Suy niệm Mỗi Ngày
 
 

Suy niệm Lời Chúa mỗi ngày

-Tháng Giêng năm 2008

THỨ BA CUỐI TUẦN BÁT NHẬT GS Lc 2,16-21
01/01/08 Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời
Ngày Thế Giới Hoà Bình

SỨ ĐIỆP HOÀ BÌNH TỪ BÊLEM
Họ liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se, cùng Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ. (Lc 2,16)
Suy niệm: Hôm nay là ngày thật đặc biệt, vừa là ngày đầu năm mới, vừa là ngày mừng kính Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, cũng là ngày cầu nguyện cho Hòa Bình Thế Giới. Giáo hội đặt niềm tin vào Mẹ, Đấng cầu bầu cho thế giới, và mong mỏi thế giới có được nền hòa bình thực sự và bền vững. Mọi quốc gia đều mong muốn có hòa bình, nhưng chiến tranh vẫn cứ xảy ra, chiến tranh nóng, chiến tranh lạnh, chiến tranh khủng bố… Giáo Hội mời gọi mọi dân nước nhìn vào hang đá Bê-lem để lắng nghe sứ điệp hòa bình. Ở đó chỉ có yêu thương và phục vụ. Ở đó mọi người đều lấy thánh ý Thiên Chúa làm chuẩn mực sống cho mình. Mức sống của các ngài không bằng chúng ta hôm nay, nhưng sự bình an mà các ngài có, nhân loại vẫn hằng mong đợi.
Mời Bạn: Chiến tranh không chỉ là chiến trường với đạn bom. Chiến trường có thể là thương trường với những cạnh tranh quyết liệt, cân não. Chiến trường có thể là gia đình với những tranh giành ích kỷ, cãi cọ, ghen tương; cũng có thể là nơi đang diễn ra những cuộc đại chiến với những tính toán chiến thuật để giết hại bào thai của mình hay cân nhắc để ký vào tờ ly dị. Là con cái Chúa, là người kiến tạo hoà bình (Mt 5,9), mời bạn đem sứ điệp Bêlem đến với gia đình bạn.
Chia sẻ: Bạn nghĩ thế nào về lời của Đức Thánh Cha Bênêđictô trong sứ điệp Ngày Thế Giới Hòa Bình năm nay: “Ngôn ngữ của gia đình là ngôn ngữ của hòa bình”?
Sống Lời Chúa: Làm một việc để tạo mối yêu thương, hòa thuận trong gia đình hay xóm giềng.
Cầu nguyện: Hát Kinh Hòa Bình.

THỨ TƯ ĐẦU THÁNG Ga 1,19-28
02/01/08
Th. Baxiliô Cả & th. Ghêgôriô Nadien, gm. Tiến sĩ HT

TÔI KHÔNG ĐÁNG
“Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người.” (Ga 1,27)
Suy niệm: Sea Games 24 đã kết thúc. Đội bóng đá nam U-23 của ta ngay cả chiếc huy chương đồng cũng không giành được! Nhiều người phân tích thực trạng đội bóng đã nói “ta thua toàn diện,” “ta thua là phải.” Những lời nói phản ảnh thái độ khiêm tốn “biết mình” rất cần thiết lúc này. Khi đám đông tuôn đến để nghe lời giảng và xin chịu phép rửa, Gioan đã nói: tôi không phải là Đấng Kitô, tôi là tiếng kêu trong hoang địa, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Biết Chúa là ai, biết mình là gì, Gioan đã nêu cho ta tấm gương khiêm tốn nhờ luôn ý thức được giới hạn và vai trò của mình trong sứ vụ làm Tiền hô cho Đấng Cứu Thế.
Mời Bạn: Ai cũng có quyền đòi người khác phải nhìn nhận và tôn trọng phẩm giá của mình. Nhưng sẽ không còn khiêm tốn nữa khi ta ước muốn được ca tụng quá mức của mình và ngầm coi khinh người khác. Môn đệ của Chúa tỏa sáng khi danh Chúa tỏa sáng qua đời sống của họ; qua họ người khác đến gần Chúa hơn, yêu mến Chúa nhiều hơn.
Chia sẻ: Khi những ban bệ, chức danh tỏ ra kém hiệu quả, hữu danh vô thực, chúng ta có sẵn sàng chấp nhận sửa sai, thay đổi không?
Sống Lời Chúa: Tâm niệm lời của Gioan Tẩy Giả: “Người phải lớn lên, tôi phải nhỏ lại.”
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su khiêm nhường hiền lành. Xin cho con biết để cho Chúa uốn nắn dạy dỗ và làm cho lớn lên mỗi ngày. Xin cho con biết thu nhỏ mình đi để Chúa được lớn lên trong con. Amen.

THỨ NĂM ĐẦU THÁNG Ga 1,29-34
03/01/08 Danh Thánh Chúa Giêsu

GÁNH TỘI THAY NGƯỜI KHÁC
“Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian.” (Ga 1,29)
Suy niệm: Nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng Đạt Lai Lạt Ma dùng những con vật một người chọn theo thứ tự ưu tiên, để qua đó biết được bậc thang giá trị của người ấy trong cuộc đời. Các con vật tiêu biểu là cừu tượng trưng tình yêu; bò: công việc; cọp: tham vọng; heo: tiền tài; ngựa: gia đình. Con Chiên (Cừu) Thiên Chúa không chỉ là biểu tượng tình yêu chung chung, nhưng là tình yêu cho đến mút cùng, không có giới hạn, yêu đến độ gánh thay và xoá sạch tội lỗi của cả trần gian. Chúa Giêsu, Chiên Thiên Chúa đã thực hiện công cuộc gánh thay và xoá tội ấy không bằng phô truơng sức mạnh quyền năng, nhưng bằng tâm tình hiền lành khiêm tốn, bằng việc hy sinh chính thân mình trên cây thập giá. Thánh Gioan nêu rõ: giờ chết của Chiên Thiên Chúa chính là giờ sát tế chiên chiều áp lễ Vượt Qua (Ga 19,31).
Mời Bạn: “Những tình cảm đẹp nhất là những tình cảm trong đó không có chỗ cho cái tôi” (L. Cordière). Chiên Thiên Chúa gánh thay và xóa tội trần gian cách vô cầu, chỉ mong con người được hạnh phúc. Noi gương Ngài, người Kitô hữu cũng phải thanh lọc quả tim cho trong sáng, sống tinh thần vô vị lợi trong các mối quan hệ hằng ngày.
Chia sẻ: Chiên Thiên Chúa có là động lực thúc đẩy tôi sống tinh thần hy sinh quên mình cho người lân cận không?
Sống Lời Chúa: Nhớ đến lòng hy sinh quên mình của Chúa Giêsu khi đọc lời “Đây Chiên Thiên Chúa…” trong thánh lễ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, cảm tạ Chúa là Chiên Thiên Chúa, gánh thay và xoá bỏ tội chúng con. Xin giúp chúng con ghi nhớ và sống xứng đáng với lòng yêu thương quên mình đó của Chúa.

THỨ SÁU ĐẦU THÁNG Ga 1,35-42
04/01/08

QUẢNG CÁO KIỂU GIÊSU
Người bảo họ: “Đến mà xem.” (Ga 1,39)
Suy niệm: Một trong những nghề ăn nên làm ra vào thời buổi này chính là nghề quảng cáo. Xem phim truyền hình đang hồi gay cấn bỗng bị cắt ngang? - Quảng cáo! Mua báo? Phần quảng cáo nhiều hơn phần tin tức. Dạo ra đường gặp quảng cáo, nghe rađiô ‘zô’ với quảng cáo! Quảng cáo len lỏi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống, tiếp thị đến tận nhà, với những kiểu cách hết sức sinh động hấp dẫn. Còn Chúa Giêsu thì khác. Ngài không quảng cáo ồn ào, không tiếp thị màu mè, không khuyến mãi hấp dẫn. Thế nhưng, những lời nói đơn sơ của Ngài “Đến mà xem” có sức hấp dẫn làm sao, khiến cho Gioan và Anrê say mê đến độ mới gặp mà tưởng như đã quen từ lâu, mới nghe giới thiệu mà đã đến ở với Ngài suốt ngày hôm ấy, lại còn dẫn anh em bạn bè đến với Ngài. Quảng cáo kiểu Giêsu thật độc đáo, bởi vì con người Chúa Giêsu thật hấp dẫn, phải không bạn?
Mời Bạn: Phải chăng có thể định nghĩa môn đệ Chúa Giêsu là những người say mê Ngài? Có bao giờ bạn cảm thấy mình bị Chúa Giêsu cuốn hút đến độ say mê, bỏ tất cả để đi theo Ngài, làm tất cả để được làm môn đệ Ngài chưa? Mời bạn chiêm ngắm Ngài trong bí tích Thánh Thể để cảm nghiệm được sự say mê đó.
Chia sẻ: Theo bạn Chúa Giêsu có gì hấp dẫn khiến người thời nay say mê Ngài?
Sống Lời Chúa: Mời bạn làm “nhân viên tiếp thị” của Chúa cho anh chị em mình bằng cách làm một việc phục vụ theo đúng tinh thần, cung cách của Chúa như bạn đã cảm nhận nơi Ngài.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho con, như hai người môn đệ hôm nào, biết “đến và ở lại với Ngài”, vì chỉ nơi Chúa con mới tìm được hạnh phúc đích thực. (Epphata)

THỨ BẢY ĐẦU THÁNG Ga 1,43-51
05/01/08 Vọng Lễ Hiển Linh

HÃY DẸP BỎ THÀNH KIẾN
“Từ Na-gia-rét, làm sao có cái gì hay được?”... “Cứ đến mà xem!” (Ga 1,46)
Suy niệm: Xu hướng toàn cầu hóa đang chủ xướng một thế giới đối thoại hơn là đối đầu và giảm thiểu tối đa những thành kiến ngăn cách cộng đồng này với cộng đồng kia từ nhiều thế hệ nay. Thiên Chúa Giáng sinh làm người từ lâu đã đi bước trước để làm gương cho chúng ta, những con người nặng đầu óc thành kiến, bảo thủ không chịu khó xích lại gần nhau. Thật vậy, Ngài đã phá đổ bức tường tội lỗi, liên kết những con người thành tâm thiện chí và xây dựng Nước Thiên Chúa không phân biệt Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do. Chính những thành kiến đang bóp nghẹt những sáng kiến xích lại gần nhau, khi có kẻ nhân danh sắc tộc, màu da, giai cấp, tôn giáo để cho mình là cái “rốn” của vũ trụ.
Mời Bạn: Bạn thấy gì nơi mầu nhiệm Giáng sinh, nơi hang đá nghèo nàn Bêlem? – Thưa sự nghèo khó, đơn sơ, dễ gần gũi của một vì Thiên Chúa hơn là cảnh lầu son gác tía, ở đó là điểm hội tụ những mục đồng vô danh tiểu tốt và những bậc đạo sĩ vị vọng. Dịp giáng sinh này có nhiều bạn bè lương dân đến “xem” Chúa Hài Đồng nơi hang đá. Bạn hãy là những Philipphê thời đại mới đưa Thiên Chúa trở nên gần gũi, thân thiện hơn với họ.
Sống Lời Chúa: Chính bạn là người tiên phong đến với anh chị em chung quanh mình, làm hòa với họ nếu mình đã có xích mích, hiểu lầm hay tranh giành quyền lợi (đất đai, nhà cửa, ruộng vườn...)
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu Hài Đồng, xin dạy con biết trở nên trẻ thơ để con biết chấp nhận sự giúp đỡ, góp ý của mọi người. Xin đừng để con quá lý sự, chỉ biết làm “người lớn” để rồi không muốn ai xử sự với mình như những trẻ thơ.

CHÚA NHẬT LỄ HIỂN LINH Mt 2,1-12
06/01/08

TÌM CHÚA HAY TÌM MÌNH?
“Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người.” (Mt 2,8)
Suy niệm: Lễ Chúa Hiển Linh nhắc nhớ rằng: Chúa vẫn luôn hiện diện với con người và Ngài vẫn tỏ mình ra qua mọi dấu chỉ, mọi biến cố. Nhưng vấn đề là con người có nhạy bén để nhận ra Ngài không? Hôm nay, qua các nhà Chiêm Tinh, Hêrôđê cũng muốn tìm Chúa, nhưng ông không tìm để tôn thờ mà tìm để giết Chúa, vì ông sợ mất ngai vàng. Còn các nhà chiêm tinh thì bắt đầu từ việc nghiên cứu của mình, họ đã dấn thân vào một cuộc hành trình vất vả khó khăn để tìm cho được Vua Vũ Trụ. Chúa đã hiển linh cho họ nơi Hài Nhi mà họ gặp trong một “hang súc vật”! Và họ đã tin kính tôn thờ. Vâng, chỉ có đức tin mới đón nhận đây đích thực là Vua Vũ Trụ. Cũng một việc “tìm Chúa”, nhưng mục đích lại rất khác nhau! Vì đi tìm Chúa khác với tìm mình.
Mời Bạn kiểm điểm xem, lâu nay mình cũng đang trên đường tìm Chúa hay tìm mình? Tìm Chúa để làm gì? Để tôn thờ Ngài, hay tìm Chúa chỉ vì mình đang cần Ngài ban cho mình ân phúc nào đó? Hoặc có khi ta tìm công việc của Ngài, để cho danh ta được nổi. Hoặc ta chỉ làm khi “thuận buồm xuôi gió”, nếu gặp khó khăn ta dể dàng bỏ cuộc. Các nhà chiêm tinh hôm nay, hẳn đang nhắc nhở mỗi người xét lại cách sống xem mình tìm Chúa hay tìm mình trong mọi ngóc nghách cuộc đời.
Sống Lời Chúa: Xét mình: - Trên đường tìm Chúa, gặp khó khăn, tôi sẽ phản ứng ra sao? - Đâu là trường hợp tìm Chúa một cách trá hình?
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết tìm và chọn Ngài là lẽ sống của con, để dù gặp gian khổ, con vẫn luôn tín trung vì biết rằng Chúa vẫn ở bên con.

THỨ HAI SAU LỄ HIỂN LINH Mt 4,12-17.23-25
07/01/08 Th. Râymunđô, linh mục

SÁM HỐI
“Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.” (Mt 4,17)
Suy niệm: George Washington, tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ, ngay từ nhỏ đã là người sống trung thực và biết phục thiện. Một ngày kia, khi cậu George ra vườn làm cỏ, cậu vô tình chặt đứt cây anh đào mà bà mẹ rất quý. Cha cậu thấy cây anh đào bị chặt, liền hỏi: “Con có biết ai chặt cây anh đào không?” George trả lời: “Chính con là người chặt cây anh đào, xin cha cứ phạt con!” Và George rất ngạc nhiên khi nghe cha nói: “Điều con làm là một điều lỗi, nhưng con đã chữa được điều lỗi đó là khi con dám nhận lỗi.” Tội lỗi làm cho con người xa lìa Chúa. Nhưng chính là để cứu con người khỏi tội lỗi mà Chúa Giêsu loan báo Nước Trời và kêu gọi sám hối. Phúc cho ai biết nhìn nhận mình là người có tội và ăn năn sám hối: lòng thương xót Chúa sẽ tha thứ mọi tội lỗi và đưa họ vào thừa hưởng Nước Trời.
Mời Bạn: Trong trào lưu hưởng thụ vật chất, tội lỗi, sự ác thường được nguỵ trang dưới các tên gọi đẹp đẽ, hấp dẫn khiến chúng ta thật khó nhìn lại việc mình làm mà điều chỉnh, dứt bỏ những sai lỗi. Hành vi sám hối và bí tích hoà giải là phương thế để huấn luyện cho bạn có một lương tâm nhạy bén biết phân định tốt-xấu và có sức mạnh để “làm lành lánh dữ.”
Chia sẻ: Bí tích hoà giải có là phương thuốc nuôi dưỡng lương tâm bạn hay đang trở thành một thủ tục nhàm chán?
Sống Lời Chúa: Cuối mỗi ngày kiểm điểm đời sống, khiêm tốn thú nhận tội lỗi trước mặt Chúa và xin Ngài biến đổi cuộc sống mình nên tốt hơn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin đặt nơi trái tim con lòng khao khát Chúa, để cuộc sống con luôn có Chúa cùng đồng hành đỡ nâng con. A-men.

THỨ BA SAU LỄ HIỂN LINH Mc 6,34-44
08/01/08

ANH EM HÃY CHO HỌ ĂN
“Xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào thôn xóm và làng mạc chung quanh mà mua gì ăn.” Chúa Giê-su đáp: “Thì chính anh em hãy cho họ ăn đi.” (Mc 6,36-37)
Suy niệm: Thượng Hội đồng Giám Mục Á Châu 1972 đã đúc kết vắn gọn sứ vụ của Giáo Hội đối với người nghèo như sau: “Ưu tiên cho người nghèo là ưu tiên của Ki-tô hữu,... nó diễn tả mối quan tâm của Chúa Giê-su, Đấng loan báo cho người nghèo sứ điệp cứu độ.” Vì thế, lời Chúa hôm nay như một mệnh lệnh dành cho Giáo Hội trước hết. “Chính anh em hãy cho họ ăn đi.” Điều này có nghĩa hãy tìm trong Giáo Hội những điều kiện để giúp người nghèo, dù những gì Giáo Hội có chỉ như những chiếc bánh nhỏ chẳng đáng kể. Tin Mừng Gioan còn lưu ý sự đóng góp của một em bé với năm chiếc bánh và hai con cá. Ý thức điều này, Giáo Hội Á Châu nêu rõ việc quan tâm đến người nghèo chưa đủ, Giáo Hội cần phải nghèo với người nghèo.
Mời Bạn: Trong thông điệp “Sứ Vụ Đấng Cứu Độ,” Đức Gioan Phaolô II lưu ý nhiệm vụ đối với người nghèo cốt ở tại việc họ được “hiện hữu tốt hơn” chứ không phải “sở hữu nhiều hơn”. Lời nhắc nhở này càng giúp các địa phận, giáo xứ, các ki-tô hữu ý thức vai trò chứng nhân giữa người nghèo.
Chia sẻ: Theo tường trình của một bộ trưởng vào ngày 17.11.2007, Việt Nam hiện có hàng trăm ngàn người nghèo chỉ được ăn cơm một vài lần một năm. Giáo phận bạn, giáo xứ bạn có biết điều này không? Và bạn sẽ làm gì?
Sống Lời Chúa: Bạn làm một việc thiết thực giúp đỡ người nghèo.
Cầu nguyện: Đọc kinh Lạy Cha.

THỨ TƯ SAU LỄ HIỂN LINH Mc 6,45-52
09/01/08

CẦU NGUYỆN, VIỆC QUAN TRỌNG
“Sau khi cho họ đi, Người lên núi cầu nguyện.” (Mc 6,46)
Suy niệm: “Anh ơi, con người chỉ trở nên vĩ đại khi cầu nguyện mà thôi”. Đó là câu trả lời của nhà toán học, nhà tư tưởng Pascal cho anh sinh viên thắc mắc về việc một nhà bác học “vĩ đại” như ông lại có thể cầu nguyện trước Thánh Thể được. Quả thật, cầu nguyện là gặp gỡ Thiên Chúa. Một cuộc gặp gỡ kỳ diệu với Đấng là Chủ Tể trời đất. Trong cuộc gặp này, con người được nâng lên, vượt qua thân phận bụi tro thấp hèn để chuyện trò thân mật với Thiên Chúa là Cha. Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy vai trò quan trọng của cầu nguyện trong sứ vụ của Chúa Giê-su. Cầu nguyện với Cha quả là nơi nghỉ ngơi, bổ sức và là nguồn sinh lực cho hành trình rao giảng của Ngài.
Mời Bạn: Được gặp gỡ và chuyện trò với các nhân vật nổi tiếng, được “hát với các ngôi sao” làm người ta thích thú và hãnh diện vì cảm thấy mình “không phải là tầm thường”. Vậy việc nói chuyện với Thiên Chúa chắc chắn sẽ làm cho chúng mình được “tăng giá trị” bội phần.
Chia sẻ: Chia sẻ cảm nghiệm và nhu cầu cầu nguyện của bạn cho nhóm.
Sống Lời Chúa: Suy niệm Lời Chúa trong thư thánh Phao-lô: “Thần Khí giúp đỡ chúng ta, những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả” (Rm 8, 26).
Cầu nguyện: Lạy Chúa, những bận rộn của cuộc sống thường nhật làm con coi thường việc cầu nguyện, ít dành thời gian thưa chuyện với Chúa. Xin giúp con biết trung thành chạy đến với Ngài mỗi ngày. Amen.

THỨ NĂM SAU LỄ HIỂN LINH Lc 4,14-22a
10/01/08

ĐỂ ỨNG NGHIỆM LỜI KINH THÁNH
“Hôm nay ứng nghiệm lời Kinh Thánh quí vị vừa nghe.” (Lc 4,21)
Suy niệm: Có bước lên đỉnh đồi ở Nagiarét mới thấy được nỗi cảm khái của những ai thao thức với vận mạng Ítraen. Đằng kia dưới chân đồi về phía tây nam là cánh đồng Esdrelon với chiến tích lẫy lừng của bà Đêbora và Barắc, của thủ lĩnh Ghiđêon. Xa xa về phía tây là đỉnh núi Cácmen nổi bồng bềnh trên thảm mây như trong cõi thần tiên nhắc nhớ cuộc đối đầu hào hùng giữa tiên tri Êlia với bà hoàng Giêdaben hiểm ác. Nagiarét đâu có phải là một làng quê tăm tối, một nơi “nào có chi hay” (x. Ga 1,46), bởi vì cách đó 8 km về hướng bắc, là thành phố Xépphorít được xây dựng vào thời Rôma – các nhà khảo cổ mới khai quật khám phá di tích này được ít lâu. Chạy ngang qua đó là ngã tư quốc tế với con đường huyết mạch nối Đamát với Giêrusalem, “con đường ven biển” (x. Mt 4,15) nối Ai Cập với Libăng và con đường đâm sang miền đông hướng về xứ Ba tư. “Chúa Giêsu trở về Nagiarét, nơi người sinh trưởng” (c. 16), trong bối cảnh như thế.
Bạn ơi, bạn thử đặt mình vào địa vị của dân thành Nagiarét xem họ nghĩ gì khi Chúa Giêsu, người đồng hương với họ về quê quán với tiếng tăm lừng lẫy; họ nghĩ gì khi Ngài nói “Hôm nay ứng nghiệm lời Kinh Thánh…” trong khi họ đang mong chờ một sự giải phóng khỏi ách nô lệ Rôma mà nào có thấy gì đâu? Chả trách gì họ nổi giận!!! Thế nhưng Lời Kinh Thánh lại ứng nghiệm vào một Đấng Kitô Cứu Thế bằng khổ giá. Bạn có cảm thông với Chúa Giêsu không?
Sống Lời Chúa: Hình dung bạn đang đứng trên đỉnh đồi Nagiarét với Chúa Giêsu, và nhìn ngắm, lắng nghe Ngài với tâm tình yêu mến, cảm thông.
Cầu nguyện: Xin ơn được Chúa Giêsu cho chia sẻ nỗi niềm với Ngài.

THỨ SÁU SAU LỄ HIỂN LINH Lc 5,12-16
11/01/08

CHÚA MUỐN BẠN NÊN THÁNH
Có một người đầy phong hủi vừa thấy Chúa Giê-su, liền sấp mặt xuống, xin Người rằng: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” Ngài giơ tay đụng vào anh ta và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi”. (Lc 5,12-13)
Suy niệm: Người phong hủi rất muốn mình được lành bệnh, nhưng có lẽ ngoài anh ra, không có ai ước muốn điều đó hay có một hành động nào đó giúp anh lành bệnh, mà trái lại, chỉ có hất hủi, xua đuổi, bỏ rơi. Điều đó làm anh đã xa lại càng xa cách hơn với cộng đoàn. Gặp gỡ Chúa Giêsu hôm nay anh khám phá ra rằng ít ra còn có Ngài quan tâm đến anh, không xua đuổi anh. Trong cuộc gặp thân mật này, anh khám phá rằng ước muốn của anh trùng khớp với ý muốn của Chúa: “Tôi muốn, anh sạch đi.” Ngài không chỉ muốn mà còn có quyền năng chữa lành và phục hồi con người của anh để anh có thể hòa nhập với Dân-được-chọn, Dân của Thiên Chúa. Anh cũng nhận ra rằng đời sống của anh có ảnh hưởng đến người khác. Nếu tội lỗi nơi anh đã đẩy anh xa cộng đoàn, có nghĩa cộng đoàn mất đi một người và một người con xa lìa Thiên Chúa. Nay, khi được phục hồi, anh loan báo về điều Thiên Chúa làm cho mình, có nghĩa sẽ mang cho cộng đoàn cơ hội đông thêm.
Mời Bạn: Thiên Chúa mong muốn bạn sống thánh và giúp người khác sống thánh. Bạn có ý thức điều đó không?
Chia sẻ: Thiên Chúa có muốn người thân của bạn nên thánh không? Còn bạn, có muốn như Ngài không?
Sống Lời Chúa: Bạn nhớ xét mình hằng ngày và xin ơn Chúa thứ tha.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa muốn con nên thánh và cũng muốn anh chị em con sống thánh. Xin cho chúng con biết tiếp nhận ơn thánh của Chúa và sống thánh hằng ngày.

THỨ BẢY SAU LỄ HIỂN LINH Ga 3,22-30
12/01/08

ĐỂ DANH CHÚA ĐƯỢC CẢ SÁNG
Gioan Tẩy giả nói: “Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi.” (Ga 3,30)
Mời bạn quan sát cuộc đối thoại giữa Gioan Tẩy giả và các môn đệ. Các môn đệ của Gioan rõ là ‘khéo lo’ cho thầy mình. Họ thấy Chúa Giêsu là người trước đây đã đến chịu phép rửa của thầy mình, bây giờ cũng làm phép rửa và càng ngày càng thu hút dân chúng, nên họ lo ngại thế giá của thầy mình bị lu mờ. Họ báo cáo tình hình cho thầy mình nghe, nhưng lời lẽ của họ không dấu được vẻ ghen tỵ. Gioan Tẩy giả thật xứng danh là vị tiền hô của Đấng Cứu Thế cả trong việc giáo dục môn sinh của mình. Ông tự làm mình lu mờ đi, để dạy cho các môn đệ biết vai trò đích thực của “người được sai đi” làm sứ giả của Đấng Mêsia và hơn nữa không ít lần ông đã sai họ đến với Chúa Giêsu để họ trở thành môn đệ Người.
Bạn ơi, bạn được mời gọi để làm Gioan Tẩy giả ngay nơi bạn làm việc và trước hết trong gia đình của mình. Thay vì tạo những hào quang củng cố chính mình hay gây gương xấu cản lối tha nhân đến với Chúa, chúng ta hãy biết làm mình “lu mờ đi” để “tiếng nói của Chúa Kitô được nghe thấy”. Thư chung của HĐGMVN 2007 nhắc nhở: những nhà giáo dục, các thầy cô giáo, nói rộng ra, mọi kitô hữu đều là những người có trách nhiệm giáo dục đức tin. Họ chính là “đại sứ của Đức Kitô… bằng chính đời sống và lương tâm kitô hữu,” nhờ đó “mọi người sẽ nhìn thấy họ mà gặp được Thiên Chúa” (số 26).
Chia sẻ: Sắp xếp cho nhóm của bạn một buổi học hỏi thư chung của HĐGMVN 2007 về giáo dục Kitô giáo.
Sống Lời Chúa: Thực hành một giá trị Tin Mừng trong công việc của bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết từ bỏ ý riêng và lòng háo danh, để con liên lỉ tìm kiếm và thi hành ý Chúa.

CHÚA NHẬT CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA
13/01/08 Mt 3,13-17

GIỮ TRỌN ĐỨC CÔNG CHÍNH
Chúa Giêsu trả lời: “Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính... ” (Mt 3,15)
Suy niệm: Khi những người Biệt phái muốn đến chịu phép rửa, Gioan không chịu rửa còn ‘mắng’ họ xối xả chỉ vì họ không có lòng sám hối (x. Mt 3,7-10). Thế nhưng hôm nay thì khác! Gioan không dám ‘rửa’ Chúa Giêsu vì chính ông mới là người cần ‘được rửa’. Dù khăng khăng như thế, Gioan đã bị thuyết phục bởi lời Chúa Giêsu: ‘rửa’ cho Ngài để “giữ trọn đức công chính”. Quả vậy, vì tội lỗi con người đánh mất “đức công chính”. Để “phục hồi đức công chính” Thiên Chúa sai Con của Ngài đến đồng hoá với tội nhân, gánh lấy tội lỗi để tiêu diệt tội lỗi. Hiểu được điều đó, Gioan Tẩy Giả xác tín giới thiệu Đấng Cứu Thế với mọi người: “Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian.”
Mời Bạn: Thời nay thấy ai có cái gì mới là bạn bè xúm lại đòi ‘rửa’: rửa lon, rửa chức, rửa nhà, rửa xe... nhưng ít nói đến chuyện ‘rửa’ tâm hồn và nếp sống. Ngày lễ hôm nay nhắc nhớ đến bí tích Rửa tội: không phải vì mới mà ‘rửa’ nhưng ‘rửa’ để được trở nên mới. Được kết nạp làm con cái Thiên Chúa một lần cho mãi mãi, chúng ta phải tiếp tục “giữ trọn đức công chính” là làm mới tâm hồn, làm mới nếp sống, là trở nên “công giáo” mỗi ngày mỗi hơn.
Sống Lời Chúa: Bắt đầu làm mới nếp sống công giáo ngay trong gia đình bạn bằng cách duy trì (hoặc phục hồi) giờ kinh nguyện gia đình mỗi ngày.
Cầu nguyện: Xin Chúa cho mọi người trong gia đình chúng con, sốt sắng thờ phượng kính mến Chúa, và hết lòng hòa thuận thương yêu nhau, để làm bằng chứng tình thương của Chúa đối với mọi gia đình.... Amen. (Trích Kinh Gia Đình)

THỨ HAI TUẦN 1 TN Mc 1,14-20
14/01/08

ĐI THEO CHÚA
Chúa nói: “Các anh hãy theo tôi.” Lập tức, họ bỏ chài lưới mà đi theo Người. (Mc 1,17-18)
Suy niệm: Chúa Giêsu mở màn sứ vụ công khai bằng một thành công ngoạn mục. Chỉ một lời kêu mời ngắn gọn, Ngài đã chinh phục được bốn môn đệ đầu tiên. Hẳn là các ông thấy nơi Chúa toát ra một sự hấp dẫn khiến các ông bị thu hút đến bỏ mọi sự mà đi theo Ngài. Ta chú ý đến điểm Chúa Giêsu đã cất lời kêu gọi giữa lúc họ đang làm việc, người thì quăng chài, người thì vá lưới. Vừa nghe Chúa gọi, các ông bỏ mọi sự mà đi theo Chúa ngay, không chần chờ, luyến tiếc.
Mời Bạn: Tiếng Chúa mời gọi bạn vẫn vang vọng hôm nay, giữa cảnh đời thường của bạn, giữa lúc bạn đang sống và làm việc, giữa lúc vui lúc buồn, lúc thành công hay thất bại, khi mạnh khỏe hoặc đau yếu, thánh thiện hay tội lỗi. Điều quan trọng là bạn để mình bị thu hút bởi tiếng Chúa mời gọi và bởi chính Ngài, rồi mau mắn đáp trả.
Chia sẻ: Lắng nghe tiếng Chúa, đáp lại bằng sự tuân phục (như Đức Mẹ), và mau mắn làm theo ý Ngài, điều đó sẽ đem hạnh phúc cho chúng ta: “Phúc cho những ai nghe và thực hành lời Chúa”. Tội lỗi là gì, nếu không phải là ngoảnh mặt lại với Chúa, là khước từ Chúa, làm theo cám dỗ chứ không phải theo ý Chúa.
Sống Lời Chúa: Hôm nay, tôi để tâm nghe tiếng Chúa vang lên trong tâm hồn tôi, và tôi quyết tâm mau mắn đáp lại bằng sự vâng phục, đi theo Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, chính Chúa đã để lại gương cho chúng con, khi suốt đời Chúa luôn đón nhận thánh ý Chúa Cha, và thực hành: “Của ăn của tôi là làm theo ý Đấng đã sai tôi”. Xin cho con cũng làm như Chúa. Amen.

THỨ BA TUẦN 1 TN Mc 1,21-28
15/01/08

ĐỂ LỜI CÓ UY QUYỀN
Mọi người đều kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau: “Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền.” (Mc 1,37)
Suy niệm: Thính giả hôm ấy đã so sánh Chúa Giê-su với các các kinh sư của họ và nhận ra điểm khác biệt: lời giảng của các kinh sư không có uy quyền còn lời giảng của Chúa Giê-su thì có. “Có uy quyền” nghĩa là lời giảng ấy đáng tin, lời có sức cuốn hút, có sức thuyết phục họ. Đơn giản, họ thấy rõ Chúa Giê-su giảng và làm điều Ngài rao giảng. Ngài rao giảng Tin Mừng cho người nghèo, người bị áp bức thì Ngài lại “chạnh lòng thương” người nghèo, giải thoát người bị giam cầm trong vòng vây của ma quỷ. Đời sống của Ngài diễn tả cách sống động lời Ngài rao giảng. Người mọi thời đại, đặc biệt thời đại hôm nay, vẫn thế, vẫn biết đánh giá lời rao giảng có “uy quyền” hay không. Vì thế, Đức Phao-lô VI đã nói: “Con người thời đại sẵn sàng lắng nghe những chứng nhân hơn là nghe các thầy dạy, và nếu họ nghe thầy dạy, bởi vì thầy dạy là chứng nhân.”
Mời Bạn: Không có gì tác hại cho việc truyền giáo bằng đời sống Ki-tô hữu xa lạ với lời họ rao giảng. Chúng mình được mời gọi tiếp nối sứ mệnh truyền giáo của Chúa Giê-su, đồng thời cũng được đòi buộc sống như Ngài, ấy là đời sống phải mô tả lời rao giảng.
Chia sẻ: Kể cho nhau nghe một vài sự kiện về sự tương hợp giữa đời sống và lời rao giảng của Chúa Giê-su.
Sống Lời Chúa: Thực hành một điều quyết tâm bạn có được từ Lời Chúa hôm nay.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin hãy thánh hóa chung con trong sự thật, để lời chúng con nói và việc chúng con làm trở thành lời chứng cho Chúa.

THỨ TƯ TUẦN 1 TN Mc 1,29-39
16/01/08

SỨ MẠNG CẤP BÁCH
Rồi Người đi khắp miền Galilê, rao giảng trong các hội đường của họ. (Mc 1,29-39)
Suy niệm: Sau khi chữa hết mọi thứ bệnh tật và trừ quỷ, đối với quỷ thì Chúa không cho chúng nói Người là ai; với dân chúng thì Người trốn biệt vào nơi thanh vắng để cầu nguyện; họ muốn níu kéo Người ở lại thì Người lại lên đường tiếp tục sứ mạng rao giảng. Hoá ra rao giảng Tin Mừng “Triều đại Thiên Chúa đã đến gần” mới là điều duy nhất mà Chúa Giêsu quan tâm chứ không phải là làm thầy lang chữa bệnh, thầy pháp trừ tà để được tán tụng, tung hô. Chữa bệnh và trừ quỷ là việc cần, nhưng chỉ là dấu chỉ minh hoạ cho việc loan truyền Tin Mừng. Đó mới là điều chính yếu, như câu trả lời của Chúa cho các môn đệ: “Vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó.” Sứ mạng vẫn còn cấp bách, vẫn phải tiếp tục. Vì thế, sau ngày Phục Sinh, trước khi về với Chúa Cha, Chúa đã lập Hội Thánh với lời truyền: hãy đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. Là môn đệ Chúa, là Hội Thánh của Người nghĩa là cùng chia sẻ sứ mạng loan báo Tin Mừng với Người.
Mời Bạn: Những việc bạn làm thường ngày đang được hướng tới mục đích nào, có phải là để loan báo Tin Mừng không?
Chia sẻ: Kiểm điểm những việc tông đồ trong nhóm hay đoàn thể của bạn: Chúng có phải là việc tông đồ đích thực hay đã “xuống cấp” thành những hoạt động xã hội thuần tuý?
Sống Lời Chúa: Dành ít phút xét mình xem động cơ làm việc của mình có thực sự là “vì Chúa Kitô và Tin Mừng” không.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho Hội Thánh luôn biết trung thành với sứ mạng đã lãnh nhận, đó là đem Tin Mừng đến cho muôn dân và can đảm sống chứng nhân cho Lời được rao giảng.


THỨ NĂM TUẦN 1 TN Mc 1,40-45
17/01/08 Th. Antôn, viện phụ

AIDS/HIV: BỆNH CÙI THỜI ĐẠI
“Chúa Giêsu chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo : “Tôi muốn, anh hãy được sạch!” (Mc 1,40-45)
Suy niệm: Sau 10 năm nghiên cứu, công ty dược phẩm Pfizer (Mỹ) vừa cho ra đời loại thuốc điều trị AIDS mới, có tên Celsentri. Măïc dù không chữa khỏi bệnh hoàn toàn nhưng Celsentri có thể giúp các bệnh nhân AIDS có thêm một sự lựa chọn. Nhân loại vẫn đang nỗ lực cố gắng đẩy lùi thứ bệnh “cùi thời đại” này, nhưng trước hết, bệnh nhân HIV/AIDS cần có được sự cảm thông, chia sẻ và tấm lòng bao dung, vòng tay nhân ái của cả cộng đồng nhân loại. Để chữa lành người cùi Chúa Giêsu đưa tay ra đụng chạm đến anh. Chúa muốn nói với chúng ta vị thuốc cơ bản trong phác đồ điều trị của Ngài chính là tấm lòng chạnh thương những con người thường bị cộng đồng hất hủi đó.
Mời Bạn: Vi-rút HIV làm cơ thể yếu đi và mất sức đề kháng đối với những vi sinh vật gây bệnh khác. Bạn có ý thức rằng cũng có biết bao thứ vi-rút khác độc hại hơn đang ẩn núp trong tâm hồn con người, tên của chúng là dửng dưng, ích kỷ, thù hận đang giết dần giết mòn con người mà con người không hay biết?
Chia sẻ: Chúa Giêsu đưa tay ra chạm đến bệnh nhân. Thái độ chúng ta trước những nổi khổ của người chung quanh hôm nay như thế nào? Chúng ta có “chạnh lòng thương” để chia sẻ với những người đó không? Nếu không thì đó đã là một tội rồi.
Sống Lời Chúa: Dịp cuối năm này, bạn hãy đi đến thăm viếng và tặng qùa cho một bệnh nhân ở gần bạn.
Cầu nguyện: Xin Chúa cho chúng con biết đem Tin Mừng đến cho người khác không phải bằng sự tuyên truyền quảng cáo, nhưng bằng một cuộc đời hy sinh phục vụ âm thầm như Chúa. Amen.

THỨ SÁU TUẦN 1 TN Mc 2,1-12
18/01/08
Bắt đầu tuần lễ cầu cho các Kitô hữu hiệp nhất

NHỮNG NGƯỜI CỨU HỘ
Bấy giờ người ta đem đến cho Chúa Giêsu một kẻ bại liệt, có bốn ngươi khiêng. (Mc 2,3)
Suy niệm: Sáng ngày 26/9/07 cầu Cần Thơ đang xây dựng bất ngờ bị đổ sập. Trên 130 công nhân trong nháy mắt bị vùi sâu dưới hàng ngàn tấn bê tông sắt thép. Đoàn cứu hộ đã phải vận dụng tất cả tài trí, tất cả những phương tiện có được để sớm hết sức tìm kiếm, cứu mạng những nạn nhân. Người bại liệt trong Tin Mừng cho thấy: để được Chúa Giêsu chữa lành, anh cần người khác giúp đỡ biết bao! Đoàn cứu hộ bốn người của anh đã nghĩ ra một cách không bình thường nhưng đầy sáng tạo để đưa anh ta vượt qua đám đông: dỡ một lỗ hổng trên mái nhà để thả anh xuống trước mặt Ngài.
Mời Bạn: Bạn có nhận ra chung quanh bạn có biết bao bệnh nhân bại liệt tâm linh: những người dửng dưng với tình yêu Chúa; những người sống vô cảm trước những đau khổ của tha nhân? Hay có khi chính chúng ta cũng đang bị vô cảm, bị xơ cứng tâm hồn trước nhu cầu thiêng liêng của anh chị em? Mời bạn hãy đến gặp Chúa Giêsu nơi Bí Tích Hòa Giải Thánh Thể để Chúa biến đổi tâm hồn bạn luôn biết chạnh thương, quan tâm đem anh chị em mình đến gặp Chúa Giêsu nhân ái.
Chia sẻ: Đoàn thể/Nhóm của bạn có việc tông đồ thiết thực nào để làm cho người giáo xứ, khu xóm của bạn biết quan tâm giúp nhau sống tốt không?
Sống Lời Chúa: Hãy cầu nguyện và có hành động cụ thể giúp một người đang xa lìa Chúa được ơn trở lại.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin thương chữa lành chứng bại liệt tâm hồn con. Xin biết đổi con thành người cứu hộ tâm linh để con nhiệt thành dẫn đưa anh chị em đến gặp Chúa. Amen.

THỨ BẢY TUẦN 1 TN Mc 2,13-17
19/01/08

PHÒNG BỆNH HƠN CHỮA BỆNH
“Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần.” (Mc 2,17)
Suy niệm: Nói về chăm sóc sức khoẻ, người ta cẩn thận có thừa. Từ các chế độ dinh dưỡng cho trẻ em sơ sinh đến những chương trình dưỡng sinh cho các cụ già, tất cả chẳng phải là “phòng bệnh hơn chữa bệnh” thì là gì? Nhà nước lập các trung tâm y tế dự phòng, bởi vì ngăn chặn bệnh tật thì đỡ tốn kém hơn chữa trị các cơn dịch bệnh đã bùng phát. Nhiều gia đình, cá nhân còn có bác sĩ tư chăm sóc sức khoẻ thường xuyên. Người đau ốm cần thầy thuốc đã đành mà cả người khoẻ mạnh cũng cần nữa! Những kinh sư thuộc nhóm Pharisêu mất ý thức cảnh giác về sức khoẻ thiêng liêng của họ. Họ không nghĩ mình cũng là bệnh nhân cần thầy thuốc, là tội nhân cần được cứu độ. Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta hãy ý thức chăm sóc sức khoẻ linh hồn của mình cũng như của anh chị em mình và mở cửa lòng mình ra đón Ngài là vị Lương Y của linh hồn vì Ngài đến chính là “để kêu gọi người tội lỗi.”
Mời Bạn: Chăm sóc sức khoẻ thể lý, và cả tâm lý nữa, chu đáo là thế. Còn sức khoẻ thiêng liêng, sức khoẻ linh hồn thì hỡi ôi! Chẳng những không bồi dưỡng mà có khi còn ‘rước’ những thứ của ăn độc hại vào linh hồn mình và người thân của mình. Để biết mức độ chăm sóc sức khoẻ linh hồn của bạn, mời bạn xét: - Bao lâu một lần bạn đến trò chuyện với Chúa Giêsu, vị Lương Y của tâm hồn bạn? - Bao lâu một lần bạn dùng những phương thuốc đặc trị cho linh hồn bạn như suy niệm Lời Chúa, lãnh nhận các bí tích Thánh Thể và Hoà Giải?
Sống Lời Chúa: Xin bạn căn cứ vào kết quả xét mình ở trên và đề ra một quyết tâm thích hợp.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.

CHÚA NHẬT TUẦN 2 TN - A Ga 1,29-34
20/01/08

GIỚI THIỆU ĐẤNG CỨU THẾ
“Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian.” (Ga 1,29)
Suy niệm: Người ta thường cảm phục những con người biết xả thân vì dân tộc, vì người khác. Thế nhưng có một Đấng đã xả thân gánh hết tội lỗi cho nhân loại lại có quá nhiều người không hề biết đến. Đấng đó, Gioan Tẩy giả giới thiệu, chính là Đức Giêsu, Đấng đến để xóa bỏ tội trần gian, Đấng đến để cứu vớt nhân loại đang chìm trong tội lỗi. Ngài muốn nhân loại nhận ra và tin vào Ngài để được cứu thoát.
Mời Bạn: Gioan Tẩy giả đã giới thiệu Chúa Giêsu cho người Do thái. Bạn đã tin nhận Chúa Giêsu, bạn cũng hãy giới thiệu Ngài cho con người thời đại hôm nay bằng lời rao giảng cùng với chính đời sống của bạn. Tất cả đời sống của bạn đều phải qui hướng về mục đích này. Bạn phải sống sao cho gương mặt của “Đấng xóa tội trần gian” được người ta nhận ra qua chính đời sống của bạn, chứ không phải lấy làm đủ khi chỉ chu toàn bổn phận tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật. Bao lâu bạn không quan tâm đến việc đem Chúa đến cho người khác, bấy lâu bạn không con là môn đệ đích thực của Đức Giêsu.
Chia sẻ: Bao nhiêu lần trong cuộc đời bạn đã giới thiệu Đức Giêsu cho những người chưa nhận biết Chúa và bạn đã giới thiệu như thế nào?
Sống Lời Chúa: Thực hành lời dạy của Thánh Phaolô: “Dù anh em ăn uống hay làm việc gì, anh em hãy làm mọi sự cho sáng danh Chúa.”
Cầu nguyện: Lạy Chúa, gương mặt Đức Giêsu, “Đấng xóa bỏ tội trần gian” đã bị lu mờ đi vì chính đời sống của chúng con. Xin cho chúng con biết canh tân đời sống để giới thiệu Đức Giêsu cho mọi người.

THỨ HAI TUẦN 2 TN Mc 2,18-22
21/01/08 Th. Anê, trinh nữ, tử đạo

TẠI SAO KHÔNG ĂN CHAY?
“Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay khi chàng rể còn ở với họ?” (Mc 2,19)
Suy niệm: Hầu như trong tôn giáo nào việc ăn chay cũng được coi trọng. Hồi giáo qui định chay tịnh suốt tháng Ramadan, và coi đó như phương thế tuyệt hảo để nhận thức Thiên Chúa là Đấng Siêu Việt. Các Phật tử sùng đạo ăn chay trường, không chỉ trong việc ăn uống mà còn bao gồm cả việc tiết dục, nhằm chế ngự thân xác để tâm hồn thanh thản hầu thoát khỏi cõi trần tục luỵ. Phụng vụ Do Thái giáo buộc ăn chay trong ngày lễ Xá tội; những người đạo đức còn ăn chay nhiều hơn, có khi một tuần hai lần (Lc 18,12). Những người thắc mắc tại sao các môn đệ Chúa Giêsu không ăn chay như các môn đệ của Gioan Tẩy giả hoặc những người Pharisêu là bởi vì: - 1/ họ chỉ nghĩ đến chay tịnh như việc làm vụ hình thức mà quên mất tinh thần của nó là đặt mình khiêm hạ trước nhan Thiên Chúa và tha thiết xin được kết mối liên hệ mật thiết với Ngài; - 2/ họ đã không nhận ra Đức Giêsu chính là vị Thiên Chúa họ khao khát mong chờ mà nay đang hiện diện ở giữa họ.
Mời Bạn: Ngày nay người ta thường coi nhẹ việc chay tịnh hoặc có giữ chay nhưng vì một lý do thuần tuý tự nhiên (để giảm béo chẳng hạn…). Chúa Kitô dạy chúng ta dù chay tịnh hay không chay tịnh cũng chỉ vì một mục đích duy nhất là để được kết hợp mật thiết hơn trong tình thân với Ngài.
Sống Lời Chúa: Làm một việc hy sinh kín đáo để tỏ lòng yêu mến Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa không đòi hy lễ cao siêu nhưng Chúa đã kêu gọi con để con thuộc trọn về Chúa. Con xin thưa này con xin đến để làm theo ý Chúa.


THỨ BA TUẦN 2 TN Mc 2,23-28
22/01/08 Th. Vinhsơn, phó tế, tử đạo

GIỮ LUẬT TRONG TÌNH YÊU
“Ngày sa-bát được tạo ra cho loài người, chứ không phải loài người cho ngày sa-bát.” (Mc 2,27)
Suy niệm: Kể từ ngày 15/12/2007, đội mũ bảo hiểm đã thành luật cho người đi xe gắn máy ở nước ta. Các phương tiện truyền thông đã và đang cố gắng làm cho người dân thấy rõ lợi ích của việc đội chiếc mũ rầy rà đó để họ chấp hành tự nguyện chứ không coi đó chỉ là chuyện ‘đối phó,’ tránh né cảnh sát. Luật lệ rất cần thiết cho đời sống cá nhân và xã hội. Ai cũng phải phải tuân thủ luật pháp chính đáng. Các môn đệ bứt bông lúa mà bị người Pha-ri-siêu phóng to lên thành gặt lúa, lỗi luật sa-bat. Nếu câu nệ luật pháp hay áp đặt những luật lệ phi lý thì luật pháp không còn ý nghĩa. Chúa Giê-su đưa ra một nguyên tắc có giá trị cho mọi thứ lề luật: ngày sabat lập ra cho con người chứ không phải con người cho ngày sa-bát.
Mời Bạn: Trong Hội Thánh cũng có luật lệ, giới răn. Kitô hữu sống đạo chân chính sẽ giữ luật trong tâm tình mến Chúa yêu người là nền tảng của mọi lề luật. Cuộc sống đang thay đổi nhanh chóng, lắm lúc người con Chúa không biết phải cư xử thế nào cho đúng luật. Những khi đó họ sẽ cầu xin ơn Chúa Thánh Thần và khiêm tốn bàn hỏi với các vị hữu trách khôn ngoan để biết cách hành xử đúng đắn.
Chia sẻ: Trong cộng đoàn của chúng tôi, có những luật lệ, cách ứng xử tạo nên kỳ thị, bất công không?
Sống Lời Chúa: Xin ơn biết giữ luật trong tình yêu Chúa để tôi khô cằn xơ cứng, nhưng luôn bén nhạy, sẵn sàng có những thích nghi cần thiết.
Cầu nguyện: Hát: “Xin chỉ cho con đường đi của Chúa.”


THỨ TƯ TUẦN 2 TN Mc 3,1-6
23/01/08

VÌ CON NGƯỜI
“Ngày sa-bát được làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi?” (Mc 3,4)
Suy niệm: Một căng thẳng đặc trưng giữa Chúa Giêsu và những người Pharisêu xung quanh vấn đề ngày sa-bát: ngày sa-bát vì con người hay con người vì ngày sa-bát? Nhóm Pharisêu chọn lề luật, còn Chúa Giêsu chọn con người. Máccô cho biết Người “giận dữ … và buồn khổ vì lòng họ chai đá.” Và mặc dù ý thức rằng việc đối đầu với họ sẽ đặt mình vào tình trạng nguy hiểm và rắc rối nhiều, Chúa Giêsu vẫn dứt khoát chữa lành cho người bại tay.
Mời Bạn: Cảm nghiệm cơn “giận dữ” và nỗi “buồn khổ” thánh của Chúa Giêsu. Người thật dũng cảm và quyết liệt; Người sẵn sàng đương đầu khi cần phải đương đầu, để trung thành với sứ mạng. Môn đệ Chúa Giêsu ngày nay cũng cần sự dũng cảm ấy. Như Giám mục Manoel bị doạ giết vì bênh vực người da đỏ thiểu số; như Đức Cha Luis, một giám mục Braxin khác, đã quyết tuyệt thực để ngăn chặn một dự án của chính quyền, nhằm bảo vệ quyền lợi của dân nghèo địa phương; hay như Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ công khai phản đối chính sách của Tổng Thống Bush và yêu cầu việc rút quân khỏi I-rắc. Ở Việt Nam, Hồng Y Phạm Minh Mẫn cũng đang đòi chính quyền thực thi công bằng qua việc hoàn trả lại cho ĐCV Saigon cơ sở 4.000m2 đã bị chiếm dụng trước đây…
Chia sẻ: Sự chọn lựa đứng về phía con người sẽ đòi bạn làm gì cụ thể hôm nay?
Sống Lời Chúa: Tập yêu thương và tôn trọng những con người bé mọn nhất.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin dạy con biết bắt chước Chúa để chọn con người. Xin cho con ý thức rằng yêu thương là chu toàn lề luật. Amen.

THỨ NĂM 24/01/08 TUẦN 2 TN Mc 3,7-12
Th. Phanxicô đờ Xan, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh

CHÚA GIÊSU, NHÀ CHỮA TRỊ
“Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân, khiến ai ai có bệnh cũng đổ xô đến để sờ vào Người.” (Mc 3,10)
Suy niệm: Trang web Wikipedia liệt kê các danh y trong lịch sử, gồm gần 100 danh y bên Tây và 24 danh y bên Đông, nhưng không thấy có tên “Giêsu.” Có lẽ vì người thống kê quên sót, hoặc vì coi Chúa Giêsu là gì đó còn hơn một danh y nữa. Dù sao, phải nhận rằng ngòi bút của các tác giả Sách Tin Mừng, cách riêng của Mác-cô, khắc hoạ Chúa Giêsu là một nhà chữa bệnh tuyệt vời: người ta từ khắp các nơi lũ lượt đến với Người; Người chữa lành nhiều bệnh nhân khiến ai ai có bệnh cũng đổ xô đến để sờ vào Người. Đức Phật thấy cuộc đời là sinh, lão, bệnh, tử; nhưng trong thực tế ốm đau bệnh tật không phải chỉ chiếm có một phần tư biển khổ của nhân loại, mà hẳn gấp nhiều lần hơn thế. Lại nữa, phần lớn nỗi khổ do ốm đau bệnh tật rơi vào đại đa số người nghèo. Vì thế, là hiện thân của Thiên Chúa giàu lòng trắc ẩn, Chúa Giêsu không thể không là một nhà chữa trị.
Mời Bạn: Nhìn kỹ Chúa Giêsu trong cả cuộc đời và sứ vụ của Người, cho tới biến cố thập giá, để thấy Người là một nhà chữa trị độc đáo, chứ không chỉ là một danh y. Có danh y nào chữa trị bằng cách mang lấy những bệnh tật và gánh lấy những đau khổ của người ta như Chúa Giêsu, người Tôi Trung của Giavê?
Chia sẻ: Bạn có nghĩ rằng mỗi chúng ta đều cần được chữa trị và cũng đồng thời có sứ mạng chữa trị không? Tại sao?
Sống Lời Chúa: Ta tập nhạy cảm với những nỗi đau thể lý và tinh thần của người xung quanh, để góp một chút gì trong khả năng mình (một lời nói, một nụ cười...) đem lại sự xoa dịu cho họ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa!

THỨ SÁU TUẦN 2 TN Mc 16,15-18
25/01/08 Th. Phaolô, tông đồ, trở lại
Kết thúc tuần lễ cầu cho các Kitô hữu hiệp nhất

TIN MỪNG CHO MỌI NGƯỜI
“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.” (Mc 16,15)
Suy niệm: Có nhiều ý kiến khác nhau về câu chuyện “Thằng Bờm”, nhưng tất cả đều đồng ý rằng đây là một hình tượng mang đậm nét văn hoá dân tộc. Đã không có sự kỳ thị giai cấp giữa Phú Ông với Thằng Bờm, trái lại, Phú Ông lịch sự “xin đổi” nào là “ba bò chín trâu”, nào là “ao sâu cá mè” và nhiều thứ quí giá khác chỉ để nhận lại “cái quạt mo” của Thằng Bờm. Cuộc đối thoại bình đẳng đó đem lại một kết cuộc hài hoà thoả mãn cả đôi bên: “Phú Ông xin đổi nắm xôi, Bờm cười.” Lời Chúa thúc bách chúng ta rao giảng Tin Mừng để chia sẻ niềm vui cứu độ cho mọi người. Việc đó ngày nay phải được thực hiện trong tinh thần đối thoại và hội nhập văn hoá.
Mời Bạn: Ngày 17/12/07, thánh bộ Giáo Lý công bố một văn kiện về việc truyền giảng Tin Mừng cho biết ước muốn tự nhiên của con người là muốn chia sẻ cho nhau những gì mình có. Đối với người Kitô hữu sự chia sẻ cao quí nhất chính là chia sẻ “hồng ân đức tin trong Chúa Giêsu Kitô” (số 6). Thái độ cần thiết trong việc chia sẻ đó là đối thoại: đối thoại không “bao hàm sự cưỡng bách hoặc xúi giục một cách sai trái” nhưng “tôn trọng phẩm giá và tự do tôn giáo” lẫn nhau. Đối thoại dẫn đến hệ quả hai chiều: một mặt, “các nền văn hóa được chân lý Tin Mừng tác động một cách tích cực”, mặt khác, các tín hữu cũng “cởi mở đón nhận những món quà từ các truyền thống và các nền văn hóa khác” (số 7).
Sống Lời Chúa: Thăm viếng thân hữu một người bạn hoặc một gia đình lương dân.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Ba Ngôi, xin hợp nhất muôn dân trong tình yêu Chúa.

THỨ BẢY TUẦN 2 TN Lc 10,1-9
26/01/08 Th. Timôthê và th. Titô, giám mục

VẤN ĐỀ LY DỊ
“Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp loài người không được phân ly.” (Lc 10,9)
Suy niệm: Để sản xuất một sản phẩm hàng loạt theo dây chuyền người ta phân tích sản phẩm đó thành nhiều chi tiết với các tiêu chuẩn đồng bộ và hết sức chính xác. Vì thế, một bộ máy nếu hư hỏng bộ phận nào, chỉ việc tháo nó vất đi và ráp một bộ phận khác cùng loại vào là… chạy tốt! Thậm chí thân xác con người cũng giống như một bộ máy, cơ phận nào hư hỏng, người ta có thể thay thay bằng những cơ phận khác. Thế nhưng coi con người toàn vẹn như những bộ máy thì lại không thể được, bởi vì con người được tạo dựng như một tổng thể duy nhất và độc đáo, không thể chia cắt, không thể thay thế được. Chẳng hạn, cha mẹ tôi có mất đi thì không ông nào bà nào có thể thay thế được. Chúa dạy chúng ta mối dây liên kết hôn nhân duy nhất, bền vững và không thể phân ly bởi vì nó đã bắt nguồn từ tính cách duy nhất và độc đáo nằm trong bản tính con người.
Mời Bạn: Ngày nay tình trạng ly dị gia tăng. Phải chăng nguyên nhân khiến lời cam kết hôn nhân không được tôn trọng vì trước đó phẩm giá con người đã không được tôn trọng? Phải chăng vì trước đó người ta đã sống trong não trạng duy vật, hưởng thụ, coi con người như những sản phẩm có thể mua bán đổi chác? Vậy để phục hồi phẩm giá của hôn nhân, trước hết hãy bắt đầu bằng việc giáo dục trong các gia đình, sao cho vợ chồng, cha mẹ, con cái học cách đối xử với nhau trong tinh thần “yêu thương và kính trọng nhau suốt đời”.
Sống Lời Chúa: Khi xưng hô, trò chuyện không dùng những lời cộc cằn thô tục, nhưng dùng những lời nhã nhặn và tôn trọng nhau.
Cầu nguyện: Đọc kinh Gia Đình.

CHÚA NHẬT TUẦN 3 TN Mt 4,12-23
27/01/08

THEO CHÚA GIÊSU
Chúa Giêsu bảo các ông: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá. Lập tức hai ông bỏ chài lưới đi theo Người.” (Mt 4,19-20)
Suy niệm: Tiếng gọi của Chúa Giêsu có sức quyến rũ mãnh liệt bất khả kháng đến nỗi các môn đệ đầu tiên đã lập tức bỏ mọi sự mà đi theo Người. Câu ngạn ngữ Pháp “ra đi là chết trong lòng một ít” xem ra chẳng lột tả được bao nhiêu ở đây, vì ở đây cái mà các ông từ bỏ là cái vô cùng thiết thân, gần như là từ bỏ chính cuộc đời các ông. Còn chuyện gì điên rồ và liều lĩnh hơn chuyện một ngư phủ bỏ lưới bỏ thuyền, một người con bỏ cha mẹ và gia đình, chỉ để đi theo một kẻ xa lạ xem ra chẳng có mối bảo đảm nào. Không thể hiểu và không thể giải thích được hấp lực kỳ lạ này của Chúa Giêsu (không chỉ đối với các môn đệ đầu tiên mà còn tiếp tục đối với bao thế hệ môn đệ khác của Người qua dòng lịch sử Kitô giáo). Đây đúng là chuyện “con tim có những lý lẽ của nó mà lý trí không thể nào hiểu được.”
Mời Bạn: Hàng triệu chứng từ của những con người ‘bỏ mọi sự để đi theo Chúa Giêsu’ cũng chỉ là những tiếng bập bẹ về kinh nghiệm của họ, nhằm gọi mời bạn đích thân nếm cảm kinh nghiệm ấy – như lời Thánh Vịnh 34: “Hãy nếm thử và coi cho biết Chúa tốt lành dường bao!”
Chia sẻ: Mỗi người cho biết mình thích điều gì nhất nơi con người Chúa Giêsu?
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày, trong hoàn cảnh thực tế của mình, bạn hãy có những sự từ bỏ nào đó (dù nhỏ bé thôi) để thuộc về Chúa nhiều hơn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, con khao khát thuộc về Chúa. Xin rứt con khỏi những đam mê trần thế, và xin chiếm lĩnh trọn con người con. Amen.

THỨ HAI TUẦN 3 TN Mc 3,22-30
28/01/08
Th. Tôma Aquinô, linh mục tiến sĩ Hội Thánh

TỘI PHẠM ĐẾN THÁNH THẦN
“Ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời.” (Mc 3,29)
Suy niệm: Hiểu thế nào là tội phạm đến Thánh Thần không phải là khó, bởi vì Phúc Âm theo thánh Máccô đã giải thích: “Đó là vì họ nói ‘ông ấy bị thần ô uế ám’.” Việc Thiên Chúa làm mà vu khống là việc làm của ma quỉ, làm việc tốt mà bị bôi nhọ là làm việc xấu, điều chân thật mà qui kết là dối trá, đó là phủ nhận chân lý. Mà Chúa Thánh Thần chính là “Thần Chân Lý” (Ga 14,17), cho nên chối bỏ chân lý chính là phạm đến Chúa Thánh Thần vậy. Những việc tốt đẹp, dù là ai làm đi chăng nữa đều do Chúa Thánh Thần tác động. Phủ nhận những việc tốt đó đã là sai lầm, còn lấy những công việc đầy thiện ý mà gán cho là có ý đồ xấu và qui kết là việc làm của ma quỉ thì quả thật là tội phạm đến Chúa Thánh Thần và không thể đón nhận ơn tha thứ của Chúa được.
Mời Bạn: Có lẽ chúng mình không đến nỗi ‘tệ’ tới mức ‘nghi’ Chúa Giêsu bị quỉ Bê-en-dê-bun ám; nhưng nghi sự trái cho người khác, hoặc thấy việc tốt người khác làm, không khen ngợi thì chớ, lại còn ‘tám chuyện’ ra để đàm tiếu thì phải chăng đó là “chuyện thường ngày ở …” sở làm, trong xóm ngõ của chúng mình? Để không mắc tội phạm đến Chúa Thánh Thần, chúng mình hãy nhìn nhận việc tốt của người khác một cách trân trọng, và nếu cần phân định việc gì hãy làm với tinh thần bác ái.
Sống Lời Chúa: Tìm cho bằng được ít là một ưu điểm nơi người mà bạn hay nói xấu nhất, và nếu thuận tiện bạn hãy khen họ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa xin ban xuống trên chúng con, Thần trí tác tạo của Chúa, người đổi mới tâm can, đổi mới muôn lòng.

THỨ BA TUẦN 3 TN Mc 3,31-35
29/01/08

LÀ MẸ VÀ ANH EM CỦA CHÚA
“Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người đó là anh em chị em tôi, là mẹ tôi.”
(Mc 3,35)
Suy niệm: Đối với người tín hữu, ý Chúa là một điều quan trọng, bởi họ tin rằng Thiên Chúa là Cha mình, Người chỉ muốn điều tốt lành cho con cái, nên khi tuân phục ý Chúa, họ được bảo đảm hạnh phúc, không sợ sai lầm, sống trong tình yêu của Chúa. Ca dao cũng dạy: “Con cãi cha mẹ trăm đường con hư”. Ađam Evà vì không làm theo ý Chúa nên di lụy cho toàn thể nhân loại. Đức Maria vì làm theo ý Chúa, nên đã trở thành người Nữ có phúc nhất: là Mẹ Chúa, Mẹ mọi người, Mẹ Hội Thánh.
Mời Bạn: Hãy ý thức niềm hạnh phúc của bạn: dù không được như Mẹ Maria cưu mang Chúa để trở thành Mẹ Chúa, nhưng khi bạn làm theo ý Chúa, bạn cũng là mẹ, là anh chị em của Chúa theo một nghĩa thiêng liêng, bạn được kết nạp vào đại gia đình của Chúa. Chính Chúa đã khẳng định điều đó.
Chia sẻ: Bạn kiểm điểm lại trong ngày sống có những lần nào mình tìm thánh ý Chúa thay vì ý mình, thực hành ý Chúa, thay vì cứ cố chấp làm theo ý mình.
Sống Lời Chúa: Hôm nay, khi gặp một tình huống mà tôi phân vân không biết phải chọn điều nào, phải làm thế nào, tôi sẽ hướng lên Chúa, cầu xin Ngài soi sáng cho tôi biết ý Ngài, thêm sức mạnh và can đảm cho tôi dám chọn và thực hành ý Chúa trong đời tôi.
Cầu nguyện: “Lạy Cha, con phó trót mình con cho Cha. Xin hãy làm nơi con mọi sự đẹp ý Cha, Cha làm chi mặc lòng, con cũng cám ơn Cha. Con sẵn sàng luôn luôn, con nhận lãnh tất cả, miễn ý Cha thực hiện nơi con”. (Charles de Foucauld).

THỨ TƯ TUẦN 3 TN Mc 4,1-20
30/01/08

HẠT GIỐNG
“Phần anh em, mầu nhiệm Nước Thiên Chúa đã được ban cho anh em.” (Mc 4,11)
Suy niệm: Người xưa thường nói “Thiên cơ bất khả lậu” nghĩa là kế hoạch của Trời không được phép tiết lộ cho người phàm. Trước khi giải thích cho các môn đệ dụ ngôn gieo giống, Chúa Giêsu cũng cho các môn đệ biết rằng đây chính là “thiên cơ” cứu thế mà chỉ có các ông, những người thân tín được mời gọi cộng tác vào “thiên cơ” đó Ngài mới tiết lộ, còn “người ngoài” chỉ có thể biết được dưới hình thức dụ ngôn: “Phần anh em, mầu nhiệm Nước Thiên Chúa đã được ban cho anh em.” Ngài nhắc cho các môn đệ biết rằng, nếu các ông được ở với Ngài và được nghe Lời Thiên Chúa từ miệng Ngài, thì đều do ân sủng của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã chọn họ để đón nhận và truyền lại cho người khác lời loan báo về Nước Thiên Chúa. Là gieo hạt giống Tin Mừng cho cả những người không tin. Là chúng ta phải sinh hoa kết quả, đổi mới cuộc đời chúng ta, làm cho các nỗ lực của chúng ta trở thành hữu hiệu để cứu độ thế giới.
Mời Bạn: Đây là dịp thuận tiện để bạn tự vấn: Có khi nào bạn cảm thấy sợ rằng hạt giống Tin Mừng không đủ sức kết trái “hạt được 30, hạt 60, hạt 100”? Phải chăng vì hạt giống Lời Chúa nơi bạn đang bị cuốn bay bởi trào lưu hưởng thụ, thực dụng, hay đang bị bóp nghẹt bởi tiền tài, danh vọng, lạc thú?
Sống Lời Chúa: Kiểm điểm một việc bạn thường làm hằng ngày và xét xem làm thế nào bạn có thể làm việc đó tốt hơn theo tinh thần Lời Chúa dạy.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết lắng nghe Lời Ngài dạy con trong cuộc sống. Xin cho con biết sẵn sàng thực hành Lời Chúa đã truyền ban vì Lời Ngài là sức sống của con, là ánh sáng, là đường để con hằng dõi bước…

THỨ NĂM TUẦN 3 TN Mc 4,21-25
31/01/07 Th. Gioan Bốtcô, linh mục

TOẢ SÁNG BẰNG ÁNH SÁNG
CHÚA KITÔ
“Chẳng lẽ đem đèn tới để đặt dưới cái thùng hay dưới gầm giường? Nào chẳng phải là để đặt trên đế sao?” (Mc 4,21)
Suy niệm: Chuyện kể rằng có một ngôi chùa kia quanh năm suốt tháng vắng vẻ “như chùa Bà Đanh”. Vị sư trụ trì liền thỉnh một tượng Phật to về đặt trong chùa. Thế nhưng tình thế vẫn không thay đổi. Vị sư liền tìm đến một thiền sư ẩn tu trong núi sâu vấn kế. Vị thiền sư trả lời: “Vì thầy chỉ thỉnh tượng Phật chứ không thỉnh Phật.” Các kitô hữu có khi cũng rơi vào tình huống tương tự khi nghe Chúa Giêsu nói “Các con là ánh sáng thế gian” rồi tưởng rằng mình đã nắm gọn chân lý trong tay và tự đặt mình “trên đế cao” mà quên rằng mình mới chỉ là cái đèn chưa có ánh sáng. Phải toả sáng bằng ánh sáng Chúa Kitô thì sự hiện diện của ngọn đèn trên đế cao mới có ý nghĩa.
Mời Bạn: Dù là đèn dầu hay đèn điện… cũng phải tiếp xúc với nguồn năng lượng mới có thể toả sáng. Ngọn đèn kitô hữu toả sáng bằng ánh sáng Chúa Kitô bằng cách sống những giá trị Tin Mừng một cách dạn dĩ, không mặc cảm, không sợ sệt. Cũng như năng lượng phải được đốt cháy, người kitô hữu phải dám chấp nhận hy sinh, thập giá, theo gương Thầy Giêsu thì mới toả sáng được.
Chia sẻ: Xã hội ngày nay đang cần phát huy những giá trị Tin Mừng: khiết tịnh, khó nghèo, công bằng, tôn trọng sự thật, tôn trọng sự sống. Bạn cần chấp nhận những thập giá nào để những giá trị đó được toả sáng?
Sống Lời Chúa: Chọn thực hiện một giá trị Tin Mừng liên quan trực tiếp đến công việc, cuộc sống hằng ngày của bạn.
Cầu nguyện: Xin Chúa thắp sáng lên trong trái tim con tình yêu của Chúa.

Trích Tinvui.org - Vietnam

 

 

 
     

Tỉnh Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)