TIẾN
SĨ THÁNH MẪU
Xem:
- Tôi Trung Đức Ma-ri-a
Danh
hiệu “Tiến Sĩ Thánh Mẫu” được tặng cho một số vị đại thánh và
tiến sĩ của Giáo Hội từ nhiều năm nay như An-phong-sô, An-sen-mô,
Bê-na-đô và Đông Sơ-cô-tô.
Thánh An-phong-sô (như trong mục từ Tôi Trung của Đức Ma-ri-a
đã nói) được danh hiệu này do những tác phẩm đáng yêu và uyên
bác ngài đã viết về Mẹ Thiên Chúa, nhất là kiệt tác “Vinh Quang
Đức Mẹ.”
Thánh Bê-na-đô cũng thế. Ngài được danh hiệu này do những lời
kinh và tác phẩm tuyệt diệu ngài viết về Đức Mẹ, nhất là tác phẩm
“Bài Ca của Những Bài Ca.”
Một vị khác là thánh An-sen-mô (1033-1099), tổng giám mục Can-tơ-bơ-ri
(Canterbury), tiến sĩ hội thánh, bậc thày của học phái Kinh Viện.
Các tác phẩm văn chương của ngài lai láng những lời và hình ảnh
về Đức Ma-ri-a. Các lời kinh tôn kính Đức Mẹ của ngài vừa tuyệt
vời vừa sốt sắng. Những lời kinh này được truyền bá xa rộng giúp
cho các tín hữu Công Giáo ý thức hơn về uy quyền cầu bầu của Đức
Ma-ri-a.
Mặc dù thánh An-sen-mô sống trước khi giáo lý Đức Mẹ Vô Nhiễm
Nguyên Tội được chính thức định tín rất lâu. Khi đó giáo lý này
chưa được tỏ rạng, nhưng ngài đã dọn đường cho Giáo Hội đi đến
chỗ chấp nhận giáo lý ấy qua việc đưa ra một nguyên lý nền tảng
(sau được Đức Pi-ô IX trích lại trong tông huấn Ineffabilis Deus
về tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội): “Điều hợp lẽ là sau Thiên
Chúa, Đức Ma-ri-a đắc thủ một sự trinh bạch hơn mọi thụ tạo khả
hữu bởi vì Mẹ là Mẹ của Con Thiên Chúa, Đấng ngang hàng với Thiên
Chúa Cha, vừa là Con Thiên Chúa vừa là Con Đức Thánh Trinh Nữ.”
Luận cứ này là cống hiến lớn lao nhất của thánh An-sen-mô đối
với Thánh Mẫu học.
Tuy nhiên, người thường được xưng tụng là tiến sĩ Thánh Mẫu chính
là chân phước Gio-an Đông Sơ-cô-tô (1265-1308). Trước tiên, ngài
là một trong những triết gia Kinh Viện và tiến sĩ vĩ đại nhất
của Giáo Hội. Hệ thống thần học của ngài được xây dựng toàn bằng
những phân tích siêu hình học vừa uyên thâm vừa tinh tế, và lấy
mầu nhiệm Nhập Thể làm một chủ đề quan trọng. Theo ngài, mầu nhiệm
Nhập Thể đã được định lệnh từ thưở đời đời, thậm chí độc lập với
công trình cứu chuộc. Như vậy, Đức Ma-ri-a đã liên kết với Con
ngay trong những định lệnh muôn đời ấy. Tư tưởng này được coi
như đã giải phóng cho những “suy tư thần học về Đức Ma-ri-a.”
Kế đến, Sơ-cô-tô đã chấp nhận mầu nhiệm Đức Ma-ri-a Vô Nhiễm Nguyên
Tội rất lâu trước khi Giáo Hội định tín giáo lý ấy, và ngài đã
trình bày những luận cứ thần học bảo vệ đặc ân này của Đức Ma-ri-a.
Không đồng ý với những tư tưởng thần học đang thịnh hành đương
thời, nhà thần học dòng Phan-xi-cô đã minh chứng rằng việc gìn
giữ Mẹ Thiên Chúa khỏi vương lây nguyên tội không những không
đối nghịch với phẩm giá và địa vị siêu việt của Chúa Ki-tô mà
còn đề cao phẩm giá và địa vị siêu việt ấy đến mức độ tột cùng.
Mẹ Thiên Chúa đã được cứu độ theo một cách thế thần kỳ nhất qua
việc thiên phú ân sủng ngay từ giây phút đầu tiên khi Mẹ được
đầu thai.
“Vị trung gian hoàn hảo nhất có thể sử dụng một hành vi trung
gian hoàn hảo nhất đối với người mà ngài làm trung gian cho. Vì
thế, Chúa Ki-tô đã có mức độ làm trung gian hoàn hảo nhất đối
với người mà Ngài làm trung gian cho. Nhưng Ngài đã không thực
hiện một mức độ trung gian hoàn hảo nào cho bất cứ ai lớn lao
hơn là cho Đức Ma-ri-a... Điều này có lẽ đã không như thế trừ
phi Chúa đã lập công để gìn giữ Mẹ khỏi nguyên tội. Tôi trình
bày vấn đề này theo ba cách: thứ nhất, bằng cách so sánh với Thiên
Chúa, Đấng mà Chúa Ki-tô giao hòa với; thứ hai bằng cách so sánh
với cái ác là cái vì nó mà Ngài giao hòa; và thứ ba, bằng cách
so sánh với trách vụ của kẻ mà Ngài đã giao hòa.”
Giáo thuyết thần học của Sơ-cô-tô không được chấp nhận ngay. Tuy
nhiên các tu sĩ dòng Phan-xi-cô đã ủng hộ và bảo vệ nó. Đến thế
kỷ XV sau Công Đồng Bát-lơ (Basle) thì giáo thuyết này trở thành
ý kiến thịnh hành. Vì thế, ngài được xưng tụng là tiến sĩ về một
trong những đặc ân được ca ngợi nhất của Đức Ma-ri-a - đặc ân
Vô Nhiễm Nguyên Tội. Chân phước Đông Sơ-cô-tô là vị tiến sĩ tuyệt
vời của Đức Mẹ.
A. Buy-ô-nô
|