|
Chúa
Nhật XXIX Thường Niên Năm C: Kiên
Tâm Cầu Nguyện
Lời
Chúa:
Bài đọc 1: Xh.17,8-13: Khi nào ông Moisen giơ tay lên, thì dân
Israel thắng thế.
Bài đọc 2: 2Tm.3,14. 4,2: Người của Thiên Chúa nên thập toàn để
làm mọi việc lành.
Phúc Âm: Lc.18,1-8: Thiên Chúa minh xét cho những kẻ Người đã
tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người.
Suy niệm:
Mary là cô giáo một trường trung học. Cô rất muốn phấn đấu thành
đạt trong nghề, nhưng cậu học sinh trong lớp có tên là Bill cứ
gây bực dọc căng thẳng cho cô.
Một buổi sáng trước giờ dạy học. Mary ngồi trong lớp viết lời
cầu nguyện lên giấy theo tốc ký để xin Chúa về việc phá đám này.
Viết xong, cô kẹp tờ giấy đó vào cuốn Kinh Thánh. Lợi dụng lúc
cô viết bài trên bảng, Bill chớp lấy tờ giấy ghi lời cầu nguyện
đó, bỏ vào cuốn tập của cậu.
12 năm sau, tình cờ Bill tìm lại tờ giấy cầu nguyện ghi bằng tốc
ký đó. Bill cầm tờ giấy lên đọc, nhưng chẳng hiểu nên vào văn
phòng nhờ cô thư ký xem giùm. Cô ta cầm đọc và đỏ mặt mặt nói:
-Đây là tờ giấy có tính cách riêng tư, nhưng nếu ông muốn, tôi
sẽ đánh máy trao cho ông chiều nay.
Đêm đó Bill chăm chú đọc lời cầu nguyện của cô Mary:
“Lạy Chúa, xin đừng để con phải thất vọng về nghề của con. Con
không thể chịu nổi cậu học trò Bill, cậu khuấy phá con mãi. Xin
Chúa cho cậu trở thành người tốt.
Lời cầu nguyện này làm Bill thức tỉnh và từ bỏ thực hiện một ý
định xấu xa mà cậu sắp làm.
“Kiên nhẫn là nghệ thuật hy vọng” (Vanvenargues). Kiên nhẫn, kiên
tâm, kiên trì. v.v. là những danh từ “tự kỷ ám thị” cho các công
việc, sứ vụ. Làm việc gì cũng cần phải bền bỉ, kiên vững. Ngay
vấn đề học hành, một từ ngoại ngữ cần phải được nhắc đi nhắc lại
nhiều lần cho đến khi thuần thục, cho đến khi thành tiếng “mẹ
đẻ”. Bác nông phu cũng phải cần mẫn vun xới đất đai cho loại ăn
củ có củ to, cho loại hoa mầu có nhiều hạt, những bông lúa vàng
nặng chĩu chẳng hạn. Như vậy lẽ nào đời sống tinh thần ta lại
coi nhẹ được, nhất là việc thiêng liêng, với việc cầu nguyện,
ta phải tha thiết để được Thiên Chúa ban ơn dồi dào, Ngài là nguồn
sinh lực sung mãn vô cùng ban hết mọi ơn lành cho ta.
Lời Chúa hôm nay dạy chúng ta cầu nguyện như thế nào? Chúa Giêsu
đưa ra một ví dụ cụ thể: Ngày xưa trong các việc tranh chấp tầm
thường xảy ra giữa người Do Thái, được xử trước mặt các trưởng
lão chứ không cần đem đến cho các toà án công cộng. Khi có vấn
đề phải phân xử, một người không đủ để lập phiên toà, vì bao giờ
cũng có ba vị quan án: một vị do bên nguyên cáo chọn, một vị do
bên bị cáo chọn và một vị khác được chỉ định cách độc lập. Các
vị này nổi tiếng tham ô. Thiên hạ đồn rằng các vị này sẵn lòng
khiến công lý thành “công lý” chỉ vì một đĩa thịt. Dân chúng còn
mỉa mai gọi họ là quan toà ăn cướp. Còn bà goá trong đoạn Phúc
Âm này tượng trưng cho hết thảy những người nghèo nàn, đơn thân,
cô thế. Bà ấy nghèo khó, không có tiền bạc nên bà chẳng hy vọng
gì được xét xử theo lẽ công bình. Niềm hy vọng của bà là sự kiên
trì, thế mà bà đã thành công: “Ta xét xử cho rồi, kẻo mụ ấy cứ
đến hoài, làm ta nhức đầu nhức óc”. Sau đó Chúa nói: quan toà
bất chính còn xử với con người như vậy, lẽ nào Thiên Chúa lại
không minh xét cho dân Thiên Chúa tuyển chọn ngày đêm hằng kêu
cứu với Người.
Chúng ta chắc chẳng hơn gì bà goá đâu. Khi nguyên tổ sa ngã, chúng
ta mất ơn phúc trở thành thiếu thốn, nghèo nàn, làm ăn vất vả,
đau đớn, bệnh tật, tội lỗi. Vì thế lúc nào chúng ta cũng cần đến
ơn trợ giúp của Chúa: khi mới chào đời, ai cũng chỉ là em bé yếu
ớt, có em bé thiếu cả sữa mẹ để dinh dưỡng. Lớn lên phải mất nhiều
cơm gạo, đủ mọi mặt kiến thức, thế mà con người vẫn mong manh
đi vào cuộc đời, phó thác cho số mệnh. Về phần hồn, phải chiến
đấu với mọi thứ đam mê xấu, chúng như muốn nhận chìm linh hồn
vào cõi hư vong. Lời khuyên thật cần thiết của Chúa là: “Hãy tỉnh
thức cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ” (Mt.26,41). Còn trong đàng
nhân đức, nếu ta không cầu nguyện để lãnh nhận ân sủng của Chúa,
ta không thể nào tiến lên được một bước, và ngay cả khi ta đã
được nâng lên bậc siêu nhiên, chúng ta vẫn còn yếu đuối trăm bề.
Có nhiều hình thức cầu nguyện khác nhau: Tâm nguyện, khẩu nguyện,
suy nguyện, cảm nguyện. Nhưng cốt yếu của chính sự cầu nguyện
là lòng trí hướng lên Thiên Chúa. Một linh hồn khát mong sống
thân mật với Chúa, tự nhiên hướng về hình thức cầu nguyện hoàn
toàn nội tâm. Dù cầu nguyện dưới hình thức nào đi nữa, nó vẫn
là đơn giản thực sự, vì đó là nhịp thở của linh hồn: yêu mến Chúa,
tìm kiếm Ngài, sống nhờ Ngài trong mọi tác động của công việc.
Cũng như thân xác không thể nín thở, linh hồn cũng không thể ngưng
việc cầu nguyện.
Và cũng có nhiều tâm tình khác nhau khi cầu nguyện: chúng ta nài
xin các thánh như đối với một người anh, người chị, người cha,
người mẹ. Ngay cả Thiên Chúa cũng đối xử với mọi người cách rất
thân tình, Ngài gọi chúng ta là bạn hữu. Như thế những linh hồn
bé nhỏ thật dễ dàng chuyện vãn với các Đấng hưởng phúc trên thiên
đàng, linh hồn khiêm tốn luôn bám víu cậy nhờ vào Chúa Mẹ như
con thơ ngây cậy trông vào bá má để tránh khỏi mọi nguy hiểm,
để hỏi han kêu xin đủ mọi thứ to nhỏ, lúc đó các Ngài sẽ thoả
mãn về tình thương ấp ủ….
Cuối cùng chúng ta phải kiên tâm cầu nguyện, không bao giờ được
nhàm chán, cả những lúc xem ra Chúa ngoảnh mặt làm ngơ như Ngài
thử thách người đàn bà Ca-na-an: “Không nên lấy bánh dành cho
con cái mà ném cho lũ chó con” (Mt.15,26). Thế rồi bà đã được
toại nguyện nhờ sự kiên trì. Cũng như trong bài đọc cựu ước hôm
nay, hễ khi Maisen giơ tay lên cầu nguyện thì chiến thắng, bỏ
tay xuống thì bại trận. Rồi trong bài Phúc Âm Chúa cảnh báo về
sự yếu đuối của con người rằng: “Khi Con Người đến liệu có còn
lòng tin trên mặt đất chăng?”. Vậy ta phải theo tôn chỉ của Chúa:
“Các người cứ bền đỗ mới cứu vãn được linh hồn các người” (Lc.21,19).
Br. B.M. Thiện Mỹ, CMC
|
|