Suy
niệm Lời Chúa mỗi ngày
-1-15 Tháng 10 năm 2009
01/10/09 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 26 TN
Th. Têrêxa Hài Đồng Giêsu, trinh nữ -Mt 15,1-8
TRỞ LẠI VÀ NÊN NHƯ TRẺ THƠ
“Nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 18,3)
Suy niệm: Nhà thần học B. Lonergan định nghĩa trở lại là bắt đầu yêu mến Chúa và gắn bó với những giá trị linh thánh cách vô cầu, không đòi hỏi điều kiện, cũng chẳng dè giữ an toàn cho mình. Trở lại là điều chỉnh hay mạnh hơn, quay ngược hướng đi của đời mình cho hợp với con đường Nước Trời Đức Giêsu rao giảng. Nếu ta đang hướng tầm ngắm đến việc gây dựng uy thế, quyền hành, thực hiện những mưu đồ ích kỷ cá nhân, bành trướng cái tôi của mình, thì rõ ràng động tác khẩn cấp ta cần là quay trở lại. Nước Trời không có chỗ cho những công dân hạng hai như vậy! Bao lâu cái tôi còn ở trước mặt ta, là “cái xà to đùng trong mắt ta,” bấy lâu ta còn quay lưng lại với Nước Trời.
Mời Bạn: Trở nên trẻ thơ tinh thần như thánh Têrêxa bạn mừng kính hôm nay. Trước hết, ngài tin cậy hoàn toàn nơi Chúa, tin Chúa luôn yêu thương săn sóc mình. Và vì thế, tâm tình đáp lại là cậy nương và phó thác tuyệt đối nơi người Cha nhân lành ấy. Thứ đến, ngài khiêm tốn sống thân phận con cái hiếu thảo với Chúa và cung cách dễ mến dễ thương với những người chị em khác.
Sống Lời Chúa: Nhìn lại hướng đi của đời mình, xem điều gì đang là trọng tâm tầm ngắm của đời tôi (đặc biệt tỏ lộ qua ý nghĩ của tôi lúc mới thức dậy và trước khi đi ngủ), để điều chỉnh hoặc trở lại cho đúng công dân Nước Trời.
Cầu nguyện: Lạy thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, Chị đã nhận ra ơn gọi của mình trong Hội Thánh là sống tình yêu cách trọn vẹn, qua những công việc nhỏ bé hằng ngày. Xin cho mẫu gương ấy soi sáng và giúp các Kitô hữu sống tình yêu qua công việc quen thuộc mỗi ngày.
02/10/09 THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 26 TN
Thiên thần bản mệnh-Mt 18,1-5.10
TÔN TRỌNG THA NHÂN
“Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này; quả thật, Thầy nói cho anh em biết: các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.” (Mt 18,10)
Suy niệm: Ngày 01/9 vừa qua, kỷ niệm ngày bùng nổ cuộc chiến tranh thế giới thứ II, cả thế giới cùng nhìn lại cuộc chiến đã cướp đi sinh mạng 50 triệu người, một cuộc chiến chà đạp nhân phẩm con người: khởi đầu cuộc chiến Hitler đã ra lệnh giết tất cả những người Đức tàn tật và bị bệnh tâm thần; những tù nhân, nhất là người Do-thái, đã trở thành những vật thí nghiệm. Biến cố đau thương đó của nhân loại đã không xảy ra nếu con người thật sự biết tôn trọng nhân phẩm và tự do của nhau. Lời Chúa nhắc nhở chúng ta, mọi người dù là già yếu, bệnh tật, dù là một thai nhi chưa tượng hình, cũng phải được tôn trọng chỉ vì họ là người, vì họ có một giá trị lớn lao trước mặt Thiên Chúa.
Mời Bạn: luôn tôn trọng tha nhân không phải vì ‘quyền cao chức trọng’, ‘lắm bạc nhiều tiền’ hay ‘tài cao đức trọng’ mà đơn giản vì họ là con người được tạo dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa và mỗi người trong họ dù khỏe mạnh hay bệnh tật, dù thánh thiện hay tội lỗi, dù tin hay không tin có Thiên Chúa thì vẫn được Chúa ban cho một Thiên thần Bản mệnh để gìn và hướng dẫn trên khắp nẻo đường đời.
Sống Lời Chúa: Tôn trọng phẩm giá của nhau vì chúng ta là con một Cha trên trời và đều là anh em với nhau.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết tôn trọng phẩm giá của tha nhân nhất là những người thấp cổ bé miệng và những trẻ em vì xác tín rằng thiên thần bản mệnh của họ hằng chiêm ngưỡng Thánh Nhan. Amen.
03/10/09 THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 26 TN
Tết Trung Thu-Mc 10,13-16
TRẺ EM S.O.S.
“Người ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng.”(Mc 10,16)
Suy niệm: Tạp chí Asia Focus trong số ra gần đây đã chạy hàng tít “TRẺ EM S.O.S.” để báo động về sự thiếu quan tâm của gia đình và xã hội đối với trẻ em. Báo này còn cho biết hiện nay có chừng 100 triệu trẻ em trên thế giới bị gia đình bỏ rơi; và hằng năm có hơn 3 triệu trẻ chết vì dịch bệnh! Nếu nhân loại đối xử với trẻ em như Chúa Giêsu “ôm lấy các trẻ em và chúc lành cho chúng” thì các em đâu đến nỗi đau khổ như vậy.
Mời Bạn: Nhân dịp Tết Trung Thu, chúng ta hãy nhìn lại cách mình đối xử với con cái trong gia đình: chúng ta không để chúng thiếu thốn vật chất, nhưng có thể chúng ta không cho chúng tình nồng ấm của gia đình. Chúng ta thiếu trách nhiệm chăm sóc về đạo đức, chỉ biết làm ăn, khoán trắng cho nhà thờ, nhà trường… Hãy nhớ rằng gia đình là chiếc nôi chuyên chở những hành trang cần thiết cho đứa trẻ trên con đường đời.
Chia sẻ: Tuyên Ngôn quốc tế về quyền của thiếu nhi nói: “Chúng tôi kêu gọi các vị nguyên thủ quốc gia, kêu gọi Liên Hợp Quốc, kêu gọi các cộng đồng tôn giáo và mọi người trên thế giới hãy yêu thương trẻ em, vui với niềm vui của các em; và khóc với nỗi khổ, niềm đau của các em.” Cộng đoàn của bạn làm gì để chăm sóc các trẻ em trong khu vực sinh sống của bạn?
Sống Lời Chúa: Dù bận bịu bao nhiêu, hằng ngày hãy dành thời giờ tiếp xúc, chăm sóc các trẻ em nhất là con em trong gia đình mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho các thiếu nhi luôn được chăm sóc yêu thương và xin cho các bậc phụ huynh luôn là những cánh tay của Chúa ôm ấp và chúc lành cho các em. Amen.
04/10/09-CHÚA NHẬT 27 TN – B
Kính trọng thể lễ Mân Côi - Lc 1,26-38
XẢY RA CÁCH NÀO?
Bà Maria thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?”(Lc 1,34)
Suy niệm: Cuộc sống đời thường có nhiều bất ngờ, khó hiểu, thậm chí phi lý… nên đôi khi ta thốt lên: “Đời mà! Ai hiểu được chữ ngờ!” Cuộc sống người Kitô hữu còn nhiều éo le, “tréo cẳng ngỗng” hơn, vì phải sống “ngược đời”, “điên rồ”, “không giống ai”… Chẳng những thế, người Kitô hữu sống đức tin là sống “cuộc đời lần trong đêm tối” vì Thiên Chúa dường như vắng bóng, vì ý định Ngài bị che khuất sau bức màn đêm của mầu nhiệm. Đức Trinh Nữ Maria thấm thía tình cảnh này hơn ai hết: thưa “Xin Vâng” theo thánh ý Chúa mặc dù Mẹ không biết ý định đó “sẽ xảy ra cách nào.” Bằng tiếng “Xin Vâng” bất tận, Mẹ trung thành đi theo con đường thập giá Đức Kitô trong suốt cuộc đời. Và chỉ khi đứng dưới chân Thánh giá, chứng kiến trái tim bị đâm thâu của Con yêu dấu, Mẹ mới thấu hiểu chương trình cứu độ mà Chúa mời gọi Mẹ tham gia đã “xảy ra cách nào.”
Mời Bạn: Noi gương Mẹ luôn ghi nhớ và suy niệm Lời Chúa để tìm biết Thánh Ý Chúa – đó là nền tảng vững chắc cho đời sống đức tin của mỗi tín hữu chúng ta; cùng với Mẹ tiếp tục lời “Xin Vâng bất tận” của Mẹ để vượt qua những khó khăn nghịch cảnh trong đời – đó là phương thế để hiểu Thánh Ý Chúa “xảy ra cách nào” trong cuộc đời ta.
Chia sẻ: Trong nhóm của bạn, nêu một quyết tâm noi gương Mẹ để thực hiện trong tháng Mân Côi này.
Sống Lời Chúa: Trong Chúa Nhật kính trọng thể Đức Mẹ Mân Côi này, gia đình tôi đọc kinh chung: lần hạt Mân Côi và suy niệm Lời Chúa để xin Mẹ giúp sống đức tin trưởng thành hơn.
Cầu nguyện:Hát một bài kính Đức Mẹ.
05/10/09 THỨ HAI TUẦN 27 TN
Lc 10,25-37
THỰC THI LÒNG THƯƠNG XÓT
“Ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?” Người thông luật trả lời: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với kẻ ấy.” Đức Giêsu bảo ông ta: “Ông hãy đi, và cũng làm như vậy.” (Lc 10,36-37)
Suy niệm: Câu hát “Tình yêu đến em không mong đợi gì, tình yêu đi em không hề nuối tiếc” trong bài Hát Với Dòng Sông bị dư luận chê trách, vì nó cổ xúy thứ tình yêu kiểu “vô tư,” nhưng phải chăng nó đang tố giác thực trạng dửng dưng của chúng mình hôm nay đối với tha nhân? Như người tư tế và Lê-vi trên đường đi Giêricô “tránh sang một bên,” mặc người bị nạn, chúng mình hôm nay viện ra nhiều lý do để “tránh sang một bên” trước những nỗi thống khổ, bất công anh chị em mình đang phải chịu dưới muôn vàn hình thức, dưới nhiều phương diện, mà chỉ cần một chút nhạy cảm có thể nhận ra. Chúa kêu gọi chúng mình làm gì để bày tỏ tình yêu chân thành với người bị nạn? Thưa, đó là chạnh lòng thương và băng bó vết thương cho họ. Dù là những người có công việc chuyên trách tế tự như tư tế và Lê-vi, hành động đến bên băng bó vết thương như người Samaria đã làm gương vẫn là một đòi buộc, vì Chúa nói: “Hãy đi và cũng làm như vậy.”
Mời Bạn: Nghe tin nơi này nơi kia, người này người kia bị nạn, bạn làm gì để sống điều Chúa dạy hôm nay?
Chia sẻ: Kể một trường hợp đã làm bạn hối hận vì đã “tránh sang một bên” trước người đang bị nạn, đang đau khổ.
Sống Lời Chúa: Dành một vài phút để nghĩ đến những người bị nạn dưới nhiều hình thức và hứa với Chúa sẽ làm những việc cụ thể bày tỏ tình liên đới.
Cầu nguyện:Lạy Chúa Giêsu xin dạy con biết sống quảng đại, mau mắn liên đới và chia sẻ nỗi khổ của anh em con.
06/10/09 THỨ BA TUẦN 27 TN
Th. Brunô, linh mục-Lc 10,38-42
QUÊN MÌNH TRONG PHỤC VỤ
“Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Ngài dạy.” (Lc 18,39)
Suy niệm: Đức Giêsu đang trên đường đi Giêrusalem, nghĩa là tự nguyện đi đến chỗ cùng đường. Đây sẽ là nơi “đất với trời xe chữ đồng” (hòa hợp), hay nơi ý muốn của Ngài hợp với ý muốn của Chúa Cha. Đạt được điều này không phải là điều dễ, vì hình ảnh thập giá khủng khiếp luôn ở trước mặt. Ngài vào gia đình Mácta để tìm sự yên tịnh nghỉ ngơi, tránh xa đám dân chúng ồn ào. Thế nhưng, Mácta “tất bật,” “băn khoăn lo lắng nhiều chuyện” đâu để Ngài yên! Chị muốn phục vụ giúp đỡ người khác theo ý muốn của mình, chứ không phải theo đúng nhu cầu của họ, lại còn muốn Maria phải theo ý mình. Trong khi ấy, Maria tinh tế hiểu ý Đức Giêsu, ngồi dưới chân Ngài như một môn đệ, để lắng nghe Lời đem lại sự sống của Ngài.
Mời Bạn: Xem xét lại lòng tốt và đạo đức của mình với Chúa và với người lân cận. Có thể bạn hy sinh thời giờ, công sức… cho nhiều công tác hay trong việc phục vụ, thế nhưng phải xét có làm đúng theo Lời Chúa dạy không, có thật sự đem lại lợi ích cho người khác không, hay chỉ theo ý muốn riêng của bạn.
Chia sẻ: Các chương trình hành động của tôi, của nhóm, đoàn thể, có xem xét nhu cầu của đối tượng thụ hưởng không?
Sống Lời Chúa: Tìm một nơi, một khoảnh khắc yên tĩnh đọc Lời Chúa, để gặp gỡ Chúa và lắng nghe Lời Ngài dạy cho cuộc sống tôi hôm nay.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, có những ngày con cảm thấy đời sống thật nặng nề; có những lúc con muốn buông trôi, để mặc cho dòng đời đưa đẩy. Xin cho con ánh sáng của Chúa, để con biết lối mà đi. Xin cho con Lời của Chúa, để con vững một niềm tin. Amen.
(Rabbouni)
07/10/09 THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 27 TN
Đức Mẹ Mân Côi-Lc 1,26-38
LỜI KINH CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ
“Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa.” (Lc 1,30)
Suy niệm: Khi hiện ra với Bernadette ở Lộ Đức, Đức Mẹ đeo tràng hạt ở tay phải, và cùng lần hạt với chị thánh. Khi hiện ra với ba trẻ tại Fatima, cả sáu lần Đức Mẹ đều thúc dục: “Các con hãy tiếp tục đọc kinh Mân Côi hằng ngày.” Kinh Mân Côi đẹp lòng Đức Mẹ, không phải vì là những lời ca tụng Mẹ cho bằng diễn tả tâm tình cùng với Mẹ để bước theo Đức Giêsu. Kinh Mân Côi quý giá vì là lời kinh giúp ta sống hành trình đức tin của người môn đệ Đức Giêsu theo mẫu gương người môn đệ số một là Đức Maria, mẹ Ngài. Kinh Mân Côi là những đóa hồng diễn tả tâm tình con thảo của ta với Đức Maria, thúc đẩy ta lắng nghe Lời Chúa và dấn thân vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa, như người Mẹ chúng ta đã làm.
Mời Bạn: Một phụ nữ sắp chết nói với giám mục Dunpanloup: “Mỗi ngày con nói với Đức Mẹ năm mươi lần: “Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi này và trong giờ lâm tử” thì làm sao Đức Mẹ bỏ con được.” Qua lời kinh Mân Côi, bạn không chỉ cầu xin được ơn chết lành, nhưng cả ơn sống lành cách tích cực: quảng đại hơn, can đảm hơn, nhiệt thành hơn, dấn thân hơn…
Chia sẻ: Một kinh nghiệm về giá trị của lời kinh Mân Côi.
Sống Lời Chúa: Tổ chức đọc kinh tối trong gia đình trong tháng Mân Côi, ít nhất đọc một đoạn Lời Chúa và chục kinh Kính Mừng mỗi ngày, với ý hướng nỗ lực sống Tin Mừng trong tâm tình người môn đệ Chúa, theo gương Mẹ Maria.
Cầu nguyện: Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi này và trong giờ lâm tử. Amen.
08/10/09 THỨ BA TUẦN 27 TN
Lc 11,5-13
CẦU XIN
“Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho.” (Lc 11,10)
Suy niệm: Ngày kia, thánh Clément Hofbauer đi xin đồ viện trợ cho các cô nhi. Ngài vào một quán ăn, có ba người đang đánh bạc, xin họ góp phần vào công việc từ thiện. Một người chửi bới, rồi nhổ vào mặt ngài. Thánh nhân lặng lẽ rút khăn tay lau mặt và nhẹ nhàng nói: “Đó là phần ông cho tôi. Còn phần cho các cô nhi của tôi đâu?” Tay cờ bạc kinh ngạc đến thẹn thùng, rồi dốc túi đưa hết cho ngài. Vâng, nhiều lần chúng ta thất vọng về Thiên Chúa “lặng thinh làm ngơ” trước những lời cầu nguyện của chúng ta. Nhưng Thiên Chúa không như chúng ta tưởng, Ngài mang trong mình bản chất nhân hậu và giầu ân sủng, Ngài rất vui thích ban mọi ơn dồi dào và nhưng không cho con người. Vì, Thiên Chúa là Cha thương yêu con cái mình: “Có người cha nào trong các con lại cho con cái con rắn trong khi nó xin con cá chăng...? (Lc 11,11). Để xác tín hơn vào Thiên Chúa tốt lành, Chúa Giêsu đã khuyến khích và thúc dục chúng ta kiên trì cầu nguyện: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ được mở cho” (Lc 11,10).
Mời Bạn: Có hai lý do để bạn cầu xin với Chúa: trước hết để nói lên niềm tin của bạn vào Thiên Chúa. Thứ đến, để bạn thú nhận sự giới hạn và bất toàn của mình, rất cần được trợ giúp của Chúa để vượt qua. Phần Chúa, Ngài sẵn sàng ban ơn cho những ai kêu cầu Người. Vậy tại sao bạn lại chần chừ cầu nguyện? Chẳng những bạn cầu xin cho những chính bạn, và cho chính bạn, bạn đừng “quên” cầu nguyện người khác, nhất là những người đau khổ, bị bỏ rơi.
Sống Lời Chúa: Tin tưởng, phó thác và kiên trì cầu nguyện.
Cầu nguyện:Sốt sắng đọc Kinh Cậy.
09/10/09 THỨ SÁU TUẦN 27 TN
Th. Điônysiô, giám mục và các bạn tử đạo
Lc 11,15-26
TRỪ QUỶ HÔM NAY
“Nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỉ, thì quả là triều đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông.” (Lc 11,20)
Suy niệm: Một phần của sứ mạng Đức Giêsu là trừ quỉ. Khi sai nhóm 12, Ngài cũng trao cho họ quyền trừ quỉ. Phải chăng ngày nay ta ít thấy hiện tượng quỉ ám, nên phần quan trọng này của sứ mạng Đức Giêsu xem chừng xa lạ và không liên hệ đến chúng ta? Thực ra không phải vậy. Quỉ vẫn còn nguyên đó và vẫn ráo riết hoạt động, cả trong chính chúng ta. Có điều, hình như con người văn minh hơn thì quỉ cũng khôn khéo tinh vi hơn. Nó không thường bộc lộ qua những điều ghê tởm nữa, mà thường ẩn trong những dáng vẻ đẹp đẽ, dễ thương. Người ta nhân danh đủ thứ lý do tốt đẹp để phá thai, để ly dị, để chạy đua vũ trang, để tàn phá môi trường. Người ta dựng nên những cơ chế chính trị, kinh tế trong đó mọi sự vận hành theo luật ‘mạnh được yếu thua’, đẩy những người nghèo và thấp cổ bé miệng ra ngoài lề xã hội. Ngay trong một gia đình, một cộng đoàn, người ta không ngại đấu đá, chấp nhặt, làm khổ nhau… Đằng sau tất cả những thực tế trên là gì nếu không phải là … quỉ?
Mời Bạn: Ý thức rằng Nước Thiên Chúa chỉ đến khi quỉ bị loại trừ.
Chia sẻ: Giữa đời sống đầy dấu vết ‘bàn tay lông lá’ của quỉ, bằng cách nào bạn không ngán ngẩm, nhưng vẫn đứng vững chiến đấu với niềm hy vọng vào sự tất thắng của Thiên Chúa?
Sống Lời Chúa: Ta ý thức mình tiếp tục sứ mạng ‘trừ quỉ’ của Chúa Giêsu trong cuộc sống mỗi ngày của mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin dùng trọn con người con – ý nghĩ, tâm tình, lời nói, việc làm mỗi ngày – để xua trừ sự ác và vun đắp yêu thương, cho Nước Cha mau tỏ hiện. Amen.
10/10/09 THỨ BẢY TUẦN 27 TN
Lc 11,27-28
HẠNH PHÚC LÀ CON CÁI CHÚA
“Đúng hơn phải nói rằng: phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.” (Lc 11,28)
Suy niệm: “Thấy người sang bắt quàng làm họ.” Theo tính tự nhiên người ta cảm thấy hãnh diện khi mình có mối quan hệ thân thiết với một nhân vật nổi tiếng. Nhiều người còn dựa vào yếu tố “nhất thân, nhì thế” để cầu lợi cho mình, bởi vì “một người làm quan cả họ được nhờ” mà! Thảo nào người phụ nữ trong đám đông lên tiếng ca ngợi người mẹ đã cưu mang nuôi dưỡng con người Giêsu trở nên một bậc thầy giảng dạy khôn ngoan. Có lẽ bà cũng ao ước được làm mẹ một người con nổi tiếng như vậy. Nhưng Chúa Giêsu nhắc chúng ta lưu ý rằng diễm phúc làm người thân thuộc với Chúa không căn cứ trên mối quan hệ theo huyết nhục: chỉ những ai “lắng nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa” mớiđược kể là người thân của Ngài mà thôi.
Mời Bạn: Không phải một lần mà nhiều lần Chúa Giêsu đã nhấn mạnh điều này: “Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà Cha con sao” (x. Lc 2,49); “Ai thi hành ý muốn của Cha tôi, người ấy là anh chị em, là mẹ tôi” (x. Mt 12,50) ... Đức Giêsu chỉ vui khi thi hành thánh ý của Chúa Cha. Đó chính là lẽ sống của Ngài khi đến trong trần gian. Người tín hữu chỉ thực sự là người hạnh phúc khi nên giống Chúa Giêsu, người Con Chí Ái luôn thi hành thánh ý Cha.
Sống Lời Chúa: Trước mỗi công việc, cách riêng trong những tình huống trái với ý mình mong muốn, bạn dâng lên Chúa Cha lời cầu nguyện của Chúa Giêsu: “Lạy Cha, xin đừng theo ý con, một vâng theo ý Cha” (Mc 14,36).
Cầu nguyện: Lạy Cha, xin cho ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời và cả trong con nữa. Amen.
11/10/09 CHÚA NHẬT TUẦN 28 TN – B
Mc 10,17-30
“ĐI ĐẠO” LÀ GẮN BÓ VỚI ĐỨC KITÔ
“Hãy đến theo tôi.” (Mc 10,21)
Suy niệm: “Đi đạo” Công Giáo hệ tại điều gì? Anh em lương dân nhìn vào các tín hữu Công Giáo đặt ra câu hỏi đó; nhưng chính mỗi người tín hữu cũng phải tự đặt ra cho mình câu hỏi đó. Chúa Giêsu dạy chúng ta rằng “đi đạo” không hệ tại giữ các điều răn giới luật, làm lành lánh dữ (anh em lương dân cũng giữ những điều ấy); cũng không hệ tại từ bỏ tất cả những gì vốn rất thiết thân với cuộc sống (có những người sẵn sàng bỏ mọi sự để theo đuổi một lý tưởng); mà “đi đạo” thiết yếu là “đi theo Chúa,” đi theo Đấng là “TẤT CẢ” của đời mình. Đi đạo chính là thiết lập mối tương quan gắn bó mật thiết giữa ta với Chúa. Chỉ có Ngài là trên hết và trước hết mọi sự. Nào chúng ta chẳng đọc: “Thứ nhất: thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự” đó sao?
Mời Bạn: Nhiều khi chúng ta cứ lầm tưởng “đi đạo” là để được ơn này, ơn kia, kể cả để được hưởng phúc thiên đàng. Chúng ta đừng để mình bị chi phối bởi quan niệm “đi đạo” để được lợi lộc vật chất đời này đời sau.
Chia sẻ: Xem lại mỗi khi cầu nguyện, ta thường xin gì với Chúa? Đúng hơn, đừng xin điều này điều nọ, ơn này ơn kia..., mà là xin được chính Chúa.
Sống Lời Chúa: Xác tín như thánh Phaolô: “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người” (Pl 3,8-9).
Cầu nguyện: Lạy Chúa, ước gì Chúa luôn là Tất Cả của đời con, Chúa luôn là lời đáp trả đầu tiên và cuối cùng của con trong mọi vấn đề, về mọi sự việc, và với mọi người. Amen.
12/10/09 THỨ HAI TUẦN 28 TN
Lc 11,29-32
NHẬN RA NGÀI LÀ ĐỨC KITÔ
“Quả thật, ông Giona đã là một dấu lạ cho thế hệ này thế nào, thì Con Người cũng sẽ là dấu lạ cho thế hệ này như vậy.” (Lc 11,30)
Suy niệm: Chúa Giêsu trải suốt ba năm sống giữa dân Do Thái, rao giảng và làm phép lạ, tỏ mình ra là Kitô, Đấng Chúa Cha sai đến: Ngài chính là dấu lạ cho dân Do Thái. Thế nhưng họ đâu có nhận ra căn tính của Ngài. Đã thế họ còn đòi Chúa làm những sự lạ “giật gân” theo ý muốn của họ. Nếu đặt mình vào vị trí của dân Do Thái xưa, chắc chúng ta cũng không hơn gì. Dấu lạ Thánh Thể hằng ngày diễn ra trong mọi nhà thờ trên khắp thế giới, thế mà không biết bao nhiêu linh mục vẫn dâng thánh lễ hằng ngày trong những ngôi nhà thờ vắng lặng. Trong khi đó, mới nghe đồn thổi có sự lạ nơi này nơi kia là người ta đã ùn ùn kéo tới để cầu khấn… Lời Chúa nói với người Do Thái “thế hệ này là thế hệ gian ác, chúng xin dấu lạ…” cũng đang gửi lời cảnh báo tương tự đến chúng ta, con người của thế hệ hôm nay.
Mời Bạn: Hãy tập cho mình nhìn bằng cặp mắt đức tin để nhận ra dấu hiệu của Chúa hiện diện trong mọi cảnh huống của cuộc đời; hãy mở ra đôi tai biết chăm chú lắng nghe tiếng Chúa nói qua Lời Chúa và tiếng lương tâm; và hãy hun đúc một trái tim nhạy bén để nhận biết và yêu mến Chúa nơi những anh chị em bé mọn, nghèo khổ, bị bỏ rơi.
Chia sẻ về một lần bạn cảm nhận được Chúa hiện diện nơi người anh chị em mà bạn có dịp tiếp xúc.
Sống Lời Chúa: Kiểm điểm đời sống về những dấu lạ Chúa gửi đến mà mình đã nhận ra hoặc không nhận ra.
Cầu nguyện: Lạy Chúa xin cho con một cặp mắt đức tin bén nhạy và một con tim biết cảm thông để có thể nhận ra dấu chỉ của Chúa nơi cuộc đời chúng con.
13/10/09 THỨ BA TUẦN 28 TN
Lc 11,37-41
LÀM ĐẸP TÂM HỒN
“Thật, nhóm Pharisêu các người, bên ngoài chén đĩa, thì các ngươi rửa sạch, nhưng bên trong các ngươi thì đầy những chuyện cướp bóc, gian tà.” (Lc 11,41)
Suy niệm: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn,” cha ông ta vẫn nói thế để dạy bảo con cháu rằng cái phẩm chất bên trong mới làm nên giá trị thật của một người; nếu không có nó thì cái bên ngoài có đẹp mấy đi nữa cũng chỉ là thứ “hàng mã.” Chúa Giêsu còn nói nặng hơn: Ngài gọi những người như thế là đạo đức giả, là mồ mả tô vôi. Ngài tố cáo những người Pharisêu quá chú ý làm sạch bên ngoài mà bên trong thì dơ nhớp tồi tệ. Sạch thì phải sạch từ tâm hồn sạch ra: nói yêu thương, bác ái, trung thực mà cuộc sống đầy những gian tham, ích kỷ, ghen ghét, lừa dối thì có làm bao việc thờ phượng Chúa cũng là vô ích.
Mời Bạn: Vẻ đẹp bên ngoài rất cần thiết cho con người nhưng nét đẹp tâm hồn mới là giá trị thật và quan trọng hơn. Lề luật thì hữu ích nhưng sống lề luật mới làm cho chúng ta hạnh phúc. Khi chúng ta làm đẹp thể xác thì phải làm đẹp cả tâm hồn. Như thế, chúng ta mới có ích cho đời và cho tha nhân bằng không chỉ là vật vô tri vô giác, có khi có hại cho gia đình, giáo hội và xã hội.
Chia sẻ: Bạn hãy chia sẻ về nét đẹp tâm hồn của một người nào đó mà bạn đã gặp.
Sống Lời Chúa: Tôi quyết tâm thanh luyện tâm hồn khỏi vết nhơ tội lỗi, những toan tính bất chính, bằng việc sống ngay thẳng thật thà.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, luật pháp Chúa toàn thiện, bồi bổ tâm can và có sức cứu độ. Xin cho chúng con biết lấy cái tâm mà đón nhận những điều răn giới luật của Chúa và thực hiện chúng trong đời sống hằng ngày.
14/10/09 THỨ TƯ TUẦN 28 TN
Th. Calitô, giáo hoàng, tử đạo -Lc 11,42-46
YÊU MẾN CHÚA LÀ ĐIỀU CỐT YẾU
“Khốn cho các người, hỡi các người Pha-ri-sêu! Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, vân hương, và đủ thứ rau cỏ, mà xao lãng lẽ công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa.” (Lc 11,42)
Suy niệm: Lòng yêu mến Thiên Chúa trở nên cốt yếu cho đời sống linh mục, nếu thiếu tình yêu ấy, đó sẽ là một “thảm họa không tên.” Lòng yêu mến ấy được thể hiện đặc biệt trong cử hành Thánh Lễ, vì theo Cha Sở Thánh Vianney, “tất cả các công việc tốt lành hợp lại không tương đương được với hy tế Thánh Lễ, bởi vì Thánh Lễ là công trình của Thiên Chúa.” Từ đó, Ngài xác tín rằng, “Nguyên nhân sự buông thả nơi linh mục, đó là người ta không chú tâm đến Thánh Lễ! Than ôi! Lạy Thiên Chúa của con! Linh mục thật đáng thương biết bao khi ngài thực thi điều đó như là một điều tầm thường.” Cử hành Thánh Lễ với lòng mến yêu Chúa sẽ giúp linh mục luôn dâng hy tế cuộc sống của ngài và sẽ giúp đào tạo đức tin của giáo dân. Trong thư gởi các linh mục nhân kỷ niệm 150 năm ngày mất của Cha Sở Thánh, Đức Thánh Cha Bênêđitô quả quyết, bất hạnh thay và cũng chẳng bao giờ chữa lành hết những lở lói trong các giáo xứ có những linh mục thiếu lòng yêu mến Chúa.
Mời Bạn: Này bạn ơi! Còn gì cấp thiết hơn lúc này trong Năm Linh Mục là cầu nguyện cho các linh mục, cách riêng cho các cha trong giáo xứ của bạn, biết xây dựng và gia tăng lòng mến đối với Chúa, đặc biệt khi dâng Thánh Lễ.
Chia sẻ: Hậu quả của việc xao lãng lòng yêu mến Thiên Chúa là gì?
Sống Lời Chúa: Dự Thánh Lễ ngày thường và cầu nguyện cho các linh mục.
Cầu nguyện:Lạy Mẹ Maria, Mẹ các linh mục, xin cầu cho chúng con. Xin cho chúng con được thêm nhiều linh mục thánh thiện. Amen.
15/10/09THỨ NĂM TUẦN 28 TN
Th. Têrêxa Giêsu, trinh nữ, tiến sĩ Hội Thánh
Lc 11,47-54
ĐÁP ỨNG CƠN ĐÓI THỜI ĐẠI
“Khốn cho các ngươi, hỡi những nhà thông luật! Các người đã cất giấu chìa khóa của sự hiểu biết: các người đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các người lại ngăn cản.” (Lc 11,52)
Suy niệm: Khi suy niệm về lời mời gọi của Chúa Giêsu cầu nguyện cho có đủ thợ gặt gởi đến cánh đồng truyền giáo, Đức cha Fulton J. Sheen nêu lên một nhu cầu của đám đông, đó là họ “đang đói sự hiểu biết về Nước Trời, nhưng họ không biết tìm kiếm nơi đâu cho nhu cầu của họ.” Như vậy, cách riêng linh mục hôm nay trong vai trò thợ gặt của Chúa Giêsu, phải là người giải quyết cơn đói này của đám đông. Ý thức như thế, trên tường phòng khách Đại Chủng Viện Seoul, người ta đọc thấy tấm bảng ghi rằng, yếu tố để trở nên linh mục lý tưởng phải là người dọn bài giảng chu đáo. Còn hơn thế nữa, chương trình sống hằng ngày của Cha thánh Vianney luôn có thì giờ dành cho việc dạy giáo lý. Đó chính là “chìa khóa của sự hiểu biết về Nước Trời” mà các linh mục không được cất giấu, trái lại, phải biết mở ra kho tàng đức tin để cung cấp cho thế giới tuy đang thừa mứa mọi thứ, nhưng lại thiếu đói Lời Hằng Sống. Chu đáo và chuyên chăm dọn bài giảng, dạy giáo lý sẽ chứng thực căn tính của linh mục hôm nay, người thuộc về Chúa và cho Chúa.
Mời Bạn: Bạn có lúc nào quan tâm đến các linh mục và cầu nguyện cho các ngài được chu toàn bổn phận giảng Lời Chúa và dạy giáo lý không?
Chia sẻ: Làm thế nào để cộng tác với giáo xứ của bạn trong việc dạy giáo lý?
Sống Lời Chúa: Dành một buổi kinh tháng Mân Côi cầu cho các linh mục chăm chỉ dọn bài giảng và dạy giáo lý.
Cầu nguyện:Lạy Chúa, xin chúc phúc cho những lao nhọc của các linh mục được đầy hoa trái. Amen.
Trích tinvui.org - Vietnam