VÒNG TRẦU CỦA MẸ
Để diễn tả tình yêu thời mới, người ta hay nói chơi: "honey,
money!", nghĩa là "tình
ơi, tiền đây!" Nhưng vẫn luôn có thứ tình yêu
vượt lên tất cả. Tình yêu tinh ròng, tình yêu nguyên thủy, mà
tình mẹ là điển hình.
THỜI
ĐIỂM NGÀY VINH DANH MẸ
Quanh
năm vất vả lam lũ mà được một ngày mát mày mát mặt thì người mẹ
nào cũng thấy hả dạ. Ấy là ngày Vinh Danh Mẹ. Người Mỹ cũng thương
mẹ lắm chứ. Ngày Vinh Danh Mẹ, con cái thường mua hoa mua quà
cho mẹ, lại mời mẹ đi ăn tiệm nữa. Vậy mà Trà Lũ trong cuốn Đất
Thiên Đàng lại bảo như thế còn thua người Việt mình: "Ở
đây, mỗi năm một lần, con cái mới nhớ tới cha mẹ, mới mua quà,
mới mua thiệp, mới mời đi ăn tiệm. Việt Nam mình hơn hẳn họ mặt
này. Chúng ta yêu mẹ quanh năm. Từ bé cho đến trưởng thành, chúng
ta quấn quyít bên mẹ."
Mẹ
già như chuối ba hương
Như xôi nếp một, như đường mía lau.
Người
Việt mình diễn tả tình mẹ sống động và cụ thể lắm: Mẹ biểu trưng
cho những gì chín nhất, ngon nhất, ngọt nhất, quý nhất.
MẸ
SUY NGHĨ BẰNG TIM
Tình
mẹ Việt Nam lại không dễ nhận ra bằng con mắt thịt. Không hôn
hít rầm rộ như kiểu Âu Mỹ, mà đôi khi thật thầm lặng kín đáo chẳng
kịp nhận ra.Thấy thế mà chẳng phải thế; nói vậy mà chẳng phải
vậy. Nhưng phải cảm được bằng con mắt và lỗ tai thứ ba, nghĩa
là bằng con tim. Vì người mẹ Việt Nam thường suy nghĩ bằng tim.
Mẹ
tôi cũng đã nhiều lần suy nghĩ bằng tim: nói vậy mà chẳng phải
vậy. Hồi chúng tôi còn nhỏ, mẹ tôi cưng thằng Út nhất nhà, nhất
là từ ngày ba tôi qua đời. Nó cũng biết vậy nên lờn mặt. Tôi còn
nhớ, có lần nó phạm một tội “tầy trời” gì đó, bà bực mình la lối
om xòm, rồi vừa giậm chân bình bình đe dọa vừa chạy đi kiếm roi,
phen này đập cho mày một trận nên thân. Bấy nhiêu động tác cũng
đủ bảo đảm cho thằng Út có dư giờ cao chạy xa bay. Bà diễn thêm
một màn ngoạn mục nữa là hò hét mấy đứa anh đứa chị đi bắt thằng
Út về cho bà. Mấy anh chị thì đã chỉ chờ “nói
dzậy thì cứ hiểu như dzậy” để trả thù thằng Út vì
cái gì cũng được hơn anh chị, nên bèn hè nhau đi bắt “can phạm”
đem về nộp cho “triều đình".
Trời
ơi, biết làm sao bây giờ. Đã lỡ phát thanh hô hào nhân dân nhất
trí, đến khi “nhân dân” cộng tác với "nhà nước" đưa
can phạm đến tận "triều đình" mà không xử thì mất mặt
"bầu cua cá cọp" và không còn thể thống gì hết nữa.
Thế là "nhà nước" bất đắc dĩ phải làm Bao Công Xử Án
bằng cách bắt thằng Út lên đo giường. Rồi bà vung roi quất tứ
tung chung quanh cho bụi bay mù mịt làm ra vẻ chiến trường đã
đến hồi lửa khói ngút ngàn! Và dĩ nhiên là cũng phải có màn rê
roi qua cái mông tội nhân theo chiêu thức “hải triều lãng lãng”
như trong Anh Hùng Lĩnh Nam, có ý phủi bụi quần cho hắn thì đúng
hơn.
Thằng
Út rất thông minh về ngón nghề này, hiểu ý mẹ, bèn khóc thét lên
với giọng thê lương ai oán. Tưởng rằng đến giây phút gay cấn khốc
liệt này thì sẽ được mấy anh chị nhào tới can mẹ, chứ nào ngờ
bốn bề án binh bất động. Mẹ tôi tiến thoái lưỡng nan, đâm bí.
Không đánh nữa thì sẽ bị "quần hùng" cười là “đã bảo
mẹ cưng thằng Út như vậy là làm cho nó hư”, mà đánh tiếp thì co
thắt khúc ruột e không ổn. Thế là bà òa lên khóc tru trếu: “Các
anh chị hè nhau đánh nó chết đi. Nó mồ côi chẳng ai thương.”
Câu
chuyện mẹ tôi như vậy đấy! Chỉ có mình bà có quyền đánh thằng
Út chứ có ai dám động đến. Có giời mà hiểu được. Chưa kể có nhiều
lần đứa em gái áp út bị ăn đòn lây. Số là mỗi lần thằng Út có
tội thì dễ gì mà bắt nó lên giường để đánh đòn được. Thế là đứa
gái áp út được bà dụ ngọt là "con
cứ nằm giả vờ thì em nó mới chịu nằm", vì ra
như có bạn đòn đỡ mất mặt trước "bá quan văn võ". Nhưng
nhiều lần từ chuyện đánh giả vờ, bà bỗng tìm ra nhiều giống tội
khác rồi hóa ra đánh thật. Tội nghiệp con bé! Thì ra “con
tim có lý lẽ mà cái đầu không biết được”, đúng như
một câu nói của người Tây phương.
VỒNG
TRẦU CHO MẸ
Lý
lẽ con tim thì vậy. Đôi khi có vẻ không công bằng. Vậy mà thiếu
tình mẹ là hỏng ngay. Tục ngữ đã bảo: “mất
mẹ liếm lá đầu đường” là đúng, ít ra về mặt tinh thần,
anh em sẽ tan tác rời rạc. Người Việt đã có cả một trường ca vinh
danh Mẹ Việt Nam, do Phạm Duy đánh nhịp.
Mẹ
Việt Nam không son không phấn
Mẹ Việt Nam chân lấm tay bùn.
Văn
minh Âu Mỹ thường được gọi là văn minh thiên về bố, dùng đầu nhiều
hơn. Cái gì cũng phải có lý, cũng phải đo lường chiết toán được,
nói vậy thì chỉ có thể hiểu được là vậy. Làm sao có thể đo được
độ ngon của miếng sầu riêng, làm sao có thể tìm ra lý của vụ mẹ
tôi đánh thằng Út?! Nhưng rồi nhìn kỹ thì mình thấy mẹ thương
mỗi đứa con mỗi kiểu khác nhau, tùy thời tùy mức. Anh em mỗi người
mỗi tính thì mẹ trở thành chất keo mầu gắn liền tất cả. Chắc chắn
vì người mẹ nào cũng đã cả đời chịu thua thiệt. Mà cũng chính
vì cứ cam chịu phần thấp nên mới thành "lòng
mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào". Chỗ trũng
nhất trên mặt đất thì nhận được tất cả, từ mọi thác suối, sông
rạch, mưa trời, rồi biến chế tất cả, dung hóa thành đại dương
bát ngát.
Sang
Mỹ rồi mà mẹ tôi vẫn nghiền ăn trầu. Bà trồng trầu thật giỏi.
Vồng nào vồng nấy xanh lên tươi tốt. Bà phân biệt lá ngọn lươn
với lá ngọn vượt: con coi này, lá ngọn
vượt mọc ngang từ phía trên thì hơi vàng và dầy, ăn miếng nào
cũng đậm ấm chân răng; còn lá ngọn lươn bò từ dưới lên như con
lươn trông thì xanh mướt đẹp mã mà ăn nhạt nhẽo vô duyên lắm.
Thì ra cũng thấy vậy mà chẳng phải vậy. Nhưng vào mùa đông thì
vồng trầu rụi hết, mấy đứa cháu phải chạy đi tìm mua trầu cho
bà ở các tiệm Việt kẻo nó đắng cái miệng làm sao ấy, thiếu gì
cũng được chứ không thể thiếu trầu!
Vì
thế trong Ngày Vinh Danh Mẹ, người Việt nên tặng mẹ mình một vồng
trầu thay vì bó hoa. Lá trầu là chính cõi lòng người mẹ Việt Nam,
càng bị nhai nát thua thiệt càng nẩy sinh tình yêu như đã từng
được diễn tả trong truyện thiêng Trầu Cau của nét văn hóa Việt
Nam. Cũng là chính cái hồn ẩn mật của Việt Tộc vẫn kiên trì tồn
tại chảy thành dòng tình yêu, qua bao thế hệ, qua bao đắng cay
đầy đọa vùi giập. Sức chịu đựng của người Việt lạ lùng quá phải
không?
Con
đường nghiền nát trầu cau
Nên màu đỏ thắm nên màu sắt son.
BÚP
BÊ KHÔNG MẶT
Dân
Amish ở Bắc Hoa Kỳ có một lối sống an bình hạnh phúc rất ngược
với những lề thói của các khuôn mẫu và tiêu chuẩn của xã hội hiện
tại. Họ thuộc một thứ giáo phái đặc biệt rất ngặt do Jacob Ammann
lập ở Thụy sĩ, nhưng bị bách hại phải chạy sang vùng Alsace-Lorraine,
rồi di sang Mỹ khoảng năm 1720. Họ nhất định sống với nhau thành
những cộng đồng riêng biệt trong những nông trại vùng Pennsylvania,
Ohio, Indiana, Iowa, Nebraska. Lối sống của họ thật giản đơn chứ
không phức tạp đến ngộp thở như xã hội bây giờ.
Một
trong những phong tục đặc biệt của người Amish là khi con gái
đi lấy chồng, bà mẹ tự tay làm cho con một búp bê không mặt, nghĩa
là trên mặt không có mắt, mũi, miệng, tai gì hết, và các ngón
tay ngón chân cũng không rõ nét. Mà bà mẹ nào cũng làm như vậy,
không cần phải đẹp đẽ cầu kỳ gì cả, nhưng mỗi búp bê đều mang
sắc thái riêng, nhận ra ngay được nét riêng biệt của người mẹ
làm.
Trao
búp bê không mặt cho con là trao một của hồi môn đầy ý nghĩa,
sẽ làm cho con giầu lắm, chứ không bao giờ trao vàng bạc gì cả,
vì người Amish không đeo vàng, không trang điểm. Quần áo phụ nữ
thường là màu đậm, và rất giống nhau, khỏi mất công đua đòi. Thậm
chí áo họ mặc thường ngày cũng không có cúc, vì cúc cũng là đồ
trang sức khoe mẽ.
Con
búp bê đó sẽ để mãi trong phòng, luôn nhắc nhở cho con rằng không
cần phải sơn trét vào mặt những vinh hoa giả tạo. Bên trong nội
tâm con, dưới mái nhà con, đã sẵn kho tàng giầu có rồi, con hãy
hướng vào mà khai mỏ, mà xây dựng cho gia đình con thành một tổ
ấm. Con hãy tập âm thầm chịu đựng, ẩn mặt đi và bằng lòng thua
thiệt thì gia đình mới hạnh phúc được. Đúng là họ cũng biết theo
con đường "nghiền nát trầu cau"
đấy chứ.
TIN
VUI THỂ HIỆN TÌNH YÊU
Không
ngờ mà đạo sống người Việt và người Amish lại giống nhau như thế.
Vì đó chính là cách thể hiện tình yêu tinh ròng, nguyên thủy.
Như Chúa Giêsu đã định nghĩa: Không có tình yêu nào hơn được tình
của người hy sinh đến chết cho người mình thương. Đây mới là cách
dựng xây tình yêu đích thật, bằng hy sinh quên mình. "Thầy
dạy chúng con một giới mệnh mới là hãy yêu nhau. Như Thầy đã yêu
các con, cả các con cũng phải yêu nhau. Cứ xem tình các con yêu
nhau, mọi người sẽ nhận ra các con là môn đồ của Thầy" (Gioan
13:34-35).
Hình
ảnh mẹ tôi xử tội thằng Út vẫn mãi đi theo tôi, đặc biệt trong
Ngày Vinh Danh Mẹ mỗi năm. Ngày Vinh Danh Mẹ cũng nhằm vào tháng
Năm, tháng mà theo truyền thống đạo Chúa gọi là Tháng Hoa dâng
kính Đức Mẹ Maria.
Những
nhà văn hóa tha hồ mà tìm cách giải nghĩa hiện tượng tại sao người
Việt rất sùng kính Đức Mẹ, hơn truyền thống của nhiều dân tộc.
Nào là bảo văn hóa Việt là văn hóa tình mẹ, nào là hình ảnh Chim
Âu tổ mẫu bay suốt dọc dài lịch sử, bay vào mạch máu, bay vào
nhịp tim mỗi người Việt cho đến hôm nay. Nào là hiện tượng Quan
Thế Âm bên Ấn Độ thì là đàn ông, mà bước vào văn hóa Việt thì
lại trở thành một người mẹ luôn lắng nghe được mọi tiếng rên xiết
thương đau của con người. Chắc chắn vì hình ảnh người mẹ gần tim
hơn đầu khi chạm tới huyền nhiệm Thiên Chúa là Cha Tình Thương.
Và tôi vẫn nghĩ Đức Mẹ cũng thương theo cái kiểu mẹ tôi. Ai nói
sao, mặc. Chẳng cần phải lý luận rằng kiểu đó có làm cho con mình
hư hay không. Mẹ chỉ biết thương thôi.
PHÚT
TỊNH TÂM
Thể
hiện tình yêu cũng là cảm nhận tình yêu. Bằng một việc cụ thể
tỏ lộ tình thương, qua người mẹ còn sống hay đã qua đời. Mình
cảm nhận tình yêu rõ nhất qua việc làm sống lại tình mẹ với chính
Đức Mẹ Maria. Mình nhìn lên với con mắt tin yêu nói với Đức Mẹ:
"Kính mừng Maria đầy ơn phúc,
Đức Chúa Trời ở cùng Mẹ". Một bông hồng tình
yêu vừa nở trên môi, vừa rạng rỡ trong tim.
Tình
yêu này không hơn tình mẹ mình thì ít ra cũng bằng được như vậy.
Cảm nhận này là phép mầu cho lòng mình dịu lại mỗi khi cuộc sống
nặng trĩu ưu tư và căng thẳng. Và mình nghe vẳng lên đâu đây câu
hát: “Tình yêu như trái chín con tim
bồi hồi...”
Lm.
Dũng Lạc Trần Cao Tường
|