Thời
điểm
cái bình biết nói
Trong “Nét Thánh Thiêng Thường Ngày”
(Everyday Sacred), bà Sue Bender kể một truyện về một nhà giáo
dạy vẽ tên là Gale. Lớp hội họa của bà Gale có một thực tập gọi
là “Vẽ đủ 100 lần”. Phải
chọn một đồ vật gì quen thuộc, đơn sơ, có thể mang đến lớp được
mỗi lần. Phải vẽ đủ 100 lần đồ vật ấy. Chọn đồ vật thường thôi,
không phải là đồ đạo hay đồ hiếm lạ. Bà Gale cũng bị học sinh
yêu cầu cùng thực tập.
TÌNH
CỜ THƯỜNG LẠI TẠO RA KỲ THÚ
Quan
sát một hồi, bà Gale chọn vẽ cái bình cũ mới kiếm được để trên
kệ. Cái bình vừa phải, mạ bằng chất kim khí trắng. Bà nhìn kỹ
cái bình và như nghe nó nói: xin đưa
tôi xuống khỏi kệ đi! Đúng là cái bình như có hồn
đang muốn nói điều gì. Bà Gale vẽ bốn bức đầu thật dễ dàng và
nhanh chóng. Nhưng còn phải vẽ 96 bức nữa với những khía cạnh
khác nhau, tâm tình khác nhau, không phải dễ nuốt đâu!
Không
biết tí nào về chụp hình, bà Gale tập chụp cái bình vào nhiều
lúc khác nhau. Bà để ý thành bình phản chiếu bất cứ gì chung quanh.
Thế là bà thí nghiệm ngay. Ban đêm để cho đèn xe hơi chiếu vào,
chụp thành bức trắng đen tương phản; để đèn thắng chiếu vào thì
ra màu đỏ; ngồi gần Tivi thì phản chiếu hình trong đó. Có lần
bà mang đi theo sang du lịch Âu Châu, chụp được hình cảnh phản
chiếu trên bình những nơi đi tới như Florence, Rome, Chartres...
Bà
Gale nói lại thế này: “Đôi khi tôi khám
phá ra rằng, những nơi đơn sơ, tương đối nhỏ lại chụp được những
hình đáng kể hơn những nơi quan trọng. Có lần phải ngồi nghỉ bên
cạnh giếng, nghĩ xem phải chụp gì tiếp, quay tới quay lui thì
thấy ngay chỗ cái bình đang nằm là tuyệt nhất. Tình cờ thường
lại tạo ra kỳ thú.”
Phải
vẽ một đồ vật đủ 100 lần là bắt buộc mình phải tìm ra cách thức
và chất liệu mới. Tập nhìn thật kỹ mà khám phá ra vẻ kỳ lạ chưa
từng thấy. Mục đích là bắt buộc ta phải vượt khỏi những gì vẫn
giới hạn mình “biết rồi khổ lắm nói
mãi” để khám phá ra chân trời mới. Và thường là tài
năng và bản sắc riêng của bạn sẽ phát khởi từ đó.
TIN
VUI GỬI NGƯỜI HAY NGÁP VẶT
Có
lần theo học lớp tu đức ở Pecos bang New Mexico, tôi cùng với
lớp học đi thăm một làng dân Da Đỏ gần đó. Mọi người xem ra hào
hứng hết sức về lối sống của người dân này. Từ cách họ bài trí
nhà cửa đến những nhà nguyện đào sâu xuống đất như đi xuống đáy
lòng. Tự khung cảnh đã dẫn đến chiều kích siêu việt rồi, vượt
qua những gì mà mắt thịt đang thấy, hoặc nhìn mà chẳng thấy. Rồi
những bộ áo lông chim của những đạo trưởng shaman mặc khi cử hành
nghi lễ, như để hóa thân thành chim bay bổng. Những tiếng trống
vang lên làm trống tâm ra cho thần nhập, trống như sa mạc bao
la trải dài trước mặt kia. Tất cả đều hết sức mới lạ. Như xem
lần đầu, nghe lần đầu.
Nhưng
tôi lại để ý một người giữ cửa đứng bất động, lâu lâu giơ tay
che miệng ngáp vặt, vì đối với anh ta thì mọi sự đã nhàm chán,
ngày này qua ngày khác cũng chỉ bằng ấy chuyện thôi, chẳng còn
thấy gì hấp dẫn nữa.
Như
vậy luyện được con mắt kinh ngạc, luôn thấy được những lạ kỳ mỗi
phút giây, qua mọi sự, là bí quyết làm cho cuộc sống đầy hào hứng,
và bật sáng lung linh nơi những nghệ sĩ. Đối với những người tin
đạo, thì thấy được Chúa đã phục sinh và đang hiện ra với mình,
là cả một phép lạ có sức thay đổi tất cả. Kinh Thánh trong mùa
này nói nhiều về sự biến đổi diệu kỳ nơi thánh Phêrô, đặc biệt
qua truyện Chúa hiện ra ở bờ Biển Hồ lúc các môn đệ đang đi đánh
cá:
"Lúc
rạng đông Chúa Giêsu hiện đến trên bờ biển, nhưng các môn đệ không
biết là Chúa Giêsu. Người liền hỏi: "Này các chú, không có
gì ăn ư?" Các ông trả lời: "Thưa không". Người
bảo các ông: "Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, anh
em sẽ bắt được cá"
(Gioan 21:4-6).
Một
điều thật lạ mà ít người lấy làm lạ là ai theo đạo Chúa cũng tin
rằng Chúa hiện diện ở khắp mọi nơi, nhưng lại ít khi thấy Chúa
lúc này, ở đây ngay bên cạnh mình. Hầu như lần nào Chúa Giêsu
hiện đến các môn đệ cũng chẳng nhận ra. Khi vừa phục sinh hiện
ra với Mađalêna thì bà ta lại tưởng là người làm vườn; hiện ra
với hai môn đệ trên đường Emmaus thì lại tưởng là một người khách
đi đường; có lần hiện ra ở bờ biển thì các ông lại tưởng là ma!
Chúa
hiện ra mọi nơi mọi lúc, nhưng phải có con mắt thứ ba tức là con
mắt của niềm tin mới thấy được. Kinh Thánh thuật lại một số trường
hợp điển hình: Chúa hiện ra trong phòng họp của các môn đệ, hiện
ra trên đường đi, hiện ra trên bờ biển nướng sẵn than hồng để
nướng cá kiểu đi picnic với những lời đối thoại rất thân tình.
Người hiện ra qua những gì thông thường nhất, trong cuộc sống
thường ngày.
Thấy
được Chúa hiển hiện qua mọi sự thì thú vị biết chừng nào, làm
sao mà còn ngáp vặt nổi nữa. Người nghệ sĩ phải luyện được con
mắt như thế. Tập nhìn như lần đầu biết nhìn mọi sự chung quanh.
Mọi sự đều lạ lùng quá phải không? Từng mầu sắc, ánh sáng, kích
thước mỗi vật: căn phòng, khung cửa sổ nhìn ra ngoài, con đường
phía trước, lớp học, nơi làm việc, bạn bè, người lối xóm...
Vì
thế mà bài mở đầu Nghệ Thuật Chụp Hình của Học Viện Chụp Hình
New York về “Con Mắt Người Chụp”
có câu này: "Bạn có thể chụp được
tấm hình tuyệt tác nhất ở ngay trong vòng một dặm quanh bạn."
CHỤP
BẮT ĐƯỢC HỨNG KHỞI
Thomas
Merton, một nhà tu đức Công giáo điển hình nhất của thời đại này,
đã diễn tả rõ nét về sức sung mãn hứng khởi của cuộc sống như
những “hạt giống chiêm niệm”
mang đầy sinh lực trổ sinh hoa trái:
“Mỗi
phút giây và mỗi biến cố trong đời sống con người trên mặt đất
đều gieo một điều gì vào tâm hồn mình... Chính tình yêu Chúa nói
với tôi qua những con chim bay và dòng suối chảy, và ngay cả đàng
sau sự ồn ào của thành phố, Chúa cũng nói với tôi qua những phán
quyết của Ngài, và tất cả mọi sự đều do ý Chúa gửi đến cho tôi
như những hạt giống.”
Những
biến cố của mỗi đời người được ghi nhận bằng nhiều cách khác nhau.
Có người diễn tả thành bài văn, bài thơ. Có người diễn ra bằng
khúc sáo, nét nhạc, nét vẽ. Có người ghi nhận bằng một bức hình
chụp. Tất cả đều diễn tả những bước chân Chúa bước vào cuộc sống
của mình. Con mắt sẽ mở sáng, kinh ngạc, và chụp được chính Chúa
là Người Tình đang nhảy qua núi băng qua đồi đến tìm mình, như
lời tình sách Diệu Ca trong Thánh Kinh:
Người
yêu đang tới đây rồi
Như nai tơ nhảy qua đồi núi cao.
PHÚT
TỊNH TÂM
Thấy
được Chúa trong mọi sự là thấy được những phép lạ và ghi lại thành
những tuyệt tác trong những gì xem ra tầm thường nhỏ bé. Đó là
bài linh thao số 235 trong bửu bối của "nhà
chụp hình" I-Nhã: “Nhìn
thấy Chúa hiện diện trong tạo vật như thế nào: trong mọi vật bằng
cách ban cho được hiện hữu, trong thảo mộc bằng cách ban cho được
sức sống, trong thú vật bằng cách ban cho được cảm giác, trong
loài người bằng cách ban cho được suy nghĩ; và Chúa cũng ngự như
vậy trong tôi bằng cách ban cho được hiện hữu, sức sống, cảm giác,
trí khôn. Cũng vậy, hãy nhìn xem Chúa đã làm cho tôi nên đền thờ
của Ngài như thế nào, vì Ngài đã tạo dựng nên tôi giống Ngài và
theo hình ảnh Ngài.”
Với
cái nhìn này thì thấy được Chúa cũng dễ lắm. Tấm hình sẽ thành
tác phẩm tuyệt kỹ, vì đang chụp chính hình Chúa mà. Không phải
như một suy luận nào cả, mà là một thực chứng, một cảm nghiệm.
Đức Giáo Chủ Gioan-Phaolô II trong tông thư “Đệ
Tam Thiên Niên Sắp Đến” cũng khai mở con mắt biết
nhìn và khám phá ra kho tàng giầu có của đức tin cho thời điểm
2000, lúc con người đang khắc khoải đi tìm một con đường vươn
lên: “Mọi tạo vật trong thực tế là một
sự biểu lộ vinh quang của Người; đặc biệt con người là sự khai
mở của vinh quang Thiên chúa, được kêu gọi để sống sự sung mãn
của cuộc sống nơi Thiên Chúa.” (trang 8)
Vậy
hãy tập nhìn kỹ đi. Nhìn và chụp đủ 100 lần bất cứ gì quanh mình.
Rồi mình sẽ reo vui như thánh Duy-An Thập Giá với đôi mắt mở lớn
kinh ngạc nhìn mọi cảnh vật mà nhận ra Người Tình là chính Chúa
Trời Đất đang hiện ra với mình mọi nơi mọi lúc:
Người
yêu của tôi
Là biển xa khơi
Là thung lũng vắng
Là đồi núi cao
Là nhạc thinh lặng.
Lm.
Dũng Lạc Trần Cao Tường
|