Suy niệm 10 phút Mỗi Ngày
 
 

 

Suy Niệm 14 tháng 9

 

Nguyên nhân nào ông Simon vác thánh giá?

Nhân dịp ngày lễ Suy tôn Thánh Giá (14 tháng Chín) sắp đến, xin giúp bạn trẻ đào sâu câu truyện có thật việc ông Simon vác Thánh giá Chúa và xin góp ý kiến (xaydungchurch @ yahoo.com ).

Kinh Đàng Thánh gía, nơi thứ năm viết: ” Ông Simon vác Thánh giá đỡ Đức Chúa Giêsu”( Smon de Cyrène aide Jésus à porter sa croix) đã ghi vào tâm trí rất nhiều ngưới: ông Simon là người tốt dầu bị lính Roma bắt ép ông vác thập giá, nhưng ông đã bằng lòng vác Thánh giá để giúp Chúa Giêsu đang bị kiệt sức.

Đức Hồng y Joseph Ratzinger (nay là Giáo hoàng Benedicto 16) đã được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo II uỷ thác viết bài suy ngắm các Chẳng đàng Thánh giá tại Cổ Trường Colosseum vào tối thứ Sáu Tuần Thánh (24-3-2005), đã viết về Chẳng thứ năm (suy ngắm): ’Ông Simon người Kyrênê trên con đường trở về nhà ông từ công sở, khi ông bắt chợt thấy đoàn diễu hành buồn rầu của những người bị lên án, đối với ông có lẽ đó là một cảnh tượng thông thường. Quân lính bức hiếp một người lao nhọc này từ vùng nông thôn để vác cây Thập giá trên chính vai của mình. Ông phải nghĩ tới khó chịu như thế nào khi chợt bắt gặp số phận những người bị lên án ! Ông làm những gì ông phải làm nhưng một cách miễn cưỡng. Đáng chú ý thay tác giả Tin Mừng Marcô không những nói tên của ông mà còn nói tên đến hai con của ông nữa, được biết họ là những người Kytô hữu và là thành viên trong cộng đoàn (x Mc 15,21). Từ lúc bất chợt nầy đức tin được sinh ra. Đi bên cạnh Chúa Giêsu và chia sẻ gánh nặng của cây thánh giá, người Kyrênê đến để thấy rằng đó là một hồng ân để đồng hành với Chúa chịu đóng đinh và giúp đỡ Người. Mầu nhiệm của Chúa Giêsu, thầm lặng và chịu đau khổ đã đánh động tâm hồn ông. Chúa Giêsu là Đấng mà một mình tình yêu Thiên Chúa có thể cứu độ tất cả nhân loại, muốn chúng ta chia sẻ Thánh giá Người để chúng ta có thể hoàn tất những gì còn thiếu sót trong sự đau khổ của Người (x Cl 1,24)…
(Lời nguyện): Lạy Chúa, Chúa đã mở đôi mắt tâm hồn ông Simon người Kyrênê và Chúa đã cho ông ân sủng Đức tin qua việc chia sẻ vác cây Thánh giá của Chúa …(bản dịch của Vietcathoclic ngày 22-3-2008).

Trong Đại Hội Giới trẻ thế giới tại Sysney (15-7 dến 20-7-2008), Chẳng đàng Thánh gía nầy được giới thiệu và suy ngắm:
Hướng dẫn: Khi điệu Đức Giêsu đi, họ bắt một người từ miền quê lên, tên là Simon, gốc Kyrênê, đặt thập giá lên vai cho ông vác theo sau Đức Giêsu (Luke 23,16).
Suy niệm: Ông Simon thực ra đã không được quyền từ chối vác thánh giá. Simon cũng như Chúa Giêsu là một nạn nhân. Ông Simon bị buộc phải góp phần nào vào việc vác thánh giá và đóng đanh một cách bất chính và tủi nhục được thi hành nhân danh những ngưới La mã đang chiếm đóng. Có thể sau nầy ông không muốn nhắc tới câu truyện nầy nữa. Nhưng dầu muốn hay không, ông cũng bị lôi cuốn vào “công trình cứu độ của chúng ta”.
Vì vậy, ông cũng đã góp phần trong việc hiến tế cuối cùng của Chúa Giêsu lên cho Chúa Cha, món quà cứu rỗi của Chúa Giêsu cho nhân loại. Có nhiều cơ hội để giúp đỡ anh chị em chúng ta đã qua đi “trái ngược với ý muốn mình “. Những cơ hội đó đôi lúc đã đến với những cách mà chúng ta không thích chọn lựa, nhưng những cơ hội đó không đợi chúng ta đâu. Xin cho triển vọng vào quyền năng của Chúa Kytô phục sinh là sự an ủi và là niềm hy vọng của chúng ta. (bản dịch của Vietcatholic 28-7-2008).

Như vậy, có hai cách giải thích:
- Ông Simon bị bắt buộc vác Thánh gía, nhưng rồi ông được ơn Đức tin, ông vui lòng vác Thánh gía đỡ Chúa Giêsu.
- Ông Simon bị bắt buộc vác Thánh giá, là một tủi nhục vì tiếp tay cho quân Roma làm khổ Chúa Giêsu đến nỗi ông không muốc nhắc lại việc nầy, nhưng dù không muốn, ông vẫn tham dự vào Hiến tế của Chúa vì hành động bác ái nầy.

Chúng ta xem bốn Tin Mừng nói như thế nào:

Mathêu 27,32: Khi đi ra, lính hành hình gặp một người Kyrênê tên là Simon, và họ bắt ông vác thập giá của Người.
Những tình tiết trên đường thập giá dài khoảng 500 mét đến 600 mét có khá nhiều, nhưng thánh Mathêu chỉ giữ lại kỷ niệm ông Simon, người Kyrênê, bị đội lính Roma bắt vác thập giá, vì chúng sợ Chúa chết do những làn roi chúng đánh thúc giục Chúa đi. Ông là người Do thái có gốc Do thái kiều ở Kyrêne, một thành phố thuộc miền duyên hải Bắc Phi châu (nước Lybia ngày nay), có lẽ gia đình ông ở Giêrusalem, công việc làm ăn ở ngoại thành, trở vào thành nên ông có dịp vác thập giá của Chúa. Có lẽ cây thập giá nầy theo hình thức Roma: thanh dọc dài hơn vươn cao thanh ngang, tất cả nặng khoảng 100 kylô. Nhờ Thanh dọc rề sát dất, người vác còn phải nâng một trọng lượng khoảng 70 kylô, ông Simon vác chẳng phải là điều dễ chịu, nhưng ông giúp ta hiểu được mức độ đau khổ, kiệt sức của Chúa Kytô, còn ông, ông biết mình là nạn nhân cùng với Chúa là nạn nhân của dân tộc bị trị bị ách thống trị của đế quốc Roma.
Chắc Chúa Kytô giúp ông hiểu xa hơn khi Chúa “yêu thương” cây thập giá bằng cách yên lặng, bám chặt, không rời xa nó và ông có thiện cảm với Chúa, ông vượt khỏi số phận bị trị, chỉ để ý đến Chúa.

Marcô 15,21-22: Và lính hành hình bắt một người qua đường, ông Simon, người Kyrênê, từ ngoài đồng về, thân phụ của Alexandrô và Ruphô, họ bắt ông vác thập giá của Chúa.

Thánh Marcô cho ta biết rõ hơn lý lịch của ông Simon: ông có hai người con tên là Alexandrô và Ruphô. Có lẽ hai người nầy là Kytô hữu của Cộng đoàn thánh Marcô. Phải chăng ông Simon nhờ vác giùm thập giá cho Chúa, ông đã nhận ra con người của Chúa và nhận được ơn Đức tin và rồi ông truyền niềm tin nầy cho hai con ? Hoặc vì gia đình ông ở Giêrusalem đã nghe biết Chúa và họ đã trở thành môn đệ của Chúa cách nào đó hoặc ít ra là có thiện cảm với Chúa và sau nầy họ trở thành Kytô hữu trong Cộng đoàn thánh Marcô ? Dầu lý do nào nữa, Ông Simon chắc có thiện cảm với Chúa khi vác thập giá của Chúa và hai con ông sau nầy trở thành Kytô hữu.

Luca 23,26: Và khi lính hành hình điệu Chúa đi, họ bắt được ông Simon, người Kyrênê, từ ngoài đồng về và họ đặt thập giá cho ông vác đi đàng sau Đức Giêsu.
Thánh Luca nêu ra một chi tiết rất có ý nghĩa: ông vác thập giá đi đàng sau Đức Giêsu. Mộn đệ đi đàng sau Thầy. Cách nói nầy của thánh Luca muốn cho ta biết ông Simon là môn đệ của Đức Giêsu. Hai người con của ông được thánh Marcô nêu tên là Kytô hữu của Cộng đoàn thánh Marcô nhờ ông bố là điêù dễ hiểu.

Gioan 19,17: Ngài tự vác lấy thập giá cho mình, Ngài đi dến nơi gọi là Núi Sọ, tiếng Do thái gọi là Golgotha.

Thánh Gioan bỏ một số chi tiết trên con đường khổ giá và trên thánh giá của Chúa Giêsu vì Nhất lãm đã viết rõ:
- Ông Simon vác đỡ thánh giá Chúa (Mt 27,32; Mc 15,20-21; Lc 23, 26),
- Phụ nữ Giêrusalem than khóc (Lc 23,27-31),
- Lính cho Chúa uống rượu pha mật đắng (Mt 27,34)
-Nhục mạ Chúa (Mt 27,39 -43; Mc 15,29-32; Lc 23,35-37)

Và thánh nhân đã thêm vào những dữ kiện đặc biệt:
- Danh hiệu của Thánh giá (Vua Do thái, Gioan 19,19-22)
- Chúa Kytô thưa với Đức Mẹ (Gioan 19,25-27)
- Lính chia nhau áo Chúa (Gioan 19,23-24)
- Lưỡi đòng đâm vào tim Chúa (Gioan 19,31-37)

Có lẽ phải đặt mình trong toàn diện quang cảnh Chúa vác thập giá mới hiểu được con người ông Simon vác thập giá của Chúa. Ông dã thấy được cảnh đó: lính Roma thẳng tay nhục mạ, làm khổ dân bị trị khi có dịp để dương oai sức mạnh của đế quốc Roma, các thầy Biệt phái, Tư tế đang hùa bè với lính Roma làm khổ một đồng chủng
của mình mà theo lời tố tội của các nhà chức trách của mình lên quan trấn thủ thì vị nầy là nhà ái quốc (xúi dân không nộp thuế cho đế quốc, xưng mình la vua Do thái),
các bà than khóc, thương mến Chúa, Chúa thì yên lặng vác thập giá với vẻ trìu mến
cây đang làm khổ mình. Là người Do thái ở hải ngoại (Kyrênê) về, dĩ nhiên ông Simon có một tầm hiểu biết rộng hơn về xã hội và ngay cả lãnh vực Kinh Thánh mà các ngôn sứ đã loan báo về Đấng Kytô, bây giờ, ông đích thực thấy rõ con người mà
các nhà chức trách mình nộp cho quan trấn thủ và lính Roma đang thi hành quyền lực của đế quốc thống trị, ông hiểu được con người Chúa Kytô một phần nào, ông sẵn sàng vác thập giá của Chúa, ơn Chúa giúp ông trở thành môn đệ của Chúa.

Lm Fx Nguyễn hùng Oánh - trích vietcatholic.net

 

 

 
     

Tỉnh Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)