CHỜ MỘT THẾ GIỚI SINH RA
Ở một vùng quê bang Florida, một bọn choai choai rửng mỡ bày ra
một trò lạ là đi nhổ tất cả các bảng "stop" nhằm lúc
vắng người. Thế là chiều hôm đó tai nạn xẩy ra: bốn người chết.
Máu me và nước mắt, còi hụ cứu cấp hối hả.
Cảnh sát đã điều tra và bắt được bọn rửng mỡ trên và đưa ra tòa.
Cả bọn đã bị kết án tội giết người.
Ở
Johnsboro bang Arkansas lại xẩy ra chuyện quái đản hơn nữa: hai
đứa bé mới 13 tuổi và 11 tuổi mang súng vào nhà trường bắn chết
bốn đứa con gái cùng tuổi cùng lớp 7, lớp 8, và làm trọng thương
nhiều học sinh khác. Lý do thật lãng xẹc liên hệ tới chuyện bồ
bịch ở cái tuổi vắt mũi chưa sạch: muốn giết chết tất cả những
đứa con gái nghỉ chơi với chúng.
THỜI
ĐIỂM NHỔ BẢNG STOP
Mấy nhà chức trách thì lại đổ tội thuộc lòng "sao y bổn chánh"
rằng vì chúng bị bỏ rơi hoặc bị lạm dụng trong gia đình. Điều
này đôi khi cũng đúng một chút. Nhưng thực ra thì cái bầu khí
ngột ngạt hiện tại có cái gì bất ổn. Không còn một bầu khí giáo
dục luân lý về ý thức tội lỗi, không còn một kỷ luật sửa phạt
tối thiểu. Ai động vào con cái một chút là pháp luật làm khó dễ.
Mà chúng có phạm pháp dưới 18 tuổi cũng được giấu tên. Đời sống
không có một lý tưởng gì tối thiểu cao hơn đôi giầy Jordan. Không
còn ý hướng "ngày nay học tập ngày
mai giúp đời", mà chỉ còn biết làm sao có tiền
để ăn sài mua sắm và hưởng thụ. Tất cả mục đích cuộc đời sinh
ra trên mặt đất này xem ra chỉ có vậy.
Cách
đây mấy năm, tên choai choai Michael Fay sang Tân Gia Ba du lịch,
cũng mang theo thói "nhổ bảng stop"
sống phóng túng bừa bãi vô kỷ luật của Âu Mỹ mà đi lấy sơn xịt
vào xe thiên hạ. Quá dư mỡ nên ngứa ngáy chân tay mà. Thế là lập
tức Michael bị cảnh sát bắt nhốt. Và sau đó là bản án đến nơi
đến chốn: bị đánh đòn do một võ sư,
với lệnh rõ ràng là phải để vết thương trên mông phạm nhân.
Một chuyện như vậy đáng lẽ phải là điều sỉ nhục cho người Âu Mỹ,
thì ngược lại chính tổng thống Mỹ đã đứng ra xin tha cho can phạm.
Mà chuyện cũng thật lố bịch: một đứa mất dạy phạm pháp thì phải
sửa phạt để dạy dỗ chứ sao một ông tổng thống lại đi can thiệp
kiểu ỷ thế nhà giầu! Chính quyền Tân Gia Ba chẳng thèm để ý lời
năn nỉ vớ vẩn, và vẫn tiến hành việc đánh thằng Michael như luật
định: bọn trẻ chưa biết dùng đầu nhiều
để suy nghĩ chín chắn thì không có gì hữu hiệu bằng cho ăn roi
là nhớ tới già. Họ có ý nói: các
anh không biết dạy thì để chúng tôi dạy vào mặt cho, chứ để bừa
thì sẽ loạn như các anh đang lãnh đủ.
Đúng
cái kiểu "yêu cho roi cho vọt,
ghét cho ngọt cho bùi" của người Việt mình. Cứ
xem thành phố Tân Gia Ba thì phục dân này sạch sẽ và trật tự tới
cỡ nào. Dĩ nhiên cái gì mà chả có những lạm dụng. Nhưng không
chịu sửa phạt mà để con cái buông thả phóng túng thì chắc chắn
là sinh ra những lạm dụng tàn tệ hơn nhiều như đang thấy trước
mắt.
MỘT
THẾ GIỚI ĐANG ĐỢI SINH RA
Bác
sĩ M. Scott Peck, một nhà tâm lý nổi tiếng với cuốn “Con
Đường Ít Người Đi” (The Road Less Traveled) bán chạy
“bestseller” cả trên chục năm nay, mới tung ra cuốn “Một
thế giới đang chờ sinh ra” (A World Waiting To Be
Born), gây chấn động nền văn minh Âu Mỹ.
Mở
đầu sách là một quảng cáo cho hãng điều hợp tài chánh với đầy
đủ hình ảnh trên tờ USA Today, lời rao đại khái: “Tôi
đang ngồi cạnh một người, định làm quen mua cho anh ta một lon
nước. Nhưng trước hết tôi phải đi gọi điện thoại. Tôi gọi ngay
cho cơ quan D&B để xem anh ta thuộc loại lương cao bao nhiêu.
Ba phút sau tôi trở lại chỗ ngồi, mua một chai bia cho người bạn
mới thật tốt của tôi.”
Quảng
cáo có ý nói: hãng D&B hết xảy, chỉ trong ba phút là biết
được chính xác số tiền một người có trong ngân hàng, để đánh giá
trị người đó ngầu hay dổm. Rồi Scott Peck kêu lên: “Có
điều gì sai trệch trầm trọng.” Một nền văn minh đang
bị bệnh nặng. Ở chỗ người ta đã bỏ ra bao nhiêu tiền để quảng
cáo như thế một cách nghiễm nhiên. Mà xã hội cũng như người xem
đều chấp nhận như vậy là tự nhiên thôi.
Người
ta đánh giá trị tình người bằng đồng tiền. Văn minh chỉ còn nghĩa
lợi dụng được nhau, mất nhân tính mà theo bản năng súc vật chỉ
biết tìm mồi và tìm lợi. Thế thôi. Và ông nhận xét: đây là dấu
con người đang mọi rợ đi, vì nền văn hóa này đang sản xuất ra
những quảng cáo cỡ như vậy. Mất nhân phẩm rồi. “Chúng ta cần chữa
bệnh.” Bất ổn từ trong hệ thống, từ cách suy nghĩ và lối sống.
Cái máy đã đến lúc rã! Scott Peck và nhiều người đang chờ một
thế giới, một nền văn minh mới được sinh ra.
ĐIỀM
THỜI MÁY RÃ
Sau
mấy chục năm hồ hởi với ông thần đô-la của văn minh duy vật tưởng
chừng đã tìm thấy thiên đàng tại thế, người Âu Mỹ bây giờ khám
phá ra rằng: “thấy vậy mà chẳng phải
vậy”. Ở thập kỷ 60’ và 70’
khi mà vẻ hồ hởi của nền văn minh co-ca lên cao độ, thì những
sách bán chạy nhất là những gì liên hệ tới “làm
sao để hưởng thú” (how to enjoy). Bước sang thập
kỷ 80’ và 90’ thì tự nhiên xuất hiện một dấu hiệu
khác là thấy nhan nhản sách viết về “làm
thế nào để chữa bệnh” (how to heal), từ gia đình,
xã hội, đến đời sống cá nhân. Đã đến lúc các “anh hùng” cảm thấy
thấm mệt!
Điều
lạ là một nhà tâm lý như Scott Peck mà lại tìm ra lý do từ những
gì linh thiêng. Kinh nghiệm của ông như một bác sĩ với cơ thể:
mọi cơ năng và tế bào đều liên hệ mật thiết với nhau; khi một
tế bào phát triển quá lố thì bệnh ung thư phát khởi. Sức sống
gì gắn liền những bộ phận ấy? Bởi vì khi “bộ máy” đã rã thì chữa
được chỗ này sẽ phát bệnh ở chỗ khác. Mất sức rồi thì mọi sự sẽ
tự nhiên sập.
Cũng
thế, trời đất giống như một “bộ máy”, liên hệ với nhau. Scott
Peck nói thẳng rằng cái sức nối kết các phần tử của “bộ máy” là
chính Thần Lực từ Trời. Một nền văn minh mà bỏ Trời và lương tâm
luân lý ra ngoài, và không còn cảm thấy phải có một kỷ cương tối
thiểu để liên hệ với nhau, thì hậu quả tất nhiên là có thể làm
những chuyện điên khùng một cách thản nhiên như trường hợp hai
đứa bé ở Arkansas. Có thể nói đây là quái thai của nếp sống duy
con vật, phản ứng hoàn toàn theo bản năng đòi hỏi tại chỗ mà không
cần nhìn tới hậu quả hay đời sau.
TIN
VUI DỰNG LẠI BẢNG STOP CHO MỘT NỀN VĂN MINH CHẾT CHÓC
Một
nền văn minh là một lối sống làm cho con người lên cao, sống thảnh
thơi hạnh phúc hơn. Mỗi nền văn minh có một số tiêu chuẩn để đo
giá trị thành một nếp sống, một con đường. Nay là lúc định giá
lại đường nào là đường văn minh thật.
Văn
minh Babylon, Ai Cập, Hy Lạp, Roma, huy hoàng như vậy mà cũng
đã sụp đổ hoàn toàn, chỉ còn lại những đền đài cũ nát. Âu Châu
đã từng mở đường văn minh mới đi chiếm đoạt thuộc địa bên Á, Phi
và Nam Mỹ, thì nay lại đi cay cú với anh chàng mới lớn là “Chú
Sam” lấn lướt. Thế còn văn hóa đô-la sẽ kéo dài bao lâu?
Trên
thực tế, nét tiêu biểu của nền văn hóa duy vật đang đưa đến chết
chóc này là chỉ cần "ngày nay học
tập ngày mai kiếm tiền", càng nhiều càng có giá,
để có nhà cao, xe láng, ăn ngon, mặc đẹp, có tiếng gáy to hơn
kẻ khác. Bên cạnh là cả một bầu khí buông thả tình dục bồ bịch
ngay khi mới lớp 8, cổ võ tự do phóng túng, bản năng súc vật được
bơm đẩy cho lên cơn không còn cương tỏa, không cần phải có lý
tưởng gì cao hơn về tâm linh hay giúp đời. Đây là gốc rễ phát
sinh tâm bệnh và những hiện tượng quái gở.
Hậu
quả của việc nhổ bảng stop là tai nạn, là chết chóc, là hỗn loạn.
Cũng thế, nếp sống cuối thế kỷ này xem chừng không muốn để lại
một bảng stop nào nữa. Người ta có thể phạm bất cứ một trọng tội
nào một cách thản nhiên. Cùng lắm là lại bảo vì bị bệnh tâm trí.
Nhưng cũng đến lúc con người phải trả giá cho việc mình làm. Thánh
Phaolô cũng nói rõ: Hậu quả của tội là cái chết. Chưa nói tới
hậu quả đời sau, ngay ở đời này, loài người đang tạo hỏa ngục
có đầy đủ lễ bộ "giòi bọ rúc rỉa, khóc lóc nghiến răng và
lửa không hề tắt" cho mình và cho nhau, đôi khi ở ngay trong
nhà mình. Con người sinh ra đó, lớn lên đó, ăn, ngủ, đi làm, bon
chen, giẫy giụa, nhớn nhác, lắng lo, muộn phiền... rồi già đi
lúc nào không hay, rồi lăn ra chết. Đời sống chả lẽ chỉ có vậy?!
Nhìn vào thực trạng mình chỉ thấy:
Mặt
mũi thì ngơ ngác
Râu ria thì phờ phạc
Tình người thì đen bạc
Miệng đời thì bôi bác
Gia đình thì xơ xác
Xã hội thì nhớn nhác...
PHÚT
TỊNH TÂM
Cao
điểm của năm phụng vụ trong Đạo Chúa là tuần lễ gọi là Tuần Thánh,
khởi đầu bằng Lễ Lá, tái diễn khung cảnh người Do Thái nô nức
bẻ những cành lá cây bên đường để đón mừng Chúa Giêsu tiến vào
thành Giêrusalem. Người Do Thái cũng cảm thấy thực trạng bi thảm
ở thời điểm đó. Họ bị người Roma thống trị đàn áp, đời sống cũng
ngột ngạt như đi vào đường cùng: từ bên trong vẫn thấy có một
lực gì chế ngự khiến phải trăn trở đi tìm lối giải thoát. Họ đã
tìm đủ cách nhưng vẫn mù mịt, như Anrê và Gioan đi tìm ở bờ sông
Gio-đan trong sa mạc phía đông. Họ đang cảm thấy rõ: Đời sống
không có Chúa là một đêm dài không ánh sáng. Chính giây phút này,
hai môn đệ được chỉ cho thấy Chúa Giêsu: "Đây
là chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian."
Tiến
vào Giêrusalem, Chúa Giêsu không cỡi ngựa chiến hay xe tăng, mà
ngồi trên mình con lừa là con vật chỉ biết chở đồ nặng, như con
chiên gánh tội trần gian. Đây mới là con đường giải thoát: Thiên
Chúa yêu thương loài người đến nỗi đã trao người Con duy nhất
của mình, bằng lòng gánh lấy mọi tội lỗi trần gian, nhận lấy mọi
thương đau là hậu quả của tội trên thân mình.
Tôi
đang kiếm tìm gì nhỉ? Tôi có bằng lòng trao phó đời tôi cho Chúa
để Ngài gánh chịu thay không hay cứ tiếp tục giữ ghì lại mà tự
hành hạ? Tôi đã sẵn sàng đón Ngài bước vào tâm hồn tôi để trở
thành Đấng giải thoát cho tôi chưa? Và tôi xin nói lên phút giây
hồi tỉnh với thánh vịnh 51:
Lạy
Thiên Chúa,
Xin lấy lòng nhân hậu xót thương con,
Mở lượng hải hà xóa tội con đã phạm.
Xin rửa con sạch hết lỗi lầm,
Tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy.
Xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng,
Đổi mới tinh thần cho con nên chung thủy.
Xin ban lại cho con
Niềm vui vì được Ngài cứu độ.
Và lấy tinh thần quảng đại đỡ nâng con.
Lm.
Dũng Lạc Trần Cao Tường
|