Suy
niệm Lời Chúa mỗi ngày
-Tháng Sáu năm 2008
CHÚA NHẬT TUẦN 9 TN – A 1/06/08
CHỌN VẬT LIỆU XÂY DỰNG Mt 7,21-27
“Vậy ai nghe lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá.”(Mt 7,24)
Suy niệm : Trong trận động đất ở Tứ Xuyên hồi tháng Năm vừa qua, khoảng 900 học sinh bị chôn vùi trong đống đổ nát của trường trung học Juyuan trong khi những toà nhà chung quanh còn nguyên. Lý do thật đơn giản: lòng tham. Vật liệu xây dựng thiếu chất lượng đã khiến ngôi trường không thể đứng vững trước cơn địa chấn. Đức Giêsu cũng dùng hình tượng vật liệu xây dựng để so sánh căn nhà cuộc đời của người tín hữu. Căn nhà cuộc đời được xây trên đá khi lấy Lời Chúa là chuẩn mực cho lối sống của bản thân, khuôn vàng thước ngọc cho cách ứng xử với đồng loại. Trái lại, căn nhà ấy được xây trên cát khi Lời Chúa chỉ được ghi nhớ trong nhà thờ, khi cách sống, lối ứng xử hoàn toàn dựa theo thói đời, sự khôn ngoan thế gian, và theo bản tính tự nhiên của con người.
Mời Bạn:“Con đường dẫn đến hoả ngục được lát bằng những ý hướng tốt” (ngạn ngữ Anh). Ý hướng tốt có thể làm bạn ảo tưởng, nếu bạn không đem ra thực hiện trong cuộc sống. Cầu nguyện và thực hành điều mình cầu nguyện, chiêm niệm và hoạt động phải luôn sát cánh trong con đường dẫn bạn đến Nước Trời.
Chia sẻ: Những khó khăn của bạn khi thực hành Lời Chúa?
Sống Lời Chúa: Ghi nhớ một câu Lời Chúa và tìm cách thực hiện trong ngày hôm nay.
Cầu nguyện:Lạy Chúa Giêsu, con đường dài nhất là con đường từ tai đến tay, vì chúng con chỉ thích thú nghe Lời Chúa dạy, nhưng lại không dám đem ra thực hành. Ước gì ngôi nhà đời chúng con được xây trên nền tảng vững chắc, đó là Lời Chúa, Lời chi phối toàn bộ cuộc sống chúng con. Amen.
(theo Rabbouni)
THỨ HAI TUẦN 9 TN Mc 12,1-11
02/06/08 Th. Mácselinô và th. Phêrô, tử đạo
SỐNG ĐÚNG THÂN PHẬN
“Ông sẽ tiêu diệt tá điền rồi giao vườn nho cho người khác.”(Mc 12,9)
Suy niệm: Những yếu kém trong việc quản lý tài sản nhà nước (sử dụng sai mục đích, chiếm dụng của công, lãng phí, thất thoát ngân sách, đầu tư không hiệu quả,...) đang là một bất công nhức nhối cho xã hội. Qua dụ ngôn hôm nay, Chúa Giêsu “nhắm” đến những người ở vị trí lãnh đạo; họ như những tá điền bất lương: Họ quên rằng mình chỉ là người thay quyền Chúa quản lý thế giới này và những tài nguyên của nó. Khi họ phủ nhận chủ quyền của Thiên Chúa thì đồng thời họ cũng sẵn sàng chà đạp lên mọi chuẩn mực đạo đức và đang tâm xúc phạm đến anh em đồng loại. Chúa Giêsu cảnh báo những con người như thế sẽ bị Ngài phế bỏ.
Mời Bạn: Đức Giáo hoàng Bênêđitô trong cuốn ‘Đức Giêsu Nagiarét’ cảnh báo rằng sự phát triển ‘chỉ dựa thuần túy trên nguyên tắc kỹ thuật vật chất không những loại bỏ Thiên Chúa nhưng còn đẩy con người lìa xa Thiên Chúa do sự kiêu ngạo về sự hiểu biết của mình.’ Khi sùng thượng vật chất và tôn mình lên làm chủ hoàn toàn sự sống, con người lấy chính mình làm chuẩn mực đạo đức. Đây chính là nguồn gốc của bao nhiêu sai lầm và hỗn loạn trong đời sống cá nhân gia đình và xã hội.
Chia sẻ về một trường hợp cụ thể. Tình trạng ngừa thai nhân tạo, phá thai lan tràn trong xã hội xúc phạm thế nào đến chủ quyền của Thiên Chúa trên sự sống?
Sống Lời Chúa: Để sống đúng thân phận mình, tôi tâm niệm rằng: Con người chỉ là quản lý chứ không phải là chủ quyền tuyệt đối trên sự sống.
Cầu nguyện:Lạy Cha là Đấng Tạo Thành, xin cho chúng con luôn biết sống đạo làm con theo gương Chúa Giêsu và biết lấy Lời Ngài làm ánh sáng soi đường trên trần gian.
THỨ BA TUẦN 9 TN
03/06/08 Th. Carôlô Loanga và các bạn tử đạo
CỦA CHÚA, TRẢ VỀ CHO CHÚA Mc 12,13-17
Đức Giêsu nói: “Của Xêda, trả về Xêda; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.”(Mc 12,17)
Suy niệm: Tiền mỗi nước thường in tên và hình lãnh tụ của nước mình, như một dấu hiệu bày tỏ chủ quyền quốc gia. Tiền có giá trị giao dịch nhờ sự công nhận của chính quyền sở tại, chứ không có giá trị tự nó. Đức Giêsu xác định rằng ai dùng đồng tiền in hình hoàng đế Rôma, thì phải công nhận chủ quyền của ông qua đồng tiền ấy. Đồng thời, Ngài cũng dạy một bài học sâu xa hơn: công nhận chủ quyền của Thiên Chúa trên những gì có ghi khắc hình và tên của Ngài. Kinh Thánh nói rằng con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa và tên của người tin Chúa Kitô được gọi là Kitô hữu. Trả con người trở về cho Thiên Chúa là chấp nhận chủ quyền của Ngài trên đời ta; trả người Kitô hữu về cho Chúa Kitô là công nhận cuộc đời ta thuộc về Ngài. Cũng vậy, ta tôn trọng người khác vì họ mang đậm dấu ấn của Thiên Chúa.
Mời Bạn: Dưới ánh sáng của Tin Mừng hôm nay, bạn có thể học được hai bài học: (1) chấp nhận Chúa là chủ vận mạng đời mình, (2) tập nhận ra hình ảnh của Thiên Chúa nơi người anh em.
Chia sẻ: Tôi tôn trọng người khác vì lý do gì? Do tước vị? Giàu sang? Nổi tiếng? Tôi có nhìn thấy và tôn trọng phẩm giá con người dù họ nghèo, không có chức quyền, khuyết tật, ngay cả tội lỗi không?
Sống Lời Chúa: Kiểm điểm xem những người bị bạn coi thường lâu nay là ai. Và tìm cách khắc phục.
Cầu nguyện:Xin Cha giúp chúng con biết hãnh diện vì mang nơi mình hình ảnh cao quý của Cha, và sống theo phong cách của Cha. Ước gì người ta đọc thấy Tên Cha trong tim của chúng con, và nhận ra chúng con là con Cha. Amen. (theo Rabbouni)
THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 9 TN
04/06/08 CÕI PHÚC THẬT Mc 12,18-27
“Khi người ta từ cõi chết sống lại, thì chẳng còn lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời.”(Mc 18,25)
Suy niệm: Khi nói đến chuyện đời sau, người ta thường quan niệm “dương sao, âm vậy”: đời này có nhà cửa xe cộ, có ăn uống, dựng vợ gả chồng thì đời sau cũng phải có y như vậy. Nếu đã như thế thì hẳn chẳng cần đến đời sau nữa; nhất nữa là nếu ở đời sau lại xảy ra những cảnh “tréo ngoe” như câu chuyện một chị lần lượt cưới cả bảy anh em trai, sang đời sau chẳng biết là vợ của người nào. Đó chính là chiến thuật mà những người phái Xa-đốc dùng để phủ nhận sự sống lại và cuộc sống đời sau: đặt ra những vấn nạn không có trên thực tế và coi cuộc sống đời sau dưới lăng kính của cuộc sống đời này. Sự sống đời đời là một thực tại có thật, là hạnh phúc vô biên so với cuộc đời tạm này. Chúa Giêsu mô tả đó là cuộc sống “như các thiên thần trên trời”; thánh Phaolô thì nói “gieo xuống thì hư nát, mà chỗi dậy thì bất diệt; gieo xuống thì hèn hạ, mà chỗi dậy thì vinh quang” (1Cr 15,42-43).
Mời Bạn đến với Chúa Kitô phục sinh và chiêm ngắm những dấu đinh nơi thân xác vinh quang của Ngài để xác tín niềm tin vào sự sống lại và sự sống đời sau, cùng cảm nghiệm được niềm hạnh phúc khi được sống kết hợp với Ngài. Có Chúa Kitô phục sinh, hạnh phúc thiên đàng đã bắt đầu thành hiện thực cho bạn ngay ở trần gian này.
Sống Lời Chúa: Siêng năng kết hiệp với Chúa Giêsu Thánh Thể để cảm nghiệm được hạnh phúc thiên đàng ngay từ bây giờ.
Cầu nguyện:Lạy Chúa, Chúa là niềm hạnh phúc đích thực của con. Xin cho con biết mang trái tim yêu thương của Chúa để con cũng đem hạnh phúc đến cho anh chị em con. Amen.
THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 9 TN Mc 12,28b-34
05/06/08 Th. Bôniphát, giám mục, tử đạo
CUỐI CÙNG CHỈ CÒN TÌNH YÊU
“Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quí hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ.”(Mc 12,33)
Suy niệm: Hàng trăm điều khoản trong bộ luật đồ sộ của Môsê cuối cùng tóm lại duy nhất một điều luật tình yêu. Sở dĩ Thiên Chúa muốn con người yêu Ngài “hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực…” vì Ngài là nguồn mạch tình yêu, và từ suối nguồn này Ngài cung cấp cho con người năng lượng vô tận để yêu thương nhau bằng tình yêu của Thiên Chúa. Mọi thứ đặc sủng đều “nhất thời,” “có ngần, có hạn,” chỉ có “đức mến là không bao giờ mất được.” “Hiện nay, đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại,” nhưng cuối cùng rồi cũng chỉ còn tình yêu (x. 1Cr 13). Mọi thứ lễ dâng, lễ toàn thiêu cũng chỉ là một thứ “hối lộ,” một thứ giả hình, nếu không có tình yêu, không thực tâm đối xử tốt với ‘người thân cận,’ người mà qua họ, ta trắc nghiệm được tình yêu của mình đối với Thiên Chúa.
Mời Bạn: Chắc bạn cũng có kinh nghiệm này là khi ta có những trục trặc trong quan hệ với Chúa như: thiếu nhiệt tình trong cầu nguyện, thoáng nghi ngờ Chúa khi Ngài chậm đáp ứng những nhu cầu của bạn… thì chúng ta cũng sẽ có những phản ứng phản cảm đối với anh chị em, nhất là những người đang cần đến bạn. Thế mới hay tình yêu có phản ứng dây chuyền; và một khi xây dựng được quan hệ tốt với Chúa, chúng ta dễ yêu người hơn là không có Ngài hiện diện trong cách ứng xử thường ngày của mình.
Chia sẻ: Thánh Âucơtinh nói: “Hãy yêu rồi muốn làm gì thì làm”, phải chăng Ngài chủ trương một thứ tự do phóng túng?
Sống Lời Chúa: Làm một việc phục vụ vô vị lợi với thực lòng yêu mến.
Cầu nguyện:Đọc kinh Kính Mến.
THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 9 TN Mc 12,35-37
06/06/08 Th. Nobetô, giám mục
GIÊSU: VỊ LÃNH ĐẠO TOÀN HẢO
“Chính vua Đavít gọi Đấng Kitô là Chúa Thượng, thì do đâu Đấng Kitô là con vua ấy được?”(Mc 12,37)
Suy niệm: Trong tâm thức của người Do Thái, Đavít là vị vua vĩ đại. Chẳng những ông là người đem lại nền độc lập và thống nhất đất nước -trong thời của ông, nước Do Thái hùng mạnh và mở rộng biên cương hơn cả- mà Đavít còn là một vị vua có lòng đạo đức sâu xa. Vì thế các ngôn sứ nói về ông như hình ảnh Đấng Messia sẽ đến cũng từ dòng dõi của ông. Dựa vào thế giá đó, Chúa Giêsu trưng dẫn lời Đavít trong thánh vịnh 110 như một mạc khải về mầu nhiệm nhập thể: Đấng Cứu Thế được Đavít gọi là Chúa vì Ngài là Con Thiên Chúa; là con vua Đavít vì Ngài giáng sinh làm người trong dòng dõi của ông. Là hiện thân của Đavít, nhưng Chúa Giêsu không phải là vị vua trần thế, lãnh đạo đất nước Israel. Trên thập giá, Ngài chiến thắng bạo lực tội lỗi và sự chết và được siêu tôn là vua Vũ Trụ, vua Nước Trời, lãnh đạo muôn dân nước trong sự thật, công lý và tình thương.
Mời Bạn: Đấng Cứu Thế là Con Thiên Chúa; khi giáng sinh làm người Ngài trở thành “trưởng tử” là đầu của Hội Thánh, lãnh đạo chúng ta tiến về cõi phúc trường sinh (x. Cl 1,15-18). Là người Kitô hữu, công dân trong Nước Chúa, ta thật hạnh phúc được Ngài lãnh đạo cả cuộc đời ta, ở đời này lẫn đời sau.
Chia sẻ: Bạn có ý thức và hãnh diện mình là thành phần của cộng đoàn Dân Chúa? Bạn làm gì để góp phần xây dựng cộng đoàn Dân Chúa này?
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày sống một câu Lời Chúa, làm một việc tốt, dẹp một tật xấu.
Cầu nguyện: Tạ ơn Chúa vì con được làm con Chúa. Xin cho con biết yêu Chúa và sống theo Lời Ngài.
THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 9 TN Mc 12,38-44
07/06/08
VỚI TẤT CẢ TẤM LÒNG THÀNH
Đức Giêsu liền gọi các môn đệ lại và nói: “Thầy bảo thật anh em, bà goá này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết.”(Mc 12,43)
Suy niệm: Mô hình sản xuất hiện đại càng ngày càng cần ít nguyên liệu vật chất, càng tốn ít nhân công nhưng lại đòi hỏi “hàm lượng trí tuệ” cao, nghĩa là phải vận dụng công nghệ cao cấp với nhưng yêu cầu mỹ thuật tinh xảo… Có như thế mới đáp ứng được nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng. Tương tự, một hành vi đạo đức “chất lượng cao” trước mắt Thiên Chúa cũng đòi hỏi một “hàm lượng tâm hồn” cao cấp như vậy. Lời nhận định của Chúa Giêsu khi quan sát những người dâng cúng tiền cho đền thờ cho ta thấy cách đánh giá đó của Chúa. Bà goá nghèo chỉ dâng hai đồng tiền kẽm, nhưng thật ngạc nhiên, Chúa công bố bà đã dâng cúng nhiều nhất, bởi vì bà đã dâng tất cả những gì bà có và dâng với tất cả tấm lòng chân thành.
Mời Bạn đọc lại đoạn Tin Mừng này, hình dung cử chỉ bà goá bỏ tiền vào thùng để rồi thinh lặng nhìn lại thái độ sống của mình để thấy rõ hơn đâu là những việc mình đã làm nặng về hình thức bề ngoài mà thiếu vắng tấm lòng yêu mến chân thành. Cuộc sống của chúng ta sẽ trở thành thô thiển nghèo nàn khi thiếu một tấm lòng thành. Trái lại nếu bạn thấm đầy cuộc sống mình bằng tình yêu mến, bạn sẽ làm cho cuộc sống của bạn và của người khác trở nên đậm đà ý vị và thực sự có giá trị trước mặt Chúa.
Sống Lời Chúa: Dành ít phút thinh lặng trong ngày để nghiền ngẫm lại ý tưởng và tâm tình mà Lời Chúa vừa khơi gợi lên trong lòng bạn.
Cầu nguyện: Xin Chúa ban cho con tâm hồn chân thật để con luôn biết sống thật với Chúa, với chính mình và với tha nhân.
CHÚA NHẬT TUẦN 10 TN - A Mt 9,9-13
08/06/08
ĐỨNG DẬY ĐI THEO CHÚA
Đức Giêsu đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Mát-thêu đang ngồi tại trạm. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông đứng dậy đi theo Người.(Mt 9,9)
Suy niệm: Quyết định của trọng tài trong trận bóng đá vào trung tuần tháng 5 vừa qua tại sân Chi Lăng, Đà Nẵng, gây nhiều tranh luận. Ban đầu, người cầm còi công nhận bàn thắng, sau đó lại phủ nhận. Nhiều người nhận định, trong những trường hợp như thế, bản lãnh của người quyết định là rất cần thiết để vượt qua mọi áp lực. Được Chúa gọi đang khi còn ngồi tại trạm thu thuế, Mát-thêu phải có một bản lãnh thật vững vàng để quyết định “đứng dậy đi theo Chúa” trong một tình huống như thế: không chỉ từ bỏ một cuộc sống đã thành nếp bên bàn thu thuế để bắt đầu một cuộc sống mới, Mát-thêu còn phải đối diện với những thành kiến của người chung quanh đối với quá khứ không tốt đẹp gì của ông. Mát-thêu đã dứt khoát đứng lên và không quay trở lại bàn thu thuế nữa. Đức Giêsu lôi cuốn ông và tình yêu này ban tặng cho ông một bản lãnh, giúp ông đứng vững trước mọi thử thách.
Mời Bạn: Đã bao lần chúng mình chần chừ khất hẹn sửa đổi đời sống cho phù hợp với Tin Mừng, hoặc nản lòng vì sa đi ngã lại trong tội lỗi. Hãy tự nhủ mình đừng thất vọng nhưng hãy tiếp tục đứng dậy đi theo Chúa vì “sự thánh thiện hệ tại ở chỗ biết bắt đầu lại.”
Sống Lời Chúa: Thưa với Chúa quyết tâm sửa một nết xấu cố hữu của mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, chúng con vẫn ước muốn sống thánh thiện, nhưng quả thật chúng con thiếu bản lãnh để quyết định chấp nhận cuộc thay đổi. Xin giúp chúng con mạnh dạn bước vào hành trình mới do Thánh Thần Chúa dẫn dắt, để chúng con thuộc về Chúa và luôn tìm ý Chúa thực hiện.
THỨ HAI TUẦN 10 TN Mt 5,1-12
09/06/08 Th. Éprem, phó tế, tiến sĩ Hội Thánh
THIÊN HOẠ – NHÂN HOẠ
“Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.”(Mt 5,7)
Suy niệm: Theo báo cáo mới đây của hội Chữ Thập Đỏ, cơn bão Nargis hồi đầu tháng năm vừa qua, đã khiến gần 80.000 người dân Miến Điện chết và 56.000 người mất tích. Tình hình sau cơn bão lại càng bi đát hơn: 2,5 triệu nạn nhân khác lâm cảnh khốn khổ vì đói, dịch bệnh và không nhà không cửa. Trong khi đó, chính quyền Miến lại trì hoãn ngăn trở các đoàn cứu trợ quốc tế đến với các nạn nhân khiến cho tình trạng của họ lại càng tệ hại hơn. Hoá ra “thiên họa” tuy ghê gớm nhưng so với “nhân họa” nó vẫn còn kém xa! Người ta có thể viện dẫn nhiều lý do để biện minh cho thái độ “bình chân như vại” trước thảm cảnh người anh em đồng loại đang gánh chịu. Nhưng lòng thương xót không chỉ là một tình cảm nhân đạo mà còn là một nghĩa vụ có cứu cánh nơi Thiên Chúa: ai thương xót người khác mới đáng được Thiên Chúa xót thương.
Mời Bạn: Khắp nơi trên thế giới, và ngay bên cạnh chung quanh chúng ta, biết bao người anh chị em đồng loại, đồng bào đang cần đến tấm lòng thương xót của chúng ta để cất đi những đau khổ của họ. Có khi nào vì thái độ thủ thân ích kỷ, toan tính thiệt hơn mà bạn trở thành hẹp hòi, vô cảm trước những đau khổ của tha nhân không?
Chia sẻ: Ông bà ta có câu “Trời hại không bằng người hại”. Bạn nghĩ gì về câu nói đó liên hệ với Lời Chúa hôm nay: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương”.
Sống Lời Chúa: Đọc kinh Phúc Thật Tám Mối.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con luôn biết xót thương, sẵn sàng giúp đỡ mọi người, và đừng bao giờ để con làm ngơ trước những đau khổ của người khác. Amen.
THỨ BA TUẦN 10 TN Mt 5,13-16
10/06/08
MUỐI VÀ ÁNH SÁNG
“Chính anh em là muối cho đời,… là ánh sáng cho trần gian.”(Mc 5,13.14)
Suy niệm: Trong bài giảng thánh lễ tạ ơn, một linh mục cao niên chia sẻ: “Linh mục là tấm bánh bẻ ra cho muôn người. Nhưng nếu tấm bánh không ngon, thì không ai ăn nổi.” Muối và ánh sáng là hai thứ không thể thiếu trong sinh hoạt hằng ngày của chúng ta: muối dùng để ướp mặn và giữ đồ ăn khỏi hư thối, ánh sáng chiếu soi đường đi cho chúng ta khỏi bị vấp ngã, nếu không có ánh sáng, sự sống trên trái đất này đã không phát triển được như thế. Nhưng nếu muối không còn mặn thì không còn là muối, nếu ánh sáng không còn chiếu sáng thì nó chẳng khác chi bóng tối. Chúa Giêsu nhấn mạnh rằng mỗi loại đều có “sứ mạng” riêng nhưng nếu bị biến chất thì nó không thể làm đúng “sứ mạng”, và sẽ trở thành vô dụng, chỉ có việc quăng đi cho người ta chà đạp mà thôi.
Mời Bạn: Là ánh sáng cho đời, tôi phải từ bỏ những gì là tối tăm của tội lỗi, của hận thù và chia rẽ, của gian trá và hối lộ, của bất công và đàn áp để thắp sáng bằng tình yêu chân thành, lòng vị tha, sự cảm thông và chia sẻ. Muối của tôi có mặn là nhờ “VỊ” của tình yêu thương giữa cha mẹ và con cái, tình huynh đệ, tình bè bạn và đồng đội, tình nhân loại. “VỊ” đó phải được “mặn mà” để ướp cho đời khỏi bị hư thối.
Chia sẻ: Kiểm tra “chất muối” ở trong bạn, có đủ “độ mặn” chưa? Đèn của bạn có đủ độ sáng để thắp cho đời không?
Sống Lời Chúa: Xác tín rằng những việc tốt mình làm với lòng yêu mến Chúa dù âm thầm nhỏ bé cũng có sức thánh hoá thế giới.
Cầu nguyện:Xin Chúa cho con luôn ý thức rằng con phải là muối và ánh sáng ở giữa đời để từ đó con tránh làm gương mù, gương xấu cho người khác.
THỨ TƯ TUẦN 10 TN Mt 10,7-13
11/06/08 Th. Banaba, tông đồ
NHẬN VÀ CHO
“Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy.”(Mt 10,9)
Suy niệm: Có một cô bé kia bị dị tật tay chân nhỏ xíu như một đứa bé mới sinh. Nhưng cô luôn vui tươi, lạc quan, yêu đời; thậm chí còn hăng hái làm bất cứ việc gì cô có thể phụ giúp được. Cô nói: “Tại sao không? Tại sao buồn rầu nghĩ đến cái mình không có? Tại sao không nghĩ đến những gì mình đang có, đang nhận được? Ít nhất mình cũng có thể đem lại cho người khác một niềm vui nho nhỏ qua sự hiện diện của mình.” Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy nghĩ đến những gì mình đã nhận được để cũng biết cách cho đi một cách quảng đại: “Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy.” Trong cái nhìn đức tin, tất cả những gì chúng ta có đều là quà tặng nhưng không của Chúa, từ sự sống tự nhiên đến cuộc sống tâm linh. Tất cả đều đến từ lòng quảng đại của Thiên Chúa. Chính vì nhận lãnh nhưng không chúng ta cũng được mời gọi trao ban nhưng không.
Mời Bạn: Thật là hẹp hòi khi nghĩ rằng những gì tôi có, tôi có quyền sử dụng cho riêng tôi, gia đình tôi, phe nhóm tôi,… miễn sao tôi không xâm phạm tới người khác là được. Bạn ơi, “Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh?” (1Cr 4,7). Tất cả những gì bạn đã được cho không thì bạn đừng xem đó là của riêng bạn. Trong một thế giới toàn cầu hoá, công bằng có nghĩa là liên đới, là chia sẻ để mọi người cùng sống và sống một cách dồi dào.
Chia sẻ: Bạn có cảm thấy bị lương tâm thúc bách khi nhà bạn có cơm ăn ngày ba bữa, còn người bên cạnh bạn bữa có bữa không hay không?
Sống Lời Chúa: Tiết giảm một phần chi tiêu của bạn để dành vào việc chia sẻ với những người kém may mắn.
Cầu nguyện: Hát kinh Hoà Bình.
THỨ NĂM TUẦN 10 TN Mc 5,20-26
12/06/08
CÔNG CHÍNH HƠN
“Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.”(Mt 5,20)
Suy niệm: Các kinh sư và Pharisêu vốn được coi là có đời sống công chính mẫu mực. Họ thông hiểu lời Chúa, và Lề Luật Môsê. Họ ăn chay, bố thí cho người nghèo, “giữ luật cha ông một cách nghiêm ngặt.” Họ là người cầm cân nẩy mực trong việc sống đạo của người Do Thái. Thánh Phaolô không ngần ngại nhìn nhận mình là một người biệt phái (x. Cv 22,3;26,5). Công chính như những kinh sư và biệt phái không phải là một điều dễ. Thế mà Chúa Giêsu dạy phải “ăn ở công chính hơn” thì mới được vào Nước Trời. Sống công chính hơn,không phải là tính đếm các giới răn mình tuân giữ (x. Mt 19,16-22), cũng không phải là so sánh mình với người khác (x. Lc 18,9-14). Tiêu chuẩn Ngài đưa ra là: “Anh em hãy nên toàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng Toàn Thiện” (Mt 5,49).
Mời Bạnnhìn vào cuộc đời Chúa Giêsu để biết thế nào là sống công chính hoàn hảo. Đó là cuộc sống vì yêu mến
mà vâng phục thánh ý Chúa Cha. Và vì thế, yêu thương nhân loại đến mức hiến thân đến hơi thở cuối cùng, đến giọt máu cuối cùng trên thập giá. Ngài mời gọi chúng ta là sống như Ngài: làm mọi việc không vì mong danh, cầu lợi, nhưng với vì yêu thương mà hiến thân phục vụ.
Chia sẻ: Cha Mark Link viết: “Những điều duy nhất ta còn giữ lại được là những gì ta đã cho đi”. Điều đó có giúp gì cho việc sống công chínhhơn không?
Sống Lời Chúa: Làm một việc hy sinh phục vụ cách âm thầm.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con nên hoàn thiện như Chúa là Đấng Hoàn Thiện. Xin dạy con yêu người như Chúa yêu thương chúng con.
THỨ SÁU TUẦN 10 TN Mt 5,27-32
13/06/08
Th. Antôn Pađôva, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh
VẺ ĐẸP CỦA ĐÔI MẮT
“Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết : bất cứ ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi.”(Mt 5,28)
Suy niệm: Người xưa có câu: “Con mắt là cửa sổ của tâm hồn.” Quả thật, qua đôi mắt, tâm hồn được hiển lộ. Hình ảnh của ngoại vật đi vào tâm trí qua cửa sổ đôi mắt. Ước muốn thầm kín trong tâm hồn cũng qua cửa sổ đôi mắt mà đi ra bên ngoài. Ý hướng trong tâm hồn quyết định giá trị đạo đức và luân lý của một cái nhìn. Một cái nhìn với ý tưởng vẩn đục, với ước muốn xấu xa đã là một hành vi tội lỗi. Như thế, ai nhìn người khác với ước muốn tà dâm thì đã phạm tội tà dâm trong tư tưởng rồi. Ngược lại người có tâm hồn và ý hướng trong sạch nhìn mọi sự với cặp mắt trong sạch và mọi sự sẽ trở nên trong sạch đối với người ấy.
Mời Bạn: Những phương tiện truyền thông hiện đại đem lại nhiều điều tốt đẹp cho nhân loại, đồng thời cũng chứa đựng biết bao hình ảnh khiêu dâm, kích thích bạo lực, khuấy động những dục vọng bất chính trong tâm hồn, làm vẩn cái nhìn và đánh mất đi vẻ đẹp của đôi mắt cửa sổ linh hồn. Chẳng những chúng ta phải không ngừng tu dưỡng tâm hồn để luôn hướng về sự thiện, yêu mến Thiên Chúa là Đấng Toàn Thiện, mà còn phải biết phòng tránh, không để những nội dung độc hại đó làm hư hỏng vẻ đẹp của những cái nhìn trong sạch nhất là nơi những tâm hồn trẻ thơ đơn sơ trong trắng.
Sống Lời Chúa: Cẩn thận xem xét lại những phương tiện “nghe-nhìn” trong gia đình bạn cũng như nơi con cái bạn.
Cầu nguyện:Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con một thần trí mới, một trái tim trong sạch; xin cho chúng con biết quý trọng tâm hồn thanh khiết, biết yêu mến và làm việc thiện cho anh em.
THỨ BẢY TUẦN 10 TN Mt 5,33-37
14/06/08
SỐNG THẬT
“ ‘Có’ thì nói ‘có’; ‘không’ thì nói ‘không’.”(Mt 5,37)
Suy niệm: Sách chữ Nho có câu: “Nhân chi sơ, tính bổn thiện” (con người từ thuở ban đầu, tính vốn tốt). Thế mà, ngày nay, khi cuộc sống con người được nâng cao hơn bao giờ hết, “tính bổn thiện” đó dường như đang bị chết nghẹt bởi vì sự lừa đảo gian dối có mặt trong mọi lãnh vực, mọi tương quan. Bán buôn thì lo hàng giả, hàng nhái, tràn ngập thị trường. Mối tương quan giữa người với người bị đe doạ bởi dối trá, bội tín, bất trung. Ngay một em nhỏ cũng biết nói dối để chối tội, gian dối trong học tập để được điểm cao. Người sống trung thực dường như bị coi là người ngu dại, không biết lẽ khôn ngoan sống ở đời. Lời Chúa dạy “có nói có, không nói không” đặt ra cho kitô hữu một thách đố: Liệu tôi có dám lội ngược giòng không? Liệu tôi có dám sống trung thực như Chúa dạy trong xã hội nhiều gian dối hôm nay không?
Mời Bạn: Sở dĩ người ta gian dối là để được một mối lợi, để tránh một cái hại. Thế nhưng “được lời lãi cả thế gian mà đánh mất chính mình” (Lc 9,25), thử hỏi đàng nào hại hơn, đàng nào lợi hơn? Chấp nhận chịu thiệt để sống theo sự thật, đó là chọn lựa của những người làm chứng nhân cho Đức Kitô. Thánh Phaolô cho thấy cái lợi của sự lựa chọn này: “Một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời” (2Cr 4,17).
Sống Lời Chúa: Hôm nay tôi quyết tâm sống thật với mình, với người anh em, và với Chúa, dù tôi có phải trả giá bằng một sự thua thiệt nào đó.
Cầu nguyện:Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã nêu gương cho chúng con khi “chẳng ai thấy Chúa mở miệng nói lời gian dối”. Xin Chúa giúp chúng con theo lời Chúa dạy luôn sống như con cái sự sáng.
CHÚA NHẬT TUẦN 11 TN - A Mt 9,36-10,8
15/06/08
THIẾU THỢ GẶT CHO ĐẾN BAO GIỜ?
“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít.”(Mt 9,37)
Suy niệm: Nhân tài là nguyên khí quốc gia đang bị hao tổn. Cứ nhìn vào hiện trạng giáo dục nước nhà thì rõ: tình trạng học sinh bỏ học trong cả nước gia tăng, những bất cập trong chương trình giáo dục đào tạo hiện nay… Chúa Giêsu cũng chia sẻ với các môn đệ mối ưu tư về vấn đề thiếu hụt nhân sự trong cánh đồng truyền giáo của Ngài. Nhưng trước khi các môn đệ lên đường truyền giáo Ngài kêu gọi họ cầu nguyện. Phải thực sự đồng cảm với Chúa Giêsu thì mới có thể là một thợ gặt tốt trong cánh đồng truyền giáo của Ngài. Phải chăng chính vì thiếu sự đồng cảm ấy mà từ thời Chúa Giêsu, “thợ gặt” vẫn thiếu và sẽ vẫn còn thiếu không biết cho đến bao giờ?
Mời Bạn: Thợ gặt thiếu vì nhiều nguyên do. Có một thời -hiện nay, nhiều người vẫn còn nghĩ như vậy- người ta cho rằng truyền giáo là việc của các linh mục tu sĩ. Trong tông huấn “Người Tín Hữu Giáo Dân”, Đức Gioan Phaolô II đã nhắc tới anh chị em giáo dân lời của Chúa Giêsu: “Cả các anh nữa, hãy đi làm vườn nho.” Ngày nay, đã có đông đảo giáo dân hiện diện trong mọi lãnh vực hoạt động của giáo hội. Thế nhưng, đối với họ, nhu cầu được đào tạo để biết sống ơn gọi và sứ mạng của mình là rất lớn. Vẫn còn cần lắm những chương trình đạo tạo “thợ gặt” cho các kitô hữu.
Chia sẻ: Truyền giáo có được đặt ưu tiên trong đường hướng của giáo xứ hay nhóm của bạn không?
Sống Lời Chúa: Theo lời Chúa dạy, hằng ngày, dâng một ý chỉ và một hy sinh để cầu nguyện cho việc truyền giáo.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã trao cho chúng con sứ mạng truyền giáo. Xin cho chúng con đồng cảm với Chúa và dám dấn thân trọn vẹn cho sứ mạng này.
Trích tinvui.org - Vietnam