SUY NIỆM CHÚA NHẬT MÙA CHAY NĂM C
by Huệ Minh
Chúa Nhật Tuần V Mùa Chay Năm C-2019
Is 43, 16-21; Pl 3, 8-14; Ga 8, 1-11
ĐỨNG DẬY VÀ ĐỪNG PHẠM TỘI NỮA
Ta bắt gặp Chúa Giêsu là hiện thân của Lòng Thương Xót. Khi mạc khải cho nhân loại biết Thiên Chúa là Cha, Đấng Giầu Lòng Xót Thương, dẫn chứng của Gioan đầy sức thuyết phục "Con Một, Ðấng ở nơi cung lòng Cha, chính Ngài đã thông tri" (Ga 1,18). Chân lý về Thiên Chúa được cụ thể hóa nơi Chúa Giêsu Kitô "Cha đầy tình thương xót" (2Cr 1,3), Đấng ghét tội và yêu thương kẻ có tội, không dung túng tội lỗi, nhưng khoan nhân với tội nhân, vì Thiên Chúa không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn hối cải và được sống (x. Ez 33,11).
Và rồi ta thấy trang Tin Mừng (Ga 8, 1-11) là bằng chứng hùng hồn về lòng xót thương của Thiên Chúa đối với tội nhân. Thánh Gioan kể lại việc người ta đem đến cho Chúa Giêsu một phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Chúa Giêsu không kết án chị, nhưng cứu chị khỏi bị ném đá. Chúa không nói với người phụ nữ: chị không có tội.
Thật vậy, chỉ một mình Chúa Giêsu mới có thể cứu rỗi con người, vì chính Người mang lấy tội lỗi thế nhân và cho con người cơ hội để thay đổi đời sống. Người thiếu phụ đứng đó, bẻn lẻn, nhưng trong lòng tràn ngập trông cậy. Chúa Giêsu nhìn bà và phán: “Ta không kết tội con”. Thật là một lời đầy an ủi. Chúng ta hay kết tội kẻ khác và nhiều khi thật nặng nề và vô lý. Nhưng chúng ta là ai mà dám kết tội kẻ khác? Chỉ có Chúa Giêsu là Đấng vô tội. Ngài không kết tội. Ngài tha thứ và nâng đỡ người sa ngã bằng một câu đầy nhân hậu: “Con hãy đi và từ nay đừng phạm tội nữa”.
Đối với thái độ đầy sát khí của đám đông nhất là của các luật sĩ và biệt phái, Chúa Giêsu đáp lại bằng thái độ của thinh lặng, cảm thông và tha thứ. Đám đông các luật sĩ và biệt phái nhân danh luật pháp để xử lý người đàn bà bị bắt quả tang phạm tôi ngoại tình, còn Chúa Giêsu lại kêu gọi tình thương. Đám đông các luật sĩ và biệt phái đặt mình vào ghế thẩm phán để xét xử người đàn bà ngoại tình, Chúa Giêsu lại đặt chính họ vào hàng bị cáo. Đám đông các luật sĩ và biệt phái xây dựng quan hệ giữa người với người trên luật pháp, còn Chúa Giêsu thì nói với họ rằng, tương quan với tha nhân sẽ được xây dựng trên sự cảm thông, lòng tha thứ, tình yêu thương. Và để có thể xây dựng được mối quan hệ yêu thương ấy, thì trước tiên con người phải cảm nhận được chính tình yêu của Thiên Chúa.
Đấng duy nhất vô tội lại chẳng lên án tội nhân: “Tôi không lên án chị đâu? Chị hãy về đi, từ nay đừng phạm tội nữa!”. Thật là an ủi biết bao cho chúng ta, những con người tội lỗi. Chúa không răn đe, không sửa phạt, chỉ an ủi, khích lệ, tin tưởng và hy vọng nơi chúng ta. Người không giết chết, nhưng cứu sống. Người không dung túng cho tội lỗi, nhưng nâng đỡ kẻ có tội. Người ghét tội nhưng lại thương xót tội nhân.
Chúa Giêsu cúi xuống vẽ trên đất. Người đang viết tội của họ ra hay Người đang suy nghĩ tìm câu trả lời, điều đó không ai biết nhưng có một điều chắc chắn là họ đang đắc thắng vì dồn ngược Người vào chân tường, họ sốt ruột nên gặng hỏi mãi. Người đã trả lời một câu như mũi dao xoáy vào tâm can họ, và mũi dao ấy vẫn tiếp tục xoáy vào lương tâm mỗi người chúng ta khi nghe lại lời đó: “Ai trong các ông vô tội thì hãy ném đá trước đi”.
Quả thật, không một ai dám can đảm ném hòn đá đầu tiên, và cũng chẳng có hòn đá cuối cùng. Có chăng chỉ là những bàn tay cách đây ít phút nắm chặt những viên đá đầy sát khí chuẩn bị tấn công, giờ đây đang nới lỏng các cơ bắp để các viên đá kia lặng lẽ kín đáo rơi nhẹ nhàng trên đất.
Và ta thấy rằng không ai dám tự hào mình vô tội. Có biết bao tội bất trung bất nghĩa còn xấu xa chẳng kém tội ngoại tình. Có những tội ngoại tình trong ước muốn, trong tư tưởng. Có những tội ngoại tình lén lút chẳng ai hay.
Dường như ngày nay người ta chỉ nhận mình phạm tội khi bị bắt quả tang, còn những tội phạm trong thầm kín thì kể như không có. Vì thế người ta tìm mọi cách để che đậy, giấu giếm những hành vi tội lỗi để không ai bị bắt quả tang. Và họ cứ an tâm thanh thản trong cuộc sống. Họ hoàn toàn đánh mất cảm thức về tội lỗi.
Trang Tin Mừng cho thấy, sự tha thứ của Thiên Chúa không đồng nghĩa với sự dung túng thường tình, tha thứ có kèm theo điều kiện. Không có nghĩa là bỏ qua sự dữ, hay tệ hơn nữa là chối bỏ sự dữ. Thiên Chúa không tha thứ sự dữ, nhưng tha thứ cho con người, và dạy người ta biết phân biệt giữa một bên là hành động xấu đáng bị kết án, và bên kia là con người cụ thể phạm lấy lỗi lầm đó, và là người mà Chúa muốn ban cho cơ may để thay đổi đời sống, làm lại cuộc đời.
Trong lúc con người có khuynh hướng đồng nhất hóa người phạm tội với tội lỗi, và như thế là đẩy người có tội vào ngõ cụt, không có lối thoát. Lòng Chúa cao cả hơn lòng chúng ta, Thiên Chúa Cha lại hành động cách khác, Ngài đã sai Con Một mình xuống trần gian, để mở ra cho cả và nhân loại con đường cứu thoát. Chúa Giêsu chính là con đường này: khi chết trên thập giá, Người đã cứu chúng ta khỏi tội lỗi. Chúa Giêsu lặp lại với con người ở mọi nơi, mọi thời đại rằng: "Ta cũng thế, Ta không kết tội. Vậy hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa".
Thiên Chúa sẵn sàng tha thứ mọi tội lỗi chúng ta dù cho tội đó nặng đến độ phải tử hình như tội ngoại tình nơi anh em Do Thái ngày xưa. Lòng Chúa hải hà vết nhơ của tội lỗi. Thái độ của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng so với thái độ của các vị luật sĩ và biệt phái cho thấy tấm lòng của Thiên Chúa mênh mông, bao la hơn tâm hồn con người thế nào, như đại dương với các ao tù nước đọng: một bên thì bình tĩnh thản nhiên, nhẹ nhàng đón nhận cục đá lớn ném xuống, còn một bên sôi nổi sùng sục và hỗn loạn trước cũng một biến cố ấy. Thiên Chúa vẫn đối xử với chúng ta như thế, không phải để ta coi thường tội lỗi, mà là để ta, một khi đối diện với lòng nhân lành của Chúa, sẽ hoán cải mà trở nên tốt hơn.
Không kết án, không vào hùa kết tội người khác, rút đơn tố cáo, bỏ hòn đá xuống đất. Mỗi người hãy nhìn sâu vào trong tâm lòng mình để nhận ra các tội lỗi, lầm lẫn thiếu sót của mình trong cuộc sống. Thống hối ăn năn và cải thiện, đó là sứ điệp mà Giáo Hội trao gởi chúng ta hôm nay.
Thứ Hai Tuần V Mùa Chay
Đn 13, 1-9. 15-17. 19-30. 33-62 (Bài dài); Ga 8, 1-11
HÃY BỎ HÒN ĐÁ TRONG TAY XUỐNG
Chúa Giêsu là hiện thân của Lòng Thương Xót. Khi mạc khải cho nhân loại biết Thiên Chúa là Cha, Đấng Giầu Lòng Xót Thương, dẫn chứng của Gioan đầy sức thuyết phục “Con Một, Ðấng ở nơi cung lòng Cha, chính Ngài đã thông tri” (Ga 1,18). Chân lý về Thiên Chúa được cụ thể hóa nơi Chúa Giêsu Kitô “Cha đầy tình thương xót” (2Cr 1,3), Đấng ghét tội và yêu thương kẻ có tội, không dung túng tội lỗi, nhưng khoan nhân với tội nhân, vì Thiên Chúa không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn hối cải và được sống (Ez 33,11). Trang Tin Mừng (Ga 8,1-11) là bằng chứng hùng hồn về lòng xót thương của Thiên Chúa đối với tội nhân.
Ta thử hình dung quang cảnh người phụ nữ ngoại tình bị đám đông vây quanh đưa đến trước mặt Chúa Giêsu. Chị co ro, run rẩy đứng giữa vòng vây của đám người hung hăng như muốn ăn tươi nuốt sống chị. Họ ném vào chị cái nhìn khinh khi, cái bĩu môi chê bai và những lời nói cay độc. Lửa căm hờn trong lòng họ đang sôi sục và hừng hực bốc cháy.
Và chỉ chút nữa thôi, nó có thể sẽ nổ tung ra qua làn đá mà họ ném thẳng vào chị không một chút tiếc thương, và đương nhiên, tử thần đang giang tay chào đón chị. Thế nhưng, điều bất nhân mà các kinh sư và những người Pharisêu đã làm với chị, đó là họ dùng chị như một con mồi để gài bẫy Đấng Thánh Thiện là Chúa Giêsu.
Những kinh sư và biệt phái họ luôn tự cho mình là những tín đồ mộ đạo, họ tự đặt mình trên tòa cao, tự ban cho mình quyền kết án và loại trừ những người mà họ cho là tội lỗi. Hôm nay, họ xúm nhau kết án chị phụ nữ ngoại tình. Mỗi người một hòn đá. Mỗi người một khuôn mặt mang đầy sát khí hôi tanh. Họ sẵn sàng trị tội một người để làm gương cho nhiều người. Tất cả đang sẵn sàng một án tử hình cho người phụ nữ thấp cổ bé miệng, lại cô thân cô thế. Thế nhưng, số phận của chị ta thật may mắn bởi vì: Chị đã được chính Chúa Giêsu, vị quan án kiêm luật sư, một vị cực kỳ khôn ngoan và nhân ái bào chữa và cứu chị thoát khỏi cái án tử đang treo lơ lửng trên đầu: “Tôi không kết án chị đâu - Hãy về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”.
Để đảo ngược lại tình thế, Chúa Giêsu đã đưa họ trở về với tòa án lương tâm của chính mình bằng câu hỏi: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi” (Ga 8,7). Câu hỏi này là một đòn chí tử đã khiến họ phải chết đứng. Tại sao vậy? Thưa là vì khi đối diện với Thiên Chúa, tất cả mọi người đều là tội nhân. Trước mắt Chúa, con người chẳng còn chi thanh khiết và chẳng còn chi vô tội.
Ai dám tự hào mình sạch tội? Có bao tội bất trung nặng chẳng kém tội ngoại tình. Có bao tội ngoại tình thầm kín không bị bắt quả tang. Có bao tội ngoại tình trong tư tưởng và ước muốn. Khi tố giác người khác, người ta thường quên tội của mình. Không thấy cái xà ở mình mà lại thấy cái rác nơi người khác. Các kinh sư và pharisêu đã khiêm tốn xét mình. Họ lần lượt rút lui, gián tiếp nhận mình có tội. Kẻ trước người sau, người lớn tuổi đi trước. Chúng ta trân trọng thái độ chân thành của họ. Họ ra đi, để lại hai người mà họ tố cáo và định tố cáo. Cuối cùng chỉ còn lại người đáng thương và chính Tình Thương. Bầu khí trở nên nhẹ hơn, êm hơn cho cuộc đối thoại. Ðấng duy nhất có thể ném đá lại nói: “Tôi không lên án chị đâu! Chị về đi, từ nay đừng phạm tội nữa.”
Chúa Giêsu đã trực tiếp đụng chạm đến đời sống và quyền lợi của các thày thượng tế và luật sĩ tại Giêrusalem. Đức Giêsu đã thẳng thắn lên tiếng cảnh cáo lối sống giả hình, tham tiền và những việc làm của các nhà lãnh đạo, những người này một mặt thì muốn người ta trọng vọng mình, giành cho mình những quyền lợi và ưu tiên, mặt khác họ bày vẽ và đặt ra nhiều thứ tập tục để có được nhiều tiền, như cho người dân vào buôn bán, đổi tiền trong sân đền thờ… Chúa Giêsu đã lên án những cách sống như thế và mời gọi mọi người trở về với lề luật và giới răn của Thiên Chúa.
Phiên tòa kết thúc nhưng tội nhân vẫn đứng ở giữa. Chị cần một lời phán quyết từ vị tiên tri để được thoát khỏi vòng vây tội lỗi "Tôi không lên án chị. Chị cứ về và đừng phạm tội nữa". Từ đây cuộc sống mở ra cho chị một lối mới, một tia hy vọng. Lề luật trở nên nhân đạo hơn, xót thương hơn. Lề luật thay vì giết chết đã mở ra một con đường sống, đường cứu chuộc cho tội nhân. Chúa Giê-su thực là bậc thày khôn ngoan và đầy lòng thương xót.
Ta bước vào tuần thứ 5 mùa chay, chuẩn bị cho tuần cao điểm cử hành Tam Nhật Vượt Qua, chúng ta thấy lòng mình thế nào khi đứng trước tình yêu bao la của Thiên Chúa? Hãy trở về vì Ngài đầy lòng từ bi, nhẫn nại, xót thương. Hãy trở về như người con lưu lạc bao năm quay về nhà cha hiền, nơi đó có cả một vùng trời yêu thương đang đón chờ. Hãy trở về dù thân phận nhơ nhớp, tội lỗi. Hãy lao mình vào vòng tay yêu thương của người cha đang ngóng chờ ta từng ngày. Vì khi trở về với Thiên Chúa, nối kết lại tương quan cha – con, thì tương quan huynh đệ với anh em đồng loại nghiễm nhiên thắt nút và bền chặt. Vì Mùa Chay là Mùa Ân Thánh, là Mùa Thiên Chúa biểu lộ Tình Thương.
Và như vậy, khi đọc trang Tin Mừng hôm nay, ta hãy để Lời Chúa chất vấn cõi lòng của mình, liệu rằng trong cuộc sống hằng ngày tôi có thường lên án hay định tâm ném đá ai không, đặc biệt là những người thân yêu của tôi trong gia đình? Lời chất vấn của Chúa Giêsu giúp ta nhận ra tình yêu của Thiên Chúa và biết tha thứ cho anh em mình. Đồng thời, chúng ta cũng biết lấy tình yêu đáp lại tình yêu, lấy chân tình đáp lại lòng xót thương và lấy cuộc sống hoán cải để đáp lại tình Chúa thứ tha. Do đó, “từ nay đừng phạm tội nữa” sẽ là một lời hứa quyết tâm và một sự nỗ lực cố gắng không ngừng.
Thứ Ba Tuần V Mùa Chay
Ds 21, 4-9; Ga 8, 21-30
TIN ĐỂ ĐƯỢC SỐNG
Chúa Giêsu đã hiến mình để giải thoát con người khỏi tội lỗi và sự chết. Không tin vào Chúa Giêsu, từ chối sự sống Người mang lại, con người ôm lấy tội lỗi của mình mà chết. Đây cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh người Kitô hữu. Trong cuộc sống có thể chúng ta đã để cho óc bảo thủ, cố chấp, thiên kiến và lòng vị bóp chết đời sống đức tin. Có thể niềm tin của chúng ta chỉ còn là cái vỏ bên ngoài.
Trang Tin Mừng hôm nay thánh Gioan nhắc lại cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và những người biệt phái. Qua đó, Chúa Giêsu mạc khải cho họ biết rằng: Ngài là Thiên Chúa xuống thế làm người, chịu đóng đinh và chết trên Thập Giá để giao hòa con người với Thiên Chúa Cha.
Và ta thấy khi mạc khải chính mình cho con người, Chúa Giêsu Kitô cũng đồng thời mạc khải mối tương quan chặt chẽ giữa Ngài và Thiên Chúa Cha. Tin nhận Chúa Giêsu thì cũng phải tin nhận Thiên Chúa Cha, Ðấng đã sai Con Một Mình là Chúa Giêsu Kitô xuống trần gian làm người. Vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta. Ðây là một mầu nhiệm đáng được con người chiêm ngưỡng và dâng lời chúc tụng hơn là chối từ bắt bẻ.
Chính Chúa Giêsu cũng đã tiên báo điều ấy khi Chúa nói với người Do Thái: Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi hằng hữu, và biết Tôi không tự mình làm bất cứ điều gì, nhưng Chúa Cha đã dậy Tôi thế nào, thì Tôi làm như vậy. Đấng sai Tôi vẫn ở với Tôi, Người không để Tôi cô độc, vì Tôi hằng làm những điều đẹp ý Người.
Cụm từ giương cao Con Người lên tức là khi người Do Thái nhờ tay chính quyền Rôma, đóng đinh Chúa Giêsu vào Thánh giá và dựng thánh giá lên, thì thân xác Chúa Giêsu như bị giương lên cao. Và đó cũng là lúc Chúa Giêsu phải chịu những đau đớn kinh khủng nhất và chết cách tức tưởi như một tội nhân, thì vương quốc Satan sụp đổ tan tành, và người ngoại giáo đầu tiên được ơn xưng ra Ngài là con Thiên Chúa, là viên đại uý đạo binh Rôma, giám sát cuộc tử nạn của Chúa Giêsu, ông thấy Chúa đã chết một cách anh dũng, nhưng toả ra một tình thương không bến bờ, đã thốt lên: Quả thật người này là con Thiên Chúa (Mc 15, 34)
Khi Chúa Giêsu khẳng định Người là “Đấng hằng hữu”, và ‘nếu ai không tin Người sẽ chết trong tội’ thì Người đã khẳng định chính Người là Thiên Chúa. Điều này đã khiến cho người Do Thái, đặc biệt là các kinh sư và Pharisêu rất tức tối. Đó cũng là lý do mà họ đã lên án Chúa Giêsu lộng ngôn phạm thượng và tìm cách giết người. Sự bảo thủ, cố chấp, óc thiên kiến, tự tôn và lòng vị kỷ đã làm cho họ không thể nhận ra được Chúa Giêsu là Đấng Messia – là Thiên Chúa, Đấng cứu độ.
Tin vào Chúa Giêsu là hoàn toàn tín thác, cậy dựa và làm theo lời Ngài. Như vậy tin cũng là chấp nhận từ bỏ liên tục để vác Thập giá theo Chúa. “Ai muốn theo ta phải từ bỏ chính mình, vác Thập giá mình mà theo” (Lc 9, 23). Từ bỏ như Abraham đã từ bỏ quê cha đất tổ với những hào lũy vững chắc; từ bỏ mẹ cha, anh em, những người thân thuộc với tất cả những gì là bảo đảm cho cuộc sống an toàn cố định của ông để dấn thân vào cuộc một cuộc phiêu lưu theo tiếng gọi của Thiên Chúa. Thậm chí ông còn sẵn sàng dâng hiến bảo vật thiêng liêng cao quí của lòng ông là đứa con trai duy nhất trong niềm tin vào Thiên Chúa – Đấng trung tín. Và ông đã trở thành ‘người cha đông con’, thành tổ phụ của dòng dõi những kẻ tin.
Ngày hôm nay, người Kitô hữu bước theo Đức Kitô, chúng ta được mời gọi bước đi trên con đường hành trình đức tin, sẵn sàng từ bỏ tất cả vì chúng ta tin vào chân lý Người dạy : “Hạt lúa rơi xuống đất có chấp nhận bị mục nát đi mới trổ sinh nhiều bông hạt” (Ga 12, 24); Tin vào lời hứa của Người: “Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau.” (Mc 10, 29 – 30)”
Thiên Chúa mời gọi ta can đảm đặt tội lỗi mình vào trong lòng thương xót bao la của Chúa, để tất cả những ai hết lòng hết dạ trở về, Người chữa cho lành. “Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời" (Ga 3, 14-15). Nơi thập giá Chúa Giêsu, ta ngỡ ngàng nhận ra Thiên Chúa đã yêu ta bằng một tình yêu vô bờ bến, khi hiến ban chính
Con Một từ Trời cao đến nhập thể cứu đời. Nhìn lên thập giá, ta bắt gặp ánh mắt trìu mến của Thầy Chí Thánh đang thấu suốt tận thẳm sâu tâm hồn, cùng vòng tay dịu dàng ôm trọn thế trần tội lỗi. Ta lắng nghe môi miệng Người hằng cất lời tha thứ và hứa ban hạnh phúc Nước Trời. Người đã đón nhận, đã chiến đấu và chiến thắng hiển vinh trên chính sự chết. Quả thật, Người là Con Thiên Chúa toàn năng, là Đấng Hằng Hữu, là nguồn cội và cùng đích sự hiện hữu của chúng ta.
Lời mời gọi “Hãy sám hối và tin vào Tin mừng” của Chúa Giêsu vẫn còn đó – và Tin mừng ở đây chính là Đức Giêsu Kitô Đấng cứu độ duy nhất. Xin tình yêu hy hiến của Chúa Giêsu cuốn hút, lôi kéo chúng ta hướng lòng lên cao, nên mẫu gương giúp chúng ta sẵn sàng hy sinh sát tế mỗi ngày để gieo rắc yêu thương. Và chớ gì như Chúa Giêsu, thánh ý Cha luôn là kim chỉ nam dẫn lối cuộc đời chúng ta.
Thứ Tư Tuần V Mùa Chay
Đn 3, 14-20. 91-92. 95; Ga 8, 31-42
ĐỪNG CỐ CHẤP NỮA
Người Do thái xưa tự phụ họ là con cháu tổ phụ Abraham. Tức là người thong dong Nhưng Chúa Giêsu đã nói cho họ biết: Hễ ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội, mà kẻ nô lệ thì không được ở trong nhà luôn mãi, người con mới được ở luôn trong nhà. Nhưng để được làm con cái Thiên Chúa chỉ có một đường duy nhất là Đức Giêsu Kitô. Chính Chúa đã phán: Tôi là đường là sự thật và là sự sống.
Chúa Giêsu chờ đợi những người Do Thái mới tin Chúa, như đoạn Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe. Hãy noi gương của Thiên Chúa và của Abraham mà phát triển mối tương quan đức tin với Ngài: "Nếu các ngươi là con cái của Thiên Chúa Cha, thì chắc chắn các ngươi sẽ yêu mến Ta. Nếu các ngươi là con cái của Abraham thì các ngươi hãy thi hành công việc của Abraham mà tin lời Ta".
Với trang Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu làm nổi bật vai trò của ông Abraham đối với người Do thái. Người Do thái luôn tự hào về dân tộc mình. Họ thuộc dòng dõi con cháu Abraham, được Thiên Chúa cứu thoát khỏi ách nô lệ Ai cập để trở thành những người tự do. Chính vì thế, khi Chúa Giêsu nói về sự nô lệ và cần được giải phóng thì họ tỏ ra bất bình với Người. Người Do thái chỉ nghĩ đơn thuần là họ chịu nô lệ về thể xác và đã được giải thoát, nhưng Chúa Giêsu muốn nhắc đến vấn đề nô lệ tinh thần, nô lệ của tội lỗi: “hễ ai phạm tội thì làm nộ lệ cho tội”. (Ga 8, 34)
Ngài đã vạch trần sự giả tạo nơi người Dothái khi họ dựa vào tổ phụ Abraham và an tâm vì được đảm bảo bởi uy tín của tổ phụ, nhưng lại hành động ngược lại với những gì Abraham đã làm khi xưa. Vì nếu Abraham xưa kia có lòng mộ mến và sẵn sàng nghe lời các tiên tri, thì dân này lại đang tìm cách loại trừ vị tiên tri vĩ đại là chính Đức Giêsu.
Người Do Thái luôn tự hào là con cháu Abraham nên tự cho mình là người tự do, không làm nô lệ ai. Đúng là Abraham có hai con trai, một sinh bởi người nô lệ, một sinh bởi người tự do, mà họ thì được sinh bởi bà Sara, người vợ tự do. Nhưng thực ra họ chỉ đúng một nửa. Họ chỉ là con cái Abraham theo huyết thống, còn những việc Abraham đã làm thì họ không làm. Abraham, cha của họ được kể là công chính “không phải sau, mà là trước khi ông được cắt bì” (Rm 4,10). Không phải máu huyết, mà là lòng trung thành với giao ước với Thiên Chúa mới làm cho họ thành con cháu Abraham đích thực.
Và trong thực tế ta thấy những người Do Thái tự phụ này không thể nào thăng tiến trên con đường đức tin. Bởi vì họ chỉ mượn danh nghĩa con cái Thiên Chúa, bà con của Abraham để hưởng lợi mà thôi. Họ cho mình là người trong nhà, nhưng thực ra họ là những người con xa lạ, người con hoang theo như từ ngữ của đoạn Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe.
Nếu người Do thái tự hào là con cái Thiên Chúa thì tất nhiên họ cũng phải tin và thi hành lời Chúa như ông Abraham tổ phụ họ. Thế nhưng trong thực tế, họ đã không tin vào Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa và luôn tìm cách giết Người. Nhận thức mình là con cái Thiên Chúa, chúng ta phải biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Đó chính là điều kiện để trở thành môn đệ của Người. Bao lâu chúng ta lắng nghe và thực hành Lời Chúa thì bấy lâu chúng ta còn là môn đệ của Người. Nếu không, chúng ta chỉ mang danh là kitô hữu chứ không phải là Kitô hữu đích thực.
Ta thấy người Do Thái đang tranh luận gay gắt với Đức Giêsu. Họ hãnh diện vì mình thuộc dòng dõi ông Abraham, nên cho mình là người tự do, chưa hề làm nô lệ cho ai bao giờ (c. 33). Đức Giêsu lại nhìn tự do theo một chiều hướng khác Ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội, người ấy không có tự do (c. 34). Tự do không bắt nguồn từ việc mình thuộc dòng dõi ông Abraham. Tự do đến từ việc tin vào lời sự thật của Đức Giêsu. “Nếu các ông ở lại trong lời của tôi… các ông sẽ biết sự thật và sự thật sẽ cho các ông được tự do” (c. 32). Tự do đến từ chính con người của Ngài: “Nếu Người Con có cho các ông tự do, các ông mới thực sự tự do” (c.36).
Và rồi ta thấy người Do thái cố chấp, chỉ tìm cách giết Đức Giêsu (cc. 37, 40). Họ không muốn nhận lời sự thật mà Ngài nghe được từ Thiên Chúa (c. 40). Khi từ chối sự thật, họ đã trở nên nô lệ cho sự dối trá và sát nhân. Đức Giêsu là Đấng Giải Phóng, Đấng cho người ta được tự do thực sự. Con người bị trói buộc bởi nhiều mối dây, bởi những tính toán ích kỷ hẹp hòi mà tự sức mình không sao thoát ra được. Hãy đến với Giêsu, mở ra với Giêsu, ta sẽ thấy mình được thanh thoát như Ngài.
“Giả như các ông là con cái ông Abraham, hẳn các ông phải làm điều ông Abraham đã làm” (c. 39). Giả như Thiên Chúa là Cha các ông, hẳn các ông phải yêu mến tôi, vì tôi đã phát xuất từ Thiên Chúa…” (c. 42). Như thế những kẻ chống đối Đức Giêsu thật ra chẳng phải là con cái thật sự của ông Abraham hay con cái Thiên Chúa. Họ sống trong ảo tưởng về mình khi họ cương quyết loại trừ Đức Giêsu.
Những người Pharisêu đang tự hào ảo! Coi chừng chúng ta cũng có thể dẫm vào vết chân xưa đó của họ khi ta cho mình hơn người vì là đạo dòng, là trí thức, hay có công có của giúp Giáo Hội... Nếu không thận trọng và tiếp tục làm theo lời Chúa dạy thì ta vẫn là nô lệ cho những gì mà mình vốn tự hào.
Ta cũng thường tự mãn vỗ ngực xưng tên là người công giáo, nhưng nhiều lúc chúng ta không sống đúng với danh xưng ấy. Thay vì sống theo lời Chúa dạy, làm theo ý Chúa muốn, thì chúng ta lại làm theo ý riêng mình, sống theo những đam mê dục vọng mình. Thay vì làm tôi Chúa chúng ta lại làm tôi ma quỷ, xác thịt, thế gian.
Để khỏi nô lệ cho tội hay ma quỷ, điều kiện là ta phải ở lại trong Lời Chúa. Bởi lẽ khi ở lại với Lời Chúa là chúng ta giữ Lời Chúa. Mà giữ lời Chúa là dấu hiệu nói lên lòng ta yêu mến Chúa. Cũng đồng nghĩa là ta để cho Chúa ở lại trong ta. “Chúa chính là đường là sự thật và là sự sống”. Ở lại trong Chúa thì sự thật chiến hữu lấy ta và sự thật giải thoát ta khỏi ràn buộc của tội lỗi. Nhờ thế ta có được sự sống của Chúa.
Muốn đến cùng Thiên Chúa Cha, chỉ có con đường duy mhất Chúa Cha làm ra để trước là cho chính Chúa Cha đến với ta. Vì dù loài người đã phụ ơn và phản bội Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa là tình yêu, Ngài như không thể bỏ được ta. Ngưới mẹ đối với con của bà đẻ ra là hình ảnh Thiên Chúa đối với ta. Chính Thiên Chúa đã phán dù bà mẹ có thể quên con mình, nhưng Chúa không quên ta.
12/04/2019 Thứ Sáu Tuần V Mùa Chay
Gr 20, 10-13; Ga 10, 31-42
TIN VÀO ĐẤNG CỨU ĐỘ TRẦN GIAN
Tin mừng hôm nay, một lần nữa chúng ta thấy Chúa Giêsu xác định nguồn gốc của Ngài là con Thiên Chúa. Chẳng phải con người thời xưa không muốn chấp nhận Chúa Giêsu mà con người thời nay cũng không muốn chấp Người. Vì sao thế? Người thời xưa cho rằng họ biết rõ Chúa Giêsu; Người là ai? Chỉ là một Giêsu quê ở Nazaret miền Galilê (mà có gì hay ho ở đó đâu). Họ tự hào mình là những người có phẩm chất tốt về nguồn gốc lẫn tư cách, đặc biệt trong việc giữ luật.
Ta thấy Chúa Giêsu này đối với người thời xưa cũng như thời nay đều không giống “những người bình thường” (trong những suy nghĩ phàm tục đầy những vị kỷ và tính toán của họ), Nếu chấp nhận ông ta, thì cuộc sống của họ với những bậc thang giá trị họ đặt ra có thể bị xáo trộn. Cuộc sống của họ bị đảo lộn; họ phải lột xác, phải sống mầu nhiệm tình yêu và tha thứ như Thiên Chúa là Đấng hằng yêu thương và tha thứ.
Và rồi người Do Thái khăng khăng buộc tội Chúa Giêsu, họ cho rằng Người đã nói phạm thượng khi xưng mình là Con Thiên Chúa. Họ không thèm đếm xỉa đến những việc tốt lành Chúa Giêsu đã thực hiện, cũng không thèm nghe những lời người khác làm chứng về Chúa Giêsu để xét xem Người có phải là Ðấng Mêsia hay không? Càng đối chất với Chúa Giêsu, họ càng trở nên ương ngạnh, ngoan cố. Vì tự ái và để bảo vệ tư lợi, họ không còn quan tâm đến tính cách khách quan của sự kiện, đầu óc họ bây giờ chỉ còn một ý nghĩ duy nhất chiếm ngự đó là phải khử trừ Chúa Giêsu bằng bất cứ giá nào. Sự giận dữ nung đốt lòng họ, biến họ thành những kẻ gian ác, như hình ảnh những tá điền hung dữ mà Chúa Giêsu đã mô tả trong các dụ ngôn Người giảng dạy trước đây.
Không phải tự nhiên người Do Thái muốn ném đá Chúa Giêsu, vì họ cho rằng Người phạm thượng khi dám tự xưng mình là Con Thiên Chúa. Trước sự giận dữ của người Do Thái, Đức Giêsu vẫn bình tĩnh đối thoại với họ. Người muốn họ hiểu ra rằng, Đấng Messia mà họ mong đợi, nay đang hiện diện ở giữa họ. Để minh chứng điều đó, Chúa Giêsu không chỉ dùng lời nói, mà còn biểu lộ qua các hành động cụ thể. Các phép lạ Người thực hiện là bằng chứng xác thực vị thế Messia của Người. Bởi lẽ, tất cả những việc đó chỉ có thể phát xuất từ quyền năng và lòng thương xót của Thiên Chúa. Dẫu vậy, giới lãnh đạo Do Thái vẫn cố chấp, cứng lòng.
Ta nghe Chúa Giêsu đã nói : “Cha Ta hằng luôn làm việc và Ta cũng luôn làm việc” (Ga 5,18). Thiên Chúa hằng luôn làm việc, Ngài làm việc gì? Ngài không ngừng trao ban tình thương và sự sống cho mọi loài Ngài đã tạo dựng nên. Vì Ngài chỉ cần rút hơi thở là tất cả trở về cát bụi hư vô (Giob 34,14). Ngài chăm sóc muôn loài, muôn vật: chim trời, cá biển, hoa cỏ đồng nội… (Mt 6, 26 - 30) bằng một tình yêu muôn thuở.
Như Chúa Cha, Chúa Giêsu cũng hằng luôn làm việc : Người không ngừng loan báo cho con người rằng họ được Thiên Chúa yêu thương, Người chạnh lòng xót thương những kẻ bé nhỏ nghèo hèn, khổ đau vì bệnh tật, tội lỗi… Người làm việc không mệt mỏi vì chạnh thương con người “như đàn chiên không người chăm sóc” (Mt 9, 39). Người chia sẻ và cảm thông với mọi nỗi vui buồn sướng khổ của con người.
Đức Giêsu cho thấy mầu nhiệm về Chúa Cha hoàn toàn phủ đầy trong Chúa Giêsu, và ở phía kia, việc đóng cửa lòng tăng dần lên của người Do Thái là những kẻ càng trở nên cứng lòng hơn với sứ điệp của Chúa Giêsu. Khía cạnh bi thương của việc khép kín này là vì họ cho rằng đó là lòng trung thành với Thiên Chúa. Họ nhân danh Thiên Chúa mà chối từ Chúa Giêsu.
Nhân danh Thiên Chúa, một số người tự biến mình thành những trái bom và giết người khác. Nhân danh Thiên Chúa, chúng ta, các thành viên thuộc ba tôn giáo của Thiên Chúa của Abraham, người Do Thái giáo, Kitô hữu và người Hồi giáo, cùng lên án lẫn nhau, tranh chấp lẫn nhau, trong suốt dòng lịch sử. Chương trình đại kết thì thật là khó khăn giữa chúng ta, và đồng thời nó thật là cần thiết. Nhân danh Thiên Chúa, nhiều điều khủng khiếp đã xảy ra và chúng ta lại tiếp tục tái phạm mỗi ngày.
Ta nhìn thấy sứ mạng Chúa Cha đã trao phó cho Người, Người phải thi hành đến cùng. Chúa Giêsu càng thiết tha giảng dạy cho họ, họ càng tức điên lên, Đức Giêsu càng nói họ càng tức giận và cuối cùng, không dằn được cơn giận họ đành tóm lấy Chúa Giêsu để trừng trị cho hả dạ. May thay, Chúa Giêsu đã lánh ra khỏi chỗ họ mà đi sang bên kia sông Giordan.
Chúa Giêsu đã làm nhiều việc tốt đẹp (c. 32). Các việc này không phải là việc của Ngài, mà là việc của Cha Ngài (c. 37). Suốt đời Chúa Giêsu chỉ tận tụy với việc của Cha. Trên thập giá, trước khi lìa đời, Ngài nói: “Thế là đã hoàn tất” (Ga 19,30). Ngài đã vuông tròn mọi việc Cha giao. Những việc tốt đẹp này là một lời chứng hùng hồn cho con người của Ngài: “Nếu tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin tôi, ít ra cũng hãy tin các việc đó” (c. 38). Tin vào việc làm dẫn đến tin vào con người.
Để biết Người, ta phải nghe và đọc Kinh Thánh vì Người là trung tâm của mạc khải Kinh Thánh. Đặc biệt trong Tin Mừng, tôi sẽ được chiêm ngắm con người của Đức Giêsu Kittô: Ta sẽ được nghe Người nói, nhìn những việc Người làm… Và điều quan trọng nhất là tôi phải đặt niềm tin nơi Người, ta sẽ thấy Người vẫn tiếp tục hành động trong cuộc sống của ta như xưa kia Người đã hành động. Đó là những hành động đầy chăm sóc và thương yêu. Hãy để cho giáo huấn của Người và tình yêu của Người biến đổi trái tim ta, để đi đến xác quyết ta sẽ là môn đệ của Người, để tiếp tục gieo rắc tình yêu của Người cho cuộc đời thêm tươi đẹp.
Và ta sẽ nhận ra rằng Chúa Giêsu là cứu cánh duy nhất của cuộc đời và chúng ta cần Người để được cứu độ. Từ nhận thức đó tôi khao khát được biết Người, mà muốn biết Người ta phải tìm hiểu, tiếp xúc với Người, cùng sống với Người trong cuộc sống, lắng nghe Người nói gì với ta, làm gì cho ta. Ta phải dành thời gian để đối thoại với Người, cùng Người bàn bạc, nhận định và xin ý kiến của Người để Người ở trong ta và ta ở trong Người và Người mãi mãi là Đấng cứu độ đời ta.
13/04/2019 Thứ Bảy Tuần V Mùa Chay
Ed 37, 21-28; Ga 11, 45-56
CHẾT THAY CHO TỘI NHÂN
Tử thuở ban đầu, Thiên Chúa đã muốn quy tụ chúng ta thành một gia đình trong an bình và tình yêu, để mọi người là anh em với nhau chung quanh một người Cha duy nhất là Thiên Chúa hằng sống. Trong thời Cựu Ước qua miệng Ngôn Sứ Ezêkiel, Thiên Chúa nói : “Ta sẽ quy tụ các ngươi khắp nơi vào một xứ sở. Ta sẽ làm nên một dân tộc độc nhất trong xứ sở đó… và chỉ có một vua là vua tất cả” (Ed 37, 21). Điều Thiên Chúa nói là Ngài làm, đúng như lời Kinh thánh : “Đức Giêsu sắp phải chết thay cho dân, và không chỉ cho dân mà thôi, nhưng là để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối : “Khi Ta bị treo lên, Ta sẽ lôi kéo mọi người lên với Ta”.
Đức Giêsu Kitô “vì chúng ta chịu đóng đinh dưới thời Phongxiô Philatô, chịu chết và mai táng”. Khi tuyên xưng niềm tin này, chúng ta tưởng niệm cái chết của Chúa Giêsu như một biến cố lịch sử. Biến cố này, cũng như cuộc đời của Người, chúng ta biết đến nhờ nguồn mạch lịch sử chắc chắn và uy tín. Dựa trên căn bản của những nguồn này, chúng ta có thể và mong ước biết và hiểu những hoàn cảnh lịch sử chung quanh cái chết ấy, mà chúng ta tin đó là “cái giá” để cứu chuộc nhân loại ở mọi thời.
Chúa Giêsu chết thay cho tất cả chúng ta: cho người nam cũng như cho người nữ, người già lẫn người trẻ, người giàu cũng như kẻ nghèo, người công chính cũng như kẻ tội lỗi. Người chết thay cho tôi và cho bạn. Nhờ thập giá, Chúa Giêsu tẩy rửa sạch mọi tội lỗi của chúng ta. “Tội lỗi của chúng ta chính Người mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi chết với tội, chúng ta được nên công chính. Vì Người phải mang thương tích mà anh em đã được chữa lành” (1 Pr 2,24). Qua thập giá, Chúa Giêsu quy tụ nhân loại về tôn thờ Thiên Chúa duy nhất.
Lý do họ bắt và quyết định giết Đức Giêsu là vì họ đã ghép cho Ngài cái tội chính trị. Họ nói: “Người này làm nhiều dấu lạ. Nếu chúng ta cứ để ông ấy tiếp tục, mọi người sẽ tin vào ông ấy, rồi người Rôma sẽ đến phá huỷ cả nơi thánh của ta lẫn dân tộc ta". Rồi một câu nói đầy uy lực của nhóm Thượng Tế mà Caipha là đại diện đã đem đến quyết định loại trừ Đức Giêsu: “Thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt".
Thập giá hằng ngày của ta là tất cả những nỗi khổ nhục, vất vả, thất bại trong cuộc sống, là những nỗi bất hạnh, bệnh tật, gìa yếu của đời người. Chúng luôn mang tính cách tiêu cực mà chẳng ai muốn đón nhận, vì ai cũng muốn sống hạnh phúc, nhàn hạ, khoẻ mạnh, an lành. Nhưng khi ta vui lòng đón nhận chúng với tất cả niềm tin dâng về Chúa và tình yêu dành cho người anh em thì thập gía lại trở thành Thánh Giá. Từ đó thánh gía này mang lại những gía trị cứu độ lớn lao cho ta cũng như cho tất cả, vì ta đang hoàn thành nơi mình những gì còn thiếu trong cuộc khổ nạn của Đức Giêsu Kitô. Vì vậy mà Giáo Hội cổ võ lòng yêu mến và tôn sùng Thánh Giá.
Chết thay có thể là một hành động do hận thù, bất công. Nhưng đối với tình yêu Chúa, người Kitô hữu có thể hiến mạng sống mình cho anh chị em. Ðó là một hành động của tình thương và nó sẽ khơi dậy những chuỗi tình thương tiếp nối. Chúa Giêsu Kitô đã trải qua kinh nghiệm này. Những người Do Thái không tin vào Chúa Giêsu, muốn bắt Chúa phải chết thay để người Roma không đến hủy diệt dân tộc Do Thái. Nhưng trong chương trình cứu rỗi nhiệm mầu của Thiên Chúa Cha, Chúa Giêsu chấp nhận tự hiến, chịu chết thay để mọi người được sống và được sống đời đời. Trang Tin Mừng hôm nay nhắc lại cảnh đời trớ trêu của Chúa như sau: "Quí vị không nghĩ rằng, thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt".
Và rồi những ngày Chay Thánh gần qua đi và bước vào Tuần Thánh. Thầy Chí Thánh cũng đã mời gọi chúng ta vác thập gía hàng ngày của mỗi người mà bước theo Ngài. Đón nhận thập gía ấy bằng tất cả tình yêu là trở thành chứng nhân anh dũng như các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Theo nguyên nghĩa Hy Lạp, từ “martus” : tử đạo chính là làm chứng. Còn cốt tủy của đời làm chứng là tình yêu trọn vẹn dành cho Chúa và cho tất cả anh em như Đức Giêsu, vị Tử Đạo đầu tiên đã làm nhân chứng mẫu mực cho tình yêu.
Và rồi nhìn lại gia đình chúng ta, mỗi người sống là hiện thân của Chúa Giêsu. Chồng chết thay cho vợ khi biết khước từ những lời mời gọi xấu xa: nhậu nhẹt, cờ bạc… Vợ chết thay cho chồng khi từ bỏ một tật xấu, tập tính dịu dàng, nết na, nhân hậu… Bố mẹ chết thay cho con cái khi biết yêu thương, dạy dỗ và lắng nghe trong sự chân thành và cởi mở… Con cái chết thay cho bố mẹ khi cố gắng học hành chăm chỉ, vâng lời và hiếu kính với những bậc sinh thành… trong đời sống cá nhân, mỗi người cố từ bỏ những tính hư tật xấu: kiêu ngạo, ganh ghét, lười biếng, tham lam, nói hành nói xấu… Có như thế, thập giá của Chúa Giêsu mới trở nên hữu ích là đem lại nguồn ơn cứu độ cho chúng ta.
Tuy nhiên, Thập giá chỉ trở thành Thánh Giá nếu trên đó có Đức Giêsu bị đóng đinh, vì Ngài là Thiên Chúa chí thánh. Chỉ có Ngài có sức thánh hóa các thập gía đời ta. Muốn có Đức Giêsu gắn mình vào thập giá đó, ta phải yêu quý nó, chứ không phải chịu đựng bất đắc dĩ, vì Đức Giêsu cũng là Thiên Chúa Tình Yêu. Vì yêu Chúa Cha và anh em, Ngài đã đón nhận thập gía đời mình. Ta cũng được mời gọi để yêu quý và thực hiện bằng tất cả con người, dù là những công việc có vẻ nhàm chán thường ngày cũng như những bất hạnh rủi ro …, nên như một chứng từ của tình yêu chứ không phải như một chứng từ bất đắc dĩ. Chính khi làm được điều đó, ta mới cảm thấy sức mạnh cứu độ diệu kỳ của thánh giá đời mình.
Kinh nghiệm đau khổ cho ta thấy rằng chỉ khi biết kết hợp đau khổ đời mình với Đức Kitô, thì đau khổ sẽ được Ngài biến đổi thành niềm vui ơn cứu độ, như các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã cảm nghiệm sâu sắc về kinh nghiệm thiêng liêng đó. Vì thế chúng hãy noi theo các Thánh Tử Đạo Việt Nam, rao giảng một Đức Kitô chịu đóng đinh và nhiệt thành cổ võ lòng yêu mến Thánh Giá Ngài.
TÌNH VÔ TẬN
- CN 5 MÙA CHAY 2016
Người ngoài Công Giáo làm sao hiểu được câu chuyện tình của người tín hữu Công Giáo. Chuyện giản đơn mà khó lý giải và cũng chẳng mấy ai tin đó là tấm bánh mầu nhiệm – tấm bánh tình yêu trên bàn thờ thập tự mà ngày mỗi ngày, giờ mỗi giờ, phút mỗi phút các linh mục lại dâng trên bàn thờ trên toàn thế giới.
Quả thật, dưới con mắt của người đời, chẳng ai hiểu được bản tình ca vô tận mà Con Thiên Chúa làm người đã biểu lộ cho nhân loại.
Tình Giêsu là tình vô tận bởi lẽ càng lý giải lại càng khó hiểu. Giản đơn là chẳng ai chết cho người mình yêu và người mình yêu lại là người tội lỗi.
Thật vậy, trải dài cuộc đời của Chúa Giêsu, rong ruỗi trên con đường loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa, một điều đau đắu trong lòng vẫn là nói cho mọi người biết về tình yêu, sống với tình yêu và sống cho tình yêu. Chính Chúa Giêsu đã nêu gương trước cho mọi người bằng cái chết đau khổ trên thập giá.
Điều mà Chúa truyền lại cho các môn đệ cũng như cho những ai tin nhận đi theo Chúa không phải là gia tài, không phải là kho tàng châu báu đắt giá ... Điều mà Chúa truyền lại đó chính là trong bữa ăn biệt ly, chính Chúa đã tự hiến thân mình làm của lễ Tình Yêu trên thập tự.
Kèm theo đó là cử chỉ sống động của tình yêu là Chúa Giêsu đã cúi xuống để rửa chân cho các môn đệ thân thương. Điều Chúa Giêsu làm, ngay cả người môn đệ thân tín nhất của Chúa là Thánh Phêrô cũng chẳng hiểu. Càng không hiểu hơn khi Thầy cầm lấy bánh và chia cho anh em.
Chỉ khi Phục Sinh thì các môn đệ mới nhận ra điều mà Thầy làm, lời mà Thầy nói, bài học mà Thầy gửi lại cho anh em.
“Anh em hãy ở lại trong Tình Yêu của Thầy !” Nghe sao mà tha thiết quá, sao mà nồng ấm quá. Anh em ơi ! Anh em hãy ở lại trong Thầy để Thầy ở lại trong Anh em ! Không có tình yêu nào quý hơn tình yêu của người hy sinh tính mạng cho người mình yêu ... Anh em ơi ! Cứ dấu này mà người ta nhận ra anh em là môn đệ của Thầy là anh em hãy yêu thương nhau !
Lạ lùng ! Không phải là anh em giàu có để người ta nhận ra anh em là môn đệ Thầy ! Cũng chẳng phải là anh em học cao hiểu rộng thì người ta biết anh em là môn đệ Thầy ! Và cũng không phải anh em sở hữu nhà cao, cửa rộng, xe sang, quyền cao chức trọng ... là môn đệ Thầy. Nhưng, căn cốt vẫn là yêu thương.
Tình yêu mà Thầy truyền lại cho anh em và Thầy muốn ở lại với anh em và anh em ở lại trong Thầy thật dễ thương và thật gần. Gần đến độ không phải là “xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi” như Ađam thốt lên với Eva mà là máu huyết của Chúa ở trong tôi khi tôi đến kín múc mầu nhiệm Tình Yêu nơi Thánh Thể.
Và rồi, giản đơn để ta hiểu mầu nhiệm Tình Yêu đó là nếu ai nào đó kín múc Thánh Thể và sống Thánh Thể thì cuộc đời sẽ thay đổi. Từ lời ăn tiếng nói, từ cung cách cư xử cũng sẽ trở nên “hiền lành và khiêm nhường” bởi lẽ anh em hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường.
Bài học Tình Yêu đã qua đi hơn 2000 năm nhưng vẫn còn đó như bài học rất mới bởi lẽ nói yêu người mình yêu hay yêu mình thì dễ nhưng để yêu cả người mình không yêu lại là chuyện khác hay không nói đến là thật khó khi mình yêu người không ưa.
Trên đỉnh đồi Canvê, Tình Yêu diễn tả đến tột cùng, đến vô tận khi ta nghe nói : “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm !”.
Quả thật ! Như ngôn ngữ ngày hôm nay bọn trẻ hay dùng “biết chết liền” thì khi nhìn lên mầu nhiệm Thánh Thể, ta cũng có thể nói như bọn trẻ : “Hiểu chết liền”.
Thật ra cũng không phải là quá khó hiểu nếu như người ta không chịu hiểu.
Chỉ cần chiêm ngắm mầu nhiệm Tình Yêu nơi tấm bánh sẻ chia ta sẽ thấy được Tình Vô Tận. Và khi ta kín múc Tình Vô Tận Giêsu rồi thì cuộc đời của ta cũng sẽ biến đổi nên một như Đức Kitô.
Nhớ lại lời vào Lễ của một linh mục thân quen : “Anh chị em thân mến ! Mỗi một lần chúng ta tham dự Thánh Lễ là mỗi một lần chúng ta biến đổi cuộc đời chúng ta nên một như Đức Kitô. Nếu như ta tham dự Thánh Lễ mà ta không để cuộc đời ta nên một như Đức Kitô thì Thánh Lễ chúng ta tham dự ra vô ích ...”
Huyền nhiệm Tình Yêu vẫn ở đó và chờ đó trên các bàn thờ trong các nhà thờ khắp nơi xung quanh ta. Thế nhưng, liệu rằng cảm xúc Tình Vô Tận của ta như thế nào ?
Ngày nay, ta vẫn vụ vào công ăn chuyện làm, chuyện gia đình, chuyện chồng chuyện vợ và chuyện con để rồi ta thờ ơ với Tình Vô Tận. Dừng lại và để ý và chính ta làm phép toán thì ta là người hiểu hơn ai hết. Khi ta bỏ Chúa, ta bỏ mối Tình Vô Tận của đời ta thì khi đó ta mất hết, ta trống vắng và ta mất bình an. Điều đáng tiếc là nhiều người vẫn chộn rộn hay nói cách khác là lo toan quá nhiều để tìm kế sinh nhai nuôi cái thân xác phải chết sáu bảy chục ký nhưng lại quên chuyện quan trọng nhất là nuôi dưỡng Linh Hồn của người ta.
Dù sở hữu một thân xác mập tròn to béo nhưng lại không có quả tim, không có tình yêu, không có sự bao dung tha thứ thì thân xác đó vẫn như là một xác chết mà thôi. Khi và chỉ khi ta siêng năng chạy đến với Bí Tích Thánh Thể, kín múc nguồn lực từ Bí Tích Thánh Thể thì khi đó ta kết hợp mật thiết với Tình Vô Tận và khi đời ta có Tình Vô Tận thì chắc chắn ta sẽ bình an.
Xin Chúa thêm ơn cho ta để ta sốt sắng và mau mắn chạy đến với nguồn ơn Linh Thánh từ bí tích Tình Yêu và xin cho ta khi kết hợp với Tình Vô Tận, ta cũng sẽ sống, sẽ diễn tả Tình Vô Tận đó ngay trong cuộc sống thường nhật của ta.
Huệ Minh 17-3-2016
CON ĐƯỜNG TÌNH TA ĐI
Ngày mỗi ngày, ta bước đi trong cuộc đời, ta bước đi với đời và đời đặt cho ta những nẻo đường khác nhau. Có nẻo đường dẫn ta đến vật chất, có nẻo đường dẫn ta đến quyền lực, có nẻo đường dẫn ta đến danh vọng. Và chắc chắc, những nẻo đường đó đều mang lại niềm vui cho cuộc đời. Nhưng rồi, chợi nhận ra những nẻo đường đó chẳng là gì cả. Bởi lẽ dù có vui đi chăng nữa nhưng con người vẫn khắc khoải điều gì đó có thể gọi là đời sống tinh thần và tâm linh.
Trong nỗi khắc khoải của cuộc đời, nhạc sĩ Đức Huy đã bộc bạch :
Tìm một con đường
Tìm một lối đi
Ngày qua ngày
đời nhiều vấn nghi
lạc loài niềm tin sống không ngày mai
sống quen... không ai cần ai
cứ vui... cho trọn hôm nay
Trong những cuộc vui của cuộc đời, Anh cứ nghĩ rằng anh vui cho trọn cả hôm nay nhưng rồi :
Rồi.. cuộc vui tàn, mọi người buớc đi
một mình tôi về, nhiều lần ướt mi
Đời tuy có vui đó nhưng lại chìm ngập trong nước mắt. Khi vào chỉ khi anh bắt gặp được Tình Yêu thì Tình Yêu :
chợt tình yêu đã đến như ánh nắng mai
xóa tan màn đêm u tối
cho tôi biến đổi tâm hồn... thành một người mới
và con tim đã vui trở lại
tình yêu đến cho tôi ngày mai
tình yêu chiếu ánh sáng vào đời
tôi hy vọng đuợc ơn cứu rỗi.
Niềm vui cuộc đời của Anh chỉ vui thật sự khi anh sờ, anh chạm hay nói cách khác : anh cảm nghiệm được Tình Yêu Giêsu
và con tim đã vui trở lại
và niềm tin đã dâng về người
trọn tâm hồn, nguyện yêu mãi
riêng người mà thôi
dẫu như tôi phải đi qua
vực sâu tối
tôi sẽ không sợ hãi gì
vì người ở gần bên tôi mãi.....
Vấn đề lớn nhất của cuộc đời con người đó chính là biết, xác định căn cốt của đời mình để sống, chết với căn cốt đó bằng cả tâm tình.
Có thể nói rằng chuyện tình của con người mãi mãi vẫn là chuyện phức tạp nhất. Với đặc tính hỉ - nộ - ái - ố ăn sâu trong lòng người để rồi con người vẫn mãi đi tìm cho mình những mối tình tiền – tài – danh – vọng.
Nhớ lại hình ảnh của dân Israel xưa trong Hoang Mạc cũng thế ! Được Thiên Chúa yêu thương ấp ủ như gà mẹ ấp ủ con dưới cánh đó nhưng dân vẫn phản loạn. Bi đát nhất trong cuộc hành hương đó chính là việc bỏ Chúa là Chúa của mình mà đi thờ con bò vàng.
Và, kinh nghiệm bò vàng tưởng chừng như là kinh nghiệm xương máu cho mọi nơi và mọi thời nhưng rồi dân Thiên Chúa vẫn cứ đi ngoại tình với các thần ngoại bang. Nhiều ngôn sứ đã thốt lên và đã chỉ vào mặt dân về thái độ sống của họ. Thiên Chúa dẫn họ đi trên con đường tình nhưng họ không nhận ra và họ tìm cách để rẽ ngã khác.
Ngày hôm nay, lịch sử đã đi xa và đi quá dài một chặng đường nhưng rồi kinh nghiệm của dân Do Thái, kinh nghiệm con đường tình của người Kitô hữu dường như vẫn chỉ là kinh nghiệm hay có thể nói như là nằm trên bàn giấy chứ không đem ra để thực hành.
Tiền bạc, danh vọng, quyền lực, tình dục ... vẫn làm cho nhiều người bỏ con đường tình mà Thiên Chúa dọn cho họ để họ rẽ qua mà đi. Nhưng rồi, dù vui đó nhưng đó cũng chỉ là niềm vui chóng qua, niềm vui tạm bợ, niềm vui phù vân mà thôi.
Chỉ có duy nhất con đường tình của Thiên Chúa là con đường bảo đảm nhất, an toàn nhất đưa con người đến ơn cứu độ của Thiên Chúa.
Tất cả, ngay cả người thân nhất của ta, người yêu của ta cuối cùng cũng chia tay ta trước khi nấm mồ được lấp hay chiếc quan tài được đẩy vào lò thiêu. Với tất cả kinh nghiệm sống đó và thân phận mong manh, mỏng dòn của con người thì chỉ có tình yêu Giêsu là tình yêu vĩnh cửu, tình yêu mãi mãi dành cho con người.
Ngay cả Chúa Giêsu, trên con đường tình thập giá mà Chúa đi qua cũng phải trải qua những cay đắng của cuộc đời, của phận người. Cay đắng đến độ có lúc mà Chúa Giêsu phải thốt lên với Cha rằng xin Cha cất cho Ngài khỏi chén đắng mà Ngài sắp uống ... nhưng xin vâng theo ý Cha chứ không theo ý Ngài.
Đường tình thập giá là con đường chẳng mấy ai đi nhưng nếu không đi qua con đường thập giá thì chắc chắn không bao giờ được đến vinh quang. Và, Chúa Giêsu cũng đã từng nhắc nhớ con người rằng “Nếu như ai không vác thập giá mình mà theo Ta thì không được cứu”.
Thật ra, Chúa Giêsu trong cái thân phận làm người cũng mỏng dòn, cũng yếu đuối, cũng đau khổ và có lần ngã quỵ trên con đường thương khó. Thế nhưng vì tình yêu và với tình yêu, Chúa Giêsu đã đi trọn vẹn con đường tình yêu với Chúa Cha dù biết bao đau khổ.
Ngày hôm nay, trong những ngày sâu lắng nhất của năm Phụng Vụ, người Kitô hữu chúng ta được mời gọi nhìn lại đường tình của ta đi. Ta có đi theo con đường tình thập giá của Thầy Giêsu hay không ? Hay là ta đi theo con đường của vật chất, của danh vọng, của quyền lực.
Hãy nhìn lại con đường tình mình đi để cân chỉnh kẻo lỡ bởi lẽ cuộc đời là vắn vỏi và sự sống là vô thường.
Ta lại xin Chúa thêm ơn cho ta để ta đủ sức, đủ tình, đủ tỉnh để đi trọn vẹn con đường tình mà ngày xưa Chúa đã đi qua.
Huệ Minh 16-3-2016
CHUYỆN TÌNH DƯỚI CHÂN CÂY THẬP TỰ
Chắc có lẽ cũng chẳng cần phải học cao hiểu rộng hay phải tìm hiểu để hiểu được thập giá. Với người bình thường, ai cũng có thể hiểu rằng thập giá chính là nơi mà người ta dùng để treo những người tử tội. Và như thế, những ai phải bước lên thập giá để chịu án tử thì đồng nghĩa đó là người tội lỗi.
Thập giá là như vậy. Hẳn nhiên người Công Giáo thì quá rõ và có khi người ngoài Công Giáo cũng biết được rằng vào ngày thứ Sáu đẹp trời nọ, trên đỉnh đồi Canvê có 3 cây thập giá dựng sẵn trên đó để chờ đưa 3 tên phạm tội tày đình để treo lên đó. Nhưng, nực cười thay là có một cây thập giá ở giữa lại mang thân phận của một con người vô tội để rồi cây thập giá giá ở giữa đó không còn gọi là thập giá nữa mà là thánh giá.
Thập giá thì mang thân phận người tử tội. Thánh giá lại mang thân phận của một kẻ chết vì yêu.
Cũng vì quá yêu nhân loại và đặc biệt là yêu con người tội lỗi để rồi “tên tử tội” mang tên Giêsu đã vâng phục, đã vui vẻ bước lên cây thập tự. Chính khi bị treo lên cây thập tự thì “tên tử tội” giương mọi người lên và để cứu con người như Môsê ngày xưa giương con rắn đồng trong sa mạc.
Chắc hẳn ta còn nhớ câu chuyện mạc khải ơn cứu độ trong sa mạc.
Trong sa mạc, người Do thái đã phạm tội thờ thần ngoại và đúc bò vàng để thờ lạy, họ hay phàn nàn kêu trách Chúa. Họ bị phạt nặng. Đức Chúa để cho rắn lửa bò ra cắn chết nhiều người. Họ sợ hãi xin ông Môsê cứu chữa. Ông Môsê khẩn cầu cho dân. Đức Chúa nói với ông : "Ngươi hãy làm một con rắn và treo lên một cây cột. Tất cả những ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đó, sẽ được sống". Ông Môsê “làm một con rắn bằng đồng và treo lên một cây cột. Và hễ ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng, thì được sống" (Ds 21, 4b-9).
Ở sa mạc, con rắn cứu dân khỏi cái chết do rắn cắn nhưng trên đồi Canvê thánh giá mang ơn cứu độ cho con người.
Điều đáng tiếc hay phải nói là bi đát nhất của thân phận con người đó chính là không ai nhận ra thập giá ở đồi Canvê đã nở hoa cứu độ khi mang thân phận con người Giêsu. Thập giá của ngày thứ Sáu Thánh đã trở nên thánh giá của tình yêu.
Ở trên đỉnh đồi Canvê chiều thứ Sáu buồn đó, sau khi truy tố và hành xác “tử tội” Giêsu thì chẳng còn ai cả ngoại trừ người môn đệ Chúa yêu và Đức Trinh Nữ Maria. Dẫu rằng trước đó, trên hành trình thương khó cũng có kẻ này người nọ, có cả các môn đệ nữa nhưng đến lúc mà ân nhân của người ta bất lực trước quyền lực thế gian thì người ta buông xuôi tất cả. Trước tòa án, trên đường thương khó, chắc hẳn cũng có sự hiện diện của những người đã lãnh được ơn này ơn kia của “tên tử tội” nhưng rồi mắt họ khép lại và lòng họ chai cứng.
Cuối cùng, ta chỉ thấy Gioan và Mẹ Maria.
Có lẽ không ai xấu hổ và nhục cho bằng người mẹ có con mang án tử và phải chứng kiến cả cuộc khổ nạn của đứa con mà mẹ mang nặng đẻ đau cũng như 3 năm bú mớm và 30 năm trường chăm bẵm.
Trên đỉnh đồi Canvê, ta được nhìn thấy mối tình thập tự, mối tình yêu thương đặc biệt của Mẹ Maria.
Trong những ngày cận kề với cái chết của “tên tử tội” Giêsu, ta được mời gọi nhìn lại mối tình thập tự đó để rồi ta soi mình ta, ta soi cuộc đời của ta với mầu nhiệm thập giá.
Cô Ann Thomas có kể lại câu chuyện sau đây. Hôm đó, cô và Betty ghé một sạp bán đồ phê’ thải. Ann vừa lôi ra một khay đồ linh tinh, Betty bước tới hỏi:
- Có đồ gì đáng giá không?
Ann trả lời:
- Không, toàn là đồ năm vố thôi.
Đoạn cô bước sang bên cạnh nhường cho Betty vào xem. Betty chăm chú nhìn vào đống lặt vặt, nhặt lên một cây thánh giá cũ kỹ han rỉ và nói:
- Thật khó mà tin được. Tôi đã tìm được đồ quý: cây thánh giá này làm bằng chất bạc xưa.
Cô bạn của Ann bèn về nhà lau chùi và đánh bóng cây thánh giá. Đây quả là một vật quí. Về sau, đứa con trai bảy tuổi của Betty tên Bobby cầm cây thánh giá lên, cung kính ngắm nghía hồi lâu. Bỗng nhiên cậu bé oà lên khóc. Betty liền hỏi:
- Con sao vậy?
Bobby nói:
- Con không cầm lòng được khi thấy Chúa Giêsu bị treo trên thập giá.
***
Ba người nhìn vào cây thập giá, có ba thái độ khác nhau: một người dửng dưng cho là đồ ve chai, người khác thích thú vì khám phá ra vật quí, còn người khác nữa lại xúc động rơi lệ vì nhận ra Chúa Giêsu chịu đau đớn trên thập giá.
Người tín hữu Kitô mỗi ngày nhìn thấy thập giá, nghe nói về thập giá. Vậy thập giá là gì? Thập giá trên tháp chuông, thập giá trên bàn thờ, thập giá bày bán trong tiệm, thập giá treo trên tường, thập giá cắm trong nghĩa trang, thập giá trong nghệ thuật, thập giá trong thi ca.
Xin cho mỗi người chúng ta cũng biết nhìn lên gương Mẹ Maria để rồi ta can đảm như Mẹ vác thập giá như Mẹ trong đời sống hàng ngày. Và nhất là cho ta xin được ơn, đủ ơn để vác như Mẹ đã vác. Và, ta cũng xác ơn can đảm để xác tin như Thánh Phaolô xác tín trong tâm tình gửi thư cho tín hữu Galat : “Phần tôi, ước chi tôi đừng có tìm vinh quang nơi điều gì khác ngoài thập giá của Chúa Kitô, Chúa chúng ta” (Ga 4,16).
Huệ Minh 15-3-16
ĐỜI MẶN
Chiều đi làm về, quãng đường vẫn đi ngang là ruộng lúa nhỏ nhoi của làng quê nghèo.
Mấy mùa lúa trước lúa vẫn xanh, ngọn vẫn đong đưa trước gió như sóng biển rì rào. Độ tháng trở lại đây, ngày mỗi ngày đi ngang ngọn lúa lại ngả màu. Tưởng chừng như đã trổ đòng nhưng tự hỏi sao lẹ quá. Lần ra mới biết được nước mặn vào sâu quá và cây lúa chẳng thể nào chịu nổi.
Nhìn những cây lúa đang chết dần chết mòn do ngập mặn, lòng chạnh thương bởi lẽ như thế cái nghèo nó lại cứ ấp ủ cả người miền Tây. Đời thường vốn đã nghèo nay lại nghèo hơn bởi mất mùa. Không những thế, có những vùng mặn đến độ mất cả trăm ngàn bạc mới mua được mét khối nước.
Những ngày gần đây, ai cũng biết rằng nước mặn đã vào thật sâu và thật gần với cuộc sống. Chỉ cần mở vòi ra để súc miệng mỗi sáng cũng phần nào cảm được cái vị mặn trên môi.
Vài ngày trước đây, hàng tấn hào và nghêu cũng đã phải chết bởi lẽ cái mặn đã làm cho chúng không thể sống. Và hẳn nhiên, hào chết, nghêu chết cũng làm cho đời sồng của người dân cũng lây lất và lất lây.
Trưa hôm nay, ngồi dùng cơm trưa, trời đã nắng nóng, cơm cũng khó trôi nhưng không thể trôi được nữa khi dòng nước mặn đã vào đến tận Cần Thơ. Điều đó, cho thấy rằng cuộc sống của người miền Tây sông nước vốn đã khó nay lại khó hơn.
Trên màn ảnh nhỏ, cũng thấy đâu đó người này người kia cũng đến thực địa tại hiện trường. Hẳn nhiên cũng ghi lòng dấu chân cũng như tình cảm của người có trách nhiệm thế nhưng khi những người lãnh đạo ra về thì nước mặn vẫn còn đó với người nghèo.
Cảm thương cho cuộc sống ngày mỗi ngày càng khó khăn hơn. Chẳng biết sao nữa khi nhìn cảnh đời càng vất vả.
Nhìn dòng nước sao thấy chua xót cho cuộc đời. Đời vốn đã mặn nay nguồn nước mặn lại vào làm cho đời càng thêm khốn khó. Bởi thế ! Chỉ khi ở trong nỗi đau mới cảm nhận được nỗi đau của những phận nghèo. Và cũng chỉ biết thầm thĩ nguyện xin ông Trời cho mưa mau xuống để làm ngọt nguồn nước, làm cho lòng người bớt chạnh lại, làm cho đời người bớt mặn hơn.
huệ minh
April 17, 2019