Giáo Lý về Đức Mẹ
 
 


THỂ HIỆN SỨ MỆNH ĐỨC MẸ MARIA

109. Sao có thể gọi Đức Mẹ Maria là Đấng Trung Gian của Nhân loại, vì theo, vì theo lời Thánh Phaolô: Chỉ có một Vị Trung Gian giữa Thiên Chúa và Nhân Loại là Đức Giêsu Kitô?

Sự Trung Gian của Đức Trinh Nữ Maria không đoạt chiếm tước hiệu Chúa Kitô là Vị Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và Nhân Loại, bởi vì sự Trung Gian của Đức Mẹ Maria là Trung Gian đệ nhị, phụ thuộc sự trung gian của Chúa Kitô, nhờ đó phát sinh mọi hiệu lực. Sự Trung Gian của Đức Mẹ không làm lu mờ sự Trung Gian của Chúa Kitô, nhưng làm cho hoàn toàn khởi sắc và hiệu lực.

110. Kinh Thánh có để cập đến nhiệm vụ Trung Gian của Đức Trinh Nữ Maria không?

Kinh Thánh không đề cập đến vấn đề đó một cách minh nhiên, nhưng mặc nhiên, qua các sự kiện sau đây:

Mỗi lần Chúa Giêsu Kitô muốn ban cho ai một ơn phúc đặc biệt, thường có sự hiện diện của Đức Trinh Nữ Maria bên cạnh.

Khi Chúa Kitô muốn thánh hoá vị Tiền Hô của Ngài là Gioan Thuỷ Tẩy, thì chính Đức Mẹ Maria đã đem Ngài đến tận nhà bà Elizabeth, thân mẫu của Gioan (Lc 1:39-45).

Khi Chúa Kitô muốn tỏ mình ra cho dân Do Thái qua nhóm Mục đồng (Lc 2:8-19) và cho dân ngoại qua ba nhà Đạo sĩ (Mt 2:1-12), thì Đức Mẹ Maria đã giới thiệu Ấu Chúa cho họ.

Khi Chúa Kitô muốn làm thoả mãn ước vọng của mấy vị Tiên Tri cuối cùng là Simêon và Ana, thì chính tay Đức Mẹ đã trao Hài Nhi Giêsu cho hai vị (Lc 2: 15-38)

Chúa Kitô đã làm phép lạ đầu tiên trong cuộc đời truyền giáo công khai, và cứu danh dự cho gia đình chủ hôn tại tiệc cưới Cana, cũng do lời Đức Mẹ yêu cầu Jn 2:1-11).

Khi Chúa Kitô hoàn tất mầu nhiệm cứu chuộc tại đỉnh đồi Golgotha cũng có Đức Mẹ Maria hiện diện bên cạnh (Jn 19:25-27).

Khi Chúa Thánh Thần Linh giáng để củng cố niềm tin, kiên cường sức mạnh cho các Tông Đồ, Môn Đệ, và thiết lập Giáo Hội Tiên Khời giữa trần gian, cũng có Đức Mẹ Maria ở giữa họ (Act 2:1-4).

Như vậy, chúng ta có thể kết luận: Tất cả các sự kiện trên không phải xác quyết rõ ràng về sự Trung Gian Phổ Quát của Đức Mẹ Maria sau khi Mẹ đã về Trời, nhưng là toàn bộ các dấu chỉ hướng dẫn tới xác quyết đó:

“Ở dưới đất, Đức Trinh Nữ Maria đã là Đấng Đồng Công Cứu Chuộc bên cạnh Đấng Cứu Chuộc, thì ở trên Trời, Đức Mẹ Maria cũng là Đấng Bầu Chữa bên cạnh Đấng Bầu Chữa là Đức Giêsu Kitô”.(Mẹ Maria trong Tín Lý tr. 169-172)

111. Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo diễn tả nhiệm vụ Trung Gian của Đức Mẹ Maria như thế nào?

Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo số 969 đã đề cập đến nhiệm vụ Trung Gian của Đức Mẹ như sau:

“Nhờ Đức Tin trong ngày được truyền tin, Đức Mẹ Maria đã vâng phục và vững vàng vâng phục cho tới chân Thập Giá. Chức làm Mẹ của Đức Trinh Nữ Maria trong kế hoạch ân sủng vẫn tiếp tục không gián đoạn, cho tới khi hoàn tất ơn cứu độ của tất cả những người được tuyển chọn”.

“Sau khi về Trời, chức vụ của Đức Mẹ Maria trong công cuộc cứu độ không hề bị gián đoạn. Do lời chuyển cầu liên tục, Đức Mẹ tiếp tục xin cho chúng ta những ơn phúc bảo đảm ơn cứu độ muôn đời”.

“Do đó, Đức Trinh Nữ diễm phúc đã được Giáo Hội kêu cầu bằng các tước hiệu: Đấng Bênh Vực, Mẹ Phù Hộ, Mẹ Cứu Giúp, Đấng Trung Gian”. (Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo số 969)

 

 

 
     

Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)