TÍN
TRUNG
Xem:
- Đức tin Mẹ Ma-ri-a
Tín
trung, về mặt ngôn từ cũng như trong thực tế đều phát sinh từ
đức tin. Nó bao hàm một sự tín thác, và như đức tin, cũng nói
lên sức sống và phát triển. Không chỉ thuần tiếp thụ và bị động,
tín trung còn chủ động thông hiệp với ý chí của đấng mà nó tựa
nương.
“Đức Ma-ri-a đã ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” (Lc 2:51),
điều này không có nghĩa là tự co cụm vào mình, nhưng là khám phá
những yêu sách hàm ẩn trong những lời nói hoặc các biến cố mà
ý nghĩa đầy đủ của chúng sẽ được tỏ lộ dần dần.
Tín trung là yếu tố quan trọng trong việc cấu thành một chủ thể.
Chủ thể không hề bị trói buộc hay chết cứng vì chính sự tín trung,
nhưng nhờ nó mà hướng về tương lai. Mặc dù tín trung luôn giữ
tương quan với quá khứ mà nó được kiến tạo, nhưng đó là một sự
bảo lưu (maintenance) mạnh mẽ có sức làm nên những ngày mai mới
mẻ.
Sự tín trung của Đức Ma-ri-a bao hàm không chỉ một hành vi chấp
nhận. Đó là một nguồn tiến triển trong đức tin đưa Mẹ đến chỗ
hiểu được những lần “từ chối” của Con Mẹ, và những “ngạc nhiên”
mà Chúa giữ lại cho riêng Người. Kiên trung đến cùng, Mẹ nhận
ra đó là những đà tiến để vươn đến thấu hiểu và hoàn thành ơn
gọi của Mẹ.
Đức Gio-an Phao-lô II đã đưa ra một minh họa đẹp về sự tín trung
của Đức Ma-ri-a trong bài giảng tại vương cung thánh đường thủ
đô Mê-xi-cô ngày 26 tháng 1 năm 1979:
“Trong tất cả những tước hiệu tôn vinh tình yêu từ mẫu Đức Mẹ
đã dành cho các tín hữu suốt các thế kỷ qua, có một tước hiệu
ngời sáng, đó là Trinh Nữ Trung Tín (Virgo Fidelis). Sự tín trung
của Đức Ma-ri-a có ý nghĩa gì? Đâu là những chiều kích của sự
tín trung này?.”
“1) Chiều kích thứ nhất là sự tìm kiếm. Đức Ma-ri-a đã trung tín
khi Mẹ tìm hiểu ý nghĩa sâu xa của thánh ý Thiên Chúa trong cuộc
đời Mẹ. Mẹ đã hỏi Sứ Thần: “Quomodo fiet?” (“Điều ấy làm sao có
thể được?”) Trong Cựu Ước, việc kiếm tìm này được diễn tả bằng
một cụm từ xinh đẹp mang đầy ý nghĩa thiêng liêng sâu sắc là “tìm
kiếm dung nhan Thiên Chúa.” Không thể có tín trung nếu chúng ta
không có sự tìm kiếm lắng sâu này, nếu chúng ta không thể tìm
thấy trong con tim nhân loại của mình một câu hỏi mà chỉ duy mình
Thiên Chúa mới là câu trả lời cho nó.”
“2) Chiều kích thứ hai của tín trung là sự đón nhận. “Quomodo
fiet?’’ được biến thành lời Fiat nơi môi miệng Đức Ma-ri-a. Fiat,
xin vâng, tôi sẵn sàng, tôi chấp nhận. Đây là phút giây chân lý
cần sự tín trung, phút giây mà con người nhận ra rằng họ không
bao giờ có thể hiểu được đầy đủ lý do tại sao trong chương trình
của Thiên Chúa lại có nhiều lãnh vực mầu nhiệm hơn là những giải
thích, và dù cố gắng đến đâu, họ cũng không bao giờ có thể chấp
nhận mọi sự.”
“Ở đây, nhân loại sẵn sàng chấp nhận mầu nhiệm này và dành cho
nó một chỗ trong tâm hồn họ như Đức Ma-ri-a đã ghi nhớ tất cả
những điều ấy trong lòng Mẹ (Lc 2:19; x. Lc 3:15). Đó là giây
phút nhân loại tự mở lòng cho mầu nhiệm, không như một số người
đã trốn tránh sự ẩn áo khó hiểu, nhưng với sự mở rộng của những
người sẵn sàng để mình bị một điều gì đó - một ai đó - vĩ đại
hơn lòng họ chiếm hữu. Sự chấp nhận được toàn thành nhờ đức tin,
tức là sự hợp nhất hữu thể của chúng ta với mầu nhiệm được mạc
khải.”
“3) Chiều kích thứ ba của sự tín trung là sự gắn bó, sống phù
hợp với điều mình tin, điều chỉnh cuộc sống theo điều mình tin
tưởng, chấp nhận hiểu lầm và những bách hại trước khi chúng ta
đoạn tuyệt với điều chúng ta tin, trước khi có một sự phân cắt
giữa cuộc sống và những điều tin tưởng: đó là sự gắn bó. Ở đây
chúng ta thấy có lẽ là cốt lõi thâm thúy nhất của sự tín trung.”
“4) Nhưng trung tín phải qua được cuộc thử thách khó khăn nhất,
đó là sự tận trung (perserverance). Tận trung là chiều kích thứ
tư của trung tín. Gắn bó ngày một ngày hai là điều dễ dàng, nhưng
gắn bó với niềm tin trọn cả cuộc đời mới là điều khó khăn, nhưng
lại là quan trọng. Gắn bó trong lúc vui là điều dễ dàng, nhưng
trong giờ thử thách mới là điều khó khăn. Và chúng ta chỉ tận
trung khi ta bền vững suốt cả cuộc đời.”
“Tiếng Fiat trong ngày Truyền Tin của Đức Ma-ri-a đã được hoàn
thành trong tiếng Fiat của Mẹ dưới chân Thập Giá. Tín trung là
một mực trung thành nơi riêng tư điều chúng ta đã tuyên bố công
khai...”
“Trong giờ phút trang trọng này, Tôi mời gọi anh chị em hãy tiến
bước trong sự tín trung ấy. Tôi kêu mời anh chị em hãy biến nó
thành một sự tín trung mạnh mẽ, sáng suốt với Giáo Hội hôm nay.
Đó không phải là những đặc điểm giống như sự tín trung của Đức
Ma-ri-a sao?”
A. Đơ-lơ-san
|