Suy Tư của Huệ Minh 2016
by Huệ Minh
MỪNG CHÚA SỐNG LẠI
Chúa nhật 1 phục sinh năm C
Người ngoài Kitô giáo cho rằng người Công giáo tin vào một người đã chết và sống lại, đó chỉ là chuyện hão huyền, mơ mộng và mị dân. Nhưng đối với Kitô giáo thì đây lại là niềm tin. Bởi thế, Giáo Hội cử hành Lễ vọng Phục Sinh trong đêm nay, là trung tâm điểm của mọi cử hành đức tin của Giáo Hội. Lễ này được cử hành đêm nay được coi là đêm Mẹ của mọi đêm. Chúng ta qui tụ nơi đây để cùng với Giáo Hội tuyên xưng Đức Giêsu Kitô, là Chúa của chúng ta đã chết và đã sống lại.
Niềm tin vào sự sống lại của Kitô giáo, bị các nhà triết học vô thần coi như một sự vong thân, cố quên đi thực tại, hiện sinh của con người. Kitô giáo bị coi ra ru ngủ, là thuốc phiện mê dân. Đối với những người này, con người chỉ là một hữu thể vật chất, kinh tế mà thôi !
Trung tâm niềm tin Kitô giáo biểu lộ là Đức Kitô tự nguyện chết để cứu độ nhân loại, Ngài đã phục sinh như Thánh Augustino ghi nhận rằng: “Lòng tin của Kitô hữu là sự Phục sinh của Chúa Kitô”.
Bởi vì sẽ không hiểu được những gì đã qua đi, và tương lai sẽ mịt mờ, nếu Niềm tin đó không được vững chắc như Thánh Phaolô tuyên tin: “Nếu Đức Kitô đã không chỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng và cả đức tin của anh em nữa cũng trống rỗng... và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em” (1 Cr 15, 14.17). Trống rỗng tức không thể nào có tương lai, và quá khứ và hiện tại thế gian vẫn còn rên siết trong tội lỗi.
Thật vậy, Đức Kitô Phục sinh dẫn nhân loại vào cuộc sống mai sau - bất diệt, như Thánh Phaolô dạy: “Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người.
Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới . Thật vậy, vì chúng ta đã nên một với Đức Kitô nhờ được chết như Người đã chết, thì chúng ta cũng sẽ nên một với Người, nhờ được sống lại như Người đã sống lại” (Rm 6, 4-5).
Qua những trang Thánh Kinh, ta thấy những điều Chúa Giêsu đã tiên báo trước : “Con Người phải bị nộp vào tay phường tội lỗi, và bị đóng đinh vào thập giá, rồi ngày thứ ba sống lại.”
Đức tin của chúng ta về việc Chúa đã sống lại, có nền tảng từ lời Thánh Kinh. Chúa Giêsu đã không ít lần nói xa, nói gần, nói bóng, nói gió về việc Ngài sẽ sống lại: “Nếu hạt lúa mì.”; “Hãy phá hủy đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ xây dựng lại...”; “Một ít nữa các con sẽ thấy Thầy, một ít lâu nữa các con sẽ chẳng thấy Thầy, vì Thầy về cùng Cha....”
Các phụ nữ ra viếng mồ, thấy mồ trống, khiến các bà sợ hãi vì các bà vẫn chỉ mang trong đầu cái chết ghê sợ của Thầy, và chính các bà là những người đã chứng kiến người ta chôn Thầy trong mồ và lăn tảng đá bít cửa lại, vì thế đối với các bà, hòn đá lấp cửa mộ chính là dấu chấm hết của một con người, cũng chính vì vậy trong tâm hồn các bà chỉ còn một Chúa Giêsu đã chết, và không còn một chút hy vọng nào.
Vì suy nghĩ như thế, nên sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần các bà còn đem theo dầu thơm để ướp xác Chúa. Kế đó, các bà thấy hòn đá đã được lăn ra khỏi mộ, không thấy xác Chúa đâu cả, rồi thấy hai người mặc áo trắng đứng đó, song các bà vẫn không thức tỉnh được đức tin. Tác giả Tin Mừng giải thích: Các bà sợ hãi cúi gằm mặt xuống đất, thì hai người kia nói: Sao các bà lại tìm người sống ở giữa kẻ chết?
Chính vì các bà cúi gằm xuống đất, nên các bà chỉ thấy những sự thuộc về đất chứ không thể nhìn thấy những sự việc ở trên cao, vì chỉ cúi gằm xuống đất nên đức tin của các bà cũng bị giới hạn nơi những sư việc thuộc về con người thuộc về đất, chứ không thể tiếp nhận được một đức tin mạc khải đến từ Thiên Chúa; Và vì các bà chỉ tìm kiếm một Đức Giêsu đã chết ở nơi nấm mồ chết chóc, nên các bà chỉ gặp được sự sợ hãi. Trái lại để đón nhận được niềm tin phục sinh, đòi chúng ta phải ngẩng cao đầu, phải ngước mắt nhìn lên Thiên Chúa để đặt trọn niềm tin nơi quyền năng của Ngài thì chúng ta mới có thể đón nhận được tin vui lớn lao này.
Trong lúc các phụ nữ còn hoài nghi thì Sứ thần còn nói với các phụ nữ: các bà hãy nhớ lại những gì Người đã nói khi Người còn ở Galilea. Như vậy để đón nhận được tin vui phục sinh thì phải nhớ lại Lời Chúa Giêsu đã nói về cái chết và sự phục sinh của Ngài, mà Chúa Giêsu đã nhiều lần khẳng định Ngài sẽ bị nộp vào tay người đời, bị giết chết và ngày thứ ba Người sẽ sống lại. Nhớ lại ở đây không chỉ là một hồi ức, mà còn là một sư xác tín vào Đức Giêsu và quyền năng của Ngài, Đấng có quyền trên sự sống và sự chết, trên biển cả và âm phủ, trên ma quỷ và thần dữ.
Thánh Luca cũng cho thấy thái độ của các tông đồ khi đón nhận tin vui phục sinh này có vẻ thận trọng hơn, các ông cũng không dễ tin ngay vào lời các phụ nữ nói, Phêrô trong vai trò người đứng đầu các tông đồ đã chạy ra xem, thì chỉ thấy còn khăn liệm ở đó thôi, ông trở về và giữ sự im lặng để suy gẫm và và chờ đợi để nhận ra ý Chúa và những dấu chỉ của Chúa.
Các phụ nữ báo tin cho môn đệ Tin Mừng Phục sinh, và các môn đệ ra đi loan báo Tin Mừng Chúa Phục sinh.
Những ai tin đã được Chúa biến đổi; Niềm hy vọng và sự can đảm hòa quyện vào nhau; còn kẻ không tin thì tìm cách chối bỏ các chứng cứ, kể cả việc dùng thủ đoạn ! Quả thật, đúng như lời Chúa Giêsu đã nói: “Nếu chúng không tin Môisen và các Ngôn sứ thì kẻ chết sống lại chúng cũng chẳng chịu tin đâu.”
Đức Giêsu sống lại là để đem lại cho chúng ta sự sống mới, và trở nên những con người mới, ngay bây giờ và chính tại đây, như thánh Phaolô nói: “Nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới” (Rm 8,11).
Điều quan trọng là làm sao có được sự sống mới ấy? Câu Kinh Thánh vừa trưng dẫn cho biết: Thần Khí làm cho Đức Giêsu sống lại, cũng chính Thần Khí ấy sẽ biến cải chúng ta nên con người mới, với sức sống mới. Chỗ khác, thánh Phaolô nói: “Thiên Chúa đã làm cho Chúa Ki-tô sống lại; chính Người cũng sẽ dùng quyền năng của mình mà làm cho chúng ta sống lại” (1Cr 6, 14). Nhưng vấn đề cụ thể là chúng ta phải làm gì để Thần Khí ấy biến cải chúng ta nên con người mới?
Đức Kitô đã chết và đã sống lại vì chúng ta, chính là để chúng ta không còn sống cho mình nữa, không còn khư khư giữ lấy mạng sống, giữ lấy sự bảo đảm an toàn ích kỷ của mình nữa, nhưng là phải sống cho Đức Kitô và như Đức Kitô, hoàn toàn vì Thiên Chúa và cho tha nhân. Nếu đã được sống lại với Đức Kitô, chúng ta đừng tìm những gì con người ích kỷ hẹp hòi, con người theo xác thịt xui chúng ta tìm kiếm; nhưng hãy nhìn thẳng về cùng đích của chúng ta mà tiến lên. Đức Kitô đã mang lại cho những đau khổ của con người một ý nghĩa, đã làm cho cuộc sống trần gian nầy không còn là một ảo tưởng, nhưng là một phản ảnh và là con đường đưa đến cuộc sống vĩnh cửu.
Vẫn mong niềm tin của mỗi chúng ta vào việc Chúa sống lại được cử hành long trọng trong đêm nay – và còn được kéo dài trong suốt 40 ngày tới - sẽ mang lại cho từng người niềm vui và hy vọng để vượt qua những cám dỗ, những rào cản, ... của thế gian khi chúng ta dám đặt niềm tin của chúng ta vào Chúa.
Xin Chúa ban sức mạnh của Ngài cho ta, hầu biến những hành vi, lời nói hằng ngày của ta thành công cụ Loan báo Tin Mừng Phục sinh và Niềm hy vọng cho con người và thế giới hôm nay.
NGHỊCH CẢNH KHÔNG LÀM NGHẼN CUỘC SỐNG VÀ LÒNG MẸ
Dù không được xem trực tiếp đi chăng nữa nhưng ai nào đó dù chỉ là xem lại tập 7 của mùa thi Vietnam's Got Talent 2016 – Tập 7 sẽ phải nén lòng với phần thi của “cặp đôi” Chu Văn Luân và Trần Mỹ Lệ.
Bước ra sân khấu, giám khảo Bằng Kiều như thường lệ hỏi : “Em tự giới thiệu về team của em xem”. Luân đáp : “Em thi với mẹ của em !”. Trấn Thành đùa vui : “Mẹ em trẻ thế !”
Trấn Thành cứ nghĩ chị Lệ là người phụ nữ bình thường như bao người khác, anh hỏi : “Chị ơi ! Hôm nay chị có bị đau mắt không chị ?”. Đáp lại câu trả lời của vị giám khảo này người con trả lời : “Mẹ em bị mù ạ ! ... em muốn có một kỷ niệm với Mẹ ”.
Nhạc sĩ Huy Tuấn trấn an : “Anh rất tò mò sao chọn mẹ em để giúp em trong tiết mục này ... ?”
Sau câu trả lời của Luân, không chỉ Trấn Thành nhưng có lẽ cả khán phòng chạnh lòng khi biết chị Lệ là người khiếm thị ! Vài câu phỏng vấn dạo đầu và rồi hai mẹ con chị Lệ và em Luân bắt đầu phần thi của mình.
Hai mẹ con tuy không phải là nghệ sĩ nhảy chuyên nghiệp nhưng đã hút hồn khán giả và đặc biệt hơn cả là Ban Giám Khảo với phần thi của mình. Phần thi vừa kết thúc, hai mẹ con đón nhận từ khán giả một tràng pháo tay thật lớn.
Bằng Kiều chỉ biết nói rằng : “Tình cảm người mẹ quá lớn và thiêng liêng ! Cảm ơn hai mẹ con”.
Không còn gì để nói trước lòng mẹ quá lớn của chị Lệ và em Luân.
Ướt mi, Trấn Thành hỏi thăm về chị Lệ. Chị Lệ rất mộc mạc chia sẻ tâm tư, đam mê với người con và chị không ngần ngại chia sẻ : “Mình không thấy đường, mình nuôi con mình, mình làm nghề cạo gió giác hơi ... mình sinh con mình mày mò tự tắm cho con ... không biết nguyên nhân sao mình vẫn làm được ... những khó khăn kiếm tiền nuôi con cũng chán chường nhưng thương con cũng qua hết ...”
Luân chia sẻ sau đó : “Mình mặc cảm vì mẹ mình ... sau này mình thấy lúc nào mẹ cũng phải có mình dẫn đường ... mình hối hận và mình chuộc lỗi ...”
Tiết mục này không chỉ đơn thuần là tiết mục dự thi mà nó gói ghém tình mẫu tử thật bao la.
Bị mù ngay từ nhỏ, không có khả năng để hội nhập cuộc sống nhưng rồi chị đã vượt qua những khó khăn từ ngày mới sinh con cho đến khi con khôn lớn. Tình mẫu tử của chị Lệ phải nói rằng quá bao la.
Nơi con người bất hạnh Trần Mỹ Lệ, ta lại khám phá ra một tâm hồn quá vĩ đại. Chị vượt qua nghịch cảnh để lo cho con, nuôi con. Chính tình cảm của chị đã bảo bọc người con ngô nghê của mình.
Tôi không có khả năng để đánh giá, nhận xét về phần thi của hai mẹ con Lệ - Luân nhưng tôi cảm nhận được tình mẹ nơi chị Lệ thật tuyệt vời. Chị bị mù nhưng rồi cuộc sống không làm nghẽn đường của chị được. Trong khi đó, có những bà mẹ có quá đủ điều kiện nhưng vì ích kỷ, vì danh giá nên đã loại trừ đứa con của mình ngay từ trong trứng nước hay đành đoạn bỏ đứa con yêu của mình.
Tình mẫu tử bao la quá ! Tình mẫu tử dạt dào quá !
Đi khắp thế gian không ai tốt bằng Mẹ.
Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng Cha.
Nước biển mênh mông không đong đầy tình Mẹ.
Mây trời lồng lộng không phủ kín công Cha.
Tần tảo sớm hôm Mẹ nuôi con khôn lớn.
Mang cả tấm thân Cha che chở đời con.
Ai còn Mẹ xin đừng làm Mẹ khóc.
Đừng để buồn lên mắt Mẹ nghe không ?
ĐA CẤP - NỖI ĐAU CÒN ĐÓ
Chiều tối xong việc, đáp chiếc xe "dân biểu" 29 chỗ ngược về thành phố để dự lễ tang của một người thân quen.
Nhiều người chẳng biết mô tê cứ gán cho kẻ mọn này là đại gia nghe cũng vui để rồi khi ai nào đó hỏi tôi về Sài Thành bằng xe con hay xế nổ thì tôi nói vui rằng tôi có xe 29 chỗ. Bình thường để cho tài xế lái để kiếm cơm. Mỗi khi có việc thì chỉ cần một cuốc điện thoại là có xe đón ngay trước cổng nhà.
Ai mà biết chuyện đó là những chuyến xe đò ngược xuôi phố thị để đưa người khách nghèo lên xuống khi cần. Đi xe 29 chỗ vừa an toàn lại vừa rẻ nữa. Thú vui nhất của xe "dân biểu" 29 chỗ là những câu chuyện đời.
Chuyến xe muộn nhất tối nay bắt đầu lăn bánh. Hôm nay không biết là ngày tốt hay ngày xấu mà trên xe vỏn vẹn có 5 hành khách. Người miền quê vẫn tin vào cái chuyện mùng 5, 19, 23 nên khi có việc đi xe những ngày đó thích thú vô cùng vì rộng chỗ.
Người hành khách dọc đường vừa bước lên xe bỗng nhiên nở một nụ cười thắm trên môi. Chưa kịp chào hỏi chị hỏi ngay nhà tôi ở đâu. Tôi giản đơn thưa với chị rằng nhà tôi ở trong quê lắm và dân nghèo lắm.
Câu chuyện qua lại và chị tự giới thiệu chị làm trình dược cho một công ty thuốc nhập khẩu của Mỹ. Chị chuyên bán thuốc về thải độc tố trong người ... chị muốn tìm thêm người bán thuốc phụ chị ... Giọng điệu của chị khá ngọt ngào để chèo kéo người khác cũng như mời mọc người ta theo chị.
Chị hỏi tôi đang làm nghề gì thì tôi trả lời với chị rằng tôi đang thất nghiệp. Nghe 2 chữ "thất nghiệp" mắt chị xoe tròn và chị mời tôi làm cộng tác viên với chị.
Vốn dĩ bộc trực, tôi nói với chị là dân quê tôi ở nghèo lắm, cơm chưa đủ ăn, tiềng trường của con chưa đủ đóng lấy gì mà có tiền mua thuốc giải độc ! Nghe vậy, chị an ủi tôi rằng công ty chị có chế độ cho dùng miễn phí ... Nghe 2 chữ "miễn phí" của chị tôi giật bắn cả người vì biết rằng ở đời ít có ai cho mình cái gì gọi là miễn phí cả. Rồi chị diễn giải xem ra thật bùi tai ...
Đang nghe chị nói bỗng nhiên có cuộc gọi đến. Thì ra là người bạn lâu năm rồi không gặp. Thế là tôi xin lỗi chị tôi nghe điện thoại.
Cuộc điện thoại đã "cứu" tôi cho đến khi xe dừng hẳn ở bến.
Cũng chẳng kịp chào chị vội bắt xe ôm đi về.
Trên đường về cũng như trước khi ngủ, hình ảnh của người đàn bà xa lạ chung chuyến xe vẫn còn đó và nhất là những lời mời quá ngọt tựa mật ong nguyên chất.
Với những gì chị quảng cáo và mời mọc tôi kịp nhận ra chị là trưởng của một nhóm bán hàng đa cấp. "Hiệu quả" của cách bán hàng đa cấp như thế nào chắc có lẽ nhiều người quá hiểu.
Cách đây ít năm, cũng vì nghe theo lời một người thân, tôi phải mua một chai lô hội với cái giá cắt cổ 1,4 triệu. Sau này mới biết người bán cho mình cũng là nạn nhân của vòng xoay đa cấp.
Đa cấp không thể nào thưa kiện hay bắt lỗi được bởi đơn giản họ mời gọi những người quen. Khi bán cho người quen và người quen phát hiện thì chẳng ai nỡ đi thưa. Thế là chồng chất người này qua người nọ rủ nhau bán hàng đa cấp.
Chẳng cần phải nói gì đến đa cấp, chỉ buôn bán bình thường với lực ép cạnh tranh đã để cho bao nhiêu gia đình điêu đứng.
Những người đứng đầu hay chủ trương đa cấp ắt hẳn cũng biết được những hệ lụy từ chuỗi bán hàng này gây nên. Dĩ nhiên biết nhưng vì mối lợi quá gần và thực dụng nên nhiều người vẫn cố tình làm hại người khác.
Vẫn mong lương tâm con người thức tỉnh để rồi người bớt hại người và lòng biết mở ra để yêu thương đồng loại hơn. Ngày nay, hơn bao giờ hết, ta vẫn cầu xin cho nhân loại đừng có ác với nhau nữa, hãy loại trừ cái ác bởi giản đơn chỉ cần bước chân ra đầu ngõ là đã thấy sự dữ ở kề bên.
SỐNG TRÊN ĐỜI SỐNG CẦN CÓ MỘT TẤM LÒNG
Thoạt đầu, nghe những lời này của cố nhạc sĩ họ Trịnh, không phải chỉ mình tôi nhưng nhiều người hơi khó hiểu và thắc mắc :
Sống trong đời sống cần có một tấm lòng
Để làm gì em biết không ?
Để gió cuốn đi , để gió cuốn đi
Cần có một tấm lòng ! Có tấm lòng rồi để gió cuốn đi nghĩa là làm sao ? Vậy thì cần quái gì có tấm lòng … Thế nhưng rồi nghiệm lại cuộc sống, nhất là những ngày này, ở những vùng nước nhiễm mặn mới thấy cần lắm không chỉ một tấm long mà phải có nhiều tấm lòng.
Chắc có lẽ ở những nơi mà có nguồn nước mạnh và nước sạch sẽ không bao giờ nghĩ đến hay có cảm giác quý báu nguồn nước mà mình đang có.
“Ngày nào mang nỗi đau tôi mới hiểu nổi đau là gì ?”. Phải chăng câu nói nhẹ nhàng nhưng rất thấm. Chỉ khi nào ta ở trong vùng nước mặn đến tận cùng ta mới hiểu nước ngọt quý đến mức nào.
Cách đây non kém một tuần, đặt chân đến vùng đất đỏ bazan sở hữu được mạch nước trong lành, thế là tắm lấy tắm để và dìm mình trong nước để hưởng cái thú của nước sạch và nước ngọt. Đến bữa cơm, khoe với mọi người rằng ở đây thì thích quá bởi nguồn nước quá tốt ! Nhớ lại, nghĩ lại cảnh bà con nhất là bà con nghèo phải sống với cái cảnh nước mặn lại đau lòng, mà hình như mình cũng đang sống trong cái cảnh đau lòng đó.
Những người thân quen ở những vùng quanh năm nước ngọt và nước mặn hết sức ngạc nhiên khi súc miệng sao nước mặn thế ! Mọi người đùa là ở đây súc miệng với nước muối miễn phí !
Đứa cháu từ Sài Gòn xuống, nhiệt tình nấu bò kho cho cả nhà ăn. Đến bữa, phải châm thêm nước sôi vào cho đỡ nhạt nhưng dù châm thật nhiều nhưng không giải quyết được cái mặn. Hỏi ra thì cô bé đã lấy nguồn nước mặn sẵn có từ máy xuống để nấu bò kho nên không mặn làm sao được. Nước vốn đã mặn, cho thêm muối vào thì làm sao nuốt cho nổi.
Sáng qua, khi lau nhà, đi tới đi lui cái chân nó nhớt nhớt và rất trơn và té lúc nào không biết. Chuyện giản đơn đó là độ muối trong nước đủ mặn để nền nhà lau qua vẫn cứ nhớt nhớt vì muối mặn quá nhiều.
Đang trong cảnh sống như vậy, được biết có nhiều tấm lòng đang hướng về với vùng nghèo miền Tây sông nước.
Đến giờ này phải nói rằng không phải cần một tấm lòng nữa mà cần đến vạn tấm lòng để chia sẻ bớt nỗi khổ của người nghèo vùng ngập mặn. Tiền ăn tiền chợ vốn eo hẹp nay phải mua nước ngọt với giá cao ngất ngưỡng nữa thì thử hỏi đời sống của những người nghèo đi về đâu ?
Cần và cần lắm những tấm lòng chia sẻ với miền Tây đang ngập mặn. Vẫn mong có những tấm lòng sẻ chia để đời bớt mặn đi, lòng người bớt mặn với nhau hơn để yêu nhau hơn, để hiệp nhất với nhau hơn.
TRONG NHÀ - NGOÀI PHỐ
Ngày nay, hình như có cái lạ ngược đời trong xã hội, chuyện là chuyện trong nhà chưa rõ ngoài ngõ đã hay và ngược lại, chuyện ngoài ngõ của người ta, mình lại ôm vào nhà như ôm rơm cho nặng bụng.
Chất keo kết dính gia đình ngày hôm nay bị bong ra, bị rã ra và ít ai quan tâm đến gia đình mình mà chỉ lo chuyện hàng xóm. Gia đình ngày hôm nay đứng trên bờ vực của tan vỡ, của chia xa để rồi người ta hô hào, cổ động bằng nhiều cách trong đó có cả game show "Gia đình là số 1" nữa.
Mấy ngày nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng đua nhau loan truyền về chuyện của một chàng nghệ sĩ gì đó. Chuyện các trang tin đua nhau đưa tin và thậm chí còn gắn cho bài bó của mình cái tít thật giật gân để trang báo của mình bán được chạy nhất dù biết rằng có thể khi đưa tin là đưa quá sự thật. Nghề báo đôi khi chỉ vì đồng tiền đã đánh đổi lương tâm của mình khi tranh nhau tấn công một nhân vật nào đó đang được nổi tiếng.
Chuyện báo chí đưa là chuyện của họ. Buồn cười rằng những trang face-book cá nhân cũng tranh thủ "ăn theo" lôi những thông tin về chàng nghệ sĩ đó về trang của mình để như "ném" thêm một hòn đá nữa vào "tội nhân".
Tôi trộm nghĩ anh chàng nghệ sĩ nào đó, doanh nhân nào kia có phạm tội thì để pháp luật cũng như lương tâm phán xét người đó. Xét cho bằng cùng thì anh chàng nghệ sĩ nọ, doanh nhân kia cũng chẳng làm gì tổn hại đến gia đình của mình để mình lại hùa nhau ném đá.
Còn nhớ cách đây không lâu, có một sự kiện không vui đó là một vị linh mục kia vấp phải điều chẳng may và phải nhận một tờ giấy từ đấng bản quyền. Khi có tờ giấy đó trong tay thế là dân chúng hăm hở đua nhau chia nhau tờ giấy đó và như mình đạt được thàn tích phanh phui, chỉ trích và kết án vị linh mục đó.
Một người quen hỏi tôi lý do tại sao như vậy, lý do như thế nào bị như kia ... Điềm tĩnh tôi bèn nói với người đó rằng : "Chị ơi ! Chị thương em, chị về chị lo chấn chỉnh đứa em họ của chị không có chồng mà vác nguyên đứa con về gia đình làm cho gia đình "sướng" cả mặt kìa ! Chị ơi ! Chị lo chị khuyên nhủ đứa em con ông bác ruột của chị vui vẻ "mượn" chồng của người ta về ở kìa !"
Khi nghe tôi nói như vậy, chị có vẻ ngại ngùng và nhận ra rằng gia đình chị còn đó quá nhiều vấn đề nan giải về luân lý và cả đạo lý nữa chưa giải quyết. Ấy vậy mà chị cứ hùa theo trào lưu dân chúng và vạch lá tìm sâu và tìm cách hạ sát người đồng loại.
Chuyện của người chuyên thắc mắc chuyện người khác, lo việc bao đồng không phải là chuyện hiếm ngày hôm nay.
Buồn cười một cái là chuyện của gia đình mình nó bốc mùi không ai chịu thấu nhưng mình cứ lại khoái moi chuyện người. Chuyện trong nhà mình lẽ ra mình âm thầm cùng nhau giải quyết lại kéo bè kéo phái hùa theo nhóm lợi ích của mình để công kích, đả phá người thân nghĩa ruột thịt trong gia đình.
Ngày nay, giá trị tinh thần cũng như thiêng liêng trong gia đình bị đảo lộn bởi lối sống bi hài của những người không còn nghĩa thiết gì với gia đình nữa. Tiếng nói của lương tâm đã tắt lịm để rồi gia đình ngày càng tan nát.
Trong gia đình, kể cả gia đình có người thân là tu sĩ, linh mục hay thậm chí cả vị tu sĩ hay linh mục đó cũng không tránh khỏi những sai lầm đáng tiếc. Vì là phận người chẳng ai biết mình tốt hơn ai và cũng chẳng ai dám nói mình vô tội.
Thử nhìn lại cái đám đông bu quanh Chúa Giêsu và người phụ nữ gọi là bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình ngày hôm ấy ta sẽ có câu trả lời cho chính ta. Thật ra, những người ngày hôm đó lương tâm của họ còn hoạt động để rồi họ đã bỏ đi từ già cho đến bé. Đáng tiếc là ngày hôm nay có nhiều con tim chai cứng và lương tâm đã chết tự lâu rồi dù người đó còn sống để họ vui vẻ kết án anh chị em đồng loại.
Mình kết án anh chị em đồng loại nhưng thử diện đối diện với Chúa và lòng đối lòng với Chúa mình dám nói mình sạch hơn người khác không ?
Vụ án giết người vô tội mang tên Giêsu mà ta mới tưởng niệm trôi qua chưa được một tuần lễ. Chính vì thế, ta hãy nhìn lại ta là ai trong đám đông của đoạn trường thập giá để ta cân chỉnh đời mình. Hãy dừng tay lại, hãy bỏ đá xuống mà âm thầm cầu nguyện và than khóc tội của mình chứ đừng hăm hở lên án người khác.
Chính lúc thứ tha là khi được tha thứ
Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân.
Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh
Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.
Ôi Thần Linh Thánh Ái, xin mở rộng lòng con
Xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí : ơn an bình (Kinh Hòa Bình)
Và rồi ta hãy xin Chúa cho ta trở thành khí cụ bình an của Chúa hơn là công cụ chia rẽ và lên án anh chị em đồng loại.
LÒNG NHẠT – LÒNG MẶN
Thời tiết đã đành, khí hậu đã đành nhưng đắng lòng nhất vẫn là khi con người nhạt lòng với nhau.
“Anh” ở đầu sông “em” cuối sông ! Tiếc rằng khi lòng của “anh” nhạt nên bao nhiêu nước mặn em đành hưởng.
Giữa cái chợ đời là như vậy, giữa cõi nhân gian là như thế ! Khi con người ta khép lòng lại với nhau thì đời nó vốn mặn càng thêm mặn.
Giữa cơn khát nước ngọt của nhiều người, bỗng dưng xuất hiện tấm lòng của một cô Tiên năm 2016. Cô Tiên 2016 này có tấm lòng thật “mặn” giữa nhiều tấm lòng “nhạt giữa cuộc đời.
Chuyện là như thế này : “Bà Nguyễn Thị Hưởn ở Bến Tre có một giếng nước ngọt. Trong đợt thiên tai hạn hạn và nhiễm mặn đang xảy ra ở Đồng Bằng Sông Cửu Long, giếng nước của bà có thể "rót ra vàng". Nếu bà tham, bà có thể bán mỗi can nước ngọt với giá vài chục nghìn đồng và kiếm được một số tiền kha khá. Nhưng bà viết hai chữ "Cho Nước" bằng vôi trắng thật to, và hễ ai đến xin nước thì bà lại ra giếng bơm nước miễn phí cho họ.
Hình ảnh của “cô Tiên” 2016 này ở Bến Tre chắc có lẽ làm cho nhiều tấm lòng phải suy nghĩ về hình ảnh sẻ chia của “cô Tiên” tên Hưởn. Có tấm lòng “mặn” với người nghèo xung quanh mình nên cô Tiên Hưởn đã làm như vậy. Cô đã cho đi mà không hề toan tính thiệt hơn. Trong khi đó, có quá nhiều tấm lòng nhạt đã khép lòng lại với người nghèo.
Mới sáng hôm qua, một MC Công Giáo khá nổi tiếng điện thoại cho tôi. Đầu dây bên kia giọng đúng chất của một MC dễ thương.
Anh sẻ chia với tôi rằng lẽ ra đến chia sẻ với người nghèo ở vùng nọ nhưng trục trặt cơ chế “xin – cho” để rồi lần này Anh và nhóm bạn chuyển hướng về Bến Tre.
Càng chia sẻ, càng thấy nhóm của Anh thật hay và đáng trân trọng. Anh kể rằng trong nhóm của Anh, khi đi làm từ thiện thì tự mỗi người trong nhóm trích tiền bỏ ống của mỗi người. Quy định của nhóm là mỗi ngày mỗi người bỏ vào ống quỹ 10 ngàn đến 20 ngàn. Nhóm đi từ thiện là tự thân đi chứ không xin ở ngoài. Cạnh đó, điều hay của Nhóm là đến chia sẻ tận tay gia đình nghèo chứ không tập trung một nơi nào đó để gọi tên phân phát như một số nơi vẫn làm.
Trước khi gác máy, Anh còn cẩn thận nói thêm : “Nhóm của em tụi nó kỳ lắm ! Càng đi đến vùng nghèo, gia đình khó khăn tụi nó càng thích à nha !”.
Tiếng người trên điện thoại không còn nữa nhưng những tấm lòng “mặn” của Nhóm vẫn còn đọng lại trong lòng người nghe.
Sáng nay, giật mình khi xem dòng chia sẻ của anh chàng ca sĩ thân quen Phan Đình Tùng. Anh đã đưa người Công Giáo đến gần với Chúa hơn qua tâm tình anh gửi gắm trong các ca khúc Làm Dấu, Khúc Ca Tạ ơn .... Chia sẻ của Anh Tùng như thế này :
Nhiều người hỏi em. Sao em là ca sỹ nổi tiếng mà không đi hạng Thương Gia cho nó sướng.
Dạ. Em không đi là vì 2 lý do sau:
1. Em là ca sỹ chứ không phải Thương Gia. Máy bay có hạng Thương Gia chứ đâu có hạng Ca Suỹ. Hahaha...
2. Em không phải Thương Gia nhưng em thương người. Mặc dù em nổi tiếng nhưng khả năng tài chánh của em vẫn chưa cho phép em bay hạng Thương Gia. Thay vì em cố bỏ ra số tiền gấp 4,5 lần hạng phổ thông để bay hạng Thương Gia cho nó sướng hoặc cho nó oai như người ta thì em xin bay hạng Thương Người (hạng Phổ Thông) để tiết kiệm tiền, số tiền đó em giúp trẻ em nghèo, như vậy em thấy vui hơn. Vì theo em nghĩ, trẻ em là thế hệ tương lai của đất nước, giúp trẻ em nghèo tức là em cũng góp phần giúp cho đất nước mình có một tương lai tốt đẹp hơn. Đúng không cả nhà? Nếu ai nói không đúng thì em cũng xin bó tay.
PS: 1 chút cảm xúc khi lần đầu tiên em được hãng United Airlines nâng hạng cho em lên hạng Thương Gia khi bay đường dài từ Denver (Mỹ) đến Tokyo (Nhật Bản).
Hóa ra rằng giữa cuộc đời này có những người thích khoe mẽ, khoe xe, khoe nhà, khoe cửa đó lại có những tấm lòng “mặn” với người nghèo.
Nhân dịp mừng sinh nhật của mình, Phan Đình Tùng không tổ chức rầm rộ. Anh tìm đến với mái ấm Mai Tâm – nơi đang cưu mang những mảnh đời bất hạnh – để chia sẻ cùng quý cha Dòng Camilo đang coi sóc.
Buồn bởi ngày nay người ta chạy theo vật chất, chạy theo đồng tiền thì có những người lại cố gắng tằn tiện để sẻ chia.
Đời là như thế ! Có người lòng nhạt đi vì ích kỷ bon chen nhưng cũng có những tấm lòng mặn để biết sẻ chia với những người bất hạnh.
Và rồi, cũng chỉ biết xin ơn trên cho lòng mình cũng biết “mặn” như cô Tiên Hưởn, như nhóm của anh chàng MC dễ thương, như anh ca sĩ Phan Đình Tùng cũng như nhiều tấm lòng “mặn” khác để cho đời này bớt lạt.
“Từ đây người biết thương người, từ đây người biết yêu người” (tâm tình của cố nhạc sĩ Văn Cao trong ca khúc Mùa Xuân Đầu Tiên) vẫn còn vang vọng giữa cuộc đời. Và cũng xin từ đây người biết yêu người, người biết mặn lòng với người để sẻ chia cho những mảnh đời nghèo khổ, bất hạnh xung quanh ta.
huệ minh
April 9, 2016