(Mâm) Ngũ quả
trich dunglac.org 1-2008
Mỗi năm, cứ vào dịp Tết Nguyên đán, trên bàn thờ mọi gia đình người Việt đều bày mâm ngũ quả. Với màu sắc rực rỡ, hình dáng độc đáo cùng những ý nghĩa sâu xa, mâm ngũ quả làm cho ngày Tết sinh động hơn, thiêng liêng hơn...
Theo quan niệm của người phương Đông xưa, thế giới được tạo nên từ 5 bản nguyên - gọi là "ngũ hành": kim (kim loại), mộc (gỗ), thuỷ (nước), hoả(lửa), thổ (đất). Tư tưởng cùng hình ảnh "ngũ hành" xâm nhập sâu sắc vào đời sống văn hoá vật chất và tinh thần của các dân tộc phương Đông với rất nhiều biểu hiện - một trong số đó là tục lệ thờ mâm ngũ quả ngày Tết của người Việt Nam
Mâm ngũ quả truyền thống của người Việt thường chỉ gồm 5 loại quả, được xếp kiểu hình tháp lên đĩa to hoặc mâm, đặt trên bàn thờ. Ngày nay, cuộc sống hiện đại cùng sự giao lưu phong tục làm cho mâm ngũ quả ít nhiều biến đổi: số quả có thể nhiều hơn 5, cách xếp tự do hơn, trang trí hoa lá, cắm nến để tạo ánh sáng, kết những dây đèn điện tử nhiều màu xung quanh... Tất cả các loại quả trong dịp Tết đều có thể đem bày: chuối, bưởi, phật thủ, dưa hấu, cam, quýt, dừa, na, trứng gà, hồng xiêm, táo v.v... Mỗi loại quả mang một ý nghĩa riêng: nải chuối, phật thủ như bàn tay che chở; bưởi, dưa hấu căng tròn, mát lành hứa hẹn năm mới đầy ngọt ngào, may mắn; hồng, quýt rực lên màu sắc mạnh mẽ, tượng trưng cho sự thành đạt...
Mâm ngũ quả ở miền Bắc nhìn chung nhỏ hơn mâm ngũ quả ở miền Nam và không thể thiếu 3 loại quả: chuối, bưởi, quýt (hoặc cam). Mâm ngũ quả miền Nam thì khó có thể thiếu cặp dưa hấu và 4 loại quả: mãng cầu (na), dừa, đu đủ, xoài, bởi vì cầu - dừa - đủ - xoài theo tiếng người miền Nam có nghĩa là "cầu vừa đủ xài" - mong ước phổ biến nhất của họ trong năm mới ! Một số nhà lại bày thêm trên mâm ngũ quả bình thường một chùm sung và quả đu đủ với ngụ ý cầu mong cuộc sống gia đình sẽ luôn "đầy đủ, sung túc".
Mâm ngũ quả làm cho quang cảnh Tết và không gian thờ cúng thêm ấm áp, rực rỡ mà hài hoà với màu xanh mát của dưa hấu, đỏ rực của hồng, nâu mịn của hồng xiêm, vàng tươi của bưởi, cam, dứa... Nó thể hiện sinh động ý nghĩa triết học - tín ngưỡng - thẩm mỹ ngày Tết cùng những ước vọng lạc quan mà mỗi gia đình mang theo khi bước vào năm mới.)
Theo tục lệ từ xưa đến nay, hể gần đến Tết là người mình dù giàu hay nghèo đều lo đi chợ Tết, kẻ có tiền nhiều thì mua sắm đủ thứ…, người ít tiền thì cũng ráng dành dụm để nếu không đủ tiền để mua được một chậu bông mai, hoặc lan, cúc, trúc…, thì cũng mua vài ba thứ trái cây để về làm mâm “ngũ quả” đặt lên bàn thờ để cúng ông bà tổ tiên, và thường thì năm thứ quả (trái) như phần đông người mình đã hiểu biết và luôn thực hiện vào dịp Tết, như bài viết ở trên mà tôi đã cố ý trích để dẫn chứng.
Nhưng nếu mọi người đều biết ý nghĩa của mâm ngũ quả thì ở đây tôi lại nói làm gì ? Có lẽ đó là câu hỏi mà bạn thắc mắc ở đây.
Đúng vậy, chính vì phần đông người Việt mình, từ thôn quê đến thành thị, từ giới thất học đến lớp trí thức đều hiểu như vậy. Người dân quê mình mộc mạt chất phát, ít học, nghĩ sao nói vậy, nên đó là một đặc tính ngây thơ dễ thương của người dân sống bằng nghề nông từ hơn bốn ngàn năm nay ; nhưng nếu nói một số thành phần gọi là “trí thức”, cũng hiểu như vậy rồi đi viết sách hay đăng trên những tạp chí Xuân, và đi phổ biến trên internet, làm cho tôi đặt câu hỏi : những học giả này có đủ “thức” để “tri” một cách Tận, Kỳ, Tính chưa, để rồi viết như vậy ? Hay đây là chiêu bài của hồn ma nào đó đột nhập bọn Việt gian tay sai để xuyên tạc phong tục văn hóa của tổ tiên, giống như Mã Viện khi xưa đã ra lệnh tịch thu hết “Trống Đồng”, là biểu tượng của Hồn thiêng dân tộc, đem về Tàu để đúc thành ngựa đồng để chơi… ?!
Với nỗi niềm bâng khuâng đó, tôi xin mạo muội viết bài này để nhắc nhở cho bạn cái ý nghĩa của mâm ngũ quả không chỉ là để cầu xin cho năm mới được sung túc, no đầy hay vừa đủ xài cũng được… như bạn tưởng.
Nhưng “Ngũ Quả” ở đây phải hiểu với ý nghĩa Con Người ở trên trái đất (Thổ) này. Vì Ngũ là số 5 thuộc huyền số, như số 2 và số 3, vì huyền số là số ảo, là số với nghĩa không thể xác định được như số thật trong toán học. Vì quan niệm về con người sống trên đời này là một triết lý siêu hình, nên Triết Việt đã tóm lại vào ba loại chân lý nền tảng hơn hết rồi chỉ thị bằng các số 2, 3, 5.
Số 2 chỉ sự Thái Hòa giữa Có với Không, giữa động với tĩnh, giữa ít với nhiều, giữa tình với lý, giữa Mẹ với Cha, giữa vợ với chồng... nghĩa là giữa những gì trái ngược nhau như âm với dương, như nóng với lạnh, như nước với lửa, … mà lại Hoà hợp được với nhau, là điều không thể tưởng… nên mới gọi là Thái Hòa.
Số 3 là Nhân Chủ, với nghĩa tự làm chủ mình với Khí Trời, Lực Đất và Đức Nhân, để đưa mình lên đến chỗ cùng cực của tự do, tự lực, tự cường… nghĩa là cho tới mức vô biên của vũ trụ để sánh vai cùng Trời, Đất, như Trần Cao Vân đã viết trong bài vịnh tam tài :
“Ta cùng Trời Đất ba Ngôi sánh,
Trời Đất in Ta một chữ Đồng”.
Số 5 là Tâm Linh nghĩa là lấy chính tâm mình làm nơi tối cao, là Đại Ngã, là Tâm của vũ trụ (vũ trụ chi tâm) hầu quy hướng về để tìm điểm móc nối với toàn thể vũ trụ với chiều kích vô biên. Như vậy là không còn có thể ước mong gì hơn được nữa. Và đó là những chân lý chỉ thị bằng các số 2,3,5 nghĩa là đã đi đến cùng cực.
Nên số 5 là số chỉ Con Người, và cũng là số thuộc Hành Thổ, vì theo bản Nguyệt Lệnh, thì số 1 thuộc Hành Thủy, số 2 thuộc Hành Hỏa, số 3 thuộc Hành Mộc, và số 4 thuộc Hành Kim. Nên Ngũ ở đây phải hiểu là Hành Thổ (địa) thuộc về Ngũ Hành, chứ không phải là nghĩa ngũ Hành.
Và Quả chữ Hán được viết với bộ thủ “điền”(ruộng) ở trên và bộ “mộc” ở dưới, vừa có nghĩa là trái cây mà cũng có nghĩa là nhân quả, theo luật “giá sắc”, nghĩa là gieo cái gì sẽ gặt cái đó, nên ở đây phải hiểu với nghĩa thành Nhân, vì (hạt) Nhân là thành Quả của Trời Đất Giao Hòa, nên dân mình mới có tên là dân “giao chỉ”.
Vì vậy (mâm) Ngũ Quả là ý nghĩa Con Người được thành Hình trên trái Đất này để Thành Nhân, và muốn thành Nhân phải sống với Tâm Linh, để quy về Nhất Thể, là Ánh Sáng, là Tình Yêu, là Chúa, là Phật, …như tôi đã cắt nghĩa trong bài “Tết Nguyên Đán hay lễ Sinh Nhật của Con Người”. Với Thái Hòa, Nhân Chủ, Tâm Linh là nền tảng của Triết Việt, mà triết gia Kim-Định đã gầy dựng lại và đặt tên là Triết lý An-Vi.
24 tháng chạp năm Đinh Hợi 2007.
Tác giả Nguyễn Sơn Hà
Trích Dunglac.org