Suy Niệm của Huệ Minh

Chuá nhật 32 Thường Niên, năm C


Chúa nhật 32 thường niên, năm C

Chúa Nhật  Tuần XXXII  Mùa Thường Niên  Năm C  

2 Mcb 7, 1-2. 9-14; 2 Tx 2, 15 - 3, 5   (Hl 2, 16  -  3, 5); Lc 20, 27-38; Hoặc bài vắn này:   Lc 20, 27. 34-38

TIN VÀO SỰ SỐNG ĐỜI SAU

Đã bước vào cuộc đời này ắt có ngày chết. Đó là chân lý, đó là định luật của đời sống con người. Và như vậy, chết là lẽ thường tình của một kiếp nhân sinh. Tuy nhiên, điều mà chúng ta cần đặt ra, đó là: chết rồi sẽ đi về đâu? Bên kia cái chết là gì?

Trang Tin Mừng hôm nay thuật lại một cuộc tranh luận về giáo lý giữa phái Sađốc và Chúa Giêsu. Phái Sađốc mỉa mai việc kẻ chết sống lại, còn Chúa Giêsu thì khẳng định tín điều ấy. Chúng ta chẳng cần đi sâu vào chi tiết cuộc tranh luận đó làm chi. Điều cần chúng ta quan tâm hơn là hãy suy nghĩ về niềm tin của mình. Vấn đề thực tế đối với chúng ta là chúng ta tin có sự sống lại.

Những câu hỏi như thế, nhóm Xa đốc trong trang Tin Mừng hôm nay đã đặt ra cho Chúac Giêsu. Nhân cơ hội, Chúa Giêsu đã mạc khải cho họ biết về cuộc sống mai hậu. Và đây cũng chính là câu trả lời cho mỗi chúng ta về vấn nạn về cuộc sống mai hậu.

Những người Xađốc đến gặp Chúa Giêsu để điều tra về giáo huấn của Người. Họ đặt câu hỏi dựa trên luật thế huynh để xem Chúa Giêsu nghĩ gì về việc kẻ chết sống lại. Như trong giai thoại trước (Lc 20,20-26), Chúa Giêsu giải quyết vấn nạn kiểu giải nghi theo cách bất ngờ khiến các kinh sư cũng phải thán phục. Gọi là “giải nghi”, vì ở đây câu hỏi được đặt ra không nhắm đến bản thân Đức Giêsu hoặc quan hệ của Người với giới chức Giêrusalem. Câu hỏi mang tính lý thuyết, mà rất có thể thường được người Xađốc đặt ra cho người Pharisêu.

Họ đến gặp Chúa Giêsu và hỏi Ngài một câu hỏi xem ra không thể trả lời được. Căn cứ theo luật Lêvi ( Đnl 25, 5tt.), nếu một người qua đời mà không có người nối dõi tông đường, thì người em phải cưới chị dâu ấy để cho anh mình có người con nối dõi tông đường. Dựa trên luật này, họ hư cấu một câu chuyện bảy người anh em lần lượt lấy một người vợ để có người con nối dõi tông đường, nhưng đều chết mà không có con; vậy nếu có sự sống lại thì ai sẽ là chồng của người phụ nữ này. Như vậy, niềm tin vào sự sống lại thật là lố bịch.

Những người này không những tin ở Ngũ thư mà còn tin ở các sách Tiên tri và các sách khác nữa. Ðó là những sách đã khởi sự với phong trào Ðệ nhị luật, tức là suy nghĩ về luật pháp. Biệt phái là các thần học gia không ngừng học hỏi và dạy dỗ luật pháp. Họ quý những sách viết sau như những sách viết trước vì họ quan niệm Lời Chúa và mạc khải sống động và triển khai không ngừng. Thế nên họ tin lời sách Ðaniel cũng như lời sách Maccabê về việc phục sinh sau này.

Họ dựa vào một khoản luật của Môsê để đặt ra một câu chuyện lố bịch chế diễu Chúa Giêsu. Khoản luật đó là: Nếu một người đàn ông có vợ nhưng chưa có con mà bị chết, thì một trong các anh em trai của người chết ấy phải cưới lấy người vợ góa. Khi sinh ra đứa con đầu tiên thì phải coi đứa con đó là con của người đàn ông quá cố. Mục đích của luật này là để cho người quá cố không bị tuyệt tự, nhưng vẫn có con lưu truyền nòi giống cho mình. Phái Sađốc đã căn cứ vào khoản luật này và đặt ra một thí dụ: gia đình kia có 7 anh em trai, người thứ nhất lấy vợ rồi chết mà không có con, người thứ hai lấy người vợ góa đó nhưng cũng chết không con, tới người thứ 3, thứ tư, năm, sáu bảy đều lần lượt lấy người vợ góa đó và cũng đều chết mà không có con. Vậy khi sống lại thì người đàn bà này sẽ là vợ của ai? Ta thấy mục đích của phái Sađốc là mỉa mai cho rằng sống lại là việc phi lý, vì nếu có sống lại thì chẳng lẽ người đàn bà ấy có thể là vợ chung của tập thể 7 anh em kia sao?

Câu trả lời của Chúa Giêsu khẳng định rằng sẽ có sự phục sinh, đồng thời cũng giải thích những đặc tính của sự phục sinh mà biện luận của bè Xađốc đơn giản là loại bỏ.

Căn cứ trên bộ Ngũ Thư, bè Xađốc bài bác niềm tin vào sự sống lại. Vì thế, Chúa Giêsu viện dẫn sách Xuất Hành (Xh 3, 2-6), một trong sách thuộc về bộ Ngũ Thư, để cho thấy cách hiểu sai lầm trầm trọng của bè Xađốc. Từ Xh 3, 2-6 trong đó Thiên Chúa tự bày tỏ mình cho ông Môsê: “Ta là Thiên Chúa của cha ông ngươi, Thiên Chúa của Ápraham, Thiên Chúa của Ixaác, Thiên Chúa của Giacóp”, Chúa Giêsu rút ra câu kết luận:“Thiên Chúa không là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống”, có nghĩa rằng Thiên Chúa vẫn thường hằng có mối quan hệ với Ápraham, Ixaác và Giacóp, dù các vị tổ phụ này đã chết từ lâu rồi. Vì thế, dù những người công chính này đã chết trên bình diện thể lý, họ vẫn đang sống, thật sự sống trong Thiên Chúa và mong chờ cuộc phục sinh.

Chúa Giêsu vạch cho họ thấy sự sai lầm này, Người nói: Con cái đời này thì cưới vợ lấy chồng; còn những ai đáng hưởng đời sau và sống lại từ cõi chết, thì sẽ không cưới vợ lấy chồng... bởi họ được như thiên thần và nên con cái Thiên Chúa.

Chúa Giêsu đã bắt lẽ các người Xađốc ngay trong chính lý luận của họ, khiến họ phải đuối lý không thể nào trả lời được. Vì thế, không lạ gì mà các kinh sư khi chứng kiến cuộc tranh luận đã phải thốt lên lời khen ngợi: “Thưa Thầy, Thầy nói hay lắm” (20, 39).

Bề ngoài, người Xa đốc và Đức Giêsu nói về cùng mộtvì Thiên Chúa. Trong thực tế, họ quan niệm Thiên Chúa là một Đấng Tạo hóa và Nhà lập pháp lạnh lùng, đã nói tiếng nói cuối cùng khi bố trí thế giới hiện tại và khi ban Luật Môsê. Đối với Đức Giêsu, Thiên Chúa không kéo con người ra từ hư vô để rồi lại đẩy nó rơi vào hư vô. Ai đã được Thiên Chúa gọi đi tới sự sống, thì được Ngài nhắm cho đạt tới sự sống đời đời. Đối với chúng ta, mọi sự tùy thuộc Thiên Chúa. Số phận chúng ta tùy thuộc Ngài là ai, và là ai đối với loài người.

Đối với người Xađốc, Thiên Chúa là một vì Thiên Chúa của những quy định pháp lý và là một vì Thiên Chúa có quyền năng đã bị cạn kiệt khi tạo dựng thực tại trần gian như hiện có. Đấy là những tiền giả định mà Đức Giêsu không chấp nhận. Họ coi Thiên Chúa như là Đấng đã ban cho dân Israel một loạt những giới luật nhằm bảo đảm cho họ một cuộc sống tốt lành và trật tự trên mặt đất này. Ngược lại, đối với Đức Giêsu, Thiên Chúa trước khi là Thiên Chúa của các quy định, là Thiên Chúa của lòng nhân lành luôn chiếu cố đến từng con người, hướng dẫn, săn sóc từng con người. Thiên Chúa không liên hệ với con người trước tiên bằng luật lệ, nhưng bằng lòng nhân ái tỏ ra với các tổ phụ. Thiên Chúa không chỉ săn sóc các ngài trong một thời gian ngắn để rồi sau đó bỏ mặc cái ngài trong cái chết. Đã được Thiên Chúa cúi mình xuống trên mình với lòng nhân ái, con người mãi mãi được nhắm cho sống, bởi vì Thiên Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống.

Chúa Giêsu phán: "Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết" (Ga 11, 25-26). Thiên Chúa làm chủ sự sống. Thiên Chúa là "Thiên Chúa của kẻ sống". Chúa là Thiên Chúa của tôi nếu tôi đang sống, nghĩa là nếu tôi còn đang ở trong tương quan mật thiết với Ngài. "Thiên Chúa của kẻ sống" có nghĩa là "đối với Người, tất cả đều đang sống". Vậy nếu tôi cắt đứt tương quan với Người tức là tôi đã chết và như thế Thiên Chúa không thể là Thiên Chúa của tôi nữa.

Muốn được sống đời sống ấy trong ngày sau hết, mỗi kitô hữu cần phải đặt trọn niềm tin tưởng phó thác nơi Thiên Chúa. Sống tương quan mật thiết với Chúa, thực thi lời Chúa dạy, sống công bình bác ái và hãy loại bỏ những hành vi gian ác, lối sống sa hoa, những lời nói gian tà, những tình cảm bất chính, những đam mê trần tục, không chiều theo cám dỗ của ma quỷ, thế gian và xác thịt.

Thật vậy, Chúa là sự sống lại và là sự sống, xin Chúa cho ta biết đi trên đường lối của Chúa, biết tin tưởng phó thác nơi lòng thương xót của Chúa để ta cũng được sống lại ngày sau hết, được nên giống các thiên thần và là con cái của Thiên Chúa.

 

 

Thứ Hai tuần 32 TN.

Kn 1:1-7; Lc 17:1-6

HÃY KHOAN DUNG

          Mở đầu trang Tin Mừng hôm nay, ta thấy thánh sử giới thiệu vị thầy dạy là Chúa Giêsu và các học trò là môn đệ của Ngài. Đối tượng bây giờ là các môn đệ, là cộng đoàn của các ông chứ không phải dân chúng. Chúa Giêsu khẳng định : đành rằng có những cớ làm cho người ta vấp ngã, nhưng Ngài lại chúc dữ cho kẻ làm điều ấy “khốn cho kẻ làm cớ...” (c. 1) và Ngài đưa ra hình phạt ngay : “Cột cối đá vào cổ nó và xô xuống biển thì có lợi cho nó hơn...” ( c. 2).

          Cớ vấp ngã là một câu nói, một thái độ hay một hành động nào đó, tự bản chất có lẽ không xấu, nhưng do nó ở trong một hoàn cảnh không thích hợp nên nó gây ảnh hưởng tai hại. Cũng như một tảng đá, tự nó không có gì xấu, nhưng nếu nó nằm giữa đường thì sẽ khiến người ta vấp vào mà bị ngã. Sống trong một tập thể nhiều người, tất nhiên không thề không có cớ vấp ngã, nhưng mỗi người hãy đề phòng đừng trở thành cớ vấp ngã cho người khác.

          Một câu nói tưởng chừng như một hình phạt nhưng lại là công phúc, đem lại lợi ích cho kẻ gây ra và nhất là không gây tác hại cho kẻ khác, làm cớ cho người khác vấp ngã còn do những lời giảng dạy sai lầm, khiến người nghe, hiểu và có những hành động sai lạc. Đây cũng là lời cảnh tỉnh cho những người có trách nhiệm chăm sóc dạy dỗ linh hồn người khác như : Linh mục, tu sĩ, các giáo lý viên và ngay cả mỗi người Kitô hữu... Khi chúng ta sống trái với đạo lý, ngược với Tin Mừng. Ta cần phải làm chứng về Đức Kitô cho những anh em tân tòng, các anh em thuộc các tôn giáo bạn bằng cách sống hằng ngày của chúng ta.

          Kế đó, Chúa Giêsu còn chỉ dạy chúng ta cách sửa lỗi nhau : “Nếu  người anh em của anh xúc phạm đến anh, hãy khiển trách nó” (c. 3). Chúa không muốn chúng ta phủ nhận hay xem thường lỗi của người anh em, nhưng là lấy tình bác ái mà sửa dạy lẫn nhau. Ngài muốn chúng ta chỉ rõ lỗi của anh em, nói thẳng những điều xấu của họ trong tình bác ái. Không phải để la mắng, vùi dập, tố cáo... nhưng là nâng đỡ, vạch ra hướng đi, và giúp người anh em chỗi dậy và bước tiếp : “Nếu nó hối hận, hãy tha cho nó” Tha thứ là hành vi bác ái mà luật Chúa Kitô đòi hỏi: “Dù nó xúc phạm một ngày 7 lần và 7 lần trở lại nói : Tôi hối hận; thì cũng phải tha cho nó” (c. 4).

          Tha thứ không giới hạn, không kể đến vì lỗi lầm người kia cứ xúc phạm, nhưng nếu không tha thứ cho người anh em là chúng ta phủ nhận Tình Yêu của Chúa đối với  ta qua bí tích Hòa giải. Thiên Chúa đã tha thứ cho ta và tha thứ cho người anh em, vậy sao ta lại cố chấp nhận không tha thứ ?. Sự tha thứ cần thiết vì con người quá yếu đuối, mỏng giòn. Tha thứ còn là cảm thông với những yếu đuối của họ và truyền sinh lực cho họ bước tiếp quãng đường.

          Và ta thấy có lẽ sau khi nghe bài giảng về việc “làm cớ” và “sửa lỗi”, các ông nhận ra giới hạn của bản thân, nên cùng nhau thưa với Chúa rằng “Xin thêm lòng tin cho chúng con” (c.5). Một lời cầu đích đáng và thích hợp cho mọi người trong mọi thời. Đây là dịp Chúa Giêsu dạy các ông về sức mạnh của lòng tin “Nếu lòng tin bằng hạt cải, cây dâu sẽ vâng lời anh em” (c. 6).

          Ta được mời gọi ý thức được trách nhiệm bảo vệ đức tin của mình. Ý thức ấy nhắc nhở ta tự nguyện hướng theo một lối sống cụ thể mà Thánh Phaolô nói về các kỳ mục: “Không ngạo mạn, không nóng tính, không nghiện rượu, không hiếu chiến, không tìm kiếm lợi lộc thấp hèn; trái lại, phải hiếu khách, yêu chuộng điều thiện, chừng mực, công chính, thánh thiện, biết tự chủ, phải gắn bó với Lời Chúa và sống mật thiết với Thiên Chúa” (Tt 1,7-9).

          Với trang Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng đề cao đời sống chứng nhân nơi người môn đệ khi Ngài dùng phương pháp phản biện để làm toát lên tính quan trọng của gương sáng. Ngài nói: “Vô phúc cho kẻ nào gây ra gương xấu. Thà nó bị cột cối đá vào cổ mà ném xuống biển còn hơn là làm gương xấu cho một trong những trẻ nhỏ này”. Nêu gương xấu là điều tắc trách, nhưng gây nên cho những trẻ nhỏ, những người bé mọn, người kém đức tin là một tội ác vì tính chất nguy hiểm khôn cùng của nó! 

          Tha thứ là đòi hỏi của Tin Mừng nhưng lại là điều khó thực hiện. Nhiều khi ngay cả anh chị em ruột thịt trong một gia đình cũng không chấp nhận tha thứ cho nhau. Để có thể tha thứ, cần tâm niệm hai điều. Thứ nhất là chính chúng ta được Chúa tha thứ và vì thế, phải tha thứ cho người khác: “Anh em hãy tha thứ cho nhau như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô”. Thứ hai là bản thân chúng ta cũng có nhiều thiếu sót và người khác đã tha thứ cho chúng ta, dù họ không nói ra. Càng ý thức điều đó bao nhiêu, càng dễ tha thứ cho nhau bấy nhhiều.

          Lời Chúa hôm nay mời gọi ta mở cánh cửa lòng bao dung của mình (câu 3b-4) càng cấp bách, càng thiết tha biết bao nhiêu. Hẳn Chúa muốn dòng sông xót thương của Ngài không bao giờ ngừng lại, mà sẽ vươn xa hơn và tưới gội thêm thật nhiều mảnh đất hồn người. Yêu là tha thứ và tha thứ không ngừng. Đó mới là tâm nhân hậu mà Chúa muốn ta sống.

Thứ Ba tuần 32 TN.

Kn 2:23-3.9; Lc 17:7-10

TINH THẦN PHỤC VỤ

          Dung mạo của một Chúa Kitô phục vụ và phục vụ cho đến chết chưa được phản ảnh trên gương mặt của các Kitô hữu; tinh thần phục vụ đích thực của Kitô giáo vẫn chưa được sáng tỏ và thể hiện qua cách sống của các Kitô hữu. Chúa Giêsu đã khẳng định: "Khi làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi chỉ làm những việc bổn phận mà thôi". Ðầy tớ là người làm tất cả những mọi sự vì chủ, đầy tớ là người hoàn toàn sống cho chủ. Dĩ nhiên, ở đây, Chúa Giêsu không có ý đề cao quan hệ chủ tớ trong xã hội.

          Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh rất thực tế để dẫn các môn đệ của Người vào sự khiêm nhường cần phải có của người môn đệ. Cương vị của người đầy tớ rất khiêm tốn, hạnh phúc của họ cũng đơn giản là chu toàn bổn phận trong niềm vui chung của cả gia đình ông chủ.

          Hơn nữa, người môn đệ của Chúa có chu toàn được bổn phận của mình thì cũng là nhờ ơn Chúa trợ giúp như lời Chúa nói với Phêrô: “Không có thầy anh em không thể làm gì được”. Chính Chúa đã đặt Phêrô làm đá tảng xây nên ngôi nhà Hội thánh. Đá tảng ấy rất quan trọng nhưng vị trí của nó là nằm bên dưới, ẩn khuất để chống đỡ toàn bộ toà nhà.

          Chúa Giêsu không có ý xem nhẹ chúng ta hay xem nhẹ việc chúng ta làm, nhưng Ngài muốn giúp chúng ta -qua con đường phục vụ vô vị lợi với tất cả tinh thần trách nhiệm và khiêm tốn- sẽ được Thiên Chúa ban dồi dào hồng ân gấp bội.

           Chúa Giêsu muốn dùng hình ảnh người đầy tớ vốn có trước mắt người Do thái, để nói lên tương quan đích thực giữa con người và Thiên Chúa, đó là con người chỉ sống thực sự khi nó sống cho Thiên Chúa mà thôi. Cái nghịch lý lớn nhất mà Kitô giáo đề ra là càng tìm kiếm bản thân, càng sống cho riêng mình, con người càng đánh mất chính mình; trái lại, càng sống cho Thiên Chúa, càng tìm kiếm vinh danh Thiên Chúa, nghĩa là càng phục vụ vô vị lợi, con người càng lớn lên và càng tìm lại được bản thân; giá trị đích thực của con người như Chúa Giêsu đã dạy và đã sống chính là phục vụ một cách vô vị lợi.

          Công Ðồng Vaticanô II trong Hiến Chế "Vui Mừng và Hy Vọng" đã để lại một châm ngôn đáng được chúng ta suy niệm và đem ra thực hành: "Con người chỉ tìm gặp lại bản thân bằng sự hiến thân vô vị lợi mà thôi".     

          Chúa Giêsu - Ngôi Hai Thiên Chúa - đã vâng lời Chúa Cha đến trần gian trong thân phận con người hèn mọn. Ngài đến không phải để được phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống cho con người (Mt 20, 28); Ngài là Thiên Chúa nhưng ở giữa các môn đệ như kẻ hầu bàn (x. Lc 22, 27);

          Tuy là Thầy là Chúa, Ngài đã “chỗi dậy, bỏ áo xống đi và cúi xuống rửa chân cho các môn đệ” (Ga 13, 4-5). Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Philippphe cho biết: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang…. Chính vì thế, ngài được Thiên Chúa tôn vinh và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn vàn danh hiệu” (Pl 2, 6-11)        

          Mỗi người chúng ta đều được Chúa mời gọi làm tông đồ cho Chúa. Chúa sẵn sàng ban cho ta tất cả những gì tốt nhất. Chúng ta thành công trong công tác mục vụ, được người ta khen ngợi, thương mến, nên có khi chúng ta tưởng là mình tài giỏi, năng lực siêu quần, nhân đức cao dày, mang chứng bệnh của “con lừa chở thánh tích”. Nhiệt huyết làm việc của chúng ta cần thanh luyện để làm việc vì lòng mến Chúa và các tâm hồn. Vì thế Chúa mời gọi chúng ta phải hết sức khiêm nhường, chúng ta làm việc với tâm niệm “lạy Chúa con chỉ là tôi tớ vô dụng của Chúa”.

          Theo gương Chúa Giêsu, biết bao Kitô hữu đã sống tinh thần phục vụ. Đức Thánh Cha Phaolô VI làm việc miệt mài lo cho Giáo Hội; cuối mỗi văn kiện gửi cho dân Chúa, ngài viết: “Phaolô VI, tôi tớ của các tôi tớ”. Mẹ Têrêsa Calcutta và các chị em trong dòng dong duổi khắp đường phố Ấn Độ để phục vụ những người nghèo hèn khốn khổ nhất. Gương phục vụ của Mẹ Têrêsa được cả thế giới trân trọng và ngưỡng mộ.

          Giáo Hội càng phục vụ thì bộ mặt của Chúa Kitô phục vụ càng sáng tỏ hơn; trái lại, khuôn mặt Chúa Kitô sẽ lu mờ đi, nếu Giáo Hội chưa thể hiện được tinh thần phục vụ đích thực của Ngài.

          Ước gì qua lời Chúa hôm nay, xin cho mỗi chúng ta biết nghe Lời Chúa, noi gương Chúa trở nên những người phục vụ giáo xứ, gia đình và những người xung quanh với tinh thần khiêm tốn vô vị lợi. Chúng ta  tin rằng Chúa sẽ trả công bội hậu theo lòng quảng đại của Ngài, nhất là sẽ ban thưởng nước trời cho chúng ta nếu chúng ta phục vụ anh chị em một cách cần mẫn, với tinh thần khiêm tốn và trung thành.

Thứ Tư tuần 32 TN.

Kn 6:1-11; Lc 17:11-19

LÒNG BIẾT ƠN

          Trong phép lịch sự xã giao của xã hội, mà ngay từ khi một đứa trẻ bập bẹ biết nói, người ta đã dạy chúng hai từ căn bản, đó là: xin lỗi và cám ơn. Đây là thái độ của một con người được đánh giá là lịch sự, là có giá trị. Giá trị ở chỗ nhận ra những gì xảy đến trong cuộc đời là do ân ban do tình thương của người khác. Hôm nay, trong bài Tin Mừng, Thánh sử Luca đã đề cao một hành vi nhỏ bé ấy, vốn xảy ra trong cuộc sống hằng ngày.

          Trên hành trình lên Giêrusalem và khi đi ngang qua ranh giới giữa miền Samari và Galilê, Chúa Giêsu đã được mười người phong hủi đón gặp. Ai cũng biết những người phong phải rơi vào một tình trạng thật thê thảm. Thật vậy, người phong hủi bị mọi người trong xã hội lẫn tôn giáo thời ấy kỳ thị và xa lánh.

          Khi thấy Chúa Giêsu vào làng, họ ra đón gặp Người. Nhưng "họ chỉ dừng lại ở đàng xa và kêu lớn tiếng: Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi" (c.13). Họ không dám đến gần Chúa Giêsu để nài nỉ, để chạm vào gấu áo Người như những bệnh nhân khác, vì đó là luật cấm của Do Thái. Họ biết Chúa Giêsu là vị lương y tài giỏi chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền, nên cố kêu lớn tiếng cầu xin lòng thương xót của Người. Động lòng thương",  Chúa Giêsu bảo: Hãy đi trình diện tư tế (14a).

          Một lệnh truyền được ban ra và họ đã thi hành. Chúa Giêsu bảo họ đi đến với các tư tế là những người theo luật (Lv 14, 2tt) có nhiệm vụ cứu xét về việc lành bệnh, để họ được gia nhập cộng đồng. Chúa Giêsu đã không làm một cử chỉ "giơ tay" hay "chạm vào", vì thế việc chữa lành không xảy ra ngay tức khắc: "đang khi đi, họ được sạch" (14b). Như thế, chỉ với một lệnh truyền mà mười người này đã tuân lệnh, chứng tỏ họ có lòng tin tưởng mạnh mẽ vào Lời của Đức Giêsu- Lời của Người có sức mạnh và uy quyền chữa lành.

          Việc tìm gặp Chúa Giêsu chính là một cơ hội quý giá để được chữa khỏi, và niềm hy vọng mong manh của những người phong đã thành hiện thực. Chúa Giêsu đã mủi lòng trước lời van xin đầy thống thiết của họ: “Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi” và Chúa đã chữa lành cho họ. Nhưng đáng suy nghĩ là bổn phận biết ơn.

          "Một người trong bọn họ thấy mình được sạch, liền quay trở lại, tôn vinh Thiên Chúa" (15). Chúng ta chú ý về thái độ của anh: khi vừa thấy ơn lành xảy ra với mình, anh ý thức điều ấy ngay tức khắc trong thái độ: "liền quay trở lại" tìm gặp Chúa Giêsu và tôn vinh Thiên Chúa đã thực hiện nơi anh việc lạ lùng qua Lời của Người. "Anh sấp mình.dưới chân Chúa Giêsu mà tạ ơn".  Một thái độ tôn thờ, tin tưởng và suy tôn uy quyền của Thiên Chúa; thái độ của một thụ tạo trước Đấng tác tạo muôn loài, trước Tình Yêu nhưng không của Ngài chỉ còn biết: Tạ ơn; như thái độ của Đức Maria trong kinh Magnificat vậy. Anh ý thức mình chỉ là một tạo vật nhỏ bé tầm thường nhưng được Thiên Chúa ưu ái đặc biệt. Thánh Luca nói tiếp: Anh là người Samari.

          Chúa Giêsu quả thật là người đã chữa trị cho mười người phong cùi, nhưng khác với những phép lạ khác, ở đây thay vì sờ vào những người phong cùi hoặc nói một lời, Chúa Giêsu sai họ đi trình diện với các tư tế theo như luật Môisen qui định. Thánh Luca ghi lại rõ ràng rằng trong khi họ đi, họ được lành sạch.

          Quả thật, nếu họ đứng yên tại chỗ để chờ đợi, họ sẽ chẳng bao giờ được lành bệnh. Chúa chờ đợi để chữa trị họ và chính lúc họ tin tưởng để ra đi, ơn Chúa mới đến. Chúa luôn chờ đợi lòng tin, sự kiên nhẫn và cả sự chờ đợi của chúng ta. Có khi ơn Ngài chỉ đến sau nhiều năm tháng chờ đợi và nhất là sau nhiều năm tháng chiến đấu hy sinh của chúng ta. Một sự thất bại, một nỗi mất mát lớn lao, một căn bệnh bất trị, bao nhiêu đau khổ là bấy nhiêu tiến tới và chờ đợi để ơn Chúa được chín muồi.

          Lẽ dĩ nhiên, người ban ơn không cần báo đáp nhưng người thụ ơn phải có bổn phận biết ơn. Ấy vậy mà, chỉ một người trong số họ trở lại để tạ ơn Chúa. Một con số quá ít trong khi cả mười người đều nhận ơn. Tin Mừng còn viết rõ đó là người Samari, người vẫn bị anh em Do Thái nhìn nhận là ngoại giáo. Dân Do Thái, dân riêng của Thiên Chúa mà đại diện là chín người kia, đã không trở lại để tạ ơn. Tiên tri Isaia đã mạnh mẽ lên án thái độ vô ơn với Thiên Chúa khi viết: “Con bò còn biết chủ, con lừa còn biết máng cỏ nhà chủ nó. Nhưng Israel thì không biết, dân Ta thì chẳng hiểu gì” (Is 1, 3).

          Cuộc đời chúng ta nằm trong những liên đới chập chùng. Chúng ta chẳng cho đi được bao nhiêu nhưng lại nhận rất nhiều từ Thiên Chúa về vật chất cũng như tinh thần, trực tiếp cũng như qua xã hội và gia đình. Và nhất là chính sự hiện hữu của chúng ta cũng là món quà từ Thiên Chúa. Nếu không nhận ơn, đời chúng ta thành bơ vơ nghèo nàn. Tiền bạc vật chất có thể trả được nhưng ân nghĩa, tình thương làm sao trả được !

          Ta là những người đã lãnh nhận rất nhiều ơn lành từ Thiên Chúa. Thế mà, mỗi người thường rất vô ơn. Sự vô ơn thể hiện qua việc để cho ơn thánh trở nên vô hiệu, và đời sống của mình ra cằn cỗi, không sinh hoa trái. Việc sinh nhiều hoa trái là một dấu chỉ về lòng biết ơn Chúa (Ga 15, 8). Hoa trái ấy trổ sinh khi chúng ta biết đón nhận con người thật của mình, biết chấp nhận cuộc sống đầy gian truân, tuân giữ và thực thi giới luật yêu thương với hết mọi người, đặc biệt là những người bệnh tật và đau khổ.

          Chúa Giê-su đã chữa lành mười người phong cùi, nhưng chỉ có một người biết ơn Chúa! Cả ngàn người được Chúa thi ân, nhưng khi Chúa vác thánh giá, chỉ có một người giúp vác thay! Cả một dân tộc đã chịu ơn, nhưng khi Chúa bị đóng đinh, chỉ có một người công khai tuyên xưng Chúa vô tội. Đối với Đức Giê-su, điều quan trọng đâu phải là để nổi tiếng về quyền năng chữa bệnh, nhưng là biểu lộ sức mạnh của Lời Thiên Chúa, Lời sinh ơn cứu độ, Lời mời gọi tuyên xưng đức tin. Tôn vinh, tạ ơn là biểu lộ niềm tin của mình vào Đấng Cứu Độ. Hãy biết tạ ơn để xứng đáng là người hơn.

          Biết ơn, xem ra không phải là điều tự nhiên của con người. Tâm tình ấy cần được dạy dỗ trau dồi ngay từ lúc con người vừa bập bẹ biết nói và nuôi dưỡng trong suốt cuộc sống. Tâm tình cảm mến tri ân cũng cần phải được trau dồi trong cuộc sống của người tín hữu Kitô. Trong một kinh Tiền Tụng, Giáo Hội dạy chúng ta cầu nguyện rằng: Dâng lời tạ ơn Chúa cũng là một hồng ân Chúa ban tặng cho chúng ta“. Cầu nguyện trong tin tưởng phó thác và không ngừng dâng lời tạ ơn, đó phải là tâm tình cơ bản và thường hằng của người tín hữu Kitô chúng ta.

 

Thứ Năm tuần 32 TN.

Kn 7:22b-8:1; Lc 17:20-25

NƯỚC THIÊN CHÚA ĐANG Ở GIỮA CHÚNG TA

          Người Do Thái luôn mong ước Nước Thiên Chúa đến như lời đã báo trước. Tuy nhiên, Nước Thiên Chúa không đến như những người Do Thái mong đợi. Họ cho rằng khi Đấng Thiên Sai xuất hiện, Ngài sẽ khôi phục vinh quang thời quá khứ của dân tộc họ.

          Hẳn nhiên ta thấy người Do Thái đã và đang chờ đợi Đấng Mêssia. Đấng ấy sẽ giải phóng họ khỏi áp bức, lập nên một vương quốc mới thịnh vượng và có binh lính hùng mạnh. Vương quốc này làm bá chủ và các nước khác phải quy phục dưới chân người Do Thái. Niềm hy vọng đó càng mạnh mẽ khi mà vào lúc này, họ đang bị sống tủi nhục dưới ách nô lệ của người Rôma.

          Trang Tin Mừng hôm nay cho ta thấy, Chúa Giêsu chỉnh hướng suy nghĩ của họ về Nước Thiên Chúa. Ngài tuyên bố Nước Thiên Chúa đã hiện diện qua con người của Ngài, qua những gì Ngài làm và giảng dạy. Nước Thiên Chúa giống như hạt giống đầy sức sống được chôn vùi vào lòng đất hay như nắm men được vùi trong ba đấu bột. Nước Thiên Chúa hoạt động trong lòng con người với một sức mạnh vô hình làm biến đổi tâm hồn và tâm trí. Nước Thiên Chúa chỉ đến với những ai tin và theo Chúa Giêsu.

          Đức Kitô không những ở trong chúng ta mà còn ở giữa chúng ta nơi những người anh chị em sống chung quanh ta. Và hơn nữa, Người còn đồng hóa mình với những người nghèo nàn, bất hạnh.

          Vì vậy, chúng ta không thể chỉ tôn thờ Chúa trong nhà thờ hay khi đọc kinh cầu nguyện mà còn phải phục vụ Người trong cuộc sống, nơi tha nhân, nhất là những người chúng ta có bổn phận và trách nhiệm. Chúng ta khát khao ước ao nước cha hiển trị bởi vì đó là lẽ sống đích thực của chúng ta – sống trong nước tình yêu. Bởi vì bộ mặt thế gian này luôn qua đi, nhưng nước tình yêu của Thiên Chúa sẽ tồn tại mãi, nơi ấy chúng ta có Thiên Chúa là Cha và mọi người là anh chị em với nhau.

          Vì thế nước Thiên Chúa không ở xa, nhưng ở giữa chúng ta, và mỗi người chúng ta có bổn phận trách nhiệm xây dựng nước ấy bằng tình yêu chân thực phát xuất từ tình yêu Thiên Chúa đã dành cho chúng ta. Đồng thời lời kinh lạy Cha mà chúng ta đọc có thể là rất nhiều lần trong một ngày “xin cho nước cha hiển trị” sẽ không là những lời máy móc, vô nghĩa, nhưng là lời khẩn nài tha thiết với ước vọng ơn Cha giúp cho Giáo hội, mọi Kitô hữu cũng như chính bản thân ta biết sống như là một công dân của nước trời làm sáng danh Thiên Chúa tình yêu và làm cho tình yêu ngự trị khắp vũ hoàn.

          Vì vậy, chúng ta không thể chỉ tôn thờ Chúa trong nhà thờ hay khi đọc kinh cầu nguyện mà còn phải phục vụ Người trong cuộc sống, nơi tha nhân, nhất là những người chúng ta có bổn phận và trách nhiệm. Chúng ta khát khao ước ao nước cha hiển trị bởi vì đó là lẽ sống đích thực của chúng ta – sống trong nước tình yêu. Bởi vì bộ mặt thế gian này luôn qua đi, nhưng nước tình yêu của Thiên Chúa sẽ tồn tại mãi, nơi ấy chúng ta có Thiên Chúa là Cha và mọi người là anh chị em với nhau.

          Vì thế nước Thiên Chúa không ở xa, nhưng ở giữa chúng ta, và mỗi người chúng ta có bổn phận trách nhiệm xây dựng nước ấy bằng tình yêu chân thực phát xuất từ tình yêu Thiên Chúa đã dành cho chúng ta. Đồng thời lời kinh lạy Cha mà chúng ta đọc có thể là rất nhiều lần trong một ngày “xin cho nước cha hiển trị” sẽ không là những lời máy móc, vô nghĩa, nhưng là lời khẩn nài tha thiết với ước vọng ơn Cha giúp cho Giáo hội, mọi Ki-tô hữu cũng như chính bản thân ta biết sống như là một công dân của nước trời làm sáng danh Thiên Chúa tình yêu và làm cho tình yêu ngự trị khắp vũ hoàn.

          “Người ta sẽ bảo anh em: ‘Người ở kia kìa!’ hay ‘Người ở đây này!’ Anh em đừng đi, đừng chạy theo.” (c. 23) Ngược lại với lời Chúa Giêsu, dường như thói thường chúng ta thường thích xem chuyện lạ, thích xem Chúa, Mẹ hiện ra; nghe ở đâu có chuyện lạ là ùn ùn đến ‘xem’; nhưng lại không muốn tuân giữ những điều Chúa dạy –  con người, đời sống chẳng có gì biến đổi.

          Niềm tin của chúng ta thật mong manh. Chúng ta đang đắm mình và hòa vào một thế giới loại bỏ Thiên Chúa ra ngoài.  Cuộc sống chỉ còn là những ganh đua và cạnh tranh, lao theo những nhu cầu vật chất không bao giờ đủ. Vì vậy, lời Chúa hôm nay như một tiếng chuông cảnh tỉnh, mời gọi mỗi người Kitô hữu nhìn lại tâm linh, duyệt xét đời sống của mình xem chúng ta có còn tin Chúa thực sự để biết rằng chúng ta là con Thiên Chúa và chúng ta phải sống như là con cái Chúa, như là công dân của nước trời.

          Nước Thiên Chúa mà Chúa Giêsu rao giảng ở đây không phải như là vương quốc trần thế như người Do Thái nghĩ. Đấng Mêssia không phải để giải phóng chế độ trần thế, mà đến để giải phóng mọi người khỏi sự nô lệ tội lỗi, khỏi quyền lực của sự chết. Sau này, Chúa Giêsu cũng đã khẳng định điều đó khi Người nói với Tổng trấn Philatô (Ga 18, 36). Và Người cũng nói Nước Thiên Chúa đã đến (Lc 17,21). Triều đại ấy sẽ đến với những ai tin và theo Người. Chính vì thế, những ai muốn được ở trong Vương Quốc ấy thì cần sống vâng phục và yêu thương như Người, đó là mến Chúa và yêu người. Như thế, nơi nào có người cố gắng sống như vậy thì Triều đại Thiên Chúa đang ở giữa họ.

          Nước Thiên Chúa đã thật sự đến với ta là những người mang danh Kitô hữu, nhưng vẫn còn có rất nhiều người chưa được biết nước Thiên Chúa. Khi lãnh nhận bí tích Rửa tội, chúng ta là ngôn sứ của Chúa, và chúng ta cũng có nhiệm vụ loan báo Nước Thiên Chúa cho người khác. Lời loan báo tuyệt hảo nhất đó là chính đời sống chứng nhân của ta. Từng ánh mắt, từng nụ cười, lời nói, hành động trong tình yêu thương của ta là những phương thế hiệu quả để ta minh chứng rằng Thiên Chúa đang hiện diện và Nước Thiên Chúa đã đến.

 

Thứ Sáu tuần 32 TN.

Kn 13:1-9; Lc 17:26-37

TỈNH THỨC

          Vấn đề cơm – áo – gạo – tiền và danh – lợi – thú, luôn chi phối con người ở mọi thời. Đọc lại sách Sáng Thế, chúng ta thấy con người thời đó chỉ lo việc cưới vợ gả chồng, xây nhà… Họ không còn thời gian dành cho Thiên Chúa và cũng không nhớ tới việc giữ và sống Luật Yêu Thương. Đặc biệt trong đoạn Tin Mừng hôm nay, thánh sử Luca cho chúng ta biết Chúa Giêsu một lần nữa muốn cảnh báo các môn đệ năm xưa và mỗi người chúng ta: “Như sự kiện đã xảy ra thời Noe thế nào, thì trong ngày Con Người cũng xảy đến như vậy.” (Lc 17, 26).

          Mỗi khi nói đến ngày chung thẩm, ngày Chúa đến với mọi người, ngày phán xét, hẳn đã làm cho nhiều người lo sợ. Lo sợ vì họ đang sống trong cảnh sa đọa, nên ngày đó đến, họ sẽ gặp phải sự bất hạnh. Nhưng ngược lại, nhiều người lại hân hoan vui mừng. Tại sao vậy? Thưa những người vui mừng chính là họ đang sống hết mình với Chúa, với tha nhân: dám hy sinh tất cả dù phải mất cả mạng sống mình vì Nước Trời. 

          Chúa Giêsu mời gọi chúng ta phải luôn tỉnh thức cầu nguyện và chuẩn bị hành trang thiêng liêng là làm việc lành phúc đức để luôn sẵn sàng chờ đón Chúa đến trong ngày quang lâm. Tỉnh thức trong bổn phận khi chu toàn trách nhiệm được giao. Tỉnh thức trong tình người khi sống bác ái và yêu thương nhau. Tỉnh thức để khỏi bị bỏ lại đằng sau anh em khi ngày giờ Chúa đến.

          Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy, chúng ta phải luôn tỉnh thức cầu nguyện và chuẩn bị hành trang thiêng liêng là làm việc lành phúc đức, để khi Chúa đến trong ngày giờ sau hết đời ta, Ngài sẽ gặp thấy chúng ta là những người đầy tớ trung thành và khôn ngoan. Trong ngày phán xét chung, kẻ lành được đưa vào Vương Quốc Thiên Chúa, kẻ dữ để lại bị tiêu diệt. Ngày ấy, những người cùng trong một hoàn cảnh, sẽ đối xử bằng những cách đối nghịch nhau. Trong bối cảnh này, việc phân biệt đối xử giữa họ sẽ được dựa trên việc họ sẵn sàng như thế nào để đón chào Con Người đến. Các Thánh thì luôn là những người khôn ngoan, luôn biết tỉnh thức trong từng giây phút, các Ngài đã thực thi những công việc đẹp lòng Chúa.

          Thực tế cho thấy, chúng ta đã và đang sống trong một thế giới tục hóa, hưởng thụ, đạo đức, luân lý xuống cấp cách trầm trọng. Với tình yêu vô vị lợi dành cho con người, Chúa muốn nhắc nhở mỗi người phải sống tốt trong mọi giây phút của cuộc đời, vì không thể nào biết được ngày giờ Con Người sẽ đến và phán xét mỗi người trong chúng ta như thế nào. Thiên Chúa rất công minh, thưởng phạt công bằng, có công thì thưởng có lỗi thì phạt.

           Ngày nay, con người ưa sống trong cảnh nhung lụa, ăn chơi, trần tục. Họ luôn bám vào những giá trị trần gian mà quên đi thực tại Nước Trời với những giá trị của Nước này. Vì thế, chúng ta không lạ gì khi con người trong xã hội hôm nay vẫn nhởn nhơ và ung dung sống trong tội. Không màng chi đến công bằng, nhân ái và tình thương.... 

          Nhiều lần nhiều lúc chúng ta chỉ chăm chăm vun vén cho cuộc sống đời này.  Nhất là trong thời đại mà chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa hưởng thụ đang ảnh hưởng trên đời sống xã hội và con người, con người chúng ta luôn tìm mọi cách để đạt được mục đích của mình: tìm cách để được giàu sang, có địa vị trong xã hội, tìm đủ mọi cách để chiếm hữu về cho mình, để hưởng thụ, nhiều lúc lại đánh mất cả lương tâm của mình… Đó là sự khôn ngoan của người đời. Thế nhưng có rất ít người biết áp dụng sự khôn ngoan để chuẩn bị cho cuộc sống vĩnh cửu ở trên trời.

          Ngày cánh chung sẽ đến, nhưng bao giờ xảy đến không ai biết. Nhưng Chúa cho sự việc xảy ra như thế nhằm đốc thúc con người đừng quá chăm lo cho cuộc sống hiện tại, đừng quá chểnh mảng, lơ là trong công việc chuẩn bị cho ngày cánh chung, mà cần phải biết chăm lo cho cuộc sống mai sau bằng thái độ chuẩn bị và sẵn sàng.

          Số phận của chúng ta được định đoạt trong ngày phán xét : được chọn hay bị loại. Tất cả tùy thuộc vào thái độ sống hiện tại của chúng ta : tin hay từ chối đức tin, yêu mến Chúa và phục vụ tha nhân hay khước từ tình yêu với Chúa và với tha nhân.

          Tin Mừng mời gọi chúng ta hãy luôn sẵn sàng, hãy tỉnh thức trong tâm tình cầu nguyện và làm những việc lành, hy sinh và bác ái. Hôm nay, Chúa cũng nhắc nhở chúng ta, dừng quá bám víu vào thế gian, hoặc vun quén cho sự sống thế tục của mình, nhưng phải lo đến cuộc sống đời đời của mình bằng việc sống đẹp lòng Chúa hơn.

 

Thứ Bảy tuần 32 TN.

Kn 18:14-16.19:6-9; Lc 18:1-8

KIÊN TRÌ VÀ TIN TƯỞNG

          Qua trang Tin Mừng hôm nay Chú Giêsu đã dạy các môn đệ: "Phải cầu nguyện luôn, không được nản chí" (Lc 18,1). Người muốn các tín hữu chúng ta cũng phải kiên trì cầu nguyện để sẽ được Chúa ban ơn cứu độ. Nhưng tại sao chúng ta lại phải cầu nguyên và phải cầu nguyện thê nào?

          Qua hình ảnh bà góa trong dụ ngôn nêu trên, Chúa muốn nhắc nhớ chúng ta một giáo huấn căn cốt của đời sống Kitô hữu, đó là “Cầu nguyện không ngừng” (1 Tx 5,17 ; Ep 6,18 ; Cl 4,2).

          Chúa muốn các tín hữu chúng ta phải kiên trì cầu nguyện noi gương ông Môsê quỳ giang tay suốt cả ngày để cầu xin cho quân Israel thắng trận; hay như bà goá bị kiện cáo oan ức đã kiên trì xin ông quan toà “vốn không tin Chúa mà cũng chẳng kiêng nể người đời” minh oan cho bà. Nhờ biết kiên trì mà cuối cùng bà đã được ông ta minh.

          Mỗi người chúng ta cũng phải kiên trì cầu nguyện, cả những lúc xem ra Chúa im lặng không đáp ứng các yêu cầu chính đáng của chúng ta với lòng tín thác cậy trông vào quyền năng và tình thương cùa Chúa như lời Chúa Giêsu: “Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không bênh vực những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người, dù Người có trì hoãn ? Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng bênh vực họ” (Lc 18,7-8a).

          Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta hãy tin tưởng và phó thác cho Thiên Chúa. Lý luận của Ngài trong dụ ngôn về một quan tòa bất công thật đơn giản: nếu quan tòa bất lương đến độ không kính sợ Thiên Chúa cũng chẳng kính nể người ta, mà còn phải chịu thua trước lời van vỉ của một bà góa, thì huống chi Thiên Chúa, Ðấng trọn hảo và yêu thương con người.

          Có những lúc trong cuộc đời ta tưởng Thiên Chúa câm lặng và vô cảm trước nỗi khổ đau và lời kêu cầu của con người; thật ra, công lý của Thiên Chúa không phải là công lý của loài người, lẽ khôn ngoan của Thiên Chúa không phải là lẽ khôn ngoan mà chúng ta có thể thẩm định được theo tiêu chuẩn của loài người. Tư tưởng của Thiên Chúa không phải là tư tưởng của loài người. Quyền năng và tác động của Ngài vượt trên mọi tính toán, cân lường, suy tưởng và chờ đợi của chúng ta.

          Quả thế, một Kitô hữu không cầu nguyện là một Kitô hữu đã chết tận gốc rễ, tựa như cây dừa khô héo. Do đó, việc cầu nguyện không chỉ cần thiết mà còn là phương thế hữu hiệu giúp người tín hữu múc lấy nguồn sống thần linh từ Thiên Chúa. Càng gắn bó với đời sống cầu nguyện bao nhiêu, người tín hữu càng đi sâu vào cuộc gặp gỡ thân tình với Thiên Chúa bấy nhiêu. Lúc ấy, họ sẽ có thể đụng chạm và cảm nếm được Thiên Chúa như lời Thánh Vịnh 34, 9 diễn tả: “Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy: hạnh phúc thay kẻ ẩn náu bên Người !”

          Khi hiểu được ích lợi của việc cầu nguyện, mỗi người tín hữu nói chung, và đặc biệt mỗi gia đình Kitô giáo nói riêng, cần gia tăng cầu nguyện không ngừng qua việc cố gắng tham dự thánh lễ cách sốt sắng, giữ giờ kinh nguyện gia đình, lần chuỗi mân côi… Những việc làm này sẽ giúp cho các thành viên trong gia đình luôn gắn kết với nhau, giúp nhau giữ vững đức tin trước những khó khăn thử thách, nhờ đó mà đạt được hạnh phúc và an vui trong cuộc sống hằng ngày.

          Trước những khó khăn, thử thách của cuộc sống, chúng ta ý thức được sự giới hạn của kiếp người. Nhờ chạy đến cùng tình yêu Thiên Chúa qua lời cầu nguyện, con người được nâng đỡ, hướng dẫn hầu tìm ra con đường cho cuộc sống của mình. Thái độ tín thác như con thơ trong vòng tay yêu thương của cha mẹ luôn được Thiên Chúa đoái nhìn và rộng ban ân sủng.

          Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đi vào mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu thương con người bằng một tình yêu mà con người không thể hiểu thấu được, do đó, không có tâm tình và thái độ nào phải đạo hơn là phó thác cho Thiên Chúa. Phó thác như Chúa Giêsu đã sống chính là biết đón nhận ý muốn của Thiên Chúa, ngay cả và nhất là khi phải trải qua nghịch cảnh, thất bại, khổ đau; phó thác như Chúa Giêsu đã sống chính là luôn tin rằng từ những mất mát, đổ vỡ và ngay cả từ tội lỗi và sự chết, Thiên Chúa vẫn luôn có thể rút ra những điều tốt đẹp cho con người.

          Đời sống cầu nguyện là nhịp sống thân tình để chúng ta thân thưa cùng Thiên Chúa những ước vọng của đời mình. Thiên Chúa luôn thấu hiểu mọi khó khăn của con người, song qua từng biến cố, Người muốn thanh luyện để con người nhận ra giá trị của lời cầu nguyện. Kiên trì cầu nguyện là luôn hướng về Chúa và chỉ hướng về Chúa, hầu được Người săn sóc giữ gìn như người cha che chở con cái mình.

          Tin tưởng vào tình thương yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa, chúng ta phải biết kiên trì và trung thành trong lời cầu nguyện và việc thờ phượng của mình. Không phải cầu nguyện chỉ để xin được điều này điều khác như ý muốn, nhưng đó là biểu hiện của sự tin tưởng vào tình yêu thương và sự quan phòng của Cha trên trời.

          Chúa Giêsu dạy chúng ta biết kiên trì trong lời cầu nguyện. Với niềm tin vững vàng và lòng cậy trông tha thiết vào Thiên Chúa là Cha nhân ái, chắc chắn, lời cầu nguyện của chúng ta sẽ được Ngài đoái nhận lời. Ngài sẽ ban cho chúng ta điều tốt đẹp nhất không phải theo tầm nhìn hạn hẹp của chúng ta, mà là theo sự khôn ngoan vô lượng và lòng nhân hậu vô biên của Ngài.

- November 16, 2019