Suy niệm 10 phút Mỗi Ngày
 
 

 

Suy Niệm Ba ngày Tết việt nam

 

Giao Thừa - Giây Phút Linh Thánh

Ngạn ngữ Anh có câu: “Let’s learn yesterday – dream tomorrow – but live today”. Nghĩa là: “Hãy học lấy ngày hôm qua, mơ đến tương lai, nhưng hãy sống với hiện tại”. Thực vậy, giây phút hiện tại mới quan trọng, giây phút này quyết định vận mệnh đời người. Quyết định sai sẽ dẫn đến hối tiếc cả đời. Vì “khôn ba năm dại một giờ” sẽ đánh mất tất cả những gì mình đã chăm nom vun trồng. Thế nhưng để có thể có những quyết định đúng cần phải có kinh nghiệm của quá khứ, cần có vốn sống để biết đưa ra những nguyên tắc hợp lý trong hiện tại. Đồng thời cũng cần có một tâm hồn biết mơ ước, luôn hoài bão về tương lai để dấn thấn trong hiện tại một cách dứt khoát và quảng đại.

Đêm nay, người ta còn gọi là đêm giao thừa, là nhịp cầu chuyển tiếp giữa cũ và mới. Ai cũng mong trút khỏi lòng mình những lo âu buồn phiền của quá khứ. Ai cũng mong trút mọi gánh nặng của năm cũ để bước vào năm mới trong hy vọng và tươi vui. Đêm nay, không ai muốn nhắc tới những rủi ro của ngày hôm qua. Đêm nay ai cũng thầm mong ước cho những điều tốt đẹp sẽ đến trong cuộc đời chúng ta. Đêm nay dân gian thường nói rằng:

“Đêm ba mươi co cẳng đạp thằng bần ra cửa
Sáng mồng một giang tay bồng ông phước vào nhà”

Vâng, đêm nay, ai cũng mong nhận được nhiều phước, nên ai cũng cầu chúc cho nhau nhiều tài lộc, nhiều tiền, nhiều của. Thế nhưng, ơn phước ở đời mà chúng ta cầu chúc cho nhau không chỉ là tiền của, may mắn, phát tài mà còn là hạnh phúc miên trường, hạnh phúc của tâm hồn thanh thoát bình an.

Nhìn lại một năm qua chúng ta thấy: Có những người được hạnh phúc, vì làm ăn thuận buồm xuôi gió, công thành danh toại, ăn nên làm ra. Có những người hạnh phúc vì tìm được chân lý, tìm được lẽ sống, tìm được bình an trong tâm hồn. Nhưng vượt lên trên tất cả những phước lộc trời ban chính là sự sống của chúng ta được Thiên Chúa quan phòng gìn giữ, chở che. Sự sống luôn ở bên ngoài khả năng của chúng ta. Sự sống hoàn toàn lệ thuộc nơi Thiên Chúa mà Ngài đã và đang tiếp tục ban tặng cho chúng ta.

Nhìn lại một năm qua chúng ta cũng thấy có biết bao những thiên tai giáng xuống địa cầu, khiến chúng ta cảm thấy nhân mạng bỗng trở nên nhỏ nhoi trong cơn địa chấn ở Trung Quốc đã cướp đi 88 ngàn người và hàng triệu người không còn nhà cửa, hay trong gió bão thảm khốc tại Myanmar đã làm chết 138 ngàn người và 2 triệu người đã mất nhà cửa. Bên cạnh thiên tai đã phá huỷ sự sống con người còn có những tai hoạ do sự tắc trắc của chính con người gây ra, như ở Việt Nam, giao thông yếu kém, con người lại thiếu ý thức đã dẫn đến hàng năm làm cho hơn 10 ngàn người tử nạn và hàng trăm ngàn người nằm liệt nhiều tháng có khi cả đời. Rồi chính lối sống coi thường sự linh thánh nơi thân xác con người là nguyên nhân dẫn đến những cái chết oan uổng nơi các thai nhi vô tội. Người ta coi thai nhi như những vật vô tri, vô giác để rồi loại bỏ không thương tiếc! Sự sống thật mong manh trước giông tố của trời đất và cũng mong manh trước sự vô nhân đạo của con người thời nay.

Vì thế, tâm tình mà chúng ta cần có trong giây phút này là tâm tình tạ ơn. Tạ ơn Chúa đã ban cho một năm bình an. Tạ ơn Chúa vì Ngài luôn bao bọc chở che chúng ta qua những biến cố của cuộc sống. Có thể đó là những biến cố đầy đau khổ, và nhiều mất mát nhưng chúng ta lại được bàn tay Chúa không chì dẫn dắt mà còn bồng ẵm chúng ta qua những biến cố đau thương đó. Tạ ơn Chúa đã cho chúng ta niềm tin tưởng vào Chúa để không rơi vào tuyệt vọng trước những gian nan của dòng đời. Đồng thời, xin Chúa cho chúng ta biết sử dụng giây phút hiện tại Chúa ban thật hữu ích, đừng để thời gian trôi qua mà lòng lại hối tiếc vì điều đáng làm mà lại không lại, và những việc không nên làm mình lại làm.

Xin cầu chúc cho nhau những giây phút giao thừa thật nồng ầm yêu thương quây quần bên gia đình. Xin cầu chúc cho mọi người những giây phút linh thiêng an lành của đêm giao thừa Kỷ Sửu hôm nay. Xin Chúa ban mọi phước lành, bình an trong giây phút linh thiêng chào đón xuân Kỷ Sửu hôm nay. Amen
Lm Jos Tạ Duy Tuyền

Giao Thừa
Giao thừa được hiểu là giây phút chuyển giao giữa cũ và mới. Giữa hiện tại và tương lai. Đó là giây phút lịch sử. Giây phút mà người ta vẫn chờ đợi những gì tốt lành nhất đến với mọi nhà, mọi người.

Đối với truyền thống Việt Nam đây là giây phút đoàn tụ gia đình, và cũng là giây phút để đón nhận những lời chúc phúc tốt đẹp nhất từ ông bà, cha mẹ. Từ những người thân thương nhất của mình. Có lẽ, đó cũng là giây phút cô đơn nhất của những ai xa nhà, những ai không có một mái ấm gia đình thực sự. Ngày xưa mỗi độ xuân về, mà nghe lời hát “Xuân này con vắng nhà” là một lần nghe lòng tái tê, là một lần nhắc nhở mỗi người hãy nhớ rằng mình còn có một mái ấm gia đình. Hãy nhớ mình còn có những người thân thương đang ngóng trông. “Con nhớ xuân này mẹ chờ tin con. Khi pháo giao thừa rộn ràng muôn nơi. Năm trước con hẹn mùa xuân sẽ về. Trông bánh chưng chờ đợi sáng. Đỏ hây hây như đôi má hồng”.

Vâng, mỗi khi nghe giai điệu bài hát này ai cũng cảm thấy lòng bồi hồi gợi nhớ lại bao kỷ niệm thân thương về một đêm giao thừa đoàn tụ với cha, với mẹ trong nôi ấm gia đình. Và ai cũng mong muốn được trở về với gia đình, được đoàn tụ với những người thân yêu trong giây phút linh thiêng nhất của một năm.

Giây phút đó, giờ đây đang dần đến với chúng ta. Ai cũng mong được hạnh phúc trong giây phút đầu năm. Ai cũng mong được sống đoàn tụ quây quần với những người thân yêu trong giây phút hết sức linh thiêng này. Giây phút này chúng ta mới thấy cần có một mái ấm gia đình. Giây phút này chúng ta mới thấy gia đình là một quà tặng thật qúy giá mà Thiên Chúa đã tặng ban cho chúng ta. Thế mà đã bao lần chúng ta lại muốn ly tán gia đình! Đã bao lần chúng ta gây nên biết bao thương tổn cho những người thân yêu nhất của chúng ta! Đã bao lần chúng ta đã sống khờ dại như cha ông ta vẫn nói: “khôn nhà dại chợ”. Đã bao lần chúng ta sống thiếu trách nhiệm với gia đình, trở thành gánh nặng cho gia đình, vì lười biếng, vì “ăn cơm nhà đi vác tù và hàng tổng”, hay “việc nhà thì nhác, việc cô bác thì siêng”.

Có lẽ đây là giây phút thật thuận tiện để chúng ta xin lỗi về cả một quá khứ. Về những việc chúng ta đã làm có lỗi với nhau. Về những việc chúng ta đã quá thiếu sót với nhau. Về cả những lời nói mà chúng ta đã xúc phạm đến nhau.. . Đây là giây phút lịch sử để chúng ta làm lại cuộc đời. Giây phút này không ai muốn làm phiền lòng nhau và càng không muốn phiền hà đến ai. Chúng ta hãy dành những cử chỉ, những lời nói tốt đẹp nhất cho nhau. Hãy chân thành chúc phúc cho nhau một năm mới an lành, một năm tràn đầy hồng ân Chúa.

Song song với tinh thần đoàn tụ gia đình, truyền thống Việt Nam còn có một thói quen là xông nhà. Chúng ta ao ước có một người tốt phúc tới xông nhà, để cầu phước cho một năm làm ăn thuận buồm xuôi gió, cho một năm an bình thịnh vượng. Tôi ước mong qúy ông bà và anh chị em hãy mời Chúa đến “xông nhà” chúng ta. Hãy lắng nghe Chúa chúc phúc cho gia đình chúng ta. Năm nay với chủ để “Giáo dục kytô cho xã hội hôm nay và ngày mai”, với điểm nhấn của năm nay là giáo dục từ gia đình, chúng ta hãy nguyện xin Chúa chúc phúc cho gia đình chúng ta đựơc sống hiệp nhất yêu thương nhau, mỗi người biết sống phục vụ lẫn nhau trong tinh thần trách nhiệm và tròn bổn phận. Thiên Chúa là tình yêu, nguyện xin tình yêu Chúa ở lại luôn mãi trong các gia đình, để tình yêu của Ngài được thể hiện qua từng ngôn ngữ, từng hành vi mà chúng ta dành cho nhau. Vì chưng, giá trị của một con người không hệ tại ở sự giầu có, không hệ tại ở chức vụ quyền qúy cao sang, mà hệ tại ở tư cách của một con người biết sống kính trên nhường dưới, biết sống trên thuận dưới hoà và biết sống yêu thương mọi người. Vì thế, một gia đình hạnh phúc không hệ tại ở giầu sang phú quý mà hệ tại ở một cuộc sống trên thuận, dưới hoà, người người biết yêu thương nhau.

Và cuối cùng trước thềm một năm mới, nguyện xin Chúa luôn cư ngụ trong mỗi gia đình, xin Ngài chúc lành cho các gia đình được hưởng những giây phút giao thừa thắm được tình Chúa, tình người. Amen
Lm Jos Tạ Duy Tuyền

Ngày Mồng Một Tết - Hái Lộc Đầu Xuân

Có một bộ tộc ở trên miền núi xa xôi, hàng năm cứ mỗi độ xuân về, mọi người, già trẻ lớn bé đều tham dự vào một cuộc thi đi tìm bông hoa đầu tiên của mùa xuân. Ai tìm và hái được bông hoa đó sẽ được xem là người may mắn nhất trong năm.

Một năm nọ, khi tuyết đông vừa tan, ánh nắng xuân vừa ló dạng. Cả làng đều chạy đi tìm bông hoa đầu xuân. Tìm suốt cả buổi nhưng chưa ai tìm được cánh hoa nào. Giữa lúc mọi người đang chán nản bỏ cuộc, thì trên một triền núi cao, người ta nghe vang vọng tiếng la mừng rỡ của một cậu bé: “Tôi đã tìm thấy. Tôi đã tìm thấy”. Cả làng chạy tới nơi cậu bé đang reo lên vì vui mừng. Thế nhưng, không may cho cậu, vì cánh hoa lại nằm kẹt trong một khe đá dưới vực sâu, muốn lấy phải trèo dây thừng xuống mới lấy được. Các trai tráng trong làng tình nguyện giữ dây thửng để cậu xuống hái hoa đầu xuân, nhưng cậu vẫn không đủ can đảm trèo xuống, và cậu ta chỉ chờ cho tới khi người cha của mình trực tiếp nắm lấy dây thừng cậu mới dám leo xuống vực thẳm hái hoa.

Ngày đầu xuân, theo thói quen của nhân gian người ta thường rủ nhau đi hái lộc xuân. Gọi là hái lộc, nhưng thực ra người hái đã có sẵn những ước mơ, những ước nguyện trước khi hái lộc đầu năm. Lộc xuân như là dấu chỉ ân lộc trời ban hay như là sự chúc lành của Đấng hoá công tạo dựng đất trời cho ước nguyện ngày xuân. Khi hái lộc xuân ta cũng gửi tâm tình tín thác vào Đấng tạo thành, như cậu bé chỉ can đảm hái hoa đầu xuân trong sự phó thác vào người cha yêu quý của mình.

Bên cạnh đó, ước mơ ngày xuân luôn là những ước mơ chân thật nhất, vì nó là chính nỗi khát khao từ trong sâu thẳm của từng người, là nỗi niềm riêng mà người ta muốn thay đổi cuộc đời hoà nhịp với sự đổi thay của đất trời. Ước mơ ngày xuân có thể là những dự định mà ta muốn thực hiện trong cuộc đời, cho dù nó chỉ là những hoài bão, mong ước nhưng chưa đạt được hay chưa có cơ hội thực hiện.

Ngày xuân chúng ta trao gởi nỗi niềm ước mơ cho Đấng tạo thành. Đấng càn khôn. Ngài là Đấng làm cho đất trời thay đổi theo bốn mùa: xuân – hạ - thu – đông. Ngài là Đấng duy nhất có thể thay đổi vận mạng cuộc đời chúng ta. Ngài là đấng duy nhất có thể làm cho ước mơ đêm xuân trở thành hiện thực. Người ta nói: “Mưu sự tai nhân – thành sự tại thiên”. Sự toan tính là của con người, nhưng chỉ có thể trở thành hiện thực là do sự quan phòng của Thiên Chúa, là ân bởi của Đấng càn khôn. Như em bé chỉ có thể chạm đến bông hoa đầu xuân khi em tin rằng, chính cha em đang hỗ trợ cho em đạt được ước nguyện đầu xuân. Người ky-tô hữu cũng tin rằng, mọi sự đều nhờ bởi ơn Chúa, chính Chúa là Đấng ban phát mọi ơn lành, là Đấng phù trợ và bảo vệ cuộc đời chúng ta. Niềm tin này không phải là niềm tin mông lung, nhưng dựa trên chính lời hứa của Thầy Giê-su: Các con đừng lo chi ngày mai sẽ ra sao. Hãy xem chim trời, hoa huệ ngoài đồng, chúng không hề lo lắng cho ngày mai sẽ ra sao. Chính Thiên Chúa sẽ lo cho chúng.

Hôm nay, bắt đầu một năm mới, chúng ta vừa vui mừng ăn Tết, nhưng cũng vừa lo lắng cho tương lai: Không biết năm nay sẽ thế nào, gia đình tôi có được bình yên không? công việc làm ăn có gì trục trặc không?. .. đủ thứ lo. Nhưng chúng ta vừa nghe Chúa bảo: hãy để cho Chúa lo tất cả những việc đó. Phần chúng ta, điều duy nhất Chúa để chúng ta lo, và cũng là điều quan trọng nhất, đó là chúng ta hãy lo tìm biết ý Chúa là Cha chúng ta và cố gắng làm theo ý Ngài.

Năm nay, được gọi là năm con trâu. Một con vật gắn bó với con người, luôn đi chung với con người, luôn làm theo ý của chủ mình, như ca dao xưa thường nói:
“Rủ nhau đi cấy đi cầy,
Bây giờ khó nhọc có ngày phong lưu,
Trên đồng cạn,dưới đồng sâu,
Chồng cầy,vợ cấy,con trâu đi bừa.

Sự gắn bó, chia sẻ việc đồng áng của con trâu khiến người ta nhân cách hoá con vật như là loài hiểu biết để có thể nói với trâu như nói với bạn:
“Trâu ơi ta bảo trâu này,
Trâu ra ngoài ruộng trâu cầy với ta,
Cầy cấy nối nghiệp nông gia,
Ta đây trâu đấy ai mà quản công.
Khi nào cây lúa còn bông,
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn".

Cầu chúc cho mọi gia đình trong năm mới luôn tìm được niềm vui của sự nâng đỡ, chia sẽ của các thành viên trong gia đình, nhờ đó mà chúng ta có thể vẽ lên bức tranh thanh thản, bình an nơi gia đình như câu ca dao xưa: “chồng cầy vợ cấy, con trâu đi cầy”. Cầu chúc cho mỗi người luôn biết quý trọng gia đình và đặt ưu tiên hạnh phúc gia đình hơn là những niềm vui khác, như cha ông ta vẫn nói: “Trâu ta ăn cỏ đồng ta”. Cầu chúc cho anh em chị em một năm mới:

“Phước lộc ơn trời tuôn đổ mãi
An bình hạnh phúc chẳng hề vơi”.
Amen

Ngày Mồng Hai Tết: “Xin Đừng Quên Công Ơn Cha Mẹ”

Ngày xuân nhớ về tổ tiên, ông bà, cha mẹ là lẽ thường tình của đạo làm con. Vì:
“Công cha như núi thái sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ kính mẹ cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.

Việc nhớ về tổ tiên không dừng lại ở hành vi thắp lên nén hương để tò lòng tôn kính, mà còn nhìn nhận công ơn lớn lao tựa như cù lao chín tầng mà các ngài đã làm cho chúng ta.
Thực vậy, có ai đó nói rằng:
Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ.
Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha.

Mẹ là nải chuối, buồng cau, là xôi nếp mật, là đường mía lau. Mẹ là sự ngọt ngào mà trời đã ban cho con. Mẹ là gió mát mang lại cho con niềm vui và hạnh phúc. Đó là lý do mà người ta dám khẳng định: “Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ”. Không ai tốt bằng mẹ, được hiểu rằng: không ai dám cho đi cả cuộc đời vì hạnh phúc của chúng ta bằng mẹ. Không ai tốt bằng mẹ, vì tình yêu của mẹ dành cho con không so đo tính toán, không cho đi lấy lại mà luôn nhân ái và vị tha. Còn tình cha tuy không ngọt ngào như tình mẹ, nhưng lại như núi non cao vời, luôn là điểm tựa, sự nâng đỡ vững chắc cho con vào đời. Cha đã cho con những giọt mồ hôi trên cánh đồng. Cha đã cho con những lao nhọc khi kiếm tìm miếng cơm manh áo cho đàn con. Vì vậy mà “gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha”. Cha đã gánh cả cuộc đời con. Cha đã gánh trên vai mình cả gia đình để tiến bước qua những thăng trầm của cuộc đời. Chính tình yêu mênh mông như trời bể của cha mẹ mà người ta nói rằng:
Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ.
Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha.
Tần tảo sớm hôm mẹ nuôi con khôn lớn.
Mang cả tấm thân gầy cha che chở đời con.

Thật hạnh phúc cho những người con sinh ra trong một mái ấm gia đình có cha, có mẹ hạnh phúc yêu thương nhau và biết hy sinh vì đàn con. Chính vì tình yêu to lớn như trời bể của cha mẹ thì phận làm con phải thảo hiếu. Phận làm con phải vâng phục kính yêu cha mẹ mình. Phận làm con phải luôn làm vui lòng mẹ cha. Vì vậy,
“Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc.
Đừng để buồn vương lên mắt cha”

Bên cạnh niềm vui của những gia đình êm ấm có cha mẹ thuận hoà, biết hy sinh cho con cái, thì vẫn còn đó những mảng tối đang che kín trên cuộc đời những người con bất hạnh. Đó là những tuổi thơ bị đánh cắp bởi sinh ra trong một gia đình thiếu vắng tình yêu thương của cha, của mẹ.

Trong năm vừa qua, những ai quan tâm đến đạo đức các gia đình không khỏi lo lắng cho sự xuống cấp trầm trọng về đạo đức làm cha, làm mẹ, về nhân cách và trách nhiệm của cha mẹ với con cái. Có bà mẹ đã đang tâm bán trinh của cả hai đứa con gái mình. Dù rằng nó đã từng van lơn mẹ, nhưng bà mẹ vẫn tìm muôn nghìn cách, kể cả đe doạ để bán đời con. Có những người cha, người mẹ thiếu trách nhiệm và lười biếng đã đẩy những đứa con tội nghiệp chưa qua tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” phải bươn chải vào đời để kiếm tiền phục vụ cha mẹ trong các việc: ăn xin, bán vé số, nhặt bọc.. . Có những người cha chưa một lần vỗ về con, chỉ có roi và hình phạt, bạo hành triền miên. Có những người mẹ chưa một lần dành phần ngon cho con, chỉ có sự vụng về thiếu yêu thương, chăm sóc của tình mẫu tử luôn hy sinh cho đàn con.

Năm nay với chủ để “giáo dục gia đình theo giáo huấn của thánh Phao-lô tông đồ”. Giáo hội mời gọi các thành viên trong gia đình hãy lấy đức ái mà đối xử với nhau. Đức ái luôn bao dung, nhẫn nại và tha thứ. Đức ái sẽ giúp người ta biết đặt quyền lợi gia đình lên trên lợi ích cá nhân. Đức ái sẽ giúp mỗi thành viên sống có trách nhiệm với gia đình. Đức ái là nhịp cầu cảm thông, gần gũi giữa các thành viên trong gia đình. Đức ái sẽ mang lại hạnh phúc và an bình cho các gia đình.

Ước mong cho những ngày xuân sẽ mang lại cho các gia đình bầu sinh khí mới ngập tràn yêu thương. Ước mong cho ngày xuân mãi ở lại trên mỗi gia đình. Ngày xuân của đoàn tụ. Ngày xuân của yêu thương, hợp nhất và chia sẻ. Nguyện xin Chúa xuân ban cho các gia đình một mùa xuân yêu thương và một năm hạnh phúc. Amen

Ngày Mồng Ba Tết: “Ơn Trời Mưa Nắng Phải Thì”

Có một câu chuyện huyền thoại về con trâu như sau:

Thuở xưa, Ngọc Hoàng sai một vị thần xuống trần gian mang theo 1 bao hạt giống lúa và 1 bao cỏ để gieo xuống trần gian. Trước khi xuống trần, Ngọc Hoàng đã tỉ mỉ căn dặn, đến trần gian phải gieo rắc bao hạt giống lúa trước để dân có dư giả mà ăn, còn bao cỏ thì gieo sau để nuôi thú vật. Nhưng khi vị thần này đến trần gian, thấy phong cảnh khác lạ, nên mãi mê xem mà quên lời căn dặn của Ngọc Hoàng, để rồi gieo bao cỏ trước và bao hạt giống lúa sau. Từ đó, cỏ không cần trồng cũng mọc tràn lan khắp mọi nơi, các thú vật ăn không bao giờ hết vì quá dư thừa và không làm sao diệt cỏ hết được. Còn lúa phải gieo trồng rất cực khổ và khó khăn mới có ăn, bởi vì bị cỏ mọc lấn áp làm lúa phát triển chậm hơn cỏ. Bởi lỗi ấy của vị thần, làm cho người trần gian trồng lúa rất khó nhọc mới có ăn và cỏ thì mọc tự nhiên quá nhiều, cho nên Ngọc Hoàng mới đày vị thần này xuống trần gian hóa thành con Trâu để giúp người trần gian cày bừa trồng lúa và ăn cỏ, chừng nào hết cỏ sẽ được tha thứ cùng phục hồi địa vị cũ, nhưng ăn hoài vẫn không bao giờ hết cỏ được, nên Trâu chưa thoát kiếp trở về thiên đường.

Câu chuyện này phải chăng muốn dạy chúng ta: “Có làm thì mới có ăn – Không dưng ai dễ mang phần cho ta”. Vì ở trần gian, cỏ thì nhiều, lúa thì ít. Cây ăn được thì ít, cây không ăn được thì nhiều. Xem ra con người vất vả hơn con vật. Vì người làm lụng vất vả mới có mà ăn, còn vật thì không cần làm mà trời vẫn cho ăn.

Hôm nay ngày Mồng Ba Tết, Giáo hội mời gọi chúng ta trao phó công việc làm ăn cho Thiên Chúa. Chúng ta xin Chúa ban cho một năm “thuận buồm xuôi gió”. Chúng ta xin Chúa chúc lành cho công việc chúng ta được mọi sự như ý, ân phước dư đầy. Chúng ta tự ý thức sự nhỏ bé, giới hạn của con người trước biết bao công việc mưu sinh hằng ngày. Chúng ta cần ơn ban của trời cao. Chúng ta xác tín như người xưa đã xác tín vào trời: “Mưu sự tại nhân – Thành sự tại Thiên”. Đó là thái độ khiêm tốn cần có của con người trước vũ trụ bao la. Con người nhỏ bé giới hạn nên cần phó dâng trong tay Thiên Chúa. Tổ tiên chúng ta xưa cũng từng làm như thế. Không phải vì lạc hậu. Không phải vì thiếu ý thức khoa học mới tin vào Trời, nhưng vì cảm nghiệm sự nhỏ bé của con người trước sự lớn lao của Trời:
“Đèn Trời đèn sáng bốn phương
Đèn tôi sáng tỏ đầu giường nhà tôi”.

Hơn nữa niềm tin của tổ tiên còn xác tín về lòng nhân ái của Trời. Trời không phụ lòng người. Trời không bao giờ bỏ quên con người:
“Trời nào có phụ ai đâu
Hay làm thì giầu, có chí thì nên”.

Biết được lòng trời rộng rãi bao la. Tổ tiên xưa còn biết lợi dụng mưa nắng phải thì của Trời mà trồng cấy:
Trời nắng tốt dưa
Trời mưa tốt lúa.

Nhất là biết cầu khẩn cùng Trời cho một năm:
“Nhờ trời mưa gió thuận hoà
Nào cầy nào cấy trẻ gia đua nhau”

Thực vậy, cuộc sống mưu sinh thật khó khăn. Nếu không có ơn trời thì công việc chúng ta cũng tựa như “dã tràng xe cát biển đông”. Nhìn lại một năm qua, chúng ta thấy thật rõ điều đó. Việc làm ăn mỗi ngày một khó. Không chì là do suy thoái kinh tế toàn cầu, mà quan yếu còn do thiên tai lũ lụt hoành hành. Ở Việt Nam ngay từ đầu năm Mậu Tý đã xảy ra rét đậm, rét hại khiến hàng ngàn trâu bò bị chết, hàng ngàn hecta hoa màu không thể đơm bông kết trái. Rồi thiên tai lũ lụt trong năm đã phá huỷ biết bao ruộng lúa, vườn rau. Nhiều người nói rằng: năm nay làm ăn không chỉ trắng tay mà con nợ nần chồng chất. Cuộc sống vốn dĩ đã khổ lại khổ thêm do không gặp thời vận của Trời ban.

Đó là lý do mà hôm nay chúng ta cùng nhau dâng lên Thiên Chúa công việc và dự định của chúng ta trong năm nay. Chúng ta trao gởi công việc chúng ta cho Thiên Chúa. Xin Chúa chúc phúc và thánh hoa công việc chúng ta được mọi sự như ý. Chúng ta xác tín rằng: “Nếu Chúa không xây nhà, thợ nề vất vả cũng bằng uổng công”. Xin Chúa thương đón nhận những ước nguyện đầu năm chân thành của chúng ta. Amen

- Lm Jos Tạ Duy Tuyền -dongcongnet sưu tầm

 

 

 
     

Tỉnh Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)