dongcong.net
 
 


CA-NA
(Ga 2:1-12)

Xem:
- Can-vê
- Đức Tin Mẹ Ma-ri-a
- Thánh Địa với Đức Ma-ri-a
- Mẫu Tính Tinh Thần

Phép lạ đầu tiên của Chúa Giê-su vẫn luôn hấp dẫn các nhà chú giải Thánh Kinh. Lý do không những vì tính chất diệu nhiệm trong cuộc đối thoại giữa Chúa Giê-su và Mẹ Ngài, mà còn vì trong đó còn có một kho tàng chủ điểm thánh Gio-an đã dùng để làm trình thuật ấy nổi bật. Ai cũng đồng ý rằng phép lạ đầu tiên này mang tính thần học và biểu trưng rất cao: việc biến nước thành rượu đánh dấu bước chuyển tiếp từ nhiệm cuộc cũ sang nhiệm cuộc mới. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều bất đồng về việc giải thích cuộc đối thoại trọng tâm giữa Đức Giê-su và Mẹ Ngài cũng như về những ảnh hưởng của Cựu Ước trong trình thuật này.

Hơn nữa, trong những năm gần đây, phương thức chú giải trình thuật tiệc cưới Ca-na thực sự đã có một chiều hướng mới và đã thu lượm được hiệu quả từ những kiến thức mới mẻ, phần lớn là nhờ việc nghiên cứu các tập truyền ngoại Thánh Kinh (extra-Biblical) của người Do Thái thời xưa. Ở đây xin áp dụng lối chú giải mới mẻ này vì sự hấp dẫn thời sự của nó cũng như viễn tượng cực kỳ thú vị nó đã mở ra làm sáng tỏ trình thuật phép lạ tiệc cưới Ca-na.

1. Cách Đọc Mới:

Ca-na với Kinh Nghiệm Núi Si-nai và Giao Ước

Không có gì phải ngạc nhiên về việc các truyền thống Do Thái từ ban đầu đã dành rất nhiều bình giải cho các trình thuật về kinh nghiệm núi Si-nai, một kinh nghiệm Cựu Ước hết sức quan trọng đối với họ (nhất là trong sách Xuất Hành). Hình như thánh Gio-an, người đọc và chú giải Thánh Kinh theo truyền thống và cách đào luyện mà ngài đã nhận được nơi người Do Thái, không chỉ quen thuộc với những truyền thống liên hệ đến núi Si-nai và giao ước ấy, mà còn áp dụng chúng vào trình thuật về phép lạ và lần tỏ ra vinh quang đầu tiên của Chúa Giê-su.
Người ta nhận thấy sự tương đồng giữa Si-nai và Ca-na chủ yếu dựa trên những điểm sau đây:

a) Phúc Âm Gio-an đã trực tiếp so sánh giữa Chúa Giê-su và Môi-sen: “Trong khi lề luật thì được ban qua Môi-sen, còn ân sủng và chân lý thì đến qua Đức Giê-su Ki-tô.”

Như thế, theo thánh Gio-an, phép lạ của Chúa Giê-su phải được hiểu như khúc dạo đầu của một nhiệm cuộc mới. Chúa Giê-su là Môi-sen Mới, Người đem đến giao ước mới và là cội nguồn của một trật tự mới của ân sủng và chân lý (một tình yêu bền bỉ).

b) Thánh ký trình bày phép lạ Ca-na rõ ràng như một biểu chứng vinh quang của Chúa Giê-su. Chúa Giê-su tỏ vinh quang của Ngài ra và các môn đệ đã Ngài tin vào Ngài giống như Đấng Gia-vê trước kia đã tỏ vinh quang (Xh 24:16-17) và đã đặt cử Môi-sen làm tiên tri cho Người (Xh 19:9) trong cuộc thần hiện trên núi Si-nai.

c) Theo tập truyền của các ráp-bi (rabbi), rượu thường tượng trưng cho lề luật Môi-sen và giáo huấn của Đấng Mê-si-a.

d) Việc đề cập đến “sáu chum nước bằng đá” theo tục lệ thanh tẩy của người Do Thái (câu 6) có thể là lời nhắc lại luật thanh tẩy Đức Gia-vê đã truyền dạy trước khi tỏ mình ra cho dân Người: “Bảo chúng giặt giũ y phục và dọn mình sẵn cho ngày thứ ba” (Xh 19:10-11; x. Xh 19:14-15 và 24:5-8).

e) Tương tự, đoạn mở đầu trình thuật Gio-an có nói đến “ngày thứ ba,” có thể hiểu như một ám chỉ đến nhật kỳ Thánh Kinh về Si-nai và những phát triển từ đó trong những tập-truyền-ngoại-Thánh-Kinh của người Do Thái: “Vào ngày thứ ba, Đức Gia-vê đã tỏ mình ra cho dân Ít-ra-en. Hãy đi đến với dân chúng và thánh hóa chúng hôm nay và ngày mai, bảo chúng giặt giũ y phục và dọn mình sẵn cho ngày thứ ba, vì ngày hôm ấy Gia-vê sẽ xuống trước mắt toàn dân trên núi Si-nai” (Xh 19:10-11; x. Xh 19:6).

f) Những lời Đức Ma-ri-a nói với các gia nhân: “Hễ Ngài bảo gì, các anh hãy làm như vậy” (câu 5) hết sức tương hợp với những lời dân Do Thái tuyên thệ vâng giữ lề luật: “Mọi điều Chúa đã truyền, chúng tôi sẽ làm theo” (Xh 19:8; 24: 3-7; Dnl 5:27).

Bằng cách liên kết trình thuật của ngài với rất nhiều chủ đề đặc trưng về giao ước núi Si-nai, thánh Gio-an đã làm nổi bật nội dung tóm kết của phép lạ Chúa Giê-su đã thực hiện. Kinh nghiệm nguyên khởi và sâu xa nhất của dân Ít-ra-en cổ xưa lên đến tột đỉnh và được hoàn thành ở đây. Chúa Giê-su xuất hiện như vị Tiên Tri ưu tú, Người mang đến mặc khải hoàn hảo, được tượng trưng bằng rượu mới với phẩm chất hơn hẳn rượu cũ. Chúa Giê-su là Môi-sen Mới, Đấng đã được hứa từ trước và hằng được trông đợi. “Ta sẽ cho trỗi dậy giữa anh em chúng một tiên tri như ngươi. Ta sẽ đặt các lời của Ta nơi miệng Ngườiá và Người sẽ nói với chúng mọi điều Ta truyền” (Dnl 18:18; x. Cv 3:22).

Tuy nhiên, rõ ràng thánh Gio-an không hề bị câu thúc vào một mô thức văn chươngå nào cả. Ở mỗi cấp độ trong trình thuật, người ta đều tìm được một dấu ấn rất đặc trưng của ngài: “Giờ” của Chúa Giê-su, các “dấu chỉ,” việc tỏ hiện “vinh quang,” “niềm tin” của môn đệ. Sự hiện diện của các chủ đề này làm hiện lộ một khía cạnh khác nữa của phép lạ Ca-na là ý nghĩa viễn tượng của nó. Việc tỏ ra vinh quang của Chúa Giê-su tại Ca-na không chỉ là tột điểm và kinh nghiệm tóm kết của Ít-ra-en, theo thánh Gio-an, nó còn mang sức mạnh của một sự khởi đầu, đó là khởi đầu thời kỳ thực sự của Đấng Mê-si-a và tạo nên bước chuyển tiếp sang một nhiệm cuộc hoàn toàn mới, đồng thời cũng hướng về Giờ tột điểm vinh quang nhờ Thập Giá.

2. Mẹ Chúa Giê-su và Phép Lạ Khởi Đầu

Rõ ràng, thánh Gio-an đã dành cho sự hiện diện và can thiệp của Đức Ma-ri-a tại tiệc cưới Ca-na một tầm quan trọng đặc biệt. Nhưng ngài quan tâm đến Mẹ không đơn giản với tư cách cá nhân Mẹ (không đề cập đến tên Mẹ, mà chỉ bằng tước hiệu “Mẹ Chúa Giê-su” hay “Bà”). Ngài thiên về cách trình bày Mẹ theo những mục đích của khía cạnh kép đôi của phép lạ đầu tiên Chúa Giê-su đã làm, vừa tóm kết quá khứ vừa hướng về tương lai.

Qua việc đặt trên môi miệng Đức Ma-ri-a chính những lời dân Do Thái xưa đã tuyên thệ trung thành với giao ước, thánh Gio-an đã đặt Đức Ma-ri-a thành người đại diện và hiện thân của dân tộc Đấng Mê-si-a. Với thái độ hoàn toàn chấp nhận lời Con, Đức Ma-ri-a đã nói lên niềm tin của toàn thể dân tộc Đấng Mê-si-a sẵn lòng đón nhận mặc khải Chúa Giê-su đem đến. Có lẽ trong ý nghĩa này, Chúa Giê-su đã dùng danh xưng “Bà” để gọi Mẹ (Bà là một danh xưng có tính biểu trưng thường được áp dụng vào dân tộc Ít-ra-en (Ed 23:2; Is 54:6; Hs 2:4; Gr 3:1, 20).

Không chỉ làm đại diện cho dân tộc, Đức Ma-ri-a còn làm hơn thế. Thực thế, hành vi can thiệp của Mẹ được qui hướng về việc đón nhận phép lạ Chúa Giê-su sẽ làm. Đức tin của Mẹ Ma-ri-a đi trước và chuẩn bị cho phép lạ, “phúc cho ai đã không thấy mà tin” (Ga 20:29). Vì đức tin của mình, Đức Ma-ri-a được tiền định một nhiệm vụ trong công cuộc tạo dựng dân tộc mới tức là cộng đoàn sẽ xum họp quanh Chúa Giê-su, khởi đầu từ Ca-na. Vai trò của Mẹ là chỉ ra con đường đến với Chúa Giê-su bằng việc chuẩn bị chấp nhận các phép lạ của Ngài.
Phép lạ đầu tiên của Chúa Giê-su còn đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong mối quan hệ giữa Chúa Giê-su và Đức Ma-ri-a. Câu trả lời của Chúa trước lời bầu cử của Đức Ma-ri-a đã đặt mối quan hệ giữa Chúa và Mẹ thành một vấn đề (câu 4). Chúa Giê-su yêu cầu Đức Ma-ri-a đừng bám vào tư cách làm mẹ, nhưng hãy hướng cuộc đời Mẹ về mục đích phụng sự sứ mạng của Chúa, phụng sự các “phép lạ” và “giờ” của Ngài. Đức Ma-ri-a đã mau mắn thích nghi theo điều Con Mẹ muốn.

Theo Van-hô-dơ (A. Vanhoye): “Đức Ma-ri-a hoàn toàn chấp nhận định hướng Chúa Giê-su đã tỏ ra khi Mẹ nói chuyện với Chúa. Mẹ đã từ bỏ cấp độ quan hệ với Con Mẹ trước kia và nhận một cấp độ khác vô cùng tích cực. Ảnh hưởng của Mẹ không còn áp đặt lên Chúa Giê-su nhưng được qui hướng về việc phụng sự Ngài.”

Tóm lại, Đức Ma-ri-a chấp nhận ơn gọi của “Bà” - một ơn gọi sẽ toàn thành khi “Giờ” của dấu chỉ tối thượng đến trên cây Thập Giá (Ga 19:25-27).

(Xem Người Nữ và Đức Ma-ri-a dưới Chân Thập Giá).

J. P. Pơ-rê-vô

 

 
     

Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ
1900 Grand Ave - Carthage, MO 64836
Phone: ( 417) 358-7787 Fax: (417) 358-9508
cmc@dongcong.net (văn phòng CD) - web@dongcong.net (webmaster)