Suy niệm 10 phút Mỗi Ngày
 
 

GIA ĐÌNH và LÒNG ĐẠO ĐỨC BÌNH DÂN

-Chúa nhật lễ thánh gia thất

Lòng đạo đức bình dân là sáng kiến của gia đình, cộng đoàn tìm lối đi đạo, tìm cách sống đạo và tìm đường giảng đạo nơi quê hương mình. Qua bao nhiêu năm tháng tín hữu Việt Nam mang Tin Mừng ‘ngâm’ trong đạo trung, đạo hiếu, ‘tẩm với’ chữ tâm, chữ tình cho Tin Mừng thấm đẫm văn hoá Việt thành thân, thành quen, nên da nên thịt với dòng giống Việt. Kinh nghiệm hàng ngàn năm của Giáo Hội chứng minh, những hình thức đạo đức trong gia đình đã mang lại những thành quả phong phú cho đời Kitô hữu. Từ kinh nghiệm này và dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội tin rằng, lòng đạo đức này có thể mãi góp phần lớn lao để thực sự đưa đức tin hội nhập vào văn hoá phù hợp với những nét đa dạng của các dân tộc và các châu lục (bài 8 Giáo Lý về gia đình, số 3). Lòng đạo đức bình dân đã quy tụ gia đình trước bàn thờ Chúa nguyện lời kinh sáng tối, hát thánh ca, và nhắn nhủ nhau sống đạo lý Chúa qua những bài đồng dao dễ thấm, dễ cảm, dễ hiểu, dễ nhớ. Bên cạnh những cử hành phụng vụ, lòng đạo đức bình dân hay ‘mở hội’ hành hương, ‘mở lễ trọng thể’. Tất cả “phát xuất từ kinh nghiệm tôn giáo và đức tin chân thành không nghi ngờ của các Kitô hữu” (bài 8 Giáo Lý về gia đình, số 4.1). Lòng đạo đức bình dân còn rủ nhau, Dù ai đi vắng đâu xa, về lại họ nhà sám hối mùa chay. Và lòng đạo đức bình dân cũng làm thành lề thói hiếu khách, với những cách làm ơn, làm phúc giàu nhân ái. Trước lời khích lệ của Uỷ Ban Giáo Hoàng về Gia đình, “Gia đình Kitô hữu cần liên kết chặt chẽ với những hình thức đạo đức này” (Giáo Lý về gia đình bài 8, số 4.4), theo hướng dẫn của Giáo Hội và thấm cảm Lời Chúa, chúng ta, các gia đình cùng về lại bầu khí sốt sắng ở quê mình xưa và nay để nghe, để thấy và để cảm nghiệm, gia đình và lòng đạo đức bình dân đang thi công những công trình đức tin lớn lao.

GIA ĐÌNH VÀ CUỘC CHUYỂN GIAO ĐỨC TIN QUA LÒNG ĐẠO ĐỨC BÌNH DÂN

Gia đình là mảnh ‘Đất Hứa’ cho lòng đạo đức bình dân nuôi lớn hạt giống đức tin trong đất màu văn hoá. “Việc chuyển giao những biểu hiện riêng của nền văn hoá từ cha mẹ đến con cái. Nghĩa là từ thế hệ này đến thế hệ khác, bao gồm cả việc chuyển giao những nguyên tắc Kitô giáo. Trong một số trường hợp, sự kết hợp này khăng khít đến độ các yếu tố đức tin Kitô giáo trở thành những yếu tố nội tại của căn tính văn hoá một dân tộc” (LĐDBD&PV, số 63, UBVH/HĐGMVN). Trong bối cảnh tam giáo Phật Lão Khổng, với những điểm nhấn về nhân sinh, vũ trụ quan đặc trưng khác với Kitô giáo, nhiều gia đình Kitô hữu phân vân, sống đạo thực tế là nỗ lực lội ngược dòng hay thả xuôi dòng với nền văn hoá dân tộc. Chẳng hạn, vang bóng một thời, người đàn ông Việt có lúc bị giới hạn vào chữ ‘trung’ rất chật chội trong tương quan ‘quân thần’, ‘quân xử thần tử, thần bất tử bất trung’ mặt khác ông lại leo lên quá cao trong tương quan ‘phu thê’, ‘trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng’. Và nữa, lối nhìn trọng nam khinh nữ ‘nhất nam viết hữu thập nữ viết vô’ đã bao phen gây khủng hoảng cho xã hội và vẫn còn để dấu sâu đậm mãi tới hôm nay. Dĩ nhiên, như Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói, lòng đạo đức bình dân vừa phải nỗ lực chuyển tải văn hoá vừa chuyển giao những nguyên tắc Kitô giáo từ cha mẹ đến con cái, từ thế hệ trước đến thế hệ sau. Đây là sứ mạng tế nhị, khó khăn. Không thể giản dị xác quyết, sống đạo là ngược hay xuôi với bối cảnh văn hoá dân tộc, nhưng chắc chắn lòng đạo đức bình dân sẽ gạn đục khơi trong để tín hữu sống Tin Mừng không ngược dòng với đạo lý Chúa nhưng cũng không thành kẻ lạ mặt giữa quê hương mình (sứ điệp gửi Hội Nghị Khoáng Đại Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, số 4).

A/ Bài học khai tâm Lòng Tin
Cha mẹ dạy ‘Đạo’ cho con cái ngay từ thuở con còn thơ dại, ‘Có con gầy dựng cho con, gọi là nối đức tổ tông dõi truyền’; ‘Uốn cây từ thuở còn non, dậy con từ thuở con còn ngây thơ’ (ca dao), Cha mẹ dạy con bài học đầu tiên, Chúa không bao giờ vắng mặt trong mái ấm nhà mình:
- “Ạ Chúa đi con”

Theo kinh nghiệm dân gian, cha mẹ sẵn sàng chuyển giao ‘Đạo’, chuyển giao đức tin cho con khi con chỉ vừa bập bẹ biết nói, chỉ vừa giao cảm được với mẹ bằng đôi ba tiếng ê a. Khi ẵm con đi qua trước bàn thờ, trước tượng ảnh Đức Mẹ, người mẹ thường ấn nhẹ đầu con xuống, “con ạ Chúa đi”, hoặc, “con ạ Đức Mẹ đi”. Người mẹ kiên tâm dạy con làm quen dần với ‘Chúa’ trên bàn thờ và gần gũi với ‘Đức Mẹ’, bà hay chỉ cho con: “Chúa Giêsu đang nhìn bé kìa”, hay là “Đức Mẹ đang mỉm cười với con đó”. Từng bước, từng bước thầm, người mẹ cứ âm thầm làm người ‘mai mối’, cho tới một ngày đứa con thơ tự biết cúi đầu khoanh tay ạ Chúa, ạ Đức Mẹ là niềm vui oà vỡ ra xôn xao cả nhà. Cha vui, mẹ vui, anh chị em vui như mở hội trong lòng. Vào sau những giờ kinh tối, nếu bé còn thức, người mẹ sẽ ẵm bé ra “trình diện và ‘ạ’ cho cả nhà vỗ tay khích lệ. Không thể coi đây chỉ là một ‘mánh nhỏ dạy con’ nhưng phải thấy là cả một công trình của lòng đạo đức bình dân đang tiến hành chuyển giao đức tin. Và đây là bước đầu con học ‘Đạo’, học ‘tin’. Niềm vui này hứa hẹn ngày mai, những đứa con lớn khôn ra đời, cha mẹ sẽ an lòng hiểu với con rằng, suốt cuộc đời con sẽ chỉ biết ‘cúi đầu ạ Chúa’, thờ Chúa và dám nói không với bất cứ quyền lực, lợi danh nào.

Đức Bà Chữa
Khi con còn thơ, người mẹ Việt Nam rất gần gũi con, nhất là lúc con đã lanh chân chạy nhảy, mẹ không lúc nào rời mắt. Thời điểm này, gặp lúc con té ngã, bà vội vã đến ngay đỡ con dậy và lên tiếng ngay thành lời trấn an con: “Đức Bà Chữa, Đức Bà Chữa...” Và mỗi lần ẵm con trong lòng, con hít phải luồng gió lạnh, gió lạ, bé hắt xì hơi là mẹ cũng đáp ngay sau mỗi tiếng hắt xì, “Đức Bà Chữa”. Người mẹ hiểu “Đức Bà Chữa” là lời cầu xin Đức Bà bầu chữa cho con mình nhưng trong kế hoạch đường dài, “Đức Bà Chữa” cũng là một lối ‘truyền âm nhập mật’ gieo trồng vào cõi tâm con đức tin sơ khởi, là giới thiệu cho con làm quen dần với Đức Mẹ. Cách nào đó, theo tâm lý mộc mạc, người mẹ nghĩ, Đức Mẹ dễ giới thiệu hơn nên giới thiệu Đức Mẹ cho con trước khi giới thiệu Chúa.

“Cháu biếu ông”
Lòng nhân ái thực tế Chúa Giêsu dạy trong Tin Mừng, gia đình tín hữu nào cũng nhớ nằm lòng, “Vì xưa tôi đói, anh em cho ăn, tôi khát anh em cho uống, tôi trần truồng anh em giúp áo quần, tôi bệnh nạn anh em ghé thăm, tôi tù đày anh em ghé nuôi” (x. Mt 25, 35). Để việc chia sẻ bác ái thành công trình chung của cả nhà, đặc biệt thành lời nhắc nhớ cụ thể cho con cái, nhiều gia đình tổ chức ‘Kho Từ Thiện’. Kho từ thiện nói cho lớn lao, cho văn hoá tuy thực tế chỉ là cái hộp nhỏ để trên đầu tủ, đựng tiền góp của cha mẹ và các anh các chị, để dành chia cho những người nghèo. Chuyện đáng nói là những đứa em nhỏ trong nhà cũng được góp phần. Dĩ nhiên các em không có tiền để góp nên phải góp công. Mỗi lần có bóng người ăn xin đi ngang là các ‘phần vụ’ khởi động. Người lớn sẽ mở hộp lấy ra số tiền chi viện theo ‘nghị quyết’ đã ban hành (Chẳng hạn khi kho từ thiện đang sung túc, mỗi người ăn xin sẽ được chia năm ngàn, gặp lúc eo hẹp chỉ chia hai ngàn, hoàn cảnh đặc biệt có thể chi nhiều hay rất nhiều). Số tiền chi viện cho ‘kẻ khó’ sẽ do chính em bé trong nhà trao tay với thái độ và lời nói vừa thân tình vừa trân trọng: “Cháu biếu ông” hay “biếu bà”. Đặc biệt công trình chung này sẽ được thông tin chi tiết vào giờ kinh tối. Chẳng hạn mẹ hay bố vừa thông tin vừa khích lệ: “hôm nay bé Ngân đã thay mặt nhà mình giúp năm ngàn cho một người mẹ nghèo đi ăn xin, hoan hô lòng tốt của bé và cả nhà”. Như thế là bé Ngân đã được khích lệ tinh thần nhân ái của Tin Mừng ngay từ lúc bé còn trong ‘trứng nước’. Bé sẽ quen dần với nề nếp nhân ái của lòng đạo đức bình dân. Chúng ta có quyền chắc dạ, trong truyền thống đạo đức của gia đình, mọi ngưòi chẳng lo cá không ăn muối cá ươn, Con cưỡng cha mẹ trăm đường con hư.

B/ Bài Học Cầu Nguyện Buổi Tối

Trong Tông Huấn Gia Đình, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nhấn mạnh: “ngoài các kinh sáng tối, cần đặc biệt khuyến khích [...]: đọc và suy niệm Lời Chúa, chuẩn bị lãnh nhận Bí Tích, tôn kính và dâng mình cho Thánh Tâm Chúa Giêsu, thực thi những hình thức sùng kính khác nhau đối với Đức Mẹ, cầu nguyện nơi bàn ăn, làm các việc đạo đức bình dân” (Tông Huấn Gia Đình, số 68). Có một dạo, các bạn trẻ ngán ngẩm giờ kinh nguyện buổi tối trong gia đình, thấy như ‘một giờ lao động công ích’. Vắng mặt không xong nhưng có mặt phải đối mặt với những chuỗi ‘kinh kệ’ lê thê, hết kinh cầu này tới kinh cầu khác, dứt chuỗi hạt này sang chuỗi hạt kia, vừa chán chường vừa buồn ngủ nên có cơ hội trốn là trốn ngay. Hơn nữa nhiều lời kinh có thể gây ấn tượng đen tối. Có bạn kể, thỉnh thoảng vào tuần lễ tang, lễ giỗ cả nhà đọc kinh Vực Sâu, kinh Bởi Lời là bạn rùng mình nổi da gà, thấy lòng hoang mang hãi sợ, khi hình dung: người thân, người quen đang đắm chìm trong cảnh tăm tối, thê lương. Ngày nay trước nhu cầu công việc, hoặc do sức ép bài vở từ trường lớp của con cái, phần lớn phụ huynh đã giảm bớt ‘đề cương’ kinh nguyện buổi tối. Tại nhiều gia đình không biết từ hồi nào tự nhiên biến mất giờ kinh tối, chỉ còn mạnh ai nấy đọc, có khi chỉ đọc vội ‘ba kinh Kính Mừng làm giá’ để được Đức Mẹ cứu khỏi lửa hoả ngục (x. sách Tháng Đức Bà). Tuy nhiên nhiều gia đình vẫn còn giữ truyền thống tốt đẹp, sau một ngày vất vả lao nhọc hay học hành, cả nhà tạm gác bỏ một bên hết mọi gánh gồng, lo toan cùng xum họp nhau trước bàn thờ Chúa nguyện kinh tối. Mọi người hoà lòng với nhau dâng lên Chúa, ngỏ với Đức Mẹ những kinh nguyện truyền thống như kinh Dâng Gia Đình cho Trái Tim Chúa, Kinh Kính Mừng, Kinh Lạy Nữ Vương, tất cả là những kinh nguyện đã bám rễ sâu trong lòng đạo đức của Giáo Hội từ rất lâu đời. Ngoài những kinh truyền thống, gia đình còn dành ít phút nghe một câu, một đoạn Thánh Kinh làm ý lực sống cho mỗi ngày. Nhiều gia đình kết thúc giờ kinh chung bằng những lời cầu nguyện xuất phát từ tâm tư mỗi người và cầu lớn tiếng cho cả nhà dự phần. Tại một số gia đình, các con đã đi ở riêng cũng rủ nhau nguyện kinh tối đúng giờ hẹn trước, như để hoà lòng tạ ơn Chúa và hiệp thông tình thân cha mẹ với con cái, anh chị em với nhau, gìn giữ và nâng đỡ lòng tin của nhau. Một số gia đình tổ chức lần ‘chuỗi mân côi sống’ cầu cho nhau và cầu cho ông bà, tổ tiên đã qua đời: Mỗi gia đình trong đại gia đình nhận một ngắm với mười kinh Mân Côi, chia sao cho đủ 5 ngắm của một mùa Vui hoặc mùa Sáng, mùa Thương hay mùa Mừng. Những ‘chuỗi Mân Côi sống’ cho gia đình cảm nghiệm mầu nhiệm hiệp thông trong Giáo Hội, hiệp thông giữa các thành phần của gia đình, Giáo Hội tại gia, hiệp thông giữa người sống và người chết, hiệp thông giữa các thánh với người trần gian. (Đời mình một chuỗi Mân Côi; hạt Thương hạt Sáng hạt Vui hạt Mừng...). Về giữa gia đình, cầu nguyện chung với nhau giờ kinh tối đúng là ‘hồi hương’, về lại nhà để múc kín sức mạnh của lòng tin, củng cố tình thân, hoà giải những bất bình.

C/ Bài Học Sống Những Biến Cố Vui Buồn

“Quả thật chính đức tin đã mang lại những tập quán và những thực hành của lòng đạo đức bình dân. Điều này rất phù hợp với vai trò làm cha mẹ trong việc phát triển và trao ban cho con cái tinh thần kiên vững, đơn sơ của lòng đạo đức này và thể hiện cuộc sống tương giao với Thiên Chúa không chỉ trong hình thức phụng vụ nhưng còn cả trong mọi tình huống của cuộc sống hàng ngày” (Bài 8 Giáo lý về gia đình, số 4,6).

Lễ Tơ Hồng
Lễ Tơ Hồng là theo sự tích Trung Hoa, đời Đường, có một người tên là Vi Cố đi chơi đêm trăng, gặp một cụ già đang ngồi lần rở một quyển sách dưới bóng trăng, tay cầm một nắm dây tơ màu hồng, hỏi thì cụ cho biết, cụ là Nguyệt Lão chuyên lo việc xe duyên cho vợ chồng nhân gian, dây tơ hồng cụ cầm tay để cột chân hai người làm vợ chồng. Cụ bảo, theo cuốn sổ này, có cả tên họ của người vợ tương lai của anh. Hiện người này là đứa con gái nhỏ của một người ăn xin ngoài chợ (‘Đất Lề Quê Thói’ của Nhất Thanh, Nxb. VHTT, 2001, Trang 404). Sự tích Tơ Hồng diễn tả quan niệm duyên phận trong hôn nhân, ‘Thân em như hạt mưa rào, hạt rơi xuống giếng, hạt vào vườn hoa’ hoặc phận gái mười hai bến nước đục, trong. Trong nhờ đục chịu’. Trước quan niệm này, hôn nhân Kitô giáo vào cuộc, đã tách Nguyệt Lão ra khỏi vòng xe đan tơ hồng tuy giữ lại kiểu nói văn chương xe duyên kết phận, nhưng quan trọng là lòng đạo đức bình dân đã mang Chúa vào lãnh công trình xe duyên kết phận đôi hôn nhân. Đây không phải chuyện ỡm ờ mây gió của Ông Tơ Bà Nguyệt nhưng đúng như lời xác định trong Bí Tích Hôn nhân, “Điều Thiên Chúa đã kết hợp, con người không được phân ly” (x. Mc 10, 9). Và cũng quan trọng: nét đặc trưng mới mẻ của cuộc xe duyên Kitô giáo là ‘con người không được phân ly’. Theo đấy, ngoài Thánh Lễ Hôn Nhân với cuộc chứng hôn cử hành tại nhà thờ họ đạo, cuộc hôn nhân còn thêm những nghi thức tôn giáo nhiều ý nghĩa, rất cảm động và đậm màu sắc văn hoá dân tộc. Nói chung, ngày nay nghi thức đưa, đón dâu rể của các cặp hôn nhân Kitô giáo luôn bắt đầu bằng những lời cầu nguyện giữa đông đủ họ hàng, người thân, người quen đôi bên, xin Chúa chúc phước lành cho cô dâu, chú rể. Lời cầu nguyện thường được xướng cất do một vị cha bác vị vọng của đàng trai hay đàng gái và được cả cộng đoàn đáp nguyện. Hoà với những lời cầu nguyện là những bài thánh ca mang ý nghĩa xin ơn và tạ ơn Chúa cho đôi tân hôn. Thêm vào đó là lời nhắn nhủ của cha mẹ đôi tân hôn, khuyên đôi bạn sống theo mẫu gương của Thánh Gia: Thánh Giuse, Đức Mẹ và Chúa Giêsu và những lời chúc nguyện tốt đẹp.

Lễ Tang
Chúng ta tin, ‘cuộc sống con người thay đổi chớ không mất đi và khi nơi nương náu ở trần gian này thay đổi, họ lại được một chỗ cư ngụ vĩnh viễn trên trời’(x. Dt 11, 16) khác hẳn với lối nhìn chung của dân mình: ‘Kiếp này duyên đã lỡ duyên, kiếp sau xin hẹn cửu tuyền gặp nhau!’ (ca dao). Dù khác biệt nhau về niềm tin, lòng đạo đức bình dân rất đồng cảm với những lối diễn tả, những tâm tình về nỗi chết với cách gìn giữ tình cảm sâu đậm cho người quá cố. Từ đó tang lễ tại gia và việc tưởng nhớ người quá cố đã hội nhập tốt đẹp một số nghi thức văn hoá địa phương: với niềm tin tưởng vào thế giới bên kia, thế giới của những người đã khuất, người lương dân luôn làm sống động mối liên lạc với ông bà tổ tiên bằng việc cúng quả, hương đèn mỗi ngày trước di ảnh người quá cố và ghi nhớ ngày giỗ cùng với nghi thức tưởng niệm. Riêng tín hữu cũng có thể đón nhận những nghi thức tương tự như thắp nhang trước quan tài, trước hương án tổ tiên như lời minh định lòng tin vào Đức Kitô Phục Sinh và lời hứa của Chúa: “Chính Thày là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thày thì dù có chết cũng sẽ được sống. Ai tin vào Thày sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 11, 25-26). Ở đây tín hữu còn ý thức rõ, thắp nhang trước thi hài hay di ảnh người quá cố không có nghĩa một lối nhìn nhận, đánh giá về vận mệnh thiêng liêng của ai. Vận mệnh của mỗi người chỉ mình Chúa biết. Nhưng tin vào lòng nhân lành Chúa, tín hữu luôn dâng lời nguyện cầu cho mọi người quá cố. Hơn nữa vào những ngày giỗ, những dịp tưởng niệm tín hữu không quên cầu nguyện, xin lễ, dự lễ cầu cho tổ tiên, ông bà. Đặc biệt dịp lễ Các đẳng Linh Hồn các gia đình thường rủ nhau đi ‘đất thánh’ sửa sang mộ phần người thân, chưng bông hoa và đặt nhang đèn trên mộ phần. Đúng ngày lễ (2 tháng 11) con cháu từ các nơi về dự lễ cầu nguyện. Với những họ đạo có nghĩa trang riêng và có điều kiện thuận tiện, thánh lễ cầu cho các đẳng sẽ cử hành ngay tại nghĩa trang. Nếu có nhà hài cốt, thánh lễ cũng cử hành tại đây. Ở nhiều nơi mỗi tháng có thánh lễ tại nhà hài cốt với nhiều thân nhân dự để cầu cho người đã khuất. Những nề nếp này đều phản ảnh lòng tin sáng tỏ vào tín điều ‘các thánh cùng thông công’. Đối với những người quá cố, lòng đạo đức bình dân được biểu thị bằng nhiều cách, tuỳ theo nơi chốn và những truyền thống khác nhau. Đặc biệt có thể kể: tuần cửu nhật cầu cho những người đã qua đời, chuẩn bị cho Lễ Các Linh Hồn ngày 2 tháng 11, viếng Nghĩa trang: việc này có thể được thực hiện một cách cộng đồng, như vào ngày Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời (LĐĐBD&PV, số 260).

Lễ Khấn Xin
“Còn có những hình thức khác của lòng đạo đức bình dân như cầu nguyện nhóm, lần chuỗi trong gia đình, ...xin khấn cầu nguyện cho mưa thuận gió hoà hay giữ gìn chở che cho khỏi tai ương hoạn nạn” (Bài 8 Giáo lý về gia đình, số 4,5). Một người thân lâm bệnh nặng, một vụ cháy nhà, một cơn bão sắp ập tới, một cuộc động đất, một cuộc chiến đang đe doạ bùng nổ... Nói chung bất cứ cảnh khốn khổ, nỗi bất trắc nào xẩy ra trong gia đình hay ở một địa phương đều làm mọi người lo lắng, hãi sợ. Giữa cơn lo sợ vô vọng, lòng đạo đức bình dân luôn dẫn tín hữu tới những lời cầu nguyện, cầu nguyện cá nhân hay gia đình hoặc nhiều gia đình họp nhau cầu nguyện xin Chúa cho tai qua nạn khỏi. Ý khấn xin của gia đình có thể thông báo cho một nhóm gia đình cùng hiệp ý xin hoặc quy tụ nhiều gia đình để khấn nguyện chung. Ai cũng hy vọng lời cầu nguyện của nhiều người đáng được Chúa lắng nghe, ‘một hạt kinh chung bằng một thùng kinh riêng’, như lời Chúa Giêsu đã hứa, “khi anh em hai ba người tụ họp lại cầu nguyện nhân danh Thày, Thày sẽ ? giữa họ” (x. Mt 18, 20).

GIA ĐÌNH VÀ CUỘC TIẾP NHẬN TRUYỀN THỐNG ĐẠO ĐỨC

Gia đình là Giáo Hội tại gia, nhưng trong tương quan với Họ đạo, gia đình là thành phần của Họ đạo, một Giáo Hội Địa Phương thu nhỏ. Trong tình cảm Họ đạo được nhìn như ‘đất tổ quê hương’ của các gia đình. Nơi đây có ngôi giáo đường thân quen luôn ấp ủ cộng đoàn trong những cảnh vui buồn, những bước thăng trầm và ghi nhận bao nhiêu biến cố phúc hạnh của những người con trong các gia đình. Từ những ngày họ còn bế ngửa lãnh Bí Tích Rửa Tội sang thời thơ ấu Xưng tội, Rước lễ lần đầu (vỡ lòng) rồi được Thêm Sức, Bao Đồng. Nơi đây các gia đình nhận được sức sống, ơn thánh từ các Bí Tích và họp nhau thành cộng đoàn phụng thờ, tạ ơn và ngợi khen Thiên Chúa. Đàng khác cũng nơi đây, “các gia đình được tiếp nhận nhiều hình thức khác nhau của lòng đạo đức bình dân thể hiện trong suốt Năm Phụng Vụ và đặc biệt trong Mùa Chay, Tuần Lễ Thánh và Tam Nhật Vượt Qua. Ngoài những dịp lễ đặc biệt, còn những thể hiện lòng đạo đức bình dân tương quan với Đức Trinh Nữ Maria, các tín hữu đã qua đời và các Thánh” (Bài 8 Giáo lý về gia đình, số 4.3).

A/ Mùa Tĩnh Tâm Và Sám Hối
Mỗi năm vào mùa Vọng và mùa Chay các gia đình nô nức chuẩn bị tâm hồn đi dự tuần tĩnh tâm và sám hối tại nhà thờ Giáo họ để chuẩn bị mừng Chúa Giáng Sinh hoặc mừng Chúa Phục Sinh. Đây là những biến cố đỉnh cao trong cuộc đời Chúa Giêsu được Phụng Vụ nhấn mạnh, và nơi các gia đình, được vợ chồng nhắn nhủ nhau, cha mẹ nhắc nhở con cái. Khi mùa tĩnh tâm sám hối về, khung cảnh Giáo họ náo nhiệt hẳn lên và bầu khí các gia đình sốt sắng khác thường. Vào mùa sám hối các gia đình cố sắp xếp công việc nhà cho con cái thư thái tham dự tĩnh tâm. Nhiều người cũng tạm hoãn những chuyến làm ăn xa, ở nhà lo ‘sám hối’. Không khí Giáo họ như làm ‘căng thẳng’ hơn, có vẻ gây sức ép tâm lý nặng hơn cho những người con chưa sẵn sàng sám hối hay không sẵn lòng trở về. Tuần tĩnh tâm sám hối thường trở thành điểm khởi đầu cho cuộc hồi hương của đứa con hoang trở về nhà cha. Vào Mùa Tĩnh Tâm Sám Hối, tự nhiên lòng người hồi tưởng đến sứ điệp lòng khoan dung và tha thứ của Thiên Chúa: dụ ngôn Người Cha Phung Phí (tên gọi mới của dụ ngôn Người Con Hoang Đàng), dụ ngôn Ông Vua Tha Nợ... Vào Mùa Sám Hối, nếu những người con trong nhà vẫn hờ hững đứng ra bên lề giáo đường, từ chối các Bí Tích, sẽ tự nhiên thấy không yên lòng và khát khao tìm một lối về Hoà Giải. Do đó trong ngôn từ bình dân, người ta bảo, vào Mùa Thánh này Giáo Hội thường bắt được những ‘con cá sộp’ từng bỏ xưng tội có khi mười mấy hai chục năm. Với những cặp hôn nhân rối, mùa Tĩnh Tâm Sám Hối thành những mốc điểm cho các anh chị dừng bước sám hối và thực lòng tìm lại nhịp sống hiệp thông với Giáo Hội, với gia đình.

Tịnh tâm và tịnh khẩu
Trong nhiều gia đình chẳng hiểu tại sao vợ với chồng hoặc cha mẹ với con cái tự nhiên khắc khẩu, nói với nhau dù chuyện to hay chuyện nhỏ cũng thành to tiếng, rồi sang nặng lời. Nặng lời đến cãi cọ và cãi cọ thành cãi vã (vừa cãi, vừa vả!). Những tình huống xuôi chiều võ biền này trong Mùa Tịnh Tâm sẽ dễ bị bà con, xóm riềng nhân danh tinh thần Mùa Sám Hối làm ‘khó dễ’: “Các cháu ạ, một câu nhịn, chín câu lành, mình đang trong Mùa Sám Hối, các cháu giữ lòng, giữ miệng mà rước lễ!” Đã hẳn ai biết tịnh tâm là biết tịnh khẩu nên các gia đình trong xóm đạo bớt những cuộc xô xát, cãi vã. Nghĩa là biết nể Chúa, nể nhau hơn. Sống Mùa Thánh các gia đình sẽ ý thức rõ tình liên đới cộng đoàn trong hành trình về Quê Trời, hành trình với nhau sẽ ‘biết chị ngã em nâng’. Mọi người sẽ không ngần ngại theo Thày, cùng với Thày lặn lội đi tìm và vác về những con chiên xa bầy (x. Mt 18, 12). Thày cũng thuận ý như thế như có lần Thày ân cần nói với Phêrô, “Khi anh vững tin, anh sẽ làm vững đức tin cho anh em” (x. Lc 22, 32).

Tại tâm hay tại ngoại
Đáng tiếc, một số giáo dân học nhiều, kiến thức rộng đã hờ hững đứng bên lề Mùa Tĩnh Tâm Sám Hối, không hoà với ‘lòng đạo đức bình dân’, viện lẽ ‘Đạo tại tâm’. Họ hay chê đề tài tĩnh tâm bình dân, chê người hướng dẫn tĩnh tâm cũng bình dân! Ai hiểu cho, trong cuộc tĩnh tâm, không phải lời con người nhưng chính Lời Chúa được công bố đã tác động nơi tâm hồn người tham dự. Có dạo những nhà trí thức Công Giáo ở Paris xôn xao khi nghe tin, đông đảo người tới lắng nghe và thụ giáo với một Linh Mục học dốt hồi ở chủng viện, đang làm Cha Sở Họ đạo Ars. Đã có người nghĩ xấu: “Ông Cha này dốt, chẳng hiểu hết sự tình, nguồn ngọn nên chuyện gì cũng lý giải giản dị”. Họ nghĩ ngài giống chiếc chìa khoá ‘passe partout’ cái gì cũng ‘passable’. Nhưng nghĩ thế là lầm, những nhà trí thức thành tâm muốn tìm hiểu Cha Sở họ Ars, sau khi đi thăm Cha trở về đều chẳng chịu mô tả, biện luận gì, chỉ giản dị: “Chúng tôi đã gặp được Thiên Chúa”. Dĩ nhiên chẳng cứ phải những đầu óc thông minh bác học mới là nhân chứng Thiên Chúa có mặt. Một Linh Mục ‘hai lúa’, sống giữa họ đạo nhà quê vẫn đúng là người thắp lửa lên, ngọn lửa của lòng sám hối giữa một cộng đoàn nhà quê đang tịnh tâm. Và ai từ chối quỳ gối, cúi đầu tỏ lòng tôn thờ Chúa, dửng dưng với kinh nghiệm chân thành về lòng tin và sống đức tin của cộng đoàn là từ chối đồng hành với Dân Chúa. Như thế ai nghĩ, ‘đạo chỉ là tại tâm’ là giản lược Đạo thành một ý tưởng, một lập trường thuần lý, là xa rời Lời Thày. Với Thày đạo là chính Thày để chúng ta tin yêu và hy vọng. Đạo là con đường tình Thày đi cho chúng ta vác thập giá đi với và đi theo Thày: “Ai muốn theo Thày, xin vác thập giá mình mỗi ngày và đi theo” (x. Mt 16, 24). Và tình yêu Thày dạy chúng ta không chỉ là lý tưởng trong lòng ai nhưng ‘yêu thương’ là xoa dầu, bóp thuốc, xốc lên ngựa, đem về quán trọ, trả tiền (x. Lc 10, 34), yêu là cho người đói ăn, người khát uống, giúp người trần truồng áo quần mặc, thăm hỏi người yếu đau, xách giỏ đi thăm nuôi người bị tù (x. Mt 25, 35). Và nói theo nhà Bác học Pascal, “Bạn cứ quỳ gối xuống rồi bạn sẽ sám hối” (nguyên văn câu của Pascal: ‘Bạn cứ quỳ gối xuống rồi bạn sẽ tin’).

B/ Mùa Dâng Hoa
Tháng Năm là tháng Kính Đức Mẹ, cũng là tháng các nhà thờ rước kiệu Đức Mẹ và dâng hoa. Nên thời gian này cũng gọi là Mùa Dâng Hoa. Vào Mùa Dâng Hoa, Giáo dân Việt Nam thể hiện lòng sùng kính và tình cảm đặc biệt với Đức Trinh Nữ Maria. Lòng sùng kính Đức Maria không chỉ là cảm tính, như ai đó nhận định, và có thời nhiều người muốn bỏ tháng kính Đức Mẹ (LĐĐBD&PV, số 191). Hướng dẫn về Lòng Đạo Đức Bình Dân & Phụng Vụ phần ‘Lòng Sùng Kính Với Mẹ Thánh Của Chúa’ đã định hướng: Trên thực tế, các tín hữu biết rằng người Con là Thiên Chúa, Chúa của họ, và Đức Maria, người Mẹ, cũng là Mẹ của họ... Họ cử hành các cuộc lễ của Mẹ trong niềm vui, sẵn lòng tham gia các cuộc rước kiệu tổ chức để tôn vinh Mẹ và đi hành hương đến những ngôi đền cung hiến cho Mẹ, họ thích hát lên những bài ca ngợi Mẹ và dâng lên Mẹ lòng tôn kính khi phát nguyện những khấn hứa (sđd số 183).

Dâng hoa là một biểu hiện lòng sùng kính Đức Mẹ đặc trưng của tín hữu Việt Nam vùng Đồng Bằng Bắc Việt. Lễ dâng hoa thường bắt đầu bằng cuộc rước kiệu Đức Mẹ với chuỗi Mân Côi và kết thúc bằng Chầu Phép Lành Mình Thánh Chúa. Lễ dâng hoa gồm ba yếu tố: vãn dâng hoa (lời hát khi dâng hoa), múa dâng hoa và tâm tình hiến dâng.

Vãn dâng hoa thuộc loại văn chương dân dã tuy không chải chuốt mượt mà nhưng ngôn từ thanh nhã, sâu đậm tình cảm. Thí dụ: Chúng con mọn mạy phàm hèn, dám đâu ngước mắt trông lên bàn thờ. Đền vàng quỳ trước dâng hoa, trông lên tháp báu thấy toà Ba Ngôi. Vãn dâng hoa theo thể nhạc ngũ cung Việt Nam. Với những tiếng ngâm nga ‘i, a’ truyền thống văng vẳng, nhẹ nhàng và cung kính. Riêng nội dung các bài vãn rất sáng tỏ là những lời chúc tụng, tạ ơn và khấn xin tâm thành. Tác giả những bài vãn này chưa xác định được nhưng nhiều người nghĩ, họ là những nghệ sĩ dân dã sống giữa các xóm đạo nhưng hiểu biết giáo lý và thông thạo chữ nghĩa. Điều đặc biệt là hầu hết các bài vãn hoa ở miền Bắc cung giọng, phần đoạn giông giống nhau.

Múa dâng hoa là một điệu múa dân gian cổ truyền gồm khoảng từ 6 tới 12 cặp con hoa, thường con hoa là nữ không có pha trộn nam nữ. Các con hoa trang diện xinh đẹp, trang nhã, ở lứa tuổi U15, các em múa dâng hoa cho Đức Mẹ trước tượng Đức Mẹ trên kiệu hoa đặt giữa nhà thờ. Điệu múa luôn nhịp nhàng diễn tả lời vãn. Đội hình có thể chuyển động thành hình chữ “M” (Maria), chữ O (vương miện) hay chữ + (thánh giá). Con hoa có thể dâng hoa hay dâng nến theo lời ca thích hợp.

Tâm tình hiến dâng cô đọng trong nội dung bài vãn và được con hoa minh hoạ theo. Đáng chú ý, khi múa dâng hoa, con hoa sẽ nhịp nhàng theo nhịp điệu và đồng bộ theo đội hình. Đây chỉ là mặt nổi, là ‘phụ liệu’ của đội hoa. Nhưng nổi bật là gia sản đạo đức và văn hoá trong lễ dâng hoa, cũng là nét khác biệt căn bản giữa múa dâng hoa trong nhà thờ và các điệu ca vũ ngoài sân khấu. Khi vũ dâng hoa, các con hoa tâm thành diễn tả tâm tình dâng hiến cuộc sống cho Thiên Chúa qua Mẹ Maria. Khi dâng hoa lên Đức Mẹ các em cảm nhận khát vọng vươn lên cao mãi với Đức Mẹ, Đấng rất Thánh Thiện, Từ Bi. Con hoa trong vũ dâng hoa đúng hơn đã dâng hoa qua một điệu vũ, không phải diễn một màn vũ dâng hoa. Theo đó, người tham dự làm thành với các con hoa một cộng đồng dâng hoa tặng Đức Mẹ, trong đó con hoa chỉ là người đại diện. Vì thế người tham dự không là khán giả dự khán nhưng đúng là những người trong cuộc góp mặt trong lễ dâng hoa. Những tâm tình hiến dâng trong lễ dâng hoa như:

Đội ơn Đức Mẹ cực khoan
Dủ lòng bảo hộ an khang phù trì
Đội ơn Đức Mẹ nhân thay
Dủ thương vì chúc tụng này cùng hoa
Chúng con lạy Chúa Cha nhân thứ
Đã giữ lời phán hứa dủ thương
Dựng nên Rất Thánh Nữ Vương.

Tâm tình được diễn tả bằng năm sắc hoa (xanh, đỏ, trắng, tím, vàng) gọi là tiến hoa năm sắc, hoặc bốn mùa hoa (Xuân, Hạ, Thu, Đông) gọi là tiến hoa tứ thời. Bài vãn sẽ được kết thúc bằng ‘phần tạ’(phần kết) diễn tả tâm tình tạ ơn và cầu xin.

C/ Mùa Lễ Hội
Dân gian Việt Nam có hai mùa Lễ Hội được mọi gia đình nô nức đón mừng: Lễ Hội Tết Nguyên Đán và Tết Trung Thu (tết Đoan Ngọ). Cả hai tuy đã phai lạt ý nghĩa ban đầu và lơ là với những nghi thức nguyên thuỷ nhưng vẫn còn đó những cuộc hội họp tưng bừng. Hầu hết các gia đình tín hữu hôm nay đều hoà lòng tham dự những ngày lễ hội dân gian này nhưng đã thổi vào các Lễ Hội một ý nghĩa đạo đức mới. Cách nào đó lòng đạo đức bình dân đã thay da đổi thịt cho hai Lễ Hội dân gian đây để thành những Lễ Hội đạo đức, những thể hiện sống động của lòng tin Kitô giáo.

Lễ Hội Tết Nguyên Đán
Lễ Hội Tết Nguyên Đán mừng năm mới kéo dài ít nhất ba ngày đầu năm mới Âm Lịch nhưng cao điểm là Lễ Giao Thừa cũng gọi là Lễ Trừ Tịch, hiểu là: Trừ là trao lại chức quan, tịch là ban đêm. Hết giờ Hợi sang giờ Tý là bắt dầu sang ngày mới của năm mới. Thời điểm này gọi là giao thừa, dân làng làm lễ trừ tịch tiễn thần Hành Khiển năm cũ, đón vị thần Hành Khiển năm mới để cầu cho dân chúng khang an, thịnh vượng (x. ‘Đất Lề Quê Thói’, của Nhất Thanh, Nxb VHTT, 2001, trang 328). Ý nghĩa nguyên thuỷ này đã được rửa tội để nhận ý nghĩa mới theo lối nhìn của đức tin Kitô giáo như được ghi nhận trong nghi thức làm phép nến Phục Sinh trong đêm vọng Phục Sinh: Đức Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay là Alpha và Omega, nghĩa là khởi nguyên và tận cùng. Người làm chủ thời gian và muôn thế hệ. Với dân chúng, thời điểm Giao Thừa rất được trân trọng. Người ta thắp nhang vái tứ phương để cầu khấn Trời cho một năm mới an khang thịnh vượng, còn tín hữu Kitô giáo bỏ lại sau lưng tất cả mọi chuyện làm ăn, mọi toan tính, lo lắng, để thư thái tập trung trước bàn thờ Chúa tham dự lễ và hướng về Chúa là Chủ của Thời Gian, là khởi đầu và cùng đích của vũ trụ và của mỗi người. Các gia đình hợp lòng tạ ơn Chúa và cầu bình an cho năm mới. Đặc biệt xin cho gia đình luôn biết vâng ý Cha dưới đất cũng như trên Trời. Với lương dân sau khi lễ bái ở Chùa, mỗi người tìm tới một cành cây trong vườn chùa, hái một đọt lá, gọi là hái lộc đầu năm cầu khấn Đấng Bề Trên ban cho may mắn suốt năm. Ngày nay ở một số nhà thờ, sau Thánh Lễ, giáo dân được mời bước lên gian thánh hái ‘lộc Lời Chúa’. Lộc đây là những tấm thẻ ghi sẵn một câu Lời Chúa được treo đầy trên các cành lá của một thân cây. Giáo dân tin tưởng mỗi câu lời Chúa đều mang lại một điều tốt đẹp cho người hái. Tấm thẻ Lời này sẽ được chưng tại một vị trí cao trong phòng khách và thỉnh thoảng được đọc lại làm ý lực sống.

Lễ Hội Tết Trung Thu
Hầu hết những lễ hội dân gian đều nhắm tới bậc ông bà, cha bác, thày cô như Tết Đoan Ngọ, tết Trung Nguyên (có nguồn gốc văn hoá Bắc Phương đã được Việt hoá và thường phổ biến trong giới có bát ăn bát để). Riêng các em thiếu nhi mừng vui được làm khách mời chính của Lễ Hội Tết Trung Thu. Tết Trung Thu vào rằm tháng Tám Âm Lịch tuy là thời điểm năm học mới vừa bắt đầu, các em khá bận rộn với việc học hành tại trường lớp, nên bầu khí lễ hội có thể ít sôi động nếu Lễ Hội rớt vào một ngày thường trong tuần. Tuy nhiên Lễ Hội Trung Thu có thể được coi là điểm nhấn của lòng đạo đức bình dân nơi các gia đình và Họ Đạo. Lòng đạo đức bình dân cảm hứng lòng Chúa trân trọng yêu quý các em thiếu nhi, “Hãy để các em đến với Thày, vì Nước Trời thuộc về những người nên giống các em” (x. Mt 18, 3), đã biến một lễ hội dân gian thành Lễ Hội mừng tuổi thơ dịp rằm Trung Thu. Lễ Hội Trung Thu tập trung vào một thánh lễ dành riêng cho các em. Đề tài thánh lễ hướng tới vũ trụ quanh ta, mặt trăng, mặt trời cùng muôn tinh tú là quà tặng Thiên Chúa tặng trần gian giúp các em khám phá, chiêm ngưỡng nét mỹ miều của vũ trụ và lên lời tạ ơn, ngợi khen Thiên Chúa. Những cuộc rước đèn trung thu, những cuộc hội diễn văn nghệ được tổ chức tại các khu xóm, nơi sân Thánh Đường qui tụ các em thiếu nhi không phân biệt giàu nghèo, đạo giáo. Họp mặt với nhau, các em chia sẻ nhau những bài hát ca ngợi bầu trời, bóng trăng, lòng người tươi sáng và tình yêu Chúa vô bờ. Các em cũng được thân tình chia sẻ với nhau quà bánh trung thu nhờ lòng tốt của bằng hữu xa gần giúp góp. Lễ Hội Trung Thu còn giới thiệu với tuổi thơ một thoáng khuôn mặt thân thương của cuộc sống. Trong đó có bầu trời trên cao với mặt trời, bóng trăng, mây đẹp, gió hiền và xung quanh là bè bạn xóm riềng thân quen, là trường lớp, thày cô hiền hoà. Các em mong gặp khuôn mặt cuộc sống không chỉ có một rừng ô tô, xe máy ồn ào, không chỉ có một biển máy móc khô khan, vô tình, vô nghĩa cung cấp các games điện tử với những khung cảnh ảo, nhân vật ảo. Bi kịch đang mở màn là các em trong đời thường sẽ biết trò truyện với máy, trên máy nhiều hơn gặp mặt người quen, nói chuyện với người thân. Lễ Hội Trung Thu có thể coi là Lễ Hội giới thiệu khuôn mặt dễ thương của cuộc sống trong đó có khuôn mặt tình yêu của Thiên Chúa và của mọi người.

Lễ Hội Hành Hương
Khởi từ lòng đạo đức bình dân, từ lâu Giáo Hội đã giữ truyền thống hành hương tới Đất Thánh, mồ thánh, đền thánh, nơi gìn giữ di tích các Thánh Tử Đạo... Hành hương là những chuyến đi đạo đức của các tín hữu để hình dung cuộc hành trình trên đường về quê trời. Theo ‘Hướng dẫn về Lòng Đạo ĐứcBình Dân và Phụng Vụ’: “khách hành hương đi đến đền thánh, họ cũng được hiệp thông trong lòng tin và đức ái, không chỉ với những kẻ cùng đi với mình trong “cuộc hành trình thánh” (Tv 84, 6), mà còn với chính Chúa nữa. Người đồng hành bên người ấy, cũng như Người đã từng đi bên cạnh các môn đệ thành Emmaus”. Đàng khác những cuộc hành hương còn mang chiều kích lễ hội. Niềm vui của cuộc hành hương Kitô giáo xuất hiện như sự kéo dài niềm hân hoan mà người lữ hành Israel đạo đức đã từng cảm nghiệm. “Vui dường nào khi thiên hạ bảo tôi: chúng ta cùng đi đến nhà của Chúa!” (Tv 122, 1). Niềm vui ấy cũng góp phần phá vỡ sự đơn điệu của cuộc sống thường nhật khi tỏ bày một cái nhìn về tương lai khác với cái nhìn của thế gian; nó giảm nhẹ trọng lượng thường đè lên cuộc sống, đặc biệt đối với người nghèo, là một gánh rất nặng phải mang” (Sđd số 186).

Tuy nhiên trong thực tế, sáng kiến và nhiệt tình của giáo dân không dựa vào đức tin thành khẩn, chân thực, có nguy hiểm vượt quá ranh giới của lòng đạo đức bình dân và sa vào mê tín. Sứ Điệp Của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II Gửi Hội Nghị Khoáng Đại Bộ Phụng Tự Và Kỷ Luật Bí Tích (21 tháng 09 năm 2001) đã cảnh giác: “Những cách biểu hiện của lòng đạo đức bình dân đôi khi bị biến chất do các yếu tố không tương thích với giáo lý Công Giáo. Trường hợp này, cần phải thanh lọc một cách cẩn thận và kiên nhẫn, qua những cuộc tiếp xúc với người có trách nhiệm, bằng một cách giảng giải giáo lý cặn kẽ và tế nhị, ngoại trừ những điều bất hợp lý đòi có những biện pháp rõ ràng và tức khắc.

Theo một truyền thống đạo đức từ lâu đời, trên đất nước chúng ta, mỗi năm có từng triệu chuyến hành hương của tín hữu khắp nơi tuôn đổ về các Đền Thánh như Linh Địa La Vang, Trung Tâm Thánh Mẫu Trà Kiệu, Nhà Truyền Thống Văn Hoá & Đức tin... Đáng chú ý nhiều gia đình không dư giả nhưng chắt chiu để dành ra một khoản chi cho phương tiện để mỗi năm gia đình đi hành hương tại các ‘thánh địa’. Qua mỗi chuyến hành hương gia đình sẽ khám phá những bài học đạo đức: chia sẻ nhau cơn khát, cơn đói, ly nước, chiếc bánh, chỗ đứng, chỗ ngồi... Gia đình khám phá những cảm nghiệm cụ thể về cơn nắng, cơn mưa, chia sẻ nhau những giọt mồ hôi, nước mắt trên ‘con đường đi theo Chúa đầy gian khó nhưng quyết tâm vượt qua’. Chính tại ‘đất thánh’ hành hương, các gia đình hình dung được Giáo Hội là đoàn lữ hành từ phương đông, phương đoài đồng hành với nhau và với Chúa tiến về nhà Cha.

CHUYỆN NÀNG RÚT THAY LỜI KẾT

Trong tình cảm, những ‘Thánh Địa’ cũng là ‘đất tổ quê hương’ của các Kitô hữu. Với các khách tha hương, rõ ràng, tình hoài hương lúc nào cũng cánh cánh bên lòng nên bao giờ có dịp họ lại khăn áo lên đường hồi hương. Và quê hương có xa xôi diệu vợi, quê hương vẫn ấm cúng tình nghĩa. Hồi ấy bà Naomi nhất định hồi hương. Trước khi lên đường, bà ôm hôn từ biệt hai cô con dâu người Moab khuyên hai con nên ở lại quê hương với mẹ mình, làm họ oà lên khóc, “Chúng con muốn cùng mẹ về với dân mẹ”. Bà ép mãi, cô con dâu cả nghe lời nhưng cô thứ hai là Rút nhất định: “Xin mẹ đừng ép con bỏ mẹ, Mẹ đi đâu, con theo đó, dân của mẹ là dân của con, Thiên Chúa của mẹ là Thiên Chúa của con. Mẹ chết ở đâu, con chết ở đó...” Thôi thế, bà cũng vui lòng dẫn Rút, nàng dâu út theo về vùng quê cũ Belem. Ở đây hai mẹ con chân ướt, chân ráo, Rút đi mót lúa trong cánh đồng của một người bà con bên chồng, ông Booz và được ông ưu ái. Nàng mót lúa về nuôi mẹ chồng. Về sau nàng được ông cưới làm vợ và sinh được con trai để bảo tồn dòng dõi nhà. Nếu những Nhà của Chúa, những Đền thánh Đức Mẹ, Nhà Truyền Thống Văn Hoá & Đức Tin với di tích các Thánh Tử Đạo cũng là ‘Đất thiêng, đất tổ quê hương’ của mọi gia đình Kitô hữu, thì Rút là người mẫu cho những ai mới đón nhận đức tin dám dứt khóat dấn bước ‘hồi hương’ với tấm lòng thành như Rút: “Xin mẹ đừng ép con bỏ mẹ, Mẹ đi đâu, con theo đó, dân của mẹ là dân của con, Thiên Chúa của mẹ là Thiên Chúa của con. Mẹ chết ở đâu, con chết ở đó”. Và người mẹ chồng của Rút, bà Naomi đã thành người mẫu cho những ai từng vắng xa ‘Nhà Chúa’, xa Đền Thánh Đức Mẹ, lạ lẫm với những di tích các thánh Tử Đạo, biết bỏ lại sau lưng tất cả để ‘hồi hương’, về lại nguồn ngọn của chúng ta.

Từ nguồn ngọn đó, lòng đạo đức bình dân giục giã chúng ta chọn quê trời phước hạnh, dìu dắt chúng ta hành trình vượt qua mọi bước đường khổ ải và hẹn hò chúng ta gặp Chúa, gặp ông bà tổ tiên, và gặp đủ mặt nhau trong Nước Trời vinh hạnh như lời ca dao mộc mạc cảm hứng của lòng đạo đức bình dân:

Thiên đàng địa ngục đôi quê
Ai khôn thì về, ai dại thì sa
Đêm nằm nhớ Chúa nhớ cha
Đọc kinh cầu nguyện nhớ cha linh hồn,
Linh hồn phải nhớ linh hồn
Đến khi mình chết được lên thiên đàng? (Đồng Dao)

Lm. Trịnh Tín Ý - ( Đăng lại từ bản tin Hiệp Thông số 36 của HĐGMVN )

 

 

 
     

Tỉnh Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)