|
Thần Điện
Dòng sinh lực đất trời
vẫn ngày đêm tuôn chảy. Nhiều truyền thống đã để lại những phương
cách rất phổ thông nhằm khơi dòng lực này để đạt nội lực. Từ huyệt
đan điền trong công phu của Tàu đến mạch rắn lửa bên Ấn Độ, hay
huyệt khí hải theo kiểu Nhật. Kìa một người bị điểm huyệt mà được
giải huyệt lấy lại công lực; một người đang mất tinh thần mà tìm
lại được sinh khí sau những giờ tĩnh niệm. Nội lực hay nhân điện
vẫn luôn là một đề tài ăn khách kéo theo bao cuộc khảo cứu.
THỜI
ĐIỂM BẨY MẠCH NHÂN ĐIỆN
Chuyện
rắn lửa Kundalini từ Ấn Độ đã trở thành khá phổ thông. Người Âu
Mỹ đã khai thác đủ mọi mặt, nghiêm chỉnh cũng có mà bóp méo lệch
lạc lung tung như kiểu kama-sutra cũng nhiều. Rồi mạnh ai nấy
sáng chế ra thêm các phương thức như nhân điện, yoga, chữa bệnh
theo phương pháp điều hòa thân tâm rất nổi tiếng như của bác sĩ
Deepak Chopra với nhóm nghiên cứu thuốc kiểu mới của đại học Harvard,
hay của bác sĩ Dean Ornish vùng Vịnh San Francisco. Chữa bệnh
bằng phương pháp nhân điện như một số người Việt đang nói tới
cũng không ngoài chiều hướng này. Có điều lạm dụng hay hiệu quả
tới cỡ nào cũng tùy ở tầm nắm bắt hiểu biết và áp dụng đúng đắn
hay không.
Từ
căn bản, bẩy huyệt trên cơ thể theo dọc đường xương sống tiến
cấp từ dưới lên trên chỉ là một chuỗi hình ảnh tượng trưng. Bẩy
huyệt diễn tả khả năng vô hạn của con người còn bị chôn vùi phủ
lấp ở ngay trong lòng mình. Nhiều áp dụng tâm lý thực nghiệm ngày
nay như chương trình cuối tuần "Khơi Nguồn Nội Lực"
(Unleash the Power Within) của Anthony Robbins đã cho thấy những
kết quả rất cụ thể trong mấy ngày, điều mà nhiều nhà tu luyện
đã xử dụng từ xa xưa như thế luyện gTummo mất nhiều thời gian
bên Tây Tạng.
Theo
phương pháp thực nghiệm của Anthony Robbins, nội lực nhân điện
phát sinh do hai yếu tố:
- giữ
một hình ảnh về chính mình, trong tâm tưởng hay vẽ ra được (inner
image).
- thực
hành hòa nhập với chính hình ảnh đó, hóa thân trở thành hình
ảnh đó (physiology), với tác phong, thái độ, cứ chỉ, tâm tình...
HUYỆT
RỒNG LỬA, MẠCH CHIM TIÊN
Hình
ảnh ở truyền thống Ấn Độ là con rắn lửa phát sinh nội lực. Hình
ảnh của Việt tộc là rồng chuyển lửa và chim tiên cũng trong chiều
hướng này, là hình ảnh của chính mình vươn tới. Từ tâm lý bây
giờ gọi là self-image. Cần thấy được và hòa nhập với biểu tượng
là con rồng lửa và chim tiên, theo bẩy nấc tiến lên. So với tâm
lý thời mới thì bẩy huyệt đạo lại chính là bẩy nấc nhu cầu phát
triển của con người. Từ của nhà tâm lý Karl Jung là thực hiện
toàn mãn (individuation) cũng chính là từ sadhana của Tagore đã
xử dụng.
Huyệt
số 1, muladhara:
là huyệt cuối cùng trong nấc thang với hình ảnh con rắn. Theo
truyền thống Đông phương, rắn hay rồng là biểu trưng của sức sống,
vốn tiềm ẩn, dưới sông dưới nước, trong tận sâu mạch máu, là nhu
cầu gốc rễ của con người. Ai mà chả phải ăn uống để sống. Đó là
nhu cầu vật chất số một. Nhưng nhiều khi miếng ăn trở thành mục
đích đời sống giống như lý tưởng cộng sản Karl Marx: người là
con vật đi rình mồi, và cho đó là bước tiến tất yếu của lịch sử
khi phát hiện ra cái bụng là chúa tể để tôn thờ! Bước tiến này
thời người Canaan trước khi dân Do Thái vào đất Israel đã khám
phá ra. Họ thờ thần Baal là thần rắn trao ban sức sống. Rắn chỉ
lột xác mà lớn lên chứ xem ra không chết, là biểu tượng của trường
sinh bất tử. Dấu vết thờ rắn này còn lại ở những hành lang quanh
hồ Bethesda phía bắc Giêrusalem, nơi Chúa Giêsu làm phép lạ chữa
người tê liệt đã 38 năm. Trước kia, đây là ngôi đền thờ thần Ran,
nơi hy vọng được chữa bệnh mỗi khi có rắn làm cho nước động. Ngày
nay dấu tích hai con rắn cuốn biểu tượng của hồi phục sức khỏe
vẫn còn thấy nơi cửa phòng các bác sĩ.
Huyệt
số 2, svadhisthana: biểu
trưng nhu cầu truyền sinh, bản năng tính dục với hình ảnh mặt
trăng. Huyệt này được ông tổ của ngành tâm lý miền sâu là Sigmund
Freud khai triển mạnh và cho rằng mọi cử chỉ hành vi của con người
đều do huyệt số 2 điều khiển!
Huyệt
số 3, manipura: biểu
trưng nhu cầu quyền lực. Từ mức ăn no mặc ấm đến độ ăn ngon mặc
đẹp, để le lói hơn người. Nhà tâm lý Adler chứng minh rằng huyệt
này mạnh nhất trong con người. Mọi nỗ lực cũng chỉ nhằm ăn thua
đủ với đời, bon chen hơn thiệt, như con gà gay nhau tiếng gáy.
Nhìn
kỹ ba nhu cầu trên thì thấy con người có chung với con vật. Trong
sa mạc, Chúa Giêsu cũng bị cám dỗ dừng chân ở ba nhu cầu hạ đẳng
này là chỉ biết lo tìm miếng ăn, danh giá, ngoạn mục… Nhưng con
người thì lại được tạo dựng với nỗi khát khao vô biên, chẳng thể
an thỏa với ba nhu cầu trên. Thánh Augustinô đã nói lên:
"Hồn con khắc khoải mãi cho đến khi tìm gặp được Chúa".
Chính vì thế mà cuộc tìm kiếm của suốt thế kỷ được biểu trưng
bằng ba nhân vật là Marx, Freud, Adler, đã chỉ dẫn đến giằng giật
miếng mồi, cắn xé nhau vì tiếng gáy, và bị cơn lốc tình dục đầy
đọa nhau biến thành hỏa ngục ngay ở trần gian này.
Vậy
là con người phải đi xa hơn, tìm ra con đường vượt lên nấc thang
cao hơn để đáp ứng nhu cầu làm người thì mới an thỏa được.
Huyệt
số 4, anahata:
nằm ở khoảng tim với hình ảnh Lửa. Tình yêu đã vượt lên khỏi tính
dục để vươn tới đồng loại, tới những người nghèo đói, nghe được
tiếng rên xiết của nhân loại khổ đau. Đây là biểu tượng của người
nữ sinh con, của lòng từ bi thương cảm. Lửa tình dục đã biến thành
lửa tình yêu đích thực mang lại niềm hoan lạc vô biên. Con rắn
thể lý đã biến thành con rồng lửa thiêng. Trong đạo Chúa, hình
trái tim Chúa Giêsu hay Đức Mẹ thường được vẽ tỏa lửa là vậy.
Huyệt
số 5, visuddha:
nằm ở khoảng cổ họng với biểu tượng Khí, diễn tả sinh lực.
"Người ta sống không do bởi bánh mà còn do mọi lời do miệng
Thiên Chúa phán ra." Nhu cầu tinh thần mới làm
cho con người no thỏa đầy sinh khí. Kinh nghiệm này đang thấy
rõ nơi xã hội thừa mứa đồ ăn đến ứ mỡ mà vẫn đói khát một điều
không mua được bằng tiền bạc.
Huyệt
số 6, ajna:
nằm giữa hai con mắt. Đây chính là con mắt thứ ba, là huệ nhãn,
nhìn thấy vẻ đẹp của mọi vật bằng con mắt của tâm, nhìn thấy dáng
nét Thần Linh Chúa trong mọi sự.
Huyệt
số 7, sahasrara:
ở đỉnh đầu, là chính tòa nhà của Thiên Chúa, là nơi con người
bước vào nhiệm hiệp với Đấng Toàn Mãn. Nói theo nét văn hóa Việt,
thì con rồng xác thể vật chất đã vươn lên hòa nhập thành chim
Tiên tinh thần bay bổng, tức con người đã vươn tới vô hạn khi
nối được vào nguồn sức sống vô biên của Đức Chúa Trời.
TIN
VUI PHƯƠNG CÁCH LUYỆN THẦN ĐIỆN
Đất
trời vẫn nhảy múa theo nhịp theo điệu thành dòng sinh lực như
một dòng sông chảy qua muôn vật. Cảm nhận và hòa theo được nhịp
vũ này thì đời sống phong lưu thanh thản và đầy hoạt lực.
Nguồn
nước thì vô biên vô tận, nhưng lãnh nhận được bao nhiêu lại tùy
sức chứa của mỗi người. Bình chứa đây, lạ thay, lại chính là niềm
tin thể hiện hình ảnh về chính mình. Tin mình là con vật kinh
tế, là nòi khỉ, thì sẽ trở nên như vậy. Tin mình là nòi rồng,
giống chim tiên, tức là đã cảm nhận được khả năng của sức thần
vươn lên vô hạn. Thánh Kinh quả quyết con người được dựng nên
giống hình ảnh Chúa. Nhưng có ai thấy được Chúa vì Ngài là Đấng
vô hình. Vậy mà Thánh Kinh lại diễn lên hình ảnh Thần Linh Chúa
hiện xuống như những lưỡi lửa, như luồng hơi thở sinh khí, như
con chim bồ câu...
- "Họ
thấy xuất hiện những hình giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống
từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy Thánh Thần"
(TĐCV 2:3-4).
- "Bình
an cho các con. Nói thế rồi Chúa thở hơi và phán bảo họ: các
con hãy nhận lấy Thánh Thần."
(Gioan 20:22). "Bỗng từ trời
phát ra một tiếng động như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn
nhà nơi họ đang tụ họp" (TĐCV 2:2).
- "Khi
Đức Giêsu chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước đi lên, thì kìa
tầng trời mở ra. Người thấy Thánh Thần Chúa đáp xuống như chim
bồ câu đậu trên Ngài" (Mt 3:16).
Điều
kinh ngạc là tại sao nét văn hóa gốc của Việt tộc về rồng lửa
và chim tiên lại giống hình ảnh Thánh Kinh về luồng lửa và chim
bồ câu đến thế! Chắc vì trong tâm khảm con người Việt đã mang
sẵn những biểu tượng uyên nguyên (archetype) này mà đạo Chúa được
đón nhận ở Việt Nam nhanh hơn bất cứ nước nào bên Á Đông.
Từ
những nhu cầu hạ đẳng có chung với súc vật, con người cần tiến
lên những nhu cầu tinh thần, đạt được thần điện, thì mới toàn
mãn an vui được. Chẳng cần phải mất công đi tìm phương pháp tâm
lý tạp nham khó phân biệt chính tà ngày nay, cũng chẳng phải đi
vơ vét thứ rắn lửa bò mãi sang từ Ấn Độ hay thứ luyện công nào
của xứ Tây Tạng mà sinh "tẩu hỏa
nhập ma". Phương pháp tâm lý luyện nhân điện
của Anthony Robbins cũng chỉ là khéo biết áp dụng những nét căn
bản của đạo mà thôi, dù vậy vẫn còn nằm trong nấc nhân điện, chưa
vươn tới cao hơn được. Thì đây, truyền thống đạo Chúa đã chỉ dẫn
phương cách khơi 7 mạch thần điện đủ 7 ơn Thánh Thần từ lâu bằng
chính biểu tượng gốc, đặc biệt hình ảnh lửa nhiệt lực và hơi thở
sinh khí hay chim bồ câu thảnh thơi thanh thoát.
Vậy
một trong những cách thức luyện thần điện đơn giản mà khơi được
nguồn sinh lực này là hãy mở tâm ra, hòa nhập vào chính biểu tượng
ấy, thấy được luồng sinh khí và lửa trời đang đi vào con người
mình, thấy cả con người mình đang biến thành rực lửa đầy sinh
khí, chứ không chỉ suy niệm về ý nghĩa ở trên đầu.
PHÚT
LUYỆN THẦN ĐIỆN
Xin
thực hành một trong hai thao luyện sau đây.
1.
Nhận Lửa Tình Sinh Động:
Linh mục Anthony de Mello dòng Tên nổi tiếng với phương pháp linh
thao hội nhập văn hóa Đông phương, đã cống hiến một số những thao
luyện trong cuốn Sadhana. Đây là một bài luyện thần điện với tựa
đề là Lửa Tình Sinh Động. Vậy xin cùng thực hành ngay.
- Hãy
để một vài phút cho tâm hồn và cơ thể an tĩnh lại, cảm nghiệm
hơi thở sức sống trong mình.
- Hãy
hình dung mình đang đi thật sâu xuống đáy lòng mình. Mọi sự
thật tối. Nhưng bỗng mình thấy một mạch giếng đang phun lên
hướng về Chúa. Hay cũng có thể hình dung một ngọn lửa tình sinh
động đang chiếu lên tới Chúa.
- Hãy
thầm nói một câu ngắn theo nhịp ngọn lửa hay nước phun, như
lạy Chúa Giêsu; xin Thánh Thần Chúa đến…
Không
cần đọc ra thành lời, nhưng như phát khởi từ đáy lòng, từ thật
xa, từ thật sâu. Tiếng vang lớn dần lên và bắt đầu lan tỏa khắp
cơ thể, trong đầu, trong ngực, trong lòng… Tiếng vang lan ra khắp
cả phòng, khắp mọi nơi, lan ra cả đất trời vũ trụ.
2.
Kinh Luyện Thần Điện: Áp
dụng phần nào phương pháp tâm lý của Anthony Robbins, mình cũng
có thể đọc một kinh có sức tác động mạnh với hình ảnh Chúa Thánh
Thần: lửa, khí, chim bồ câu tỏa sáng. Đọc thật chậm, từng lời,
từng câu. Đọc đi đọc lại, để hình ảnh, ánh sáng và âm thanh tỏa
lan cả con người mình, tỏa lan đầy lòng, đầy khắp các chi thể
và cơ năng, đầy khắp các mạch máu và mọi tế bào; cả con người
mình như đang sáng dần lên với thần lực mới.
Chúng
con lạy ơn Đức Chúa Thánh Thần thiêng liêng sáng láng vô cùng,
chúng con xin Đức Chúa Thánh Thần xuống đầy lòng chúng con là
kẻ tin cậy Đức Chúa Trời, và đốt lửa kính mến Đức Chúa Trời trong
lòng chúng con, chúng con xin Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Thánh
Thần xuống, sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con.
Chúng
con cầu cùng Đức Chúa Trời, xưa đã cho Đức Chúa Thánh Thần xuống
soi lòng dạy dỗ các thánh tông đồ, thì rày chúng con cũng xin
Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Thánh Thần lại xuống, yên ủi dạy dỗ
chúng con làm những việc lành, vì công nghiệp vô cùng Đức Chúa
Giêsu Kitô là Chúa chúng con. Amen.
Lm.
Dũng Lạc Trần Cao Tường
|
|