dongcong.net
 
   
 
 
 
 

 

 
Maria, Mẹ Con
 
     
<<<    

MẸ MARIA VỚI THIÊN CHỨC LINH MỤC

Để hiểu rõ hơn việc Đức Mẹ là gương mẫu của Giáo Hội về mọi phương diện, ta không thể bỏ qua hai đặc tính của Giáo Hội là Bạn trăm năm và là Linh mục của Chúa Giêsu. Công đống Vaticano II đã bàn đến cả hai đặc tính này, và đồng thời cũng kể ra những biệt điểm khiến Đức Mẹ là gương mẫu Giáo Hội cả trong hai phương diện này nữa.

Trước hết ta có thể nói Đức Mẹ là Bạn Trăm năm của Chúa Cứu Thế vì Công đồng quả quyết Đức Mẹ đã kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu trong việc cứu thế (LG. 55. 59), đồng thời cũng nói rõ Giáo Hội là Bạn trăm năm của Giêsu. (LG.I- II). Nhưng tương quan giữa Đức Mẹ và Giáo Hội trong hai điểm này là gì, thì ta có thể nhận các điều Công đồng dạy mà thưa rằng:

1. Đức Mẹ Maria quả là Bạn Trăm năm của Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể giáng trần, khi Đức Mẹ thưa hai tiếng “Xin vâng” để cộng tác trong việc cứu thế. Thái độ vâng phục và xin vâng này khiến Đức Mẹ trở thành gương mẫu của Giáo Hội và của mọi tín hữu. Vì Giáo Hội và tín hữu cũng phải ngoan ngoãn cộng tác với Chúa Giêsu trong việc cứu độ. Trong tinh thần cộng tác này, Đức Mẹ quả là gương mẫu đặc biệt. Vì là Mẹ Đức Kitô, Mẹ Đầu Giáo Hội, Đức Mẹ luôn hợp nhất với Chúa Giêsu trong suốt đời sống, từ Nazareth cho tới Calvario. Tại Calvario là nơi Giáo Hội được thành hình với tư cách là Bạn Trăm Năm của Chúa, nghĩa là một vị cộng tác đặc biệt trong công cuộc cứu đời, thì Đức Mẹ đứng đó và cộng tác để Giáo Hội được phát sinh ra từ cạnh sườn Adong mới. Đức Mẹ còn tiếp tục sứ vụ cộng tác đó một cách hữu hiệu để xứng đáng tước hiệu là “Mẹ muôn đời của tín hữu”.

Vì thế ba tước hiệu: Bạn Trăm Năm, Mẹ và Trinh nữ là ba tước hiệu không thể tách biệt ra ở nơi Đức Mẹ. Trái lại cả ba gắn liền nhau khắng khít: Người là Bạn Trăm Năm, nghĩa là kẻ cộng tác của Ngôi Lời, khi Đức Mẹ thưa hai tiếng xin vâng. Người là Mẹ đồng trinh của Ngôi Lời nhập thể, tức là Đức Giêsu Kitô. Đối với Giáo Hội thì Người là Mẹ thiêng liêng của các tín hữu vì các tín hữu là chi thể của Giáo Hội.

Còn việc Giáo Hội được trở thành Bạn Trăm Năm của Đức Kitô cũng phải nhờ vào sự cộng tác của Đức Mẹ. Vì chính Đức Mẹ đã cộng tác với Chúa Giêsu, từ Bethlem tới Calvario, để sinh ra Giáo Hội tại đó. Việc Giáo Hội áp dụng ơn cứu chuộc cho mọi phần tử, chính là lý do Giáo Hội cũng có ba tước hiệu như Đức Mẹ: Bạn Trăm Năm Chúa Cứu Thế, Mẹ và Trinh Nữ sinh ra các tín hữu. Nhưng nơi Đức Mẹ ba tước hiệu đó nổi bật và hữu hiệu hơn ở Giáo Hội nhiều.

Các trinh nữ nói riêng cũng có ba tước hiệu trên: Trinh nữ, Bạn Trăm Năm và Mẹ. Là trinh nữ vì tận hiến thân xác và tâm hồn cho Chúa Kitô. Là Bạn Trăm Năm vì cộng tác với Chúa Giêsu trong việc cứu thế. Là Mẹ, vì hợp cùng Giáo Hội ban Chúa Giêsu cho các linh hồn. Nhưng đây cũng chỉ là cách bắt chước ba tước hiệu của Đức Mẹ, đấng có trước, và nêu gương để các tín hữu, các trinh nữ bắt chước. Đức Mẹ cộng tác với Chúa Giêsu như Evà cộng tác với Adong trong việc sinh ra loài người. Đức Mẹ là mẹ thực của Chúa Giêsu, đồng thời là mẹ các chi thể của Chúa tức là các tín hữu. Còn về đức đồng trinh thì quả Đức Mẹ là một trinh nữ lạ lùng, sinh con thực sự mà vẫn còn khiết trinh.

2. Xét về chức linh mục, chúng ta nên biết rằng tất cả chương trình cứu độ đều có tính cách “Linh mục” nghĩa là tất cả ơn cứu độ gồm gói trong việc Ngôi Lời Nhập Thể, hiến tế trên núi sọ, vẫn còn luôn ban ơn cho tín hữu nhờ thừa tác vụ của Giáo Hội.

Việc nhập thể của Ngôi Lời chính là việc thụ phong linh mục của Đức Giêsu Thượng Tế. Vì khi nhân tính được kết hợp với thiên tính, thì nhân tính nơi Đức Kitô được hiến thánh, và trở thành hữu hiệu trong việc cứu thế. Ngay từ lúc việc nhập thể Đức Kitô đã dâng mình làm của lễ để cứu vãn trần gian. Trên Thập giá chính là lúc thực thi thiên chức một cách hoàn hảo. Vì tại đây Đức Kitô vừa là linh mục vừa là của hiến tế. Ngài chính là Chiên Thiên Chúa vì gánh tội trần gian nên phải chết trên thập giá.

Còn Giáo Hội khi được phát sinh trái tim bị đâm thủng của Chúa Cứu Thế đã trở thành đền thánh được xây trên nền thánh là Đức Giêsu, và đồng thời được thông công trong thiên chức linh mục của Đức Kitô. Không những Giáo Hội, mà tất cả các thánh phần của Giáo Hội, tuỳ bậc khác nhau, cũng được thông công trong thiên chức này. Các linh mục được thông công một cách đặc biệt nhờ phép Truyền chức. Còn tín hữu thì nhờ phép Rửa tội và Thêm sức được trở thành chi thể của Đức Kitô, vì cũng được thông công thiên chức linh mục của Ngài một cách chung.

Còn Đức Mẹ Maria tuy không thuộc về hàng giáo phẩm, nhưng Ngài có những đặc ân thuộc chức Linh mục. Không phải chỉ có những đặc ân như các trinh nữ khi họ được thông công vào chức linh mục của Đức Kitô, như thánh Phêrô nói về các tín hữu: “Anh em là dòng giống được lựa chọn, hàng tư tế vương giả, nước thánh thiện, dân được chọn làm sở hữu” nhưng Đức Mẹ có một địa vị đặc biệt vì Ngài chính là Mẹ của Đức Kitô Thượng Tế. Đức Mẹ cộng tác đặc biệt với Chúa Cứu Thế trong bất cứ hành động nào của Ngài, và suốt đời sống, đặc biệt là tại Calvario. Đây là điểm ta muốn bàn rộng theo Công đồng Vaticano II.

Trước hết Công đồng đã nói nhiều về thiên chức Linh mục của Giáo Hội trong chương II và III của Hiến chế Lumen Gentium, trong các sắc lệnh Optatam totius, Presbyterorum Ordinis và Christus Dominus. Nhưng trái lại không nói nhiều về tương quan giữa Đức Mẹ và thiên chức linh mục của Giáo Hội. Chỉ có sắc lệnh Presbyterorum Ordinis khi nhấn mạnh đến sứ mệnh và đời sống linh mục (số 18) có nói Đức Mẹ là Mẹ của vị Thượng Tế, là Nữ vương các Tông đồ, và là đấng phù trợ các linh mục trong sứ mệnh của họ. Công đồng nhấn mạnh đến việc Đức Mẹ là gương mẫu và là sự trợ giúp của hàng tư giáo, của tu sĩ và của các vị thừa sai.

Dẫu thế theo tài liệu Công đồng, ta có thể phân biệt rõ ràng hoạt động cứu độ của Đức Mẹ khác với các hoạt động của các linh mục, nhưng lại giống với các hoạt động có tính cách linh mục của các tín hữu. Tính cách này căn cứ không phải tại việc dâng của lễ, là việc thuộc riêng về Đức Kitô và các linh mục, nhưng tại việc hợp tác một cách sống động và có công trong việc tế lễ. Trong việc hợp tác này Đức Mẹ nỗi bật hơn mọi tín hữu.

Trước hết Đức Mẹ tham dự và hợp tác với Chúa Giêsu theo tư cách đại diện cho toàn thể tín hữu, khi Đức Mẹ dự cuộc hiến tế của Chúa Giêsu tại Golgota. Trong các Thánh lễ Missa khi các tín hữu tham dự với lòng tin và lòng mến để dâng của lễ, và hợp với của lễ để dâng chính đời sống mình cùng với các kinh nguyện và các đau khổ, thì Đức Mẹ cũng tham dự một cách đặc biệt vì Ngài chính là Mẹ Chúa Giêsu Thượng Tế. Đức Mẹ còn luôn hợp tác với Con một cách thắm thiết, vì Đức Mẹ là một đấng thánh thiện tuyệt vời, là đấng đầy công phúc, và thực sự Ngài đã cộng tác với Chúa Cứu Thế tới bậc anh hùng.

Xét theo phương diện này thì cả trong chức linh mục Đức Mẹ cũng vượt xa Giáo Hội, và còn là gương mẫu cho Giáo Hội và cho hàng Giáo Phẩm. Vì nhờ các linh mục và các tín hữu, Giáo Hội luôn tiếp tục sứ mệnh linh mục của Chúa Giêsu. Tuy các linh mục và tín hữu là bất toàn, là có thể thay thế được, nhưng Giáo Hội thì luôn luôn là duy nhất, thánh thiện và luôn sống mạnh. Đến đây chúng ta cần sửa sai một hình ảnh về Giáo Hội. Giáo Hội không phải là một tổ chức phi ngôi vị, hay chỉ là một tổ chức sống động: Giáo Hội hằng lo lắng và vất vả để mưu hạnh phúc hiện tại và tương lai cho xác cũng như hồn của tín hữu.

Tuy Giáo Hội cao trọng và hữu hiệu như vậy, nhưng Đức Mẹ còn nỗi bật, vì Người là Mẹ sinh ra chính Đấng cứu thế. Đức Mẹ có trước Giáo Hội, khi Đức Mẹ cộng tác với Chúa Giêsu tại Calvario để sinh ra Giáo Hội. Hơn nữa, Đức Mẹ còn là gương mẫu và là đấng cầu bầu để xin ơn thánh cho các linh mục, từ Đức Giáo Hoàng trở xuống tới cấp dưới hết trong phẩm trật Hội Thánh, rồi ra cho mọi tín hữu khi họ thông công hợp tác với chức linh mục của Chúa Giêsu và của Giáo Hội.

Tương quan giữa Đức Mẹ và Giáo Hội này là một đạo lý sâu xa, và rất hữu ích, vì cho ta thấy rằng Đức Mẹ không phải chỉ là một tạo vật đặc biệt đáng ta cung kính ngợi khen, mà trái lại là một vị đáng bắt chước vì Đức Mẹ cũng có những gì mà Giáo Hội và các tín hữu được, tuy Đức Mẹ được một cách đặc biệt hơn nhiều. Vì thế Đức Maria không những là “Mẹ” Giáo Hội mà còn có tính cách là “Chị” theo kiểu nói của Đức Phaolô VI. Mối tương quan này cũng cho thấy rõ luật “triển nở” đang hoạt động trong nhiệm thể Đức Kitô: Giáo Hội đã và đang vươn lên mãnh liệt.

 

<tiểu mục <trang nhà

 

 
     

Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)