dongcong.net
 
 


Chúa Nhật IV Mùa Vọng  C  20-12-2015
Lên Đường Và Trao Ban (Lc 1,39-45)

Tuần cuối của Mùa Vọng này Lời Chúa mời gọi chúng ta chú trọng và khám phá ý nghĩa trung thực của Giáng Sinh: Emmanuen - Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Tiên tri Mica thách thức chúng ta cậy trông vào Thiên Chúa, đặc biệt là trong những lúc thất vọng và buồn chán. Tin Mừng kêu mời chúng ta luôn tin tưởng vào Thiên Chúa như Mẹ Maria, hầu chúng ta có thể mang Ngôi Lời Nhập Thể, chính là Chúa Giêsu thành Nagiarét, đến cho mọi người và trở nên dấu hiệu sự hiện diện của Thiên Chúa đến cho nhau.

Giáng Sinh đã trở thành một đại lễ của gia đình. Khoảng thời gian này nhiều người, trong đó có lẽ có chúng ta, đang trên đường hoặc sẽ lên đường trở về họp mặt với gia đình và họ hàng. Giáng Sinh là một đại lễ mang lại niềm vui qua việc gặp lại những người thân yêu và là dịp trao đổi quà cáp.

Tin Mừng hôm nay ghi lại việc Đức Mẹ viếng thăm bà dì Êlisabét và niềm vui đã diễn ra giữa hai người. Mẹ Maria có một bí mật nóng bỏng muốn bật mí và chia sẻ cho một người hiểu được Mẹ. Sứ thần đã cho Mẹ biết là Êlisabét cũng đã đón nhận một đặc ân kỳ diệu từ Thiên Chúa, đó là bà đã thụ thai trong tuổi già. Bà là người hiểu được những gì đã xảy ra cho mình. Mẹ Maria cũng biết rằng Êlisabét, đang mang thai trong tuổi già, cần có một người thông hiểu và giúp đỡ. Vì thế, Mẹ đã mang đến cho Êlisabét sự chúc phúc của người con trong lòng Mẹ. Ngoài ra, Mẹ cũng đích thân phục vụ Êlisabét trong lúc bà cần nhất. Mẹ đã ở lại với Êlisabét ba tháng, thời gian Êlisabét cần sự giúp đỡ cho đến khi sinh con. Sau đó Mẹ mới nghĩ đến việc trở về nhà mình.

Mẹ Maria và bà Êlisabét đã dọn mình và mong đợi để đón nhận món quà cao cả là Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa và là Đấng Cứu Độ nhân loại. Trong ba tuần qua chúng ta cũng đã dọn mình và mong đợi. Chúng ta mong đợi Đấng Cứu Thế tái sinh trong tâm trí  và  tâm  hồn  của nhân loại. Mong đợi có thể mang lại sự chán nản. Tuy  nhiên, ngày mong  chờ  càng  gần thì sự phấn khởi càng trào dâng. Hãy để sự phấn khởi đó trở thành những  hành  động vui vẻ và bác ái trong những  ngày  lễ  đang chờ đợi chúng ta.

Xin Mẹ Maria giúp chúng ta biết sống thế nào để qua chúng ta, Chúa Kitô có thể mang một thân xác mới; qua chúng ta, Chúa Kitô có thể trở nên hiện thực cho mọi người; và qua chúng ta, Chúa Kitô có thể thắp sáng cuộc sống của những người bần cùng với ngọn nến hy vọng. Xã hội vẫn còn những Êlisabét cần đến sự thăm viếng của chúng ta. Vì vậy, trong khi chờ đợi Chúa đến, như Mẹ Maria, chúng ta cùng nhau đến với tha nhân và trao ban cho họ niềm vui và an bình. Được thế thì Lễ Giáng Sinh không chỉ đơn giản là một dịp họp mặt chia sẻ niềm vui trong gia đình nhỏ bé của mình, nhưng còn là dịp để chúng ta thì hành bác ái với những ai đang cần sự giúp đỡ của chúng ta.

Lm. JP. Quốc Toản, CMC

 

Chúa Nhật 4 Mùa Vọng Năm C
(Dec. 23rd 2012)

Lc 1, 39-45

Tin Có Chúa Ở Cùng

Trại tù Humaita ở Ba Tây là một trại tù hơi khác thường. Công việc cai quản gần bốn trăm tù nhân thay vì được trao cho các nhân viên chính phủ, thì lại do một số Kitô hữu đã tình nguyện lãnh nhận công tác phục vụ những tù nhân này. Ngoài ra, còn một điều khác thường thứ hai và đáng kể hơn. Mỗi trại tù thường có phòng biệt giam để giam giữ những tội phạm ngang bướng. Tại trại Humaita, phòng biệt giam này ngày nay chỉ có một "tội phạm." Sau cánh cửa sắt, là một bàn thờ, với hoa tươi, một tượng Thập Giá, và một biểu ngữ: "Estamos juntos" (chúng ta cùng có nhau).

Người "tội phạm" biệt giam đây chính là Chúa Giêsu, và cây thánh giá của Người là một nhắc nhở hùng hồn cho mọi tù nhân rằng Chúa Giêsu đã chịu án tù cho mọi người và Người vẫn luôn ở đó với họ. Vì nhận ra tình Chúa yêu thương họ mà các tội phạm tại Humaita đã chấp nhận được cảnh tù đầy của họ.

Hai ngàn năm trước đây, khi Mẹ Maria đến thăm bà chị họ Isave, bà này đã chúc khen Đức Mẹ vì Đức Mẹ đã tin rằng những điều Chúa hứa sẽ được thực hiện. Đọc trong Thánh Kinh, Đức Mẹ biết Thiên Chúa hứa sẽ ban Đấng Cứu Thế cho nhân loại. Khi Tổng thần Gabrien đem tin mừng đến cho Đức Mẹ, với niềm tin vững vàng vào lời Chúa, Mẹ đã thưa lên lời xin vâng: "Này tôi là tớ nữ Chúa, tôi xin vâng như lời thiên thần truyền" (Lk 1:38). Với niềm tin này của Mẹ Maria, Chúa đã nhập thể làm người để cứu nhân loại thoát khỏi gánh nặng của tội lỗi. Chúng ta đang gần kề giây phút mừng kỷ niệm ngày Chúa đến trong Đại Năm Thánh Cứu Độ. Nhưng trong khi cùng với toàn thể nhân loại hân hoan mừng ngày rất thánh này, chúng ta cần dừng lại để tự hỏi mình xem Chúa Kitô đã đến ngự trị trong lòng tôi chưa?

Đêm Giáng Sinh thường được gọi là đêm an bình. Chúa Giêsu, Vua Bình An, đã đến để ban lại cho nhân loại sự bình an hạnh phúc mà nguyên tổ đã đánh mất. Nhưng tôi đã được hưởng sự bình an đó chưa? Hay là lương tâm vẫn còn bị đè nặng bởi tội lỗi, bởi những bất công, hận thù, chia rẽ... Nếu vậy, thì ích gì cho tôi, nếu Chúa đến trần gian để ở với con người, để cứu độ con người, và để ban bình an cho mọi người, nhưng riêng tôi lại không được dự phần?

Khi có Chúa ở cùng, có thể là Chúa sẽ không cất đi mọi đau khổ chúng ta đang gặp phải trong cuộc sống. Điều Chúa hứa là Người sẽ ban cho chúng ta được sự bình an trong tâm hồn, sẽ chúc phúc, và sẽ ở bên chúng ta để phù trì chúng ta trong mọi giây phút của cuộc đời. Khi sinh ra trong cảnh bần cùng, sinh trưởng trong một gia đình nghèo khó, và sau cùng chết khổ nhục trên thập tự giá, phải chăng là Chúa muốn nói trong bất cứ cảnh huống nào của cuộc đời, Chúa luôn ở bên để chia sẻ kiếp sống làm người với chúng ta. Điều quan hệ là chúng ta có dám tin là Chúa đang hiện diện trong cuộc đời của mình không? Có dám tin là Chúa có đủ quyền năng để cứu chuộc chúng ta, và sẽ giải thoát chúng ta khỏi mọi cảnh cùng quẫn mà chúng ta đang gặp phải hay không? Nếu có được niềm tin đó, thì cũng như những tù nhân tại Humaita, cho dù chúng ta vẫn còn bị giam hãm bởi những bất công trong xã hội, những hận thù ghen ghét, chúng ta vẫn tìm được sự bình an trong tâm hồn.

Vậy trong những giây phút còn lại trước giờ phút hồng phúc của đêm nay, chúng ta hãy xin Đức Mẹ ban cho chúng ta lòng tin của Đức Mẹ. Chúng ta hãy xin Đức Mẹ chuẩn bị tâm hồn chúng ta để đón tiếp Chúa đến với tâm hồn mình. Mẹ Maria có phúc vì đã tin lời Chúa hứa ban Đấng Cứu Thế sẽ được thực hiện, và như lời Tổng thần Gabrien, Mẹ có phúc vì Mẹ có Chúa ở cùng Mẹ. Xin Mẹ ban cho chúng ta cũng có được niềm tin đó, để chúng ta cũng được tiếp rước Chúa đến với tâm hồn chúng ta. Có vậy, chúng ta mới cảm nghiệm được đêm Giáng Sinh thực sự là Đêm Bình An.

Lm Cao Vũ Nghi, CMC 2005

Những cuộc thăm viếng xưa và nay
Lm. Augustine, S.J 01/02/2005

Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng

Những Cuộc Thăm Viếng Xưa Và Nay

Bà Lely Lemieux là một Kitô hữu Canada. Từ 8 năm nay, bà là hội trưởng hội "Ngọn Lửa Cháy" của giáo phận thành phố Mông-rê-an. Hội có mục đích dẫn đường và cùng đi với các người trẻ trong cuộc hành trình nhắm tới tương lai. Ngoài ra, bà Mỹ còn năng thăm viếng các tù nhân, mang lại cho họ niềm hy vọng và sự cảm thông. Vậy do đâu mà bà Mỹ có được tinh thần nhiệt thành đối với người trẻ và với người tù tội? Hãy nghe lời bà Mỹ tâm sự:

Đời sống của tôi thật giản dị và đâm rễ sâu trong tình thương của Chúa. Giờ đây ở tuổi trưởng thành, tôi càng thấy rõ tôi hết lòng tin vào sự hiện diện và tác động của Thiên Chúa trong đời tôi. Tôi vô cùng cảm tạ Chúa về hồng ân đức tin đó. Tôi còn hưởng một hồng ân khác nữa là được sinh ra trong một gia đình trên thuận dưới hoà. Cha mẹ tôi rất quan tâm săn sóc con cái. Tình thương, sự chăm sóc tế nhị và lòng trìu mến của cha mẹ đối với tôi, là một món quà tôi không bao giờ quên, cũng không bao giờ giữ riêng lấy cho tôi.

Ngay ở tuổi 14, tôi đã dành giờ rảnh ngày thứ bảy đi giúp tắm rửa các em bé tại nhà thương Từ Bi. Kế đến tôi gia nhập hội Hướng Đạo. Các sinh hoạt Hướng Đạo đã cho tôi cơ hội sống với người trẻ.

Từ tám năm nay, tôi được giáo phận giao cho việc điều khiển hội đoàn "Ngọn Lửa Cháy". Đây là cộng đoàn dành riêng cho người trẻ từ 18-25. Cứ vào cuối tuần, chiều thứ 6 đến chiều Chúa Nhật, họ họp lại để suy tư về những đề tài xoay quanh "Bản thân, tha nhân, gia đình và Chúa Kitô". Mỗi chiều Chúa Nhật, tôi được an ủi rất nhiều khi thấy những người trẻ ra về với gương mặt vui tươi. Đó là những người trẻ đã từng trải qua những kinh nghiệm đau thương, như nghiện rượu, nghiện ma tuý, thất tình, cô đơn, không kiếm được việc làm, thiếu tự tin. Nhờ được chung sống và chia sẻ với nhau những ngày cuối tuần mà họ tìm lại được hơi ấm của tình người, nhất là có được hy vọng và lòng tự tin.

Ngoài ra, tôi còn thường xuyên thăm viếng các tù nhân. Những người này chiếm một chỗ đứng quan trọng trong đời tôi và mang lại cho tôi rất nhiều kinh nghiệm quý báu. Thật ra việc tiếp xúc với họ không phải là chuyện dễ dàng và đơn giản. Tôi không bao giờ biết trước được ai là người tôi sẽ gặp nơi nhà tù, và khi gặp họ tôi phải nói gì. Tôi hoàn toàn phó thác nơi Chúa Thánh Linh qua mỗi cuộc gặp gỡ. Chính Chúa Thánh Linh cho tôi biết phải nói gì. Tôi thường ra về lòng tràn đầy ơn bình an nhờ tham dự vào lòng thương xót của chính Chúa Giêsu.

Tôi có một niềm tin vững chắc nơi Chúa. Với tôi, Thiên Chúa là một người CHA tuyệt diệu, trên hết mọi người cha. Nơi Chúa, tôi đặt trọn niềm tin và tình cảm, nhờ đó tôi được an tâm trước mọi thử thách.

Bất Cứ Ai Đón Nhận Sự Hiện Diện Ưu Ai Của Thiên Chúa…

Buổi sáng khi thức dậy, tôi dâng ngày cho Chúa, rồi tôi khiêm tốn xin Chúa cho tôi trở nên người phản ảnh tình thương của Chúa cho tha nhân.

Với ai đó than phiền vì chỉ gặp toàn khó khăn xui xẻo, tôi liền hỏi người đó: "Đâu là chỗ đứng trong đời của bạn?" Quả thật, đối với tôi, Thiên Chúa chính là gia nghiệp đời tôi. Tôi tìm nơi Người sức mạnh, niềm hy vọng, tình thương và ánh sáng chiếu soi bước đường hàng ngày của tôi.

Riêng với Mẹ Maria, bà Lely Lemieux kể ra một câu chuyện nhỏ: "Trước kia, tôi có tật hút thuốc lá mỗi ngày hai gói! Tôi đã cố gắng bỏ tật xấu đó một số lần nhưng lần nào cũng thất bại. Ngày kia, một người bạn nói với tôi: "Bạn biết không? Đức Mẹ đã giúp mình bỏ thuốc đó." Nghe vậy, tôi tự nhủ: "Chắc Đưc Mẹ cũng sẵn sàng giúp tôi bỏ thuốc." Thế là tôi mang gói thuốc đặt dưới chân tượng Đức Mẹ. "Xin Mẹ giúp con bỏ thuốc từ này trở đi" và quả thật, từ hồi đó, Đức Mẹ đã giúp tôi bỏ hẳn tật hút thuốc.

Lời tâm sự của bà Lely Lemieux gợi ý cho thấy biến cố Đức Maria đi thăm viếng bà Isave thường được lặp đi lặp lại nhiều lần nhiều cách trong đời người Kitô hữu. Có thể nói chính việc lặp đi lặp lại này làm nên đời người Kitô. Quả thật không riêng gì bà Lely Lemieux, bất cứ ai đón nhận sự hiện diện ưu ái của Thiên Chúa đều được mời tham dự mầu nhiệm đi viếng của Đức Maria, Mẹ Chúa Cứu Thế.

Xuất Xứ Của Mầu Nhiệm Đi Viếng

Hãy coi xuất xứ của mầu nhiệm đi viếng này bắt rễ từ biến cố Truyền Tin. Một cô gái thôn quê làng Na-da-rét, mới 13-14 hoặc 15 tuổi, đã kết hôn và được Sứ Thần của Thiên Chúa đến loan tin động trời. Cô đã được ban cho đầy ơn sủng và được Thiên Chúa ở cùng (Lc 1,28), bây giờ cô còn được Thiên Chúa chọn làm Mẹ Con Thiên Chúa làm người do quyền năng của Chúa Thánh Thần (c.31.35) vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được, nên Đức Trinh Nữ đã đặt mình hoàn toàn để Thiên Chúa sử dụng khi thưa: "Xin cứ làm cho tôi như Sứ Thần nói" (c.38). Đó chính là xuất xứ của mầu nhiệm của mọi việc viếng thăm có ý nghĩa Kitô giáo, khởi sự với cuộc thăm viếng bà Isave được kể trong bài Tin Mừng hôm nay.

Điều kiện tiên quyết cho giá trị của mọi cuộc thăm viếng Kitô giáo là Thiên Chúa ở cùng ta. Dọc theo mọi ơn gọi trong Kinh Thánh, như với nhà lãnh tụ Mô-sê (Xh 3,12), với ngôn sứ Giê-rê-mi (1,8.19; 15,20), với tổ phụ Áp-ra-ham (St 26,24; 28,15) cũng như với Đức Trinh Nữ Maria, khởi sự phải là việc Thiên Chúa chiếu cố đến thân phận yếu hèn (Lc1, 48) của con người mà Người muốn ban ơn. Ơn Người ban bao giờ cũng vậy, phải phát xuất do lòng tốt lành của Người. Tuỳ ở mức sẵn sàng đón nhận mà con người được tràn đầy ân sủng của Thiên Chúa. Nơi Đức Maria sẽ không có rào cản đối với ơn Chúa hiện diện và hành động, nên Mẹ được nhìn nhận là "Đấng đầy ân sủng" (Lc 1,28). Loài người càng thoát ách tội lỗi (dù chỉ là thoát khỏi một đam mê nhỏ như thói quen hút thuốc), ơn Chúa càng tự do hoạt động. Nhưng khởi sự bao giờ cũng là chính Chúa hiện diện và hoạt động như lời bà Lely Lemieux nói "ngay từ nhỏ tôi đã cảm nhận tình thương của Chúa. Giờ đây ở tuổi trưởng thành, tôi càng thấy rõ tôi đã hết lòng tin vào sự hiện diện và hành động của Thiên Chúa trong đời tôi".

Thiên Chúa mặc xác phàm nơi lòng Đức Maria do quyền năng tác động của Chúa Thánh Thần: đó là cội nguồn của sự hiện diện và hành động hoàn toàn mới của Thiên Chúa ở giữa loài người. Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy Đức Maria sẵn sàng (c.39) như thế nào để Chúa sử dụng Mẹ trong vai trò hòm bia Giao Ước mới của Thiên Chúa. Rõ ràng cuộc gặp gỡ của hai người mẹ là cơ hội để hai người con gặp nhau. Có thể nói ông Gioan Tẩy Giả bắt đầu thi hành sứ mạng tiền hô bằng động tác nhảy lên trong bụng mẹ (c.41) để giới thiệu vị Thiên Sai Giêsu cũng còn trong dạ mẹ. Hẳn bà Lely Lemieux có lý khi khám phá ra nguồn suối của ơn nhiệt thành tông đồ ngang qua cha mẹ mình khi nói: "Cha mẹ tôi rất quan tâm săn sóc con cái. Tình thương, sự chăm sóc tế nhị và lòng trìu mến của cha mẹ đối với tôi, là món quà tôi không bao giờ quên, cũng không hề giữ riêng lấy cho tôi".

Nhưng mãnh liệt nhất trong nhiệm cục mới của ơn cứu độ là sự hiện diện và hành động của Chúa Thánh Linh. Với biến cố Đức Giêsu được Mẹ Người cưu mang do quyền năng của Chúa Thánh Linh (c.35), Thần Khí của Thiên Chúa sẽ hành động mạnh mẽ nơi các nhân vật khác nữa như bà Isave (c.41), ông Da-ca-ria (c.67) cũng như cụ già Si-mê-on (Lc 2,27). Hiện tượng đó báo hiệu việc Đức Giêsu sau này được tôn vinh. Đó là lúc Thiên Chúa ra tay uy quyền nâng Người lên, trao Người Thánh Thần đã hứa để Người đổ xuống: "Đó là điều anh em đang thấy đang nghe" (Cv 2,33), đó cũng chính là hiện tượng mà bà Lely Lemieux nghiệm thấy khi thăm viếng các tù nhân như chính bà tâm sự: "Tôi không bao giờ biết trước được ai là người tôi sẽ gặp. Tôi hoàn toàn phó thác cho Chúa Thánh Linh qua mỗi cuộc gặp gỡ".

Một số câu hỏi gợi ý

1. Lời tâm sự của bà Lely Lemieux có điều gì đáng chú ý hoặc đánh động bạn chăng?

2. Bạn nghĩ vì lý do gì mà Đức Maria đã vội vã lên đường (c.39)?

Phúc cho Bà là kẻ đã tin
Lm. Bênađô Nguyễn Tiến Huân 01/02/2005

PHÚC CHO BÀ LÀ KẺ ĐÃ TIN

Mk 5,1-4a; Dt 10,5-10; Lc 1,39-45.

Khi Đức Mẹ được Sứ thần Gabriel truyền tin để làm Mẹ Thiên Chúa Ngôi Hai thì Ngài đang sống tại làng Nazareth thuộc xứ Galile, miền bắc nước Do Thái (Lc 1,26). Trong cuộc truyền tin này Sứ thần có cho Đức Mẹ biết một tin quan trọng là bà Elizabeth, chị họ Ngài lâu nay vẫn bị coi là son sẻ và tuy tuổi đã cao mà đã có thai được 6 tháng (Lc 1,36). Lập tức Đức Maria đã vội vã đi thăm người chị họ này ở mãi tận Giuđêa miền nam nước Do Thái (Lc 1,39). Zacaria, chồng bà Elizabeth lúc đó làm Tư tế và vừa hết phiên dâng hương trong đền thờ Giêrusalem (Lc 1,8-9). Con của hai ông bà là Gioan Tiền Hô được ơn khỏi tội nguyên tổ nên nhảy mừng trong lòng mẹ (Lc 1,44). Hai người phụ nữ đặc biệt: Maria Mẹ Thiên Chúa và Elizabeth mẹ Gioan Tiền Hô Chúa Cứu Thế, gặp gỡ nhau. Hai hài nhi trong bụng mẹ: Giêsu Cứu Thế và Gioan Tiền Hô cũng gặp nhau lần đầu tiên trong cuộc đời để rồi sẽ sát cánh nhau trong cuộc cứu chuộc nhân loại mai sau. Thật là một cuộc gặp gỡ lịch sử quan trọng và kỳ ngộ có một không hai trong nhân loại.

Trong cuộc gặp gỡ này, Elizabeth được đầy ơn Thánh Thần đã thốt lên một câu ca tụng Đức Mẹ Maria rất ý nghĩa và thích hợp tuyệt vời: “Phúc cho em là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng em sẽ được thực hiện” (Lc 1,45). Đó còn là một nhận định rất chính xác về con người Đức Maria. Tuy Maria lúc ấy chỉ là một thiếu nữ độ 16 xuân xanh đơn sơ thơ ngây trước ngưỡng cửa của cuộc đời mới lớn. Maria không biết những gì sẽ xảy ra cho đời mình, trong đó có cả những sự việc mà Maria đã nghĩ là không thể xảy ra được như việc ở đồng trinh mà lại sinh con (Lc 1,34). Nhưng Maria có một niềm tin to lớn và trưởng thành: cứ tin vào Thiên Chúa toàn năng đầy thương yêu và quan phòng cho mình mà tuân theo ý Người (Lc 1,38). Khiêm nhường tin tưởng và phó thác cho Chúa đó là con người Maria. Chính vì thế mà Maria đã trở thành vĩ đại “hơn mọi phụ nữ” (Lc 1,42, 49). Maria đã được khỏi tội nguyên tổ, đã được chọn làm Mẹ Thiên Chúa, đã được đồng trinh khi sinh con, đã được đồng công cứu chuộc và đã được hồn xác về trời. Thật đúng Maria có phúc vì “đã tin rằng lời Chúa phán cùng mình sẽ được thực hiện”.

Vì vậy Maria là gương mẫu tuyệt vời của mùa Vọng Giáng Sinh và nhất là của mùa Vọng trông chờ Chúa đến vào lúc chúng ta từ giã cõi đời tạm này.

Lạy Chúa, tuần này con quyết noi gương sống khiêm nhường tin tưởng và phó thác cho Chúa trong mọi sự như Đức Mẹ Maria.

Gương sáng và tình bạn rất cần thiết
Lm Hà Ngọc Đoài 01/02/2005

Lời Chúa: Micah 5:1-4; Heb 10:5-10; Lk 1:39-44

Chủ Đề: Gương sáng và tình bạn rất cần thiết.

Suy Niệm: "Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến thăm tôi.(Lk 1:43). Nỗi vui mừng của bà Elizabeth khi được Đức Mẹ đến thăm nói lên sự quan trọng của tình bạn. Chúa ban cho mỗi người một linh hồn và một thân xác. Đời sống con người được tròn đầy niềm vui và trọn nghĩa hiện sinh khi sinh họat của hồn và xác có những tương quan trong hoà hợp. Một người cho mình là giỏi, rồi tự cao, và rút vào sống trong cô đơn thì đời của họ sẽ khô khan và vô vị. Nếu nhận biết gía trị của tình bạn hữu ở trong cộng đoàn, thì chính ta cũng có cơ hội học hỏi và phát triển những năng khiếu nơi nhau. Nói cách khác, không ai là một sa mạc hay hoang đảo. Mỗi người đều có một tài năng để xây dưng đời sống chung. Những lúc ta gặp khó khăn, là những lúc cần bạn tốt. Nhìn vào lịch sử các thánh Tử Đạo nước Việt Nam chúng ta thấy có nhiều gương sáng đó. Vào thời cấm đạo, các Kitô hữu bị bắt và chịu giam cầm trong tù chung với những người phạm pháp trong xã hội. Các tù nhân, những người tin Đạo cũng như những người chưa tin, đều có những lúc ngã lòng và lo âu cho số phận của mình. Trong trại tù kia, đang lúc nỗi buồn bao phủ ngục thất và thất vọng đang đè nặng trong tâm hồn mọi người, bỗng ngày 29/6/1838, cánh cửa nhà tù bật mở đón nhận thêm một người bị kết án là "tả đạo". Người đó là thầy giảng Phanxicô Xaviê Hà Trọng Mậu. Từ khi có mặt thầy, bầu khí trong tù đổi mới, lòng người hân hoan, nỗi buồn biến thành niềm vui. Trong thời gian tạm trong tù, thầy đã củng cố Đức Tin cho các Kitô hữu và rửa tội cho 14 người.

Cuối cùng thầy đã bị trảm quyết ngày 19/12/1839. Trước lúc hành sự, một quan thương cảm sự can đảm của thầy, liền khuyên thầy nên bước qua Thập Tự để được sống. Nhưng có Chúa là bạn trong tâm hồn, thầy can đảm trả lời : "Bẩm quan lớn, Thiên Chúa là Đấng đáng được mọi người kính mến hết lòng hết sức, dù thế nào tôi cũng chẳng dám chối Chúa mà bước qua Thập Tự." Sự hiện diện của Chúa là nguồn vui và an bình cho thầy và mọi tâm hồn. Chúa là người bạn trung thành tuyệt đối.

Thực Hành: "Này đây con đến để thi hành thánh ý Chúa."(Heb 10:9) Chúa Giêsu đến trần gian để làm theo ý Chúa Cha. Ngài thánh hóa mọi Kitô hữu để tiếp tục công việc cứu độ trần gian. Xin Chúa giúp con luôn là dụng cụ hòa bình của Chúa để là bạn tốt với mọi người.

Đức Mẹ Maria viếng thăm bà Êlisabét
John Nguyễn 01/02/2005

Nghe:

· Mk 5, 1-4a: Phần ngươi, hỡi Bê-lem Ép-phra-ta, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giu-đa, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Ít-ra-el. Nguồn gốc của Người có từ thời trước, từ thuở xa xưa (…) Quyền lực Người sẽ trải rộng ra đến tận cùng cõi đất.

· Dt 10, 5-10: Đức Kitô nói: Hy lễ và hiến tế, lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa đã chẳng ưa, chẳng thích, mà đó chính là những thứ của lễ được dâng tiến theo Lề Luật truyền. Rồi Người nói: Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài. Thế là Người bãi bỏ các lễ tế cũ mà thiếtt lập lễ tế mới.

· TIN MỪNG: Lc 1, 39-45

Đức Maria viếng thăm bà Ê-li-sa-bét

Hồi ấy, Maria vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa. Cô vào nhà ông Dacaria và chào hỏi bà Ê-li-sa-bét. Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng Maria chào thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng: «Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được thân mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em».

Ngẫm:

Câu hỏi gợi ý:

1. Ta học được những gì trong việc Đức Maria thăm viếng bà Ê-li-sa-bét? Thăm viếng có phải là một việc mà tình yêu đòi buộc phải có không?

2. Thăm viếng cũng là dịp đem Chúa đến cho người khác. Nhưng đem Chúa đến cho người mình thăm viếng bằng cách nào?

3. Giữa những hành động cụ thể biểu lộ yêu thương đích thực, và những lễ tế, kinh kệ làm theo thói quen, Thiên Chúa ưa chuộng cái nào?

Suy tư gợi ý:

1. Viếng thăm là một hành động biểu lộ tình thương

Vừa nghe sứ thần truyền tin cho biết bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, Maria liền vội vã lên đường đến thăm bà. Bà Ê-li-sa-bét sống ở miền núi, chắc chắn cuộc hành trình của Maria lên miền núi để thăm người bà con không tránh được mệt nhọc, vất vả.

Chắc chắn việc Đức Maria đến thăm bà Ê-li-sa-bét là do sự thúc đẩy của yêu thương. Ngài không đến thăm thì bà Ê-li-sa-bét chẳng trách Ngài được, lý do là bà ấy đâu biết rằng Ngài biết bà mang thai. Vả lại chính Ngài cũng đang mang thai, mà đường xá lại xa xôi. Chính tình thương đã thúc đẩy Ngài đi, vì Ngài rất giàu tình thương. Và cũng chính vì giàu tình thương mà Ngài xứng đáng làm Mẹ của Đức Giêsu, là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa.

Tình yêu đòi hỏi phải biểu lộ ra, chứ không giữ kín bên trong. Một tình yêu giữ kín, không được biểu lộ thành hành động, không phải là một tình yêu đích thực. Tương tự như lời thánh Giacôbê: «Đức tin không có việc làm là đức tin chết» (Gc 2, 26). Cũng vậy, tình yêu không việc làm, không được biểu lộ là tình yêu chết. Tình yêu phải được biểu lộ ra thành sự quan tâm, chăm sóc, năng tìm cách gặp gỡ người thân, làm cho người thân trở nên tốt đẹp, hạnh phúc hơn. Câu tục ngữ «Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo, thất bát sông cũng lội, cửu thập đèo cũng qua» có nghĩa như thế!

Tình yêu đích thực đòi hỏi phải năng gặp nhau, nhất là những lúc người mình yêu có chuyện vui hoặc buồn. Đức Phật nói: «Yêu mà không được ở gần nhau thì sẽ đau khổ». Tục ngữ có câu: «Nhất nhật bất kiến như tam thu hề!». Vì thế, đi thăm viếng nhau là đòi hỏi của tình yêu đích thực, là biểu lộ sự quan tâm đến nhau. Vì thế, chúng ta hãy năng thăm viếng những người chúng ta yêu mến. Mà đã là người Kitô hữu, tất nhiên chúng ta có rất nhiều người mình phải yêu mến, nhất là những người lâm cảnh đau khổ, túng thiếu, những người lâm vào thế kẹt, những người cần chúng ta tới thăm viếng hơn cả. Trong gia đình tự nhiên cũng như trong Gia đình Khôi Bình, đến thăm nhau là một cách tuyệt vời để biểu lộ tính gia đình, tình huynh đệ, tình yêu thương của Kitô giáo.

2. Đến thăm để đem Chúa đến cho người mình thương

Khi Đức Maria đến thăm bà Ê-li-sa-bét, thì Ngài cũng đem Chúa đến cho bà ấy. Nhờ Đức Maria mang Chúa đến, nên không chỉ bà Ê-li-sa-bét vui mừng, mà hài nhi trong bụng bà cũng vui theo, đến nỗi phải «nhảy lên» trong bụng mẹ. Và chắc chắn cũng chính vì Đức Maria mang Chúa đến, mà niềm vui của bà Ê-li-sa-bét và hài nhi mới tăng lên một cách lạ thường như thế. Sự hiện diện của Đức Maria cùng với bào thai Giêsu còn biến đổi hai mẹ con bà Ê-li-sa-bét, khiến hai người được tràn đầy Thánh Thần, và nhận ra được sự hiện diện của Thiên Chúa nơi Đức Maria, đồng thời tin vào Thiên Chúa vững mạnh hơn.

Đến thăm không chỉ là một phương cách biểu lộ tình yêu, nói lên sự quan tâm, mà còn là một dịp thuận lợi để đem Chúa đến cho người mình thăm viếng. Nhờ ta đem Chúa đến, mà niềm vui của người được thăm tăng lên gấp bội, và họ nhận lãnh được Thánh Thần nhờ sự hiện diện của Chúa do ta mang đến. Chính Thánh Thần của Chúa trong ta sẽ thánh hóa, biến đổi họ nên tốt lành, thánh thiện, chứ không phải ta.

Đem Chúa đến cho người mình thăm viếng, không có nghĩa là mình nói thật nhiều thật hay về Chúa cho họ nghe. Rất nhiều người nói về Chúa rất nhiều rất hay, nhưng thật sự không mang Chúa trong mình. Chúa là tình thương, mình chỉ mang Chúa đến cho họ, khi chính mình yêu thương họ thật sự, bằng một tình yêu chân thực. Đức Maria có nói gì về Chúa với bà Ê-li-sa-bét đâu! Mình chỉ mang Chúa đến cho họ, khi mình đến với họ với ý muốn làm hiện thân của Chúa.

3. Hãy là hiện thân của Chúa khi đi thăm viếng

Thiên Chúa vì yêu thương nhân loại vô cùng, nên Ngài đã đến với con người trong lịch sử, cách đây 2000 năm, để cứu độ và đem hạnh phúc đến cho mọi người, cho từng người. Khi còn tại thế, Ngài đã đến thăm nhiều người, săn sóc nhiều người, cải hóa nhiều người, biểu lộ tình yêu thương cho nhiều người. Nhưng vì nhập thể làm người, Ngài bị giới hạn trong không gian và thời gian, Ngài chỉ sống tại thế có 33 năm, chỉ quanh quẩn trong đất nước Do Thái, và chỉ có thể tiếp xúc được với một số rất ít người. Nhưng tình yêu vô biên phổ quát của Ngài khiến Ngài muốn tiếp xúc với tất cả mọi người trên trần gian, để phục vụ, săn sóc họ, từng người một. Ngài không thể làm điều đó bằng chính thân xác của Ngài. Vì thế, Ngài muốn nhờ chính chúng ta làm điều ấy. Ngài muốn trở thành chính bản thân chúng ta để làm những công việc ấy, và chúng ta có thể giúp Ngài được toại nguyện ý đó.

Ngài muốn dùng chính bản thân chúng ta để thăm viếng những người chúng ta quen biết, yêu thương. Ngài muốn an ủi, vỗ về, khuyến khích, khuyên lơn, cảnh tỉnh họ bằng miệng lưỡi của ta. Ngài muốn săn sóc, làm việc phục vụ họ bằng chính bàn tay của ta. Ngài muốn yêu thương họ bằng chính trái tim của ta. Ngài muốn quan tâm tới họ bằng chính tâm trí của ta. Qua ta, Ngài muốn biểu lộ tình thương vô biên của Ngài cho họ. Muốn thế, Ngài mong muốn ta trở thành hiện thân của yêu thương, thứ yêu thương bằng hành động chứ không phải chỉ bằng lời nói. Ta có là hiện thân của tình thương, thì ta mới trở nên hiện thân của Ngài. Và chính lúc ấy, ý muốn của Ngài là yêu thương phục vụ họ mới được thỏa mãn hoàn toàn.

Vấn đề là ta có muốn trở nên hiện thân của Ngài hay không. Ngài không bao giờ muốn ép buộc ta, thúc bách ta, nhưng luôn luôn mời gọi ta. Ta có nghe thấy tiếng Ngài mời gọi không? Nếu có, hãy đáp lại lời mời ấy một cách quảng đại. Đó là cách chứng tỏ cụ thể nhất rằng ta yêu mến Ngài. Yêu mến Ngài thì phải yêu thương giống như Ngài, chứ không phải yêu Ngài bằng cách dâng lên Ngài thật nhiều thánh lễ, đọc thật nhiều kinh kệ, và quỳ hàng giờ trước nhà tạm. Nếu ta yêu Ngài thật sự, thì hãy yêu Ngài, phục vụ Ngài trong những người anh chị em gần gũi ta.

Ngài đã chẳng từng nói: «Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! Lạy Chúa!” là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ những ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời mới được vào mà thôi!» (Mt 7,21). Mà ý muốn của Thiên Chúa là: «Thầy ban cho anh em một điều răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em» (Ga 13,34). Về việc dâng quá nhiều lễ tế, đọc kinh kệ quá nhiều mà thiếu lòng yêu thương nhau, Thiên Chúa đã dùng miệng ngôn sứ Isaia để nói lên sự chán ngấy của Ngài: «Ngần ấy hy lễ của các ngươi, đối với Ta nào nghĩa lý gì? Lễ toàn thiêu chiên cừu, mỡ bò mập, Ta đã ngấy (…) Thôi đừng đem những lễ vật vô ích ấy đến nữa. Ta ghê tởm khói hương, ta chịu không nổi những ngày đầu tháng, những ngày sabát, ngày đại lễ, không chịu nổi những người cứ phạm tội ác rồi lại cứ lễ lạc linh đình (…) Khi các ngươi dang tay cầu nguyện, Ta bịt mắt không nhìn, vì tay các ngươi đầy những máu…» (Is 1,11-15; xem bài đọc 2 được nêu ở trên). Chỉ có tình yêu đích thực mới làm Chúa hài lòng!

Cầu Nguyện:

Lạy Chúa, xin giúp con trở thành hiện thân của Chúa để giúp Chúa phục vụ mọi người qua chính bản thân của con. Xin cho con biết quan tâm đến niềm vui, nỗi khổ, và nhu cầu của từng người sống chung quanh con. Xin giúp con biết hy sinh thì giờ cho dù rất quí báu của con để năng đến gặp gỡ họ, thăm viếng họ, hầu nhờ đó thông cảm được những nỗi vui buồn và nhu cầu của họ. Xin giúp con biết sẵn sàng chia vui sẻ buồn và tìm mọi cách để thỏa mãn những nhu cầu chính đáng của họ. Amen.

 

Em thật có phúc, vì đã tin. . .(Lc 1; 45 ). 

      Những ngày mong đợi Lễ Giáng Sinh đã thu ngắn lại. Chỉ hai ngày nữa thôi, cả nhân lọai này sẽ hân hoan  mừng kỷ niệm ngày Chúa Giáng trần. Trên khắp các nước, nhất là phương tây, người ta đang đổ xô đến các siêu thị, cửa hàng để mua sắm, để chuẩn bị cho ngày lễ hội. Nhiều cuộc vui chơi được chào mời, nhiều áp phích, clip quảng cáo được xuất hiện hứa hẹn nhiều chương trình giải trí qui mô, ăn khách. Thiên hạ chuẩn bị cho ngày Noel là thế. Còn Giáo hội của Đức Kitô lại giới thiệu cho con một hình ảnh Đức Maria, Người sẽ được gọi là Mẹ Đấng Cứu thế, sống mùa Vọng . 

     Bài Tin Mừng Chúa nhật thứ tư Mùa Vọng tường thuật việc Mẹ Maria, đang lúc mang thai Chúa Giêsu đã đến thăm và ở lại giúp đỡ bà ISAVE, người chị họ cũng đang mang thai nhưng xem ra mệt mỏi nhiều hơn do lớn tuổi. Cả hai đều vui mừng gặp nhau, một già một trẻ ôm lấy nhau mừng rỡ, Thâm chí niềm vui ấy lây cả sang thai nhi trong lòng người chị họ, khiến thai nhi cũng nhảy lên vui mừng. Chính vì thế mẹ xứng đáng nhận lời  chúc phúc từ bà ISAVE :” Em thật có phúc vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em “ Con chợt nhớ đến một truyện ký trên tờ báo Tuổi trẻ Chủ nhật  chục năm trước đây, nhà văn Võ Hồng khi còn sinh sống tại Thành phố Nha Trang, nhớ về người vợ mình đã quá vãng, ông kể: “ Một  lần kia, vợ tôi sai con sang nhà hàng xóm, nơi chúng tôi về cư ngụ chưa bao lâu để mượn chiếc cối xay tiêu. Tôi thật ngạc nhiên vì ở nhà không thiếu thứ này, bèn hỏi lại bà cho rõ. Nhưng vợ tôi nhắc khéo:- Đúng là nhà mình cũng có, nhưng đã là hàng xóm với nhau thì phải chạy qua chạy lại với nhau. Nay tôi nói con sang mượn chiếc cối xay tiêu cũng là cái cớ để mai tôi sang trả, thế là mình được dịp làm quen với họ, như thế là cả hai nhà  biết nhau, vui buồn có nhau”. 

     Cũng trong tác phẩm” Đức Kitô hẹn gặp tôi “ của Linh Mục  Michel Quoist,  Cha  kể về một gia đình có người vợ tốt bụng chuyên đi chợ, mua giùm đồ ăn cho mấy bà hàng xóm. Một hôm ông chồng nói với vợ mình: “Sao bà không nhờ bà hàng xóm đi chợ lấy một lần, lấy cớ là hơi bị mệt; chắc chắn bà ấy sẽ nhận lời. Như thế là để hàng xóm mình cũng có dịp làm việc tốt chứ! Không lẽ chỉ mình mình biết làm việc tốt ? “Cha kết luận, nhiều khi chúng ta muốn tốt, muốn nên trọn lành như Cha trên trời nhưng chỉ một mình, mà quên rằng Chúa đến trần gian để mong muốn mọi người đều trở nên trọn lành . 

      Lạy Chúa, 

     Chúa đến trần gian và trở thành con người như con đây. Người sống thân phận con người để nâng con người lên địa vị như Chúa, đó là Con Thiên Chúa. Để có được điều ấy, con phải học theo  Chúa, là phải trở thành người như Chúa đã làm người. Đức Maria một mẫu gương tuyệt vời, Mẹ chờ mong Chúa với bổn phận một con người. Có Chúa trong lòng, mẹ sẵn sàng chia sẻ niềm vui ấy đến với người khác, sẵn sàng mở lòng đi đến, phục vụ người khác trong khiêm nhường, trong hân hoan. 

      Xin cho hình ảnh Đức Maria đến thăm Bà ISAVE luôn thúc đẩy con phải biết đem niềm vui đến những người đang sống bên con, nhất là những người bất hạnh, nghèo khó. Giúp đỡ họ, sẵn sàng phục vụ vô vị lợi trong khả năng của con, đó chính là giới thiệu Chúa cho người khác. Một Đức Giêsu “Đến trần gian để cứu độ trần gian “. AMEN. 

   Fx Đỗ Công Minh .

Chúa Nhật IV Mùa Vọng Năm C (Dec. 23rd  2012)
 
Cùng Vui Với Mẹ 
 
 
Trong bài Tin Mừng của Chúa Nhật thứ tư mùa Vọng hôm nay và cũng là Chúa Nhật cuối cùng trước Lễ Giáng Sinh, Hội Thánh đặt trước mắt chúng ta hình ảnh Mẹ Maria đi thăm viếng Bà Êlizabeth mùa Vọng, như mẫu gương đức tin tuyệt hảo để chúng ta chiêm ngắm và noi theo; nhờ đó, chúng ta cũng được chia sẻ niềm vui linh thánh của Mẹ trong dịp đón mừng Đại Lễ Giáng Sinh cũng như trong suốt đời sống đức tin. 
 
Để chúng ta có thể có tầm nhìn sâu rộng hơn về niềm vui lớn lao nơi tâm hồn Mẹ Maria, chúng ta không dừng lại ở trình thuật Đức Mẹ thăm viếng Bà Êlizabeth, nhưng ở đây chúng ta sẽ cùng học theo Chân Phước Têrêsa Calcutta chiêm ngắm và chia sẻ các niềm vui của Mẹ nơi cả năm mầu nhiệm mùa vui của Kinh Mân Côi. Theo Mẹ Têrêsa Calcutta, khi chúng ta suy ngắm các mầu nhiệm Kinh Mân Côi là lúc chúng ta cùng chiêm ngắm Chúa Giêsu với đôi mắt của Đức Mẹ và yêu mến Chúa Giêsu với trái tim của Đức Mẹ. Đó là cách thức yêu mến Chúa tuyệt hảo, vì không ai hiểu biết, yêu mến và kết hợp với Chúa Giêsu cách tuyệt hảo hơn Đức Mẹ.
 
Trước hết, trong trình thuật thiên thần truyền tin cho Đức Mẹ, Mẹ đã đón nhận niềm vui Thiên Chúa ban tặng cho Mẹ qua hai tiếng “Xin Vâng”. Nhờ ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần, Mẹ đã vui mừng đón nhận, tìm hiểu, yêu mến và đem hết tâm hồn và cả cuộc sống để vâng phục Thánh Ý Chúa thể hiện qua Lời Chúa do thiên thần chuyển đến cho Mẹ. Tinh thần vâng phục thánh ý Chúa của Mẹ ở đây đã làm cho Mẹ hoàn toàn nên một tinh thần với Chúa Giêsu Con Mẹ, Đấng khi nhập thể trong lòng Mẹ đã tuyên ngôn: “Chúa đã không muốn của hy tế và của lễ hiến dâng, nhưng đã tạo nên cho tôi một thể xác. Chúa không nhận của lễ toàn thiêu và của lễ đền tội. Nên tôi mới nói: Lạy Chúa, này con đến để thi hành thánh ý Chúa”, như tác giả Thư Gửi Tín Hữu Do Thái ghi nhận trong Phụng Vụ hôm nay (Dt 10:5-7). 
 
Tinh thần vui lòng vâng phục thánh ý Chúa chính quy luật duy nhất trong đời sống của chính Chúa Giêsu và Mẹ Maria, cũng như tất cả các thánh. Đó là lý do Thánh Giêrađô Majella đã luôn sống theo tâm niệm: “Thánh ý Chúa là niềm vui của đời con, con muốn điều Chúa muốn, muốn như Chúa muốn, muốn khi Chúa muốn và muốn vì Chúa muốn.” Vì vậy, chúng ta chỉ có thể có được niềm vui linh thánh khi biết noi gương Chúa Giêsu và Mẹ Maria để hết lòng vâng phục thánh ý Chúa qua việc chuyên chăm đọc, nghe, ghi nhớ, suy niệm và thực hành Lời Chúa và giáo huấn của Hội Thánh. 
 
Thứ hai, nơi trình thuật Đức Mẹ khi thăm viếng Bà Êlizabeth, niềm vui hay hạnh phúc của Mẹ được gói trọn trong lời chúc tụng của Bà Êlizabeth khi được chính Chúa Thánh Thần hướng dẫn: “Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện” (Lc 1:45). Mức độ hạnh phúc đích thực của chúng ta được đo lường bằng mức độ của đức tin sống bởi lòng mến nơi chúng ta. Vì vậy, tất cả cố gắng kiếm tìm hạnh phúc và niềm vui đích thực là cùng đích cuộc sống của chúng ta phải hướng tới việc gìn giữ, canh tân và phát triển lòng tin và tình yêu của chúng ta đối với Chúa. Chính nhờ đức tin sống động này mà chúng ta được kết hợp với Chúa là nguồn Chân-Thiện-Mỹ, là nguồn vui, nguồn hạnh phúc của chúng ta; nhờ đó, chúng ta sẽ được vui mừng. 
 
Thứ ba, nơi trình thuật Giáng Sinh với hình ảnh Mẹ Maria chìm đắm trong việc chiếm ngắm thờ lạy Chúa Giêsu Hài Đồng, chúng ta thấy niềm vui của Mẹ là được thờ lạy Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu, Ngôi Lời Nhập Thể do chính Mẹ sinh ra. Với đức tin sống động, chúng ta ngày nay cũng được chia sẻ niềm vui của Mẹ khi chiêm ngắm thờ lạy cùng một Chúa Giêsu thực sự hiện diện nơi Bí Tích Thánh Thể. Chúng ta chỉ có được niềm vui này khi chúng ta thực sự tin nhận Chúa Kitô và sống theo ơn Chúa Thánh Thần. Vì chính Chúa Giêsu đã tuyên bố: “những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong Thần Khí và sự thật” (Ga 4:23).
 
Thứ tư, nơi trình thuật Đức Mẹ theo luật Môsê tiến dâng Chúa Giêsu trong Đền Thờ, chúng ta thấy niềm vui của Mẹ được diễn tả qua việc Mẹ vui lòng hiến dâng Chúa Giêsu đúng theo luật Chúa. Lời ngôn sứ Simêon cho biết một lưỡi gươm sẽ đâm thâu lòng Mẹ báo trước việc Mẹ sẽ phải đón nhận nỗi thương đau vô tận khi phải hy sinh Con Một yêu quý của Mẹ làm Của Lễ Chuộc Tội cho nhân loại trên Đồi Canvê sau này. Ở đây Mẹ cho chúng ta thấy niềm vui đích thực phải là hoa trái của tình yêu đòi hỏi sự quảng đại dâng hiến và hy sinh bỏ mình trọn vẹn. 
 
Cuối cùng, nơi trình thuật Đức Mẹ tìm lại Chúa Giêsu trong Đền Thờ sau ba ngày “mất Chúa”, niềm vui của Mẹ ở đây như báo trước niềm vui Mẹ sẽ đón nhận khi gặp Chúa Giêsu Phục Sinh sau này. Niềm vui ơn cứu độ đã được Thiên Chúa ban tặng cho nhân loại, cho những ai bền đỗ đến cùng trong niềm tin, cho những ai biết đón nhận ơn cứu độ qua việc tìm lại Chúa sau khi “mất Chúa” vì tội lỗi bằng thái độ khiêm nhường sám hối và tin vào Lòng Thương Xót Chúa. Chúng ta sẽ góp phần làm canh tân và gia tăng niềm vui này của Mẹ khi chúng ta cố gắng bền đỗ và thăng tiến trong đời sống đức tin, mỗi khi chúng ta sám hối trở về cùng Chúa sau mỗi lần lìa xa Chúa vì tội lỗi, mỗi khi chúng ta góp phần giúp anh chị em chúng ta tìm gặp Chúa hay trở về với Chúa.
 
Chỉ còn ít ngày nữa chúng ta sẽ cử hành Đại Lễ Giáng Sinh-Đại Lễ của Ánh Sáng đem lại Sự Sống và Niềm Vui. Chúng ta hãy cùng Đức Mẹ dọn lòng mừng lễ  với tinh thần quyết tâm thực thi thánh ý Chúa qua việc chuyên chăm đọc, nghe, ghi nhớ, suy gẫm và thực hành Lời Chúa; nỗ lực sống đức tin qua việc cầu nguyện liên lỉ;  khao khát tìm đến thờ lạy và kết hợp với Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể; quảng đại trong việc thực hành việc hy sinh hãm mình và yêu thương phục vụ tha nhân; và trung tín trong bổn phận hàng ngày và thành tâm sám hối sau mỗi lần sa ngã phạm tội. Được như thế, niềm vui của mùa Giáng Sinh sắp tới sẽ thật trọn vẹn và sẽ mãi lớn lên trong cuộc đời chúng ta. 
 
Và rồi cũng như Mẹ Maria đã đem sự hiện diện Chúa ngự trong Mẹ đến cho gia đình Thánh Gioan Tiền Hô, chúng ta sẽ trở thành những con người biết trao tặng niềm vui có Chúa cho tha nhân.
 
Lạy Mẹ Maria là Mẹ của tình yêu mỹ diệu và niềm vui linh thánh, xin Mẹ cho chúng con biết tìm được niềm vui linh thánh qua việc thực tâm yêu mến và thực thi thánh ý Chúa, và quên mình để mưu tìm hạnh phúc cho tha nhân. Amen.
 

 Lm Phạm Quốc Hưng

 

SUY NIỆM TIN MỪNG CHỦ NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM C

(Lc. 1, 39-45) 

PHẦN MỀM ĐÁNG NGUYỀN RỦA 

Có một định nghĩa về máy vi tính mà tôi rất lấy làm tâm đắc: “Máy vi tính gồm 2 phần: phần cứng là phần có thể thay thế, còn phần mềm là phần chỉ có thể… nguyền rủa!” Thật vậy, làm bạn với máy vi tính mười mấy năm nay, tôi không nhớ đã “nguyền rủa” nó bao nhiêu lần: khi thì lổ hổng trong hệ điều hành, khi thì virus “đớp” mất một vài files hệ thống, khi thì xung đột giữa 2 phần mềm ứng dụng… Tôi thường khâm phục các programers vì họ biết thiết lập các chương trình riêng để ứng phó đối với những lỗi hệ thống. Vậy mà, tôi cũng từng chứng kiến nhiều programers… vò đầu bứt tai! Biết là vậy, thế mà không ai có thể loại trừ máy vi tính khỏi cuộc sống hiện nay. Thậm chí, nhiều người còn không thể tưởng tượng nổi một cuộc sống thiếu… máy vi tính! 

Trong đời sống thực tế cũng tương tự, người ta cố chạy đua để “lập trình” cho mình một cuộc sống hoàn hảo: 

  • Chọn cho mình một trường Đại Học thật “hot” để ra trường dễ kiếm việc.
  • Ra trường rồi, phải “chạy chỗ” để có cái job dễ hái ra tiền.
  • Lập gia đình phải chọn ý trung nhân thuộc loại thành đạt hoặc “con ông cháu cha” để bảo đảm tương lai.
  • Lên kế hoạch đi du lịch đây đó để “thỏa chí tang bồng” trước khi… vướng bận con cái.
  • Lập biểu đồ dinh dưỡng để con cái phải thông minh và cao lớn.
  • Đầu tư giáo dục sao cho con cái phải trở thành thần đồng.
  • Tính toán sao cho cuộc sống phải được bảo đảm bằng các thứ bảo hiểm, tài khoản hoặc cổ tức, cổ phiếu…
  • Chuẩn bị hẳn một trang trại để vui thú điền viên lúc tuổi già…

Tôi cũng rất khâm phục những người này, họ sắp xếp từng li từng tí cho nẻo đời của họ không sai chạy mảy may. Thế rồi, một biến cố xảy ra! Không ít người đã lâm vào nỗi chán chường, tuyệt vọng… Thỉnh thoảng, chúng ta lại được nghe một tin nóng hổi: diễn viên này, ca sĩ nọ, đại gia kia… tự vẫn. Mới đây là một giám đốc đài truyền hình tự treo cổ khi con gái (cũng đang làm trong Đài truyền hình này) bị bắt để điều tra về vụ “lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản”. Thì ra, chương trình tôi lập ra “hoàn hảo” quá nên khi bị một lực nào đó tác động vào, chắc chắn nó sẽ… gây nên sự cố! Còn những chương trình “chập chờn” có khi lại đón nhận những tác động đó như một Ân sủng. 

Đức Maria chắc không hề có một “chương trình hoàn hảo” cho riêng mình, Mẹ cũng từng ước ao được dâng mình cho Chúa nhưng bằng cách nào thì có lẽ chưa mường tượng ra được. Mẹ luôn trông chờ Chúa tác động vào cuộc đời của Mẹ. Chỉ có luôn sống với tâm trạng đó Mẹ mới sẵn sàng thốt lên: “Xin hãy làm mọi sự cho tôi như lời sứ thần truyền”. Ở cái thời mà tội ngoại tình còn bị ném đá đến chết thì một thiếu nữ chấp nhận mang thai khi chỉ mới đính hôn quả là một sự can đảm và phó thác vô điều kiện. Hẳn Mẹ cũng thấy được những khó khăn thử thách đang chờ đón Mẹ ở phía trước, nhưng Mẹ vẫn sẵn sàng đón nhận như một Hồng Ân mà không hề có chút miễn cưỡng, bởi vì ngay sau đó, mẹ đã cất tiếng ngợi khen Chúa bằng lời kinh Magnificat: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa… vì Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những điều cao cả.” (Lc. 1, 46b. 49a.) 

Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người. Lạy Chúa, dầu qua thung lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. (Tv. 23, 3-4) Tôi có anh bạn thường sáng tác nhạc Thánh Ca, anh thích dùng từ “Chúa dìu con” hơn là “Chúa dẫn dắt con”. Vì theo anh, chữ “dìu” nghe nhẹ nhàng và không mang tính áp đặt như “dẫn” hay “dắt”, và vì “Chúa dìu” nên chỉ cần ta hơi miễn cưỡng một chút là đã nằm ngoài tầm tay của Chúa rồi! Vì vậy, chúng ta phải luôn sống trong tâm thế buông lỏng để được Chúa “dìu” đi trên đường ngay nẻo chính như Chúa đã “dìu” Mẹ Maria đi trong ân sủng. Nhờ vậy mà Mẹ được tôn vinh là “Đấng đầy ân phúc” như trong phần đầu kinh Kính mừng mà chúng ta vẫn đọc. Nguồn gốc ân phúc ấy phát xuất từ chính Đức Tin của Mẹ như lời bà Ysave đã chào mừng Mẹ: “Phúc cho Em vì đã tin rằng lời Chúa phán cùng Em sẽ được thực hiện.” (Lc.1, 45)  

Lời Chúa phán cùng tôi có chắc sẽ được thực hiện như bản “lập trình” của tôi?   

  • Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng (Mt. 12, 28-30) Nghe thật êm ái, du dương, thơ mộng! Nhưng thôi, một chuyến du lịch cho đầu óc thư giãn vẫn thiết thực hơn. 
  • Vì vậy Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao? Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao? Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay? (Mt. 6, 25-27) Cũng hay đấy, cũng đẹp đấy! Nhưng nghe như chuyện “trời sinh voi, trời sinh cỏ”. Liệu cỏ có mọc kịp cho voi ăn không? Thủ thân cho yên tâm! 
  • Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở ra cho. Có người nào trong anh em, khi con mình xin cái bánh, mà lại cho nó hòn đá? Hoặc nó xin con cá, mà lại cho nó con rắn? Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha anh em, Đấng ngự trên trời, lại không ban những của tốt lành cho những kẻ kêu xin Người sao? (Mt. 7, 7-11) Không dám đâu! Tôi chưa nghe nói ai nhờ cầu nguyện mà có được ti-vi, tủ lạnh, nhà lầu, xe hơi cả... Thôi, tự kiếm tiền mà sắm cho chắc! 
  • Và phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội và còn được sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp. (Mt. 20, 29) Tôi cũng chưa thấy ai trung thành theo Chúa mà… giàu! Sự sống vắn vỏi đời này còn chưa có thì nói gì “sự sống vĩnh cửu”! 

Tôi đành làm người “vô phúc” vì không dám tin Lời Chúa phán cùng tôi được thực hiện, chứ không dám “liều mạng” như Mẹ Maria. Tôi cũng lựa chọn những điều như bất cứ người vô thần nào lựa chọn. Tôi bám vào “phần mềm” của đời tôi để thỉnh thoảng lại… “nguyền rủa” vì tôi chẳng biết tin vào cái gì! Thỉnh thoảng một “hộp thoại” hiện ra, tôi “vò đầu bứt tai” không biết nên “Yes”, “No” hay “Cancel”… Chẳng có gì bảo đảm rằng tôi sẽ không còn bị hành hạ bởi cái program đáng nguyền rủa này! Chương trình quét virus bản quyền của tôi bỗng chốc trở thành vô dụng. Nó còn ngớ ngẩn nhận nhầm file .exe của tôi là virus nữa chứ! Tôi chưa cảm nhận được làm Người Diễm Phúc như Mẹ Maria sung sướng dường bao nhưng tôi đã thấm thía nỗi niềm của kẻ “vô phúc”… 

Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin chúc tụng Chúa vì đã đem Lời Hằng Sống xuống thế gian. Khốn nỗi, Lời Chúa chưa sinh ơn ích gì cho chúng con chỉ vì chúng con còn quá cứng lòng. Xin Chúa khấng ban Ơn Đức Tin cho chúng con, để cho dù Đức Tin chúng con chỉ nhỏ bé như hạt cải, chúng con cũng dũng cảm tin rằng lời Chúa phán cùng chúng con sẽ được thực hiện, và chúng con sẽ được chung chia diễm phúc với Mẹ Maria là thầy dạy Đức Tin cho chúng con. Amen.

Piô X Lê Hồng Bảo 2012.

 

 CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG - NĂM C

Mk 5,1-4a ; Dt 10,5-10 ; Lc 1,39-45

ƠN CỨU ĐỘ LÀM CHO CON NGƯỜI

TRỞ THÀNH MẸ THIÊN CHÚA 

            Nền tảng ơn Chúa cứu độ ban cho loài người dựa trên Lời Chúa và các Bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể. lễ Giáng Sinh là ngày Chúa Cha ban trọn ơn cứu độ cho loài người trong Con Một Người. Nội trong cuối tuần này, biến cố trọng đại ấy lại được thực hiện. Do đó Phụng vụ hôm nay nhấn mạnh và đề cao giá trị Giao ước mới và lễ tế mới của Tân ước, được Đức Maria diễn tả bằng chính đời sống của Mẹ. 

I. ĐỨC MARIA LÀ HÒM BIA GHI GIAO ƯỚC MỚI. 

            Ta biết hai bia Giao ước cũ Thiên Chúa trao cho ông Môsê để ban lại cho dân đã bị mất tích vào thời lưu đày Babylon. Sau 40 năm lưu đày, dù đền thờ Giêrusalem được tái thiết lại, nhưng đền thờ thứ hai này chỉ là nơi cho dân đến cầu nguyện và dâng của lễ chiên cừu lên Thiên Chúa, chứ không còn là nhà cho Hòm Bia Thiên Chúa ngự như đền thờ do vua Salômôn xây trước đây ! 

            Vì thế vào thời Tân ước, Lời Chúa được Thánh Thần ghi trên xương thịt và linh hồn của Đức Maria (x 2 Cr 3,3), nay được ban lại cho dân không phải như vua Đavid xưa đặt Hòm Bia trong cung điện của mình, mà “Bia Ma-ri-a” đặt tại nhà tư tế Dacarya. Tác giả Tin Mừng Luca quả quyết như vậy vì việc Đức Maria từ Nadareth đến nhà ông Dacarya ở Giuđa rất giống việc vua Đavid kiệu Hòm Bia về cung điện của ông ở Giuđa. 

2 Sm 6

 

  • Vua Đavid kiệu Khám Giao Ước lên miền núi Giuđê-a.    (c 2)
  • Vua Đavid và toàn dân nhảy mừng trước Khám Giao Ước Thiên Chúa.   (c 5a)
  • Vua Đavid và toàn dân lớn tiếng tung hô. (c 5b)
  • Hòm Bia được rước vào nhà ông Ôbétêđom. (c 11)
  • Hòm Bia đem phúc lành cho gia đình ông Ôbétêđom.  (c 12)
  • Hòm Bia ở lại nhà ông Ôbétêđom ba tháng, sau đó vua Đavid rước Hòm Bia lên Giêrusalem (c 12)
  • Vua Đavid kêu lên : “Làm sao Khám của Chúa đến nhà tôi ?”  (c 9)
  • Vua Đavid chưa dám rước Hòm Bia về nhà.
  • Vua Đavid gọi : Hòm Bia của Chúa tôi.

Lc 1.2

 

  1. Đức Maria mang thai Chúa Giêsu, Ngài đi         lên miền Giuđêa. (c 39)
  2. Hài nhi trong bụng bà Êlysabeth nhảy mừng trước Mẹ Thiên Chúa.  (c 41)
  3. Vợ chồng ông Dacarya, cả hài nhi đều reo vui. (c 42)
  4. Đức Maria được rước vào nhà ông Dacarya. (c. 40)
  5. Đức Maria đem phúc lành cho gia đình ông Dacarya. (c 40-44)
  6. Đức Maria ở nhà ông Dacarya ba tháng, sau đó Mẹ trở về quê, sáu tháng sau Mẹ mới đem Hài Nhi lên Giêrusalem (x Lc 1,56 ; 2,12)
  7. Bà Êlysabeth kêu lên : “Bởi đâu tôi được thế này là Mẹ Chúa đến nhà tôi !” (c 43)
  8. Bà Êlysabeth được Mẹ Thiên Chúa vào nhà.
  9. Bà Êlysabeth gọi : Mẹ của Chúa tôi.

 

             Vậy điểm Giáo Lý thứ nhất ta phải thực hành hôm nay là siêng năng dự Lễ, khao khát được nghe Lời Chúa, để Hội Thánh là Mẹ đặt Lời Chúa vào tâm hồn ta (x 2Cr 3,3). Có thế ta mới giống Đức Maria là “Hòm Bia Thiên Chúa”, để ta ở đâu phúc lành Chúa xuống nơi đó như Hòm Bia Thiên Chúa đặt ở nhà ông Ôbétêđom. 

            Đặc biệt là lời bà Êlysabeth tung hô Đức Mẹ cũng chính là lời của ông Ôzia (tướng quân Do Thái) đã ca tụng bà Giuđích, sau khi bà đã dùng mỹ nhân kế giết được tướng của quân địch để giải phóng cho dân tộc đang lâm vào cảnh tuyệt vọng, trước sự dũng mãnh của quân địch đang vây hãm! (x sách Giuđích) 

            * Gd 13,18-19 : “Bà được Thiên Chúa chúc phúc hơn mọi người nữ trên mặt đất, và Thiên Chúa được chúc tụng.” 

            * Lc 1,42 : “Bà được chúc phúc hơn mọi người nữ (trên mặt đất) và Con lòng Bà được chúc tụng.” 

            Ta còn biết Đức Maria là khuôn mẫu của Hội Thánh Chúa Kitô, nhờ Lời Chúa mà Đức Maria sinh “CON ĐẤNG TỐI CAO” (x Lc 1,32) – Đức Kitô – là Đầu Hội Thánh ; thì Hội Thánh cũng nhờ Lời Chúa mà sinh “các con của Đấng Tối Cao” (x Lc 6,35) – các Ki-tô hữu – là chi thể trong Thân  Mình Mầu Nhiệm của Chúa Giêsu Kitô. Vì thế ngôn sứ Mikha nói : Vào thời “Đẻ” sẽ sinh con, cũng là thời chấm dứt nô lệ, Chúa sẽ nên lớn lao đến mút cùng mặt đất, vì Ngài chăn dắt chúng, cho chúng được an cư, bởi Ngài chính là sự bình an ! (x Mk 5,2-3 : Bài đọc I – bản dịch NTT). 

     II. ĐỨC MARIA KHAI MÀO CHO LỄ TẾ CỦA TÂN ƯỚC. 

            Ta hãy so sánh lễ tế của Cựu ước với lễ tế của Đức Maria : 

CỰU ƯỚC

 

a- Đóng khung trong đền thờ phục vụ Thiên Chúa.

b- Dâng chiên bò, dâng vật gì ngoài con người.

 

c- Tư tế và của lễ khác nhau: Tư tế là người, của lễ là vật. 

 

ĐỨC MARIA

 

a* Đến nhà ông Dacarya phục vụ người.

 

b* Mẹ dâng chính bản thân để phục vụ gia đình này.

c* Tư tế và của lễ là một: Tư tế và của lễ chính là Giêsu trong lòng Mẹ.

 

 

            Như thế Đức Maria đã khai mào lễ tế mới của Tân Ước, đúng như lời thánh Phaolô đã nói về những kẻ được Chúa cứu độ, được đồng hiến tế với Đức Kitô : “Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ tồn thiêu và lễ xá tội.… Rồi Người nói: Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài. Thế là Người bãi bỏ các lễ tế cũ mà thiết lập lễ tế mới. Theo ý đó, chúng ta được thánh hoá nhờ Đức Giê-su Ki-tô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế, chỉ một lần là đủ.” (Dt 10, 5-10 : Bài đọc II). 

Thi hành ý Chúa để trở nên cùng một Hy Tế với Ngài, chính là đoán ý để phục vụ. Trong Tin Mừng hai lần ghi Mẹ Maria đoán ý để phục vụ : Trước nhất là phải đoán ý Thiên Chúa (Lc 2,3t), sau đó là đoán ý đồng loại cũng phải hợp ý Chúa (x Lc 1,33t), vì việc phục vụ phải đạt ý lời cầu nguyện : “Lạy Thiên Chúa, xin phục hồi chúng con, xin toả ánh tôn nhan rạng ngời để chúng con được ơn cứu độ” (Tv 80/79,4 : Đáp ca). Và với lòng khiêm tốn như Mẹ Maria, ta thưa cùng Chúa : “Tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38 : Tung Hô Tin Mừng). 

THUỘC LÒNG. 

            Chúa Giêsu khẳng định : “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành.” (Lc 8,21). 

http://phaolomoi.net

Linh mục GIUSE ĐINH QUANG THỊNH

 

 

thanhlinh.net -dongcong.net 2012

 

 

 

 

 
     

Tỉnh Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)