HÁT TRÊN ĐƯỜNG VỀ
Bên Mỹ, bằng quan trọng
nhất là bằng lái xe. Ở Louisiana thì cứ bốn năm phải lấy bằng
lại, chụp hình lại, kê khai rõ nặng bao nhiêu, cao bao nhiêu,
mắt màu gì, và không được phép quên con số an ninh xã hội, là
con số đã được phán xét phân loại sang hèn tốt xấu ở nước này
hẳn hòi rồi. ít nhất là từ văn phòng của FBI. Đây cũng là thẻ
"căn cước ID" được hỏi kỹ nhất. Hình chụp thì chỉ mất
mấy chục giây, mà phải mang nó đi trình diện thiên hạ cả bốn năm
liền. Ông cảnh sát đuổi xe phạt cũng đòi hỏi thăm hình trong bằng
lái. Nhân viên ngân hàng cũng yêu cầu được nhìn cho rõ. Người
ghi phòng khách sạn cũng đòi coi mắt, tai, mũi, họng... xem có
phải là thứ thiệt không!
HÌNH
CHỤP TRONG BẰNG LÁI XE
Điều
đặc biệt là chẳng mấy ai hài lòng về hình chụp trong bằng lái
xe. Có hình trông giống tên tội phạm vượt ngục thứ dữ mà cảnh
sát đang lùng bắt. Có hình khi giơ ra thì bọ hay gián gì cũng
phải chạy. Bà Angela Hill của đài CBS ở New Orleans thì chỉ mong
cơ quan chụp hình bằng lái xe có thêm kính lọc (filter) để che
bớt những vết nhăn và nhám đi cho bớt già cỗi; và phải biết kỹ
thuật chụp hình tối thiểu để chụp hình những người béo mập như
bà trông thon thon ra một tí.
Thì
ra sở dĩ mình không thích hình trong bằng lái xe vì nó giống mình
quá, lộ liễu quá, chả thẩm mĩ chút nào. Thợ chụp hình chuyên nghiệp
ăn tiền phải học kỹ thuật ánh sáng rất nhuyễn để hình chụp trở
thành lung linh hấp dẫn: phải thêm đèn chiếu phía sau cho nổi
thân người lên, thêm đèn chiếu vào tóc để những sợi tóc bạc bớt
bạc bẽo đi cho bồng bềnh thơ mộng; và phải biết dùng kính lọc
che bớt đi những gì trên khuôn mặt mà khách hàng không mấy ưa
thích. Trong mười cái hình chụp thì hình đẹp nhất chưa hẳn là
hình giống thật. Hèn chi nhiều bà nhiều cô đi sửa sắc đẹp về soi
gương nhìn khuôn mặt mới với cằm giả, mũi giả, lông mi giả, lại
khen mình đẹp quá mới lạ chứ, vì có còn phải là mình nữa đâu!
TRUYỆN
ĐI TÌM XÁC CHẾT
Trận
bão Katrina tại New Orleans thật khủng khiếp chưa từng thấy trong
lịch sử, đã tàn phá thành phố này một cách khủng khiếp. Bao nhiêu
người không còn nhà ở. Người chết cũng bộn!
Chắc
hẳn ai cũng đã từng chứng kiến hoặc nghe về những cái chết khác
nhau. Chết êm ả trên giường bệnh bên những người thân yêu hay
chết tức tưởi lòi ruột vọt óc ở ngoài mặt trận. Chết quằn quại
sau vụ cháy hoặc đụng xe. Chết không kịp trối trăng khi bị ngưng
tim. Chết cách nào thì cũng là một cái chết.
Tôi
có dịp chứng kiến một lúc nhiều xác chết với nhiều cách khác nhau.
Hồi mới sang Mỹ, dân ta chưa quen những thủ tục khi nhà có người
chết bất ngờ. Một đêm, tôi bị một gia đình đánh thức dậy xin giúp
đi tìm xác một người thân chết ở nhà vì trúng gió mà cảnh sát
đã mang đi đâu không biết. Họ hốt hoảng quá, sợ mất xác thì tìm
đâu bây giờ, mà tôi thì cũng chả hiểu đầu đuôi ra sao, nên cũng
đành vác xe chạy. Hỏi tới hỏi lui thì được chỉ tới nha cảnh sát,
chỗ phòng khám nghiệm tử thi ở đường Tulane góc đường Broad.
Mắt
nhắm mắt mở bước vào, tôi thấy sao người đợi đông thế. Nhìn kỹ
lại thì thấy toàn là xác chết không à. Tóc tôi dựng đứng, da nổi
ốc hột bò rần rần. Thì ra xác chết từ các nơi được cảnh sát đưa
về đây khám nghiệm: từ vụ đâm chém ngoài đường, từ vụ chết ở nhà
ban đêm, từ vụ chết cháy, chết tai nạn bẹp dí lôi từ xe ra, chết
chương phềnh vớt từ nước lên... Có xác ngồi, xác nằm xoải, xác
nằm co quắp, có xác cháy rụi, có xác mất đầu ... Nhìn sang phòng
bên cạnh thì thấy một cái xác khác đang được để trên bàn, mấy
người da mầu mắt đỏ hoe đang làm công tác mổ bụng lấy ruột ra
vất nhanh vào thùng rác bên cạnh kêu bẹt lên một tiếng khan mà
nhễ nhụa.Tôi bỗng rùng mình giật bắn người lên, vì vừa nhận thức
ra một mùi tổng hợp nồng nặc không thể tưởng được xộc thẳng vào
mũi, chỉa sâu vào da. Vừa tanh vừa thối khăm khẳm đến phát ói
và lạnh buốt xương sống. Cái mùi quái gở này đã bám sát ám ảnh
tôi suốt một tuần lễ: ăn không được, đang ngủ thì bị giật dậy!
TIN
VUI CHỤP HÌNH BẰNG LÁI VỀ BÊN KIA CỬA TỬ
Nhìn
lại những tấm hình chụp trong đời, mình thấy mình thay đổi nhiều
quá. Mới hồi nào là một chú bé chụp chung với các bạn cùng lớp
ở Phú Nhuận, thơ ngây bé dại. Rồi nhiều hình kế tiếp, mỗi năm
mỗi khác. Những năm gần đây thì hình có vẻ gồ ghề ra, nhiều chỗ
phát triển không đồng đều. Tóc thì cứ lớp lớp hát bài tạ từ "mùa
thu lá bay", những sợi còn lại thì "lơ thơ tơ liễu buông
mành" đếm thành con số được. Thì chả lẽ cứ trẻ mãi à! Không
biết hình năm tới ra sao? Rồi hình của 10 năm nữa, 20 năm nữa,
hay 50 năm nữa, mình khó mà hình dung nổi.
À,
tôi nhận ra rồi. Tuần này tôi đã trông thấy hình chụp tôi sau
đây 50 năm. Chuyện thật đấy. Tôi bị nha sĩ bảo phải mổ cả hai
hàm răng. Sợ quá mà cũng phải theo, vì nếu không thì nha sĩ đe
dọa rằng không lâu nữa sẽ phải đeo hàm răng giả.
Trước
khi mổ, nha sĩ cho chụp hình tia sáng X, rồi để tấm hình với hai
hàm răng nhe ra ngay trước mặt mà ngắm nghía và phân tích. Nhiều
mũi thuốc tê được chích vào lợi, những kim chích dài cứ tàn nhẫn
cắm sồn sột ngập sâu vào chân thịt đến rợn người. Tôi co người
nín thở đỡ đòn. Thế là cả hai hàm đều hết cảm giác. Nha sĩ tha
hồ tung hoành: nào khoan, khoét, nạo, đục, mài, nậy, giũa... tiếng
vang lên inh ỏi như trong xưởng thợ tiện, nào cho máy mút máu
chảy láng lênh... Tôi nằm chịu trận, cố nhìn hình tôi qua hai
hàm răng chụp tia sáng X phía trước như kiểu "tôi nhìn tôi
trên vách". Và tôi nhìn rõ hình tôi là như thế sau đây 50
năm! Tia sáng X kỳ diệu quá, nhìn thấu qua da thịt để chỉ còn
thấy xương, giống hệt như tia thời gian xuyên thủng xác thân này
cho già cỗi đi, cho thối rữa ra... Cái gì còn lại sau 50 năm nữa
ngoài bộ xương kia nhỉ? Và tôi đã xin nha sĩ chụp lại tấm hình
đó để tôi đưa về giữ làm thẻ "căn cước" cuộc đời.
Nhìn
thấy hình của mình sau đây 50 năm là cảm nhận được Tin Vui của
Chúa Giêsu qua câu chuyện: "Bấy giờ có người khen Đền Thờ
lộng lẫy khác thường vì những bức đá chạm, và những đồ phụng hiến
rất đẹp. Người nói: "Những thứ các con đang ngắm bây giờ,
sẽ có ngày tan nát hết, không còn viên đá nào chồng lên viên đá
nào." (Luca 21:5-6).
Câu
nói của Chúa Giêsu không chỉ là một lời tiên tri, vì chỉ sau đó
chưa đầy 40 năm, tức vào năm 70, quân Rôma đã đập tan sức kháng
cự mãnh liệt của người Do Thái. Và để giằn mặt, họ đã san bình
địa thành phố Giêrusalem, chỉ để lại một bức tường để ghi nhớ
cho mà sợ, đó là Bức Tường Khóc còn tồn tại đến ngày nay.
Thực
ra Chúa muốn nói về những ngôi nhà tưởng là kiên cố khác là thân
xác con người: sẽ có ngày thối rữa hết, không còn một miếng thịt
nào chồng lên miếng thịt nào, như hình chụp bộ răng kia!
Mình
thử hình dung ngồi nhìn cái xác chết của chính mình dưới ngôi
mộ qua nhiều giai đoạn xem sao. Trước hết, xác sẽ lạnh cứng, rồi
dần dần xám đen lại. Một thời gian thì thấy những kẽ nứt trên
da, nước vàng rỉ ra, nhiều phần bắt đầu thối, mùi tanh và thối
xông lên nồng nặc, rồi toàn thân nát rữa, trơ ra bộ xương dần
dà xụm xuống... Chụp hình lúc này chắc ớn lắm nhỉ? Nhưng đây là
Tin Vui của Chúa: mỗi người vẫn có thể chụp được bức hình của
mình đẹp nhất. Đó là chụp được hình linh hồn mình đã được tạo
dựng "giống như hình ảnh Chúa" (Khởi Nguyên 1:27) với
hành trang mới.
Kiếp
ngắn dài một mộ bia
Xoay vần cát bụi ngày lìa dương gian
Dừng chân đếm túi hành trang
Những gì còn lại chuỗi vàng lời kinh.
NHỮNG
GÌ SẼ ĐEM THEO VỀ CÕI CHẾT
Nhìn
lá rụng mùa thu, tự nhiên ai cũng nghĩ về thân phận mình: một
ngày không xa thân xác cũng sẽ rụng xuống như vậy. Đúng là điệu
múa tử thi. Cái gì mất, cái gì còn? Mất, nhiều khi lại còn. Mà
tưởng là còn, thì lại đã mất! Vậy xin mượn tâm tình của nhạc sĩ
Phạm Duy trong bài "Những Gì Sẽ Đem Theo Về Cõi Chết"
như một lời trần tình để chụp hình mình lấy bằng lái xe mà đi
về Cõi Chúa là gia nghiệp đời mình.
Một
mai đây tôi sẽ chết
Trên đường về nơi cõi hết
Tôi sẽ đem theo với tôi những gì đây?
Tôi
không đem với tôi được tiền tài hay danh vọng,
Tôi không đem theo với tôi được gái đẹp hay rượu nồng,
Tôi không đem với tôi được mộng giàu sang phú quí...
Tôi
không đem với tôi được quyền hành trong giai đoạn,
Tôi không đem với tôi được giới hạn tiếng anh hùng,
Tôi không đem với tôi được tượng đồng bia đá trắng...
Tôi
không đem với tôi được nhiều điều tôi mong đợi,
Tôi không đem với tôi được danh với lợi ra ngoài đời,
Tôi không đem với tôi được cả buồn vui mấy nỗi...
Rồi
mai đây tôi sẽ chết...
Trong lòng mừng không hối tiếc,
Tôi không đem theo với tôi những gì đâu!
Lm.
Dũng Lạc Trần Cao Tường
|