suy niệm sưu tầm góp nhặt... nhiều tác giả

năm C-2016Giáng sinh của hai năm thánh
Lm JB. Nguyễn Minh Hùng12/24/2015

GIÁNG SINH CỦA HAI NĂM THÁNH

Thánh Vịnh 136 từng khẳng định: “Muôn Ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”. Đấng “Muôn Ngàn đời vẫn trọn tình thương” nay đã giáng thế. Năm nay, năm Thánh Lòng Chúa xót thương. Bên cạnh đó, chúng ta vui mừng cử hành năm Thánh kỷ niệm 50 năm thành lập giáo phận Phú Cường. Đó là lý do chúng ta càng hỷ hoan, vì càng được sống trong tình yêu đậm đặc của Thiên Chúa.

Mừng lễ Giáng Sinh của năm Thánh lòng Chúa thương xót, và năm Thánh Kim khánh giáo phận, chúng ta càng được dịp chiêm ngưỡng hình ảnh cụ thể của lòng Thiên Chúa xót thương nơi Chúa Hài Nhi. Người chính là hình ảnh của Thiên Chúa Giàu lòng thương xót đã trở nên người phàm. Vì thế, càng đúng với tên gọi của đêm nay. Đó là Đêm mà từ nay, Đấng “Emmanuel”, trở thành Đấng là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.

1. Đã từng có một đêm như thế, một đêm mà mãi mãi Đấng Emmanuel không bao giờ rời xa chúng ta. Đó chính là đêm đã đưa Con Thên Chúa đến trần gian. Người sống như con người, ở giữa con người, chia sẻ kiếp người của chúng ta.

2. Khởi đi từ đêm nguồn của mọi đêm ấy, chúng ta lại được Lòng Chúa xót thương quy tụ để hợp cùng nhau dâng thánh lễ, cất cao lời ca – điệu múa – tiếng nhạc ca tụng Thiên Chúa, và hết lòng yêu thương nhau.

3. Đêm nay, đêm Tình Trời ngự giữa lòng người. Đó là đêm Thiên Chúa vinh danh, loài người an bình.

4. Đêm Thiên Chúa Giàu lòng thương xót hạ cố chính mình để nối kết muôn lòng người. Vì thế, chúng ta hãnh diện, từ nay được làm con Thiên Chúa.

5. Đêm nay, Thiên Chúa Giàu lòng thương xót đã đi bước trước để ban phát lòng thương xót và dạy từng người chúng ta cũng hãy xót thương nhau, sớt chia, giúp đỡ, quan tâm đến nhau.

6. Được nhận lãnh Lòng thương xót của Chúa, vì thế, đêm nay chúng ta ý thức mình có nhiệm vụ chia sẻ cho mọi người bất hạnh, để mọi nơi có bình an, mọi lòng người được nếm trải hạnh phúc.

7. Đêm nay, đêm đầy màu sắc, đêm đầy thanh âm. Vì thế, đêm nay chính là đêm hồng phúc. Bởi Thiên Chúa giàu lòng xót thương đã xóa khoảng cách, để chính Người, cũng trở thành một người như chúng ta là người.

Giữa dòng lịch sử nhân loại, đã có một đêm như thế! Một đêm như bao đêm, nhưng lại là đêm linh thiêng trọng đại, đêm mang dấu ấn huyền diệu ngàn đời có một không hai.

Đó chính là đêm mà nhân loại không ngần ngại gọi là “Đêm Thánh Vô cùng”, đêm của “Trời Đất giao duyên”, đêm của “Tình Yêu giao ước”. Bởi lẽ đó chính là đêm từ nơi cung lòng Thiên Chúa Cha, Ngôi Hai Thiên Chúa lên đường đi vào lịch sử nhân loại, Người lên đường để thi hành sứ mệnh cứu độ của Chúa Cha dành cho mọi người chúng ta.

Bởi đêm thánh vô cùng này diễn ra trong năm Thánh Lòng Chúa thương xót và năm Thánh mừng Kim khánh giáo phận Phú Cường, Vì thế, đêm của lễ Giáng Sinh vốn đã là đêm của ánh sáng, càng thêm tràn ngập Ánh Sáng.

Ánh sáng của đêm nay không chỉ là ánh sáng của đèn, sao, nến, nhưng là Ánh Sáng Thần Linh của Tình yêu thương xót xuất phát từ lòng xót thương vô bờ bến của Thiên Chúa đổ ngập tràn tâm hồn mỗi tín hữu.

Ánh Sáng xuất phát từ tình yêu thương xót của Thiên Chúa xé tan màn đêm u tối của lòng ta còn đang bị thế gian, sự dữ, cám dỗ và những yếu đuối của bản thân gây ra.

Ánh Sáng xuất phát từ lòng thương xót của Thiên Chúa đem niềm vui cho tâm hồn những ai mang nặng sầu thương.

Ánh Sáng xuất phát từ lòng thương xót của Thiên Chúa ủi an và sớt chia tất cả những ốm đau, bệnh tật, cô đơn, giá rét, tủi nhục, bị hàm oan, bị ruồng bỏ, bị hiểu lầm.

Ánh Sáng xuất phát từ lòng thương xót của Thiên Chúa đi vào trần thế chữa lành tất cả, đỡ nâng tất cả, chan hòa tất cả.

Ánh Sáng xuất phát từ lòng thương xót của Thiên Chúa nâng chúng ta lên, đến nỗi cùng với Chúa Kitô, Thiên Chúa thật là Cha của từng người chúng ta.

Vây cho nên, cử hành đêm thánh này, anh chị em hãy chạy đến cùng Chúa, hãy thiết tha xin Chúa Hài Nhi luôn ở cùng chúng ta, như chính tên gọi mà suốt dòng lịch sử, Người đã trao tặng chúng ta: Emmanuel.

Hãy chúc tụng Thiên Chúa. Hãy đón lấy tình yêu thương xót vô bờ bến của Thiên Chúa.

Hãy ngả vào vòng tay của lòng xót thương, Thiên Chúa từ nhân dành cho từng người, không thiếu một ai.

Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG

 

Lễ đêm : Ánh sáng sự sống tỏa rạng
Lm. Vinh Sơn SCJ12/24/2015

Lễ Giáng Sinh - Lễ Đêm

ÁNH SÁNG SỰ SỐNG TỎA RẠNG

Is 9,1-6; Tt 2,11-14; Lc 2,1-14.

Theo hãng thông tấn API hôm 12 tháng 1 năm 1996, bên Hoa Kỳ, một em bé gái 9 tuổi đã thức giấc sau 12 ngày hôn mê, nhờ nghe bản nhạc có tựa đề: "Các thiên thần ở giữa chúng ta".

Bà Hathum, mẹ của em bé cho biết rằng trong khi đi mua sắm đồ Giáng Sinh, trên đường trở về nhà, xe của bà đã bị một chiếc xe khác tông vào, và em bé Hither bị xuất huyết não và rơi vào trạng thái hôn mê. Vì tin rằng: những người đang trong trạng thái hôn mê vẫn có thể nghe được, nên các bác sĩ khuyên gia đình nên cho cháu nghe bản nhạc mà thường ngày em thích nhất, đây là bản nhạc mà cả hai mẹ con cùng nghe mỗi khi có người thân trong gia đình qua đời. Bà Hathum tìm lại được bản nhạc trong xấp nhạc giáng sinh của bé Hither, bài hát nói rằng: "Các thiên thần từ trời cao xuống trái đất trong những giờ phút tăm tối nhất của chúng ta để dạy chúng ta sống và ngợi khen Chúa". Như một phép lạ, khi bản nhạc vừa được cất lên, Hither từ từ tỉnh lại và bắt đầu khóc và nói: "Mẹ ơi! con yêu mẹ".

Giữa bóng đêm trong mùa đông băng giá, âm u. Bóng đêm “đêm” mô tả thời kỳ hiện tại, chờ đợi Chúa đến trong Quang Lâm (Rm 13,12) là ban ngày của hiện tại. Theo ngôn ngữ của Kinh Thánh, đêm là thời gian của bóng tối của “quyền lực tối tăm” (x. Lc 22,23; Mc 14,49; Ep 6,12). Trong ý nghĩa đêm tối, con người đang sống trong hiện tại, sống trong đêm tranh đấu với cuộc sống lao nhọc vất vả của kiếp người… ngôn sứ Isaia đã tiên báo: “Ðoàn dân đang lần bước giữa tối tăm, đã thấy một ánh sáng huy hoàng" (Is 9,1). Lời ngôn sứ Isaia về Ðấng Cứu Thế sinh ra trong đêm Giáng sinh. Giữa bóng đêm của sự chết, bỗng bừng tỉnh bởi tiếng hát cùng hòa với ánh sáng muôn vàn vì sao:

“Vinh danh Thiên Chúa trên trời.

Bình an dưới thế cho loài người Chúa yêu”,

(Lc 2,14)

Lời hát của các thiên thần loan truyền sứ điệp của Thiên Chúa từ trời cao gửi xuống cho nhân gian: Ánh sáng cứu độ mang sự sống cho nhân sinh. Khi nguyên tổ phạm tội bất tuân muốn cắt đứt tình yêu với Thiên Chúa, bị tước hết ân sủng con người đi trong sự chết và bóng tối, Thiên Chúa hứa ban một người con sinh ra từ “giòng dõi người nữ” (x. St 3,15) để cứu dân Ngài khỏi tội và điều đó được thực hiện bắt đầu chính thức trong dòng lịch sử nhân lọai khi Ngài chọn và gọi Abraham… và từ dòng dõi này, ra đời Đấng Cứu Thế (x. Mt 1,1- 24).

Chính ngày Noel đạt được mục đích một hài nhi sinh ra cho nhân lọai như các Sứ Thần loan báo cho nhân gian: “Đấng Cứu Thế đã giáng sinh cho các ngươi”(Lc 2,11). Điều này đã được các Ngôn sứ loan báo trước từ xa xưa: “một người trinh nữ sẽ mang thai, sinh hạ con trai và đặt tên là Emmanuel nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Is 7,13-14). Từ Noel viết tắt của từ Emmanuel, cho nên ngày Noel là ngày Emmanuel: ngày Thiên Chúa ở cùng chúng ta, ngày mà thánh Gioan Tông đồ đã xác định: "Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể, và đã cư ngụ giữa chúng ta" (Ga 1,14).

Cho nên, đêm nay - đêm Noel, tại các nhà thờ trên khắp thế giới vang lên lời ca của các thiên thần trong đêm Giáng Sinh năm xưa vì Hài nhi Giêsu sinh ra trong đêm thánh Noel, tự hiến cho nhân loại muôn đời, Ngài là Vị Vua Hòa Bình, Vị Vua Nhân Ái và Tình Thương đã đến để cứu chuộc loài người. Con Thiên Chúa đến trần gian để sống với, sống vì, sống cho nhân loại, Ngài trở nên hơi thở cho con người, Ngài sẻ chia số phận với những con người nghèo khổ, bơ vơ tất bạt, không nhà không cửa, bị bỏ rơi bên lề xã hội qua hình ảnh Hài Đồng trong máng cỏ khó nghèo, thánh Phaolô nói: "Thiên Chúa giàu sang đã trở nên nghèo để chúng ta được trở nên giàu có" (2Cr 8,9). Sự giàu sang không bởi tiền của vật chất, nhưng giàu tình thương và sức sống tràn ngập ân sủng từ Trời cao. Hơn thế nữa, sự sinh ra nơi trần gian trong cảnh cùng cực của Vua Trời Đất mang một ý nghĩa rất cao đẹp như nhận định của Thánh Augustinô: "Người đã dựng lên trái đất này mà không tìm được một chổ trong nhà trọ. Người làm chủ thế giới sinh ra như một người lữ hành và một người ngoại; và ngài đã chấp nhận sự khiêm tốn đó để cho chúng ta được trở nên công dân nước Trời" (saint Augustin: sermon CXXIV).

Ngôn sứ Isaia đã loan báo về ngày Ngài sinh ra ánh sáng chói lòa, ngày Thiên Chúa ban tặng cho nhân loại: "Sự sáng đã bừng lên trên những người cư ngụ miền thâm u sự chết... Cái ách nặng nề trên người nó, cái gông nằm trên vai nó, cái vương trượng quyền của kẻ áp bức, Chúa đã nghiền nát ra... Bởi lẽ một hài nhi đã sinh ra cho chúng tôi và một người con đã được ban tặng cho chúng tôi" (Is 9,1-2).

Trong Tin mừng nhấn mạnh Chúa Giêsu sinh ra ở Bethléem thánh Grégoire Cả đã cắt nghĩa lý do tại sao: “Bethléem có nghĩa là ngôi nhà bánh, chính Đức Giêsu - như Ngài đã nói : “Ta là bánh hằng sống từ Trời xuống”. Trước đó, địa điểm Ngài sinh ra được gọi là ngôi nhà bánh vì Ngài tỏ hiện như bánh, lương thực nuôi dưỡng những con người được tuyển chọn » (homélie VIII sur les péricopes évangéliques), Ngài đến cho con người được dồi dào (x. Ga 10, 10) cho nên Thánh Bède le Vénérable kết luận: “Vì thế, Ngài sinh ở Bethléem, không để vinh quang cho các tổ phụ, nhưng mang cho chúng ta qua sự dâng hiến này mà tên Bethlem loan báo” (commentaire de l’évangile selon saint Luc). Ngài là Bánh cho chúng ta sự sống như Ngài phán : “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống ai ăn bánh này thì được sống đời đời”.

Vì yêu thương nhân loại, Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người trở nên một trẻ thơ yếu ớt trong hang bò lừa. Ngài tự nguyện làm con của loài người, sinh ra bởi một người phụ nữ. trở nên một thành viên trong gia đình nhân loại làm một người như chúng ta, Thiên Chúa tự đồng hóa với con người – con người đi trong quyền lực của sự chết và từ cõi chết, chính Ngài dẫn đưa con người về ánh sáng ân sủng và sự sống.

Đêm Giáng Sinh, đêm hồng phúc, đêm ánh sáng Giáng Sinh chiếu toả vào tâm hồn chúng ta. Hãy đến bên Hài Nhi Giêsu nơi Hang đá Belem và bên ngài, thắp lên trong lòng mình một ngọn nến từ ánh sáng của Ngôi Lời Thiên Chúa là ánh sáng bùng tỏa sự sống, ánh sáng ban tình yêu và ánh sáng chiếu soi ơn cứu độ như Giacaria đã vang lời:

“Thiên Chúa ta đầy lòng trắn ẩn,

cho Vầng Ðông tự chốn cao vời viếng thăm ta.

Soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối

và trong bóng tối tử thần,

dẫn ta bước vào đường nẻo bình an”

(Lc 1,78-79)

Nhìn vào hang đá, chiêm ngắm Hài nhi Giêsu, ánh sáng đức tin từ Con Thiên Chúa đã làm người tỏa ánh rạng ngời giữa chúng ta, soi sáng cuộc đời và tâm trí chúng ta để chúng ta hiểu rằng: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật” (Ga 1,14).

Thật thế, Hài Nhi Giêsu là ánh sáng tuyệt hảo sẽ mang lại sự sống cho nhân loại: “Tôi là ánh sáng thế gian, ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng ban sự sống” (Ga 8,12).

Lm. Vinh Sơn SCJ, Sài Gòn 24/12/2015

 

Suy Niệm LỄ CHÚA GIÁNG SINH (Lễ Ngày)

Chúng ta vừa cùng với Giáo Hội khai mạc năm Thánh Lòng Thương Xót với chủ đề “Thương Xót Như Chúa Cha”. Hôm nay, cùng với Giáo Hội chúng ta mừng lễ Chúa Giáng Sinh. Đây là một biến cố thể hiện rõ nét Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Để hiểu hơn điều này, xin được gợi ý suy niệm những điểm sau đây: tình trạng nguyên thuỷ của con người; tình trạng sau khi Nguyên tổ phạm tội; ơn Cứu chuộc mà Thiên Chúa mang lại cho con người; sự cộng tác của con người với ơn cứu chuộc và cuối cùng chúng ta có trách nhiệm nối dài lòng thương xót của Thiên Chúa tới mọi người.

1. Tình trạng nguyên thuỷ của con người

Vì yêu thương, Thiên Chúa đã dựng nên con người và cho ở trong vườn địa đàng, được sống hạnh phúc, được sống trong tương quan gần gũi và thân mật với Thiên Chúa. Công đồng Trentô (năm 1546) gọi đó là tình trạng “công chính nguyên thuỷ”. Nghĩa là Thiên Chúa ban cho con người có đầy đủ các ơn siêu nhiên và ơn ngoại nhiên.

Các ơn siêu nhiên: ơn Thánh sủng để biến đổi con người nên con Thiên Chúa; các nhân đức đối thần: tin, cậy, mến; các nhân đức luân lý: khôn ngoan, công bình, dũng cảm và tiết độ; các hiện sủng là ơn trợ giúp trong mọi công việc theo bổn phận.

Các ơn ngoại nhiên: Đó là tình trạng con người được trong trắng vô tội (x. St 3,7); không phải đau khổ, vất vả, cực nhọc (x. St 3,16-19); ơn bất tử (x. St 2,17).

2. Hậu quả của tội nguyên tổ

Nhưng con người đã phạm tội, đánh mất “tình trạng nguyên thuỷ” đó, nên gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc.

Hậu quả thứ nhất là con người tự đặt mình vào thế địch thù với Thiên Chúa, cắt đứt giây liên lạc thân tình với Thiên Chúa, đánh mất ơn nghĩa với Ngài. Họ không còn hoà thuận với nhau, đổ tội cho nhau: Adam đổ tội cho Evà. Evà đổ tội cho con rắn.

Hậu quả thứ hai là mất sự hoà hợp với người khác và với thiên nhiên, quyền làm chủ thế giới vật chất bị suy giảm. Chúa nói với ông Adam: "Vì ngươi đã nghe lời vợ và ăn trái cây mà Ta đã truyền cho ngươi rằng: ‘Ngươi đừng ăn nó’, nên đất đai bị nguyền rủa vì ngươi; ngươi sẽ phải cực nhọc mọi ngày trong đời ngươi, mới kiếm được miếng ăn từ đất mà ra. Đất đai sẽ trổ sinh gai góc cho ngươi, ngươi sẽ ăn cỏ ngoài đồng”(St 3,17-18).

Hậu quả thứ ba là hậu quả nặng nề nhất: con người phải đau khổ và phải chết. Chúa phán: “Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với đất, vì từ đất, ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất” (St 3, 19).

3. Đức Giêsu Kitô đến để cứu độ con người

Nếu Thiên Chúa không can thiệp thì con người sẽ phải sống trong đêm tối tội lỗi. Nhưng Thiên Chúa không bỏ rơi con người, trái lại vì tình thương, Ngài đã hứa ban Đấng Cứu Thế đến để cứu con người. Ngài nói với con rắn rằng: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi và mi sẽ cắn vào gót nó” (St 3,15). Đây là lời hứa của Tình Yêu. Lời hứa đó đã hoàn toàn ứng nghiệm qua biến cố Giáng Sinh. Thiên Chúa ban chính Con Một của Ngài cho thế gian vì yêu thương thế gian. Thánh Gioan nói: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết nhưng được sống đời đời”. Như vậy, Đức Giêsu Kitô là quà tặng vô giá Thiên Chúa ban cho con người. Tột đỉnh của quà tặng đó chính là chết vì yêu: “Không có tình yêu nào cao quí cho bằng tình yêu của người thì mạng sống mình vì bạn hữu”.

Như vậy, nhờ Đức Giêsu Kitô, chúng ta được trở thành Con Thiên Chúa, được tham dự vào hạnh phúc đời đời với Thiên Chúa. Đó là hạnh phúc Nước trời.

4. Sự cộng tác của con người với ơn Chúa

Nhưng để được hạnh phúc Nước trời, con người cần phải cộng tác với ơn Chúa, thánh Augustinô đã nói rằng: "Để dựng nên ta, Thiên Chúa không cần đến ta, nhưng để cứu rỗi ta, Thiên Chúa không thể làm được nếu ta không cộng tác với Ngài". Thật vậy, để được cứu chuộc con người cần phải lãnh nhận Bí tích rửa tội (Ngoại trừ những người không phải vì lỗi của họ mà không biết Thiên Chúa và Giáo Hội của Người nhưng vẫn theo tiếng lương tâm mà ăn ở ngay chính thì cũng có thể được rỗi (x. Gl HTCG số 1281)). Bởi vì, Bí tích rửa tội không những tha tội tổ tông mà còn tha các tội riêng trước đó. Hơn nữa, Bí tích rửa tội là cửa ngõ để dẫn vào các bí tích khác. Chính Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ và ông Nicôđêmô rằng: “không ai có thể vào Nước Thiên Chúa nếu không sinh ra bởi nước và Thần khí”(Ga 3,5).

Nhưng chỉ lãnh nhận Bí tích rửa tội mà thôi thì chưa đủ, bởi vì bí tích rửa tội không tiêu diệt hết mọi mầm mống của tội và trả lại tình trạng “nguyên thuỷ ban đầu”. Nói cách khác, nơi người đã được rửa tội “một số những hậu quả của tội lỗi vẫn tồn tại, như những đau khổ, bệnh tật, sự chết, hoặc những sự yếu đuối gắn liền với sự sống như những yếu đuối về tính tình vv…và nhất là sự hướng chiều về tội lỗi mà Truyền Thống gọi là nhục dục, hay còn gọi là ‘lò sinh ra tội lỗi’. ‘Được để đó cho ta phải chiến đấu với nó, tình dục không có khả năng gây hại cho những người không chiều theo nó mà còn chống lại cách can đảm nhờ ân sủng của Chúa Kitô’. Hơn nữa, ‘Ai chiến đấu đúng luật sẽ được tặng vòng hoa’(2Tm 2,5)” (x. GL HTCG số 1264). Như vậy, Phép rửa và ơn cứu chuộc của Chúa Giêsu Kitô chỉ có ích cho những ai có thiện chí cộng tác với ơn Chúa sau khi được rửa tội bằng quyết tâm sống ơn tái sinh như lời thánh Phaolô mời gọi “anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối, anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện” (Ep 4,22-24).

5. Phải nối dài lòng xót thương của Thiên Chúa tới mọi người

Tất cả những điểm chúng ta vừa đề cập trên đây đều thể hiện Lòng Xót thương của Thiên Chúa: Vì lòng xót thương nên Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người. Vì lòng xót thương nên Thiên Chúa đã cứu chuộc con người sau khi con người sa ngã. Thiên Chúa muốn con người phải thể hiện Lòng Thương Xót đối với nhau, đặc biệt là trong dịp Giáng Sinh này.

Vào buổi sáng nọ, bác thợ giầy thức dậy thật sớm. Bác quyết định sửa soạn chiếc xưởng nhỏ của bác cho tươm tất rồi vào phòng chờ cho được vị khách quí. Và người khách đó không ai khác là Chúa, bởi vì tối qua trong giấc mơ, Ngài đã hiện ra và báo cho bác biết Ngài sẽ đến thăm bác trong ngày hôm sau.

Người thợ giầy ngồi đợi, tâm hồn tràn ngập hân hoan. Khi những tia nắng vừa rọi qua khung cửa, bác đã nghe được tiếng gõ cửa. Lòng bác hồi hộp, sung sướng, hẳn là Chúa đã đến. Bác ra mở cửa. Thế nhưng người đang đứng trước mặt bác không phải là Chúa mà là người phát thư.

Sáng hôm đó là ngày cuối đông. Cái lạnh đã khiến mặt mũi, tay chân người phát thư đỏ như gấc. Người thợ giầy không nỡ để ông run lẩy bẩy ngoài cửa. Bác mời ông ta vào nhà và pha trà mời khách. Sau khi đã được sưởi ấm, người phát thư đứng dậy cám ơn và tiếp tục công việc.

Người thợ giầy trở vào phòng khách chờ Chúa. Nhìn ra cửa sổ bác thấy có một em bé đang khóc sướt mướt trước cửa nhà. Bác gọi em bé đó lại để hỏi cho biết lý do. Nó mếu máo cho biết đã lạc mất mẹ và không biết đường về nhà. Người thợ giầy lấy tờ giấy viết vài chữ để trên bàn, báo cho người khách quí biết là mình phải đi ra ngoài và tìm đường dẫn đứa bé về nhà. Mãi đến chiều tối bác ta mới tìm thấy nhà đứa bé, và khi bác về lại nhà thì phố xá đã lên đèn.

Vừa bước vào nhà bác thấy có người đang đợi, nhưng không phải là Chúa mà là một người đàn bà với dáng vẻ tiều tụy. Suốt mấy ngày nay, bà đã không có gì bỏ bụng. Vì bị đói như thế cho nên bà cũng không còn sữa cho con bú. Bác thợ giầy tận tụy lo lắng cho cả hai mẹ con.

Công việc xong xuôi thì đã quá nửa đêm. Mệt quá bác để nguyên quần áo và lên giường ngủ.

Thế là một ngày đã qua mà chưa thấy Chúa đến, nhưng đột nhiên trong giấc ngủ người thợ giày nghe thấy tiếng Chúa nói với bác: “Cám ơn con đã dọn trà nóng cho Ta uống. Cám ơn con đã dẫn đường cho Ta về nhà. Cám ơn con đã săn sóc ủi an Ta. Cám ơn con đã tiếp đón Ta trong ngày hôm nay”.

Như người thợ dày trong câu chuyện trên đây, Chúa muốn mọi người chúng ta luôn biết trao ban tình thương cho người khác. Sự trao ban đó có thể là một nụ cười, một cái bắt tay, một sự cảm thông, một lời động viên, một tin nhắn, một lá thư, một tấm thiệp…tuy đơn sơ nhưng gửi gắm vào đó tất cả lòng yêu mến của chúng ta tới những người thân. Vì khi chúng ta làm như vậy là chúng ta đang làm cho chính Chúa (x.Mt 25 31,46).

Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con, vì yêu thương nên Cha đã tạo dựng nên chúng con. Vì yêu thương nên Cha đã sai Con Một xuống thế làm người để cứu chuộc chúng con. Xin cho chúng con biết cộng tác với ơn Chúa để xa tránh tội lỗi, hầu bảo toàn sự trong sạch khi lãnh nhận bí tích Rửa tội. Xin cho chúng con biết xót thương người như Chúa đã thương xót chúng con. Amen

Lm. Anthony Trung Thành

vhd 12-12-2015