Chân dung Thiên Chúa
-Vào đời -Số 113 Ngày 23.01.2010
CHÂN DUNG THIÊN CHÚA THEO THÁNH BONAVENTURA
(trong tác phẩm “Itinerarium”)
Lung Linh rất tâm đắc với chủ đề về Thiên Chúa, vì thế bài CHÂN DUNG THIÊN CHÚA THEO THÁNH BONAVENTURA bất ngờ rơi vào ánh mắt, Lung Linh liền từ từ đọc và cũng từ từ chia sẻ những quan niệm của mình về NGUỒN TÌNH YÊU TUYỆT VỜI NÀY.
Lung Linh xin chia sẻ bằng những hàng chữ màu xanh trên nền màu thiên thanh. Vì lý do tế nhị, Lung Linh xin phép không nêu tên tác giả.
Tư tưởng của thánh Bonaventura chưa được các học giả ở Việt Nam quan tâm nghiên cứu và phổ biến rộng rãi. Trong bối cảnh ấy, tôi rất may mắn được đọc về tư tưởng của ngài qua tác phẩm “Hành trình của con người lên tới Thiên Chúa” và rất cảm phục sự sâu sắc của ngài khi trình bày các tư tưởng triết thần của mình. Điểm đánh động tôi nhất là quan điểm của ngài về Thiên Chúa. Từ đó, tôi đã tìm hiểu và có những cảm nghiệm rất riêng về “Chân dung Thiên Chúa của thánh Bonaventura”. Vị Thiên Chúa đó không gì khác hơn là “Tình Yêu” như thánh Gioan đã định nghĩa về Ngài, nhưng lại sống động và gần gũi với chúng ta biết là dường nào qua ngòi bút tài hoa của vị thánh tiến sĩ Dòng Anh em Hèn mọn. Nhân ngày lễ kính thánh nhân 15/07 năm nay, xin chia sẻ với bạn đọc gần xa.
+Vị Thiên Chúa đó không gì khác hơn là “Tình Yêu”
Rất chính xác, Lung Linh hoàn tòan đồng ý với định nghĩa căn bản này
Quan điểm của thánh Bonaventura về Thiên Chúa là sự kết tinh quan điểm về Thiên Chúa trong Kinh Thánh, trong các tư tưởng triết thần của các tác giả trước hoặc cùng thời với ngài. Đặc biệt nó được thêu dệt thêm bằng những nét độc đáo của tinh thần Phan sinh kết hợp với khả năng suy tư thâm thúy của thánh Bonaventura.
Từ kinh nghiệm thiêng liêng của thánh phụ Phanxicô, thánh Bonaventura đã xây dựng một chân dung Thiên Chúa có mối liên hệ mật thiết với con người trong đời sống tâm linh. Đây là điểm mấu chốt làm nổi bật quan điểm của ngài về Thiên Chúa so với các tác giả trước ngài như Augustine, Anselmo và tác giả cùng thời là Thomas Aquinas. Chính điểm nhấn đó đã làm cho quan điểm của Bonaventura sống mãi và luôn mang ý nghĩa thiết thực cho đời sống đức tin của người Kitô hữu.
+ Một chân dung Thiên Chúa có mối liên hệ mật thiết với con người trong đời sống tâm linh.
Rất chính xác, Lung Linh cũng hoàn tòan đồng ý với định nghĩa căn bản này
Chúng ta thử ví Chân dung Thiên Chúa của thánh Bonaventura là “Người tình vô biên” trong mối tình son sắt với “người yêu hữu hạn” là con người. Mối tình đầu ngọt ngào và thơ mộng ấy bắt nguồn từ sự chủ động của Người tình vô biên được thể hiện trong “ân huệ thuở ban đầu” của tạo dựng. Trong bình minh của tình yêu ấy, Người tình vô biên mang trong mình một tình yêu mãnh liệt, nhưng không muốn dành riêng cho mình, mà từ bản chất Thiện Hảo, tình yêu ấy trào tràn làm phát sinh Thánh Tử, Thánh Thần và từ tình yêu Ba Ngôi tuôn tràn làm phát sinh muôn thụ tạo. (múc nguổn từ Augustine)
Chính Người tình vô biên đã dắt con người vào trong mối tình muôn thuở đó, nhưng con người đã lạm dụng tự do của mình và phản bội lại tình yêu bao la của Người. Sau khi quay lưng với Người tình vô biên, con người rơi vào vực thẳm của lo âu, khắc khoải, lầm than và lùi vào trong bóng đêm của lầm lạc. Nhưng lòng chung thuỷ và tình yêu sắt son của Người tình vô biên đã vượt xa hơn sự phản bội của bạn tình hữu hạn, bằng một sự tha thứ thẳm sâu. Người luôn mở rộng vòng tay chờ người yêu của mình trở về để ôm ấp, yêu thương và trao ban sức sống của mình cho người mình yêu.
Rất lấy làm tiếc, Lung Linh khó có thể đồng ý với lối suy luận này.
Vấn đề: Bóng đêm lầm lạc:
Đúng là ai cũng đã từng có cảm giác mình ở trong bóng đêm lầm lạc. Ai cũng cảm thấy con đường theo Chúa gian nan quá. Ai cũng cảm thấy con đường giữ đạo vất vả quá ..phải đi lễ chủ nhật, phải bỏ mình, phải hy sinh đủ thứ, phải tha thứ cho những kẻ làm khốn mình....
Cuối cùng bóng đêm lầm lạc vẫn còn là một trời bóng đêm lầm lạc.
Vẫn thấy mình yếu đuối,
vẫn thấy mình phàm hèn,
vẫn thấy mình tội lỗi..
vẫn thấy mình khốn khổ
vẫn thấy mình hoang mang..
Vấn đề: Phản bội lại tình yêu.
Thường thường, người ta không thể bị kết án về một điều mà người ta không biết hoặc lầm mà chẳng biết “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” (Lc 23:33) Vì thế khó có thể kết tội là phản bội một khi người ta chưa thực sự nhận ra Ngài yêu thương mình. Nói cách khác ngừơi ta chưa cảm nghiệm tình yêu của Chúa dành cho mình.
Thử đưa ra một câu hỏi rất đơn giản: Để chứng tỏ tình yêu của mình, Chúa đã làm gì cho bạn????
Nhiều người trong chúng ta sẽ lúng túng
Nhiều người sẽ trả lời linh tinh!!!
Vì thế, Lung Linh sẽ chứng minh rằng: họ chưa nhận ra khuôn mặt đích thực tình vô biên của Chúa. Và nếu chưa nhận ra thì chắc chắn không thể kết án rằng:
Họ phản bội lại tình yêu bao la của Người.
Giống như một người con còn nhỏ, một khi chưa nhận ra tình yêu cha mẹ dành cho mình, hoặc vì lầm tưởng cha mẹ ghét bỏ mình, bỏ rời mình, anh ta tỏ ra hỗn láo, bất hiếu thì không thể kết án anh ta là kẻ phản bội tình yêu một cách nghiêm khắc được.
Hoặc cụ thể hơn..một người con bị mù thì không thể thể bị kết tội khi vô ý đụng phải một bình cổ quý giá!!
Lý do: Có thấy gì đâu trong bóng đêm lầm lạc !!!!
Cùng lắm thì giống trường hợp Đức Giêsu: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” (Lc 23:33)
Vấn đề: Lạm dụng tự do
Chính Người tình vô biên đã dắt con người vào trong mối tình muôn thuở đó, nhưng con người đã lạm dụng tự do của mình và phản bội lại tình yêu bao la của Người
Lối giải thích này cũng có nhiều lấn cấn.
Rõ ràng đây chỉ là cách giải thích của những người chưa thực sự cảm nhận được tình yêu Chúa một cách đích thực. Đây là lối giải thich theo kiểu tâm lý thường tình của con người. Quý vị thử hỏi những người những ngưòi đã thực sự cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa sau một thời gian dài khắc khoải, kiếm tìm, khám phá và cuối cùng là gặp gỡ Chúa sống động ngay trong tâm mình. Chúng tôi chắc chắn họ sẽ trả lời rằng:
Một khi đã cảm nghiệm thực sự tình yêu của Ngài thì họ sẽ không còn bất cứ lý do gì để phản bội lại tình yêu của Ngài được nữa.
Lý do: Họ sống nhưng không còn là họ sống..mà chính là Đức Kitô sống trong họ. Vấn đề quan trọng duy nhất của họ là luyện tập sống trong Chúa mỗi ngày một lâu dài hơn, sâu đậm hơn.
Họ cảm nghiệm tự do đích thực. Không còn bị lệ thuộc ai, kể cả lệ thuộc Chúa. Bởi vì họ sống trong Chúa trong tâm tình người con yêu dấu của Ngài với tình trạng thức tỉnh sáng suốt và đầy xác tín.
Họ đoạn tuyệt với lối sống nô lệ của một tên đầy tớ hạng bét đối với vị vua Thiên Chúa cao cả trên trời.
Họ đoạn tuyệt với lối sống sợ hãi của một tội nhân đối với ông Chúa cảnh sát chuyên ghi sổ phạt
Họ đoạn tuyệt với lối sống phàm hèn đối với ông Chúa cao sang trên chín tầng tời xanh!!!
Họ đoạn tuyệt với lối sống tội lỗi đối với vị Thiên Chúa cao sang thánh thiện trên thiên đình
Kết quả đương nhiên từ cuộc sống này là: họ cảm thấy rất mạnh mẽ, bình an, hạnh phúc trong tình yêu của Ngài.
Không còn một lý do gì khiến họ phản bội lại tình yêu bao la của Người.
Trong khi đó, nếu một người chưa từng biết rằng Thiên Chúa thực sự yêu thương mình…chưa từng nếm hương vị ngọt ngào của Tình yêu Thiên Chúa
Chắc chắn họ đã từng cảm thấy Chúa “đì” họ qua những tai họa dồn dập, qua những thất bại chua cay, qua những bệnh tật đau đớn, …làm sao họ có thể yêu một ông hung thần như thế được ???!!!
Mà đã không thể yêu một ông hung thần như thế thì chẳng có cách nào để kết tội họ phản bội tình yêu được ..
Đơn giản chỉ vì: có cảm nhận tình yêu của Chúa đâu ..mà phản bội lại tình yêu của Ngài.
Vì thế nếu bảo rằng con người đã lạm dụng tự do của mình và phản bội lại tình yêu bao la của Người..lý giải kiểu này rõ ràng là không ổn chút nào.
-0-0-0-
Thái độ yêu thương tột bậc của Người tình vô biên được diễn tả một cách cụ thể nơi Con Một của Người là Đức Kitô. Đức Kitô đã từ bỏ địa vị cao sang của mình, hoá thân làm một con người bình thường, chia sẻ phận người thấp hèn, yếu đuối và khổ đau với con người. Kể từ đó, cánh cửa của tình yêu thuở ban đầu đã bị khoá chặt từ lâu đã mở ra, Người tình vô biên lại ngày đêm khắc khoải, ngóng chờ bạn tình của mình trở về với “mối tình muôn thuở”.
Chúng ta là bạn tình khiếm khuyết và thất trung, nhưng trong sâu thẳm cõi lòng, chúng ta vẫn khát mong trở về với Người tình vô biên. Tuy thế, mọi lo âu, khắc khoải và khổ đau của kiếp nhân sinh, đã che khuất con đường trở về và có thể làm tắt ngấm mọi khát vọng của chúng ta.
Lung Linh hòan toàn đồng ý tư tưởng này: mọi lo âu, khắc khoải và khổ đau của kiếp nhân sinh, đã che khuất con đường trở về khiến chúng ta mãi mãi kéo lê thân phận đi hoang trong một thế giới lưu đầy khốn khổ.
Thánh Bonaventura đã khơi dậy niềm khát khao ấy cho con người trong đời sống tâm linh; đồng thời, ngài cũng chỉ cho chúng ta những phương pháp thực hành để chúng ta có được sự thanh thản và nhẹ nhàng trên hành trình trở về với Người yêu.
Đó là chúng ta hãy rũ bỏ mọi quyến rủ của trần tục, xa lánh mọi lôi cuốn của tội lỗi, và các khoái cảm vật chất và nhục dục. Chúng ta cũng phải thật sự ao ước trở về với Người mình yêu bằng một đời sống tin yêu và phó thác. Có như vậy, thì trong những khúc quanh, hiểm trở của cuộc hành trình, chúng ta mới nhận ra ân sủng và tình yêu của Người đang đổ tràn trên chúng ta, nhờ thế chúng ta sẽ không lầm đường lạc lối.
Lung Linh hòan toàn đồng ý tư tưởng này: Chúng ta cũng phải thật sự ao ước trở về với Người mình yêu bằng một đời sống tin yêu và phó thác.
Nhưng khi bàn về những phương pháp thực hành thì lại rơi vào vũng lầy lấn cấn.
Lý do: Tôi lấy sức mạnh ở đâu để rũ bỏ mọi quyến rũ của trần tục, xa lánh mọi lôi cuốn của tội lỗi?
Nếu tôi chỉ dùng sức mạnh ý chí của con người.. sẽ thường mang lấy thất bại tới 90% trước những quyến rũ của thế gian, xác thịt mạnh như bão tố.
Bằng chứng rõ ràng là: lẽ ra càng thêm tuổi càng thêm khôn ngoan và nhân đức trước mặt TC và loài người
Thực tế rất đáng buồn: dường như càng lớn tuổi thì tội lỗi càng chồng chất…càng bê bối, khô khan hơn!!!
Ngay cả đi tu cũng chỉ có dáng vẻ đạo đức hơn thanh niên thường ngoài đời. Nhưng tình yêu Chúa của mình như thế nào?? càng mặn nồng hay càng lạnh nhạt theo năm tháng ??!!
Khó nhỉ ..đâu phải chuyện chơi !!!!
Vì thế phương pháp này chỉ có tính cách lý thuyết dễ dẫn tới thất bại chua cay. Ắt hẳn là ai trong chúng ta cũng đã từng nhiều lần nếm mùi thất bại này.
-0-0-0-
Hình ảnh của Thiên Chúa được thánh Bonaventura vẽ lên trong “bức tranh tình yêu” trên, phần nào diễn tả được mối tình thẳm sâu của Người dành cho mỗi người chúng ta. Nó biểu trưng cho đặc tính của mối tình thân mật và mặn nồng giữa con người với Thiên Chúa trong đời sống tâm linh. Đây là một cuộc tình diệu vợi và rất riêng tư, con người chỉ có thể cảm nếm được sự ngọt ngào của Người tình vô biên khi nào họ trở về và chìm ngập trong mối tình muôn thuở đó.
Lung Linh hòan toàn đồng ý tư tưởng này:
mối tình thân mật và mặn nồng giữa con người với Thiên Chúa trong đời sống tâm linh. Đây là một cuộc tình diệu vợi và rất riêng tư.
Giáo hoàng Biển Đức XVI cũng đã khẳng định: Có thể nói có bao nhiêu con người thì có bấy nhiêu con đường dẫn về tới Thiên Chúa.
Đức Gioan Phaolô II: «Đừng hiểu lầm về lý tưởng trọn lành này như thể đời sống thánh thiên đòi hỏi phải có một cuộc sống phi thường mà chỉ vài người xuất chúng mới đạt được.
Đường nên thánh thì có nhiều và thích hợp với ơn gọi của từng người.
Tiến trình nên thánh là một tiến trình cá nhân,
-0-0-0-
Chân dung Thiên Chúa của thánh Bonaventura mãi mãi là Người Tình Vô Biên, là Hạnh Phúc Đích Thực, và là Cùng Đích của cuộc sống con người. Người tình vô biên vẫn thủy chung son sắt với mối tình muôn thuở và ngày đêm âm thầm lặng lẽ, ngóng chờ người mình yêu trở về để cuộc tình được trọn vẹn.
Lung Linh hòan toàn đồng ý tư tưởng này:
Người Tình Vô Biên, là Hạnh Phúc Đích Thực, và là Cùng Đích của cuộc sống con người.
-0-0-0-
Mỗi người chúng ta là người yêu của Người, nhưng chúng ta đã nhiều lần lẩn trốn và phụ bạc với tình yêu của Người, để chạy theo sự quyến rũ của lợi danh trần thế. Chúng ta đành can tâm phụ bạc tình Người mãi sao? Phải chăng chúng ta chưa dám quay đầu lại để trở về hàn gắn những vết thương lòng? Có hằng hà sa số câu hỏi vẫn luôn được đặt ra cho bạn, cho tôi và cho tất cả những ai mà trái tim đã hơn một lần “loạn nhịp” trong mối tình thẳm sâu ấy. Câu trả lời cho các câu hỏi trên tùy thuộc vào mỗi một người chúng ta trong đời sống đức tin của mình. Mỗi người trong môi trường sống, kiều kiện sống và bằng cảm nghiệm của con tim, chúng ta tự trả lời với Người tình vô biên.
Vấn đề: Nhiều lần lẩn trốn và phụ bạc:
Nói như thế thì oan quá.
Tôi chỉ lẩn trốn khi tôi lầm tưởng rằng Chúa chỉ mang tai họa cho tôi.
Tôi chỉ lẩn trốn khi tôi có cảm tưởng Ngài giam hãm tôi trong ngục tù với những hàng rào kẽm gai nhọn hoắt.
Tôi chỉ phụ bạc khi tôi biết rất rõ Chúa đã yêu tôi mà tôi cố tình phản lại, không chấp nhận tình yêu của Ngài.
Nhưng khổ nỗi, bấy lâu nay tôi có biết gì đâu. Tôi như đứa trẻ ăn chưa no, lo chưa tới dù trên đẩu đã hai thứ tóc!!!. Tôi chỉ biết giữ đạo sao cho khỏi xuống hỏa ngục; còn tình tôi với Chúa chỉ là con số không to tướng.
Nói “toạc móng heo” ra thì tôi chỉ có thể lẩn trốn luật Chúa, luật Hội Thánh chứ không lẩn trốn khỏi Tình yêu bao la của Ngài.
- Khi có vụ làm ăn phi pháp, lời quá nhiều nhưng làm hại người ta quá lớn
- Khi mỡ treo miệng mèo, không ăn thì uổng. Tôi bèn lẩn trốn khỏi luật Chúa để phạm tội cho khoái cái thân tôi. (Điều răn thứ 6, 9)
- Ham vui với bạn bè quá, tôi liền lẩn trốn luật hội thánh để “cúp cua” lễ buộc Chủ nhật. (Điều răn thứ Nhất)
Tuy nhiên, một khi đã cảm nhận thực sự tình yêu của Thiên Chúa, người ta chỉ còn một quan tâm duy nhất và quan trọng nhất: TẬP SỒNG NÊN MỘT VỚI CHÚA CÀNG NGÀY CÀNG TĂNG THÊM. Tới trình đồ này thì ý tưởng “Lẩn trốn và phụ bạc” trở thành ngớ ngẩn, vô nghĩa.!!!!
-0-0-0-
Việc sánh ví chân dung Thiên Chúa của thánh Bonaventura như là “Người tình vô biên” trong mối tình son sắt với con người “bạn tình hữu hạn” trên đây chỉ là một kiểu diễn tả đơn điệu, ắt hẳn không thể nào làm nổi bật chân dung Thiên Chúa của thánh Bonaventura, nhưng đó là “tia sáng mới” đang le lói những ánh sáng đầu tiên vào trong những khoảng tối mờ trống trãi của tâm hồn tôi.
Tôi mong ước rằng một ngày nào đó ánh sáng dịu êm của Người tình vô biên sẽ thâm nhập và chiếu sáng tâm hồn mỗi người chúng ta, soi sáng cho chúng ta tìm về với Người trong đời sống tâm linh và được hưởng nếm sự ngọt ngào của mối tình muôn thuở ấy.
Góp ý thêm của Lung Linh
Muốn được hưởng nếm sự ngọt ngào của mối tình muôn thuở ấy. không thể ngồi chờ sung rung, chẳng làm gì cả.
Nói cách khác,
Muốn ánh sáng dịu êm của Người tình vô biên sẽ thâm nhập và chiếu sáng tâm hồn mỗi người chúng ta, cần phải có vài điều kiện sau đây:
Phải dành mỗi tối ít là 15 ngồi yên lặng để đón nhận Chúa sống trong mình bằng một câu duy nhất thí dụ: “Chúa ôi, Chúa sống trong con từ lâu lắm rồi”. Tất nhiên là mỗi người nên chế ra một câu mà mình tâm đắc. Cứ nói chậm rãi từ từ cả trăm lần.
Lúc đầu chẳng cảm thấy gì cả..nhưng cứ kiên trì tiếp tục như thế. Mấy tháng sau, ta lờ mờ nhận ra sự có mặt của Ngài trong mình. Rồi một ngày đẹp trời nào đó trong một giây phút bất chợt, ta thấy ánh nhìn của mình khác quá ..không còn giống như trước kia nữa…ta đang cới bỏ con người cũ..và đang mặc con người mới.
Song song với phương pháp ngồi yên lặng để đón nhận Chúa sống trong mình, Bản thân mình cũng phải tự lần mò tìm kiếm bằng cách đọc Kinh Thánh với quyết chí tìm cho ra khuôn mặt đích thực và sống động của Chúa. Mỗi một khám phá mới – đó cùng chính là ánh sáng mà ta nhận được. Và cho tới một lúc nào đó hàng trăm ánh sáng sẽ làm cho căn phòng Tâm Linh của ta rực sáng. Đó chính là lúc Người tình vô biên thâm nhập và chiếu sáng tâm hồn mỗi người chúng ta,
Đây là việc của mỗi người không ai làm thay cho ai được, ngay cả vợ chồng đầu ấp tay gối cũng thế. Ai muốn ăn thì lăn vào bếp…
Nào chúng ta cùng nhau lên đường tìm kiếm Ngài ngay trong tâm mình. như một thương gia phải đào xới kho tàng được tàng ẩn trong thửa ruộng của riêng mình. “Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. (Mat 13:44)
vao doi - dongcongnet