Chúa Chiên Nhân Lành
Chúa Nhật IV Mùa Phục
Sinh, thường được gọi là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành. Câu xướng
trước Phúc Âm cuả các năm A, B và C đều trích trong Phúc Âm Thánh
Gioan (10,14): “Ta là Mục tử nhân lành,
Ta biết chiên của Ta, và chiên của Ta biết Ta!” Các
bài Phúc Âm năm A, B và C đều trích trong Phúc Âm của Thánh Gioan:10,
1-10 (Năm A); 10,11-18 (Năm B); 10, 27-30 (Năm C).
Trong
các bài Tin Mừng trên đây, Chúa Giêsu xác định Ngừoi chính là
cửa của đoàn chiên, và cũng chính là người chăn chiên nhân lành.
Chỉ những chủ chiên nào đi theo cửa của Ngừơi (theo đường lối
của Người) mới là chủ chiên thật (Gioan 10,2).
Suy
nghĩ về Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, Cha M. D. Phillippe, O.P. viết
những lời suy niệm sau đây:
“Mọi
công việc trong cuộc đời truyền giáo của Chúa Kitô, vị Chủ Chăn
Nhân Lành, đều đơn giản là những công việc của tình thương xót
đối với đoàn chiên, đối với mọi người. Tuy nhiên, chính nơi cơn
“hấp hối” tại vườn “Cây Dầu” và trên Thánh Giá mà chúng ta cảm
nghiệm được trọn vẹn Lòng Thương Xót của Chúa.
“Mọi
khổ đau của những người tội lỗi, mọi hậu quả của tội lỗi, Chúa
Kitô đều vui lòng mang lấy vào mình. Không một khổ đau nào của
nhân loại xa lạ với Chúa Kitô. Người thấu suốt tất cả và mang
lấy tất cả vào trong thâm sâu của trái tim Người. Người đã sống
những giây phút thật căng thẳng mà không ai có thể cảm nghiệm
được. Người mang lấy tất cả vì tình yêu vô biên đối với mọi người
chúng ta. Tình thương xót của Chúa thật huyền diệu và đi đến tuyệt
đỉnh!
“Là
vị Mục Tử nhân lành, Chúa Kitô biết những điều Người phải làm.
Người biết từng con chiên với những yếu đuối và những nhu cầu
của từng con chiên. Người biết rằng để trở nên một Mục Tử nhân
lành theo đúng ý nghĩa, người chủ chăn phải yêu mạng sống của
con chiên hơn mạng sống của mình; phải muốn đặt mình vào hạng
những người tội lỗi, vào hạng những người bị ruồng bỏ để có thể
cứu vớt mọi người; phải dám ‘tự hủy ra không’ để có thể chấp nhận
mọi bất hạnh, khinh chê, và bị coi như tầm thường hơn hết mọi
người!
"Khổ
hình Thập Giá với ý nghĩa đặc biệt trọn vẹn của khổ đau để cứu
chuộc, đã tỏ cho chúng ta thấy rõ tình thương xót vô biên của
Chúa. Không từ chối gì cả, Người đã chấp nhận mọi khổ đau, mọi
nhục nhã, mọi gánh nặng tới mức không còn có thể chịu đựng hơn
được nữa. Như vậy, lòng Thương Xót của Chúa không phải chỉ ở chỗ
tìm đến để giúp đỡ những người yếu đuối , mà còn ở chỗ, như một
người mẹ, cúi mình xuống tận những kẻ đã sa ngã và cúi xuống sâu
hơn họ để cứu vớt họ và nâng họ lên (chứ không phải kéo họ lên;
Người đã vác con chiên lạc lên vai và đưa về đoàn, đưa về lại
cuộc sống).
"Tự
hạ mình xuống sâu thẳm, Chúa Kitô đã muốn bị coi như kẻ đáng tội
hơn cả Babara (Mat-theu 27,16...), như một kẻ tội phạm công khai,
như một kẻ nói phạm thượng, như một kẻ thù của lề luật Moise,
kẻ không chịu giữ ngày Sabat, một kẻ nguy hiểm quấy phá dân chúng.
Hơn nữa, Chúa Kitô còn muốn trở nên như một đồ vật mà người ta
che mắt không dám nhìn, đến nỗi khi đã chết rồi còn bị người ta
đâm vào cạnh sườn thấu tới trái tim.
“Như
vậy, Tình thương xót của Chúa là một thực thể bao quát tất cả
con người, không một chi thể nào trong thân thể của Người không
bị thương tích, và linh hồn Người cảm thấy buồn sầu đến chết đi
trong cơn hấp hối (Mat-thêu 26,38).
"Hy
lễ thập giá thật là một sự tôn thờ tuyệt đỉnh và cũng biểu lộ
tình Chúa thương xót đến tuyệt đỉnh. Nơi trái tim của Chúa Giêsu
chịu treo trên thập giá vừa mang sự Thờ Phượng (Chúa Cha), vừa
mang tình thương xót nhân loại như anh em để giúp đỡ họ, an ủi
họ, chuộc lấy mọi tội lỗi của họ và đem lại cho họ nguồn sống
mới.” (Dịch
theo bản tiếng Anh, trong Magnificat, April 2005, Fourth Sunday
of Easter; những chữ ở ngoặc đơn là chú thích của người dịch).
Ðọc
những dòng trên đây, chúng ta càng hiểu biết sâu xa hơn tình thương
xót cuả Chúa Giêsu, Ðấng Chăn chiên nhân lành, đối với đoàn chiên
như thế nào, đến nỗi đã chấp nhận mọi khổ đau đến cùng cực và
đổ đến giọt máu cuối cùng cho đoàn chiên của Chúa! Và khi không
còn sống ở trần gian nữa, Người vẫn tiếp tục “nuôi
sống đoàn con” bằng chính Mình và Máu Thánh Người
hiện diện thật sự trong Hình Bánh và Hình Rượu (Bí tích Thánh
Thể), và thánh hóa đoàn chiên bằng các
“phép Bí tích nhiệm mầu.”
Thực
sự, qua hoạt động của Chúa Thánh Thần, Chúa Giêsu vẫn ở với Giáo
Hội “mọi ngày cho đến tận thế!”(
Mattheu 28,20) Chúa Giêsu vẫn là vị Chủ Chăn chính điều hành Giáo
Hội và qua các thời đại Chúa luôn luôn dẫn dắt đoàn chiên Chúa
nhờ sự lãnh đạo của các vị chủ chăn Chúa chọn. Chúa đã chọn Thánh
Phêrô và các Thánh Tông đồ và thành lập Giáo Hội Chúa kể từ ngày
Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các Ngài và thánh hóa các Ngài.
Từ đó, qua từng thế kỷ, Chúa vẫn tiếp tục gọi và chọn một số người
để làm Chủ chiên chăn dắt Ðoàn chiên Chúa.
Chúa
chọn ai?
“Chúa
chọn những người mà Chúa muốn" (Matco 3,13 )
và trao cho những nhiệm vụ theo Thánh ý Chúa: Người
thì làm Tông đồ, người thì làm Ngôn sứ, người thì chuyên rao giảng
Tin mừng, người chuyên lo việc quản trị và giảng dạy...
(Thơ Epheso 4,11). Không ai có quyền đặt mình vào địa vị trong
Giáo Hội, nhưng tất cả đều do Chúa chọn và cắt đặt .
Nhưng
tại sao Chúa chọn con?
Vào
những ngày sắp chịu chức Linh Mục, theo sự hướng dẫn của Cha Linh
hướng và Cha Giảng Phòng (giảng tĩnh tâm để chuẩn bị chịu chức
Linh mục) tôi thường cầu nguyện và nói thầm với Chúa: “Tại
sao Chúa chọn con?”... Rồi vào ngày Lễ Truyền Chức
cũng như dịp Lễ “Mở Tay”
(Lễ Tạ Ơn) tôi thật cảm động khi nghe ca đoàn hát: “Không
phải vì con Chúa chọn con! Nhưng vì bí nhiệm tình yêu Chúa!..."
Vâng,
“không phải vì con Chúa chọn con”
nhưng Chúa chọn “những ai mà Chúa muốn”
(Matcô 3,13), sau khi Chúa đã lên núi một mình để cầu nguyện suốt
đêm ( Luca 6,12 ). Ðó thật là một sự kỳ diệu của Ơn Gọi theo Thánh
Ý Chúa. Chúa gọi Phêrô dù Ông đã “chối
Chúa tới ba lần dù Chúa đã cảnh cáo Ông trước!” và
lại còn đặt Ông làm Giáo Hoàng đầu tiên của Giáo Hội. Chúa đã
chọn Phaolô ngay trên con đường Ông đi tìm bắt và bách hại đoàn
chiên non trẻ của Chúa! Và suốt đời Ông vẫn phải mang những “yếu
đuối” của mình ‘Ai yếu đuối
mà tôi không yếu đuối!’... (2 Cor. 11,29 ) Mọi người
được Chúa gọi và chọn đều cảm thấy mình bất xứng và thật lo lắng
trước trách nhiệm được trao phó như Ðức Ðương Kim Giáo Hoàng Benedicto
XVI, khi được bầu chọn lên ngôi Giáo Hoàng, trong “Lời
Tâm Tình Ðầu Tiên của Ngài” cũng chia sẻ kinh nghiệm
đó: “Tôi cảm thấy bất xứng và... thật
lo lắng trước trách nhiệm được trao phó...” nhưng “Ơn Chúa đủ
cho tôi!” (2Cor. 12,9…); nên Ðức Giáo Hoàng cũng nói
tiếp: “Tôi cảm thấy như bàn tay quyền
năng của Thiên Chúa nắm chặt lấy tay tôi. Tôi như nhìn thấy ánh
mắt tươi cười của Chúa và lắng nghe Chúa nói với tôi đặc biệt
vào lúc này: Con đừng sợ!”. Với tâm tình đó, những
người được chọn đều khiêm tốn như Mẹ Maria để thưa lời “Xin
Vâng!”
Như
vậy, chúng ta mới hiểu tại sao Chúa Giêsu đã “lên
núi thức suốt đêm để cầu nguyện” (Luca 6,12) trước
khi chọn các Tông đồ. Hơn nữa trong đêm trước khi tự trao mình
để chịu cuộc khổ nạn để cứu chuộc nhân loại, trong Bữa Tiệc Ly,
Chúa đã cúi mình xuống để rửa chân cho các Tông đồ để dạy cho
các Ông bài hoc phục vụ trong khiêm tốn và Chúa đã tâm tình và
căn dặn các tông đồ nhiều điều mà Phúc Âm theo Thánh Gioan đã
ghi lại suốt các đoạn 13, 14, 15; còn toàn đoạn 17 ghi lại những
lời Chúa Giêsu cầu nguyện thiết tha với Ðức Chúa Cha cho các Tông
đồ đang hiện diện, cũng như cho các Chủ chăn qua mọi thời đại;
đặc biệt trong câu “Con không xin Cha
cất họ ra khỏi thế gian; nhưng xin gìn giữ họ khỏi mọi sự dữ!”
(Gioan, 17,15).
Trong
thời gian giúp các giáo xứ Hoa Kỳ, khi gặp gỡ Giáo dân, thường
có những người sau khi chào hỏi đã nói với tôi một cách thân tình
“Thank you Father for being a priest!”
(Cám ơn Cha đã là một Linh Mục!). Chúng ta thường
có lòng yêu mến và hằng cầu nguyện cho các chủ chăn trong Giáo
hội; nhưng đặc biệt trong ngày Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, chúng
ta hãy dâng nhiều hy sinh và lời cầu nguyện cho Ðức Giáo Hoàng
cũng như cho các chủ chăn trong toàn thể Giáo Hội, cách riêng
các chủ chăn Chúa sai đến làm việc giữa chúng ta.
Chúa
Nhật IV Mùa Phục Sinh cũng là Ngày Thế Giới đặc biệt cầu nguyện
cho Ơn Gọi (World Day of Prayer for Vocations):
Trong Thánh lễ cũng như trong các kinh nguyện, chúng ta hãy dâng
lời cầu nguyện cho có nhiều người được Chúa gọi và chọn để trở
nên các nhà Truyền giáo và Chủ Chăn để rao giảng và chăn dắt Ðoàn
chiên Chúa.Chúng ta cũng cầu xin với Mẹ Maria, Mẹ Hàng Gíao Sĩ,
chuyển cầu cho chúng ta.
KINH
CẦU CHO CÁC LINH MỤC
Lạy
Chúa Giêsu/ là linh mục cao trọng, là Đấng tế lễ đời đời. Bởi
lòng quá yêu dấu loài người là anh em của Chúa, nên Chúa đã mở
kho tàng Trái Tin cực thánh Chúa, mà lập ra chức vị linh mục,
thì nay chúng tôi cũng xin Chúa khấn đổ vào lòng các linh mục
/ những dòng nước trường sinh / bởi lòng thương yêu vô cùng Trái
Tim Chúa.
Xin
Chúa sống trong mình các linh mục/ và dùng các Ngài, mà ban phát
ơn lành của lòng thương xót Chúa. Xin Chúa hành động với các linh
mục, và dùng các Ngài/ mà hành động trong thế gian.
Lại
xin Chúa làm cho các linh mục được hoàn toàn giống Chúa, mà trung
thành bắt chước các nhân đức cao trọng của Chúa, để nhân danh
Chúa/ và nhờ quyền phép Chúa Thánh Thần, các Đấng ấy nhiệt thành/
làm những việc xưa Chúa đã làm/ mà cứu người ta cho được rỗi.
Lạy
Đấng Cứu Chuộc loài người! Xin Chúa nhìn xem biết bao nhiêu kẻ
/đang nằm trong bóng tối tăm lầm lạc. Xin Chúa xem đến vô số giáo
hữu theo đường tội lỗi/ hòng sa xuống vực sâu.
Xin
Chúa trông đến biết bao người bần cùng đói khát, những người dốt
nát mê muội, và nhửng kẻ yếu đuối nhát hèn/ đang rên rỉ than khóc/
vì không có linh mục coi sóc, giữ gìn.
Xin
Chúa dùng các linh mục mà ở lại với chúng con. Xin Chúa sống trong
mình các linh mục, và dùng các Ngài mà hành động, và trở lại dưới
thế gian này/ mà dạy dỗ, tha thứ, yên ủi, tế lễ/ và kết hợp mối
tình yêu mến, ràng buộc lòng Chúa với loài người chúng con cho
đến trọn đời. Amen
KINH
CẦU NGUYỆN CHO ƠN GỌI
Lạy
Thiên Chúa chí ái, Giáo Hội Chúa đã được Chúa thương ban cho những
linh mục, phó tế, tu sĩ nam nữ, các thành viên tu hội đời, các
tông đồ giáo dân / luôn tận hiến để hằng ngày đem Chúa đến cho
mọi ngừơi trên khắp thế giới . Xin Chúa giúp các vị đó luôn kiên
cường trong sứ vụ. Xin Chúa cũng kêu gọi thêm nhiều người cùng
tham gia trong công cuộc phục vụ dân Chúa . Amen.
Lm.
Anphong Trần Đức Phương
|