- Cầu nguyện luôn – là luôn hiệp thông trọn hảo với Chúa, là luôn sống trong ân nghĩa Chúa để có thể đứng thẳng & ngẩng đầu khi Chúa đến. Khi cầu nguyện người Kitô hữu thêm vững mạnh, Người sống niềm tin sẽ được thoát khỏi tất cả những điều sẽ xảy ra trên thế giới. Người sống niềm tin có thể đứng vững trước mặt Con Người, đứng vững vì mình đang sống vô tội và thuộc về Chúa.

- Là từ bỏ những gì "nặng nề tội lỗi", làm tâm hồn không thể vươn lên cùng Chúa.

Lạy Chúa! Trong cuộc sống đầy cạm bẫy & mê lầm, xin giúp con "tỉnh thức" vượt qua những cám dỗ "say sưa sự đời này" để tâm hồn được thuộc trọn về Chúa, để có thể ngẩng đầu khi Chúa đến.

 

Hãy tỉnh thức vì không ngờ
(Chúa Nhật I Mùa Vọng, năm C-2012)

 Jos. Vinc. Ngọc Biển

 Ai cũng biết ngọn núi lửa Sainte Hélène ở tiểu bang Washington. Ngày Chúa nhật 18 tháng 5 năm 1980, có một nhà địa chất học còn trẻ tên là David Johnston, với 30 bạn tổ chức cắm trại cách quả núi 8 cây số. Lúc ấy là 8 giờ 31 phút sáng Chúa nhật, bỗng dưng một tiếng nổ vang trời động địa, mạnh bằng 500 quả bon nguyên tử nổ cùng một lúc. Các thành phố chung quanh bị chôn vùi dưới trận mưa tro. Johnston co giò chạy, nhưng một dòng sông lửa đã chận đường anh, chôn vùi anh và các bạn anh dưới nấm mồ tro hừng cháy (x. Lm Hồng Phúc, Suy niệm Lời Chúa, năm A, tr 4).

 Hôm nay, chúng ta khởi đầu năm phụng vụ mới, chúng ta cùng với Giáo Hội bước vào Mùa Vọng, để chuẩn bị đón mừng đại lễ Giáng Sinh. Một đại lễ đánh dấu kỷ niệm Con Thiên Chúa xuống thế làm người lần thứ nhất cách đây hơn 2000 năm, tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở đấy, mà Giáo Hội muốn chúng ta đi xa hơn nữa để đón chờ Chúa đến lần thứ hai trong ngày quang lâm, ngày tận cùng của cuộc đời ta. Đây là điểm trọng tâm của Mùa Vọng.

 Trước tiên,  Mùa Vọng là mùa đợi trông và hy vọng: không phải đợi trông trong lo âu sợ sệt, mà là đợi trông trong niềm vui, hy vọng và hân hoan: “Giờ phần rỗi của chúng ta gần đến… Đêm sắp tàn, ngày gần đến”; bởi vì: “Trong những ngày ấy, vào thời đó, Ta sẽ cho mọc lên một mầm non, một Đấng Công Chính để nối nghiệp Đavít; Người sẽ trị nước theo lẽ công bình chính trực” (Gr 33,14-16). Chúng ta còn mong đợi Chúa đến như một người con mong mỏi cha mình đi xa về, và, như mục tử đến với đoàn chiên: Tôi đến “để cho người ta được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).

 Thứ đến, Mùa Vọng còn là mùa chuẩn bị tâm hồn đón Chúa đến lần thứ hai trong vinh quang như kinh tiền tụng II đã tuyên xưng: Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa chịu chết, và tuyên xưng Chúa sống lại, cho tới khi Chúa đến. Nhưng Chúa đến giờ nào, ngày nào, chúng ta không biết, vì thế, trông đợi chính là tỉnh thức: “Ngày của Chúa sẽ đến bất ngờ, như kẻ trộm lúc đêm khuya” ( 1Tx 5, 2); " Hãy tỉnh thức, vì Con Người sẽ đến phán xét chúng ta vào giờ chúng ta không ngờ" (Lc 12,40). Vì thế mà ngôn sứ Isaia đã phải thốt lên: “Lạy Chúa con như người thợ dệt, đang mải dệt đời mình, bỗng nhiên bị tay Chúa, cắt đứt ngay hàng chỉ…” (Is 38,21b). Tính bất định của sự sống đã được Tin Mừng nêu rõ khi Chúa Giêsu lấy hình ảnh lụt hồng thủy để nói về sự bất ngờ này: thiên hạ cứ vui chơi nhảy múa, chè chén say sưa, dựng vợ, gả chồng, cho đến khi nước lụt nhận chìm tất cả, chỉ trừ gia đình ông Nôe  được cứu thoát. Hay như hai người đàn ông đang đi làm, một người được đem đi, còn người kia bị bỏ lại. Hai người đàn bà đang xay bột, một người được đem đi, còn người kia bị để lại.

 Hoặc như người phú hộ, ông có nhiều ruộng nương và hoa lợi, đến nỗi ông quyết định xây nhiều kho mới, lớn hơn. Sau đó, ông ăn chơi, tiêu xài cho đã, nhưng cuối cùng ở tận đỉnh cao của vinh hoa phú qúy, người giàu có ấy phải lìa bỏ đời này và phải để lại tất cả. Như vậy: “Mọi sự dầu hay, hay dở, đều không chắc chắn, chỉ sự chết là chắc chắn sẽ xảy đến.” Biết được điều đó để ta luôn sẵn sàng.

 Tiếp theo, Mùa Vọng là mùa “chờ đợi” và hành động, vì “chờ đợi”,  không phải là ngồi để mà đợi mà mong, nhưng chờ đợi ở đây là phải cầu nguyện. Lời Cầu nguyện được ví như dầu của đèn, đèn sáng được là nhờ có dầu bên trong. “Đèn tâm hồn chúng ta” phải là “đèn bừng sáng” vì có “dầu cầu nguyện”, tức là chúng ta phải luôn cầu nguyện và sẵn sàng chờ đón Chúa, để khi “chàng rể” đến, chúng ta đang trong tinh thần tỉnh thức và tư thế hân hoan đón Người.

 Cuối cùng, sống tinh thần Mùa Vọng là sống theo tinh thần của thánh Phaolô trong bài đọc II hôm nay đã khuyên nhủ các tín hữu: anh em hãy ăn ở làm sao cho tốt, cho xứng đáng, hãy đối xử với nhau ngày càng thêm đậm đà thắm thiết. Như thế, Chúa sẽ cho anh em được bền tâm vững chí, được trở nên thánh thiện, không có gì đáng chê trách, trước nhan Thiên Chúa là Cha chúng ta, trong ngày Đức Giêsu, Chúa chúng ta, quang lâm cùng với các thánh của Người (x. 1 Tx 3,12-13). Và, trên hết mọi sự, chúng ta hãy hân hoan đón chờ ngày ấy như một niềm hãnh diện, mặc cho mọi gian nan thử thách: Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc.” (Lc 21,28).

 Như vậy, sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta hãy tỉnh thức, cầu nguyện và mong chờ ngày Chúa quang lâm:

Không ăn chơi đàn điếm,
Nhưng cầu nguyện mong chờ.
Không lẳng lơ chè chén,
Nhưng chu toàn bổn phận.
Không danh vọng, dục tình,
Nhưng sớm lễ chiều kinh.

Lạy Chúa, trong Mùa Vọng này, xin Chúa cho chúng con luôn ở gần bên Chúa trong tinh thần cầu nguyện, để lắng nghe được tiếng Chúa vang vọng trong tâm hồn chúng con, để chúng con luôn sống đẹp lòng Chúa và sống chan hòa với anh chị em, ước gì ngày Chúa đến, chúng con luôn đứng thẳng và ngẩng cao đầu, đón mừng ơn cứu độ Chúa thương ban. Amen.
(thanhlinh.net) .

NGẨNG ĐẦU HAY GỤC ĐẦU?
(Chúa Nhật I Mùa Vọng - C-2012)

Bài Tin Mừng hôm nay (CN.I/MV-C – Lc 21, 25-28. 34-36) trình thuật về ngày tận thế. Thánh sử Lu-ca chỉ lấy lại những hình ảnh văn chương đã có sẵn theo truyền thống Khải huyền. miêu tả thời cánh chung của vũ trụ có nhiều điềm lạ (“Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét. Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển.” – Lc 21 25-26). Đó chỉ là quang cảnh làm hình nền cho việc tiên báo sự kiện Con Người quang lâm. Chính điều này mới là trọng tâm, và vì thế, tác giả rất chú trọng đến sự kiện cuối cùng này, và ngài đã mượn lại lời ngôn sứ Ða-ni-en trong một thị kiến (Đn 7, 1-14) để tường thuật: Thoạt tiên ngôn sứ thấy bốn con vật từ biển đi lên phá phách dữ tợn. Rồi ông thấy một Con Người hiện đến trong mây được trao quyền thống trị trời đất và các dân tộc (“Trong những thị kiến ban đêm, tôi mải nhìn thì kìa: có ai như một Con Người đang ngự giá mây trời mà đến...” ).

 Những lời tiên tri này rất thích hợp để nói về ngày Chúa Ki-tô tái quang lâm. Người chẳng phải là Con Người đó sao? Cùng lúc Ðức Giê-su Ki-tô có 2 bản tính: bản tính nhân loại + bản tính thần linh. Hình ảnh một Con Người đến trong mây rất thích hợp để nói lên cả hai bản tính ấy nơi Người. Nhưng nếu chỉ viết “Con Người ngự giá mây trời mà đến” thì vẫn chưa đủ để diễn tả việc Người trở lại lần thứ hai, nên thánh Lu-ca phải thêm vào hình ảnh Con Người những lời chú thích cần thiết: “Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến" (Lc 21, 27). Những lời chú thích này chỉ được dùng để nói về Ðức Giê-su Ki-tô sau ngày Phục Sinh. Và như vậy, tác giả muốn nói rằng: Khi Ðức Giê-su Ki-tô trở lại sẽ không như lần trước – lúc Người giáng sinh làm người trong thân thể một Hài Nhi bé bỏng và yếu ớt – mà Ngườii sẽ đến với uy quyền và vinh quang tuyệt đỉnh.

 Thánh sử Lu-ca thừa biết rằng có nhiều suy nghĩ không cần thiết về ngày Chúa lại đến, nên ngài rất dè dặt trong việc trình thuật. Ngược lại, ngài chú trọng đến thái độ người tín hữu phải có cho ngày trọng đại ấy. Theo ngài, ngày ấy sẽ kinh khủng cho thiên hạ; nhưng đối với các tín hữu, đó là ngày cứu độ. Ngài nhắc nhở: “Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc” (Lc 21, 28). Vâng, có lý nào những người tin thật Đấng Cứu Thế Giê-su Ki-tô, lại sợ hãi trước việc Người trở lại? Phải chăng chỉ có những kẻ không có hoặc đã đánh mất niềm tin, không còn sống theo niềm tin ấy? Do đó, tác giả mới khuyên ai nấy hãy sẵn sàng, đừng để ngày ấy đến chụp lấy mình như một cái lưới. Những kẻ chỉ lo chè chén say sưa và lo lắng sự đời, chắc chắn sẽ bị bất ngờ không kịp sửa soạn. Còn những ai vững niềm tin, luôn tỉnh thức và cầu nguyện thì chắc chắn “đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người.”

 Khi miêu tả sự tự tin của con người trước một biến cố nào đó, người ta thường dùng cụm từ “đứng thẳng và ngẩng cao đầu”. Ngẩng cao đầu không phải là thái độ kiêu ngạo coi thường sự việc, mà chính đó là một cách biểu lộ một niềm tin vào chủ định của bản thân. Nếu Ki-tô hữu đã vững tin vào Người Con đã vâng lời Thiên Chúa Cha xuống thế mặc xác phàm, chịu khổ hình chết treo trên thập giá và phục sinh vinh hiển, để cứu chuộc nhân loại khỏi tội lỗi và sự chết đời đời; đồng thời tin vào những lời dạy bảo của Người về ngày Người sẽ quang lâm lần thứ hai, thì chắc chắn “đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người” vui hưởng hồng ân cứu độ. Ấy cũng bởi vì chính Con Người đã khẳng định: “Tôi đến không phải để xét xử thế gian, nhưng để cứu thế gian” (Ga 12, 47).

 Một cách cụ thể, muốn “đứng thẳng và ngẩng đầu lên” khi Con Người quang lâm, thì đừng lo lắng sợ sệt thái quá để rồi “rút cổ, gục đầu” phó mặc cho số phận đẩy đưa. Chẳng có số phận nào cả, mà chỉ có những "Đồ-Ghê-Tởm-Khốc-Hại đứng ở nơi nó không được phép đứng” cùng với những “Ki-tô giả” doạ nạt, lừa đảo người ta (Mc 13, 14-23) mà thôi. Không sợ hãi lo lắng thái quá, nhưng cũng không lơ là mất cảnh giác để "Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em, vì Ngày ấy sẽ ập xuống trên mọi dân cư khắp mặt đất”; mà phải là “tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người." (Lc 21, 34-36).

 Tỉnh thức không phải chỉ là thức suốt đêm này qua đêm khác như một người bị bệnh mất ngủ, mà là phải tỉnh táo, canh giữ, phòng vệ trong mọi trường hợp, mọi lúc, mọi nơi. Nói cách khác là phải cảnh giác trước những hiện tượng thiên nhiên và nhất là những trò lừa bịp của ma mị quỷ quái thông qua những “Ki-tô giả, ngôn sứ giả”, đồng thời phải tìm đến với Lời Chúa, lắng nghe Lời Chúa và kiên quyết sống theo Lời Chúa dạy. Vâng, nhất quyết "Phải như thế, vì anh em biết chúng ta đang sống trong thời nào. Đã đến lúc anh em phải thức dậy, vì hiện nay ngày Thiên Chúa cứu độ chúng ta đã gần hơn trước kia, khi chúng ta mới tin đạo. Đêm sắp tàn, ngày gần đến. Vậy chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu. Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương. Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giê-su Ki-tô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thoả mãn các dục vọng." (Rm 13, 11-14).

 Nói thì đơn giản, nhưng thực hành được mới là thiên nan vạn nan, vì vào những ngày ấy từ hiện tượng thiên nhiên đến tâm trạng con người không lúc nào được bình lặng. Hơn thế nữa, còn biết bao nhiêu “Đồ Ghê-Tởm-Khốc-Hại” hay “Ki-tô giả, ngôn sứ giả” cũng chẳng để yên cho con người có đủ tỉnh táo mà phòng vệ. Chính vì thế, nên phải “tỉnh thức và cầu nguyện”, vì đó là hai chiều kích tất yếu nhắm tới mục tiêu duy nhất là “đứng vững trước mặt Con Người” trong ngày cánh chung. Cầu nguyện xin Chúa ban Thần Khí để Người soi sáng cho hiểu biết tận căn sự chân thật và điều giả dối, đâu là người công chính, đâu là kẻ giả hình, đồng thời Người ban cho đầy đủ can đảm và dũng khí đối diện với mọi nghịch cảnh, thử thách nghiệt ngã, để sẵn sàng đón Chúa trong ngày Người trở lại lần thứ hai.

  Thật ra, giáo huấn của Hội Thánh về việc Chúa trở lại rất trong sáng và đơn giản. Hội Thánh khuyên nhủ mọi Ki-tô hữu phải tin và sẵn sàng, tức là phải trông đợi trong hy vọng. Mùa Vọng là mùa trông đợi, mong ngóng, chờ đón Tin Mừng Đấng Cứu Thế quang lâm lần thứ hai. Đã đành là Chúa đã đến, đang đến và luôn sẵn sàng ở lại trong cung lòng mỗi người hàng ngày hàng giờ, nhưng chỉ những người ngay lành, công chính mới thực sự được Chúa ở cùng "mọi ngày cho đến tận thế". Tuy rằng ngày Chúa quang lâm lần thứ hai chưa tới, nhưng nó có thể tới bất cứ lúc nào, tới vào lúc loài người bất ngờ nhất, và khi Người tới thì toàn thể nhân loại đều được diện kiến. Duy chỉ có điều – và là điều cần quan tâm nhất, cần lo lắng nhất – là vào ngày giờ ấy, ai sẽ được đứng ở bên phải và ai sẽ phải đứng ở bên trái Người.

 Chính vì thế, xin hãy biến 4 tuần lễ Mùa Vọng đón chờ ngày Chúa giáng sinh trong năm Phụng vụ thành Mùa Vọng trong suốt cuộc đời trông đợi Chúa quang lâm vào ngày cánh chung vũ trụ. Ngay từ bây giờ, có thể anh vừa mới sinh ra, có thể chị đang ở tuổi thanh niên, trung niên, có thể ông bà đang ở vòng bóng xế, và cũng có thể các cụ đang thèm ăn đất hơn thèm ăn cơm, chân trên lỗ chân dưới lỗ, xin tất cả "Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay. Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ" (Lc 12, 35-37). Vâng, xin hãy thực sự sống cuộc đời trần thế cho Mùa Vọng Nước Trời mai hậu trong tư thế đứng thẳng và ngẩng cao đầu diện kiến Thiên nhan Đấng Cứu Tinh. Ước được như vậy. Amen.

 JM. Lam Thy ĐVD.(thanhlinh.net)

Chúa nhật 1 mùa vọng, năm C-2024
TỈNH THỨC ĐÓN CHÚA Lc. 21,15-28.34-36
Trích ĐMHCG 11-2024

Ngoại trừ TC – Đấng “vô thủy vô chung”, còn nhân loại chúng ta hết thảy đều “có sinh có tử”. Mỗi ngày sống qua đi là mỗi ngày chúng ta tiến gần hơn đến cái chết. Cũng giống như vũ trụ vật chất này đã có ngày khởi đầu thì cũng có ngày kết thúc. Ngày đó là ngày tận thế. Ngày TC tái lập “trời mới đất mới” (KH 21,1).

Tin mừng hôm nay, thánh sử Luca dùng thể văn Khải Huyền để tỏ ra những gì huyền nhiệm bí ẩn về ngày Chúa quang lâm, ngày tận thế, ngày Thiên Chúa đổi mới mọi sự.  Ngày đó, thế giới vật chất này cùng với những gì thuộc về nó, ngay cả những thứ bền vững, cổ xưa như trái đất, mặt trăng, mặt trời cũng bị thay đổi.  Cảnh tượng đó làm cho nhân loại sợ hãi (x. Lc 21,25-26).

Quả là kinh hoàng sợ hãi cho những ai quá gắn bó, quá bám víu vào thế giới vật chất này.  Vì nơi họ gắn bó sẽ bị dật tung. Nhưng đối với những ai tin tưởng cậy trông nơi Chúa sẽ được chan chứa niềm vui “đứng thẳng và ngẩy đầu” ra nghênh đón Chúa, cùng bước vào thế giới mới hạnh phúc viên mãn.

Để được hưởng hạnh phúc viên mãn với Chúa, Tin Mừng hôm nay nhắn nhủ chúng ta hãy sống “tỉnh thức và cầu nguyện”. Thật ra, ngay trong cuộc sống thường ngày, tỉnh thức đã là điều rất cần thiết:

-Có tỉnh thức trông coi, người ta mới giữ được tiền bạc, tài sản cho khỏi bị trộm cắp.
-Có tỉnh thức các bạn trẻ mới tránh được những cạm bẫy mời mọc dụ dỗ ngon ngọt trước các tình cảm bất chính, trước các tệ nạn xã hội.
-Có tỉnh thức các “bác tài” mới chắc tay lái, giữ an toàn tính mạng của chính mình và của hành khách.
Thế thì, để được hưởng hạnh phúc muôn đời còn cần phải tỉnh thức biết bao. Vì rằng Chúa đến bất ngờ như “chủ nhà trở về”, hay như “chiếc lưới bất thần chụp xuống”, hay như “kẻ trộm”, không biết lúc nào, giờ nào. Thật thế, đâu ai biết trước được chữ ngờ.
-Vào sáng thứ Ba, ngày 11/9/2001 những người đang ở trong Trung Tâm Thương mại thế giới (WTC), có ai ngờ rằng toà nhà tháp đôi bị khủng bố, có ai ngờ rằng đây là ngày tận thế của họ?
-Vào sáng thứ Hai, ngày 9/9/2024, những người đang đi trên cầu Phong Châu, Tam Nông, Phú Thọ, Việt nam, có ai ngờ rằng cây cầu bị sập, có ai ngờ rằng đấy là ngày tận thế của họ?
Cho nên, tỉnh thức bao nhiêu cũng không đủ, lơ là một giây là hại đời.

Có thiếu nữ kia thích nuôi thú cưng. Cô mua một con trăn nhỏ về nuôi, nó ăn, nó ngủ với cô, nó lớn lên từng ngày bên cô.  Nó tỏ vẻ cuốn quýt cô và cô cũng cưng nó như một người bạn thân.  Cho đến một hôm con trăn không chịu ăn uống. Cô gái càng lo lắng quan tâm mơn trớn âu yếm nó nhiều hơn.  Thế nhưng con trăn phụ tình chồm lên nuốt trửng cô gái vào bụng, tận hưởng một bữa ăn ngon lành. Câu chuyện ấy là bài học gíup chúng ta cảnh giác trước những thói hư tật xấu, trước những tội lỗi mà có khi ta đang mơn trớn hay đang vướng mắc. Những “con trăn dịu dàng” đó có thể nuốt trửng ta bất cứ lúc nào, khiến ta mất đi sự sống đời đời.  Cho nên, kinh thánh khuyên nhủ chúng ta “con hãy tránh tội như tránh rắn, vì nếu con tới gần, nó sẽ cắn con.  Răng nó khác nào răng sư tử cướp mạng sống con người” (Hc 21,2).

Hơn nữa, chúng ta cần “tỉnh thức”, bởi có khi vì mải mê trần thế, mà chúng ta chủ quan không chăm lo cuộc sống đời đời của mình cho đủ:

Một hôm chàng thanh niên Phanxicô Spazzaro hớn hở báo tin cho thánh Philipphe Neri biết rằng mình đã thành công rực rỡ trên đường khoa nghiệp. Thánh nhân trả lời:

-Khá lắm. Cha chúc mừng con. Nhưng rồi con sẽ làm gì?
-Con sẽ làm luật sư, sẽ biện hộ ở tòa án.
-Rồi sao nữa?
-Con sẽ có nhiều tiền.
-Rồi sao nữa?
-Con sẽ lập gia đình.
-Rồi sao nữa?
-Con sẽ sống hạnh phúc.
-Rồi sao nữa? Chàng sinh viên suy nghĩ một lúc rồi trả lời:
-Rồi… rồi con cũng sẽ chết như bất cứ ai khác.
-Rồi sao nữa?

Chàng sinh viên im lặng lui bước, vẻ trầm tư. Nhưng câu hỏi “Rồi sao nữa?” đã tác động mạnh mẽ vào tâm trí anh, khiến anh không quá bám víu vào đời này nữa, mà nỗ lực sống gắn bó với Chúa trong cầu nguyện và quan tâm  phục vụ mọi người quảng đại hơn.
Ước gì, Lời Chúa khởi đầu Mùa Vọng hôm nay cũng tác động mạnh mẽ vào tâm trí chúng ta: sống “tỉnh thức” đón Chúa đến bất cứ lúc nào, theo gương Đấng đáng kính ĐHY Phanxicô Nguyễn Văn Thuận và thánh Teresa Calcutta:

“Hãy sống ngày hôm nay như là ngày cuối cùng của cuộc đời tôi” (5 chiếc bánh và 2 con cá, chương 1).

Nguyện xin Mẹ Maria là mẹ của chúng ta, dọn lòng chúng ta suốt mùa vọng này, thành máng cỏ trong lòng để tỉnh thức chờ đợi Chúa đến. Amen.

1 tháng 12 năm 2024

pns - November 26, 2024

 

 
     

Tỉnh Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)