NHỮNG
CÁNH CHIM NON DŨNG LẠC
Nhiều
người đang góp phần lành mạnh khóa thế hệ trẻ. Một trong những
nỗ lực đó là chương trình đào tạo Những
Nhóm Chim Non manh nha từ năm 1992 khi nhạc sư Ngô
Duy Linh còn giúp rèn luyện tại nhà thờ Đức Mẹ Lên Trời, Avondale,
Louisiana, Hoa Kỳ: dùng âm nhạc để chuyển
hóa nhãn quan và mở hướng cho lớp trẻ có thể nhìn cao hơn lên
như Lm. Ngô Duy Linh đã chia sẻ với niềm xác tín về "Sức
cảm hóa vạn năng của âm nhạc."
Nhạc
sư Ngô Duy Linh từ trần ngày 20 tháng 2 năm 1998 tại Arlington
Texas, và được đưa về mai táng tại nghĩa trang Avondale, Louisiana,
bên cạnh mộ nhạc sư Hải Linh.
Cuộc
đời của Ngài là những cánh nhạc vút bay theo "Thần
Nhạc Lên Ngôi" như Ngài đã từng diễn tả. Nỗ lực
suốt đời là góp phần đào tạo những cánh chim có thể bay lên được
như mẹ mình là chim Tiên, và bay theo lối của đàn chim Dũng Lạc,
tức là 117 vị Thánh Việt qua việc tôn phong năm 1988.
Nhóm
Chim Non Dũng Lạc vẫn còn sinh hoạt cho đến hôm nay,
và mỗi ngày một khởi sắc thêm với sự góp tay của các phụ huynh.
Các em được đào tạo thêm về tiếng Việt, hát những bài hát tiếng
Việt mang tính học hỏi và thực hành những nét văn hóa căn bản
của người mình, và luôn góp mặt với cộng đoàn trong những dịp
như Ngày Tết và Hội Chợ.
THỜI
ĐIỂM CHIM KHÔNG BIẾT BAY
Ca
dao đã diễn tả hiện trạng của nhiều con chim Việt:
Em
như con hạc đầu đình
Muốn bay không cất nổi mình mà bay.
Chim
lại không biết bay, cá lại chết khát dưới nước! Thật là một điều
nghịch lý, bất bình thường. Tại sao người Việt vẫn tự coi mình
là con của chim Tiên mà bay không nổi?
Câu
trả lời được tìm thấy qua một câu chuyện điển hình xẩy ra thực.
Tác giả cuốn sách về tâm linh “Vượt
Qua Nỗi Sợ” (Let Go of Fear) là Carlos Valles kể lại:
Một
hôm ông đang đi dạo ở ven rừng vùng nhiệt đới Á Châu, thì bỗng
thấy một hiện tượng khá lạ. Một con chim đang đậu trên cành cây
cao mà run rẩy đờ thân ra như không còn sức gì mà bay lên được
nữa. Mỏ nó líu lại không sao kêu ra tiếng nổi. Để ý quan sát,
thì ông tìm thấy lý do rồi: ở dưới gốc cây là một con rắn hổ mang
đang ngóc đầu lên phùng mang hướng thẳng về phía con chim. Thế
là con chim như bị thôi miên cứng đờ ra mất hết tinh lực, đứng
chờ sẵn để con rắn leo lên làm một bụng no nê. Điều lạ là con
rắn thì ở xa mãi dưới gốc cây kia, mà con chim thì ở trên cành
cây cao. Nó có cánh bay được và có mỏ hót được. Và nó có cả một
bầu trời để tung mình vút cao mà nó làm không nổi.
Thấy
cảnh đáng thương như vậy, Carlos Valles bèn lấy một cục đất ném
về phía con rắn. Thấy động và thấy sự có mặt của một loài hơn
mình, con rắn bèn rụt cổ xuống hậm hực trườn đi chỗ khác, có vẻ
tiếc rẻ miếng mồi ngon bỏ qua rất uổng. Và con chim bỗng hoàn
hồn tỉnh táo cất giọng hót líu lo và tung cánh bay lên thênh thang.
TIN
VUI CÓ THỂ BAY ĐƯỢC
Lý
do gì vậy? Con chim không bay và không hót nổi vì nó sợ quá. Nỗi
sợ làm nó mờ mắt không còn nhìn thấy gì nữa, quên luôn cả khả
năng và bản lãnh của nó. Hay nói đúng hơn là nó chỉ còn nhìn thấy
con rắn. Chính cái thấy trong đầu con chim đã giới hạn khả năng
của nó, quên rằng nó có đôi cánh và bầu trời thênh thang rộng
mở bên trên. Nó đã đánh mất niềm tin vào chính mình nên cũng mất
sức.
Cái
thấy tạo ra phán đoán và tâm tình. Và tâm tình tạo ra hành động:
sợ thì tránh; thích thì tìm. Tâm tình ở đây là sợ hãi; và hành
động là run rẩy cứng đờ ra. Như vậy chính cái nhìn và cái thấy
trong đầu con chim mới là sức mạnh cột chân và mỏ nó, và đủ sức
làm nó bất động.
Tờ
The Times-Picayune vùng New Orleans có lần đề cập tới quyền lực
đào tạo trẻ em bây giờ bằng một hình ảnh gây ấn tượng rất mạnh:
một đứa bé đeo kính, mà hai mắt kính là hai màn ảnh Tivi. Nó được
các lái buôn đào tạo để nhìn đời bằng hai con mắt ấy, với hình
ảnh đã được tính toán hẳn hòi do những người ngồi đàng sau màn
ảnh TiVi, biến cả một thế hệ thành những khách hàng ”không người
lái”. Chúng được bơm vào máu những thích thú mới để trở thành
những con mồi qua những chương trình hoạt họa rất hấp dẫn và đầy
mánh lới với kỹ thuật quảng cáo cao độ. Một thời trẻ em thích
ăn Domino Pizza là vì bọn Ninja Turtles mỗi lần đi cứu thiên hạ
về đều đưa Domino Pizza xuống gầm cống ăn. Hèn chi trẻ rất mê
loạt phim này và đòi mua cho được bất cứ đồ chơi hay gầy dép quần
áo nào có hình Băng Rùa. Rồi bây giờ là Power Ranger và còn nhiều
thứ "sáng kiến" dài dài.
Những
con chim non là thế hệ trẻ cũng đang bị cột chân bất động như
con chim bên rừng Ấn Độ. Chúng chỉ được phép nhìn thấy có vậy.
Làm thế nào để vượt thoát bay lên được? Con đường vượt thoát chính
là đổi được cái nhìn và cái thấy. Đó chính là niềm tin. Harvey
Cohen, một nhà tâm lý nổi tiếng đã nói: “Bạn
được trao ban khả năng bay được, vì bạn có một cái đầu.”
Con
đường nằm ngay trong đầu mỗi người, nhưng cần phải những giây
phút dừng chân, vào nơi tĩnh lặng để phản tỉnh. Tin Vui tuần này
cho thấy Chúa Giêsu cũng phải phấn đấu chọn lựa cái nhìn tức là
niềm tin về chính mình. Ngài đã vào nơi tĩnh lặng bốn mươi ngày
để nhìn cho kỹ: nếu chỉ giới hạn con người vào ba nhu cầu hạ đẳng
là miếng ăn, quyền chức, danh tiếng, thì con người cũng chỉ là
con vật như con phượng hoàng ở vườn đàng sau với đàn gà, cũng
chỉ biết tranh mồi, tranh gáy mà thôi. Và sẽ bị cột chân không
bao giờ bay lên được.
ĐÀO
TẠO NHỮNG CÁNH CHIM NON
Tháng
11 năm 1993 dịp kỷ niệm 5 năm phong thánh Các Thánh Tử Đạo Việt
Nam do Miền Đông Nam Hoa Kỳ tổ chức tại Baton Rouge, các Nhóm
Chim Non Dũng Lạc của nhạc sư Ngô Duy Linh đã góp phần rất đặc
sắc nói lên tinh thần cho thế hệ trẻ: tập bay theo con chim đầu
đàn là thánh Dũng Lạc, với những bài vừa hát vừa thổi sáo như
Âu Ca Dũng Lạc, Đàn Chim Dũng Lạc, Chim Khuyên, Lý Tưởng, Ý Chí,
Tác Phong. Lời thì đơn sơ, nhưng có sức nhập tâm rất nhanh để
chuyển ra hành động:
- Đàn
chim Hùng, tung cánh lên. Núi cao nào cũng thấp. Đàn chim Lạc,
gieo sướng vui. Khó khăn nào cũng cười.
- Là
Chim Non Dũng Lạc, em vươn cánh bay cao. Như Tiên Rồng góp sức,
Hùng khí Việt anh hào.
Nhạc
sư Ngô Duy Linh có lần đã "bật mí" kể về những ước mơ
trong đời, và cho biết lý do tại sao lại có thể say mê lặn lội
vất vả đi dạy nhạc cho đám trẻ, và đang soạn cuốn Phương Pháp
Dạy Nhạc cho Thiếu Nhi.
Năm
1954-1956 nhạc sư theo học sư phạm âm nhạc cho thiếu nhi là Phương
Pháp Ward tại Institut Catholic ở Paris. Sau khi thành lập và
làm giám đốc đầu tiên Trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ tại
Huế, năm 1963 có dịp sang Nhật tham dự một buổi họp về nhạc, nhạc
sư đã nhận ra một điều là dân Nhật lúc đó từ 61tuổi trở xuống
ai cũng biết nhạc và giỏi nhạc. Lý do là từ năm 1907 chương trình
giáo dục Nhật đã đưa nhạc vào các lớp như một môn học bắt buộc
với hệ số cao nhất ngang với những môn học quan trọng khác.
- Mẫu
giáo phải học mỗi tuần 3 giờ âm nhạc.
- Trung
học phải học mỗi tuần 2 giờ.
- Môn
âm nhạc trong kỳ thi mãn khóa trung học là môn bắt buộc với
hệ số 2 như môn toán.
Như
vậy tất cả dân Nhật tính đến năm 1963 tuổi từ 20 đến 61 đều đã
học âm nhạc liên tục 10 năm. Mà dân Nhật tới 100 triệu người thì
trình độ nhạc của đại chúng Nhật cao tới cỡ nào. Người Nhật đã
nhận ra ”sức cảm hóa vạn năng của âm
nhạc”.
KHI
DÂN NEW ORLEANS CHỢT THẤY
Niên
học 1997-1998 tại vùng New Orleans bắt đầu với một dấu hiệu lạ:
hàng ngàn phụ huynh người Mỹ ghi tên cho con học thêm về nhạc,
gia nhập những ban hát, ban nhạc khí nhà trường, các lớp đàn dương
cầm, vĩ cầm và sáo… Người ta đã khám phá ra sức mạnh của nhạc
mà nhiều dân tộc đã biết từ lâu.
Một
nghiên cứu công phu do Trung Tâm về não bộ với việc học và trí
nhớ của Đại Học California tại Irvine đã công bố kết quả năm 1996.
Nghiên cứu này do bác sĩ Frances Rauscher đứng đầu, so sánh đám
trẻ học nhạc và không học nhạc sau tám tháng, thì thấy trẻ học
nhạc tăng 46% về IQ, còn trẻ không học nhạc thì chỉ có 6%.
Gwen
Hotchkiss giáo sư nhạc tại đại học Loyola công nhận: "Nghe
nhạc cũng tăng thông minh. Nhạc có sức tác động bộ óc, dạy cho
biết tiết tấu trước sau, nhân sinh ra quả, tăng khả năng lịch
thiệp và biết nhìn sự vật trong sự hài hòa". Dĩ nhiên nghe
nhạc đây không phải là những thứ bài hát náo loạn làm bong thần
kinh và điên cái đầu!
Trẻ
có khả năng cảm nhận nhạc rất sớm. Chương trình Kindermusik cho
thấy như thế. Trẻ trong vườn trẻ được cho chơi những đồ chơi nhạc
khí. Bà Gloria Fisher tình nguyện đến vườn trẻ chơi nhạc với đứa
cháu Carolina Liscomb mới có 22 tháng.
Nhà
trường bắt đầu áp dụng có nhiều lớp dạy nhạc và nhạc khí như trường
Martin Luther King cho biết trẻ có hứng thú mới, thích đi học,
đạt điểm cao hơn, tối về nhà đưa kèn saxophone ra thổi serenade
cho mẹ nghe thay vì lêu lổng dễ làm mồi cho băng đảng. Người ta
sực nhận ra rằng khi chú tâm vào nhạc và thích nhạc, đứa trẻ tự
nhiên không còn bị những dẫn dụ bên ngoài làm rối loạn. Nó biết
tự tin vào bản lãnh của mình, và trở nên tốt hơn, có tư cách hơn.
Chính vì thế mà một trung tâm nhạc vùng nhà giàu ở New Orleans
đã viết một câu ngay lối ra vào: Đứa trẻ con nhà giầu mà không
biết nhạc thì cũng chỉ là một đứa trẻ nghèo nhất.
Mà
khi có chương trình nhạc của nhà trường như vậy thì phụ huynh
cũng có mặt nhiều hơn với những sinh hoạt của trường. Và như vậy
là lại có thêm một yếu tố then chốt nữa là việc đào tạo chỉ có
thể với sự tích cực của cha mẹ.
LÒNG
ĐÊ MÊ GIANG CÁNH BAY XA
Nhạc
đã có sức lay động, mở lên nhãn quan mới, góp phần đào tạo một
thế hệ mới, lành mạnh và có lý tưởng hơn. Nhạc chính là ngôn ngữ
của Thần Linh, làm mọc cánh bay cao với nhạc sư Ngô Duy Linh hôm
nay, mang theo tâm tình của Tagore trong Lời
Dâng:
Lúc
Người ban lệnh cất lời ca,
Tôi thấy tim mình như rạn nứt vì hãnh diện vô cùng.
Ngước mặt nhìn Người, mắt tôi ứa lệ.
Trong tôi điệu đục khàn bỗng dưng biến thành hòa khúc dịu êm.
Như chim háo hức băng qua biển cả, lòng đê mê giang cánh bay xa.
Tôi biết lời mình ca làm Người vui thích,
Và cũng hiểu chỉ khi khoác áo ca công mới đến trước Người.
Lời tôi ca vươn cánh rộng dài
Bay đến vuốt nhẹ bàn chân trước kia dám nào ước mơ chạm tới.
Say nhừ vì nguồn vui ca hát, quên bẵng thân mình,
Tôi gọi Người là Bạn, Thượng Đế của lòng tôi.
Lm.
Dũng Lạc Trần Cao Tường
|