Suy niệm 10 phút Mỗi Ngày
 
 

 

NƯỚC TRỜI TRƯỚC HẾT LÀ CUỘC CÁCH MẠNG VĂN MINH

6 thang 1-2009

 

Tự do tôn giáo là quyền chứ không phải là cái ân huệ “xin cho”.
TGM Ngô Quang Kiệt

Ngôi Lời nhập thế để xây dựng Nước Trời. Vì vậy Nước Trời không nằm bên ngoài lịch sử nhân loại nhưng ở trong trần thế với con người. Nhóm Pharisêu tưởng Nước Trời là một triều đại mới của giòng Đavid bèn hỏi, “Vậy bao giờ Nước Trời đến?” Đức Giêsu trả lời, “Nước Trời không thể thấy một cách nhãn tiền, người ta không thể nói ở đây hay ở kia. Nước Trời ở trong các ông” (Luc 17:20-21). Câu trả lời dị kỳ, tự bản chất, đã là một dẫn lối đầy tính giải phóng.

“Nước Trời ở trong các ông” vì Nước Trời bắt đầu từ nội tâm của mỗi người. Nước Trời không bị đóng khung trong giới hạn không gian, thời gian, hay trong phạm vi chủng tộc. Nước trời là một thực tại khác, hiện hữu ở bất cứ nơi nào có con người. Nó khởi sự bằng một ý thức mới về giá trị nhân sinh. Đức Giêsu, sau đó, đã dùng những truyện dân gian để dẫn giải ý tưởng này cho gần gũi với người nghe. Chẳng hạn ba câu truyện về ba ông chủ. Thứ nhất là ông chủ vườn nho trả lương cho nhân công cũ và mới bằng nhau (Mat 20:1-16). Thứ hai là ông chủ khen ngợi gã quản gia bất tín sửa đổi giấy nợ (Luc 16:1-8). Thứ ba là ông chủ trách anh đầy tớ nhát gan chôn bạc dưới đất (Mat 25:14-25). Cách đối xử của ba ông chủ này quá nghịch lý đến mức người đời không thể chấp nhận nổi. Ba ông đã đưa ra những quan niệm mới lạ vượt thời đại chưa từng có. Để có thể chấp nhận chúng, người ta bắt buộc phải khởi động một cuộc canh tân tận gốc rễ về những giá trị của văn hoá. Tuy nhiên cốt tủy của nền văn minh nhân loại lại bắt đầu từ chính những hạt mầm cách mạng ấy. Ở đây xin lược kê ra một vài khái niệm căn bản tiêu biểu.

Khái Niệm Người Lãnh Đạo Là Người Phục Vụ

Cho đến ngày nay, mọi chủ nghĩa trên thế giới dù là quân chủ, tư bản, hoặc cộng sản đều đặt tầm quan trọng vào uy quyền của giới lãnh đạo. Mô thức này đặt nặng vào ưu thế và lợi nhuận của phe phái. Nó có khuynh hướng dẫn đến những đàn áp quá khích dựa trên quyền lợi và ý thức hệ chủ nghĩa.
Trong thế cách biệt như thế, giới nhân công phải phục vụ cho giới chủ nhân. Tài năng của chủ nhân không dùng vào mục đích phục vụ kẻ bần cùng. Nhưng ông chủ vườn nho, chính ông, vị lãnh đạo, lại cất bước đi tìm nhân công. Ông đến với những người Samarita bị khinh rẻ, những kẻ bất hạnh thất nghiệp, những kẻ vô tài sản, và những kẻ bị bỏ rơi. Đến khi phát lương, ông lại kêu những nhân công cuối giờ lãnh trước. Ông quan tâm đến họ vì họ là những kẻ vô vọng đến mức không dám có một lời yêu cầu. Họ chỉ biết nương tựa vào lòng nhân từ của ông.
Ngôi Lời không đến thế gian như một vị vua nhưng là một người bần hàn tận cùng nhất. Một người sinh ra trong máng lừa, đi đây đó bằng chân đất, bạn với những người tiện dân, tiếp xúc với những kẻ tội lỗi và bệnh tật. Khi qua đời lại bị lột trần đóng đinh vào cây gỗ chung với những kẻ tội phạm. Tuy nhiên việc làm của Người đã nâng những tiện dân lên tới tuyệt đỉnh phẩm giá. Người đã lật đổ tận gốc quan niệm ưu đãi của giai cấp lãnh đạo. Biến tất cả những giá trị phàm tục của họ trở thành phù phiếm. Đấng Con Người đến không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ (Luc 22:27). Đức Giêsu đã mạc khải một ý thức cách mạng: vị lãnh đạo phải là người phục vụ kẻ khác, trước hết cho những kẻ bần cùng (Mac 10:42-45).
Khi đến an ủi kẻ cùng đinh, Ngôi Lời đã đồng hóa mình với kẻ tiện dân. Người Muốn đưa ra một nếp sống kiểu mẫu cho những vị lãnh đạo. Vị lãnh đạo phải là người trả lời trước hết cho những kêu gọi của giới tiện dân cùng cực. Tư tưởng này tóm tắt trong định luật “người cuối trở nên đầu và người đầu trở nên cuối”. Trong mọi thời đại, kẻ cuối cùng là nhóm dân thiểu số, là tầng lớp bị bỏ rơi, bị chà đạp, là giai cấp bị bóc lột, kể ra không hết… Đến với người cuối cùng không phải là một nghĩa cử an sinh xã hội, hay lòng căm hận người giàu, nhưng là một mục vụ tông đồ. Bởi vì đến với người tiện dân là đến với Thiên Chúa.

Khái Niệm Mọi Người Đều Bình Đẳng

Chính ông chủ vườn nho đưa ra khái niệm bình đẳng. Vì vậy chấp nhận khái niệm bình đẳng phải bắt đầu trước hết từ não trạng của giới lãnh đạo. Bình đẳng mà ông chủ vườn nho nói tới không dính líu gì đến lợi thế phàm tục. Trong cõi trần, con người sinh ra bản chất vốn đã không đồng đều. Có người thông minh người kém trí, có người khỏe người yếu, có người đẹp người xấu... Ngoài ra những vị thế xã hội như tài sản, gia tộc, chức vị… lại càng làm cho người ta khác biệt nhau hơn. Bình đẳng ông đưa ra là sự ngang hàng về nhân phẩm và nhân quyền.
Vào thời ông chủ vườn nho, thế giới đang sống trong chế độ quân chủ thiên về quyền lợi bộ tộc. Bất công xã hội tạo ra chế độ nô lệ, giai cấp sang hèn, và trọng kinh giống phái rất nghiệt ngã. Ông là người đầu tiên và duy nhất trên thế giới thấy cái lý của sự trả công cho người đến sau cũng bằng với người đến trước. Trong Nước Trời mọi người đều bình đẳng trước mặt Thiên Chúa. Kitô giáo từ đó là nơi đầu tiên phổ biến quan niệm, “không có Do Thái, Hy Lạp, nô lệ hay tự do, cũng không có đàn ông hay đàn bà, chúng ta đều là một trong Đức Kitô” (Gal 3:28). Đây không phải là cuộc đảo lộn thang giá trị xã hội mà là tâm điểm của nền văn minh nhân bản. Đáng tiếc nhân loại đã phải đợi đến khi những cuộc thế chiến đẫm máu xảy ra, các quốc gia mới tạo ra nổi bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền. Thiết nghĩ ai cũng có thể trả lời được câu hỏi: bản Tuyên Ngôn Quốc Tế nhân quyền, và hiến pháp của các nước dân chủ tân tiến, đã lấy khái niệm bình đẳng nhân phẩm này từ đâu? Đáng lẽ họ đã phải nhìn ra giá trị này sớm hơn.
Tuy nhiên thực thi quyền bình đẳng không phải là một cuộc tranh đấu võ lực như phong trào thần học giải phóng, hay cuộc chiến tranh giai cấp đề xướng. Gươm giáo không mang lại hòa bình (Luc 22: 49-51). Bình đẳng tự bản chất là con đường hòa giải và thay đổi về ý thức hệ. Nền tảng của đạo lý này là đức tin Thiên Chúa yêu từng người như nhau. Mỗi cá nhân đều được tạo nên theo hình ảnh Thiên Chúa. Ơn cứu độ như mưa đổ xuống cho mọi người, kẻ lành lẫn kẻ dữ. Từ quan niệm đó những bất công nô lệ và giai cấp đều bị cáo chung. Vì vậy quan niệm bình đẳng nhân phẩm của Kitô giáo là động lực dẫn đến cuộc cách mạng xã hội và văn minh của nhân loại.

Khái Niệm Quản Lý Tài Sản Trong Tâm Buông Xả

Trong ý niệm phục vụ của Kitô giáo, công việc ta đang làm không thuần là nhu cầu của bản năng sinh tồn. Làm cha mẹ, làm nhân công, làm nông phu… tất cả đều là những “chức vụ”. Chức vụ hay “ơn kêu gọi” là vị thế tạo nên cái bản sắc của ta. Ai cũng có ơn kêu gọi để thi hành một chức vụ nào đó. Ai cũng được Thiên Chúa ban cho những khả năng thích hợp để chu toàn chức vụ của mình. Giá trị nội tại của ơn kêu gọi là bằng cách đó chúng ta giúp ích cho cộng đồng.
Thế nhưng người ta thường nghĩ rằng những khả năng độc đáo là sở hữu riêng của họ. Thực ra không có gì trong vũ trụ cho phép ta được quyền lạm nhận nó là của mình. Mọi vật, mọi sự, mọi điều, mọi tài sản, kể cả sự sống đều thuộc về Đấng Tạo Hóa. Thiên Chúa mới thật sự là chủ nhân của toàn thể vũ trụ. Nếu Thiên Chúa có trao cho ta một tài sản vật chất hay một tài năng tinh thần chẳng phải vì chính ta, mà vì ơn ích của cộng đồng. Thiên Chúa dùng ta như một khí cụ để chuyển đạt ơn lành của Người cho cộng đồng. Đúng hơn, ta chỉ là người quản lý của Chúa. Nhờ ý thức chức vụ quản lý, mà ta giữ được tâm hồn buông xả trong “tinh thần nghèo khó”. Bởi vì dù ta có nắm giữ nhiều tài sản, nhưng với tinh thần nghèo khó, ta không bị chúng khống chế.
Nếu không nhận ra chức vụ quản lý, chúng ta sẽ không nhìn ra điểm kích động cách mạng của ông chủ. Tại sao khi biết anh quản lý sửa đổi văn tự cho con nợ ông lại khen hắn “đã biết xử trí khôn khéo”. Bởi vì viên quản lý không ôm lấy tài sản của chủ về cho mình, nhưng chuyển đi để tặng cho người. Việc làm này không phạm lỗi cùng Chúa vì Người vẫn muốn ông làm như thế từ lâu. Trong chức vụ quản lý, hãy dùng tất cả tài sản của Chúa mà thi ân cho kẻ khác. Vì ông quản lý đã hành sử đúng như vậy, nên Chúa khen ông là người khôn ngoan. Điều này có nghĩa ai cũng có thể đến với Thiên Chúa bằng cầu nguyện và chia sẻ gia tài Thiên Chúa với người khác.

Khái Niệm Bác Ái Dẫn Đến Ơn Cứu Độ

Rất khó mà phá vỡ những tảng đá kiên cố nặng nề của cố chấp và thành kiến xã hội. Vì vậy muốn chấp nhận lòng bác ái của Kitô giáo, trước hết người ta phải chấp nhận quan niệm bình đẳng về nhân phẩm và ý thức quản lý tài sản. Kitô giáo phủ nhận lối suy tính của những người đầy thành kiến. Họ là những kẻ không thể chịu đựng nổi tiền công trả cho người đến sau bằng với người đến trước. Đó là thái độ ganh tị của người anh (kẻ đến trước), không chịu nổi tình yêu của cha dành cho đứa em hoang đàng (kẻ đến sau) suýt chết. Những người “trên trước” này chỉ cảm thấy hạnh phúc khi những người “thấp cuối” thua kém họ. Họ thích sống tự đắc đầy đủ giữa những kẻ thiếu thốn. Đức bác ái đối với họ là một gánh nặng khó vác. Kitô giáo không hề có cuộc cứu độ dựa trên nền công lý ganh tị. Bởi vì những người cố chấp, ganh tị, và thành kiến dù có làm gì, thực ra họ chỉ qui chiếu về chính họ, họ không đến với Thiên Chúa.
Ông chủ trả tiền công trước hết cho người đến sau chẳng có lý do nào khác ngoài lòng  nhân từ. Vì vậy Kitô giáo cho rằng nếu ta có dồi dào tiền bạc để bố thí, công quả ấy vẫn chưa đầy đủ. Cuộc bố thí chỉ đầy đủ ý nghĩa khi nó được thúc đẩy bởi lòng khao khát tôn trọng phẩm giá con người. Ta đến với người nghèo không phải chỉ để đáp ứng cho nhu cầu kinh tế. Ta giúp những kẻ vô gia cư không phải vì ta hơn họ, nhưng vì ta và họ là đồng loại. Bác ái, theo nghĩa của Kitô giáo, là đến khóc với người chua xót, đau khổ với người tang thương, an ủi những người thất vọng... Nếu không có lòng bác ái, dù có nhảy vào lửa vì người, thì sự hy sinh ấy vẫn bất toàn (1Cor 13:3). Vì vậy chỉ có Kitô giáo mới có những khuôn mặt vĩ đại như Martin de Porres và Têrêsa Calcutta. Công việc của họ, không phải là kỹ thuật cải tiến xã hội nhưng là một hành trình thiêng liêng của đức bác ái. Họ đã đến với người nghèo với một lòng nhân từ rất ấm cúng.
Đến với kẻ túng nghèo còn có ý nghĩa sâu xa hơn khi họ là những người túng nghèo về tâm linh. Đức Giêsu nói, “Cha trên trời không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn phải hư mất”. “Ai có một trăm con chiên nhưng có một con đi lạc mà không để chín mươi chín con ở lại để đi tìm con chiên lạc?” (Mat 18:12-14). Vì vậy bác ái còn là lòng thương xót hướng về những con chiên lạc bầy. Họ là những người còn xa lạ với tin mừng cứu độ. Đức Giêsu nhắn nhủ, “Phúc cho ai thương xót người vì sẽ được Thiên Chúa thương xót” (Mat 5:7). Như vậy tôi đến với người khác bằng tấm lòng thế nào thì Thiên Chúa cũng nhìn tôi bằng tấm lòng như thế. Điều đó cũng có nghĩa tôi sẽ không thể nào gặp được Thiên Chúa nếu trước hết tôi không đến với tha nhân.

Khái Niệm Tự Do Trong Luật Buộc

Trong câu truyện ông chủ vắng nhà, trước khi đi ông trao tài sản cho các gia nhân thay ông làm cho thêm phong phú. Tuy thế ông không hề đưa ra một chương trình kinh doanh nào. Mỗi gia nhân có toàn quyền tự do xếp đặt kế hoạch làm giầu. Như vậy Thiên Chúa trao ban cho chúng ta những tài năng cần thiết và Người để cho chúng ta tự do phát triển để tiến hóa. Điều này rất quan trọng vì tự do mang lại ý nghĩa cho tất cả mọi vấn đề nhân sinh.
Công dân của những nước tiền tiến trên thế giới vẫn hiểu ý nghĩa tự do theo hai lãnh vực nhân quyền và luật quyền. Tự do nhân quyền cho phép cá nhân tự làm chủ đời mình để thăng tiến. Tự do luật quyền cho phép cá nhân được quyền tham dự vào mọi sinh hoạt chính trị của quốc gia. Cho đến bây giờ, mọi người chấp nhận những khái niệm này một cách đương nhiên. Họ không hề biết cả hai khái niệm ấy đều bắt nguồn từ giáo lý bình đẳng của Kitô giáo. Kitô giáo nhấn mạnh rằng trong con người có Thần Khí siêu việt, không phải là “Thần Khí nô lệ”. Con người được ban cho chí tự do để xây dựng phẩm giá nhân vị cho mình.
Về phương diện lý trí, nhóm quyền thế thường nghĩ rằng tự do là được toàn quyền thỏa mãn theo ý thích. Tự do theo kiểu bất chấp người xung quanh như vậy sẽ dẫn tới những hành vi quá trớn và chèn ép bất công. Theo Kitô giáo, tự do là sự giải thoát khỏi mọi ràng buộc của dục vọng xấu để sống an nhiên trong luật đạo. Nhóm duy lý cho rằng nếu còn bị luật kiểm soát, dù là luật đạo, thì vẫn là mất tự do. Nhóm duy lý đã nhìn lạc hướng. Họ không thấy cái tâm điểm của tự do là mối quan hệ liên bản vị. Hãy tưởng tượng chỉ có một người sống cô độc trên thế gian thì sẽ thế nào. Tách rời khỏi công đồng, con người sẽ mất bản sắc và ý nghĩa nhân loại sẽ không còn. Khi ấy mọi giá trị đều biến mất kể cả tự do. Tự do của kẻ cô đơn chỉ là sự lạc lõng vô ý nghĩa.
Với đặc tính nhân loại, luật đạo bắt buộc phải có một hình thức được xác định cụ thể và minh bạch. Tuy thế luật đạo không làm mất tự do, vì luật là biểu tượng của chân lý, mà chân lý thì giải phóng con người (Gio 8:32). Theo Đức Giêsu, nếu có thể gọi chân lý là luật, vậy luật của chân lý là tình yêu. Đối với Kitô hữu, người tự do là người sống tự nhiên trong luật mà không thấy cái trói buộc của luật. Chẳng hạn luật buộc cha mẹ phải yêu thương con cái. Nhưng khi cha mẹ ôm ấp con cái có ai nghĩ mình đang thi hành luật buộc đâu. Tình yêu tỏa ra ra tự nhiên không cưỡng ép. Điểm quan trọng của luật là cái ánh sáng chân lý trong nội dung của nó. Chính nhờ sự “khôn ngoan Thiên Chúa” của nội dung mà luật đạo tạo nên cuộc cách mạng chuyển hóa nội tâm.

Khái Niệm Thân Hữu Liên Bản Vị

Trong số những gia nhân của ông chủ thứ ba, có một người không dám làm gì cả. Anh bảo vệ những nén bạc bằng cách chôn dấu chúng dưới đất. Khi chủ về anh hân hoan trao lại nguyên vẹn những gì anh đã nhận được. Đây là một hành động lương thiện nhất trong xã hội vật chất. Nhưng ông chủ đã cho thái độ này là một hành vi tội lỗi. Ông không quan tâm vào sự lỗ lã vật chất. Cái ông nhắm tới là sự liên đới với công đồng mà những nén bạc chỉ là phương tiện giúp cho sự liên đới trôi chảy. Khái niệm này rõ hơn trong câu truyện người Samarita tốt bụng (Luc 10:29-37). Có một người bị cướp hành hung nằm thoi thóp bên vệ đường. Có thầy tư tế đi tới, nhưng ông thản nhiên bước qua. Có lẽ luật đạo của ông cấm ông đụng tay vào người ô uế. Trước sau thầy tư tế không làm điều gì sai quấy. Ông đọc kinh hằng ngày. Ông giữ mình trong sạch. Ông dâng lễ trong đền thánh. Nhưng đối với Đức Giêsu, cái lỗi của ông không phải là đã làm cái gì sai, mà là đã không làm cái gì. Quả đó là một ý tưởng cách mạng chưa hề có.
Nhiều người cho rằng khái niệm bác ái không thể coi là một tư tưởng cách mạng mới lạ. Đạo lý này đều có trong mọi tôn giáo và trong mọi nền luân lý xã hội. Điều đó đúng nhưng vẫn khác. Chúng ta hãy nhìn lại bộ luật vàng: “đừng làm điều gì cho người mà ta không muốn người ta làm cho mình”. Luật này khuyên rằng tốt hơn ta đừng làm gì cả. Có lẽ thầy tư tế đã áp dụng nó. Đức Giêsu dậy rằng: “Hãy làm cho người nhưng gì ta muốn họ làm cho mình”. Luật này thay vì bảo ta đừng làm gì lại dạy ta phải làm một cái gì. Luật này đã khiến thái độ của thầy tư tế trở thành sai. Chỉ có Công Giáo là tôn giáo duy nhất mở đầu lễ Misa với lời kinh: xin tha thứ “cho những việc thiếu sót đã không làm.”
Vậy vị tư tế của Công Giáo sẽ hành động thế nào? Vào năm 1941 tại trại giam Auschwitz có một tù nhân bị lính Đức xử bắn. Anh ta khóc nức nở xin tha mạng vì còn vợ con ở nhà. Truyện lạ là có một tù nhân không quen biết, mang số 16670, bước ra khỏi hàng chịu chết thay cho anh ta. Vị hy sinh mạng sống đó là linh mục Maximilian Mary Kolbe. Theo thần học gia Merton, các vị thánh Công Giáo không phải là những người hơn chúng ta. Họ không ở trên đỉnh cao tách rời quần chúng để chúng ta ca tụng chiêm ngưỡng. Ngược lại họ là những ngưởi thấp hơn chúng ta vì họ lăn xả tới phục vụ để nâng chúng ta lên cao. Vì vậy Kitô hữu chỉ là Kitô hữu khi sống liên đới với tha nhân. Chỉ Công Giáo mới có những nhân vật như Kolbe, Vicent de Paul và Padre Piô.

Ngày Ngôi Lời nhập thế đã là một biến cố cách mạng. Từ mốc thời gian ấy, lịch sử nhân loại phân làm hai. Nửa trước gọi là BC (before Christ), nửa sau gọi là AD (Anno Domini). Ngày Đức Giêsu phục sinh gọi là ngày Chúa Nhật. Cả thế giới an nghỉ vào ngày này. Đạo lý Đức Giêsu dạy toàn là những tư tưởng cách mạng. Người dạy nhân loại gọi Thượng Đế là Cha. Mỗi người đều là con yêu dấu của Cha. Linh hồn mỗi người đều bình đẳng trước mặt Cha. Tuy nhiên, với ý chí tự do vô minh, con người đã tạo ra những không gian thù nghịch lẫn nhau. Để sửa đổi Đức Giêsu kêu gọi những ai, là công dân Nước Trời, hãy trở nên “muối của thế gian” và “ánh đèn của thế giới” (Mat 5:13-14) để làm cuộc cách mạng thay đổi thế giới. Muối biến mùi vị tẻ lạt của nếp sống vị kỷ trở nên đậm đà. Ánh sáng làm tan những bóng đen ma quái để chân lý lộ ra. Nếu linh hồn mỗi người có khác nhau, cái làm ra sự khác biệt ấy chính là cách đáp ứng lời kêu gọi này.

Tác giả Đỗ Trân Duy

 

 

 
     

Tỉnh Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)