5 phút suy niệm mỗi ngày
Từ 1 đến 15 tháng 8 năm 2009
01/08/09THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 18 tn
Th. Anphong Ligori, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh
loại trừ lòng báo thù Mt 14,1-12
“Xin Ngài ban cho con, ngay tại chỗ, cái đầu ông Gioan Tẩy Giả đặt trên mâm.” (Mt 14,8)
Suy niệm: Hêrôđia là mẫu người tìm mọi cách để đạt mục tiêu, kể cả bằng những phương tiện bất chính. Bà tìm cách báo thù Gioan Tẩy Giả vì vị ngôn sứ dám nói sự thật. Ông đã quở trách một kẻ độc tài vô luân, tố giác hành vi tội lỗi của Hêrôđê và Hêrôđia. Để báo thù, Hêrôđia đã không ngần ngại sử dụng chính con mình, đẩy con cái vào vòng tội lỗi cho mục tiêu gian ác này. Bà đã: (1) cho con gái, một công chúa ra nhảy múa mua vui cho khách, là điều bất thường trong xã hội thời ấy; (2) xúi con mình xin nhà vua giết người. Khi đêm ngày bị nung nấu bởi lòng căm thù, hay nuôi dưỡng cơn giận trả đũa, người ta như đui mù, có thể làm bất cứ điều tàn bạo mà bình thường họ không dám nghĩ đến.
Mời Bạn: Đừng bao giờ tích chứa hay nuôi dưỡng trong lòng bạn những ý nghĩ đen tối: oán hờn, đố kỵ, tranh chấp, ghen ghét… Đến một lúc nào đó, chúng như ngọn núi lửa, gặp cơ hội sẽ bùng phát những hành vi khủng khiếp.
Chia sẻ: Kinh nghiệm sống khổ sở và mù quáng do ước muốn báo thù, và kinh nghiệm an bình thư thái do tha thứ.
Sống Lời Chúa: Hãy xét duyệt lại về những động cơ và mục đích trong những công việc và cả những lời nguyện cầu của bạn, để điều chỉnh theo ánh sáng Tin Mừng của Chúa Kitô.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, ước muốn báo thù làm chúng con mù quáng và tàn nhẫn, cư xử với người anh em ngược hẳn với tinh thần yêu thương của người môn đệ Chúa. Xin cho chúng con nhạy cảm với mọi ước muốn báo thù, cho dù chúng mới chỉ manh nha nơi tâm hồn mình. Xin cho chúng con can đảm nói tiếng “không” dứt khoát với chúng. Amen.
02/08/09chúa nhật 18 tn – b
lương thỰc thưỜng tỒn Ga 6,24-35
“Hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh.” (Ga 6,27)
Suy niệm: Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới hiện nay là mối bận tâm hàng đầu trong hội nghị của khối G8 diễn ra tại Aquila, trung Ý. Nhiều nước đã không đồng ý ký vào hiệp ước giảm khí thải cũng vì lo ngại ảnh hưởng đến nền kinh tế trong nước. Giữa lúc thế giới đang quá bận tâm về vấn đề kinh tế vẫn có nhiều người kitô hữu sẵn sàng giảm bớt thu nhập để tham gia các hoạt động bác ái tông đồ. Nhiều bậc cha mẹ sẵn sàng đầu tư cho con cái học tập không phải để “làm quan” mà để con cái có đủ điều kiện dâng mình cho Chúa. Họ quả thật là những người không phải chỉ ra công làm việc vì những của ăn mau hư nát nhưng vì lương thực thường tồn.
Mời Bạn: Hoàn thiện bản thân, nỗ lực làm việc, chăm chỉ học tập không vì mục đích vị kỷ mà để có khả năng phục vụ Thiên Chúa và tha nhân. Người kitô hữu không lấy làm đủ khi chỉ giúp đỡ tha nhân có được chén cơm manh áo, nhưng còn phải giúp họ tin nhận Đức Kitô “là Lời và là Bánh hằng sống”, duy chỉ mình Ngài mới đem lại nguồn hạnh phúc thật và nguồn sống muôn đời cho những ai đặt niềm tin tưởng nơi Ngài.
Chia sẻ: Điều gì khiến bạn bận tâm nhất: tình hình tài chính hay vấn đề sống đức tin trong gia đình/cộng đoàn?
Sống Lời Chúa: Gia đình/cộng đoàn có giờ cầu nguyện chung, khuyến khích nhau dấn thân phục vụ Thiên Chúa và tha nhân.
Cầu nguyện: Lạy Chúa xin cho con biết lắng nghe Lời Ngài, không chỉ con làm việc vì những của ăn mau hư nát nhưng vì lương thực thường tồn mang lại phúc trường sinh.
03/08/09thứ hai tuần 18 tn
tấm bánh cho muôn người Mt 14,13-21
Đức Giêsu trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương. (Mt 14,14)
Suy niệm: Khi về nhận xứ Ars, Cha Thánh Vianney đã ưu tư vì thấy giáo hữu, đàn chiên của Chúa, không được chăm sóc chu đáo; hơn thế nữa, sự sa sút về đạo đức còn là nỗi lo âu hơn cả đói cơm, thiếu áo. Thánh Vianney đã có cùng một tâm trạng như Chúa Giêsu. Ngài không thể không “chạnh lòng” mỗi khi nhìn thấy dân chúng lầm than trong cảnh cùng cực thể xác cũng như tinh thần. Trước những người đang đói khát Lời hằng sống mà quên cả cơn đói thể xác, Chúa đã hoá bánh ra nhiều để tiên báo chính Ngài sẽ trở nên tấm bánh bẻ ra để nuôi sống muôn người.
Mời Bạn: Theo Tổ Chức Lương Thực và Nông Nghiệp của Liên Hiệp Quốc (FAO) hiện nay có hơn một tỉ người đói ăn trên thế giới. Bạn có cảm thấy mình động lòng trắc ẩn trước những con người mà hôm nay chưa đủ ăn? Bạn có thấy mình có trách nhiệm gì trước cảnh “kẻ ăn không hết, người mần không ra”? Bạn có khám phá xem chung quanh bạn ai là kẻ đang cần bạn giúp một tay cải thiện cuộc sống cả về vật chất lẫn tinh thần để sống một cuộc sống xứng với nhân phẩm không? Lòng trắc ẩn đích thực đòi bạn phải biết xả thân vì người khác giống như tấm bánh bẻ ra trở nên của ăn cho muôn người được sống.
Sống Lời Chúa: Hãy chung tay làm một việc cụ thể để cải thiện hoàn cảnh sống của một người nào đó. Nhiều bàn tay góp lại, việc nhỏ cũng thành lớn lao.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho con đồng cảm với Chúa khi đối diện với những nỗi đau khổ của người anh chị em mà con gặp hằng ngày; và xin cho con biết biến mối đồng cảm đó thành hành động chia sẻ trong yêu thương.
04/08/09thứ ba tuần 18 tn
Th. Gioan Maria VianneyMt 14,22-36
cứ yên tâm, đừng sợ
Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hốt bảo nhau: “Ma đấy!” và sợ hãi la lên. Đức Giêsu liền bảo các ông: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” (Mt 14,26-27)
Suy niệm: Trong mọi nơi mọi thời, nhân loại luôn luôn sợ hãi: sợ đói khát, đau khổ, sợ thất nghiệp, thất tình, sợ chiến tranh, thiên tai… Người ta sợ hãi vì cảm thấy sự sống còn của mình bị đe doạ mà không có nơi nào bám víu. Vượt biển giữa đêm đen, lại bị sóng gió “vật” như thế, các môn đệ hẳn cũng trong tâm trạng sợ hãi không biết bám víu vào đâu đến độ nhìn thấy Chúa mà lại tưởng mình gặp ma. Thế nhưng, Chúa chẳng bao giờ bỏ rơi các Tông đồ một mình trong sóng gió. Chúa luôn có mặt chính lúc các Ngài đang gặp thử thách, Chúa đến củng cố niềm tin các Ngài: “Cứ yên tâm, Thầy đây, đừng sợ !” “Đừng sợ”, vì có Thầy đây, chứ không phải ai hoặc cái gì khác; và chỉ một mình Thầy là đủ rồi.
Mời Bạn: Giáo Hội lữ hành trên trần gian cũng gặp những sóng gió, khủng hoảng. Cả đến gia đình, xã hội hôm nay cũng đang chao đảo vì những cơn khủng hoảng. Bạn nhớ, giữa biển đời sóng gió, Chúa Giêsu vẫn luôn hiện diện bên ta. Sự hoài nghi có thể làm ta sợ hãi; còn lòng tin sẽ giúp ta nhận ra Chúa là chỗ dựa vững chắc và dù có phải bước “đi trên mặt nước” chúng ta vẫn có thể bước đi trong bình an.
Sống Lời Chúa: Trong ngày sống thường xuyên nhớ đến Chúa và dâng lên Ngài lời nguyện tắt: “Lạy Chúa, xin ban thêm đức tin cho con.”
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con vẫn tin tưởng Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng con. Xin Chúa nâng đỡ, an ủi và giúp chúng con vượt qua thử thách, củng cố niềm tin cho chúng con, vì niềm tin sẽ là sức mạnh và bình an cho chúng con.
05/08/09thứ tư đầu tháng tuần 18 tn
Cung hiến thánh đường Đức MariaMt 15,21-28
đỂ đỨc tin vỮng mẠnh
Bấy giờ Đức Giêsu đáp: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy.” (Mt 15,28)
Suy niệm: Nhà văn Pháp Marcel Proust nhận xét: Một cuộc thám hiểm thật sự không phải ở chỗ tìm gặp được những vùng đất mới, cho bằng có được đôi mắt mới. Đôi mắt ấy giúp họ khám phá thế giới quen thuộc nhưng chứa chất nhiều điều bí ẩn, tuyệt diệu hữu ích cho cuộc sống. Người đàn bà xứ Canaan trong trình thuật Tin Mừng hôm nay, quả thật, có đôi mắt mới. Bà không nhìn Chúa Giêsu như những người Na-da-rét, đồng hương của Chúa, để khinh bỉ Ngài. Bà cũng không nhìn Chúa Giêsu như những đồng hương xứ Canaan của bà, để xa tránh Chúa. Trái lại, bà nhận ra trong con người Giêsu ấy một quyền năng, mà không ai trong xã hội có thể có để cứu giúp bà trong cơn khốn đốn. Ở nơi Ngài, bà trực giác nhận ra một lòng thương xót thường trực, khích lệ bà tìm đến. Như người thấy được kho báu trong ruộng, bà bỏ hết những mặc cảm, đến với Chúa Giêsu và đặt tất cả niềm tin vào Ngài. Với bà, Giêsu là Đấng làm cho con tim của bà và con bà “vui trở lại.”
Mời Bạn: Này bạn ơi! Đức tin của người phụ nữ Canaan trưởng thành trong thử thách và được Chúa lấy làm mẫu gương cho tín hữu. Còn đức tin của bạn thì sao?
Chia sẻ cho nhau những cảm nghiệm đức tin của bạn về tình yêu Thiên Chúa.
Sống Lời Chúa: Đọc một đoạn Tin Mừng và suy niệm để nhận ra điều Thiên Chúa muốn nói với bạn.
Cầu nguyện:Lạy Chúa Giêsu, xin cho đôi mắt con được ngời sáng để nhận ra những điều Chúa muốn nói với con qua những biến cố cuộc đời, qua Lời Chúa chúng con đọc, qua các cử hành phụng vụ con tham dự và qua việc rước Chúa hằng ngày.
06/08/09thứ năm đầu tháng tuần 18 tn
Chúa Hiển DungMc 9,2-10
hãy vâng nghe lỜi ngưỜi
Và từ đám mây, có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.” (Mc 19,7)
Suy niệm: Khuôn mặt có thể diễn tả tâm trạng con người. Để diễn tả tình cảm vui buồn, người ta nói: khuôn mặt đưa đám, khuôn mặt lễ hội; người hồn nhiên có khuôn mặt thiên thần, còn phường đâm thuê chém mướn thì đầu trâu mặt ngựa. Khuôn mặt Đức Giêsu rực rỡ ngời sáng hôm nay cũng là một biểu hiện con người của Ngài. Ngài lên núi để cầu nguyện, thỉnh ý Chúa Cha về cuộc “xuất hành” (theo Luca) hay hành trình mạo hiểm lên Giêrusalem sắp đến. Ngài đặt dự định, chương trình này trước mặt Cha để xem có đúng điều “Cha muốn Con làm không.” Ngài đã nhận được sự chấp thuận từ nơi Cha, qua việc cho khuôn mặt Ngài sáng láng rực rỡ và lời nói chuẩn y. Con đường thập giá, hiến mình Ngài sắp thực hiện, là con đường tốt nhất để cứu rỗi nhân loại.
Mời Bạn: Khuôn mặt bạn cũng sẽ ngời sáng rực rỡ sau mỗi lần bạn nghiền ngẫm Lời Hằng Sống, hay thực hiện một nghĩa cử đẹp lòng Thiên Chúa. Bạn hãy “đại tu” dung nhan không phải ở thẩm mỹ viện hay các mỹ phẩm, nhưng bằng khóa tĩnh tâm, các giờ cầu nguyện hay các cử chỉ hy sinh hiến mình.
Chia sẻ: Một kinh nghiệm về sự biến hình trong cuộc đời bạn.
Sống Lời Chúa: Tập cầu nguyện, thỉnh ý Thiên Chúa về các kế hoạch của đời mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, chúng con muốn được ngời sáng rực rỡ, nhưng lại ngại hiến mình hy sinh. Xin Chúa biến đổi chúng con mỗi ngày qua việc cầu nguyện thỉnh ý Chúa, cũng như qua các nghĩa cử phục vụ hiến mình cho những người anh em bé nhỏ nhất ở giữa chúng con. Amen.
07/08/09thứ sáu đầu tháng tuần 18 tn
Th. Xíttô II, giáo hoàng và các bạn tử đạoMt 16,24-28
vì đỨc giêsu kitô
“Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mà theo.” (Mt 16,24)
Suy niệm: Chị Tiểu Phụng, bề trên cả dòng Thánh Gia ở Quảng Tây, vốn là một tân tòng. Thấy một sinh viên trong trường có đời sống trong sáng vui tươi khác thường, lúc nào cũng sẵn sàng quên mình vì bạn bè, tỏa ra một sức sống tinh thần thật hấp dẫn, chị chơi thân với bạn ấy, rồi mới hỏi thật: “Bí quyết nào khiến bạn sống được như thế?” Câu trả lời là: “Giêsu Kitô.” Thế là chị đọc Tân Ước từ đấy, muốn họa lại từng trang trong đời mình. Môn đệ hay người đi theo Đức Giêsu không phải từ bỏ một, hai điều gì đó, nhưng là từ bỏ cái quý giá nhất với mình là bản ngã, ý muốn bản thân, để trọn vẹn đặt Ngài làm kiểu mẫu cho mọi suy nghĩ, cái nhìn, và lối sống. Nỗ lực làm đẹp lòng “Giêsu Kitô” sẽ thật sự là động lực, là quy tắc cho mọi hành xử của họ.
Mời Bạn: Theo Đức Giêsu là chấp nhận cung cách “liều mất mạng sống” như Ngài. Bạn sẽ không hỏi: Tôi sẽ thu tích bao nhiêu, nhưng sẽ hỏi: Tôi sẽ ban phát bao nhiêu. Không hỏi: Việc nào an toàn cho bản thân tôi, nhưng sẽ hỏi: Việc nào là điều tốt tôi nên làm. Và bạn sẽ có hằng trăm câu hỏi như vậy.
Chia sẻ: Khước từ bản ngã để theo Chúa có là điều khả thi với bạn không?
Sống Lời Chúa: Lập một danh sách những tiêu chuẩn mới theo các giá trị Tin Mừng của Đức Giêsu, thay cho những tiêu chuẩn cũ theo người đời (như phần Mời bạn).
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, theo Chúa là chấp nhận từ bỏ bản ngã của mình, không phải trong một vài ngày, nhưng là suốt mọi ngày. Xin cho chúng con trung thành sống theo theo những giá trị Tin Mừng của Chúa mỗi ngày.
08/08/09thứ bẩy tuần 18 tn
Th. Đaminh, linh mụcMt 17,14-20
tỰa nương vào chúa
Các môn đệ đến gần hỏi Chúa Giêsu rằng: “Tại sao chúng con đây lại không trừ nổi tên quỷ ấy?” Người nói với các ông: “Tại anh em kém tin.” (Mt 17,19-20)
Suy niệm: Trước sứ mệnh Thiên Chúa giao phó, các nhân vật lớn trong Thánh Kinh thường có thái độ: nhận thấy mình bất xứng và trông cậy vào quyền năng của Thiên Chúa. Giê-rê-mi-a cho rằng ông bất xứng để trở thành ngôn sứ. Phaolô thú nhận ông không đáng được gọi là tông đồ. Thế nhưng các ngài đặt hết niềm tin của mình vào Thiên Chúa, để sức mạnh của Thiên Chúa thể hiện trong yếu đuối của các ngài. Giê-rê-mi-a xác tín phúc cho ai có Đức Chúa làm chỗ nương thân. Còn Phaolô quả quyết, không phải do sức ông, nhưng nhờ ơn thánh Chúa, ông chu toàn vai trò tông đồ. Không có ơn Chúa, không ai có thể làm được gì! Các môn đệ được Chúa Giêsu nhắc nhở như thế khi việc tông đồ của các ông không hiệu quả, “tại anh em kém tin.” Cậy vào sức con người để làm công việc của Thiên Chúa làm sao mang lại kết quả được!
Mời Bạn: Trước khi làm việc, bạn có dâng lên Chúa công việc bạn sẽ làm không? Hành động này giúp bạn luôn tìm vinh danh Chúa và bạn sẽ không lẻ loi trong khi làm việc, vì Chúa cùng hoạt động với bạn.
Chia sẻ: Nhìn nhận sự hèn kém của mình trước sứ mệnh Chúa giao sẽ làm bạn cậy dựa vào quyền năng Chúa hay làm bạn mặc cảm, thụ động?
Sống Lời Chúa: Đọc kinh “Sáng soi” hay cầu nguyện dâng lên Chúa công việc bạn làm trong ngày.
Cầu nguyện:Lạy Chúa Giêsu, trong tình yêu Chúa, con tin rằng, Chúa bù đắp trong con tất cả những thiếu sót của con nơi mọi công việc, vì Chúa biết rõ con và con tín thác vào Chúa.
09/08/09 chúa nhật tuần 19 tn – b
thẦy ban trót thân mình... Ga 6,41-51
“Bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.” (Ga 6,51)
Suy niệm: Trong trọn bản văn Thánh Lễ của Sách Lễ Rôma, những chữ được in đậm và to nhất chính là ‘lời truyền phép’: “TẤT CẢ CÁC CON HÃY NHẬN LẤY MÀ ĂN, VÌ NÀY LÀ MÌNH THẦY, SẼ BỊ NỘP VÌ CÁC CON... TẤT CẢ CÁC CON HÃY NHẬN LẤY MÀ UỐNG, VÌ NÀY LÀ CHÉN MÁU THẦY, MÁU GIAO ƯỚC MỚI VÀ VĨNH CỬU, SẼ ĐỔ RA CHO CÁC CON VÀ NHIỀU NGƯỜI ĐƯỢC THA TỘI...” In đậm và to nhất, bởi vì đây là những lời quan trọng nhất, đây là khoảnh khắc đậm đặc ý nghĩa YÊU THƯƠNG nhất của Thánh Lễ. Trong khoảnh khắc này, Chúa Giêsu dứt khoát trao hiến chính sự sống của Ngài cho chúng ta. Và đây không phải là một quyết định bốc đồng kiểu ‘anh hùng rơm’; đây là cả một chương trình hiến thân được vạch ra từ trước, như bản văn Tin Mừng hôm nay xác nhận.
Mời Bạn: Hãy nghe với cả tâm hồn mình, hãy nghe như lần đầu tiên được nghe những lời tha thiết của Chúa: “Này là mình Thầy sẽ bị nộp vì các con; này là máu Thầy sẽ đổ ra cho các con...” Và bạn hãy cảm nhận niềm hạnh phúc được Chúa yêu thương đến mức đó.
Chia sẻ: Hẳn bạn từng trao tặng điều gì thật quí cho bạn hữu, người thân? Hãy mô tả kinh nghiệm ấy. Rồi bạn nhìn lại hành động của Chúa: Ngài yêu thương ta đến mức trao chính bản thân, chính sự sống của Ngài chứ không phải chỉ là một cái gì đó ở ngoài Ngài!
Sống Lời Chúa: Bạn sốt sắng tham dự Thánh Lễ và rước lễ với cả tâm tình.
Cầu nguyện:Hát “Thầy yêu chúng con lời ai nói cho cùng... Thầy yêu chúng con Thầy ban trót thân mình, để nuôi chúng con ngày lưu ký trần gian...”
10/08/09thứ hai tuần 19 tn
Th. Lôrenxô, phó tế, tử đạoGa 12,24-26
hẠnh phúc ngưỜi phỤc vỤ
“Ai phục vụ Thầy thì hãy theo Thầy, và Thầy ở đâu kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha Thầy sẽ quý trọng người ấy.” (Ga 12,26)
Suy niệm: Thi sĩ Tagore (Ấn Độ) có viết: “Nằm ngủ, tôi mơ thấy đời là hạnh phúc. Thức dậy tôi thấy sống là phục vụ. Tôi dấn thân phục vụ và tôi khám phá ra rằng phục vụ là hạnh phúc.” Những ai dấn thân vào một công việc phục vụ nào đó đều có thể trải nghiệm được điều thi sĩ Tagore vừa chia sẻ. Việc phục vụ càng đòi hỏi dấn thân quên mình nhiều thì hạnh phúc mang lại càng lớn. Thế nên người phục vụ Đức Kitô, “Con Chí Ái” của Chúa Cha, từ bỏ chính mình để theo Ngài trên đường thập giá là người được hạnh phúc lớn nhất bởi vì sẽ được “Chúa Cha quý trọng” được Chúa Cha yêu mến, và đến ở trong người ấy (x. Ga 14,23).
Mời Bạn: Nếu như hạnh phúc của bản thân chính là biết quên mình để nghĩ đến hạnh phúc của người khác, thì ngược lại, mọi sự bất hạnh trên trần gian này đều bắt đầu từ chỗ muốn chiếm giữ cho riêng mình; đó cũng chính là lúc con người chối bỏ và loại trừ người khác. Phần bạn, bạn đặt hạnh phúc của bạn nơi điều gì? Phải chăng là của cải, danh vọng, địa vị, thú vui ích kỷ...? Hay bạn coi việc phục vụ anh em làm hạnh phúc của mình?
Chia sẻ một niềm vui của bạn khi dấn thân phục vụ tha nhân cách vô vị lợi.
Sống Lời Chúa: Tập quan sát và nhạy bén nhận ra những nhu cầu của anh chị em hơn là nhìn vào chính mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con đã tiếp nhận cuộc sống từ bao người khác; xin cho con biết hân hoan đón nhận cuộc sống và đến lượt con cũng biết hiến trao cho anh em trong bài học cho đi như chính Chúa. (Hosanna)
11/08/09thứ ba tuần 19 tn
Th. Clara, trinh nữMt 18,1-5.10.12-14
kẺ lỚn nhẤt
“Ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là kẻ lớn nhất trong Nước Trời.” (Mt 18,4)
Suy niệm: Các môn đệ xem ra bị ám ảnh bởi quan niệm lớn-bé, nhất-nhì, đến nỗi nhiều lần tranh cạnh nhau ra mặt và không úp mở đặt thẳng vấn đề với Chúa. Để trả lời, Chúa gọi một em bé đến đứng trước mặt các ông. Ta tưởng tượng các ông chưng hửng như thế nào! Trật tự trong Nước Trời khác hẳn trật tự trong trần thế. Chúa muốn các môn đệ của Ngài có tinh thần khiêm tốn nên đã cho các ông một bài học thiết thực. Chính sự tự hạ sẽ làm cho một người bé mọn nhất ở trần gian thành người lớn nhất trong Nước Trời.
Mời Bạn: Phải chăng bài học của Chúa không còn thích hợp với người thời nay nữa, bởi với nền kinh tế thị trường, đâu cũng chỉ thấy sự cạnh tranh ráo riết, hơn thua, đến nỗi người ta không chịu lép vế, ai cũng muốn mình phải hơn, phải thắng? Điều khó khăn nhất không phải là thắng người, mà là thắng chính mình, thắng được tính ích kỷ, kiêu căng của mình. Người như thế mới thật là người “vĩ đại”. Tục ngữ xưa dạy tinh thần nhún nhường: “Ai nhất thì tôi thứ nhì, ai mà muốn nữa, tôi thì thứ ba”.
Chia sẻ: Có khi nào bạn cảm nghiệm điều này: Khi muốn hơn người, tôi thấy lòng mất bình an. Ngược lại bạn có cảm nhận được khi nhún nhường, có một sự bình an sâu thẳm tuôn trào trong lòng bạn không?
Sống Lời Chúa: Thực hành Lời Chúa dạy: “Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,29).
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con luôn sống khiêm tốn, nhỏ bé như Chúa đã sống và đã dạy chúng con. Amen.
12/08/09thứ tư tuần 19 tn
Th. Gioanna Phanxica XăngtanMt 18,15-20
tinh thẦn huynh đỆ trong cỘng đoàn dân chúa
“Nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời sẽ ban cho.” (Mt 18,19)
Suy niệm: “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao” là câu tục ngữ quen thuộc mà chúng ta thường hay nhắc tới để nói lên sức mạnh của sự hợp lực cộng đồng. Lời Chúa hôm nay cho thấy sức mạnh này không chỉ thể hiện trong các lãnh vực của cuộc sống thường ngày. Ngay trong đời sống tâm linh, lời cầu nguyện của cộng đoàn phụng vụ không chỉ làm lay động lòng người mà thôi, nhưng nó còn vang dội đến lòng thương xót của Thiên Chúa nữa: “Khi hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời sẽ ban cho.” Bởi vì lúc đó có Chúa Kitô ở giữa họ (Mt 18,20) và không phải họ mà là chính Chúa Thánh Thần “cầu thay nguyện giúp” cho chúng ta (x. Rm 8,15.26).
Mời Bạn: Với con mắt đức tin, chúng ta nhìn nhận rằng gia đình, đoàn thể, giáo xứ họp nhau cầu nguyện là những cộng đoàn Kitô hữu được Thiên Chúa quy tụ lại, nơi đó có sự hiện diện của Chúa. Chúng ta có cảm nhận được sức mạnh của lời cầu nguyện chung nơi gia đình, nơi hội đoàn của chúng ta không? Hiệu quả của lời cầu nguyện chung đó, có thể hiện qua sự gắn bó, yêu thương giữa các thành viên và sự hợp nhất trong công tác tông đồ không?
Chia sẻ: Kiểm điểm về giờ cầu nguyện chung của gia đình/cộng đoàn của bạn.
Sống Lời Chúa: Rủ hai hoặc ba người cùng đọc kinh Lạy Cha cầu nguyện cho hoạt động tông đồ của cộng đoàn hoặc giáo xứ của bạn.
Cầu nguyện:Cùng hát: “Đâu có tình yêu thương, ở đấy có Đức Chúa Trời.”
13/08/09thứ năm tuần 19 tn
Th. Pontianô, giáo hoàng và Hippôlitô, linh mục tử đạo
nhân lên ơn tha thỨ Mt 18,21-19,1
“Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.” (Mt 18,22)
Suy niệm: Trong suốt ba mươi năm, mỗi ngày cha quản xứ họ Ars ngồi tòa giải tội mười sáu, mười bảy tiếng, tính ra cha đã dùng 172.000 giờ để ban ơn tha tội cho khoảng hơn 100.000 người từ khắp nơi tuôn đến với cha xin ơn hòa giải với Thiên Chúa. Bản thân cha cũng luôn tha thứ cho những người xúc phạm đến cha. Cha bị vu khống chê bai đủ điều: nào là ‘giả vờ đạo đức’ để che miệng thế gian, ‘dốt nát mà cũng giải tội,’ nào là chửi bới, thư nặc danh, bêu xấu công khai trên tòa giảng. Với những linh mục đồng sự xúc phạm đến mình, cha không buồn giận kêu trách nhưng nói cách thành thực: “Các vị ấy chưa biết tôi rõ ràng, chớ nếu biết tỏ tường các ngài còn chê trách tôi nhiều điều khác nữa.” Vị linh mục bổn mạng các cha xứ đã hiến dâng cuộc đời mình để sống cho lòng khoan dung của Thiên Chúa.
Mời Bạn: Dụ ngôn hôm nay chỉ cho ta cách sống bí tích hòa giải: Chúa đã tha thứ cho khối lượng tội lỗi to lớn của ta, đến lượt ta, ta cũng phải tha thứ cho những lỗi lầm bé tí của anh em. ‘Có qua phải có lại.’ Có lại ở đây là nếu Chúa đã mở rộng vòng tay đón tiếp ta trở về sống trong nhà Ngài, chúng ta cũng mở tung cửa lòng để cho người anh em được sống trong tình yêu với ta.
Chia sẻ: Trong cộng đoàn chúng ta còn có những chuyện ‘bằng mặt không bằng lòng không’? Đây chính là những quả bom nổ chậm. Nếu không được tháo gỡ, chúng sẽ có lúc phát nổ và gây đổ vỡ cho đời sống chung.
Sống Lời Chúa: ‘Lầm lỗi là của con người.’ Sẵn sàng bỏ qua, không nhắc lại những điều sai lỗi của người khác.
Cầu nguyện:Đọc kinh Ăn Năn Tội.
14/08/09thứ sáu tuần 19 tn
Th. Maximilianô Kônbê, linh mục, tử đạoMt 19,3-12
sỐng tín trung
“Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly.” (Mt 19,6)
Suy niệm: Lời bài hát “Chúa vẫn trung thành mãi, dù thời gian bao năm đổi thay, dù tình ta nghi nan hững hờ, thì muôn ngàn đời, Chúa vẫn trọn tình thương” nhắc nhở ta điều vẫn diễn ra trong lịch sử cứu độ đầy yêu thương của Chúa: con người dù có luôn bất tín và phản bội, nhưng Thiên Chúa vẫn luôn tín trung thực hiện giao ước của Ngài đã ký kết để cứu độ dân Ngài. Sự trung tín của đôi vợ chồng trong giao ước hôn nhân được đặt nền tảng trên lòng trung tín của Thiên Chúa như mẫu mực. Đến lượt họ, qua việc sống chung thuỷ yêu thương nhau trong đời sống vợ chồng, họ lại trở thành chứng nhân loan báo sự trung thành của Thiên Chúa Tình Yêu.
Mời Bạn: Ngày nay trên thế giới, tỷ số các cặp vợ chồng ly dị liên tục tăng cao, đặc biệt nơi các đôi vợ chồng trẻ. Vợ chồng ly dị, gia đình tan nát, gây ra không những cho nhau mà còn cho con cái những vết thương tâm lý khó lành trong suốt cuộc đời. Người ta đưa ra những lý lẽ giải thích hoặc tìm kiếm những giải pháp chữa trị tình trạng này trên bình diện tâm lý hoặc xã hội. Thế nhưng tất cả những điều đó chỉ là tương đối nếu sự bền vững của giao ước hôn nhân không dựa trên nền tảng sâu xa là sống tín trung như Thiên Chúa là Đấng trung tín.
Chia sẻ: Khi vợ chồng trong gia đình bạn hay các thành viên trong nhóm của bạn gặp sự cố, mâu thuẫn, bạn giải quyết bằng cách nào?
Sống Lời Chúa: Duy trì giờ cầu nguyện chung trong gia đình/cộng đoàn của bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa là Đấng luôn trung tín và đầy yêu thương, xin giúp chúng con sống trung tín và quảng đại để cùng nhau phụng sự Chúa.
15/08/09thứ Bảy tuần 19 tn
Đức Mẹ lên trờiLc 1,39-56
linh hỒn tôi ngỢi khen chúa
“Linh hồn tôi ngợi khen Thiên Chúa… Phận nữ tỳ hèn mọn, người đoái thương nhìn tới.” (Lc 1,46-48)
Suy niệm: Nơi Đức Maria kết hợp những thực tại xem ra rất khác biệt không thể dung hoà: nữ tỳ khiêm tốn trở thành “đối tác” với Thiên Chúa chí tôn; trinh nữ “không biết đến người nam” lại cưu mang Con Thiên Chúa bởi quyền năng Chúa Thánh Thần; và nơi cung lòng của Mẹ, bản tính Thiên Chúa kết hợp với bản tính con người trong con người Giêsu. Những sự kết hợp tuyệt vời ấy được diễn tả cách tuyệt vời qua lời ca tụng Magnificat. Mẹ cất tiếng hát ngợi khen Thiên Chúa, với niềm vui và sự rung động sâu xa tận tâm hồn: vì Mẹ nhận ra tình thương Chúa đang cúi xuống trên những con người nghèo hèn bé nhỏ; vì Mẹ nhận ra rằng “Từ nay hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc,” không phải vì mình có công trạng khả năng gì, nhưng vì “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả”.
Mời Bạn: Vâng, lời ca tụng Magnificat không chỉ diễn tả tâm tình của Mẹ “hớn hở vui mừng” lúc bình minh ơn cứu độ, mà còn cảm nghiệm lòng thương xót Chúa khi đứng dưới chân thập giá và tôn vinh cánh tay Ngài biểu dương sức mạnh trong ngày Chúa Kitô phục sinh. Điều đó cho bạn và tôi thấy được tính chất ngôn sứ của Đức Maria và của những ai dám theo Chúa đi vào đời với một niềm tin yêu hy vọng.
Sống Lời Chúa: Noi gương Mẹ Maria, chúng ta hãy thể hiện niềm tin trong cuộc sống qua việc sống khiêm nhu và phục vụ để nâng cao phẩm giá những ai bé nhỏ, đói nghèo, bị khinh chê, bỏ rơi.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con có được tâm tình sống như Mẹ để cuộc sống hôm nay là con đường đưa chúng con đến hạnh phúc thiên đàng.
Trích Suy Niệm Mỗi Ngày, nhóm tác giả, trang 14 - Vietnam